Cay đắng
Chốn cũ
Giữa đàng
Lẽ ra
Nhảy chân sáo
Niềm vui không trọn
Rong chơi
Tìm về
Trong vùng quên lãng
Tưởng

 

TÌM VỀ

Tôi vẫn nhận ra cái ngã tư này. Hàng cây xanh trên đường Ngô Thời Nhiệm vẫn đứng như vậy chờ tôi từ nửa thế kỷ trước. Từ con đường Trần Xuân Soạn chạy ngang trước cửa nhà tôi quẹo trái là những bóng cây lực lưỡng hơn, nơi những chú ve sầu họp nhau lại kêu ra rả suốt mùa hè. Bây giờ đang mùa đông, ve sầu vắng bóng. Những con sâu tiền thân của ve chắc còn đang nằm im lìm dưới lòng đất chờ tới đầu mùa hè sẽ nhích dần lên gốc cây để hóa thân. Những buổi tối chúng tôi tụ tập thành từng nhóm, ánh đèn pin nhấp nhóa trên những thân cây xù xì, tranh nhau chộp những thân sâu sắp thành ve, mang về cho bám trong mùng ngủ để sáng dậy, cùng với ánh mặt trời chói chang, những chú ve sơ sinh đang chờ khô cánh để cất vòng bay đầu đời. Những buổi tối đó, những Định, những Đường, những Thuần, những Thanh, chúng tôi họp thành một nhóm sát ve, hồi hộp chụp từng nạn nhân bỏ vào hộp. Thanh đã bỏ mình trong một góc rừng nào đó tại miền Nam, Thuần đang ở bên Houston. Chỉ còn anh em Định và Đường còn ở lại. Tôi quẹo tay mặt đi thẳng xuống phố Hòa Mã. Đường xá khu này chẳng thay đổi mấy. Tấm bảng xanh “Phố Hòa Mã” vẫn bám lấy cột điện đầu đường. Tôi quẹo mặt trên phố Hòa Mã, đếm từng căn nhà. Nhà Định và Đường là căn thứ bẩy bên trái. Trước mặt tôi là một căn trông như một chung cư nhỏ. Ngày xưa, nhà của hai tên này là một biệt thự có vườn có bồn hoa phun nước cơ mà. Tôi ngần ngừ đứng trước cửa. Quá khứ như biến mất. Chẳng lẽ! Tôi thử bước vào bên trong. Hành lang vắng hoe. Thấy chiếc cầu thang, tôi leo lên. Một bà già đang ngồi hong tóc bên chiếc cửa sổ độc nhất. Tôi hỏi thăm chủ căn nhà cũ. Bà cụ lắc đầu.
“ Làm gì có nhà cũ. Nhà này có từ lâu lắm rồi cậu ạ!”
Tôi không thể lầm được. Ngày xưa có ngày nào tôi không cưỡi xe đạp tới trước cửa huýt sáo gọi bạn năm lần bảy lượt. Bà cụ ngơ ngác nhìn tôi chờ đợi.
“ Vậy bác có biết người nào tên Định ngày trước ở đây không?”
“ Định à? Định thì có. Cậu ấy ở cách đây hai nhà. Cái nhà mở cửa hàng bán cà phê ấy!”
Tôi cám ơn và vội bước đi. Tôi háo hức vì sắp nắm được áo bạn tôi. Lề đường ngổn ngang những viên gạch nằm lẩn vào lòng đất. Tôi bước vào tiệm, kéo ghế ngồi, cố giữ lòng để dài thêm những thích thú. Một anh trung niên trong chiếc áo sơ mi sậm mầu bỏ ngoài quần ra tiếp khách. Tôi gọi cà phê đen. Nhìn ra phía trước, tôi như thấy tôi đang ghếch chân, ẹo người trên chiếc xe đạp chờ Định bước ra. Người đàn ông mang ra cái phin cà phê móp méo gác trên cái tách vàng đã có những vết mẻ trên vành.
“ Ông có dùng thuốc lá không ạ?”
Tôi rút bao thuốc ra mời.
“ Ông hút với tôi một điếu.”
Nhìn bao thuốc, người đàn ông hấp tấp dùng cả hai tay đỡ điếu thuốc tôi vừa xốc lên.
“ Thuốc ngoại hả ông?”
Tôi không nghe thấy tiếng cám ơn.
