Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

GIÀ

Canh Dưỡng Sinh đang nóng lên thành một cơn sốt trong các Cộng Đồng người Việt tại hải ngoại. Các nơi khác ra sao tôi không được rõ chứ ở Montréal của tôi, nó lây lan đến chóng mặt. Hè 2003 vừa qua, khi tôi đang ở Santa Ana, một anh bạn ca tụng thứ thuốc chỉ nấu bằng những lá và củ thông thường, tôi ừ hử nghe mà không chăm chú. Anh bạn dúi cho một tập tài liệu bảo về đọc khắc biết. Đọc thấy hấp dẫn thật, tìm tới một tiệm tạp hóa Đại Hàn mua củ ngưu bang về nấu thử. Tiệm vắng tanh vắng ngắt, khách chỉ có hai bà già Á Châu đang đẩy xe. Chẳng biết hình dáng cái củ mình đang tìm kiếm ra sao, tôi định hỏi anh chàng bán hàng, thì nghe được câu tiếng Việt. Đây này, thiếu khối gì! Hai bà khách, mỗi bà cầm lên một bao ni lông có chứa những khúc nâu nâu như những khúc củi nhóm bếp. Nhà tôi xà vào hỏi chuyện. Củ này dưới mấy tiệm mình nơi đường Saint Denis cũng có bán nhưng giá tới 20 đồng một ký, đây chỉ có mười đồng. Hai bà hào hứng nói về Canh Dưỡng Sinh và chỉ cho tôi xuống một tiệm Việt Nam mua cuốn sách chỉ dẫn được photocopy lại, giá 5 đồng một cuốn. Cậu phải đọc rồi mới biết! Một bà căn dặn một cách thành kính và cẩn thận.
Đọc mới biết thứ canh này chữa bách bệnh. Từ ung thư, AIDS tới áp huyết cao, tiểu đường, sơ gan... Lại còn làm mờ đi những vết đồi mồi (cái dấu chứng đáng ghét của tuổi già!), làm đen tóc, căng da... Các bà mê tít thò lò liền! Lại còn giúp uống rượu không say. Các ông muốn thử ngay! Thế là đổ xô nhau mua mua, bán bán, nấu nấu, uống uống.
Trong tiệm, người người đầy nhóc, vừa lựa, vừa dành, vừa mau mắn trả tiền. Cứ loạn cả lên. Nhìn lại, đa số là các cụ già dắt díu nhau, mặt tươi rói, làm như đã bắt lại được nguồn sinh lực đã mất. Già! Chỉ nghe thấy cái tiếng cộc lốc đó đã thấy nản. Nó là cái tuổi làm cho thân xác trở thành vùng oanh kích tự do của bệnh tật, cái tuổi thuốc nhiều hơn cơm, cái tuổi vội vã níu kéo ngày tháng đang dần cạn.
Trong một tiệm ăn, một bàn tám ông bạn tôi, lỗ chỗ tóc bạc, tóc tiêu nhiều hơn muối, cười cười nói nói vui vẻ. Can cớ gì vậy? Hỏi ra mới biết các ông cùng chung một tuổi, tuổi con trâu. Hỏi thêm nữa mới hay là các ông đang tụ tập chén tôi chén bác mừng cho kiếp kéo cầy vừa chấm dứt, trả lại cầy bừa cho đám trẻ. Trâu trả lại cày bừa cho đồng ruộng, ta về nhà ta nhẩn nha. Hỏi thêm nữa về dự tính sẽ hưởng già như thế nào, các ông cười. Cứ phè ra! Sáng khỏi thức dậy sớm, khỏi chong mắt nhìn mặt đồng hồ, khỏi khóc cười với tuyết. Thế là sướng rồi. Một ông ngôn một câu mất sướng. Chỉ còn có mỗi một việc nuốt những viên thuốc. Ông khác. Còn coi cháu nữa! Về già, hình như chỉ còn lợi ích kinh tế duy nhất: coi cháu. Và đó có lẽ cũng là giá trị duy nhất của người già nơi xứ người! Có ông bà coi sóc cháu, đưa đón cháu đi học, chơi với cháu, dẫn cháu đi chỗ này chỗ kia, cũng đỡ lắm. Đỡ cái phiền phức phải gửi con. Vừa tốn tiền, vừa không an tâm. Một bà cười như mếu. Đó cũng là nguồn vui đấy ông ạ, chẳng lẽ cứ ngồi nhìn nhau như hai con khỉ già!
