Nhất định phải chờ cho anh chàng này lấm lét nhìn tới
mười lần tôi mới lên tiếng. Mười lần chắc cũng chẳng lâu la gì. Mới
đó mà đã hai lần rồi! Anh chàng liếc mắt nhìn vội một cái rồi giả tảng
làm lơ. Khuôn mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Chỉ nhấp nháy lại quay mặt lại
nhìn nữa. Bốn lần rồi đấy. Đứng trước mặt tôi là một ông tây phương
phi béo tốt tròn quay như một anh người tuyết đứng trước cửa nhà ôm
trong bụng một cái đèn trong dịp lễ Giáng Sinh. Cái ông tây nhiều thịt
này đã che gần kín mít tôi nên mỗi lần nhìn anh chàng phải nghiêng đầu
nghiêng vai. Năm lần. Anh chàng đã thừa cơ một bà đầm từ vòng trên xuống
vòng dưới lớn cùng một cỡ vừa xuống xe để hở một khoảng trống khá rộng
rãi nên lấn dần đến gần tôi. Vừa di chuyển anh chàng vừa liếc mắt nữa.
Tôi ngồi trên ghế thân người cấn cái. Hai người ngồi bên người nào cũng
nhiều thịt hơn tôi nên xe buýt lắc một hồi là bộ xương của tôi bị kẹp
bẹp dí ở giữa. Tám lần. Một bên người tôi như bị nhấc bổng theo cánh
tay giật chuông của người ngồi bên cạnh. Bà ta đứng lên người hơi chao
đi khi ông tài xế xe buýt đạp thắng. Anh chàng một tay treo lên thanh
sắt gắn dài theo trần xe cũng loạng quạng chống hai chân cho khỏi xô
vào người bên cạnh. Đầu quay lại phía tôi liếc nhanh một cái rồi vội
vàng chiếm chỗ trống bên cạnh tôi. Bao nhiêu ý nghĩ tinh nghịch trong
đầu tôi bay đi cùng với cặp má cảm thấy nóng ran. Chắc bao nhiêu máu
trong người tôi đang di tản lên má hết. Anh chàng cố giữ cho tay không
chạm vào vai tôi như thể người tôi là một cục nam châm đang hút lấy
cánh tay anh. Anh nhẹ nhàng đưa tay lên đẩy chiếc kính cận lên cao trên
sống mũi, thừa cơ quay ngang về phía tôi, liếc mắt nhanh như máy. Mười
lần. Chẳng nên đùa dai hơn nữa.
Mặt tôi nhìn thẳng về phía trước không thiên vị qua
phía anh chàng một ly nào. Miệng tôi mỉm nụ cười kín đáo. Kiểu cười
ưng ý nhất trong các kiểu cười của tôi. Rồi tôi nhìn thẳng phía trước
nói như nói với bà đầm ngồi ở dẫy ghế đối diện mà tôi chỉ nhìn thấy
mái tóc loe hoe có điểm những sợi bạc trắng:
-Nhìn dữ à! Đúng rồi!
Anh chàng lắp bắp bên tai tôi:
- Thảo thật đấy à?
Tôi khật khùng trả lời:
- Thảo giả đấy! Vừa giả vừa già.
Tôi bỗng đâm bực mình ngang. Ngày xưa anh chàng thuộc
mặt tôi hơn là mặt của chính anh ta. Nếu anh chàng có nhắm tới mười
lớp mi mắt thì mặt tôi vẫn in vào con ngươi của anh ta rõ mồn một. Vậy
mà bây giờ phải nhìn tới đúng chục lần cũng chưa chắc là người xưa.
Bộ tôi già rồi sao? Già đứt đuôi rồi chứ còn gì nữa. Đâu còn được như
xưa! Đâu có phải là những ngày vàng son ngồi ở cư xá Thanh Quan cho
các chàng bướm dập dìu tới săn đón tán hươu tán vượn. Anh chàng Quảng
này là một trong những con bướm mẫn cán. Có tuần nào mà Quảng chẳng
dựng chiếc vespa bóng loáng bên thềm xi măng sát chiếc sân sỏi trắng
tinh. Anh chàng nào cũng chẳng dám mạnh bạo đôi chân vượt qua chiếc
sân sỏi lạo xạo trước khi bước lên bậc thềm đá hoa hai màu xanh trắng
bóng loáng, rụt rè hỏi cô thư ký ngồi ở bàn tiếp khách rồi chọn một
trong sáu bộ sa lông nằm rải rác mỗi góc một bộ ngồi đợi sẵn. Anh nào
anh nấy mặt căng lên hồi hộp. Ở phía trong bọn con gái chúng tôi cứ
nhởn nhơ chậm rãi cho cao giá. Phải cho các anh chàng mỏi mòn con mắt
mới được diện kiến người đẹp. Dễ dầu gì! Nghĩ tới những ngày hoa mộng
cũ tôi bỗng mỉm cười ngang, mặt mũi trông dễ dai hẳn ra. Tôi xuống giọng
êm dịu số một:
- Đâu có ngờ lại gặp anh Quảng ở đây. Anh qua đây
lâu chưa?
Quảng vội vàng chụp lấy câu nói của tôi như người
sắp chìm nghỉm bỗng nhìn thấy cái phao trước mắt:
- Tôi cũng đâu có ngờ có ngày lại được gặp lại Thảo.
Mừng quá! Tôi mới qua được hơn một năm. Thạnh đâu?
Anh chàng cù lần này khéo vô duyên. Thật tức như bò
đá. Đang hứng thú đóng kịch ngày xưa khi em còn thơ ngây thì bị phá
ngang. Làm gì mà không cụt hứng. Tôi dấm dẳn trở lại:
- Tôi đâu có bỏ ông ấy trong túi mà hỏi!
Quảng ngồi chết trân câm nín. Người anh khẽ nhích
xa tôi một chút. Tôi nghĩ thầm. Anh chàng dám tưởng mình khùng lắm.
Mà khùng thật chứ còn gì nữa. Họ là bạn với nhau hỏi thăm nhau là chuyện
thường tÍnh. Mình có bực mình thì ráng bỏ cái cục bực đó vào miệng nuốt
cho trôi xuống họng. Cớ chi lại dấm dẳn vô lối? Nhưng nhắc tới Thạnh
thì làm sao tôi bình tĩnh nói năng tử tế cho được. Mặt tôi bây giờ chắc
đang sưng lên một đống. Tôi nhìn sang Quảng. Cặp mắt tôi chắc nóng chẳng
thua gì mặt trời. Anh chàng có vẻ e dè nghi ngại. Dám trong đầu đang
nghĩ tới cách làm sao để có thể êm thắm thoát khỏi con mẹ khùng điên
này lắm. Tôi đỏng đảnh buông gọn:
- Ông ấy chết rồi!
