Chẳng dễ gì mà chúng tôi ngồi lại với nhau được như
thế này. Hữu dấu đôi mắt dưới cặp kính trắng dày cộm thỉnh thoảng lại
nhấc kính ra chậm mắt, lau kính rồi cẩn tắc đeo lại, hai tay sửa hai
bên gọng kính cho thẳng, vội vàng giở qua một trang kinh, hấp tấp đọc
theo như người bị đuổi sát gót chân. Hắn có thay đổi gì đâu. Ngày xưa
hắn chu đáo từng chiếc áo chiếc quần trên người, từng giờ giấc đến trường,
từng tập sách vở lẫn bài làm bài thi, từng cử chỉ lời nói với bạn bè.
Ngồi bên Hữu là Tạo. Nước da ngăm ngăm, vẫn khuôn mặt hơi quê nhưng
ánh vẻ thông minh, rất hợp với miếng nhựa trắng nằm giữa cổ chiếc áo
đen. Đã có lần tôi bảo hắn là cả đẫn khi hắn không chịu đi ăn đi chơi
với anh em. Hắn chỉ cười trừ. Nụ cười hiền đến phát ghét. Ngồi dựa vào
tường, dáng điệu uể oải, khuôn mặt bất cần, soành xoạch đổi tư thế,
như người đang bị tù túng vướng víu là Tôn. Với hắn, chẳng có gì là
trang nghiêm, quan trọng cả. Ngày yết bảng kết quả kỳ thi Chứng Chỉ
Anh Văn Thực Hành, không thấy tên mình, Tôn nhơn nhơn ra đứng ở góc
đường Tự Do- Lê Lợi, trước cửa nhà hàng Givral, gặp bạn bè người quen
bất kể thân sơ, đều níu áo lại nói một câu duy nhất. Sịt mẹ, Nguyễn
Đích Tôn, tám điểm bảy mươi lăm, rớt! Chi ngại nói chuyện với anh chàng
cà chớn này lắm. Điên không ra điên, khùng không ra khùng, mà mặt cứ
trơ ra như người mang mặt nạ, Chi đã nhiều lần phán về Tôn như vậy.
Từ California lặn lội về đây (chữ lặn lội Chi dùng cho thảm vậy thôi
chứ thực sự là nàng đang đi chơi hè). Chi ngồi xoãi hai chân, vạt áo
dài vàng phủ trên đùi cẩn tắc, hàm răng hơi hô luôn cầu cứu níu kéo
đôi môi che lấp, đôi mắt trang nghiêm nhìn thẳng lên bàn thờ. Dưới chân
bàn thờ, tái tê dưới vành khăn trắng, Hà buồn thiu giữa bày con cháu
một màu trắng toát. Dân trường tây, Hà có tên tây Juliette, nhí nhảnh,
hoại bát, nhõng nhẽo phải biết, làm chết mệt chàng Pháp. Chuyện tình
của một anh chàng cao ráo, đẹp trai, rất biết nịnh đầm, với một kiều
nữ dễ thương như Hà làm náo động Văn Khoa một thời. Vì có mối tình đẹp
với Juliette, Pháp được anh em phong làm Roméo. Nhưng Roméo Juliette
này bất tài chẳng làm nhỏ được một giọt nước mắt của ai mà phây phây
nắm tay thòng vào nhau chiếc nhẫn uyên ương gắn bó. Juliette ủ rũ cúi
mặt ngồi đó. Roméo vẫn nụ cười tươi, dẹp lép trong chiếc khung hình
đen, gửi cặp mắt âu yếm nhìn xuống qua làn khói mỏng.
Tiếng tụng kinh ê a bằng cái giọng nhừa nhựa, lóc
cóc tiếng mõ theo từng chữ, thỉnh thoảng trầm ấm tiếng chuông buông
rơi, làm tôi đắm người vào cõi mông lung. Tôi nhìn lên hình Pháp thấp
thoáng sau mâm cỗ cúng. Sao mày bỏ anh em đi vậy? Pháp với tôi khá thân
vì cùng chung cái thú đọc sách. Cõi trần gian chúng tôi đi đã gần tàn
con đường, còn có chi là vui ngoài những trang sách. Cùng ở chung một
thành phố, chúng tôi gọi nhau ngày một, chia sẻ với nhau cái sảng khoái
tìm thấy qua sách vở. Thỉnh thoảng rủ nhau ra quán cà phê, trao đổi
sách, tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, chuyện xưa chuyện nay. Cũng
qua được cuộc sống nặng nề cơm áo. Đùng một cái, cơn bệnh hành Pháp
xấc bấc xang bang. Pháp xanh đi như một chiếc lá lắt lẻo giữa cơn giông
tố. Rụng!
