Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

PHÔN TAY

Buổi tối, chúng tôi, một nhóm người viết lách ở Montreal ngồi nhâm nhi cà phê ở Al Van Houtte, lang bang chuyện kim cổ, chuyện xa gần, chuyện trời trăng, chuyện viết lách với nhà văn Nam Dao, từ Quebec lên chơi. Tiếng điện thoại di động reo. Tôi bắt phôn. Xong. Nam Dao nhìn tôi, với nụ cười tinh quái như chế giễu. Các ông dại quá đi mất, ôm cái cục nợ đó vô người thì chẳng còn một xó xỉnh riêng tư nào cho mình nương thân nữa! Tôi cười vớt vát. Nhưng mà nó tiện lắm, ông ạ!
Tiện, ai cũng phải công nhận như vậy. Lúc nào người thân, bạn bè, khách hàng cũng ở trong túi mình. Lỡ có xảy ra chuyện gì, ới ông 911 cũng dễ. Nhưng chỉ có tiện thôi sao? E rằng không chỉ như vậy! Dắt cái điện thoại di động trong người như đeo một chiếc đồng hồ đắt giá, một chiếc nhẫn hột xoàn, một cái cà vạt loại sang... Nó là một món đồ trang sức! Trong tiệm ăn, ngồi vào bàn, chưa mở thực đơn đã vênh mặt dằn chiếc điện thoại trên bàn. Tới chỗ đông người, chiếc điện thoại lắt lẻo trên bụng, nó có reo hay không, không cần. Chỉ cần nó kéo được những cặp mắt ngưỡng mộ của người khác. Nhưng nếu nó reo thì vui hơn. Nhất là khi nó hớn hở mang giọng nói của người mình đang mong chờ tới thì... nhất.
Sương rơi thút thít ngoài hè
Lòng anh rấm rức quá nè, chẳng sai
Cái phone trở chứng ba gai
Nằm im dấu mỏ mặc ngày qua nhanh
Cái phone chẳng hiểu lòng anh
Không reo một tiếng thiệt đành đoạn ghê.
(Quan Dương)
Nhiều khi cái phôn có làm thinh thì cũng làm như nó đang hét toáng lên. Kê điện thoại lên tai, nói năng ồn ào, như nói cho người chung quanh chứ không phải nói cho chiếc điện thoại nó chuyển đi. Thời vàng son đó bây giờ qua rồi!
Điện thoại cầm tay bây giờ như lá mùa xuân. Tràn đầy. Hình như người nào cũng dắt bên người chiếc máy biết la này, trừ ông Nam Dao. Theo ông Jorma Ollila, Chủ Tịch kiêm Giám Đốc Điều Hành của Nokia, thì tới năm 2008, thế giới sẽ có 2 tỷ người dùng phôn tay, và tới năm 2015 thì con số này leo lên tới 4 tỷ, một nửa dân số thế giới! Sao nó leo nhanh như vậy? Đó là nhờ giá cả càng ngày càng rẻ. Theo Rich Templeton, Giám Đốc Điều Hành của công ty sản xuất chip cho điện thoại di động Texas Instruments, thì không bao lâu nữa, người ta sẽ có một chiếc điện thoại di động có thể chụp hình và có thể truy cập được internet với giá 50 đô Mỹ. Ngay bây giờ nhiều hãng đã cho không khách hàng máy điện thoại nếu thuê đường dây trong khoảng từ 1 năm đến 3 năm. Càng thuê dài hạn thì càng được biếu không máy điện thoại thứ xịn hơn. Thị trường điện thoại di động đang nóng khủng khiếp. Để cạnh tranh nhau, có hãng còn sẵn sàng đổi miễn phí điện thoại cũ của hãng khác lấy điện thoại mới của hãng mình. Tôi khoái cái vụ này lắm. Bởi vì cái điện thoại cũ của tôi, một cục, ném chó chó chết, tự nhiên biến thành cái điện thoại mới, gọn ghẽ, màn ảnh màu, đèn xanh đèn đỏ chớp tắt đến chóng mặt, mà chẳng phải móc túi chi thêm một xu nào cả. Đã điếu hết sức!
Điện thoại di động bây giờ bèo như vậy nên chẳng lo mất điện thoại nữa. Ngày trước, (chỉ mấy năm trước chứ có bao xa!) quên điện thoại trong xe hơi là có nhiều phần cửa xe bị đập. Bây giờ quên điện thoại ở đâu quay lại vẫn thấy “chàng” ngoan ngoãn nằm yên vị chờ chủ nhân tới tìm lại. Tuy vậy, điện thoại rơi vãi nơi công cộng không phải là không gây ra những chuyện làm há hốc miệng người chung quanh.
