Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

HỎA NGỤC

Một ông vừa tắt thở được dẫn đi coi Thiên Đàng Địa Ngục để lựa chọn. Tới cửa Thiên Đàng, nhìn vào, ông thấy một cảnh tượng êm ả với các vị thánh chắp tay cầu nguyện. Ông nghĩ trong đầu: sống như vậy thì nản chết! Ông tỏ ý muốn coi địa ngục. Cũng đứng ở ngoài nhìn vào, ông thấy một cảnh tượng vui nhộn. Hồn thì đang nhậu, hồn thì đang coi vũ sexy, hồn thì đang hát karaoké. Vui quá là vui. Ông không cần phải suy nghĩ lâu. Chọn ngay địa ngục. Họ đưa ông vào nơi ông chọn. Cảnh tượng khác hẳn cảnh địa ngục ông đã coi lúc trước. Toàn những lò lửa, vạc dầu sôi, ác quỉ đang tra tấn, hành hạ... Nó lôi ông vào hành tội. Ông lạ lùng quá hét lên:
“Sao hồi nãy tôi thấy địa ngục khác chứ , đâu có giống như thế này!”
Quỷ dữ ồ ề nạt:
“Mày không biết là du khách khác với di dân à?”
Đó là một chuyện tếu, nghe qua rồi bỏ. Nhảm nhí! Đúng là nhảm nhí! Thiên Đàng hay Địa Ngục, đó là nơi phải tới chứ không có quyền chọn lựa. Quyền đâu mà nhung nhăng muốn đi đâu thì đi như vậy.
Bắt Địa Ngục phải Địa Ngục
Cho Thiên Cung mới được phần Thiên Cung.
Chẳng ai biết Thiên Đàng, cũng chẳng ai thấy Địa Ngục. Phải tin là có thôi. Mà tin lại thuộc phạm trù siêu nhiên, đòi chi được kiểm chứng!
Tôi có một ám ảnh với địa ngục. Hồi nhỏ, theo những lớp học bổn (ngày nay gọi là lớp Giáo Lý) tôi được các cha, các thầy vẽ ra cho thấy một cảnh địa ngục dễ sợ lắm. Tai nghe mà người run lên bần bật. Lại được cho coi những tấm tranh vẽ cảnh địa ngục với đủ các cực hình, còn dễ sợ hơn nữa. Riết rồi nhập tâm. Nhưng cái điều làm tôi kinh hoàng hơn cả là chữ “đời đời”. Nếu có tội nặng thì phải sa hỏa ngục đời đời! Về nhà, buổi tối, nằm trên giường, tôi nhìn chăm chăm vào mặt đồng hồ. Chiếc kim chỉ giây uể oải nhấc mình lê đi từng chút. Phải sáu chục bước lê âm thầm như vậy mới được một phút. Sáu chục phút mới được một giờ. Rồi một ngày, một tuần, một tháng, một năm... Trong trí óc trẻ thơ của tôi, một năm đã là lâu lắm rồi. Tết đã lâu mà sao mãi chưa thấy tết trở lại? Vậy mà “đời đời”. Ý niệm thời gian làm tôi sợ toát mồ hôi. Mình sống dựa vào thời gian mà bây giờ thời gian sụp đổ, khủng khiếp quá! Ở trong một nơi chốn nóng nẩy cực hình như vậy trong thời gian không có thời gian! Tôi run lên. Nỗi sợ nằm trong đầu tôi không rời. Nó trở thành một nỗi ám ảnh, một vết đen của tuổi thơ.
Bây giờ người ta chắc không thể dậy trẻ em như vậy nữa. Dọa dẫm trẻ em những điều đứng tim như vậy chắc không còn hợp thời. Lối giáo dục ngày nay dựa vào việc dẫn dắt, khơi dậy óc phán đoán, suy xét, khuyến khích làm nẩy nở cái tâm thiện của trẻ em đối với những sự việc xảy ra chung quanh.
Nhân chi sơ tính bản thiện. Khổng Tử đã ngôn như vậy. Con người có mầm thánh cũng như mầm quỷ trong người. Lấy cái ác xử với đời thì khác, lấy cái thiện đãi cho đời lại khác. Ai thánh thiện bằng Chúa, bằng Phật, những thánh nhân vẫn được xưng tụng là “từ bi hỉ xả”, là “lòng lành vô cùng”. Vậy địa ngục có thể là sản phẩm của những siêu nhân như vậy không?
