Cay đắng
Chốn cũ
Giữa đàng
Lẽ ra
Nhảy chân sáo
Niềm vui không trọn
Rong chơi
Tìm về
Trong vùng quên lãng
Tưởng

 

NHẢY CHÂN SÁO

Cô bé có khuôn mặt chẳng lấy chi làm bắt mắt nhưng ánh lên rõ ràng cái duyên hình như được chôn ngầm dưới một đồng tiền bên má trái. Một đồng tiền lẻ. Lẻ như cô đang bị nuốt chửng giữa một bầy du khách ngoại quốc dềnh dàng to béo đang vòng trong vòng ngoài vây lấy cô. Mấy chục cặp mắt đăm đăm nhìn cô, mấy chục cặp tai nghểnh lên hút những lời nói khi to khi nhỏ đang trào ra từ cái miệng thao thao của cô. Đoàn chen chân vào đám thịt thà thừa mứa được gói ghém trong những manh quần tấm áo tuệch toạng của đám du khách chỉ chú trọng tới sự thoải mái vui chơi. Phiến đá cao dưới chân làm Đoàn ngang vai với những thân người ô dề chấp Đoàn cả vài chục cái vạch trên bàn cân. Tiếng nói lảnh lót Đoàn nghe rõ mồn một mà chỉ bắt được những âm thanh trầm bổng. Quen thì có quen đó, nhưng ý nghĩa của những âm thanh quen thuộc này thì Đoàn bù trất. Trước kia, hồi còn là sinh viên, Đoàn cũng có học qua vài lớp tiếng Đức, nói thì võ vẽ, viết thì nhăng cuội, đọc thì ẫm ờ nhưng thích thì thích lắm. Thế nên, lang thang giữa các nhóm du khách, chỗ tiếng Pháp, chỗ tiếng Anh, chỗ tiếng Hoa, chỗ tiếng Nhật, chỗ tiếng Tây Ban Nha rải rác từng đoàn trong hang Sửng Sốt này, Đoàn sà ngay vào những âm thanh của thời sinh viên. Chỉ để nghe cho đã tai. Cô bé nói một thôi một hồi rồi dừng lại, dắt đám du khách tới một nơi khác. Đoàn người khoảng ba chục cái đầu lênh khênh trên những thớt thịt bò mộng ngoan ngoãn đi theo cái dáng loắt choắt đầu một cái mũ cói, thân một chiếc áo bạc màu, một chiếc quần din bạc phếch không kém, thòng thêm một chiếc áo len quấn kín ngang hông được cột thắt hai tay áo thành một nút to bự trước bụng. Chiếc ba lô nhếch nhác, méo xẹo trên lưng như muốn vùi dập tấm thân mảnh dẻ chúi về phía trước. Đoàn chuệch choạng đặt chân lên những phiến đá làm thành những bậc thang lúc lên lúc xuống. Hang mờ mịt trầm trầm như một thế giới không có thật. Những ngọn đèn nho nhỏ nằm bên những bậc thang hắt ra một thứ ánh sáng nhợt nhạt lên lối đi. Từng ngọn đèn pha dấu trong vách đá chiếu những vệt sáng lên những quần thể đá tạo thành những hình thù lạ mắt. Thỉnh thoảng một lỗ hổng trên trần hang bày ra những đám mây xanh ngắt vòi vọi trên cao  như phô bày một thế giới khác, khoảng khoát, vời vợi, xa cách. Nước luồn lách giữa những tảng đá nằm chênh vênh như sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào. Thiên nhiên phơi ra bộ mặt nghịch ngợm quyến rũ mà con người chỉ dám trau chuốt bằng những tay vịn mỏng manh dọc theo lối đi, những thùng rác hình cá cùng chim đang há miệng đón chờ rác và những vệt ánh sáng ơ hờ được dấu khéo léo trong những hốc đá. Những gọt đẽo của thiên nhiên qua bao chu kỳ thời gian làm Đoàn vẩn vơ nghĩ ngợi. Anh cảm thấy nhỏ bé trong bàn tay của Con Tạo.