Hà oằn xuống. Tôi bơ vơ như lạc mất mình. Còn ai đâu
nơi thành phố này cho tôi bạn bè. Cũng còn, Bửu. Hắn đang ngồi đó, đầu
nhẵn thín trên khuôn mặt minh mẫn, vạt áo cà sa rung lên theo nhịp tay
gõ mõ. Bạn học nhưng bây giờ hơi khó nói chuyện. Phần vì hắn bận với
ngôi chùa rộng rãi chiếm hẳn một khoảnh đồi, phần vì hắn bị chiếc áo
cà sa níu lại làm hắn nghiêm trang một cách thừa thãi. Mắt tôi lại nhìn
thấy nơi hắn điều gì không ổn. Hồi ở Văn Khoa hắn có hiền lành nhút
nhát thật nhưng dù sao hắn cũng đã một thời đi ăn đi chơi với chúng
tôi. Tới đâu hắn cũng tới. Khi không hắn bỏ đi tu ngang làm kẹt tôi
quá chừng. Đã cùng nhau nhấp nhổm ở Ngã Ba Chú Ía, tôi chẳng thể uốn
miệng gọi hắn là thày được. Mắt tôi là thứ mắt cố chấp. Nhìn hắn tôi
như không thấy chiếc đầu nhẵn thín, không thấy manh áo vàng, không thấy
bàn tay phải lúc nào cũng như sẵn sàng dựng thẳng đứng trước ngực nam
mô. Gặp tôi, Bửu như cũng ngài ngại giữ kẽ trong lời ăn tiếng nói. Đành
tránh nhau được chừng nào hay chừng đó.
Ánh nắng chói chang bên ngoài khung cửa gương sơn
đỏ được mở hé cho chút gió lọt vào. Bàn cơm chay dùng xong đã bề bộn
vương vãi. Chiếc bàn tròn vun chúng tôi vào với nhau. Tạo bên Bửu, tôi
bên Tạo, bên phải tôi là Chi, Hà rồi Tôn, Hữu tạo thành một vòng tròn
Văn Khoa xưa. Trước khi ngồi, Tôn đã ghé tai tôi thầm thì. Sịt mẹ! Tao
phải ngồi xa hai tên thày tu cho dễ ăn dễ nói. Hà bận bịu với đám khách
và mớ con cháu, chạy qua chạy lại quanh các bàn, vậy mà vẫn còn tìm
ra được thời giờ khích Tôn bên cạnh.
'' Sao anh Tôn? Hồi này con cháu đùm đề rồi còn điểm
tâm trước khi nói không?''
Mọi người cười. Tiếng cười cố ém lại cho có vẻ dè
dặt. Đám bạn xưa như đã mất cái xăng xái sốc nổi. Tôn bập môi hai cái
cố nuốt tiếng chửi thề rồi mới thốt thành lời.
'' Mấy chục năm gặp lại nhau, nhìn quanh các bạn,
tôi mới thấy mình xoàng xĩnh. Có mỗi một việc thích hợp với cuộc sống
mà cũng chẳng làm được. Tôi tự thấy mình vẫn phải như xưa, chị Hà ạ.
Tôi vẫn chưa nhìn thấy lý do để phải coi cuộc sống là một cái gì nghiêm
trọng.''
Tạo, vẫn nụ cười hiền lành, góp chuyện.
'' Cuộc sống tự nó là một điều tự nhiên. Cho nó là
nghiêm trọng thì nó nghiêm trọng, cho nó là phất phơ thì nó phất phơ.
Ăn thua ở mỗi người. Nếu bạn Tôn nhìn thấy nó như thế nào thì cứ sống
như thế. Đó cũng là một cách sống hay.''
Tên Tạo ba phải ngày xưa chẳng thể biến thành một
thứ gì khác hơn là một ông cha ba phải. Bửu xốc mép chiếc áo vàng bị
trễ xuống một bên vai, giọng trang nghiêm.
'' Nói về cõi thường hằng thật bao la không cùng.
Cái tâm của mình dắt mình được tới đâu thì mình bước tới đó. Nếu mỗi
bước đi là một bước ngộ thì quí hóa lắm!''
Tôn nhúc nhích không yên. Hắn ghé vào tai Hữu thầm
thì. Hữu từ tốn rút chiếc bóp ra khỏi túi quần, thận trọng kéo ra một
tấm hình đen trắng khổ nhỏ.
