Còn đó bóng hình
Cũng đành
Âm vang ngàn sóng
Khúc đoạn trường
Mặn bờ môi
Ru tôi mộng lành
Đội mũ
Tết trước tết

 

CŨNG ĐÀNH

Tự dưng mắt trái Tụng đỏ rực lên. Cả một bên tròng trắng phía sát mũi như có một cục máu dính vào. Mỗi lần soi gương Tụng lại thấy cục máu đỏ thêm. Thuốc Visine chuyên trị chứng đỏ mắt nhỏ mỗi ngày ba lần chẳng ăn thua gì. Cục máu bướng bỉnh đứng ỳ đó không chịu nhúc nhích. Tới ngày thứ ba thì quá lắm. Tụng có cảm tưởng mắt mình ngầu máu giống như một tên ăn thịt người. Giulio, tên bạn Ý đồng sở điển trai với hàng ria mép được tỉa khá kỹ, lên tiếng:

- Mắt mày như vậy là thiệt hại bạc triệu đấy. Mày nhìn đàn bà chỉ thấy có một bên. Coi chừng lại vớ được một em có cái bớt đen mọc lông như da heo ở một bên má mà không thấy đó.

Cả chục cái đầu chưa vợ chưa con nhìn Tụng ngoác miệng ra cười thú vị. Hãn, tên bạn đồng hương duy nhất trong sở, chẳng coi tình đồng bào ra gì ngứa miệng bồi thêm:

- Ai bảo nhìn cái gì cũng ghé sát mắt vào nhìn cho rõ. Đáng kiếp!

Tụng trơ mặt ra cười trừ. Chấp chi may cái miệng đói chuyện. Vớ được dịp may nóng hổi chúng đâu có tha. Em Lisa cao như một con hươu cao cổ thường ngày ít nói hôm nay cũng xía vào:

- Tụng, trông toa dễ sợ quá. Cứ như mắt của ma cà rồng ấy!

Tới nước này thì phải tìm thầy tìm thuốc cho rồi. Mở niên giám điện thoại tìm đại một bác sĩ nhãn khoa ở gần nhà, Tụng lấy cái hẹn vào buổi chiều.

Tưởng thầy phải kính cận dày cộm mặt khó đăm đăm ai ngờ lại là một cô gái trẻ măng, thân hình mảnh dẻ, mặt mũi nhẹ nhõm, phải nói là đẹp, một vẻ đẹp hiền dịu hiếm có. Phòng khám ngay trong tiệm kính, nàng đứng sau quầy, tra sổ hẹn, hỏi tên tuổi, cả thẻ sức khỏe. Mới đầu Tụng tưởng là cô thư ký kiêm nhân viên bán kính cho tới khi nàng chìa tay ra cho Tụng bắt và tự giới thiệu:

- Tôi là Sophie, mời ông vào phòng khám.

Tụng đi theo cái dáng ẻo lả ngoan hiền trước mặt. Một chút hương dìu dịu phảng phất theo sau nàng lén lút chui vào mũi Tụng thân tình. Cánh cửa phòng khám khép lại. Ngọn đèn đứng ở góc phòng tỏa nhẹ xuống chút ánh sáng yếu ớt. Nàng cười. Khuôn mặt tươi tắn. Hàm răng trắng đều ánh lên mát rượi.

- Ông cởi áo veste ra cho thoải mái.

Tụng nhanh nhẹn cởi áo treo lên mắc.

- Ông ngồi xuống đây, dựa cằm vào chỗ tựa này. Vậy được rồi.

Ánh sáng mờ ảo rọi vào khuôn mặt nàng thân mật. Tụng say mê nhìn bức tượng bán thân diễm ảo trước mắt.

- Ông nhìn thẳng vào mắt tôi.

Hai vì sao lạc lõng trước mắt Tụng.

- Ông nhìn sang trái.

Ngón tay thon thả như một đọt dừa non mát dịu chỉ sang phía trái.

- Ông nhìn sang phải.