Đoàn khách dừng chân nhanh chóng quây thành một vòng tròn chung quanh cô bé chân vừa ngưng miệng liền bắt đầu nói. Tay cô uốn éo chỉ lên chỉ xuống kéo theo những cắp mắt rộng mở ngắm nhìn. Đoàn cũng quay ngang quay ngửa, lúc để mắt vào vách núi, lúc ngước lên cao nhìn những chạm trổ không hình thù trên trần hang. Những âm thanh xô đẩy trong tai mà đầu óc anh chẳng bắt được những tín hiệu thoát ra từ giọng nói được không gian chật hẹp trong hang khe khẽ lập đi lập lại. Những tiếng cười, những ngạc nhiên ồ à,  những cái chắc lưỡi suýt soa của đám du khách làm Đoàn như lạc ra khỏi bầy. Cặp mắt cô bé xoáy vào Đoàn như khó chịu trước một sinh vật thừa thãi. Đoàn thấy nhột nhạt nhưng bước chân vẫn cứ lẽo đẽo len lách vào nhịp bước của đám du khách. Cái dáng vừa đi vừa dậm chân mang vẻ tức tối của cô bé làm Đoàn thấy mát bụng. Những điểm dừng chân tiếp theo sau đó, giọng nói của cô bé hơi thiếu tự nhiên, vẻ mặt nằng nặng như đang vác một ba lô bực bội trên lưng.
Đoàn du khách chui ra khỏi hang, ngồi nghỉ ngơi giải khát trên triền đảo. Quầy bán đồ kỷ niệm đông nghẹt người vây quanh. Đoàn mua một chai nước, ra ngồi trên băng ghế gỗ sát lan can phía bờ nước. Cô bé vừa ngậm chiếc ống hút cắm vào một lon nước ngọt vừa xông tới bên Đoàn. Cô thả ra một tràng tiếng Đức. Đoàn ngây người như nghe một tràng sấm lùng bùng trong tai. Miệng anh cố nở ra một nụ cười vu vơ. Cô bé xẵng giọng.
“ Verstehen Sie?’’
Anh có hiểu không? Làm gì mà không hiểu câu hỏi nho nhỏ này. Nó nằm trong mớ chữ còn rớt lại sau những năm uốn lưỡi vặn vẹo tập nói một thứ tiếng phát âm thật vất vả. Anh lắc đầu. Định trả lời một câu tử tế đúng theo văn phạm nhưng anh chịu thua. Miệng cô bé chu lại tức tối. Màu nước cam vàng trong chiếc ống hút trắng nhờ cuống quít kéo nhau chạy lên miệng cô bé. Nhả chiếc ống hút ra, cô bé gằn giọng thăm dò.
“ Anh nói được tiếng Việt không?’’
Giọng nói hơi ngả về âm hưởng tiếng Đức làm Đoàn thấy tức cười.
“ Tiếng Việt của cô vui nhỉ!’’
Mắt cô bé quắc lên. Đoàn nghĩ là lon nước dám bay vào mặt mình lắm. Cô bé bĩu môi.
“ Vậy mà bày đặt theo nghe tiếng Đức. Có hiểu được chút nào không?’’
Đoàn khoái ngầm trong bụng, ỡm ờ.
“ Cần gì hiểu, cứ thấy cái miệng nói tiếng Đức là vui rồi.’’
Cô bé liếc xéo. Mắt như cong lên.
“ Vui gì lảng xẹt!’’
“ Sao lại lảng xẹt? Tôi đã từng học tiếng Đức, nghe thấy âm điệu trầm bổng vẫn cứ thích, theo nghe ké được không?’’
Cô bé dịu lại. Mặt giãn ra một chút.
“ Học tiếng Đức ở đâu vậy?’’
Đoàn dấm dẳn.
“ Ở Mỹ.’’
“ Thích sao không học cho tới nơi tới chốn?’’
“ Giờ đâu mà học! Mà sao cô nói tiếng Đức hay vậy?’’
Cô gái nghếch mặt, cười.
“ Ở Đức không nói tiếng Đức thì nói tiếng gì? Tiếng Mỹ hả?’’