Mắt Quảng cau lại. Những nếp gấp kéo nhau nằm tua
tủa quanh mắt. Cặp kính nhoài ra khỏi sống mũi. Những dấu thang dấu
hỏi chen chúc nhau dựng đứng lên nhìn tôi. Quảng bật ra một câu vuốt
đuôi nghe đầy ai oán:
- Chết rồi sao?
Anh nuốt nước miếng khan làm nửa trái táo oan nghiệt
trên cần cổ nhọc nhằn đi lên đi xuống. Ánh mắt anh gửi cho tôi niềm
xót thương nặng chĩu:
- Cho tôi chia buồn với Thảo. Chắc lại bỏ mạng ngoài
biển cả?
Tôi ậm ừ không nói. Đầu khẽ nhúc nhích vừa đủ cho
một câu trả lời. Không xác nhận mà cũng không cải chính. Muốn hiểu sao
thì hiểu. Quảng cúi đầu thở hắt ra:
- Nhà tôi và các cháu cũng vậy!
Tôi giật mình nhìn Quảng. Nỗi buồn kéo đầu anh chàng
xuống sát đôi vai gầy guộc. Tôi thấy mắt mình rơm rớm ướt. Tính tôi
dễ xúc động trước sự mất mát. Lại thêm bụng có chút hối hận vì đã vô
tình khơi lại nỗi thương tâm của Quảng. Tôi lắp bắp:
- Tôi thông cảm nỗi buồn của anh. Nhìn anh tôi biết
là anh chẳng bao giờ quên được nỗi mất mát lớn lao này.
Quảng như cố nén tiếng sùi sụt. Mũi anh đỏ lên. Hai
dòng nước chậm rãi lăn ra khỏi hốc mũi. Anh móc tay vào túi quần rồi
vội vàng rút tay không ra quệt ngang mũi. Tôi mở ví lấy ra một tờ kleenex
trao cho anh. Anh lanh lẹ đón nhận và chậm tờ giấy lên mũi. Giọng anh
khản đặc:
- Cám ơn Thảo.
Vài cặp mắt tò mò nhìn chúng tôi. Tôi dám cá một ăn
hai là họ tưởng chúng tôi đang sụt sùi cho một cuộc tình duyên trắc
trở. Mặt tôi đỏ ửng lên. Ừ, nếu hồi đó không có Thạnh thì biết đâu đấy.
Cũng trắc trở thật đấy chứ. Tôi khẽ mắng thầm tôi trong bụng. Khéo vô
duyên cái con nhỏ này!
Tôi liếc mắt qua cửa kính xe trông thấy khu phố quen
thuộc vội vàng đọc số điện thoại của tôi cho Quảng rồi chen lấn ra cửa
xe. Anh chàng đang bối rối chắc gì đã nghe kịp. Thây kệ. Tôi đâu có
tha thiết bắt lại liên lạc làm chi. Hai cánh cửa xe tự động mở ra hắt
vào mặt tôi làn gió mát rượi. Tôi bỏ lại mùi hơi người nồng nặc, bỏ
lại anh chàng Quảng ủ rũ trong xe.
*
* *
Thực ra Thạnh đâu có chết. Nhưng anh sống mà như đã
chết rồi. Chết trong lòng tôi. Ngày xưa mẹ tôi có lối nói chuyện chen
vào những câu ví von đã thành nếp từ bao nhiêu đời. Nói về đàn ông mẹ
tôi luôn luôn bĩu môi chép miệng. Đàn ông như cây gậy của thằng ăn mày,
chỗ nào cũng chọc vào được. Hồi đó chị em tôi vừa cười vừa giải oan
cho đàn ông. Mẹ cứ nói quá đáng! Chẳng là đứa nào cũng đang có một anh
hoàng tử trong lòng. Mơ mơ mộng mộng. Vậy mà mẹ ôm thốc những anh chàng
dễ thương này đem vứt ra ngoài chợ nằm ngang với cây gậy của thằng ăn
mày thì ai mà chịu nổi. Thế mà bây giờ tôi phải chịu mẹ tôi đúng là
một nhà tiên tri nói đúng phong phóc về anh chồng của tôi. Tôi bương
bả chạy vay lo cho Thạnh vượt biên để vừa qua tới bên đảo là Thạnh biến
thành cây gậy của thằng ăn mày. Không biết anh chọc làm sao mà đầu gậy
bị chụp cứng ngắc. Anh sống với người đàn bà khác và có con. Anh đành
đoạn cắt đứt mọi thư từ với tôi. Tôi nuôi con trong hoang mang linh
cảm có điều bất thường. Chẳng lẽ Thạnh lại tệ bạc đến vậy. Những tin
tức về Thạnh sau này tôi mới biết. Còn lúc đó trong đầu tôi vẫn nghĩ
tốt cho Thạnh. Một con người bị thả tơi tả trong cuộc vượt thoát thì
có thiếu gì gian nguy bất trắc phủ chụp chung quanh. Thạnh của tôi chắc
đang gặp một hoàn cảnh bất ưng nào đó nên chưa thể tiếp tục thư từ cho
vợ con. Tôi trông ngóng thư anh từng ngày, từng ngày quì gối cầu xin
trời Phật cho chồng được bình an. Thời gian bỡn cợt với tôi. Ngày qua
ngày niềm hy vọng của tôi hao hụt dần. Tôi bám lấy quá khứ để vỗ về
hiện tại.
Ngày xưa Thạnh bám sát tôi như hình với bóng. Tôi
chẳng chim sa cá lặn gì nhưng chắc là tôi có số đào hoa nên con trai
theo tôi nườm nượp.Làm thân con gái mà được nhiều kẻ hầu người hạ như
thế thì ai mà chẳng thích. Mấy đứa bạn thân của tôi đùa rỡn đòi mua
cho tôi ít chổi chà để quét bớt cho đỡ vướng chân vướng cẳng. Mỗi sáng
chủ nhật tôi chỉ việc tiếp khách cũng đã đủ mệt. Anh chàng này nối tiếp
anh chàng kia. Nhiều khi họ đụng nhau trước khuôn mặt tỉnh bơ của tôi.