Ông bạn tôi, cốt nhà giáo, xử sự bao giờ cũng đúng mức với đời, với người. Đạo hạnh cũng vào loại tầm cỡ. Đi chùa đều đều, lại còn góp công góp của xây chùa, hăng hái hoạt động trong các ban Trị sự Chùa... Một bữa, thấy ông lóng rày coi bộ ít lui tới chùa chiền, tôi có ý dò hỏi. Bạn tôi mặt đanh lại. Độ này tôi nghiền ngẫm kinh Phật, ông ạ! Cũng được 5 năm nay rồi. Tôi nghĩ là tôi đã thấy ra một điều, như vén được bức màn hình tướng, mê chấp sang một bên để nhìn cho rõ chân lý hơn. Cái tôi nhìn thấy là Niết Bàn và Âm Ty không ở đâu xa, nó ở ngay đời này, do chính chúng ta tạo nên. Mình làm lành lánh dữ, lương tâm yên ổn, không có điều chi ân hận, vui với mọi người quanh mình, đó là mình đang hưởng phúc Niết bàn rồi đó. Mình gian dối lươn lẹo, tàn ác, xấu xa với người chung quanh, lòng lúc nào cũng như lửa đốt những thù hận oán cừu, đích thị là mình đang ở âm ty địa ngục rồi chứ còn gì nữa. Nói xong ông bạn tôi cười hề hề sảng khoái, mặt mày thảnh thơi, mắt sáng tươi vui.
Địa ngục trước mắt tôi nằm trên trang nhất tờ The Gazette số ngày 15 tháng 10 năm 2003, tờ báo Anh Ngữ duy nhất ở Montréal của tôi. Một bức hình lớn chiếm gần nửa trang báo khổ nhật trình bầy ra cảnh lửa bừng bừng đỏ, xe bị lật đốt cháy nằm ngả ra dọc theo đường phố, cửa hàng bị đập phá ngổn ngang, những thanh niên thanh nữ quần áo tua tủa những đinh, những móc, đậm đặc những vòng lớn vòng nhỏ ở tai, mũi, môi, lông mày, tay gậy tay búa, mặt mũi hầm hầm sát khí như ngạ quỷ đang muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Cảnh tượng đổ nát của một cuộc chiến chăng? Không, cảnh này xẩy ra ngay ở trung tâm thành phố Montréal vào đêm thứ bảy ngày 14 tháng 10 trước đó. 42 chiếc xe hơi đậu dọc theo lề đường bị phá hủy trong đó có 8 chiếc bị cháy rụi hoàn toàn, nhiều cửa tiệm bị đập phá, hàng hóa, máy móc bị dập nát hoặc bị lấy cắp đi mất. Cớ sự sao mà bỗng nhiên khu phố đô hội êm ả bỗng đất bằng dậy sóng? Chuyện có gì đâu! Bar ca nhạc Medley đêm đó có chương trình nhạc punk rock do hai ban nhạc Hoa Kỳ The Exploited và Total Chaos (cái tên định mệnh!) trình diễn. Rủi một cái là không hiểu vì cơn cớ gì mà hai ban nhạc bị chặn lại ở biên giới Mỹ-Canada. Cuộc trình diễn bị hủy bỏ. Ban Điều Hành Bar Medley vừa loan tin và xin lỗi là đám trẻ giận dữ phá phách.
Phá phách hình như là dấu chỉ của tuổi trẻ ngày nay. Đội hockey thắng cúp Stanley, phá phách. Đội banh tròn thua một trận, phá phách. Một ca sĩ ngôi sao xuất hiện, phá phách. Tuổi trẻ nóng rừng rực. Cái nóng tạo nên địa ngục!
Chẳng phải chỉ vì cái nóng. Nhiều khi địa ngục được tạo nên một cách vô cớ. Như tên bắn sẻ ở vùng Maryland và Washington DC năm trước đang được đưa ra tòa xét xử. Cứ khơi khơi nhắm vào người ta mà bắn như bắn chim bắn vịt. Già trẻ, lớn bé, trai gái, đen trắng. Đụng ai người nấy chịu. Chẳng cần phải thù hằn. Cứ mỗi ngày tỉa một hai người. Trong suốt thời gian tên bắn sẻ này hoành hành dân chúng trong vùng đã thực sự sống trong địa ngục của sự sợ hãi. Viên đạn không có mắt, tên xạ thủ không có tim, không có ngay cả đến sự thù hận, cứ thản nhiên nhắm và bấm cò ghim đạn vào một con người ngoài đường phố, bất cứ một con người nào. Đó là một thứ địa ngục bơ vơ!