Chiếc bật lửa được anh ta rút ra khỏi túi áo sơ mi như một cử chỉ đã quen thuộc hàng ngày. Anh châm điếu thuốc trên môi, tắt lửa, đưa điếu thuốc vừa cháy cho tôi.
“ Ông châm lửa.”
Một hơi khói bay theo lời mời của anh. Tôi mồi lửa, trả lại anh điếu thuốc.
“ Anh có biết ai tên Định ở đây không anh?”
Mặt anh sửng sốt.
“ Định là tôi!”
Tôi nhìn sững anh. Không có một nét Định nào trên khuôn mặt đang chăm chú nhìn tôi. Tôi biết mình không lầm.
“ Tôi hỏi một người tên Định, khoảng trên sáu chục, ngày trước ở khu này.”
Tôi chơi thân với Định tuy kém Định vài tuổi. Tuổi của Định bây giờ ở Hà Nội hẳn là một cụ ông rất đạo mạo như muốn tự mình làm già trước tuổi, tôi nghĩ vậy.
“ Vậy thì nhà cháu không biết! Chẳng có ai tên Định ở quanh đây tuổi tác như vậy cả. Hay là ông có nhầm nhà không?”
Tôi lắc đầu.
“ Tôi không nhầm. Nhầm làm sao được!”
Ngày xưa khu phố này toàn những biệt thự. Nhà Định lớn hơn cả. Chúng tôi còn chơi đá bóng trong sân được tuy phải cẩn thận tránh mấy chậu cảnh của bố Định. Cụ là người ít cười. Làm gì có cửa hàng! Cà phê cà pháo là điều tôi không thể hình dung được!
Tôi chán nản đứng dậy ra về. Định đã lưu lạc về đâu trong cơn lốc của thời cuộc? Những ngày chộn rộn đó Định là người muốn đi nhất. Khi tôi tới từ giã, Định đã nắm lấy tay tôi, nước mắt chảy dài trên má. Anh chẳng thèm quệt nước mắt, dặn tôi nhớ viết thư về cho biết cuộc sống trong Nam ra sao. Anh còn hai người anh đi theo kháng chiến và ông cụ, tuy là công chức, nhất định bắt gia đình ở lại chờ con về đoàn tụ. Ngày đó, lần đầu tiên bước chân vào một cuộc viễn du, người tôi như chắp cánh, tôi sung sướng viết thư về Định mỗi ngày kể huyên thuyên về những điều lạ lẫm của một xã hội hoàn toàn khác biệt và xa lạ với tôi. Tôi chẳng nhận được một hồi âm nào từ Định. Tưởng lần này về chốn cũ, tôi sẽ bắt được Định, dù muộn màng, quá muộn màng, nhưng Định vẫn mất hút.
Tôi quay ngược đường về, bỏ qua ngã tư Ngô Thời Nhiệm, đi dấn thêm hai ba đường nữa tới đường Phùng Khắc Khoan, quẹo mặt. Con đường ngày xưa nhỏ xíu, quanh năm lặng lẽ giờ đã trở thành một chỗ hội tụ của những cửa hàng vải, ồn ào, nhộn nhịp, người lui tới chóng mặt chóng mũi. Tôi mất dấu những thằng bạn đánh bi đánh đáo trên con đường vắng lặng như một khoảng trời bình an dành cho tuổi thơ tôi. Tuấn thò lò mũi xanh vừa mất. Tôi biết cái chết của thằng bạn đã từng tạo thành tích học thuộc lòng những tập cua dầy cộm của trường Luật, nhớ từng dấu chấm dấu phẩy, nhớ từng chỗ xuống dòng sang trang, nhờ tình cờ liếc qua một tờ báo địa phương đọc vội tại một nhà người quen trong một dịp đi nghỉ hè. Linh vẫn ở cùng chỗ với tôi, thỉnh thoảng lại gặp nhau, nhắc lại những trận thư hùng trong trường bi trận đáo trên vỉa hè này. Lần này về lại nơi tạm ngụ cư, tôi sẽ bảo hắn là vỉa hè chỉ còn trong hắn và tôi chứ không còn tại nơi chốn cũ.