Ngón tay trườn về phía phải mềm oặt ẻo lả.

- Ông nhìn lên trên.

Đôi môi hồng dìu dịu một nét son nhạt phả ra chút hương thơm quí phái. Đôi môi phác ra một nụ cươi e dè.

- Ông nhìn lên trên cơ mà!

Mắt Tụng tiếc nuối leo lên một cách khó nhọc.

- Ông nhìn xuống dưới.

Phập phồng trong làn áo trắng gò ngực nhấp nhô theo hơi thở. Mắt Tụng lơ mơ ngã vào chốn hạnh phúc mênh mang.

- Xong rồi!

Cần cổ thanh thanh no đầy trắng bệch trong vũng ánh sáng hắt hiu ấm cúng. Bàn tay bột lọc gạt chiếc máy khám mắt qua một bên. Khuôn mặt tươi mát hiện ra đầy đặn.

- Ông bị xuất huyết trong mắt. Cứ để vậy tự nhiên sẽ hết. Không cần nhỏ thuốc gì cả. Thuốc không ăn thua gì đâu. Thông thường thì khoảng bốn ngày nữa sẽ hết hẳn. Nếu không hết ông trở lại tái khám. Nhưng tôi nghĩ là sẽ hết. Ông đừng lo lắng gì. Mong ông không phải gặp tôi nữa. Chào ông!

Hãn là người lên tiếng trước tiên khi Tụng vừa bước vào phòng:

- Mắt mũi ra sao ông nội? Bác sĩ có phải lấy muỗng múc mắt ra cho chó ăn không?

Tụng lừ đừ như ông từ vào đền không nói không rằng ngồi vào bàn làm việc. Giulio mò tới vỗ vai:

- Lão đốc tơ dọa nạt gì mà mày câm như hến vậy?

Tụng cười thầm trong bụng. Nếu thằng này nhìn thấy "lão đốc tơ"! Cả đêm qua Tụng ngủ lơ mơ. Hình ảnh Sophie lởn vởn trong đầu. Sáng ngủ dậy soi gương thay mắt vẫn đỏ au anh mừng trong bụng. Cứ như thế này thì bốn ngày nữa anh lại hân hoan đưa thẻ bảo hiểm sức khỏe cho Sophie rẹt. Những con chữ trên màn ảnh lộn xộn vô nghĩa. Tụng đăm đăm nhìn vào mặt computer. Nụ cười của Sophie rạng rỡ bình minh. Anh muốn ngồi im lặng lơ mơ tơ tưởng tới cô bác sĩ duyên dáng. Giulio vẫn làn càn đứng bên cạnh nhếch hàng ria mép vẽ ra một nụ cười chế giễu. Phải đuổi thằng này đi mới được. Tụng lấy giọng nói lớn cốt cho cả phòng nghe:

- Lão đốc tơ bảo mắt này lây dữ lắm. Đứa nào nhìn vào là lãnh đủ!

Giulio len lén nhìn Tụng vội lủi về chỗ ngồi. Căn phòng im phăng phắc. Người nào cũng cắm cúi vào công việc. Giờ này mà sếp lớn bước vào phòng chắc chẳng tìm thấy được một điểm nào để nhăn mặt cả. Tụng thấy nhột sau lưng. Chắc cả chục cặp mắt đang đốt vào gáy anh.

- Anh Tụng còn ngày nghỉ bệnh sao không lấy vài ngày nghỉ cho khỏe. Việc để tụi này làm giùm, cam đoan không lầu bầu gì hết.

Giọng Rita, con nhỏ chết nhát nhất phòng mới nhức đầu sơ sơ đã sợ bị bệnh Aids. Tụng hứng chí dọa nạt con nhỏ khôn lỏi:

- Ở nhà thì bao giờ khỏi bệnh được. Bệnh này phải để lây qua cho người khác thì mắt mình mới hết được.

Anh đứng dậy tới bàn Rita nhìn chằm chặp vào mắt con nhỏ hỏi:

- Rita có muốn nghỉ ở nhà cho khỏe không?