Địa ngục của chiến tranh, địa ngục của phá hoại, địa ngục của khủng bố. Những địa ngục bị nguyền rủa nhưng vẫn cứ tồn tại từ thời nọ qua thời kia, từ nơi này đến nơi khác, dựa vào nguyên cớ này nguyên cớ kia con người vẫn xô nhau vào địa ngục.
Rồi những địa ngục trần gian như những trại cải tạo trong các nước cộng sản, những nhà tù trong các chế độ độc tài sao vẫn còn ngày ngày lấy trò đầy đọa người khác làm vui?
Sống phải chăng là tạo nên địa ngục cho người khác? Chín tầng địa ngục phải chăng là để chỉ những cấp độ địa ngục của con người? Từ chiến tranh thế giới, chiến tranh Vùng, chiến tranh trong lòng mỗi quốc gia đến những trại cải tạo, những nhà tù, đến những khủng bố, sát hại, phá phách. Và tầng nào là địa ngục trong mỗi chúng ta?
Nhân vô thập toàn. Cổ nhân đã dậy như vậy. Người nào tự thân cũng có những khuyết điểm. Nhưng nhìn ra được khuyết điểm của mình chẳng phải là chuyện dễ. Nó đòi hỏi cái can đảm của một... anh hùng! Rõ ràng chân mình lấm lem đầy bùn đất mà cứ đốt đuốc đi soi chân người khác. Túi khôn của dân gian đã dè bỉu bằng câu: Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm! Trai thì có thể biết (ở trên bàn trong các tiệm ăn chứ đâu xa!) nhưng thờn bơn là cái chi chi? Dân thành phố ngày nay coi bộ chẳng cần biết. Vậy thì ấn bản thành thị của câu trên được cải biên như sau cho dễ “nắm”:
Một chú voi gặp một chị lạc đà trong sa mạc. Đôi mắt ti hí của voi nhìn chị lạc đà một cách giễu cợt
“Này, chị kia, tôi thấy trên thế gian này chẳng có giống nào dị hợm như nhà chị. Sao chị lại để cặp vú trên lưng vậy?”
Chị lạc đà háy đến sái con mắt, chanh chua.
“Này cái anh voi kia! Ai chê tôi cũng được nhưng cái thứ để “của quý” dính trên mặt như anh thì câm miệng lại!”
Cái tôi là cái đáng ghét (chán mớ đời, cứ phải nhắc đi nhắc lại cái câu... đáng ghét này!), nhưng nhiều người luôn luôn chỉ biết tới cái tôi. Tôi là nhất. Cái gì dính vào tôi đều là thứ thượng hảo hạng. Từ cái khệnh khạng khập khiễng này, họ coi người khác không ra gì. Rác rưởi tất cả. Tôi đã nhất thì mọi người chung quanh chỉ có thể từ thứ nhì trở xuống. Chúng là cái thá gì! Cứ việc chê bai, chỉ trích. Thậm chí khi cái tôi được nung nóng lên hôi hổi thì xỉ vả, chửi mắng người khác là chuyện họ dễ dàng làm. Lửa từ trong câu nói văng tứ tung thành những hỏa ngục. Nóng rát mặt.
Hỏa ngục lại có khi từ những cử chỉ coi người khác như không có. Một bữa, tôi đậu xe ngoài đường phố để vào làm. Tôi vừa đậu xong thì có một xe khác xê vào đậu phía sau, cách xe tôi cả thước, choáng một khoảng cách có thể để một chiếc xe khác đậu được. Tôi xuống xe lịch sự nói với người lái xe nên đậu xích lên sát xe tôi để dành chỗ cho người khác. Anh lái xe cũng bước ra khỏi xe, vênh mặt hỏi tôi.
“Anh đậu xong chưa?”
“Xong rồi!”
“Vậy thì việc gì đến anh nữa?”
Nhìn thấy vẻ to con của người đối thoại, tôi thấy chẳng nên có ý kiến gì thêm nữa!
Nhan nhản chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu cái hỏa ngục mini lưu động như vậy.
Hỏa ngục là những người khác. Ông tổ Hiện Sinh Jean Paul Sartre đã phán như vậy. Có cần phải thêm: Hỏa ngục còn ở trong mỗi chúng ta nữa hay không?

10/2003