Cửa nhà tôi mở thênh thang, kẻ ra người vào tự nhiên như chốn không người. Đôi cánh cửa bằng sắt chắc chắn ngày xưa đã từng hiên ngang coi thường những tiếng dộng cửa của lũ tây say rượu đi kiếm gái trong những ngày mới hồi cư nay vẫn nằm nguyên đó. Con phố ngày đó như một bãi sa mạc. Thỉnh thoảng mới có một nhà có người ở. Đám người đi hôi của mặc sức xục xạo. Nhà có người ở phải kẻ chữ đánh dấu bên ngoài. Maison occupée! Ba tôi đã sơn hàng chữ này trên cửa bằng một bộ kẻ chữ bằng thiếc mượn của ông chú tôi. Cánh cửa đó bây giờ có cũng như không. Nó được mở liên tục. Nhà tôi đã biến thành một chung cư bất đắc dĩ cho nhiều người ở. Tôi dè dặt bước chân vào căn nhà tuổi thơ. Những viên đá hoa xanh trắng rít kịt dưới chân tôi. Tôi leo lên cầu thang. Mảnh hành lang vuông vắn dẫn vào các cửa phòng khói tỏa mù mịt. Một bà già đang ngồi quạt bếp củi đun nấu. Mắt bà lim dim nhòe nhoẹt. Thanh củi ướt như không chịu bắt lửa. Tôi đứng nhìn. Bà chẳng thèm hỏi han. Chắc chung quanh bà ai cũng là người lạ. Tôi đứng dựa bên cửa sổ nhìn ra. Dẫy nhà trước mặt toàn là cửa hàng vải. Ngày xưa, đó là căn nhà của một bà nhà giầu trắng trẻo, ăn vận sang trọng, xa cách hàng xóm, son phấn đỏ chói, lạ lẫm như đang ở trên chín từng mây, mà anh em tôi đặt cho bà cái tên “bà tiên”. Gian bên cạnh là cơ ngơi của một cặp vợ chồng trẻ, lúc nào cũng nồng nàn, phơi phới. Có lần đứng với tôi bên khung cửa này, Chuyên đã thầm thì. Khi nào chúng mình lớn, anh với em sẽ thành vợ chồng như vậy nghe! Tôi bỗng nhớ tới Chuyên. Cô bé mười ba tuổi trắng trẻo, mũm mĩm, mắt tròn to, tóc rậm rạp đen nháy, lúc nào cũng theo tôi trong các cuộc chơi. Tôi nhìn vào cửa phòng của gia đình Chuyên nằm ngay bên trái. Mẹ và hai chị em Chuyên đã tới thuê căn phòng này trong bao lâu, tôi chẳng nhớ. Trong trí tưởng tôi, đó là một thời gian dài. Tôi nhớ tới đôi mắt ướt nhòe, chiếc mũi đỏ chút xíu, và cái quay người hờn dỗi khi tôi rời nhà ra phi trường Gia Lâm lên chuyến bay vào Nam. Tôi bỗng tha thiết muốn tìm lại Chuyên. Lòng tôi trùng xuống. Làm sao kiếm được Chuyên? Tôi gõ cửa đại. Người đàn ông mở cửa nhìn tôi trân trối. tôi vội hỏi.
“ Xin lỗi ông, tôi muốn tìm một người quen trước kia ở trong căn phòng này.”
Người đứng trước mặt tôi sẵng giọng.
“ Ông tìm ai?”
“ Cô Chuyên!”
“ Chuyên?”
Đôi mắt dò hỏi ném xoáy vào tôi.
“ Ông ở đâu tới vậy?”
“ Trước kia tôi ở trong nhà này.”
Người đàn ông phân vân.
“ Ông nói trước kia là bao giờ vậy?”
“ Trước năm 1954.”
Đôi mắt người đàn ông sáng lên.
“ Anh Ngạn phải không?”
Tôi như muốn nhảy lên. Người đàn ông này, mái tóc rễ tre này, đôi mắt xếch nhỏ bé này. Không thể lầm được.
“ Nam?”
Mặt Nam méo xệch.
“ Em đâu có ngờ có ngày gặp lại anh như thế này!”
Tôi ôm vai Nam. Nam kéo tôi vào phòng. Hắn gọi đứa con gái đang lúi húi trong một góc phòng rót nước mời khách. Tôi nhìn khắp căn phòng bừa bộn, giường chiếu ngổn ngang, quần áo vắt kín chung quanh.
“ Nam ở đây một mình thôi à?”
“ Vâng, gia đình em cố thủ từ hồi đó đến giờ. Các phòng khác toàn là người lạ họ bố trí sau này.”
“ Mợ đâu?”
“ Mợ em mất rồi!”