Cái giọng đanh đá làm Đoàn thấy tức cười. Anh chọc.
“ Nói tiếng Việt. Ở Đức mà sao rành tiếng Việt vậy? Bộ ở trường người ta có dạy tiếng Việt hả?’’
“ Ai dạy? Người Việt thì phải biết tiếng Việt chứ!’’
Thấy cái giọng muốn đôi co, Đoàn thích thú.
“ Biết sơ sơ thì có thể. Nhưng rành đến có thể cãi lộn được thì hơi lạ à! Về ở Việt Nam được bao nhiêu năm rồi?’’
Tay chỉ vào ngực, mặt cô bé gân lên.
“ Đây nói tiếng Việt từ nhỏ ở bên Đức chứ không phải học ở đây đâu. Mới về Việt Nam được hơn một tháng thì học hành cái gì!’’
Đoàn thấy cô bé hay hay, nổi tính tò mò.
“ Về làm gì vậy?’’
“ Chơi!’’
“ Chơi sao làm hướng dẫn viên?’’
“ Hết tiền thì phải làm kiếm tiền chứ sao.’’
“ Đi chơi mà hết tiền!’’
Mặt cô bé lại gân lên, tay vỗ vào chiếc ba lô trên vai.
“ Chơi kiểu bụi mà! Tới đâu kiếm tiền tới đó. Lạ lắm hả?’’
Đoàn nhếch miệng cười nhạt.
“ Ồ, hóa ra là Tây ba lô!’’
Cô bé hóm hỉnh.
“ Ta ba lô chứ ! Tây cái gì!’’
Cô quay ngoắt đi, vỗ vỗ tay làm hiệu, nói một tràng tiếng Đức với đoàn khách. Mọi người lục tục bước xuống chiếc cầu gỗ ra bến tàu.
Tàu cặp kè nhau san sát trên bến, chiếc nọ làm cầu cho chiếc kia. Đoàn người kéo nhau nhảy từ tàu này qua tàu khác. Cứ chuyền đi như vậy cho tới tàu của mình. Chiếc tàu của đoàn du lịch Đức nằm mãi ngoài xa. Đoàn ghé qua tàu của anh, bảo bác tài công anh về theo tàu khác, rồi vội vàng nhảy chuyền trên từng chiếc tàu theo kịp đám lố nhố phía xa. Đoàn du khách đày sức nặng làm nghiêng những chiếc tàu vốn đã chao đảo dập dềnh trên mặt nước. Nhìn thấy Đoàn loi choi giữa đám khách trên tàu, cô bé giả bộ ngó lơ. Tàu rúc còi rời bến. Những vạt nước biển xanh rì xô giạt theo thân tàu. Đám du khách kéo nhau lên đứng trên boong nghe cô bé dẫn giải về những hòn đảo tàu đang lướt qua. Cái miệng thao thao tiếng Đức nói không kịp thở. Đoàn chen chân đứng sát bên cô bé vểnh tai nghe như nghe tiếng gió. Cơn gió tiếng Đức bao giờ cũng kết thúc bằng cái miệng vênh váo dí sát vào tai Đoàn nói khẽ tên tiếng Việt của những hòn đảo. Phụ Tử. Ba Trái Đào. Tháp Bút. Gà Chọi... Đoàn chẳng nhìn ra hình chú gà chọi. Chắc cần phải thêm rất nhiều óc tưởng tượng vào. Đoàn bây giờ như ngại tưởng tượng. Anh đang sống với cái thực trước mặt. Anh cười nhạt vào mặt cô bé.
“ Trông có giống gà chọi gì đâu!’’
Cô bé nguýt bằng mắt, tức tối bằng giọng nói.
“ Anh cứng đầu!’’
