Tưởng có cơn bão
Hạnh phúc
Chân mang giầy số 6
Auld Lang Syne
Rửa tay
Eva
Ôm rơm
Cũng gọi là về
Chớp mắt ngoái lại
Sabrina

 

AULD LANG SYNE

Coi thử xem nhóm này có bao nhiêu người cả thảy. Đầu tiên phải kể đến Giulio, tên Ý có cái miệng lép nhép chẳng kéo được da non. Khuôn mặt Ý rặt, bảnh trai, nhẵn nhụi, ria mép nâu đen, cặp mắt sâu mơ màng. Cái miệng hắn th khỏi nói. Ngạn bảo là miệng nó mở cửa 24 trên 24. Được cái nó nói có duyên. Mở miệng ra là những cái miệng khác cũng phải ngoác ra hết cỡ.

Giulio đang ba hoa về đám cưới của hắn trong dịp hè vừa qua. Giọng hắn hạ nho nhỏ vừa đủ nghe. Đôi mắt láo liên liếc nhìn đám cử tọa đang nín thở để đo lường sức hấp dẫn của câu chuyện hầu hắn có thể gia giảm liều lượng.

“ Theo phong tục Ý của tụi tao - tao cũng chẳng hiểu thằng cha quỉ quái nào đặt ra phong tục này - thì đêm trước ngày cưới đám bạn trai của chú rể phải tổ chức lễ Gia Từ Đời Trai cho chú rể. Tùy theo sáng kiến của đám bạn mà chúng nó bày ra đủ trò nhưng trò căn bản là phải cho chú rể...”

Mặt Giulio đỏ nhừ. Hàng ria mép nhếch lên. Hắn nhìn khắp lượt những cặp mắt đang mở rộng.

“ Xin lỗi tụi bay. Có mặt mấy bà chằng ở đây nên tao không tiện nói.”

Mặt Loan bối rối. Miệng Jeanne bĩu dài ra cả thước. Cái mặt lanh chanh của tên Sam, người El Salvador, cụt hứng thấy rõ. Miệng hắn trơn tru:

“Yêu cầu mấy bà ra chỗ khác chơi cho tụi tôi nói chuyện! Chỗ này là chỗ của đàn ông nói chuyện đàn ông, mấy bà nghe lỡ có mệnh hệ nào thì khổ chồng con ở nhà.”

Loan e dè dợm đứng lên. Jeanne nắm tay kéo nàng ngồi xuống. Những chữ lập cập đổ xô ra khỏi chiếc miệng tô son đỏ chót đang cong lên:

“Mày ngồi yên đây không phải đi đâu cả! Thưa các ông thân mến, các ông đừng giở trò kỳ thị nam nữ ra ở đây mà mang họa vào thân. Tôi nhắc nhở cho các ông nhớ trong cái đầu hẹp hòi của các ông là xứ này là xứ tự do, nam nữ gì cũng bình quyền tuốt. Đừng có vi phạm hiến pháp!”

Đôi mông vạm vỡ của cô nàng người Pháp nhấp nhổm chấm câu. Bàn tay chuối mắn hùng hổ gạt mái tóc dài màu nâu đậm tưởng chừng như mái tóc có thể phi thân vào mặt Ngạn đang đứng ở phía sau. Đám đàn ông chong mắt nhìn cơn giận dữ đang lên men thật chua. Tên Hy Lạp George - không biết có anh Hy Lạp nào không mang tên George không - máu tếu đày mình, điếc không sợ súng, bai bãi cái miệng:

“Bảo đi thì không chịu đi. Ngồi nghe thì lại rêu rao rằng chúng tôi...sách nhiễu tình dục! Đàn bà lúc nào cũng rắc rối!”

Cái đầu bóng lưởng lưa thưa vài sợi tóc mềm oặt của hắn chực chờ lủi đi sau câu nói. Jeanne kéo tấm thân nhiều thịt đứng phắt dạy, một tay chống nạnh, một tay xỉa xói ra phía trước.

“Đừng có chê đàn bà. Mày kiếm cả đời cũng chẳng có con đàn bà dư thừa nào cho mày đâu. Đến mấy sợi tóc cắm lên đầu mà kiếm cũng không nổi nữa là!”