Rita sợ hết hồn hết vía cúi gầm mặt xuống bàn lại còn xòe hai bàn tay ra bịt kín đôi mắt cho chắc ăn, miệng la bai bải:

- Làm ơn đi chỗ khác đi!

Hãn dùng tiếng Việt xỉ vả:

- Đừng có làm tây nó tưởng dân Việt Nam anh hùng chỉ biết hãm hại gái vị thành niên mà nhục quốc thể chứ!

Tụng thấy chẳng nên đùa dai hơn nữa. Cả phe ta lẫn phe tây đều đã lên tới cổ cả rồi. Kéo thêm chút nữa dám đứt lắm. Anh hóa giải tình thế bằng giọng kẻ cả:

-Tụi bay chết nhát hết. Mắt mũi thế này mà lây cái gì. Bác sĩ bảo chỉ bốn ngày nữa tự nhiên mắt tao sẽ trắng như hạnh nhân tụi bay trông thấy phát mê luôn.

Bốn ngày sau mắt Tụng khỏi thật. Sáng ngủ dậy soi gương Tụng thấy như mất mát chút gì. Tụi bạn trong sở thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Bốn bữa trước Tụng nói thì chúng nghe vậy nhưng tin thì không. Cái miệng Tụng chẳng phải là cái miệng tu hành. Anh vẫn có thói quen nói giỡn như thiệt mà thiệt như giỡn. Chuyện gì anh nói ra tụi bạn chỉ nghe bằng một tai, còn một tai để xem chừng. Khờ khạo chi mà đầu tư hết ráo vào một cửa.

Rita vẫn là đứa thật thà nhanh nhẩu nhất. Nàng mừng Tụng mà như mừng chính mình:

- Mừng anh thoát kiếp ma cà rồng!

Tụng giở giọng liền:

- Tôi đang rầu muốn chết. Có chút đỏ trong mắt trông cool hơn chứ!

Giulio ngứa miệng xía vô liền:

- Ừ, chẳng có gì hơn người vớ được cục máu trong mắt mừng muốn chết. Tưởng chơi nổi ai ngờ cục máu cũng chuồn đi mất. Buồn là phải!

Tụng nhe răng cười. Kể thì cũng buồn thiệt. Hy vọng được đi bác sĩ tái khám thế là tiêu tan. Vậy mà buổi chiều đi làm về tay lái xe hơi vùng vằng chẳng muốn theo đường cũ. Tụng chặt lưỡi. Kiếm cái gì ăn bậy cho xong bữa về nhà khỏi nấu. Anh nghĩ tới một tô phở nóng nhưng xe lại rề vào bãi đậu xe của McDonald's gần phòng mạch của Sophie. Ăn xong anh thả bộ ngang qua tiệm kính. Sophie đang ngồi chuyện vãn với cô bán hàng. Anh rảo bước như sợ có một bàn tay thò ra lôi tuột anh vào. Vội vượt qua tiệm kính, anh suýt đụng vào một bà già kềnh càng đi trước mặt. Nuốt xong ánh mắt dai nhách của bà già anh bỗng thấy mình trẻ dại. Anh bước vào tiệm bán hoa mua một bông hồng đỏ bầm màu máu bọc trong dấy bóng kính thắt nơ cẩn thận rồi quay trở lại. Ngực anh như có tới hai con tim.

Anh ngắm bóng mình trong tủ kính của một tiệm kim hoàn, giơ tay vuốt tóc, dấu bông hồng phía sau lưng, tiến tới chỗ Sophie. Nàng nhận ngay ra anh làm anh sướng mê tơi.

- Mắt ông hết đỏ rồi chứ?

Nàng nghiêng ngươi nhìn thẳng vào mắt Tụng. Chiếc cà vạt cong lên theo cơn gió nhân tạo từ chiếc quạt nhỏ trên quầy hàng. Anh nặn ra một nụ cười:

- Hình như vết đỏ loang lớn thành đóa hoa này.