Đoàn thích thú đã chọc cho cô bé xăng xái này nổi giận được. Những hòn đảo tàu lướt qua sau đó thiếu phần phụ đề tên tiếng Việt cho Đoàn. Tàu cặp bến. Bác tài công ngồi trên chòi lái căng mặt điều khiển cho tàu len vào giữa những thân tàu đã ngủ yên trên bến từ trước. Mấy anh trai trẻ phụ tàu vội vàng chống hai bên thân tàu cho lọt thỏm vào giữa khoảng trống sít sao dành cho tàu. Tiếng hò hét cột neo vang động cả khu bến tàu. Đám du khách hớn hở đu đưa theo tàu như bày trẻ được chơi trò chơi vừa ý. Tàu yên vị. Vài thanh niên đứng giơ tay kéo từng người khách lên bờ.
“ Đi uống cà phê không?’’
Cô bé ngước mặt nhìn Đoàn, xốc lại chiếc ba lô trên lưng.
“ Đi thì đi! Nhưng phải lùa xong cái đám này lên xe đã.’’
“ Ừ! Cho bò về chuồng rồi mới đi chơi được chứ.’’
Cô bé nhìn đoàn khách đang nhấc từng bộ mông nặng nề leo lên bực thang chiếc xe buýt dài, quay lại cười với Đoàn. Đếm đủ số khách, giao lại cho hướng dẫn viên trên xe, cô bé thở một hơi dài.
“ Đi đâu?’’
Đoàn ngớ ra. Anh mới chân ướt chân ráo tới đây hồi sáng, có biết mô tê gì đâu. Anh nói trớ.
“ Hướng dẫn viên mà hỏi đi đâu! Nghe không nghề nghiệp chút nào hết.’’
Lại xốc chiếc ba lô trên lưng, giọng chắc nịch.
“ Lại Trung Nguyên! Gần đây thôi, đi bộ cho khỏe chân.’’
Quán nằm bên bờ biển, bốn bề bỏ trống cho gió thong thả vào ra. Những giây đèn xanh đỏ trên trần bằng ván để mộc nhiều chỗ thòng xuống như sắp rớt. Những chùm hoa giả cài đây đó như đã lâu không được chăm sóc. Chiếc quầy tính tiền giữa phòng lòe loẹt một cách thái quá.
“ Hai phin đen. Hai đĩa bánh su sê!’’
Cô bé trả lời anh phục vụ, chẳng thèm hỏi ý kiến Đoàn. Chờ cho anh phục vụ quay đi mới giải thích.
“ Vào đây không uống cà phê, quê lắm!’’
“ Còn bánh?’’
“ Hơi tréo ngoe một chút. Nhưng bánh ngon lắm, bỏ qua không đành lòng.’’
“ Xong rồi. Nói chuyện khác đi.’’
“Chuyện gì?’’
“ Chuyện gì vui là được.’’
“ Nói mấy tiếng đồng hồ mỏi miệng rồi. Bây giờ thích nghe thôi.’’
“ Cũng được. Chịu khó nghe đỡ tiếng sóng biển đi.’’
Trời đứng gió. Sóng rì rào nhè nhẹ. Lăn tăn những vệt trắng đuổi nhau trên làn nước xanh. Đoàn kéo ghế xa bàn, duỗi đôi chân cho thoải mái. Cô bé tụt đôi giầy, ngo ngoe những ngón chân tù túng trong vớ, mắt nhắm lại ngơi nghỉ. Đoàn cũng nhắm hờ đôi mắt, hỏi.
“ Rảnh không?’’
“ Làm chi vậy?’’
“ Chút nữa đi ăn tối.’’
“ Ai trả tiền người đó nghe!’’
“ Không. Bao!’’
“ Ai bao?’’
“ Tôi.’’
“ Sang nhỉ? Nhưng bỏ chữ tôi đi, nghe cứng ngắc. Muốn làm anh không?’’
“ Muốn là cái chắc. Anh bao nghe?’’
“ Làm anh thì phải bao chứ. Còn phải hỏi! Nhưng em phải về nhà trọ tắm một cái đã, người nhớp nháp khó chịu quá. Chẳng biết giờ này còn nước nóng không, cái nhà trọ cà chớn!’’
“ Về khách sạn chỗ anh mà tắm.’’
Cô bé nhìn thẳng vào mắt Đoàn. Đoàn căng mắt nhìn lại.
“ Cũng được!’’
