Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

XE ĐẠP

Khi được sáng chế ra, xe đạp là một món quà tuyệt vời. Nó giúp người ta nuốt những đoạn đường dài nhanh hơn cái thứ... vừa bằng lá đa đi xa về gần. Nó có giá trị bằng... một con bò! Một anh nông dân được mời mua một chiếc xe đạp đã khăng khăng lắc đầu:
“Thà tôi bỏ tiền mua một con bò sữa còn hơn!”
Anh gạ bán xe cố gắng thuyết phục:
“Hãy thử nghĩ xem! Trông anh thộn tới mức nào nếu cưỡi con bò ấy mà đi!”
“Nhưng nếu tôi cố vắt chiếc xe đạp ấy cho ra sữa thì trông còn thộn gấp bội!”
Cái anh nông dân này ham uống sữa, nói làm chi! Trên đường đi, xe đạp ăn đứt con bò, dĩ nhiên! Nhưng thời của xe đạp cũng ngắn như những vòng đạp pê-đan. Xe gắn máy, xe mô-tô, xe hơi, xe lửa, xe điện... thứ nào cũng có thể cho xe đạp ngửi bụi. Từ một thứ xe tiện ích nhanh nhẹn, xe đạp xuống cấp thành một thứ... đồ chơi! Kỳ vọng hơn vào chiếc xe mảnh khảnh có hai bánh nhẹ nhàng là không thực tế.
Thành phố Montréal của tôi, cứ khi những vạt nắng hè nhuộm vàng những đám cỏ vừa bắt đầu xanh, là xe đạp lại được mang ra chơi. Nhiều đường phố được xẻo một dọc sát lề làm đường đi riêng cho xe đạp. Cũng hai chiều đi lên đi xuống, tấp nập những dân khoái đạp xe chạy đi chạy về như mắc cửi, mặt mũi rạng rỡ như nắng hè. Bạn đừng mất công tìm tôi trong số người này. Không bao giờ có tôi đâu! Mười năm kẹt lại Việt Nam sau 75 là mười năm... đạp. Đạp xe đi làm đã đành, ngày nghỉ còn... cua-rơ tới tận Củ Chi, Bình Dương, Hóc Môn... để kiếm gạo! Hồi đó Saigon gạo hiếm và đắt, có giờ rảnh rỗi là vọt đi các nơi lân cận kiếm về một hai chục kí gạo với giá tương đối rẻ hơn cũng đỡ cho những cái dạ dầy lép kẹp của vợ con lắm. Đạp xe đường dài, chở nặng, gian truân thì có gian truân nhưng vẫn còn... hạnh phúc chán. Nỗi cực nằm trong những mánh khóe qua mặt được sự kiểm soát của không biết cơ man nào là các thứ chức quyền đứng chặn đường đón bắt. Khi thì phải bỏ đường lộ men theo đường ruộng, khi thì phải canh giờ nghỉ của... các thầy để vọt qua, khi bị vào rọ thì kể lể năn nỉ van xin, khi phải lì mặt ngồi hàng giờ để... bảo toàn gạo. Đã có một liên hệ thiếu thân ái với xe đạp như vậy, dễ gì còn can đảm leo lên xe đạp khi xe hơi vun vút qua lại. Ngồi xe hơi dĩ nhiên hạnh phúc hơn chổng mông trên yên xe đạp. Xe đạp, cuối cùng, chỉ có một điểm khả ái là nó giúp cho cặp mắt yêu chuộng những hình ảnh khỏe đẹp có dịp chiêm ngưỡng những cặp đùi tròn trịa đầy sức sống nhún nhẩy trên đường phố! Cái vẻ đẹp... thể thao đó, tuy cũng thích thú nhưng khác xa với những dáng vẻ ẻo lả trên những chiếc xe mini của các nữ sinh áo dài của thuở xa xưa.
cô bắc kỳ nho nhỏ
tóc “demi garcon”
chiều đạp xe vô chợ
mắt như trời bao dung
anh vì mê mải ngó
nên quên thù đám đông!