Sophie ôm ngực khẽ kêu:

- Ồ!

Có hai thứ mà người đàn bà được tặng luôn luôn kêu lên thích thú: hoa và nữ trang. Tiếng kêu dành cho nữ trang thường săn giòn hơn. Nhưng tiếng kêu của Sophie lúc này cũng đủ làm cho Tụng ngầy ngật. Giọng anh phả ra như hơi rượu:

- Bông hoa tự nó đã biết nói lời cám ơn.

Sophie áp bông hoa vào ngực. Đôi mắt màu đồng như vừa được chùi sáng bóng.

- Tôi vẫn quý cái tình nghĩa của ngươi Á đông và luôn luôn muốn học hỏi nơi đời sống trọng tinh thần, thiên về nội tâm của các anh. Chắc anh người Trung Hoa?

Tụng thấy nhói nơi đầu. Hai anh con trời ép nhau quá! Đánh nhau cùi cụi ròng rã cả ngàn năm mà đi đâu cũng bị nhìn lầm thành người bên kia chiến tuyến hỏi có ức lòng không? Tụng nhanh nhẹn phủ nhận:

- Không, tôi người Việt Nam.

- Việt Nam?

Sophie ngạc nhiên hỏi lại. Tụng nhìn nàng thương hại:

- Cô có biết Việt Nam ở đâu không?

Mặt mũi ngây ngô như thế kia chắc chẳng biết cái hang của rồng tiên ở đâu. Trước đây anh em xoay vần ra đánh nhau thì cả thế giới biết mặt biết tên, hơn hai chục năm nay chẳng chịu đánh đấm gì thì cô nhỏ hơn hai chục tuổi này không biết là phải. Có giảng giải cũng vô ích, Tụng nói đại khái:

- Việt Nam là một nước nhỏ ở phía nam Trung Hoa.

Sophie mau mắn:

- Thì cũng đại khái là Trung Hoa cả chứ gì!

Tụng chẳng buồn cãi. Chuyện gì không vui thì bỏ đi. Chuyện vui thì giữ lại. Có Sophie trước mặt là vui. Anh ba hoa thiên địa tán đủ chuyện trời trăng mây nước. Sophie từng lúc ôm bụng cười rũ rượi với lối khôi hài mặt tỉnh bơ của Tụng. Đấu láo lòng vòng một hồi thì cái tức tối trong bụng lại lồm cồm bò dậy. Tụng không hiểu tại sao cứ bị làn càn như vậy. Chẳng lẽ bốn ngàn năm văn hiến hành nhau dữ vậy sao? Đầu anh bỗng như được rọi sáng. Văn hóa nằm trong bụng chứ đâu. Anh rủ Sophie cuối tuần đi ăn tiệm Việt Nam. Tiếp cận với văn hóa một cách thực tiễn như vậy chắc ăn như bắp. Sophie gật đầu liền.

Ngồi trên xe Sophie cứ tưởng Tụng sẽ chạy xuống phố Tàu. Thấy không đúng hướng nàng hỏi:

- Anh chở em đi đâu vậy?

- Đi ăn.

- Sao không xuống phố Tàu?

- Mình đi ăn tiệm Việt Nam mà.

- Không phải ở phố Tàu à?

- Em không biết ở thành phố này có khu Việt Nam à?

Tiệm phở bây giờ chẳng còn là nơi chốn riêng của người Việt. Khi Tụng dắt Sophie vào một tiệm phở tương đối sạch sẽ và ăn được thì tiệm đã đông đặc thực khách. Đứng xếp hàng một hồi thì cũng tới lượt có được chiếc bàn nhỏ cho hai người. Anh nhìn quanh. Trắng có, đen có, ngăm ngăm đen cũng có. Vàng lưa thưa như mấy chiếc bông làm cảnh trong vườn. Sophie ngỡ ngàng trước khung cảnh mới. Nàng tưởng Tụng sẽ đưa nàng vào một nơi toàn ngươi Việt ai ngờ nàng lại lạc vào một góc của tòa nhà Liên Hiệp Quốc như thế này. Nàng hỏi nhỏ Tụng:

- Sao nhiều người ngoại quốc tới ăn tiệm Việt Nam như thế này vậy?