Năm ông có mặt trong phòng tắm rửa và thay quần áo sau một buổi chơi golf, bỗng tiếng reng vang lên từ một chiếc điện thoại di động trên một băng ghế trong phòng. Một ông vội nhấc điện thoại lên.
- Allô
- Cưng đó hả? Em đây. Anh đang ở hội quán sân golf phải không?
- Ừ!
- Hay quá! Em đang ở trong khu thương xá cách sân golf có vài khu phố. Em thấy một áo khoác bằng da rất đẹp. Anh à, cái áo trông thật dễ thương! Em mua được không anh?
- Bao nhiêu vậy?
- Chỉ có 1000 đô thôi!
- Một ngàn đô à? Được! Em cứ mua nếu em thích!
- Anh à! Em cũng có ghé qua đại lý xe Mercedes, họ đã trưng bày những kiểu xe 2005 rồi anh ơi. Em thấy một chiếc mà em rất thích. Em nói chuyện với anh chàng bán xe và họ cho một cái giá thật rẻ... Và bởi vì mình cần đổi chiếc BMW mua năm ngoái...
- Họ cho giá bao nhiêu hả em?
- Chỉ có 60 ngàn đô thôi!
- OK, nhưng mà với giá đó anh muốn có đủ mọi option trong xe.
- Anh đừng lo, em biết tính anh rồi. Cái gì cũng phải nhất mới chịu! À, mà còn một việc nữa...
- Gì nữa em?
- Em vừa coi trương mục của mình, còn khá tiền anh ạ. Sáng nay em gặp ông courtier quen. Ông ấy giới thiệu với em căn nhà ở khu Mont Royal. Nhà lớn , đẹp, có hồ tắm phía sau... Anh nhìn thấy phải mê liền.
- Giá bao nhiêu vậy em?
- Chỉ có nửa triệu thôi! Thật rẻ anh ạ!
- Vậy thì em còn chần chờ gì nữa! Nhưng nhớ phải trả giá một chút nhé!
- Được rồi, cưng... Cám ơn cưng nhiều! Em sẽ gặp lại cưng tối nay nghe! Em yêu anh lắm!
- Anh cũng yêu em lắm!
Người đàn ông tắt và gấp máy điện thoại lại trong khi các ông khác nhìn ông với những cặp mắt kinh ngạc đầy vẻ thán phục. Ông giơ cao chiếc máy lên và hỏi. “Các ông có biết ai là chủ nhân của chiếc máy này không?”
Tại Việt Nam, điện thoại di động chạy đầy đường. Anh chị nào cũng kè kè bên người lấp lánh. Cửa hàng bán thẻ xử dụng điện thoại cũng đầy phố. Xó xỉnh nào cũng thấy. Hình như điện thoại di động bên đó chỉ xài toàn thẻ không thì phải. Không có lối xài bao hàng tháng như bên đây. Giá một chiếc điện thoại còn khá mắc. Ông bạn tôi giúi cho tôi chiếc điện thoại trông khá đẹp và thanh. Ông giữ kỹ nhé, đừng lơ là kẻo bị giật đó, bên đó chắc chẳng ai thèm, nhưng bên đây, tôi mua nửa xín đấy ông ạ. Tôi nói tiền đô Mỹ đó! Bỗng nhiên phải ôm một cái gia tài nho nhỏ đi nhung nhăng ngoài đường, tôi ngại. Ông bạn tôi trấn an. Không sao! Tôi có cái mới đây rồi, bà xã tặng hôm sinh nhật tôi, cái này chụp hình được, ông quay mặt vô đây. Chụp nhé! Cũng hơi đắt. Bảy trăm ông Hoa Thịnh Đốn đấy ông! Ở cái đất nước cửa đóng lâu ngày quá nên tối tăm, mới mở cửa nên còn chói ánh mặt trời, anh nào cũng say ánh nắng. Trên chuyến máy bay của Hàng Không Việt Nam từ Hà Nội vào Sài Gòn vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đang chạy trên phi đạo, tiếng cô tiếp viên trên máy phóng thanh yêu cầu hành khách đừng mở điện thoại di động cho tới khi máy bay ngừng hẳn. Tiếng cô chưa ngừng thì có tới quá nửa số hành khách đã kê điện thoại vào miệng, nói ồn ào như một cái chợ vỡ. Tôi nhìn quanh, hình như họ đều là những người có quyền thế cả. Đi máy bay, không cán bộ thì cũng thương gia thứ bự!