“ Vậy thì đi.’’
Khách sạn nằm trên đồi cao. Con đường dốc dẫn lên khung cửa gương sáng bóng rộng rãi được trải nhựa đen nhánh. Hai bên đường, những luống hoa nhiều màu sắc được cắt tỉa cẩn thận. Thảm cỏ thoai thoải chạy xuống mịn như một vạt nhung. Cô bé ngấu nghiến từng bước lên dốc. Chiếc ba lô trì kéo tấm lưng nhỏ hẹp về phía sau. Những giọt mồ hôi lấm chấm quanh mép, làm bết bát những lọn tóc mai.
“ Đưa ba lô anh xách giùm cho.’’
Giọng cô bé đứt quãng.
“ Không! Em đeo nó quen rồi. Không có nó người em chắc mất thăng bằng té bổ chửng ngay.’’
Cô bé làm bộ loạng choạng, cười vang.
“ Trông em giống con rùa đội bia ở Văn Miếu Hà Nội.’’
Cô bé khuỳnh tay như muốn thúc cùi chỏ vào cạnh sườn Đoàn. Anh thụt lui lại. Cô bé vươn cổ ra phía trước, cong chân dậm bành bạch, hai tay vòng vòng chậm rãi bơi về phía trước. Con rùa quay lại cười với Đoàn. Miệng tươi như một lát táo vừa lấy trong tủ lạnh ra. Đoàn chu miệng lại tum húm như miệng rùa, tay chỉ vào miệng. Cô bé chúm miệng theo. Điệu bộ nghịch ngợm làm Đoàn tức cười.
“ Anh cũng muốn thành một con rùa.’’
“ Anh chỉ có thể thành một con rùa dễ ghét!’’
Cô bé vụt chạy lên dốc, quay đầu lại, quệt ngón tay lên môi chế nhạo, chọc quê Đoàn. Đoàn dậm chân đuổi theo. Hai người mất hút sau tấm cửa kính rộng có hai tay cầm vàng chóe.
Vứt chiếc ba lô méo xẹo xuống giường, cô bé la lên.
“ Phòng anh có tới hai giường lận hả?’’
Đoàn hất đầu.
“ Cho em thuê đỡ một cái, chịu không?’’
“ Bao nhiêu?’’
“ Nửa tiền thôi. Chỗ quen biết bớt cho năm chục phần trăm.’’
“ Vẫn còn đắt. Em chả thèm!’’
Cô bé mở ba lô, lục lọi một hồi, quầy quả đi vào phòng tắm. Tới cửa, cô quay lại.
“ Anh không được nhìn trộm đấy, nghe không!’’
Đoàn cười giỡn.
“ Nhìn lén không phải nghề của anh. Nhưng không dám hứa à!’’
Cô bé giơ nắm đấm dí dí về phía Đoàn rồi chui tọt vào phòng tắm. Đoàn mở tủ lạnh lấy một chai bia ra ngoài ban công kéo ghế ngồi. Trời mát dịu. Những hòn đảo lớn nhỏ soi bóng trên mặt biển mênh mông. Thiên nhiên như xích gần vào mắt Đoàn. Khung cảnh bao la như một bức tranh quá khổ treo lửng lơ trước mặt. Những con tàu về muộn chậm chạp trôi ngang những hòn đảo. Bến tàu im ắng chen chúc những thân tàu nghỉ ngơi.
Cô bé bước ra đứng cạnh Đoàn, mát mẻ như vừa được vớt từ dưới biển lên, hai tay chọc chọc kéo tơi những sợi tóc ướt nhẹp. Đoàn nghếch mặt lên.
“ Uống  bia không?’’
“ Không thèm.’’
“ Có nước ngọt trong tủ lạnh đó.’’
“ Em không khát.’’
Đoàn đứng dậy, quay vào.
“ Anh đi tắm. Cấm nhìn lén đấy!’’
Cô bé thò chân ra phía sau, ngáng bước đi của Đoàn. Tay cô nhanh nhẹn nhéo vào cánh tay Đoàn, nghiến răng riết giọng.