Tụng làm như không có gì quan trọng:

- Tiệm này chuyên bán phở, một món ăn Việt Nam đã trở thành quốc tế rồi. Người Phi Luật Tân, người Nam Mỹ và dân Quebec của em là những người sớm khám phá ra hương vị của phở.

- Sao em không biết gì cả?

- Tại vì em chưa gặp anh!

Sophie nhếch miệng cươi. Tụng gắn chặt đôi mắt vào khuôn mặt hiền dịu như một tượng thánh nữ trước mặt. Nếu là họa sĩ chắc anh cũng chịu chẳng thêm thắt được chút gì vào khuôn mặt hài hòa đang hồng lên trước cặp mắt sỗ sàng của anh. Trong anh đang có hai Tụng. Một Tụng lãng mạn muốn đặt khuôn mặt này lên chiếc bệ cẩm thạch đốt nến chiêm ngưỡng từng sợi lông măng e ấp. Một Tụng đam mê muốn ngấu nghiến hôn nát bờ môi hơ hớ mời gọi. Sophie cảm thấy như lửa trong mắt Tụng đang đốt nàng mềm nhũn. Nàng nhón một cọng giá trên đĩa hững hờ bỏ vào miệng. Tụng bừng tỉnh lắc đầu:

- Đừng làm như những đồng bào của em ở bàn bên cạnh, ăn khai vị hết một đĩa giá rồi mới ăn phở. Cũng đừng làm như mấy ông Phi Luật Tân ngồi kia, đổ nguyên cả đĩa giá lẫn các thứ rau vào tô. Cũng đừng bắt chước mấy bà Nam Mỹ trong góc phòng, trút cả đống tương đen lẫn tương đỏ loang lổ tô phở. Người biết ăn phở phải biết quý trọng chất phở. Đừng hành hạ tô phở bằng những thứ phàm phu trông đau lòng lắm.

Tụng là dân theo đạo phở đang say sưa thuyết pháp. Sophie là dân ngoại đạo chẳng hiểu mô tê chi. Nàng sắc mắc:

- Thế ngươi ta bày những thứ này trên bàn để làm chi vậy?

Sophie vừa châm một que diêm đốt vào tai Tụng. Đám cháy nho nhỏ từ tai leo ra khắp mặt Tụng đốt đỏ hết mọi thứ trên đường đi. Chỉ có đôi mắt chẳng thể nào đỏ bằng một bên mắt anh đã vác đến cho Sophie khám ngày nào. Đôi mắt đó đang lúng túng trước đôi mắt rộng mở chờ đợi của Sophie. Đầu óc quyền biến của Tụng cho chàng câu trả lời:

- Thì dân buôn bán họ chiều khách ấy mà!

Sophie hờ hững với câu trả lời quây quả của Tụng. Nàng đang suy tính làm thế nào có thể đưa được thức ăn lên miệng bằng đôi tay cầm đũa vụng về của nàng. Vị lạ của phở, khung cảnh tuệch toạng nhưng thân mật của một loại tiệm ăn lần đầu tiên nàng đặt chân tới và lòng háo hức với trò chơi cầm đũa mới mẻ đã cho nàng một buổi tối hài lòng.

Nhiều buổi tối sau Tụng dắt nàng đi vào rừng thức ăn Việt Nam. Chả giò, bánh cuốn, các loại bún, các loại cơm, các loại bánh, thậm chí cả các loại chè từ một màu tới bảy màu đều được cái miệng của Tụng xưng tụng. Thứ nào như cũng có thần linh đứng sau. Sophie đã quen độ lương thức ăn bằng calorie và cholesterol nên rất bỡ ngỡ trước lối đánh giá thức ăn của Tụng. Hình như trong mỗi món ăn Việt Nam đều ẩn núp một hoài niệm, một quá khứ, một tâm tình, một tiếc nuối. Nó không hẳn chỉ là một món ăn mà như còn là quê hương mà những di dân như Tụng đã tức tưởi bỏ lại.