Chọn ai bỏ ai là chuyện tôi không thể làm được. Tính tôi vốn cà chớn
chẳng tự mình quyết định được việc gì. Bạn bè tôi thì chín đứa mười
ý. Đứa bàn ngang đứa tán dọc, đứa ngả sang tây đứa quay về đông. Riết
rồi tụi nó chỉ làm tôi rối trí thêm. Cô Giám Đốc cư xá đã có lần trách
khéo tôi vì cái tội chiếm nhiều chỗ trong phòng khách quá. Tôi bèn tương
kế tựu kế hỏi ý kiến cô xem tôi phải đối xử ra sao để giảm bớt đám khách
của tôi. Cô vốn là một tu sĩ nên cho tôi một món xà lách lý thuyết tả
pí lù gồm đủ các khía cạnh về tâm lý, đạo đức, giao tế, tôn giáo hầm
bà làng nghe phát mệt. Tôi tìm về một người ít trí thức hơn: mẹ tôi.
Ba mẹ tôi sống khá thoải mái với một vườn cây ăn trái
ngút ngàn gần thị xã Mỹ Tho. Cứ đứa con nào leo lên được Đại Học là
ông bà gửi lên Saigon. Mấy ông anh trai của tôi được thuê nhà trọ ở
ngoài. Phận gái như tôi thì phải vào ở cư xá nền nếp đàng hoàng. Mẹ
tôi luôn luôn rót vào tai tôi là phải coi chừng con trai Saigon. Chúng
như một giỏ trái cây bát nháo mới hái xuống chưa được lựa lọc. Trái
thối, trái dập, trái sâu lẫn lộn với trái ngon, trái ngọt. Muốn nên
thân phải chọn lựa kỹ càng. Gì chứ lựa trái cây thì chẳng ai qua mặt
được mẹ tôi. Tôi nghĩ chỉ có cách ôm cả đống trái cây Saigon lổn nhổn
của tôi về cho mẹ tôi chọn lựa mới xong.
Cách một tuần tôi về thăm nhà một lần. Mỗi lần về
tôi lại rủ cả đám bạn trai bạn gái về theo. Dân Saigon được về chơi
vườn, ăn trái cây thả cửa, cơm canh đãi đằng hậu hĩnh, khi về mỗi tên
lại ôm theo một gói trái cây chiến lợi phẩm, tên nào mà chẳng thích.
Mấy anh chàng theo đuổi tán tỉnh tôi được tung tăng thoải mái trong
vườn, muốn mận muốn đào gì cũng được tưởng là đang tự do lắm. Đâu có
ngờ nhất cử nhất động đều bị cặp mắt nhà vườn của mẹ tôi theo dõi. Không
hiểu mẹ tôi là người sành tâm lý hay là có lòng vị nể các cô cậu sinh
viên Saigon nên mẹ tôi có cách lựa ngược lại với khi lựa trái cây. Lựa
trái cây thì mẹ tôi chụp những trái hư thối ném qua một bên. Làm như
ghét bỏ những trái không ra gì làm hỏng giỏ trái cây ngon lành đẹp đẽ
của mẹ tôi. Nhưng khi lựa bạn trai cho tôi mẹ tôi lại lựa ra anh nào
được nhiều điểm nhất để nhét vào tay tôi. Những anh còn lại mẹ tôi làm
như không có ý kiến. Lối lựa này hàm ý bắt ép tôi không cần phải kén
cá chọn canh gì nữa. Anh chàng tốt số được mẹ tôi chấm chính là Quảng.
Tôi không ghét bỏ gì Quảng nhưng tôi không cảm thấy gần gũi với người
bạn ít nói, hơi cả thẹn, thiếu sôi động và có dáng dấp già trước tuổi
này. Một người tốt nhưng không có diện. Tôi thấy lòng rung động với
Thạnh hơn. Thạnh hoạt bát, khéo nói, mặt mũi sáng sủa, trí thức. Tôi
nói với mẹ tôi về sự chọn lựa của mình. Bà ngồi im không nói gì cả.
Dù sao mẹ tôi cũng nể mặt cô con gái có mác sinh viên Đại Học chứ! Mẹ
tôi thọc tay vô giỏ mận hồng đào nhẹ nhàng lọc lựa một hồi rồi đưa cho
tôi một trái nhỏ bé dài ngoằng, vỏ lấm tấm đầy những vết nhám bảo tôi
ăn thử. Tôi hờ hững cầm trái mận xấu xí còi cọt bẻ đôi ra bỏ vào miệng.
Lưỡi tôi cảm nhận được vị ngọt sắc sảo, thơm tho, mát dịu. Mẹ tôi nói
chậm rãi như thể không phải nói với tôi. Chán vạn người chỉ nhìn bề
ngoài mà lầm to. Tôi hiểu mẹ tôi định nói gì nhưng trong bụng nghĩ là
trái mận thì ăn nhậu gì tới con người. Tôi bướng bảnh theo con đường
của tôi.
Lấy Thạnh, sanh con, con được năm tuổi, tôi mới đẩy
chồng ra biển. Tưởng tính đúng nước cờ, ai ngờ sai bét. Lúc này tôi
mới thấm thía trái mận còi cọt của mẹ tôi. Mẹ tôi cứ quanh quẩn trong
vườn mà sành đời gấp vạn lần cô con gái bương chải ngoài đời. Nhìn vỏ
trái dưa mẹ tôi thấy rõ trong ruột, gõ nhẹ vào trái bưởi mẹ tôi biết
lòng bưởi, nâng trái sầu riêng mẹ tôi đếm được từng múi ở trong, chỉ
cần vài lần tiếp xúc với Thạnh mẹ tôi đã đọc được lòng dạ anh chàng.
Áo mặc không qua khỏi đầu. Câu nói trên cửa miệng mẹ tôi làm tôi thấy
mình quê một cục. Tôi đã không trọng lời khuyên của mẹ tôi nên đời tôi
mới dở dở ương ương tối mù tối mịt như vậy.
Chuông điện thoại chưa dứt một hồi con gái tôi đã
vội bắt nghe. Phần lớn điện thoại gọi đến là của My. Tôi hầu như chẳng
tiếp xúc với ai. Gia đình không có, bạn bè thân thiết cũng không, họ
hàng chẳng có ai, chẳng có ma nào thèm gọi cho tôi. My chăm chú lắng
nghe mặt nhăn như cái bị đưa điện thoại cho tôi:
- Có ông nào hỏi má này!
Tôi đang làm bếp, chùi sơ bàn tay, áp ống điện thoại
vào tai, tim đập thình thịch. Bên kia đầu dây tiếng Quảng hỏi tôi:
- Thảo đấy hả? Quảng đây.