“ Ai mà thèm! Đừng tưởng bở!’’
Đoàn xoa xoa vết nhéo, xuýt xoa.
“ Thì thôi! Làm hao thịt anh quá!’’
Cô bé lừ mắt.
“ Đáng kiếp!’’
Đoàn huýt sáo một điệu nhạc vui hòa vào tiếng nước xối xả phun ra từ chiếc vòi sen bóng lộn. Vừa tắm anh vừa nghĩ tới cô bé. Thấy hay hay. Điệu bộ làm như dữ dằn nhưng ánh mắt toát ra vẻ thân thiện hiền khô. Anh soi gương, chải đầu, miệng vẫn không ngừng thổi ra những âm thanh réo rắt. Cô bé châm chọc.
“ Yêu đời nhỉ!’’
“ Đời vẫn vui khi chỉ có hai người.’’
Cô bé háy nguýt.
“ Thơ ăn cắp mà cũng bày đặt!’’
Đoàn cười oang oang, dắt tay cô bé ra cửa. Chiếc ba lô kềnh càng chẳng vừa mắt Đoàn. Anh tinh nghịch hất qua hất lại. Cô bé đập vào vai Đoàn.
“ Chơi kiểu gì vậy?’’
“ Kiểu dễ ghét.’’
“ Dễ ghét thật chứ bộ!’’
Cô bé kéo Đoàn đi qua một dãy quán ăn nằm dọc theo con đường bao quanh bờ biển. Những thanh niên, nam có nữ có, đon đả chào mời. Bàn tay cô bé lôi Đoàn lầm lũi bước đi. Tới quán cuối cùng mới dừng lại.
“ Quán này ăn được. Ăn tôm nghe anh!’’
Những con tôm lượn lờ trong bồn nước xếp thành dãy trước quán. Anh thanh niên chực chờ cầm cây vợt. Chẳng chờ câu trả lời của Đoàn, cô bé bảo vớt một chục. Những chú tôm oằn người nhảy lao xao trong vợt.
“ Anh thích ăn nướng hay hấp? Nướng ngon hơn. Nướng nghe?’’
Đoàn gật đầu. Anh có chỗ nào chen được cái miệng vào đâu. Chờ tới lúc cô bé lau chén đũa, Đoàn mới nói.
“ Em chọn quán này được. Mới nhìn qua đã thích.’’
“ Vậy à? Chắc anh vẫn luôn luôn nhớ em là hướng dẫn viên du lịch đấy chứ nhỉ?’’
Đoàn cười khẩy, gật đầu. Anh đang chăm chú nhìn vào một đoàn du khách Tây phương chiếm trọn bộ sa lông rộng rãi cả chục chỗ ngồi nơi góc quán. Họ ồn ào nói chuyện, chọc phá nhau bằng một thứ ngôn ngữ lạ hoắc. Trên bàn, vỏ bia la liệt. Trai có gái có, tất cả đều còn trẻ, mặt mũi hồng lên niềm vui.
“ Anh uống gì?’’
“ Bia.’’
Cô bé gạt ngang.
“ Anh đừng uống bia. Uống theo em nhé. Cô cho hai cái soda chanh đường.’’
Cô phục vụ đi rồi, Đoàn mới nhướng mắt.
“ Sao em không cho anh uống bia vậy?’’
“ Em ghét! Ở Đức họ phanh bụng uống bia như hũ chìm. Đàn bà con gái cũng nốc từng vại bia. Trông tởm lắm! Em không muốn nhìn thấy anh uống bia. Vả lại, em sợ anh có hơi bia.’’
Không có hơi bia, Đoàn vẫn lâng lâng khi dắt tay cô bé trên đường đêm. Công viên bên phía bờ biển thênh thang không một bóng người. Mùa này không phải là mùa du lịch. Bức tường của rạp múa rối nước vẽ những hình xanh đỏ loạn mắt. Cô bé quẳng chiếc ba lô xuống đất, đứng khuỳnh chân trước bức tường.
“ Em múa cho anh coi, thấy lúc nào duyên dáng đẹp đẽ anh bấm máy hình chụp nghe!’’