*
* *

Đôi tay Sophie thoăn thoắt thu dọn những đồ nghề lỉnh kỉnh trong phòng. Tụng ngồi trên chiếc ghế khám bệnh của Sylvie thích thú nhìn nàng lăng xăng. Một thoáng hạnh phúc dậy lên trong lòng anh. Sophie mải miết với đủ thứ phải xếp dọn vẫn không quên thỉnh thoảng liếc nhìn Tụng mỉm cười. Nụ cười nàng trông thật no đủ. Tụng ngả người trên ghế hỏi:

- Em có cần kiếm job không? Bữa nào lại phòng anh tha hồ mà xếp dọn.

Sophie nghếch mặt:

- Anh trả em bao nhiêu tiền một giờ?

Tụng chỉ chiếc ghế dành cho bệnh nhân mặt nghiêm như một ông chủ đang mướn người:

- Cô ngồi xuống đó mình thương lượng.

Sylvie thích thú tham dự vào trò chơi mướn người dọn dẹp của Tụng. Nàng thả người xuống ghế:

- Xong rồi ông chủ.

Tụng kéo ghế vào sát bàn:

- Mắt cô có tốt không?

- Tôi không rõ.

- Cô kê cằm vào đây.

Sophie dựa cằm vào chiếc máy khám mắt, đôi mắt rộng mở cho đợi:

- Cô nhìn sang trái. Nhìn sang phải. Lên trên. Xuống dưới.

Mắt Sophie đảo quanh. Khuôn mặt làm bộ nghiêm trang cộng với bộ điệu cứng cỏi của ông bác sĩ dỏm làm nàng cố nén tiếng cười. Tụng vẫn nghiêm trang ra lệnh:

- Cô nhắm mắt lại.

Sophie khựng ngươi. Mục này không có trong sách vở. Nàng chỉnh:

- Khám mắt mà bắt nhắm mắt làm sao khám?

Tụng tỉnh bơ:

- Bác sĩ đang khám mi mắt!

Sophie tì mạnh cằm xuống ngăn tiếng cười. Nàng nhắm mắt thật chặt làm bắp thịt má kéo cong môi trên lên. Tụng chồm ngươi nhẹ nâng chiếc cằm xinh xắn khẽ đẩy ra khỏi miếng nhựa. Anh kéo chiếc máy qua một bên, run run đặt chiếc hôn lên đôi môi hé mở. Môi Sophie như một nụ hoa được mùa xuân đánh thức bằng những vạt nắng ấm áp nhoài lên dâng hiến. Môi Tụng ngậm kín một nụ hoa nhưng nghe như đẫm hương thơm của muôn hồng ngàn tía.

Dư vị nồng nàn còn lẩn khuất theo Tụng về đến nhà. Chiếc đèn đỏ nhỏ như hạt gạo trên máy trả lời điện thoại nhấp nháy dồn dập như một đứa trẻ lẻo mép đang có điều chi muốn mách. Anh ấn vào chiếc nút trắng. Tiếng mẹ anh vang lên như ngươi bị nghẹt mũi:

- Khi nào về anh gọi lại cho mẹ liền!

Thường thì mẹ Tụng hay gọi cho anh vào những ngày cuối tuần khi ông điện thoại Bell xả láng bớt sáu chục phần trăm. Từ Toronto cách chỗ Tụng ở tới sáu trăm cây số mà bà vẫn muốn kẹp cậu con trai út vào lòng bằng tiếng chuông điện thoại reng lên mỗi sáng chủ nhật khi Tụng còn đang ưỡn ẹo nướng người trên giường. Vậy mà hôm nay sao bà lại gấp gáp gọi cho anh. Chắc có chuyện gì quan trọng. Tụng chặt lưỡi mở tủ lạnh lấy chai la ve tu một hơi rồi mới ngả người trên sô pha quay số điện thoại của mẹ.