Hóa ra anh chàng này vẫn còn giữ được cái tính cẩn
thận. Trên xe buýt tôi vội vàng đọc số điện thoại có một lần mà anh
chàng ghim ngay vào bụng. Chắc mừng muốn chết làm chi mà không nhớ.
Gặp lại cố nhân có thời say mê quên trời quên đất, vợ chết, cố nhân
cũng góa bụa (tôi cá một ăn mười là anh chàng uống hết lời tôi chẳng
dám ngờ vực gì), mừng như bắt được vàng là cái chắc. Tôi bỗng thấy vui
trong bụng. Cuộc đời ngỡ đã xẹp lép ai ngờ lại có anh chàng thổi phồng
lên tròn quay. Tôi thả giọng nhẹ nhàng:
- Chà, anh Quảng còn nhớ đến Thảo à?
Anh chàng chắc sướng ngất ngư. Cái điện thoại tôi
mua son có mười đ?ng, giá nó tốt hơn chút xíu tôi dám nghe thấy nhịp
tim cuống cuồng của anh chàng cục đất bên kia đầu dây lắm! Chắc anh
chàng cảm động hung nên lặng người chẳng nói được gì. Tôi hắng giọng.
Quảng ấp úng:
- Tôi mới tìm trong xấp hình cũ thấy có mấy tấm chụp
trong vườn nhà Thảo hồi đó. Thảo có muốn coi thì cho tôi địa chỉ lúc
nào tôi mang qua cho.
Bụng tôi thót lại. Tôi mừng thiệt tình. Quả là tôi
đang nhớ lại những ngày ở vườn. Ba mẹ tôi vẫn còn ngày ngày chăm sóc
đám cây ăn trái. Chắc ông bà nhớ hai mẹ con tôi lắm. Mắt tôi cay sè.
Tôi biết là con tim tôi vốn dễ phập phồng. Tôi muốn nhìn lại khung cảnh
thân yêu đã vời vợi xa cách. Tôi nhìn con gái tôi vẫn đang giữ bộ mặt
lầm lì đứng nghe tôi nói chuyện. Không được. Chưa cho anh chàng này
địa chỉ được. Tôi thoái thác:
- Thảo cũng muốn coi lắm. Anh cho Thảo số điện thoại
lúc nào tiện Thảo sẽ phôn lại cho anh.
Quảng đọc cho tôi số điện thoại rồi thêm:
- Có một tấm chụp Thạnh rõ lắm.
Máu chạy rần rần lên đầu tôi. Anh chàng này vô duyên
thiệt. Khi không lại nhắc tới con người bội bạc đó. Tôi giận ngang lặng
người không nói được gì. Mặt tôi lúc đó trông chắc ngầu lắm. Tôi gắt
gỏng:
- Kệ ông đó, mắc mớ gì đến tôi!
Giọng tôi oang oang như muốn thoát ra khỏi góc bếp
chật hẹp. My há hốc miệng nhìn tôi đôi mắt coi bộ thích thú lắm. Bên
kia đầu dây không có một tiếng động. Tôi mường tượng nỗi ngơ ngẩn của
Quảng. Anh chàng chẳng biết ất giáp gì chắc mặt đang thộn ra một đống.
Tôi thấy tôi thật tức cười. Chuyện chỉ có mình mình biết mà khi không
nổi đóa lên. Đúng là một con mụ khùng. Từ ngày mất Thạnh tôi vẫn có
những lúc lên cơn như vậy. Tôi mắc cở muốn chết xuống giọng nhũn nhặn:
- Xin lỗi anh Quảng nghe. Thảo đang dở tay làm bếp.
Để lúc nào Thảo phôn lại.
Tôi vội cúp phôn thừ người đứng như trời trồng. Con
gái tôi nhìn không chớp mắt. Tay tôi vẫn đặt trên điện thoại. Đầu óc
tôi trống rỗng. Tiếng My nghe chát chúa:
- Má nói chuyện với ai vậy?
Tôi như sực tỉnh trả lời:
- Một ông bạn cũ của má.
My mím môi nhìn như muốn nuốt chửng tôi:
- Ông ấy có quen ba không?
Tôi cảm thấy ớn lạnh trước tia mắt soi mói của con
gái:
- Có.
Nước mắt My chạy vòng quanh. Nó cong cớn hét lớn:
- Con ghét ông ấy!
Chẳng cứ gì Quảng, My ghét tất cả đàn ông, nhất là
đàn ông có liên hệ tới Thạnh. Chính tôi đã tiêm nhiễm vào đầu con gái
lòng thù ghét này. Những ngày còn ở đảo, khi biết chắc Thạnh đã trở
mặt phụ rẫy mẹ con tôi, tôi tức điên người lên mà chẳng biết tâm sự
cùng ai. Chung quanh tôi toàn những người xa lạ, người nào cũng có những
lo lắng riêng canh cánh bên mình, ai mà thèm chú ý tới mẹ con tôi. Tôi
như một cái bóng rầu rĩ mờ nhạt trong trại. Liều thân ra đi với hy vọng
liên lạc được với chồng, dựa vào cái gốc sĩ quan của Thạnh để xin đi
định cư hoặc nếu Thạnh đa được đi định cư thì anh sẽ bảo lãnh mẹ con
tôi đoàn tụ. Vậy mà bỗng dưng tôi như con diều đứt dây chới với trên
không chẳng có chỗ nào bám víu. Tôi bơ vơ lo sợ chẳng biết đời hai mẹ
con sẽ xoay vần tới đâu. Đêm đêm nằm trong chiếc chòi lá xập xệ có những
lỗ thủng nhìn thấu sao trời, nước mắt tôi ràn rụa khôn nguôi. Vừa giận
chồng, vừa tủi phận, vừa thương con, vừa lo cho ngày mai. Nhìn đâu cũng
thấy tăm tối mù mịt.
My lúc đó mới tám tuổi hồn nhiên chơi đùa chẳng chia
sẻ được một chút nào nỗi buồn phiền lo lắng của mẹ. Suốt ngày cô nàng
đi theo lũ trẻ trong trại say mê trong các trò chơi thích thú. Gió biển
cùng mặt trời chói chang gay gắt phủ lên lớp da non dại của My một màu
đen đúa dơ bẩn. Tôi thương con côi cút nên để mặc cô nàng rong chơi
cùng chúng bạn.
Tôi ôm My vào lòng khi thấy con trở về miệng méo xệch
tay quệt nước mắt liên hồi làm đỏ au đôi mắt. Con tôi vừa nấc vừa hỏi
tôi:
- Con có ba không hả má?