'' Thưa các bạn, tôi còn giữ được tấm hình lớp Anh
Văn Thực Hành của bọn mình ngày xưa. Nói như thày Bửu, mình thử lùi
ít bước trong cuộc sống xem sao.''
Tôi ngứa miệng chọc Hữu.
'' Thế ra vì bạn Hữu còn giữ được tấm hình nên mới
khổ công liên lạc với mọi người réo gọi về tham dự cuộc họp mặt hôm
nay chắc?''
Câu nói giỡn của tôi không nhằm lúc trở thành một
câu nói vô duyên. Mọi người đang dồn cái háo hức vào bức hình cổ hiếm
có. Tấm hình được truyền cho nhau. Tôi đọc được xúc động trên mặt bạn
bè ngồi quanh. Hai chục mạng có lẻ qui lại quanh bàn còn sáu tên. Pháp
có đây nhưng không còn biết ngồi. Cùng một cõi với Pháp có Bình, Toàn
nằm lại trong cuộc chiến, Kỳ, Thanh, Liễu, Bích nằm ngoài biển khơi.
Còn liên lạc được với nhau trên chục tên. Hữu kêu đến lạc giọng kéo
bạn bè về đây họp mặt nhân ngày giỗ đầu của Pháp mà người về chỉ ngồi
không kín một mặt bàn tròn. Cái vòng bạn bè lỏng lẻo đang dõi theo những
khuôn mặt thuở còn xanh. Tôi nhìn tôi xưa muốn buông tiếng thở dài.
Chi cười khan.
''Chúa mẹ ơi! Sao tôi hồi đó tội nghiệp đến thế này!
Nhỏ Nhã trông còn tội hơn. Ủa quên, Nhã nó gửi lời thăm tất cả mọi người.''
Mặt Bửu thoáng thất sắc. Chút vọng động như vòng sóng
lăn tăn trên mặt vội đến vội đi. Miệng Tôn bô bô, nhưng vẫn phải ấp
úng bập môi thay hai chữ điểm tâm trước khi nói.
'' Xin lỗi các bạn cho tôi ra ngoài làm vài khói.
Thèm quá rồi đíu chịu nổi.''
Tạo lắc đầu cười hề hề. Bửu phóng cặp mắt sắc nhìn
Tôn không nói. Tôn kéo Hữu đứng dậy. Lúc đi qua chỗ tôi ngồi, hắn ghé
tai tôi thầm thì.
'' Sịt mẹ! Ngồi với một tên thày, một tên cha khó
nói chuyện quá.''
Tôi bấm bụng cười, đầu gật gật như như đang nghe một
câu nói đứng đắn. Hà đang tất tả với đám cháu bên bàn khác. Tôi ra hiệu
cho Chi.
'' Xin phép để tôi đưa cô Chi ra ngoài vãn cảnh chùa.
Cô Chi chưa biết là ngôi chùa này là chùa đẹp nhất thành phố.''
Bửu nhún nhường.
'' Bạn nói vậy chứ chùa cũng còn phải tu bổ thêm thắt
nhiều lắm. Nhất là con đường Bát Nhã ở phía sau. Nhưng làm được hay
không cũng còn tùy công đức của các Phật tử.''
Chi vốn là người tinh ý, từ thuở còn cuốn sách trên
tay. Vừa ra tới sân, nàng đã hỏi tôi.
'' Ông Bửu hình như vẫn chưa dứt được nghiệp duyên
cũ?''
Tôi chẳng biết nói sao. Cắn môi mấy lần mới ậm ừ chung
chung.
'' Đâu cứ phải muốn là được. Có những chuyện mình
cố quên nhưng nó cứ bám dai như đỉa đói.''
'' Còn anh, anh đã quên được chưa?''
Chi ngước mắt nhìn tôi chờ câu trả lời.
'' Để tối nay tôi hỏi lại lòng tôi đã.''
Chi tinh quái. Mặt nàng hất lên.
'' Cần chi phải hỏi! Trông sắc mặt anh là tôi biết
rồi. Nhã nó dặn tôi là gặp anh, nhìn cho kỹ, nhớ cho đủ, rồi về kể lại
cho nó nghe.''
Tôi nóng mặt lúng túng. Phải bước đủ chục bước mới
hỏi được.
'' Nhã có hạnh phúc không?''
Chi dịu dàng cúi xuống một bông hoa bên đường. Màu
hoa vàng lộng lẫy, lẻ loi giữa rừng lá xanh ngắt. Nàng nâng niu cánh
hoa ẻo lả.
