Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

LÁ THU

Buổi sáng, trời vương vài sợi nắng yếu ớt, gió hây hây lạnh, một chiếc lá nằm cô đơn trên kính trước xe. Chiếc lá mầu đỏ tía, một mầu đỏ không biết tả làm sao, mầu đỏ có lẽ chỉ có thiên nhiên mới pha nổi. Tôi đứng ngây nhìn chiếc lá báo thu. Lá cuốn hút hồn tôi.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, người của thành phố Montréal từ thời mới di tản, nay ngụ cư ở Cali mà hồn như vẫn để lại Montréal. Gặp dân Montréal qua chơi Cali thế nào cũng níu áo nhắn cho gửi lời thăm anh em bên ấy. Bên ấy, Montréal, có những tàng lá đỏ mà mầu lá anh đã cảm thành tên.
Cuối thu rừng thưa mầu dệt gấm
Tùng bách uy nghi tán lá xanh
Những chàng bạch dương đứng ẩn hiện
Dáng người tha thướt như thư sinh.
Mầu dệt gấm. Có lẽ đó là cái mầu của cảm xúc, của tâm hồn hơn là của mắt nhìn. Mùa lá thu Montréal không chỉ có mầu dệt gấm mà còn mầu vàng, mầu hồng, mầu xanh... Mỗi mầu lại có nhiều sắc độ khác nhau. Tất cả tạo thành một rừng thu kéo từng đợt du khách tới ngắm lá. Mỗi độ thu về, các ông bà chủ khách sạn, nhà hàng, giới buôn bán kỷ vật... lại cười toe toét với những đoàn du khách tấp nập đổ tới. Lá thì muôn vạn mầu sắc nhưng tiền chỉ có một mầu xanh. Đó không phải là mầu của mùa thu nhưng đối với giới buôn bán đó mới chính là lá... thu. Thu bằng cả hai tay và chiếc túi!
Thu là một hành động không có vẻ văn nghệ, nhưng giới thu thập đôi khi cũng có tí chút văn nghệ văn gừng. Một cái quảng cáo của một tiệm buôn nằm chiếm cả một trang báo khổ lớn, vàng choé, in hình những chiếc lá thu đang lả tả rơi, với hàng chữ đỏ đập vào mắt người đọc. Lá thu rơi, giá hàng của chúng tôi cũng rơi: 20%, 30%, 40%!
Này, nhờ anh tí nhé! Anh ở Montréal, anh ca tụng mùa thu Montréal, bộ những nơi khác không có mùa thu, không có lá vàng rơi hay sao? Có chứ! Như Paris của thi sĩ Nguyên Sa chẳng hạn.
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Dù sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa.
Paris cũng có lá vàng, nhưng đó là thứ lá vàng vương giả, lá vàng lộng lẫy. Lá vàng khác với lá thu Montréal của tôi. Nhưng mùa thu Paris có cái thần diệu lắm. Nó giật rơi được mọi thứ lá, cứ gì lá vàng.
Hai cô du khách tuổi choai choai tới thăm Bảo Tàng Viện Louvre ở Paris. Họ đứng ngắm say mê bức tượng Apollon nổi tiếng. Những bắp thịt cuồn cuộn trên tượng tỏa ra sức trai cường tráng. Tượng chỉ mặc có mỗi chiếc lá nho ở ngã ba tình. Một cô, vẻ tiếc rẻ, nói với cô bạn. Sao mình không tới đây vào mùa thu nhỉ?
Tiếc cũng là thu. Nhớ cũng là thu. Tại sao người ta cứ đợi tới mùa thu mới nhớ nhỉ? Có lẽ vì mùa xuân ham chơi nên quên nhớ, mùa hè áo một manh quần một mảnh nên không tiện nhớ, mùa đông cái gì cũng co lại nói chi cái nhớ! Mùa thu, mấy ông bà thi sĩ nhớ hung hãn lắm. Thơ nhớ đầm đìa, nếu rảnh rỗi thời giờ thu góp lại cũng in được nhiều pho tuyển tập. Nhớ cái gì? Nhớ lang bang đủ thứ nhưng nhớ nhiều nhất vẫn là nhớ những người tình đã gài số de, nhớ những mối tình đã lãng đãng thành mây thu.