- Thưa mẹ! Con vừa về nghe mẹ nhắn trong máy. Có chuyện gì không mẹ? Mẹ vẫn khỏe chứ?

- Có chuyện không được khỏe mới vội gọi cho anh chứ. Mẹ nghe nói hồi này anh hay đi chơi với cô đầm nào đó phải không?

Chết cha rồi! Cứ lảng vảng tới mấy tiệm ăn Việt Nam làm gì chẳng gặp điệp viên của mẹ. Tụng quanh co:

- Ai nói với mẹ vậy?

- Quan trọng gì chuyện ai nói. Cái quan trọng là có đúng như vậy không?

Tụng ngập ngừng:

- Dạ đúng! Nhưng đó là một cô bạn thích tìm hiểu Việt Nam ấy mà. Mẹ để tâm làm chi.

- Không để tâm sao được! Anh giỡn với lửa mà! Coi chừng cháy cả anh lẫn mẹ đấy. Anh lớn rồi làm gì phải suy nghĩ hơn thiệt đàng hoàng. Đừng để cho mẹ khó ăn khó nói với gia đình con bé Hạnh. Anh có còn nhớ viết thư cho nó không?

- Dạ có.

- Mẹ nhắc chừng anh như vậy thôi. Anh mà để xảy ra chuyện gì chắc mẹ khó sống lắm đấy. Anh có thương mẹ thì nhớ lấy lời mẹ.

- Dạ. Lúc nào con cũng thương mẹ lo cho con. Chúc mẹ ngủ ngon!

Tụng thẩn thơ buông điện thoại. Lúc nào mẹ cũng như chiếc bảng stop ở ngã tư đường. Khi cần là dí vào mắt không thấy cũng không được. Từ ngày quen Sophie anh đã hầu như quên Hạnh. Anh là con người của cảm giác. Vui đâu chầu đấy. Mọi sự khác hạ hồi phân giải. Tấm hình anh chụp với Hạnh vẫn ở trên bàn ngủ của anh nhưng Hạnh bằng xương bằng thịt xa anh vời vợi. Năm ngoái anh đã theo mẹ về Việt Nam làm lễ đính hôn với cô hàng xóm thuở nhỏ. Mọi chuyện đều do mẹ anh xếp đặt nhưng chính anh, anh cũng đã bị Hạnh hớp hồn ngay từ lúc bước chân ra khỏi phi cảng. Hạnh như một thiếu nữ lịch lãm xa lạ nhưng Hạnh cũng là cô bé dễ thương ngày xưa khăng khăng một mực lớn lên sẽ lấy anh Tụng. Hồi đó hai bà mẹ hàng xóm mà thân cận như ruột thịt đã cười híp cả mắt nhìn nhau sung sướng. Ngày gia đình Tụng được bảo lãnh ra đi tình hàng xóm vẫn không dứt. Thư từ qua lại đều đặn lại thỉnh thoảng điểm thêm ít quà mẹ Tụng gửi về, rồi mỗi năm một lần tấm ảnh chụp gia đình Hạnh ngày tết gửi qua. Tuy xa mà Tụng vẫn thấy Hạnh lớn dần. Ngày ôm Hạnh trong lòng Tụng thấy tất cả cái kỳ diệu của thời gian. Nó dúi vào tay Tụng một Hạnh xuân sắc nhưng vẫn không xóa đi trong anh cô bé mươi tuổi áp sát ngực vào lưng anh cầu trời cho ngực mau lớn.

Sophie đến với anh như một cơn gió nhẹ mát lòng mát ruột. Anh nhắm mắt tận hưởng làn gió mát mà quên đi những hệ lụy với Hạnh. Cơn gió đó một buổi chiều đã bất thần mở cửa phòng anh. Tụng đứng sững trước khuôn mặt tươi rói của Sophie.

- Em muốn làm người nhà trời rớt xuống phòng anh hay sao mà đến không báo trước?

- Báo trước thì làm sao biết cái ổ chuột nó ra làm sao.