Xài điện thoại tay ở Việt Nam là “khẳng định” chính mình. Điện thoại phải xịn đã đành mà số điện thoại cũng phải đẹp. Một ông tên là Toản ở phố Giảng Võ, Hà Nội, đã nói với phóng viên báo chí. Đây là lần thứ bảy tôi thay số điện thoại, hết Vina, Mobi, Cityphone, bây giờ thì chuyển sang S-Phone. Tôi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền kha khá để có được một bộ tứ quý 8! Thế nào là số đẹp? Có thể hiểu là những số dễ nhớ, hoặc những số được giới làm ăn hay những người mê tín quan niệm sẽ mang lại cái hên, sự thuận lợi cho họ. Số đẹp, theo một anh tên Hưng, cũng dân Hà Nội, là số 8. Nó mang lại cho anh sự may mắn trong công việc. Anh thường lang thang trên internet, lùng sục các đại lý điện thoại lớn để rình con số như ý.
Một bộ tứ quý 8 có bốn số chót là 8888 có giá từ 10 đến 25 triệu đồng! Cửa hàng Vân Yến trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, lúc nào cũng tấp nập người vào mua số đẹp. Họ lập hẳn một bản danh sách dài hàng vài trăm số của 4 mạng Vinaphone, Mobiphone, S-Phone và Cityphone để khách lựa chọn. Tùy theo túi tiền, khách có thể chọn tứ quý hay bộ tam, số tiến hoặc số lặp... Đắt giá nhất vẫn là bộ tứ quý 8, người mua phải đặt trước vài tuần mới có! Công ty Fonprimex ở đường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, còn chủ động sưu tầm các bộ số đẹp để bán với giá cao. Loại số VIP thường để dành biếu các sếp, loại số đẹp thì dân buôn bán hoặc dân lắm tiền của chi ra vài chục triệu là... chuyện nhỏ!
Dân xài điện thoại di động ở Việt Nam được liệt vào loại sành điệu. Như ở các nước Á Châu khác.Theo một nghiên cứu của hãng Strategy Analytics (Mỹ) thì phần lớn máy điện thoại di động có gắn máy chụp hình được tiêu thụ ở các nước Á Châu. Trong năm 2003, trung bình cứ 6 máy điện thoại di động bán ra thị trường thì có 1 máy có gắn máy bộ phận chụp hình, nhiều gấp 5 lần so với năm 2002. Tổng số máy có gắn bộ phận chụp hình được sản xuất trong năm 2003 là 520 triệu và dự đoán trong năm 2004 là 580 triệu máy. Trong khi đó, máy chụp hình thứ thiệt chỉ bán được 49 triệu máy trong năm 2003!
Điện thoại di động có gắn bộ phận quay phim đang... động đậy dữ tại Bắc Mỹ. Người ta mang máy vào rạp chiếu bóng trong các buổi chiếu ra mắt trước hoặc trong các xuất chiếu đầu tiên, quay đầy đủ bộ phim mới tinh, bỏ vào computer tu chỉnh lại, rồi in ra thành DVD bán với giá rẻ mạt trên đường phố. Với cung cách “ăn cắp” này, phim The Hulk mới đây đã được bán ngoài phố ba tuần trước khi chính thức được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng! Các nhà sản xuất phim đã “rào giậu” sau khi đã bị mất bò. Vào rạp hát bây giờ, bạn có thể bị kiểm soát như trước khi lên máy bay ở phi trường. Họ tìm các máy thu hình tí hon hoặc điện thoại di động có gắn bộ phận quay phim. Ngoài ra còn có những “thám tử” được trang bị các máy dò tìm tối tân núp trong bóng tối hoặc sau màn ảnh tìm ra các máy quay đang hoạt động. Chuyện này ở Việt nam thuộc loại... xưa rồi Diễm! Trong chuyến về Việt Nam đầu năm 2003, tôi đã mua được ngay tại Khu Chợ Cũ cuốn phim Người Mỹ Trầm Lặng với giá hai chục ngàn (khoảng hơn 1 đô Mỹ) được quay trộm theo kiểu này trong khi các rạp chiếu bóng tại Saigon và Hà Nội còn đang chiếu. Ai bảo dân Việt mình chậm tiến?