Thân mình nhỏ bé của My rung lên trong vòng tay của
tôi. Khuôn mặt My nhếch nhác ngước nhìn tôi chờ câu trả lời. biết nói
với con làm sao cho xuôi. Tôi vuốt tóc My, những sợi tóc rít rát khét
lẹt. Tôi lúng túng hỏi lại:
- Sao con hỏi má như vậy?
My oà khóc lớn như muốn bày cho tôi thấy nỗi tức tưởi
kéo từ trong ruột trong gan ra. Giọng My chìm lẫn vào tiếng nấc:
- Tụi nó bảo con không có ba.
Tay My ôm cánh tay tôi giật mạnh. Tiếng khóc tưởng
như muốn bể màng tang tôi. My vừa gào vừa nói:
- Phải không má? Con không có ba phải không má?
Con gà mẹ trong tôi bất thần xòe cánh chống đỡ cho
con. Tôi xiết chặt My:
- Đứa nào nói bậy vậy? Con có ba chứ. Ba con đang
ở bên Mỹ. Mai mốt ba sẽ bảo lãnh má con mình qua với ba.
My quệt nước mắt hôn lên má tôi. Chiếc miệng bé nhỏ
cùng chiếc mũi xinh xinh cọ mạnh làm nước mũi nước rãi nhầy nhụa trên
mặt tôi. Con tôi cười rạng rỡ như ánh mặt trời tươi mát vừa ló rạng
sau cơn mưa:
- Con thương ba! Con thương ba!
My gỡ vòng tay tôi, tụt người xuống đất, chạy bay
ra sân chơi. Tôi cười buồn nhìn bước chân con chuyệch choạng xa dần.
Tai tôi nghe vọng về tiếng Myồn ào tranh cãi với bạn bè.
Niềm vui của con làm se lòng tôi. Tôi đã đành lòng
cho My một chiếc kẹo vẽ trên giấy. Chất ngọt không có thật trên lưỡi
mà chỉ lởn vởn trong đầu. Buổi tối nhìn con nằm ngủ say sưa, nét mặt
bình an rạng rỡ mà nước mắt tôi tuôn chảy. Người tôi ra ra từng mảnh.
Tôi đã cháy túi với cuộc sống này sao?
Loanh quanh bán rẻ ngày tháng mai cũng buồn, tôi tình
nguyện làm việc không công cho văn phòng trại. Nói là làm việc không
công nhưng thực ra cũng có chút bổng lộc. Bổng lộc đến từ chút ưu tiên
về thực phẩm của ban điều hành trại nhưng bổng lộc rơi xuống tôi nhiều
hơn từ những nhân viên thiện nguyện ngoại quốc đến giúp đỡ trại. Công
việc làm tôi lấy lại được chút phong độ tưởng đã tàn lụi với nỗi mất
mát lớn lao của đời tôi. Cho cái anh chàng Thạnh đáng ghét vào nằm trong
nhà kho, tôi như người được tháo cũi sổ lồng. Tôi tự bằng lòng với vẻ
hoạt bát, duyên dáng và sống động của mình. Con nhỏ Thảo đâu đã đến
nỗi là đồ bỏ đi!
Mấy nhân viên thiện nguyện phần nhiều là những thanh
niên năng nổ. Họ vừa rời ghế nhà trường lòng còn đầy ắp lý tưởng đem
lại hạnh phúc cho những dân tị nạn đang lao đao với ngày mai. Số hạnh
phúc họ phân phát rộng rãi cho mọi người nhưng vẫn không quên cất bớt
đi một chút cho những cảm tình riêng tư. Chút riêng tư đó họ họ đổ vào
cho tôi, người đàn bà đã có một con. Không hiểu mắt người ngoại quốc
có mòn đi với cái dáng người đang độ chín tới của tôi không nhưng cách
họ chăm chút cho tôi quả có làm cho tôi bâng khuâng. Căn chòi rách nát
thô sơ của tôi là cái túi cho họ trút vào lẫn lộn vừa xà bông, bột giặt,
bánh kẹo, mì gói vừa những tình cảm lộ liễu của tuổi thanh niên.
Họ ồn ào vây quanh tôi. Thỏi son, hộp phấn, chút mỹ
phẩm họ bê về sau mỗi lần ra phố làm cho tôi dễ nhìn hơn trước bội phần.
Vài chàng còn ngỏ ý muốn hốt cả mẹ lẫn con mang về những xứ sở mà tôi
đang ao ước được đặt chân tới. Nghe ra thì thật hấp dẫn. Tự dưng có
con đường tắt để đi định cư ai mà không ưa. Nhưng tôi chẳng thể dễ dãi
được. Hụt chân một lần nữa chắc khó mà ngóc đầu lên nổi. Những bức thư
của mẹ tôi như những sợi dây cột chân tôi vào khu vườn êm đềm ngày xưa.
Những lời mẹ dạy năm xưa giờ tôi phải ôm chặt trong lòng. Nồi nào úp
vung nấy. Chiếc nồi đất là tôi lại đội trên đầu một cái vung nhôm coi
chắc chẳng vừa mắt. Mà nghĩ làm chi cho mệt óc. Đàn ông cá mè một lứa
cả.
Khu trại của tôi có nhiều đàn ông cọc cạch. Ông thì
đi học tập về bỗng thấy mình lại được độc thân, ông thì bị quả tạ đổi
đời đè bẹp dí chẳng thể níu áo giữ được bà vợ, ông thì mất cả vợ lẫn
con trên biển, ông thì mờ mịt với vận nước rách nát chẳng còn lòng dạ
nào xây dựng một tổ ấm riêng. Tất cả những ông chèo queo này sau một
thời gian ở đảo, hồn đã trở lại xác, bỗng nhiên thấy có nhu cầu mang
quả tim đi tìm lò sưởi ấm. Chắc họ nghĩ tôi là một chiếc lò sưởi hồng
hào nên nhiều ông mang tim tới đòi sưởi. Gì chứ tim đàn ông là thứ tôi
không ham. Chẳng có trái tim nào nguyên vẹn. Cái nào cũng trống hốc
trống hác, gió máy lọt vào là quay cuồng theo ngay. Tôi cố gạt ra xa
những trái tim phù thủy đó. Chẳng phải dễ dàng gì. Con người đàn bà
được nịnh nọt, săn đón, tán tỉnh trong tôi cứ từng lúc giao động thích
thú. Tôi phải dùng đầu óc hằn học của một người vợ bị bỏ rơi để mong
đè nó sát sạt xuống đất.