(Nguyễn Tất Nhiên)
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 mỗi năm là dân xế độp Montréal mở cờ trong bụng. Họ tấp nập đóng tiền tham dự cuộc đạp xe vòng quanh thành phố mang tên Tour de l’Ile. Cuộc đạp xe... hội đồng được tổ chức vào hai ngày Chủ Nhật lieân tieáp. Một dành cho trẻ em và một dành cho người lớn. Ngồi trên yên xe đạp là dân ái mộ xế độp từ nhiều nơi trên thế giới đổ về. Trẻ em đạp 21 cây số, người lớn nuốt 45 cây số. Ai đạp không nổi tới đích thì cứ tự động... tan hàng. Số người tham dự lên tới nhiều ngàn người mỗi năm. Trong số người lúc nhúc hì hục chổng mông này, không có tôi. Vậy mà tôi cũng chưa bằng lòng vì còn phải lầu bầu với nạn cấm đường. Ngày các anh các chị nhấp nhổm trên yên xe đạp là ngày tôi ngồi... viết phiếm! Ra đường làm chi! Không lái xe vòng vèo mua đường cũng phải chờ đợi đến phát điên người lên. Vừa tốn xăng, vừa tốn mồ hôi!
Tháng 7, tháng linh đình của dân Canada, với nắng, với nhiệt độ lên phơi phới, với tắm biển, với phơi nắng, với... chuổng cời. Edmonton, thủ phủ của tỉnh bang Alberta, góp vui với cuộc thi Vô Địch Quốc Tế Đưa Thư Bằng Xe Đạp. Khoảng 500 tay đua từ 18 quốc gia đổ về. Cuộc đua diễn ra khoảng vài tiếng đồng hồ để chọn nhà vô địch giao thư nhanh nhất từ 8 đến 12 điểm đến ở khu trung tâm thành phố.
Chạy xe đạp chuổng cời? Ở đâu? Mấy ông bạn tôi nhẩy nhổm lên hỏi. Montréal nè,Victoria nè,Vancouver nè, Toronto nữa nè! Đó chỉ mới nói ở Canada, còn ở Mỹ, Anh, Tô Cách Lan, Đức, Tây Ban Nha và, không thể thiếu được, Hà Lan. Cuộc chạy hấp dẫn này mang tên World Naked Bike Ride, khởi đầu ở Montréal vào ngày 12 tháng 6 này. Tại sao xe đạp phải cõng một thân hình trần trụi như vậy? Có nhiều lý do. Một là để nhắc nhở mọi người nên dùng một phương tiện chuyên chở không cần xăng nhớt. Thứ nữa là để phản đối sự áp đặt tiêu thụ áo quần. Lý do lớn nhất là đạp xe cởi truồng... fun lắm! Đó là... biện chứng pháp chuổng cời của Rebecca McMackin, Trưởng ban Tổ Chức cuộc đạp ở Victoria!