Cũng là nhớ người tình, cũng là tưởng lại những mối tình, nhưng nỗi nhớ dài nửa vòng trái đất, nỗi nhớ xuyên gần ba chục mùa thu di tản, là nỗi nhớ đặc thù của những nhà thơ của chúng ta.
Khi tôi nghe mùa thu trở về
Thả sương bay mù tầm mắt,
Buổi sớm
Ngập ngừng bước chân
Xuống phố,
Dùng dằng nhớ những lối xưa.
Sau màn sương là em,
là quán,
là mùa cũ quay về,
ẩm ướt hiên mưa.
Nhà thơ Cổ Ngư ở Paris đã quay về như vậy. Nhà thơ Hoàng Chính, ở Canada, cũng gặm nhấm một mùa thu xa lắc xa lơ.
Em có giấu mùa thu trong mắt ướt
để phố phường vàng úa lá đường phong
để anh về gặm nhấm nỗi chờ mong
trong những quán cà phê có chiếc bánh tròn donut
trong những phố trống công viên
như vườn Tao Đàn thuở trước
hay bờ hồ Hoàn Kiếm của em xưa
mà bây giờ đã xa lắc xa lơ!
Nhớ coi bộ khó cạn nhưng thu chẳng thể không tàn. Lá đỏ lá vàng một thời rực rỡ nay đều mang thân phận lá khô. Đường phố đầy xác lá đuổi nhau theo những con gió. Những công viên mới ngày nào đầy mầu quan tái làm nao lòng khách du nay đã điêu tàn những xác lá nằm ngang tới đầu gối. Những khu vườn trước nhà, sau nhà nay cũng ngập đầy lá thu chết. Thu dọn tàn tích của mùa thu là cả một vấn đề. Sở Lục lộ thành phố phải ra tay. Cầm đầu Sở Lục Lộ thành phố Montréal chẳng biết có phải là một thi sĩ hay không mà cũng thơ đáo để. Cuối thu, đầu đông, trên những tờ báo hàng ngày, xuất hiện cái quảng cáo khá thơ của Sở Lục Lộ. Hãy cho những lá thu một đời sống khác! Đọc kỹ chi tiết thì là lời khuyên hãy hốt lá khô đem ủ làm phân bón cây. Đã mang vẻ đẹp cho đời bằng một đời sống đầy mầu sắc thì nay hãy cho lá thu một cơ hội làm thực phẩm cho cây cối để có những cụm lá rực rỡ cho mùa lá sang năm. Trong mỗi sự tàn tạ đều có ngầm chứa sức phục sinh. Đó là sự tiếp nối thần diệu của cuộc sống.
Tuổi già là cái tàn tạ đứt đuôi đi rồi. Đó là mùa thu của cuộc đời.
Một ông tuổi cuối thu mới sắm được một đôi giầy rất ưng ý. Vừa bước vô nhà, ông liền khoe với vợ.
“Này bà! Bà có nhận ra điều gì khác lạ trên người tôi không?”
Bà vợ nhìn sơ rồi đáp.
“Tôi chẳng thấy gì khác lạ cả! Vẫn cái áo ông mặc từ tuần trước. Cái quần cũng vậy!”
Bực mình, ông vào phòng cởi bỏ hết quần áo, chỉ mang đôi giầy, ra hỏi bà vợ.
“Thế nào, bây giờ bà có thấy điều gì khác lạ trên người tôi chưa?”
Bà vợ thở dài.
“Tôi chẳng thấy điều gì khác lạ cả! Vẫn là cái kim đồng hồ lúc nào cũng chỉ sáu giờ rưỡi!”
Ông phát cáu.
“Phải rồi! Nó chỉ sáu giờ rưỡi bởi vì nó đang nhìn xuống đôi giầy mới của tôi đây này!”
Bà vợ bỗng tươi tỉnh hẳn lên.
“Vậy ngày mai ông đi mua nón mới đi!”
Ngày mai? Chắc phải là một ngày nắng xuân. Có còn mùa xuân nào cho ông bạn già của chúng ta hay không?

12/2003