Một bữa nhân có việc lục tìm lại chồng hồ sơ cũ của
ban điều hành, tôi lặng người nhìn thấy hồ sơ của Thạnh. Lòng tôi như
miệng núi lửa âm ỉ ôm cái nóng bỏng trong bụng bỗng bùng lên phun lửa
tứ tung. Cơn giận ào ra làm tôi thở hổn hển. Tôi điên tiết khi thấy
tên người đàn bà được khai là vợ cùng đi với Thạnh nhảy múa trước mắt.
Tôi nhắm mắt cố dìm người tôi xuống. Đừng xỉu nghe Thảo! Thạnh là một
thứ đồ bỏ có đáng gì đâu. Hay bình tĩnh lại. Tôi với cây viết, xé một
tờ giấy ghi lại địa chỉ nơi định cư của Thạnh. Đầu tôi, tay tôi như
một cái máy vô tri vô giác.
Tôi cầm tờ giấy trở về bàn làm việc ngồi thừ người
bất động. Tôi không khóc nhưng nước mắt tuôn ra tự nhiên như mưa trên
trời rớt xuống. Tôi nhủ tôi có chi mà phải xúc động. Nhưng ai vừa đổ
cả đống hạt tiêu vào mũi tôi cay xè. Nước mũi tôi nhẩn nha chảy xuống
môi xuống miệng. Bàn tay tôi quờ quạng kiếm miếng giấy lau. Đầu tôi
chĩu nặng như một tảng đá lăn xuống mặt bàn. Thân tôi sao tự nhiên giật
lên từng hồi. Cả người tôi xa lạ với tôi. Ai đang làm gì tôi vậy?
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Tôi nghe như
được vỗ về an ủi. Niềm tủi thân bùng lên làm tôi nức nở khóc. Tôi cố
dìm mặt tôi vào đôi tay khoanh lại trên mặt bàn để kìm tiếng khóc nhưng
vai tôi vẫn rung lên cùng những tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ tôi đang dỗ
dành tôi đấy sao? Tôi thấy mình nhỏ bé chơi vơi. Tôi gọi giữa cơn mê.
Mẹ ơi!
Tiếng nói dịu dàng thánh thót bên tai tôi:
- Con có chuyện chi đau buồn lắm sao?
Sao mẹ tôi lại nói bằng tiếng Anh? Tôi ngẩng đầu lên
nhìn. Một khuôn mặt hiền từ hiện ra dưới chiếc mũ trắng nữ tu. Tôi như
thoát ra khỏi giấc mộng. Dì phước Francisca. Dì mới từ Canada qua chăm
sóc người tị nạn được ít ngày. Dì nhẹ nhàng kéo ghế ngồi sát cạnh tôi.
Dì nắm lấy bàn tay tôi:
- Sao con khóc vậy?
Tôi chùi vội khuôn mặt nhếch nhác run run trả lời:
- Con khổ lắm dì ơi!
Đôi mắt dì trìu mến đậu trên mắt tôi:
- Dì có thể giúp được con không? Kể cho dì nghe nỗi
khổ tâm của con đi.
Tôi như bị thôi miên trước vẻ dịu dàng của người nữ
tu. Giọng tôi ngập ngừng bắt đầu câu chuyện. Tôi thấy mẹ tôi lấp ló
đâu đó trong khuôn mặt thánh thiện này. Tôi trút hết cả lòng dạ tôi
ra. Kể tới đâu tôi thấy người nhẹ nhàng tới đó. Dì Francisca chăm chú
lắng tai nghe nỗi lòng tôi được diễn tả bằng thứ tiếng Anh lổn nhổn
vấp váp. Khuôn mặt dì ánh lên nỗi thương cảm. Nghe xong chuyện dì hỏi
tôi:
- Như vậy hai mẹ con ở trại được bao nhiêu lâu rồi?
- Dạ, ba năm.
DÍ trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi hỏi tiếp:
- Con có muốn đi định cư ở Canada không?
Mắt tôi mở rộng ngạc nhiên. Thoáng qua đầu tôi ý tưởng:
không phải là Mỹ nơi Thạnh trú ngụ là được rồi. Tôi gật đầu:
- Dạ, con cám ơn dì lắm.
Dì Francisca ôn tồn giải thìch:
- Dòng tu của dì ở Canada có thể đứng ra bảo lãnh
cho hai mẹ con con được. Dì nghĩ chắc không có gì khó khăn. Dì sẽ lập
ngay hồ sơ cho con gửi về dòng tu. Chậm lắm là cuối năm nay con sẽ qua
được Canada. Bằng lòng chưa?
Nụ cười tươi tắn trên môi tôi thay cho câu trả lời.
Dì Francisca mỉm cười nói rỡn:
- Mà dì nói trước nghe. Cuối năm là mùa đông ở Canada.
Lạnh lắm. Cái lạnh con khó có thể tưởng tượng ra được. Đừng có vừa đặt
chân tới quê hương của dì là đòi trở lại hòn đảo này nghe! Dì không
bằng lòng đâu!
Nụ cười tán thưởng của tôi có pha những giọt nước
mắt. Lấy lại giọng nghiêm trang dì nói tiếp:
- Con phải rời khỏi nơi này để tạo một cuộc sống khác.
Sống không phải là ngồi ôm lấy quá khứ buồn phiền mà là làm thăng hoa
con người bằng ý chí, bằng phấn đấu, bằng tin tưởng. Chúa lòng lành
không bao giờ bỏ rơi con cái của người. Con hãy vững tin như vậy!
Chân tôi bước như bay về nhà. Ba năm trời bơ vơ giữa
hòn đảo tạm dung này tôi tưởng chẳng bao giờ có được cơ hội đi định
cư. Nay bỗng dưng được bàn tay nhân từ của dì Francisca cứu vớt tôi
ngất ngơ như người say rượu. Niềm vui cuốn hút tôi hối hả trôi đi như
chiếc lá trên dòng thác. Tôi bước vào chòi lòng lâng lâng nhẹ nhàng
khôn tả. Tôi cần tung hê cõi lòng tôi ra khắp chung quanh.
My đứng ở cửa chong mắt nhìn tôi. Giác quan thứ sáu
của con bé cũng bén nhọn chắc chẳng thua gì mẹ. Nó ngửi ngay thấy mùi
lạ trên mặt tôi:
- Má có chuyện gì vui vậy?
Tôi ôm chầm lấy My hôn lấy hôn để trên khuôn mặt nhớp
nhúa của con. Khối hạnh phúc nóng bỏng trong tôi như muốn nhảy chồm
ra khỏi miệng:
- Má có chuyện mừng cho con. Má con mình sắp sửa được
đi định cư rồi!