Mấy năm trước, họa sĩ Trịnh Cung ghé chơi Montréal. Rảnh ít phút là nhấc điện thoại phôn về Cali. Ông có bồ nhí bên đó hay sao vậy? Liếc mắt, lừ một cái. Bồ cái con khỉ ấy! Nói chuyện với cháu đấy các ông ạ. Đi chơi, cứ xà vào hàng bán quần áo, đồ chơi con nít. Mua chút quà về cho cháu. Cho nó vui! Bạn bè chưa thấy mặt vui của cháu, nhưng thấy mặt ông như mở hội. Xuống giọng tâm sự. Lúc nào các ông có cháu thì biết, thương lắm các ông ạ! Thương còn hơn thương con ngày xưa nữa! Một ông phân tích. Ngày xưa, lúc mình có con, mình còn trẻ, còn bay nhảy, còn trăm công ngàn việc, không có tâm trí và thời giờ thương con trăm phần trăm, bây giờ, già rồi, chim chỉ biết nhẩn nha từng bước, cánh xệ rồi, bay chi nữa, đành dồn tất cả cho cháu, thương ơi là thương!
Ông Luân Hoán bây giờ cũng mải mê với cháu. Cháu có phá phách, giật đổ giật bể đồ đạc cũng cứ ngồi cười. Một đứa cháu ra đời, thơ cũng vung vít cựa mình.
đất trời thơm ngỡ hoa
tâm nhẹ tưởng hoan ca
hóa ra là không phải
chỉ đời thêm Nina.
Lần hai.
Montreal thơm lá thơm hoa
giữa xuân vàng đón Lyna vào đời
nghiêng vai mây đứng giữa trời
thòng tay ve vuốt mắt môi ngập ngừng
........
Lần ba.
Black Foot Idaho
tuyết bay phai nắng sớm
chợt nở nụ ca dao
giữa sáu giờ chín phút
ngày mười một tháng hai
nhằm ba mươi tháng chạp
Vincent nằm trên vai
Việt Nam vào nguyên đán
không bén hương quê nhà
vẫn thơm tình nguồn cội.
Nhưng ngộ nhất là ông Thế Uyên. Người suốt một đời văn vẫn chưa hết rung cảm với những đồi những núi của người nữ, vậy mà bây giờ cũng mê cháu. Trong cuốn Những Người Đã Qua vừa được nhà xuất bản Văn Mới in trong năm 2003, Thế Uyên như đã già đi những đam mê. Vẫn mặn với người nữ, nhưng đồng thời lại yêu cháu. Cháu xem chừng cũng ngang ngửa với người nữ! Vợ chồng tôi đang ở chung hòa thuận với ba con trai hai con dâu và hai đứa cháu đầu tiên- tôi không ngờ đến tuổi này tôi lại có thể yêu thích các cháu đến như vậy, mỗi khi mẹ mấy cháu bồng con về thăm bên ngoại, tôi nhớ cháu ngẩn ngơ.(trang 149)
Ông anh tôi, suốt một đời làm chơi ăn thật, lè phè rất mực, tiền bạc phủ phê. Về già coi bộ lại hết lè phè, rất chí thú trông cháu, mệt thì có mệt, đôi khi vừa ngáp sái quai hàm vừa bầy trò cho cháu chơi. Chán cũng chẳng được. Cứ làm hề suốt ngày cho cháu cười thì mình cười làm sao được! Làm hề? Trời đã định như vậy rồi!
Chuyện như thế này.
Thượng Đế tạo ra con bò và bảo: “Con phải ra đồng làm việc suốt ngày với nhà nông, chịu nắng nôi, phải sanh đẻ để truyền giống, cung cấp nhiều sữa để giúp chủ. Ta sẽ cho con sống 60 năm”.
Con bò thưa lại: “Cuộc sống khổ cực như vậy mà Ngài bắt con sống tới 60 năm sao? Con chỉ xin sống 20 năm, trả lại Ngài 40 năm”. Thượng Đế chấp thuận.
Ngài lại dựng nên con chó và nói: “Con phải nằm suốt ngày trước cửa nhà, thấy người xông vào nhà hay đi ngang qua con phải sủa. Ta cho con cuộc sống dài 20 năm”.
Con chó thưa lại: “Sao Ngài bắt con sủa lâu quá vậy? Con chỉ xin 10 năm, trả lại Ngài 10 năm”. Thượng Đế thở dài, gật đầu.
Ngài tạo nên con khỉ và bảo: “Suốt đời con phải làm trò khỉ cho người khác cười. Ta cho con sống 20 năm”.
Con khỉ khóc và thưa lại: “Phải làm trò khỉ suốt 20 năm thì chán quá, thưa Ngài. Con chỉ xin sống 10 năm, trả lại cho Ngài 10 năm”. Thượng Đế cũng chấp thuận.
Cuối cùng, Thượng Đế tạo nên con người và nói: “Ăn, ngủ, chơi, làm tình, hưởng thụ. Con không phải làm gì cả, chỉ có mỗi một việc hưởng thụ, hưởng thụ mà thôi! Ta cho con sống 20 năm”.
Con người thưa: “Ngài nói sao? Chỉ 20 năm thôi à? Không, không thể vậy được. Con xin thưa với Ngài như thế này: con lấy 20 năm Ngài ban cho con và xin thêm 40 năm con bò trả lại Ngài, 10 năm con khỉ không nhận, 10 năm con chó chê. Như vậy là Ngài cho con tất cả là 80 năm. Xin Ngài chấp nhận cho.” Thượng Đế dễ dãi gật đầu.