Tôi nhớ tới người đàn bà hiền hậu lúc nào cũng coi tôi như con. Ngày đó, bố của Chuyên và Nam đi theo kháng chiến, mợ một mình đi may nuôi con. Mợ làm thợ may trong trại lính Nhảy Dù của quân đội Pháp và giấu biệt lý lịch của mình. Gia đình tôi cũng chỉ biết là chồng của mợ mất tích trong những ngày khói lửa chẳng biết sống chết ra sao. Coi như mẹ góa con côi. Mãi tới khi chúng tôi ra đi, mợ mới cho biết là vẫn có tin tức của chồng, và mợ ở lại chờ đoàn tụ.
“ Ngày đó bố em có về không?”
“ Có anh ạ. Nhờ thế lực của ông gia đình em mới dễ thở. Nếu không chắc cũng căng lắm!”
Tôi nói đưa.
“ Như vậy thì tốt quá rồi. Cũng mừng. Rồi mợ mất khi nào?”
Nam thở dài.
“ Chỉ ba năm sau thôi anh ạ. Mợ em buồn lắm! Buồn mà mất đấy chứ!”
“ Sao lạ vậy?”
“ Bố em có thêm một bà nữa cùng về. Không chính thức nhưng còn hơn là chính thức. Hai người cùng công tác ở một cơ quan. Thời đó, chắc anh biết, mình thua thiệt mọi bề.”
Tôi ngồi ngó ra cửa sổ chẳng biết nói gì. Chiếc cửa sổ trông xuống khu chợ Đuổi trước mặt, phía bên kia đường. Ngày xưa chợ tấp nập người. Buổi sáng, chợ tràn ra chiếm luôn con đường, xe cộ phải lưu thông trên những con đường kế cận, chỉ có xe đạp còn len lỏi được với người. Đám đông những người đàn bà đi chợ đội nón ngược xuôi kín đường phố đã làm tôi bầy ra một trò chơi dại dột. Trò gấp đạn giấy dùng sợi dây cao su bắn vào những chiếc nón dưới đường. Nam và Chuyên tham gia thích thú. Rồi không hiểu đứa nào trong đám chúng tôi nghĩ ra cái trò nâng cấp thay đạn giấy bằng những mẩu giây thép uốn cong như những lưỡi câu. Trò chơi trở thành nguy hiểm ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi. Có lẽ những chiếc nón thủng đã dẫn đường cho một ông Cảnh Sát gõ cửa nhà vào một buổi trưa nắng chang chang. Tiếp vị khách bất đắc dĩ này xong, mẹ tôi và mẹ của Nam tiếp chúng tôi với sự hỗ trợ của cây roi mây. Trận đòn nhớ đời đó chẳng biết Nam có còn nhớ không.
“ Khu chợ Đuổi trước cửa họ dẹp đi rồi hay sao mà anh thấy đường xá trơn tru vậy?”
Nam xê tách nước trà về phía tôi.
“ Anh dùng trà. Chợ bây giờ dồn vào trong cả rồi. Anh thấy cửa chợ đó không?”
Hai chúng tôi bước hẳn ra cạnh cửa sổ. Tôi vừa nhìn theo tay chỉ của Nam vừa hỏi.
“ Vậy thì làm sao tụi mình bắn…máy bay được nữa?”
Hồi đó tùy theo độ tuổi của những người mang nón mà chúng tôi bắn máy bay bà già hay máy bay chiến đấu! Nam cười. Nụ cười coi bộ không thoải mái.
“ Bữa đó nhớ đời anh nhỉ? Sau khi anh đi, có những lúc nhớ về những ngày cũ, tụi em vẫn nhắc tới…chiến bại đó. Chị Chuyên em cười đau cả bụng. Bữa đó mà chị ấy không giả bộ ngây ngô thì tét mông rồi!”
Thấy Chuyên xanh mặt chứng kiến những lằn roi nghiệt ngã hôm đó, tôi không thấy ghen tị. Nam cũng chẳng tố cáo thêm một thủ phạm đồng lõa. Chuyên được tha bổng nhưng trong lòng chắc áy náy vô cùng, lăng xăng bên hai xạ thủ gặp nạn, mặt u sầu như chính mình vừa qua cơn sóng gió. Tôi tần ngần hỏi.
“ Chuyên hồi này ra sao?”
Nam lắc đầu.
“ Cũng thường anh ạ! Đời chị ấy không được vui. Em vẫn bảo là đôi mắt lúc nào cũng ướt rượt như vậy thì khổ cả đời. Anh thấy có phải không?”