Các nhà nghiên cứu tại Đại Học Carnegie Mellon ở Pittsburg, tiểu bang Pennsylvania mới sáng chế ra được điện thoại Sensay có thể kiểm soát các cuộc gọi tùy theo tâm trạng người xử dụng. Thiết bị hiện đại này, ngoài điện thoại, còn đi kèm với một chiếc hộp đeo vào cánh tay hoặc giây lưng, có gắn cảm ứng. Các nhà nghiên cứu đã nạp sẵn cho chương trình 4 trạng thái cơ bản của người xử dụng: bận và không muốn làm phiền, đang hoạt động, nhàn rỗi và bình thường. Trong tương lai, sẽ có thêm thiết bị phát hiện ánh sáng cho biết vị trí của máy điện thoại, trong cặp hay trong túi quần chẳng hạn, và thiết bị xác định tốc độ cho biết người dùng đang đi bộ, chạy hoặc đứng yên!
Điện thoại di động lềnh khênh như vậy, khi nó... qui tiên thì chôn nó ở đâu? Trung bình một điện thoại di động xài được 18 tháng thì... quăng nó vào kho. Cái xác chết kim loại này bao gồm chì, đồng, cadmium và nhiều độc chất cho môi trường khác. Vứt chúng như vứt rác đâu có được! Ở bên Anh và một vài nước Âu Châu, người ta đã tính trước rồi. Khi bán ra thị trường một điện thoại di động hay các thiết bị điện tử khác, họ đã kèm theo một chứng chỉ... tái sinh rồi. Chi phí của việc tái sinh này đã nằm trong giá bán khi ta mua máy. Chi phí này được gọi là “chi phí điều hành cuối đời”! Ở Bắc Mỹ chúng ta, không có thứ chi phí... dọn dẹp này. Vậy mà mỗi năm chúng ta thải ra khoảng 130 triệu máy điện thoại di động!
Ở Quebec, Hội Nữ Hướng Đạo Quebec có chương trình thu hồi lại những máy điện thoại di động cũ. Họ lập ra những địa điểm thu hồi để tiện lợi cho người tới cho. Xong đem bán cho các cơ xưởng tái tạo ở Mỹ. Mỗi máy họ thu vào quỹ được 4 đô. Cơ xưởng tái sinh phân loại, cũ và cổ quá thì tháo ra để... rì xai, máy tương đối còn xài được thì tân trang lại rồi đem bán cho các nước đang phát triển ở Á Châu, Phi Châu, Trung Mỹ...
Ở Toronto có tổ chức Future Plumding chuyên giúp các hội từ thiện thu hồi các điện thoại di động để bán cho một công ty ở Michigan. Công ty này cũng phân loại và xử lý những điện thoại cũ này. Khoảng 80% có thể mang bán lại được. Một chiếc máy còn tốt, loại xịn, có camera, có thể bán được tới 80 đô! Một số máy được gài thêm số 911 và cho không các nhà tá túc dành cho các phụ nữ bị ngược đãi.
Điện thoại di động cho các phụ nữ bị ngược đãi là điều hay, nhưng nó cũng là điều không hay cho các đấng mày râu bị... ngược đãi!
Điện thoại di động của anh chồng reng.
- Allô!
- Anh đấy à? Chiếc xe của em đề không nổ, anh có thể về coi cho em được không?
- Em nghĩ anh là ai vậy? Anh không phải thợ sửa xe!
Một lúc sau, điện thoại lại reo.
- Anh có thể về nhà được không? Cái TV bị hư chẳng có hình gì hết trơn!
- Này, cô nghĩ tôi là ai vậy? Tôi không phải thợ sửa chữa TV đâu!
Buổi trưa, cô vợ lại phôn phàn nàn về cái cửa bị kẹt không khóa được. Anh ta bực tức gào vào điện thoại.
- Cô làm phiền tôi quá! Cô nghĩ tôi là ai vậy? Tôi không phải là thợ mộc!
Buổi tối, anh chồng về nhà, cô vợ cho biết đã nhờ ông hàng xóm sửa được tất cả. Anh chồng hỏi.
- Ông ta có đòi tiền công không?
- Ông ta đề nghị rằng hoặc là em nấu cho ông ấy một bữa ăn, hoặc là “chiều” ông ta một tí!
- Thế cô đã nấu cho ông ấy ăn món gì?
Lần này thì đến lượt cô vợ giận dữ. Cô la lên.
- Anh nghĩ tôi là ai vậy? Tôi không phải là đầu bếp!

04/2004