'' Dễ thương quá anh nhỉ?''
Chúng tôi tiếp tục bước trên con đường Bát Nhã ngoằn
ngoèo giữa rừng cây. Ngang qua một quả chuông nhỏ treo trên một chiếc
giá gỗ sơ sài, Chi tinh nghịch lắc mạnh. Tiếng chuông lanh chanh phá
đi cái tịch mịch êm ả quanh chúng tôi.
'' Tôi rung chuông gọi Nhã để nó trả lời câu hỏi của
anh đấy. Có lần nó bảo tôi là nó hạnh phúc ngoài da!''
Chi phá lên cười. Tiếng cười trong trẻo như bám vào từng thân cây xù
xì mốc meo. Tôi cười cho cái tính khôi hài của Nhã. Chồng Nhã là một
bác sĩ chuyên trị bệnh ngoài da! Nhã vậy đó. Có nẫu ruột cũng vẫn tếu
được. Lần tôi hôn Nhã nụ hôn đầu dưới lùm cây trong sân Trung Tâm Văn
Hóa Đức, nơi chúng tôi cùng theo học thêm buổi tối, Nhã quấn lấy tôi
mê muội. Khi rời nhau, tôi thầm thì bên tai nàng.
'' Em thấy sao?''
Vẫn còn bẽn lẽn cúi mặt, Nhã nhỏ nhẹ.
'' Có thấy gì đâu! Nhã nhắm mắt mà!''
Nhã có khuôn mặt năng động. Như một con sóc non ưa
nhảy nhót. Môi Nhã mỏng, hồng như được phủ bằng giấy bóng kính. Ngọt
và thơm. Tôi nghĩ tới những viên mứt sen nằm trong lớp giấy bóng hồng
được bó túm lại với chùm tua tỏa ra ở phía trên, đi kèm với túm trà
trong giấy bóng đỏ và tấm thiệp hồng báo hỉ của người miền Bắc. Nhã
là con gái Bắc đặc sệt với giọng nói lanh chanh chữ sau nhảy lên chữ
trước. Da Nhã trắng như trứng gà bóc. Màu trắng và màu hồng làm Nhã
cao sang. Nhiều tên bị Nhã hớp hồn chết mê chết mệt. Trong số có Bửu.
Bửu nhút nhát ít nói, chỉ biết mê rồi để đó. Hắn dấu kỹ mối tình câm
trong lòng, nhưng lại để lộ ra trong đôi mắt. Cái lối đứng từ xa đờ
đẫn nhìn Nhã nói cười ai thấy mà chẳng biết. Nỗi lòng của hắn được gửi
vào những bài thơ đăng trong các giai phẩm Văn Khoa, số mùa xuân cũng
như số mùa hè. Hoặc, trần gian hơn, vung vãi trên những thân xác năm
chục đồng một lần đi.
Chi như bóng như hình với Nhã. Chúng tôi đổ vào Nhã
mà không nhìn thấy Chi. Chi không có nhan sắc, cũng không có duyên,
và có lẽ cũng chẳng có mối tình nào. Đời Chi như đường tàu, thẳng tắp,
chẳng cần biết tới đâu. Ra trường, đi dậy, lấy chồng, có con. Giản dị
và bình thường. Chồng Chi, cũng công chức, giản dị chẳng kém. Họ cộng
chỉ số với nhau và nằm êm đềm trong chiếc kén riêng đó.
'' Sao bạn hay quá vậy? '' Mối tình'' của bạn với
Nhã vẫn khắng khít mặc cho vật đổi sao dời.''
'' Hay gì đâu! Hồi bảy lăm, vợ chồng Nhã dọt lẹ ngay
từ giữa tháng tư. Vợ chồng tôi ở lại sất bất xang bang. Mãi tới bảy
chín mới bám chân các anh ba trong Chợ Lớn tếch đi được.''
'' Vợ chồng bạn chung tiền theo bán chính thức à?
Vậy là hên. Tôi cũng chung tiền mà hụt cẳng. Tiền thì đi mà mình còn
ở lại. Chết lên chết xuống cả năm sau mới chui thoát. Nhưng mà sao trời
xui đất khiến thế nào mà bạn lại ''đoàn tụ'' được với Nhã?''
Chi thở ra.
'' Có trời có đất nào đâu! Chỉ có con Nhã. Nó bảo
lãnh tụi tôi từ đảo qua đấy chứ! Nó bảo cho có bạn bè, chung quanh nó
chẳng có những người chí tình như tụi mình ngày xưa. Mà bạn chí tình
nhất với nó chắc chỉ có tôi và anh.''