My ôm chặt cổ tôi, dụi mái tóc khét nắng vào mặt tôi,
xô tôi muốn ngã xuống đất:
- Con sắp được gặp ba rồi. Đã quá ta!
Con nhỏ này hồn nhiên dội nước vào lòng tôi. Nỗi mừng
của tôi xẹp xuống méo xẹo. Làm sao cho My hiểu được còn khuya mới có
chuyện ba nó bảo lãnh vợ con. Đã tới lúc tôi có thể cho My biết chuyện
đau lòng này chưa? My mới tám tuổi. Con nít trong trại tị nạn thường
khôn trước tuổi. Nỗi nhọc nhằn trên đường lìa quê cha đất tổ tô đậm
trên những khuôn mặt trẻ thơ nét già dặn tinh khôn. My học được nơi
những đứa bạn nhếch nhác từ cách bòn mót vài thanh củi, kiếm thêm chút
thực phẩm, làm đủ thứ đồ chơi cho tới cả thủ tục phỏng vấn, bảo lãnh,
định cư. Tuổi thơ của con tôi hao hụt với những hiểu biết sớm sủa này.
Tôi đẩy My ra phía trước, hai tay nắm chặt lấy vai con, mắt tôi nhìn
thẳng vào mắt My. Tôi cảm thấy bối rối như sắp làm một việc không phải.
Giọng tôi không muốn thoát ra khỏi cổ:
- Con không gặp ba con đâu. Nhà thờ Canada bảo lãnh
mẹ con mình.
Tôi cảm thấy đôi vai My khẽ rung dưới tay tôi. Miệng
My lắp bắp:
- Gì kỳ vậy má? Ba con đâu?
Sao miệng tôi đắng ngắt, mắt tôi cay xè như thế này.
Tôi nói như khóc:
- Ba bỏ mẹ con mình rồi!
Nước mắt tôi tuôn ra ướt mèm. Nếu có Thạnh ở trước
mặt chắc tôi đã bóp anh nát thành cám. Con tôi tội tình gì mà sớm mất
cha? Tôi kéo My ôm chặt vào lòng. Nước mắt tôi thấm vào tóc con. Tôi
nghe giọng My hững hờ trên ngực tôi:
- Ba bỏ con rồi sao?
My vùng ra khỏi tay tôi. Đôi tay nhỏ bé vuốt những
giọt nước mắt trên mặt tôi. Giọng My nặng chĩu:
- Tại sao vậy má?
Tôi thẫn thờ như nói với chính mình:
- Má đâu có biết tại sao. Má lo cho ba con vượt biên
trước để bảo lãnh cho mẹ con mình. Sang tới đây ba con quên hết tất
cả, chẳng màng tới vợ con, bỏ đi lấy một người đàn bà khác rồi mang
nhau đi định cư ở Mỹ. Đàn ông như vậy cả đấy. Toàn một thứ phụ bạc chẳng
ra gì. Má ghét cay ghét đắng hạng người như vậy. Nếu con là má chắc
con cũng nghĩ như vậy. Phải không con?
My hét lên:
- Con ghét ba! Con ghét đàn ông! Con không thèm chơi
với tụi con trai nữa!
*
* *
Quảng đứng trong hàng người nối đuôi dài dằng dặc
chờ xe buýt. Giờ tan sở bao giờ cũng vậy. Những chiếc xe buýt hối hả
đan nhau trên đường phố ôm cả đống người ném trả về mái ấm gia đình.
Vậy mà cũngkhông xuể. Lúc nào cũng có cả đoàn người sốt ruột đứng đợi
đến phiên mình. Tôi cố ý đi ngược hàng người cho Quảng dễ nhìn thấy.
Bóng tôi còn ở phía xa mà mắt Quảng đã rạng rỡ reo vui. Ở cái xứ sở
mà con người bị hành nhỏ xác mỗi ngày, có được một niềm vui nho nhỏ
là điều đáng quí. Tôi chẳng tiếc gì mà chẳng cho Quảng niềm vui được
gặp lại tôi. Tôi giả bộ như không trông thấy Quảng, mặt hất cao, lững
thững bước đi. Quảng như sợ tôi có thể bay lên trời bất cứ lúc nào nên
vội vàng gọi bằng giọng hốt hoảng ấp úng:
- Thảo!
Tôi bước thêm vài bước mới quay đầu lại, làm bộ ngơ
ngác, đôi mắt lim dim thả điệu, cất giọng ngạc nhiên:
- Uả, anh Quảng đấy à?
Quảng sướng mê tơi. Chắc cũng sướng cỡ một chú lùn
được nàng Bạch Tuyết để ý thăm hỏi trong khi làm lơ với sáu chú lùn
khác. Anh chàng đứng chết trân như trời trồng chẳng nói được một câu
làm thuốc. Tôi như một tiên nữ đứng trên mây ban phát ân huệ cho anh
chàng người trần mắt thịt:
- Lâu quá không gặp anh. Anh vẫn khỏe đấy chứ?
- Khỏe.
- Anh vẫn đi làm thường?
- Cũng thường.
- Công việc làm có mệt lắm không?
- Không.
Sau ba câu trả lời nhát gừng của Quảng, chiếc xe buýt
xanh lừng lững tiến tới tắp vào lề. Hàng người nhúc nhích chộn rộn.
Tôi đang làm điệu với Quảng nên tiện thể quay xuống nhoẻn miệng cười
với ông tây cao ngòng đứng sau Quảng xin được lên xe trước. Ông tây
nhếch hàng ria mép, hơi cúi người, khoát tay mời mọc. Tôi gật đầu cám
ơn rồi khoan thai đi bên Quảng leo lên xe. Anh chàng vừa sung sướng
vừa bối rối trông đến hay.
Thật ra nếu tôi muốn gặp lại Quảng thì chẳng có gì
khó. Quảng đúng giờ như một cái đồng hồ ngày nào mà chẳng bắt chuyến
buýt này. Tôi tránh Quảng bằng cách la cà trong các tiệm quanh bến xe
chờ cho anh chàng lên xe rồi mới bắt chuyến buýt kế. Đứng trong cửa
tiệm nhìn ra tôi quan sát Quảng hàng ngày. Ra tới trạm buýt anh chàng
bao giờ cũng đảo một vòng nhìn quanh, mặt mũi hớt hơ hớt hải trông hồi
hộp dễ sợ. Trong đầu anh chàng lúc đó chắc chật kín hình ảnh tôi. Không
thấy bóng dáng tôi anh chàng mới đứng xếp hàng mắt vẫn xuôi ngược quanh
quất. Còn một giây là còn hy vọng. Bước lên xe rồi anh chàng còn bám
víu vào vận may đứng ngó ra cửa kính xe nhìn chăm chăm vào những người
mới tới xếp hàng. Nếu thấy tôi chắc anh chàng dám liều mạng phóng ra
cửa xe nhảy đại xuống muốn ra sao thì ra lắm. Đời nào tôi lại để cho
anh chàng làm chuyện nguy hiểm đó. Tôi chờ cho chiếc xe buýt khuất hẳn
ở góc đường mới nhào ra xếp hàng chờ chuyến sau.