Hà Lan, vương quốc của xe đạp thì tháng nào cũng là tháng... đạp xe. Mùa xuân 2002, nhà văn Mai Kim Ngọc cũng... góp chân với dân hoa tulip bằng cuộc du lịch Barge And Bike. Ban ngày đạp xe, ban đêm ngủ thuyền. Trên tạp chí Văn Học, số tháng 8 và 9 năm 2003, tác giả đã kể lại trong bài “Hà Lan Du Ký Xe Đạp”: “Mặc dầu văn minh bậc nhất Âu Châu, dân nước này sống gắn bó với xe đạp, từ em bé mới ngồi vững trên poóc-ba-ga được mẹ chở tới nhà giữ trẻ, cho đến vị đương kim thủ tướng đạp xe đến sở làm. Tính theo đầu người, họ nhiều xe đạp hơn Việt Nam. Dân chúng tuổi đạp xe mỗi người trung bình có hai chiếc, một tiện nghi chắc chắn để đi làm, một nhẹ và nhanh để tiêu khiển... Hà Lan quả là thiên đường của xe đạp. Ngay cả vỉa hè bến cảng, từ đầu phố này đến đầu phố kia là bãi đậu xe cho cả ngàn chiếc xe. Phần lớn là xe hạng trung, gia dụng, chắc chắn và có vẻ hơi nặng... Xe đạp có lối đi riêng, chỗ nào gặp đường lớn là được xe hơi nhường”. Không hiểu trong cái thiên đường xe đạp này có bao nhiêu xe đạp Việt Nam? Năm 2003, Việt Nam đã xuất cảng 1 triệu 311 ngàn xe đạp qua Thị Trường Chung Âu Châu. Nói là Việt Nam chứ trong 9 xí nghiệp sản xuất xe đạp xuất khẩu qua thị trường này thì đã có tới 6 xí nghiệp có 100% vốn Đài Loan! Và xe đạp Việt Nam đang bị Hiệp Hội các Nhà Sản Xuất Xe Đạp Âu Châu kiện vì bán phá giá!
Thiên đường xe đạp Hà Lan, có cho không tôi cũng chẳng thèm! Tôi nhất định không... nhập quốc tịch Hà Lan. Cố Tổng Thống Trần Văn Hương có lẽ là người Hà Lan. Khi được bổ nhiệm làm Đô Trưởng Saigon, ông đã đạp xe tới Tòa Đô Chánh nhận chức. Anh gác cửa nhất định không cho vào. Đô Trưởng gì mà chẳng... máy móc chút nào cả!
Xe đạp, chẳng phải cứ nhảy lên là đạp phăng phăng được đâu. Phải tập đi. Có ai trong chúng ta chẳng bị xe đạp vật xuống đường xây xước, máu me, sưng mặt sưng mày ngày tập đạp xe hồi nhỏ không? Những ngày Hà Nội thời đó, lũ trẻ chúng tôi cứ để dành được đồng bạc nào là lo cúng vào các cửa hàng cho thuê xe đạp. Dắt được chiếc xe ra khỏi cửa tiệm, mừng như bắt được của, móc trong túi ra hai chiếc kẹp phơi quần áo bằng gỗ kẹp hai ống quần dài cho xích xe khỏi nghiến, hăm hở leo lên, nhờ một đứa bạn tay giữ yên xe, tay giữ ghi-đông vừa chạy theo vừa đẩy. Lạng quạng như anh say rượu một vài ngày rồi cũng đạp được một mình, sau khi đã hoan hỉ nhận vài cái té. Tập xe đạp, fun lắm!
Trên sân sau của một trường nội trú nữ sinh, các cô đang cười đùa hò hét tranh nhau một chiếc xe đạp. Quá ồn và ngứa mắt, bà Giám Thị bước ra quát to:
“Này các chị! Có bé cái miệng lại được không! Tôi mà lắp cái yên xe vào là mất vui đi đấy!”
Thành thạo đạp xe vẫn không bảo đảm xe không cho đo đất dù là... Tổng Thống. Tháng 5, mùa hè năm nay, Tổng Thống Bush của Hoa Kỳ chán ngồi limousine, đạp 17 dặm xe đạp cho vui. Tới dặm thứ 16, Tổng Thống ngã ngựa! Phát Ngôn Viên Tòa Bạch Ốc Trent Duffy cho biết là Tổng Thống bị trầy da, bầm tím ở cằm, môi trên, mũi, tay phải và cả hai đầu gối! Đủ món ăn chơi! Sau đó Tổng Thống can đảm leo lên xe đạp tiếp cho hết đoạn đường 17 dặm. Chỉ còn 1 dặm chót, suýt soát tới đích, Tổng Thống... thọ hình. Đời ông hình như chỉ là những suýt soát. Bốn năm trước, ông đắc cử Tổng Thống với số phiếu chỉ nhỉnh hơn số phiếu của ông Gore chưa đầy... một dặm! Đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay, ứng cử viên Đảng Dân Chủ John Kerry cũng... té xe đạp. Ông đang cùng các nhân viên mật vụ đạp xe qua Conrad, cách Boston khoảng 18 dặm thì lăn quay khi chiếc xe đạp của ông đâm vào một đụn cát. Xe đạp, dễ chừng chúng có liên quan đến... quốc sự!