Tôi thẫn thờ đếm bước bên Chi. Rừng cây xào xạc quanh
chúng tôi. Con đường đất khựng lại bên một mặt hồ êm ả.
'' Tôi thì kể chi. Chắc chỉ có bạn.''
Chi bứt một cánh lá, liệng bâng quơ giữa trời.
'' Chắc anh nói đúng. Anh đâu chỉ là bạn.''
Mặt hồ phẳng lặng như mặt gương mờ ảo. Những dáng
liễu ẻo lả bao quanh hồ. Mặt trời bỏ đi để lại những đám mây rầu rầu
buồn bã. Tôi rủ Chi ngồi xuống bờ cỏ bên hồ. Đường Bát Nhã lẩn khuất
dưới những thân phong rậm rạp lác đác bóng người. Những chiếc lá phong
vàng úa nằm rải rác trên mặt cỏ. Vàng lá, vàng hoa, vàng cả áo Chi.
Tôi không ưa màu vàng. Ngày xưa Nhã chẳng có chiếc áo nào màu vàng cả.
Vậy mà bạn bè vẫn gọi nàng là ''Nhã vàng'' để phân biệt với một Nhã
khác bên ban Pháp Văn với Hà. Cha mẹ Nhã có một tiệm vàng lớn trên đường
Nguyễn Huệ. Cửa tiệm ở tầng dưới, gia đình Nhã ở tầng trên. Muốn lên
nhà phải đi giữa hai dãy tủ kính vàng chóe được soi sáng bằng một dàn
đèn nhức mắt từ trên trần xuống tới bên trong tủ. Lần duy nhất đến nhà
Nhã, tôi thấy như mình đang lên sân khấu. Khán giả là cặp mắt sắc sảo
quen định giá vàng và hột xoàn của mẹ Nhã. Bà nhìn tôi từ đầu tới chân,
nét mặt không thân thiện. Nhã giới thiệu tôi. Bà soi mói đôi bông tai
kim cương trên tay, hỏi mà không nhìn tôi.
'' Cậu quen với cô Nhã nhà tôi?''
Tôi muốn lùi ra khỏi cửa khi nghe cái giọng lạnh lùng
của bà chủ tiệm vàng. Nhã đỡ lời.
'' Con đã thưa với mẹ rồi. Anh Ngân học cùng lớp với
con. Học cùng lớp nhưng bài vở con phải hỏi anh ấy hết đấy mẹ ạ.''
'' Thế à? Cậu học giỏi vậy sao lại học Văn khoa?''
Tôi miễn cưỡng hỏi ngược lại.
'' Thưa bác, học Văn Khoa thì sao ạ?''
Mẹ Nhã vẫn không rời mắt khỏi đôi bông tai hột xoàn.
'' Tôi tưởng Văn Khoa là chỉ để học chơi thôi. Như
cô Nhã nhà tôi, học để chờ lấy chồng ấy mà. Chứ các cậu mà học Văn Khoa
thì ra làm được cái gì?''
Tôi nóng mặt nhưng cố giữ lễ phép.
'' Dạ, thưa bác, học ngành nào thì ra trường cũng
có những công việc hữu dụng chứ!''
Mẹ Nhã vẫn mát mẻ.
'' Tôi bận buôn bận bán nên chẳng biết nhiều. Nhưng
tôi nghe nói học Văn Khoa ra rồi chỉ đi dạy học, lương ba cọc ba đồng.
Sao cậu không học Y hay Nha, Dược? Vừa có tiền, vừa có địa vị , được
mọi người kính nể.''
Tôi lặng thinh. Chẳng phải vì cặp mắt lo lắng sợ sệt
của Nhã mà vì tôi thấy chán nản chẳng muốn kéo dài câu chuyện khá bực
mình này. Mẹ Nhã vẫn không buông tha.
'' Như anh Thái con bác Tân, anh Dũng con bác Phước,
cô Nhã thấy không, toàn học ra Bác sĩ. Cũng là học cả nhưng đâu có phải
học là giống nhau cả đâu!''
Nhã vùng vằng kéo tôi đi.
'' Xin phép mẹ cho con đưa anh Ngân lên lầu nói chuyện.''
Mẹ Nhã thẩy đôi bông tai xuống bàn, nghiêm khắc nhìn
Nhã.