“ Chuyên khổ lắm à?”
Nam gật đầu.
“ Lấy chồng đã không vui. Vậy mà rồi chồng chết. Đời chị ấy buồn lắm!”
“ Chuyên ở đâu?”
“ Cũng gần đây thôi. Trên đường Lê Văn Hưu. Anh có muốn gặp chị ấy không?”
“ Em cho anh địa chỉ đi.”
Nam gạt ngang.
“ Địa chỉ gì! Để em lấy xe lai anh đi.”
Tôi tính toán trong đầu.
“ Khỏi cần. Cứ cho anh địa chỉ. Anh muốn dành cho Chuyên một bất ngờ. Dọa cô nàng một tí chơi!”
“ Nàng chi nữa! Về hưu rồi!”
Tôi bỗng hụt mất niềm vui thơ dại. Anh chàng này thật vô ý vô tứ!
Tôi loanh quanh trong một cửa hàng vải. Cô bán hàng xoắn xuýt hỏi han chào mời. Điệu này mà đi ra tay không chắc có biến ngay tức khắc. Lựa đại vài xấp vải hoa hoét dễ thương, tôi hấp tấp ra cửa. Trước cửa nhà tôi toàn là tiệm vải chứ nếu toàn là tiệm hoa hay tiệm gấu nhồi bông, ngay cả tiệm bán ô mai đi nữa, chắc tôi cũng chẳng ngần ngại gì mà không mua. Tôi chỉ muốn có chút gì cầm tay mà không tốn nhiều thời giờ. Căn nhà nho nhỏ  nằm trong một dẫy phố san sát nhau những cửa nhà đồng dạng. Không có cái số nhà thì rất dễ vào lầm nhà người khác. Tôi đọc đi đọc lại con số mờ mờ trước cửa rồi so lại với con số ghi trên giấy. Khi đã nối được con số nọ vào con số kia, tôi mới bấm chuông. Chính Chuyên ra mở cửa. Tôi nhận ra được cô bé ngày xưa chỉ nhờ vào đôi mắt tròn to đen nháy ngày xưa. Chuyên về hưu không còn nhiều nét Chuyên mười ba tuổi. Tôi cất tiếng.
“ Đây có phải nhà bà Chuyên không ạ?”
Mặt Chuyên dò xét.
“ Dạ đúng. Ông muốn hỏi ai?”
Tôi vẫn đóng kịch.
“ Tôi muốn hỏi cô Chuyên?”
Mắt Chuyên nheo lại.
“ Cô Chuyên?”
“ Vâng! Cô ấy khoảng mười ba tuổi.”
“ Làm gì có cô Chuyên nào ở đây! Ông có nhầm nhà không vậy?”
“ Không. Tôi không nghĩ là tôi nhầm. Tôi ở xa về, mới hỏi thăm nơi nhà cũ của cô ấy và được người em cho địa chỉ ở đây.”
Chuyên run lên.
“ Anh Ngạn phải không?”
Tôi bước xuống khỏi sàn diễn. Gật đầu. Chỉ chờ có vậy, Chuyên nhào tới ôm lấy tôi, ghì chặt, như thể sợ tôi sắp quày quả bỏ đi xa nữa. Mặt Chuyên áp sát vào vai tôi, nức nở. Tôi nghe thấy vai mình nằng nặng. Tay Chuyên bóp chặt cánh tay tôi.
“ Sao anh lại về!”
Giọng nàng như bị một tấn bông gòn chặn lại nghe âm u xa vắng. Chuyên bỗng ngẩng lên, kéo lại áo.
“ Vào nhà đi anh.”
Cánh cửa khép lại, Chuyên qua cơn xúc động lấy lại được tư thế của bà chủ nhà.
“ Anh ngồi chơi. Để Chuyên đi pha trà.”
Tôi gạt đi.
“ Chuyên ngồi xuống đây. Anh vừa uống bên nhà Nam rồi.”
Chuyên ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi, nhìn tôi trân trân, như không hiểu làm sao tôi bỗng rơi xuống chiếc ghế này. Tôi đưa túi vải cho Chuyên.
“ Của Chuyên đấy! Chẳng biết Chuyên có thích không. Anh không có khiếu chọn vải.”
“ Anh bày vẽ làm gì cho tốn tiền.”
Chuyên mở sơ qua túi vải, xếp lại một bên. Cái nhìn của Chuyên vẫn chăm chăm vào tôi.