Giơ tay giơ chân khoắng khoắng mềm mại, cô bé vừa điệu nghệ vừa long lanh cười với Đoàn. Anh nhìn thấy ngây thơ. Anh nhìn thấy nghịch ngợm. Anh nhìn thấy dại khờ. Anh nhìn thấy  tươi mát. Anh nhìn thấy tình tứ. Ánh đèn lóe lên từng chập. Xốc chiếc ba lô lên vai, cô bé ngước mặt lên, tay mân mê chiếc cằm nhẵn nhụi của Đoàn, giọng vẫn chưa hết vẻ nghịch ngợm.
“ Em múa có đẹp không?’’
Đoàn phì cười.
“ Anh thấy đúng là múa rối!’’
Cô bé xịu mặt, đấm liên hồi vào ngực Đoàn. Đoàn vừa né tránh vừa kêu thảng thốt. Cô bé níu tay Đoàn dắt xuống biển.
Biển khuya đen ngòm như mộ huyệt. Cát lạo xạo dưới chân. Vành trăng non vắt vẻo kênh kiệu giữa màn đêm. Hai người im lặng chậm bước. Tay cô bé ấm trong tay Đoàn. Trên những ghế đá nằm khuất dưới những gốc cây, những cặp tình nhân sát sạt ủ nhau. Đoàn bóp chặt tay cô bé. Cô bé ngước nhìn lên, mắt sóng sánh, răng bóng bẩy, tay như có hồn. Hai bàn tay chẳng rời nhau khi về tới khách sạn.
Chiếc ba lô bị quăng mạnh nhún nhẩy trên giường. Cô bé lao theo nằm sấp người. Mặt giường trũng xuống. Đoàn ngồi xuống một góc giường, hai tay đấm nhè nhẹ trên lưng cô bé.
“ Để anh tẩm quất cho cái lưng bị chiếc ba lô hành hạ nghe!’’
Cô bé nằm lim dim mắt. Hai tay Đoàn như có động cơ. Đoàn tưởng trò chơi sẽ kết thúc chóng vánh, nhưng không, tay Đoàn đã rời rã mà cô bé vẫn nằm bất động như đã yên ngủ. Đoàn lật ngược cô bé lên. Cô đứng phóc dậy, kéo lại vạt áo.
“ Em đi đánh răng trước.’’
Trở ra, cô bé nghiêm giọng.
“ Anh đi đánh răng đi. Lúc ra không thấy em thì biết là em đã về rồi!’’
Chiếc bàn chải đánh răng chà xát những ý nghĩ trong đầu Đoàn. Liệu cô bé có bất thần ra về thật không? Anh lắng tai sợ nghe được tiếng cửa mở. Anh cố lướt cho nhanh những thủ tục vệ sinh đáng ghét. Hàm răng anh  sao hôm nay có vẻ nhiều răng hơn. Chiếc khăn rửa mặt cứ quấn quít không chịu mở ra. Cái nắp lọ nước hoa chết tiệt sao dính cứng không chịu quay? Thay xong bộ quần áo ngủ, anh nhào ra khỏi cửa phòng tắm.
Cô bé chôn người dưới chiếc mền mỏng, thân người thẳng băng nhấp nhô theo từng hơi thở, hai mắt nhắm nghiền, miệng hé mở. Đoàn muốn đặt một nụ hôn lên chiếc miệng mời mọc. Nhưng anh chỉ đứng lặng ngắm khuôn mặt an bình như đã chìm sâu vào giấc ngủ. Anh rón rén chui vào mền.
Ánh nắng đầu ngày chui qua tấm màn cửa bằng vải trắng mỏng kéo mắt Đoàn hấp háy. Anh chồm người lên, chống khuỷu tay, ngắm nhìn cô bé như vẫn đang say sưa trong mộng mị. Anh đánh thức cô bé bằng chiếc hôn nhẹ lên đôi môi đỏ hồng. Đôi mắt vẫn nhắm nghiền, cô bé mấp máy đôi môi.
“ Anh nặng bao nhiêu cân vậy?’’
“ Bảy chục.’’