Tụng ghì chặt Sophie cươi ngất. Cô bé thật hóm! Có lần vui miệng Tụng đã khai cái tuổi con chuột của anh ra với Sophie. Nụ hôn chưa dứt Sophie đã đẩy Tụng ra lên giọng như một bà già sắc mắc:

- Trời ơi! Phòng anh giống như một tiệm bán đồ cũ. Chỗ nào cũng quần cũng áo, cũng giày cũng dép, lại còn sách vở, báo chí, túi dấy, túi nhựa dăng dăng ra. Anh trông vậy có được mắt không?

Tụng khật khừ:

- Không được mắt nhưng quen mắt rồi. Có sao đâu!

Sophie tát nhẹ lên má Tụng:

-Đã hư mà còn cãi tầm bậy!

Sophie chống nạnh làm bộ tạo ra dáng điệu đầy quyền uy đi qua đi lại săm soi xét nét vào cõi xô bồ của Tụng. Tụng ngồi khểnh trên ghế nệm nhìn Sophie loay hoay chẳng biết nên bắt đầu cuộc càn quét từ đâu. Chất nồng của la ve làm anh cảm thấy rõ hơn nỗi thích thú của ngươi được săn sóc. Làm thân con út được mẹ nuông chiều từ nhỏ anh đã quen thói làm nũng. Ra trường kiếm được việc làm ở Montreal xa mẹ năm giờ lái xe, anh như thấy mình lớn hẳn lên không cần tới bàn tay của mẹ nữa. Nhưng chất làm nũng đã ăn vào xương vào tủy nay được dịp bùng ra khiến Tụng ngồi lim dim hưởng thụ sự ân cần của Sophie. Anh nhắm mắt cho thân thể bềnh bồng sảng khoái. Chai la de trong tay anh đã nhẹ tênh. Anh đứng dậy đi tới tủ lạnh định lay chai khác. Đi qua cửa phòng ngủ anh thấy Sophie đang ngồi lặng câm trên giường nhìn chằm chặp vào tấm hình trên bàn ngủ. Tụng tái mặt. Anh lê nhẹ tới bên Sophie. Nàng như bị đóng đinh cứng ngắc trên giường. Tụng choàng tay qua vai Sophie. Nàng không rời mắt khỏi tấm hình, nói:

- Xin lỗi anh. Em không có ý tò mò. Định vào dọn phòng cho anh thì thấy tấm hình. Vợ anh phải không?

- Không.

- Có gì đâu mà anh phải chối.

- Anh đâu có chối. Đã cưới đâu mà gọi là vợ.

- Vậy là vợ chưa cưới?

Tụng ngồi im không nhận mà cũng không chối. Giọng Sophie gãy gọn như giọng quan tòa hỏi cung:

- Cô ấy có ở đây không?

- Không. Cô ấy hiện ở Việt Nam.

- Chừng nào cưới?

- Anh không biết. Cô ấy là hàng xóm với anh từ nhỏ. Anh đã làm giấy tờ bảo lãnh cho cô ấy qua.

- Chồng bảo lãnh vợ?

- Không. Vị hôn thê.

- Cô ấy trông đẹp và hiền đấy chứ.

Tụng ngồi ủ rũ như một tội nhân đang chờ tòa kêu án. Sophie cầm tay Tụng nói bằng giọng cố làm ra vẻ tự nhiên:

- Mừng cho anh. Chừng nào cưới đừng quên mời em nghe. Có một điều vì quí anh em mới dặn. Đừng bao giờ bỏ rơi người đàn bà đã tin và phó thác cuộc đời cho anh. Đừng bao giờ nghe anh! Em đã có kinh nghiệm về chuyện này. Anh không bao giờ hiểu được nỗi đau khổ và lòng thù hận của người đàn bà bị ruồng bỏ đâu. Thôi, em về!

Sophie đi như chạy ra cửa. Trước khi lên xe nàng kiễng chân áp sát ngươi hôn Tụng. Trên má!