“ Em không bao giờ có thể tưởng tượng được có ngày anh lại ngồi đây. Có thực anh về tìm Chuyên không vậy?”
Thực ra, khi trở về Hà nội, tôi chẳng nghĩ tới người nào cả. Họ hàng nhà tôi chẳng ai còn ở lại. Bạn bè, gần năm chục năm rồi còn gì nữa! Tôi chỉ muốn về lại nơi cũ, đi lại những đoạn đường xưa, tìm lại nơi chốn đã là tuổi thơ của tôi. Tôi chỉ đi kiếm Định, kiếm Chuyên khi khung cảnh nhắc nhở tôi. Tôi bâng quơ.
“ Anh không nghĩ Chuyên còn ở đây để tìm lại. Anh nghĩ mình vẫn còn may mắn! Năm mươi năm qua, Chuyên sống như thế nào?’
“ Cũng chẳng có gì đặc biệt. Đi học. Theo ngành sư phạm. Dậy học. Lấy chồng. Sanh được hai con, toàn là gái. Chồng chết. Không thủ tiết thì cũng phải thủ tiết vì người nào cũng như chồng cũ, lấy nữa thì chán chết. Vậy thôi!”
Tiếng chặc lưỡi chấm hết câu nói như tiếng thạch sùng. Nghe như bất cần.
“ Mợ mất rồi phải không? Anh nghe Nam nói.”
Tôi không nghe tiếng trả lời. Chuyên ngồi đó nhưng hồn như đi đâu. Ngơ ngác.
“ Mợ em mất sau khi đoàn tụ với bố em được ba năm. Đoàn tụ! Có lẽ mợ em mất vì đoàn tụ. Buồn lắm anh ạ.”
“ Anh có nghe Nam nói.”
“ Nam có nói gì với anh nữa không?’
“ Không! Chỉ tâm sự với anh về mợ thôi. Chắc Nam vẫn nhớ là anh rất thương mợ.”
Ngần ngừ.
“ Còn chuyện em, Nam có nói gì không?’
“ Không! Chắc Nam để dành cho em nói.”
“ Chán chết anh ơi! Cái bóng của bố em lớn quá. Biết vậy…”
Chuyên bỗng nhỏm người hỏi tôi.
“ Anh có biết là sau khi anh đi, người ta ầm ầm kéo nhau di cư khi chính phủ kêu gọi mọi người vào Nam. Lúc đó, em đã định cứ liều ra đi, vào trong đó đã có gia đình anh, lo chi! Nhưng nghĩ lại em sợ. Biết kiếm anh ở chỗ nào. Em mới mười ba tuổi. Đâu đã biết liều! Mợ em thì nhất định không đi rồi. Tới khi muốn đi thì đã quá muộn. Làm sao đi được nữa!”
Tôi lặng thinh chẳng biết nói gì. Cô bé này ngày đó đã nặng lòng với tôi như vậy sao? Tôi thì cứ lơn tơn trước viễn ảnh đi xa, có nghĩ ngợi gì đâu. Ba tôi đã thu xếp cho gia đình được ra đi sớm, chỉ vài ngày sau khi hiệp định Genève được ký kết. Lúc đó chưa có phong trào di cư. Ngày đó, đi đối với tôi là sướng rồi. Con trai tuổi mới lớn đứa nào chẳng vậy.
“ Mợ sau đó cũng muốn đi hay sao?”
“ Vâng, chỉ ít tháng sau khi bố em về. Ông như một người lạ có quyền uy trong nhà. Chuyện gì ông cũng tự quyết định và bắt mọi người phải theo. Ngay chuyện em lấy chồng vài năm sau đó cũng một mình ông xếp đặt. Chồng em là con một đồng chí với ông từ ngoài khu chiến. Ngày cưới, em khóc hết nước mắt. Lúc đó, em nhớ đến anh!”
Giọng Chuyên nhỏ đi ở những câu cuối. Tôi lặng người. Cái thằng nhỏ ngộc nghệch là tôi có nhớ gì tới người bạn nhỏ cách xa cả một bức màn tre. Tôi phá cái không khí buồn thảm.
“ Mình đi chơi một vòng không em?”
“ Anh muốn đi đâu?”
“ Đi loanh quanh gần đây, tìm lại những nơi chốn đã từng giữ lại hình bóng chúng mình.”