“ Thảo nào, đêm qua em thấy anh nặng quá!’’
Cô bé như vẫn miên man trong giấc ngủ. Ngực phồng lên từng hơi thở. Đoàn hôn lên đôi mắt rợp xuống hàng mi dài mượt mà. Đôi mắt mở ra, nheo nheo với ánh sáng.
“ Trời sáng trợt ra rồi mà chưa dậy, con gái lớn xác rồi mà hư quá!’’
Cô bé cười sau câu tự mắng yêu.
“ Em học được ở đâu cái giọng bà già mắng con mắng cháu vậy?’’
“ Bà em.’’
“ Bà em là người dậy em tiếng Việt hả?’’
“ Chứ còn ai nữa!’’
“ Chắc bà em già lắm rồi?’’
Mặt cô bé bất động, đôi mắt rộng mở nhìn sững lên trần nhà. Mãi, đôi môi mới mấp máy.
“ Bà em mất rồi!’’
“ Anh xin lỗi đã gợi chuyện buồn của em!’’
Giọt nước mắt lăn dài trên má. Đoàn miết ngón tay như muốn xóa đi nỗi buồn trên khuôn mặt lạnh tanh. Cô bé nắm tay Đoàn.
“ Em về Hà Nội chuyến này để tìm về ngôi làng mà bà kể không biết bao nhiêu chuyện về cuộc sống của bà ngày xưa. Em muốn thấy lại dùm bà ngôi làng luôn nằm sâu trong tâm khảm bà. Em cũng muốn thấy được một lần khung cảnh sống của người bà thân yêu. Bằng vào cái giọng kể thiết tha của bà, em thấy hình như những năm sống tại ngôi làng thân thiết này mới là cuộc sống đích thực của bà.’’
Đoàn ngây người trước nỗi xúc động của cô bé. Anh bóp mạnh bàn tay mềm mại như muốn truyền tất cả thân tình.
“ Rồi em đã về tới ngôi làng của bà chưa?’’
Cô bé ngúc đầu.
“ Rồi anh ạ! Nhưng ngôi làng bây giờ đã mất tích trong thành phố. Phố xá ồn ào, nhà cửa chen vai thích cánh, đường nhựa dọc ngang, chẳng còn dấu vết gì của ngôi làng mà bà em đã trồng trong đầu óc em, ngoại trừ ngôi nhà thờ. Em bước vào nhà thờ, rụt rè trong từng bước chân, đúng vào giờ đọc kinh chiều. Em ngồi chôn mình nơi hàng ghế cuối, như nghe được giọng bà lẫn lộn trong giọng đọc kinh vang vang trong tai em. Em nhìn lên trần nhà thờ, cao vút, nắng chiều soi rọi vào những tấm kính màu có hình các thánh, mắt em như thấy bà đâu đây, rất gần em!’’
Những giọt nước mắt ứa ra. Cô bé quệt vội trên má, xăng xái ngồi dậy.
“ Thôi chết! Trễ rồi. Em phải đưa đoàn về lại Hà Nội.’’
Nhảy vội xuống giường, giơ tay vớ chiếc áo khoác lên người, chạy vào phòng tắm, tiếng nước hối hả, tiếng cửa mở ra, cô bé đã sẵn sàng lao xuống đường. Đoàn giơ hai tay ra nắm tay cô bé. Bốn cánh tay nhịp lên nhịp xuống.
“ Hình như anh chưa biết tên em!’’
“ Có cần thiết không?’’
Cô bé vít đầu Đoàn xuống, đặt một nụ hôn nhẹ lên môi anh.
“ Em sẽ nhớ anh!’’
Xốc chiếc ba lô lên vai, cô chuồi nhanh ra cửa. Tiếng dập cửa làm nẫu lòng Đoàn. Anh bước tới khung cửa sổ nhìn xuống đường. Bóng cô bé lao xuống những bậc tam cấp,  tinh  nghịch nhảy những bước chân sáo trên con đường dốc. Đoàn lắc đầu. Nhảy như vậy nhung nhớ nào mà chẳng rớt hết!

5/2003