'' Bố cô có bạn trên đó. Cậu Ngân đã dùng điểm tâm
chưa? Cô Nhã đưa cậu Ngân qua tiệm phở bên cạnh vừa ăn vừa nói chuyện
cũng được. Ở nhà không tiện đâu! Cô còn tiền không đấy? Lấy tiền của
mẹ đây này.''
Mẹ Nhã vất chùm chìa khóa trước mặt Nhã. Cơn giận
nhảy lên trong tôi. Tôi lừ mắt nhìn trân trối vào mặt mẹ Nhã, gằn giọng.
'' Chào bác. Cháu xin phép phải về!''
Tôi hăm hở ra cửa. Nhã chạy theo, mắt đỏ hoe. Tôi
thấy thương Nhã vô cùng. Tôi cúi đầu đi như chạy với con tim muốn phóc
ra khỏi lồng ngực.
Tiếng động của một hòn đá được ném xuống mặt hồ làm
tôi giật mình. Một bụm nước bắn tung lên tạo thành những vòng tròn lao
xao nở lớn. Tiếng Tôn oang oang.
'' Sịt mẹ! Hai bạn trốn ra ngồi nỉ non với nhau làm
tụi này kiếm muốn chết. Chuyện riêng tư đã xong chưa vậy? Nếu chưa thì
tụi này lại tếch đi cho rộng chỗ.''
Chi có vẻ khó chịu.
'' Này, ông Tôn! Ông có hay soi gương không? Có hồ
nước đây soi tạm cũng được, để xem mặt mũi ông ra sao.''
'' Sịt mẹ! Cái mặt tôi, tôi nhìn phát chán rồi, soi làm đíu gì! Bà này
thiệt rắc rối.''
Chi dịu giọng, nhưng vẫn có âm hưởng khích bác.
'' Cứ soi thử để coi đầu ông mấy thứ tóc rồi!''
Tôn cười hè hè.
'' Sịt mẹ! Chẳng soi cũng biết. Ba thứ cả thảy.''
Hữu đứng bên , ngây thơ.
'' Ông này nói lạ. Tóc đâu mà tới ba món ăn chơi?''
Tôn trả lời Hữu nhưng mắt đăm đăm vào Chi.
'' Sịt mẹ! Có thế mà cũng đíu biết. Tóc đen nhé, tóc
trắng nhé, còn tóc quăn nữa là chi?''
Chi đỏ mặt gắt.
'' Ông này nói bài bây! Già mà không nên nết. Tôi
nói ông soi gương là để cho ông biết là già đầu rồi, đừng có chửi thề,
không sợ con cháu nó bắt chước sao?''
Tôn vẫn hè hè.
'' Sịt mẹ! Tụi nó bắt chước được đã là may! Giờ tụi
nó nói tiếng Mỹ không bà ơi.''
Tôi sốt ruột xen vào.
'' Thôi đi ông ơi. Ít nhất ông cũng phải nhớ đây là
đất chùa, ăn nói phải giữ mồm giữ miệng chứ.''
'' Đất gì thì đất chứ. Đất nó đâu có biết nghe. Có
hai tên thày tu thì đã bị bỏ rơi trong đó rồi. Còn các bạn, tôi coi
như vẫn như xưa. Sịt mẹ! Các bạn có nhớ lần đi trại hè Đà Lạt không?
Giống như chúng mình đang đứng bên hồ Than Thở quá. Hồi đó đông vui
chứ đâu có loe ngoe bốn mạng như thế này. Buồn nhỉ?''
'' Ông mà cũng biết buồn nữa à? Lạ nhỉ?''
Hữu và tôi ôm bụng cười sau câu nói của Chi. Tôn gân
cổ.
'' Có bà nói lạ thì có. Sịt mẹ! Người gì mà không
biết buồn! Bộ bà muốn dành hết à? Ít nhất cũng phải cho ông bạn tôi
ngồi đây buồn chứ. Cầm cái giấy có chữ ký của ông Bùi Đình Đạm, ngồi
bên hồ Than Thở với đào, buồn hết biết!''
Tôi nạt.
'' Sư anh! Nhờ anh tí! Mồm miệng đâm ngang đâm dọc!
Chuyện cũ còn moi ra nhai lại. Trâu bò mới nhai lại, người đâu có vậy!''
Tôi nghênh mặt nhìn Tôn. Hắn đã dựng dậy cả một thời
cũ làm tôi như sống lại những ngày kê nhau túi bụi khi xưa. Tôn đã lầm.