Chúng tôi đi dọc theo con đường Lê Văn Hưu về phía phố Huế. Ngang qua căn nhà ở ngay góc Ngô Thời Nhiệm, tôi nhớ đến những bạn học chung trong trường Anh Ngữ Ziên Hồng của hai giáo sư Lê Bá Khanh và Lê Bá Kông. Hồi đó chúng tôi rất ngưỡng mộ lối viết tiếng Việt mới của tên trường và tên vị thầy mang cặp kính cận dầy cộm. Ra tới phố Huế, nơi ngày xưa có những cửa hàng nho nhỏ chúng tôi thường lui tới. Chuyên chỉ cho tôi căn nhà to lớn.
“ Anh nhớ chỗ này không?”
Tôi nheo mắt nhìn.
“ Hiệu kem Cẩm Bình phải không?”
“ Anh nhớ dai ghê nhỉ?”
Cả một căn phố có chiều dài hun hút chỉ đủ chỗ cho một cỗ máy làm kem. Những ô vuông trên máy bốc khói mù mịt mỗi khi được mở ra hứa hẹn cái mát lạnh thơm tho.
“ Hồi đó em chỉ thích kem va-ni, còn anh chuyên môn kem xúc-cù-là phải không?”
Có lẽ những cây kem dài lạnh buốt bốc khói rút ra từ những ô vuông bằng kẽm nơi đây là thứ tôi nhớ nhất. Không có một thứ kem nào trên thế giới có thể so sánh với cây kem Cẩm Bình ngày nhỏ. Có lẽ vì đây là thứ quà tôi có thể đãi Chuyên mỗi khi chúng tôi trốn nhà đi chơi.
Lên một chút nữa là tiệm tạp hóa, nơi chúng tôi chúi mũi vào tủ gương ngắm nghía không biết chán những thứ trưng bày bên trong.
“ Cái tiệm tạp hóa gần đây đâu rồi nhỉ?”
“ Tiệm nào anh?”
“ Sao em quên được cái tiệm tụi mình dán mũi mỗi ngày đó nhỉ?”
Chuyên kéo tay tôi.
“ Em nhớ ra rồi. Ừ nhỉ! Lâu lắm rồi em không để ý tới nó. Chỗ này thì phải.”
Chuyên chỉ vào căn phố lạ hoắc. Tôi nhìn mà chẳng nối kết được nay và xưa.
“ Em có nhớ tụi mình mua gì ở đây không?”
Chuyên đỏ mặt nhìn tôi cười. Lần đó, trong túi có tiền lì xì Tết khá nhiều, chúng tôi mới được dịp duy nhất làm khách hàng của cô chủ dễ thương chỉ cười mỗi khi chúng tôi ríu rít bàn luận xong rồi đi ra. Tôi mua một đôi tất mùa đông dài lên tới gần đầu gối và điệu nghệ hỏi Chuyên muốn mua gì tôi mua cho. Chuyên lắc đầu quầy quậy. Cô chủ cười và chỉ chiếc áo lót hai dây thật đẹp. Chuyên mắc cở quay đi. Ngày đó ngực Chuyên còn nhỏ xíu ánh rõ dưới làn áo cánh mỏng. Cô chủ tinh ý như một bà mẹ thấy đã tới lúc nai nịt cho con gái. Chị bớt cho các em một tý cho vui nghe! Cô gói hai thứ vào với nhau. Cả tuần lễ sau, Chuyên mới nhận chiếc áo làm tôi phải dấu diếm phát mệt.
Thả bộ lên tới giáp Hồ Gươm, tôi kéo Chuyên rẽ sang bên phải đi về phía Nhà Hát Lớn. Khúc đường phía trước nhà hát được mở rộng trống trải. Chúng tôi băng ngang tới bên hông tòa nhà quen thuộc. Quyền giờ ở nơi đâu? Vũ có còn ở Lò Đúc không nhỉ? Ờ, sao không thử tạt qua xem hắn còn đó không? Tôi chợt nhớ tới những thằng bạn đã một thời leo cửa sổ vào xem đoàn Gió Nam từ Sài gòn ra trình diễn. Những chiếc cửa có chắn song kiên cố hầu như vẫn vậy. Chúng đợi tôi từ thuở nào tới giờ! Tôi đứng nghĩ tới những tháng ngày ngỗ nghịch, cười một mình.