Như vậy, con người chúng ta đã sống 20 năm đầu chỉ biết ăn, ngủ, chơi, làm tình, hưởng thụ và phè ra chẳng làm gì cả. 40 năm kế tiếp, chúng ta vất vả phơi lưng ra nắng để kiếm ăn. 10 năm kế đó, chúng ta làm trò khỉ để giải trí cho cháu. Và 10 năm sau cùng, chúng ta ngồi trước cửa nhà sủa một cách giận dữ với ông đi qua bà đi lại.
Câu chuyện trên tôi thuổng được trên internet.
Người ta thường vẫn nói tới kiếp sống. Tôi tưởng chỉ có một kiếp, hóa ra có tới bốn kiếp lận! Vậy thì cuộc sống có dài thêm ra không? Không có đâu!
Một buổi tối, tôi đến chơi nơi nhà trọ của nhà thơ Tô Thùy Yên trong thời gian anh ở chơi Montréal. Khi tiễn tôi ra xe về, đã nửa đêm, trời căm căm, cây cối đã say giấc, nghe tôi nói mai phải đi làm sớm, anh giương mắt. Anh còn đi làm à? Tôi gật đầu. Trầm ngâm một lúc, anh mới chậm rãi một câu tiếng Anh. Life is short! Đời ngắn, ai chẳng thấy! Thoắt cái mà Saigon những ngày nhởn nhơ nơi quán Cái Chùa đã ngót nghét 30 năm. Từ ngày đó đến giờ, chúng tôi không gặp Đặng Phùng Quân, người tới từ Houston, Texas.
Chúng tôi đây là Luân Hoán, Trang Châu, Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Song Thao ở Montréal, Trần Doãn Nho, Phan Xuân Sinh ở Boston. Chúng tôi tụ họp nơi đây để dự đám cưới con gái của nhà thơ Tô Thùy Yên. Nhìn nhau thấy đã bàng bạc khói sương. Già rồi, chuyện đi đứng nghe chừng đã biếng nhác. Không có dịp thì ngại đi. Phải có cái trẻ trung của một đám cưới, cái níu kéo của số đông bạn bè thì cái thân rệu rạo mới cất bước làm một chuyến đi. Chuyến đi sáu giờ bay như Nguyễn Xuân Hoàng từ Cali, sáu giờ lái xe như Phan Ni Tấn, Bắc Phong, Lê Hân từ Toronto đổ xuống Montréal hai tuần sau đó. Cũng là một níu kéo của sức trẻ, của con cháu: lễ vu quy của con gái tôi. Sức già như đã kiệt, phải nhờ sức trẻ đẩy phía sau mới đan kết với nhau được.
Những người chơi với chữ nghĩa có cái tình lân lý lạ lùng lắm. Ới nhau một cái là gì cũng vứt bỏ hết, gặp nhau cái đã! Đi tới rạc chân chỉ cần một buổi chuyện trò là cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi. Đám cưới phải có hát hò, vui cười, nhộn nhịp. MC Phan Dụy, một con chim lạ được nhà thơ Tô Thùy Yên dắt tới Montréal, kêu hết người nọ tới người kia lên sân khấu. Vóc dáng thanh nhã, nói năng duyên dáng, lúc tiếng Việt, lúc tiếng Hồng Mao, hát hay, ngâm thơ cũng hay, ngâm Ta Về của Tô Thùy Yên thì, theo Trần Doãn Nho, nghe nhức nhối lắm! Vậy mà nháy nhau một cái, lũ chúng tôi kéo nhau ra ngoài sân trước nhà hàng hết, mặc cho cô Phan Dụy kêu réo ở trong, cứ nhẩn nha trò chuyện. Chuyện xưa chuyện nay. Làm như mới bắt tay nhau tạm biệt ngày hôm qua, hôm nay gặp lại, tiếp nối câu chuyện đang dang dở. Những người viết như có một loại thần giao cách cảm lạ lùng. Xa nhau bao nhiêu lâu cũng cứ như hôm trước hôm sau. Trời đã cuối hè, cơn gió chớm thu đã về đâu đây, chúng tôi người đứng kẻ ngồi. Ngồi cũng là ngồi trên tấm bệ xi măng của chân cột đèn đường. Vất vưởng những câu nói tiếng cười với nhau. Sảng khoái! Xác thân đã rùng mình gai gai mà giọng nói vẫn đầy than đầy lửa, tiếng cười vẫn như ba mươi năm trước. Thời gian cũng e dè lùi bước. Chúng tôi sống lại một thuở Saigon. Một ông hứng chí. Bọn viết lách tụi mình không bao giờ già, chỉ thêm tuổi thôi! Rõ là những ông văn thơ, rặt một tuồng làm biếng soi gương!

10/2003