Hươu thì có liên quan gì đến xe đạp, vậy mà có! Gần 10 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa hồng là vợ chồng Djoern và Monica Helemb lại... phiền. Vườn hồng đẹp đẽ của họ ở Vuoggatjalme thuộc phía bắc Thụy Điển, luôn luôn được một vị khách không mời tới... thưởng thức. Vị khách có 4 chân, hai tai bị méo mó, không yêu hoa nhưng thích ăn hoa. Năm nay, hai vợ chồng Helamb nghĩ ra một diệu kế: chắn vườn hoa bằng một chiếc xe đạp. Chú hươu tai méo thản nhiên chui đầu qua khung xe đớp hoa như điên. Ăn xong, không rút được đầu ra khỏi khung xe, chú chôm luôn chiếc xe đi bằng cách... cõng xe trên cổ! Khi hai vợ chồng đi tìm xe mới thấy nó nằm cách vườn hoa gần nửa cây số. Chiếc xe bị cong veo, gẫy nát!
Uổng chưa! Ở Việt Nam, sau 75, đã có thời xe đạp là... vàng! Các anh cán bộ từ Nam về Bắc, anh nào cũng thủ một chiếc khung xe và một xách phụ tùng xe đạp. Dân chúng thì quý xe còn hơn thân mình. Đó là chiếc cần câu cơm. Nhiều nơi có thể kiếm bạc được bằng... xe ôm.
Hai anh đàn ông nói chuyện với nhau. Một người bảo:
“Này, có tiền và không có tiền đúng là khác nhau một trời một vực cậu ạ!”
“Cậu nói thế là có ý gì?”
“Này nhé! Ai có tiền thì đi xe hơi, uống bia ôm. Còn ai không tiền thì cố lắm cũng chỉ đi xe ôm và uống bia hơi thôi!”
Xe đạp còn cõng trên lưng đủ thứ hầm bà làng. Ôm đồm như vậy nên nó rất nghênh ngang trên đường phố. Những chiếc xe đạp thồ rất... sáng tạo có thể làm xiếc với vài chiếc lu sành loại lớn ngất ngưởng hai bên xe. Xe chở rơm thì kín mít và phồng ra như một chiếc xe hơi với bác tài chìm mất trong đống rơm. Xe chở than kềnh càng những bao than no tròn như một nàng heo nái nằm chen nhau từ đầu tới... quá đuôi xe. Xe chở gạo cõng bẩy tám tạ trên mình ì ạch bò trên đường phố. Xe chở người, nguyên một gia đình vợ chồng con cái bốn năm trự ép vào nhau... phi thân trên xe!