Mái ngói của tòa nhà Bác Cổ gần đó kéo chân tôi. Khu vườn cỏ bên hông vẫn còn đó nép mình dưới những bóng cây cổ thụ làm mát những trưa hè. Nơi đây là sân đá bóng của chúng tôi. Những trái bóng quần vợt nhẵn nhụi chẳng còn một sợi lông nào được chúng tôi hì hục đuổi theo mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Xuân là đứa chuyên cung cấp những trái bóng quý giá này. Nhà nó ở bên cạnh sân quần vợt. Cái dáng người nhỏ thó với hàm răng hô tinh nghịch như còn in rõ trong tôi. Giờ nghỉ giải lao, chúng tôi ngồi mút những que kem ngắn ngủn chỉ toàn nước và phẩm mầu rút ra từ những chiếc bình kem loang loáng thủy ngân bên trong của những đứa bán kem dạo và nói chuyện trên trời dưới đất. Chuyện của Xuân bao giờ cũng hấp dẫn chúng tôi. Hắn nhỏ con nhưng tỏ ra sành sỏi nhất bọn. Chuyện tình của nó với con nhỏ hàng xóm chẳng biết có được thêm bớt không làm chúng tôi vểnh tai không biết mỏi. Ngày sinh nhật em, tao tặng em một quả bóng. Tụi tôi trề môi. Bóng mày đi lượm chứ có mất tiền mua đâu mà làm quà! Nó cãi lại. Không mua nhưng có ý nghĩa. /  Ý nghĩa con khỉ ấy? Hà tiện thì nói hà tiện cho rồi! / Tụi mày có đứa nào có em chưa mà cãi? Nó đánh trúng tim đen của chúng tôi, toàn những thằng trông thấy con gái mình thích là run như cầy sấy. Tao đéo thèm nói chuyện với lũ chúng mày nữa! Lại một màn gây gổ nhau. Đứa nọ đổ thừa cho đứa kia. Im đi cho nó nói! Thằng nào cũng khoái nghe chuyện hấp dẫn. Xuân chậm rãi kể. Nó cũng thích khoe chuyện tình không biết có thật không của nó. Tao gói quả bóng vào tờ giấy mầu. Một giọng cắt ngang. Mày nhặt được cả giấy mầu nữa hả? Tụi tôi cười hả hê. Xuân vùng vằng. Tao đéo thèm chơi với tụi mày nữa! Nó dợm đứng lên. Một thằng ấn nó xuống, dỗ dành. Kệ mẹ tụi nó, mày nói cho tao nghe! Xuân làm bộ một chút rồi cũng nói. Tao đưa cho em và nói: Anh tặng em quả bóng này để em hoạt động thể thao! Tụi tôi phá ra cười.
“ Anh nghĩ gì mà thừ người ra vậy?”
“ Chỗ này ngày xưa tụi anh chuyên môn đá bóng. Vui thật!”
“ Thích nhỉ! Đi xa trở về mới có những tình cảm như vậy. Còn chôn chân ở nơi cũ như em thì chẳng cảm thấy gì cả. Anh đang ở xa lắm phải không?”
Chuyên khéo léo hỏi nơi cư ngụ của tôi. Tôi gật đầu.
“ Xa lắm! Cách em bằng cả một đại dương.”
“ Eo ôi! Xa gì mà xa khổ xa sở vậy?”
Tôi nổi máu giỡn.
“ Tại vì bố em đuổi anh hoài anh phải chạy bán sống bán chết xa như vậy đấy!”
Chuyên cười.
“ Bố em dữ, em biết. Nhưng tưởng chỉ dữ với tụi em thôi chứ. Ai ngờ ông còn dữ cả với anh nữa.”
Tôi vẫn chưa ngưng được cuộc chơi.
“ Chắc tại em khai anh ra nên ông ấy đuổi anh chạy xa như vậy cho chắc ăn!”
Chuyên luồn ra phía sau, ôm cứng lấy tôi, thì thào bên tai.
“ Vậy thì em phải giữ anh cho chắc. Ngày xưa em cũng đã giữ anh như vậy nhưng anh vẫn gỡ vòng tay em chạy mất. Em còn nhớ vòng tay xưa của em không?”
Ngày xưa, Chuyên cũng ôm sát lưng tôi, đôi tay ngắn cố nối thành vòng, giọng nồng nàn. Em cầu trời cho ngực em mau lớn để em lấy anh! Tôi đứng như trời trồng. Gió bên bờ đê lồng lộng thổi bên tai. Vòng tay Chuyên chặt chịa. Ngực Chuyên giờ tràn đầy sau lưng.

03/2006