Tất cả đã lầm. Ngay cả Nhã cũng chẳng đọc được cái chấm than dứt khoát
trong đầu tôi hồi đó. Tôi tận hưởng những phút giây cuối của cuộc tình
để rồi sẽ một mình đau khổ xóa bỏ ván bài thẫm đỏ những con cơ tình
tứ. Ai nhận được lệnh gọi nhập ngũ cũng buồn, trừ tôi. Ông Bùi Đình
Đạm đã cầm con dao cắt đứt dùm tôi những lưỡng lự. Tôi vẫn yêu Nhã nhưng
tôi biết tôi chẳng thể có Nhã làm vợ. Cuộc sống chung chắc chắn sẽ bào
mòn mỗi ngày mối tình tươi đẹp của hai đứa tôi. Gia đình Nhã như vậy,
gia đình tôi như vậy, cái ngang ngạnh của tôi như vậy, cái nhịn nhục
của Nhã như vậy. Trộn chung chúng với nhau sẽ ra một Nhã vàng võ héo
hon. Tôi chịu gì nổi. Chính vì thương Nhã mà tôi phải xa Nhã. Với tất
cả nuối tiếc xót xa. Tới bây giờ tôi vẫn xao xuyến mỗi khi nghĩ tới
Nhã. Nhưng tôi vẫn ước mong Nhã có hạnh phúc, với người khác. Hình như
hạnh phúc của Nhã sẽ biện minh cho chia lìa mà tôi đành đoạn gây ra.
Nó vỗ về được tôi. Như một thứ thuốc xoa làm dịu đi vết thương của một
cuộc tình lỡ.
Nhã không hiểu được tôi. Hạnh phúc của nàng phải có
một con dấu cộng. Cộng với cuộc sống có tôi. Nhã trách tôi nhát, Chi
nói với tôi như vậy. Thây kệ những khuôn phép thường tình của đời sống,
những khuôn phép mà tình yêu, mãnh liệt như một thớt bò rừng, phải húc
bừa cho nó muốn ra sao thì ra. Nhã có thể hạnh phúc sống trên những
đổ nát đó miễn là có tình yêu. Nhã có nghĩ quá sức mình không? Thân
nàng mong manh, bờ vai nhỏ, tay chân nuột nà mảnh khảnh, làn da trắng
yếu đuối.
Nhát dao tôi mượn để chia lìa tôi với Nhã là một nhát
dao cùn. Tưởng là cắt đứt, cho xong một lần, ai ngờ nó vẫn lòng thòng
theo cuộc sống. Của tôi. Và của Nhã.
Tiếng gọi của Tạo lay tỉnh tôi. Đứng trên con đường
đất nhỏ, Tạo cất cao giọng.
'' Tôi phải đi bây giờ. Định xuống chào các bạn. Các
bạn còn ở lại chơi hả?''
Hữu lật đật đứng lên. Tôn nói nhỏ với tôi và Chi.
'' Sịt mẹ! Hai anh thày tu hết chuyện nói với nhau rồi chắc. Tụi mình
cũng lên thôi kẻo cha Tạo đóng cửa thiên đàng thì có nước khóc dở.''
Chi chẳng bao giờ bỏ lỡ dịp kê Tôn.
'' Cỡ anh thì cửa thiên đàng có mở cũng vô ích. Chẳng
bao giờ cái đầu bá láp của anh chui lọt vào được đâu!''
Tôn nhấc cặp kính, nhướng mắt, gằn giọng.
'' Xin lỗi! Thiên đàng mà có bà thì cho tiền tôi cũng
đíu vào. Khó sống lắm!''
Tôn cười hì hì sau câu nói, quày quả chạy lên bắt
kịp Tạo và Hữu.
Chúng tôi tụ họp lại trước bàn linh. Tạo khoanh tay,
nhìn di ảnh của Pháp, nhìn quanh khuôn mặt bạn bè.
'' Được sự cho phép của thày Bửu, tôi xin ngỏ ít lời
với các anh chị. Chúng ta tụ họp nhau đây, ngày hôm nay, để tưởng niệm
người bạn chung của chúng ta là anh Pháp, người đã ra đi trong nỗi xót
xa tiếc nuối của tất cả chúng ta. Tôi cũng muốn xin phép chị Hà để,
nhân dịp nhớ tới anh Pháp, chúng ta cũng cùng nhau tưởng nhớ đến các
bạn đồng khóa của chúng ta, đã ra đi trước chúng ta, các anh Bình, Toàn,
Kỳ, các chị Thanh, Liễu, Bích và tất cả những bạn bè đã qua đời mà chúng
ta vì mất liên lạc nên không được biết. Trên ba mươi năm trước, chắc
chẳng bao giờ chúng ta nghĩ là sẽ còn lại chỉ một nhóm vài người tụ
tập tại một nơi xa xôi như thế này. Một tập thể nhỏ bé chỉ gồm chưa
tới ba chục người, mà cuộc đời đã bắt mỗi người chúng ta chịu nhiều
khắt khe cay đắng. Thày Bửu và tôi là những người tu hành, con đường
trần gian chỉ là con đường tạm, thì chẳng nói làm chi. Nhưng các anh
các chị, nhiều ràng buộc trong cuộc sống nên cũng nhiều gian truân vất
vả. Chúng ta được gặp nhau ở đây là một điều an ủi cho tất cả. Chúng
ta nguyện ước cho nhau sức khỏe, nghị lực và an bình trong cuộc sống.