Xe đạp cần câu như vậy kiếm đâu ra ở các nước khác? Ngay cả vương quốc xe đạp Hà Lan chắc cũng chịu thua. Nói chi tới... đảo quốc Montréal, nơi mỗi năm tiêu thụ khoảng 200 ngàn xe đạp, phần lớn nhập cảng từ Trung Quốc. Martin Schwartz, Chủ Tịch Công Ty Dorel Industries chuyên nhập cảng và bán sỉ xe đạp, cho biết là thị trường xe đạp càng ngày càng phình ra. Nhu cầu thì nhiều mà số lượng xe sản xuất thì có hạn. Sau 41 năm hoạt động, Công Ty mới đạt được mức doanh thu 1 tỷ đô la một năm vào năm 2003. Năm nay, họ dự định bán ra từ 1,6 tỷ đến 1,8 tỷ qua các cửa hàng bán lẻ Costco, Wal Mart và Target ở Mỹ và Canada. Từ 1 tỷ tới 2 tỷ, đoạn đường chắc ngắn hơn đoạn đường 41 năm nhiều, rất nhiều. Ngày nay, dân chúng đang được khuyến khích dùng xe đạp đi làm để vừa làm sạch môi trường vừa cho các anh chủ các hãng xăng hết làm eo làm sách. Thành phố Montréal đang phát động phong trào này dưới tên Ride-to-Work với khoảng 70 ngàn viên chức có thể mượn xe đạp tại 19 địa điểm tại trung tâm thành phố. Muốn mượn xe, dễ ợt!. Chỉ cần xuất trình một giấy căn cước và cho biết nơi làm việc. Nếu đi xe riêng thì rất welcome. Các phương tiện chuyên chở công cộng sẽ sẵn sàng cõng xe đạp vào thành phố. Các chuyến tầu ngoại ô có khoảng 1000 chỗ cho xe đạp, 15 lộ trình xe buýt cũng nhận chở xe đạp và thành phố có chừng 100 tắc xi có giá để xe đạp.
Xe đạp nhiều khi... đạp nhầm ngôn ngữ! Một vị truyền giáo bỏ ra nhiều năm để truyền bá nền văn minh cho một bộ lạc thổ dân. Bỗng một hôm, ông nghĩ là nên dậy họ nói tiếng Anh. Ông dắt vị tù trưởng đi bộ vào rừng, chỉ một thân cây và nói:
“This is a tree.”
Vị tù trưởng nhìn cây, lẩm bẩm: “Tree!”
Họ đi thêm vài bước, vị truyền giáo chỉ một hòn đá và nói:
“This is a rock.”
Nghe thế, vị tù trưởng nhắc lại: “Rock!”
Nhà truyền giáo rất hài lòng. Khi ông nghe tiếng sột soạt trong một bụi cây bèn ngó trộm vào trong và thấy một đôi nam nữ đang quấn lấy nhau. Ông hết sức bối rối và nhanh chóng phản ứng:
“Riding a bike!”
Vị tù trưởng thoáng nhìn đôi nam nữ, lập tức lôi cây súng ra và bắn chết họ. Nhà truyền giáo nổi giận và la mắng vị tù trưởng tại sao đã học lối sống văn minh mà còn giết người một cách dã man như vậy. Vị tù trưởng lạnh lùng nói:
“My bike!”
Xe đạp của tôi! Tôi bỗng nhớ chiếc xe đạp những ngày Trung Học. Chiếc xe dura được chùi thuốc đánh đồng lúc nào cũng bóng loáng như gương là niềm tự hào đối với bạn bè. Những vòng quay lấp lánh đã đưa lũ học sinh vừa chín tuổi mộng mơ chúng tôi thân cận với những chiếc xe mini nhỏ nhắn dễ thương. Đường phố Saigon vàng óng lá me như những mặt thảm êm ái đưa chúng tôi vào những cuộc tình đầu đời. Và khi những cuộc tình vụng dại vụn vỡ làm nhức nhối những con tim còn rất khờ khạo, những vòng quay đã đưa người tình si đi tìm lại tiếc nuối.
Anh nhớ nhà em có cửa sơn xanh
Có một hàng rào, có thầy, có mẹ...
Có ngựa chạy trong trường đua, người đi ngoài phố
Nên anh đạp xe đi
Rồi đạp xe về
Mà chẳng có đôi ta...
Mùa xuân buồn lắm em ơi
Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ
Chiếc xe còn nguyên màu sơn xanh
Nhưng tâm hồn đã ngả sang màu sắt rỉ
Bởi vì từ Saigon lên tận trường đua Phú Thọ
Hết cả tiền uống một ly nước mía
Mà cũng không gặp em
Nên khát đắng linh hồn.
(Nguyên Sa)

06/2004