Không hiểu bữa nay tôi mắc chứng gì mà đang đứng trốn
trong một tiệm giày mân mê đôi bốt ưng ý định mua để sửa soạn đón mùa
đông thì bỗng dưng như có một ma lực nào đẩy tôi ra đường gặp Quảng.
Chẳng lẽ cái dáng người lủi thủi nhìn quanh nhìn quất tìm bóng dáng
người xưa của Quảng tự nhiên lại hớp hồn tôi một cách mãnh liệt như
vậy. Hay là những chiếc lá vàng đang rụng tơi tả cùng với làn gió heo
may gây lạnh đã đánh thức cái cục lãng mạn ngủ yên trong tôi tỉnh dậy
bất thần. Cũng có thể lá thư của mẹ tôi vừa gửi qua đang nằm trong chiếc
ví xách tay của tôi đã đưa tôi trở lại những kỷ niệm ngày cũ có bóng
Quảng chập chờn đó đây. Tôi chẳng hiểu tại sao nhưng tôi đã ríu rít
bước ra với anh chàng mà mẹ tôi đã cho điểm rộng rai nhất năm xưa.
Trong lá thư gửi về nhà trước đây tôi có cho mẹ tôi
biết là tôi đã gặp lại Quảng ở thành phố này. Những hàng chữ của mẹ
tôi đang ôm trong tay toát ra vẻ vui mừng về việc tha hương ngộ cố nhân
này. Bà bảo tôi nói với Quảng cho bà gửi lời thăm và chia buồn với anh
về nỗi bất hạnh của anh. Quảng giờ đây đang ngồi cạnh tôi trên chiếc
ghế hai chỗ của một chuyến buýt cuối ngày. Tôi ngồi phía trong ngay
cạnh cửa sổ quay mặt nhìn ra đường vơ vẩn nhìn mùa thu đang đong đảnh
nhuộm buồn cảnh vật. Quảng ngồi bên tôi tay chân như thừa thãi, mặt
mũi đỏ kè, miệng mồm như dính keo, thân người như một bức tượng chứa
một con tim chắc đang rộn ràng dữ. Tôi bỏ mùa thu bên ngoài cửa xe quay
sang Quảng bắt chuyện:
- Má tôi vừa viết thư qua có nhắc tới anh.
Quảng nhìn sang tôi đôi mắt bối rối ngời sáng:
- Bác vẫn còn nhớ tôi sao?
Tôi nghĩ thầm trong bụng. Ông con rể bác chọn mà bác
quên sao được. Cái mặt ngây ngô dễ giận. Có phúc như vậy mà không biết.
Tôi cho anh chàng thêm một chút nước đường:
- Mẹ tôi còn nói cho bà gửi lời thăm anh nữa.
Quảng cảm động ra mặt. Câu nói tuôn ra vội va chữ
nọ chồng lên chữ kia:
- Cám ơn bác lắm. Mà sao bác biết tôi ở đây?
Đó, lại giở cái giọng vô duyên! Bộ bác có thiên lý
nhãn sao mà tự nhiên biết ông ở bên này được. Phải có người cho hay
chứ. Người đó là ai không biết sao mà còn phải hỏi. Tôi chọc quê anh
chàng:
- Anh nghĩ xem ai cho mẹ tôi biết.
Anh chàng sững người ngồi cười trừ. Tôi nguýt một
cái dài dằng dặc. Hai bàn tay Quảng vặn vẹo với nhau trông phát mệt.
Khi hai bàn tay chịu phép nép vào nhau thì giọng Quảng nghe xa xôi:
- Nghĩ tới ngày về chơi vườn nhà bác hồi đó thiệt
vui. Ước gì tụi mình được sống lại những ngày trẻ trung đó nhỉ!
Câu nói của Quảng làm tôi thộn người ra. Đã bảo tôi
là người nhiều tình cảm lắm mà. Trí óc tôi trôi tuột về những ngày con
gái. Sao mà sung sướng thế. Cứ như một bà hoàng được mọi người đua nhau
cưng chiều. Bây giờ mà được anh chàng Quảng ngày xưa chiều chuộng chút
đỉnh chắc cũng vui phải biết. Bụng dạ anh chàng tôi đã biết rõ như ban
ngày. Chỉ còn ăn thua ở tôi. Tự nhiên tôi đổ đốn muốn được rút người
lại bé bỏng dễ thương cho người ta o bế. Tôi nhích người lại phía Quảng.
Bao nhiêu năm cô đơn làm tôi tủi thân. Một mình vò võ lẻ loi cô quạnh.
Chỉ có My làm nguồn an ủi. Một nguồn an ủi khập khễnh thiếu sót. Phải
nói làm sao cho My hiểu là tôi cần một người đàn ông bảo bọc. Đàn ông
chẳng phải ai cũng như Thạnh. Đàn ông còn có Quảng, thứ trái cây ngon
ngọt trong giỏ trái cây của bà ngoại My. Con tôi chắc rồi sẽ phải hiểu
ra.
Quảng nhìn xuống bờ vai tôi sát sạt bên anh. Đôi mắt
anh làm ấm áp khắp châu thân tôi. Tôi co người rùng mình. Những lỗ chân
lông trên cánh tay tôi trợn trừng đứng dậy. Đời sống như có vị lạ. Vị
của trái mận mẹ đưa cho tôi nếm năm xưa trong vườn. Nếu bây giờ mẹ tôi
biết là tôi đã muộn màng nhận chân được vị ngọt lịm ngày cũ chắc mẹ
tôi sẽ mỉm cười độ lượng. Mẹ mày, thôi rổ rá cạp lại cũng được. Má tôi
chín đỏ au au. Hình như tôi loáng thoáng nghe Quảng hỏi địa chỉ của
tôi. Tôi mở bóp lấy cây bút và tờ giấy ghi lia lịa rồi trao cho Quảng.
Xe giật mạnh ngừng lại. Tôi cười với Quảng, vội vàng bước xuống. Chân
tôi lâng lâng như không chạm đất. Tôi quay lại vẫy tay chào Quảng. Nụ
cười của anh dính cứng trên mặt kính xe.