Chúng ta nhớ tới những bạn đã bước đi một bước trước chúng ta và cùng
nhau nguyện cầu cho các bạn đó được thanh thoát trong cõi cực lạc. -
Tạo ngước mắt lên hình Pháp trên bàn linh - Anh Pháp, hôm nay các bạn
bè anh tụ tập nhau tại đây để kỷ niệm một năm ngày anh ra đi. Chúng
tôi tin rằng, giờ phút này anh cũng đang có mặt nơi đây, nhìn lại mặt
bạn bè, chung với chúng tôi nỗi xúc cảm được nhìn lại nhau sau những
tháng ngày tứ tán mỗi người một phương. Chúng tôi luôn luôn nhớ tới
anh, và cầu mong sự thanh thản cho anh nơi cõi vô ưu.''
Tạo thắp một tuần hương cho Pháp, chúng tôi lần lượt
mỗi người gửi một nén nhang cho người bạn quá cố. Tôi thấy những giọt
nước mắt trên mặt Hữu và Chi, thấy vẻ phiền muộn của Bửu, thấy cái nghẹn
ngào của Hà, thấy cái ủ rũ nơi Tôn, thấy cái ngậm ngùi của Tạo. Và mắt
tôi cay xè khi vùi chân nhang vào bát hương trước di ảnh Pháp.
Chúng tôi vượt qua cửa tam quan, dùng dằng như chẳng
muốn cất bước. Bửu bắt tay từng người, chặt chẽ như không muốn rời xa.
'' Các bạn cứ coi đây như nhà của các bạn. Cửa chùa
lúc nào cũng rộng mở cho tình bạn của chúng ta.''
Bước ra khỏi khuôn viên chùa, Tôn lớn tiếng.
'' Sịt mẹ! Chán quá đi mất! Thằng Pháp rồi, kế tiếp
tới ai đây?''
Chi cự nự.
'' Cái ông này, mồm miệng ăn mắm ăn muối!''
Tôn gân cổ cãi.
'' Bộ bà muốn lột da sống đời hay sao vậy?''
Chi sấn xổ.
'' Chẳng ai sống đời được. Nhưng người bình thường
không ai nói như vậy!''
Tiếng cười của Tôn oang oang vang động.
'' Tôi nói thật với bà. Chọc được bà giận là tôi vui
rồi. Mấy chục năm không được gặp lại bà, tưởng là bà héo quay héo quắt
rồi chứ. Ai ngờ vẫn đốp chát như xưa. Mừng sức khỏe của bà nghe! Sịt
mẹ! Sống lại được đời cũ trong một ngày, sướng gì đâu!''
Tôn giang tay ngẩng mặt nhìn trời, mặt mũi phởn phơ,
mắt lim dim sảng khoái. Chi liếc xéo Tôn, miệng lẩm bẩm.
'' Rõ khỉ cái ông mãnh này!''
Hữu hết nhìn Tôn rồi Chi, cười vu vơ. Nụ cười vẫn
không xóa được vẻ rầu rĩ trên khuôn mặt. Hắn vốn là người chí tình với
bè bạn. Cuộc gặp mặt này sẽ còn sống lâu trong trí hắn. Tạo xăng xái
bắt tay mọi người rồi vội ra xe về. Hà chắp hai tay trước ngực, xá từng
người, nước mắt lưng tròng, lủi thủi quay vào chùa. Tôi theo Chi ra
xe. Lặng lẽ bên nhau, bịn rịn. Giọng Chi nhẹ nhàng.
'' Anh có nhắn gì Nhã không?''
Hình bóng Nhã ngày xưa rộn ràng trong tôi. Thèm da
diết được một lần ôm Nhã trong tay. Tôi thở dài, nhìn Chi, lắc đầu.