Tiếng cười òa vỡ ra. Câu nói của Jeanne như một mũi tên hăm hở ghim trúng một lúc vào hai nỗi thương tâm của George. Một là nỗi loay hoay kiếm mãi không ra một cô bạn gái cho có với người ta. Hắn vốn có tính quí tiền trên hết mọi sự. Hai là sự ít ỏi của mấy sợi tóc còn cố bám víu vào chiếc đầu nhẵn thín bóng lộn như đánh xi của hắn. Đứng trước gương hắn luôn luôn gượng nhẹ vuốt mấy sợi tóc mỏng tanh như chỉ sợ có một sợi chán nản buông mình xuống đất.

Tiếng cười của cả đám kéo bước chân lê lết nặng chình chịch của ông chủ có đôi tai lớn nhưng điếc khá nặng tới. Vẫn tứ thời một bộ quần áo. Chiếc cà vạt to bản thời trang cỡ bốn thập niên trước treo tòng teng cũn cỡn đuôi không chấm được thắt lưng. Chiếc sơ mi màu mỡ gà cổ lỏng le không ôm kín những đường gân lớn như những chiếc đũa nổi cộm dưới làn da nhăn nheo như một miếng vải loại xấu không được ủi. Chiếc áo veste len đã sờn cổ sờn tay lại dài quá khổ phủ lên trên chiếc quần mếu máo nhàu nhại. Chỉ có đôi giày là có vẻ mới, loại giày chắc chắn dành cho những bàn chân không tự bước vững nổi. Thường thì ông hay chạy quanh nhà máy trên chiếc xe lăn có gắn động cơ dành cho người tàn tật nhưng mấy ngày nay ông hay bỏ xe run rảy đi bộ, ngó chỗ này, ngó chỗ kia. Như một người tình chung lảng vảng bên mộ người yêu vừa nằm xuống. Một đời ông đã bỏ ra để xây dựng một xí nghiệp từ không nên có. Vậy mà sự nghiệp sáu chục năm đang ở những ngày cuối tàn tạ. chỉ vài ngày nữa những cánh cửa lớn nhỏ sẽ sập xuống. Như vít kín một ngôi mộ. Từ nhiều ngày nay ông thơ thẩn trong nhà máy mỗi ngày mỗi tiêu điều như một người mất trí lang thang trong công viên lạnh tanh. Ông giương cặp mắt lờ đờ đục ngầu sau cặp kính trắng dày cỡ một cặp đít chai như han hỏi những điều vô vọng. Ông quét ánh nhìn thờ thẫn qua từng khuôn mặt vừa rời một trận cười thoải mái. Những khuôn mặt đã ngày ngày lui tới với ông, có người trên bốn chục năm, có người mới vài năm nhưng cũng có người cỡ hai chục năm. Như Ngạn. Như Loan. Chạy ra khỏi nước trong cơn hồng thủy táp tới gót chân, kiếm được việc làm, mừng muốn chết, chẳng ai đuổi nên cũng ngại ngùng chẳng màng tới việc đi tìm việc khác tốt hơn. Đời sống bị chặt ngang phũ phàng dễ làm cho con người chán nản buông tay mặc cho đời trôi nổi.

Đôi môi run rẩy trên thân người ngả ngớn níu chiếc gậy như cố chống đỡ những cơn gió vô hình thều thào hỏi:

“Không có hàng làm à?”

Cả đám người làm thinh. Họ nhìn vào chiếc trán cao đội một về tóc trắng như cước thầm thương hại không biết đang có những ý nghĩ nào bồng bềnh ở bên trong. Tuổi già đã tặng con người sắc bén trên thương trường một chiếc đầu lẫn lộn lúc mê lúc tỉnh. Vài ngày nữa đóng cửa còn hàng với họ gì nữa. Chẳng phải lần đầu họ nghe câu hỏi này. Mấy chục năm qua, mỗi khi hàng vơi hụt, ông chủ lại chạy đôn chạy đáo, miệng hỏi câu mà không ai biết trả lời sao ngoài việc trình diễn một bộ mặt u sầu chia sẻ nỗi lo lắng của ông chủ năng nổ. Nhưng lần này, đối diện với ông chủ, là những bộ mặt trơ ra bất cần. Loan cảm thấy ái ngại cho một uy quyền suy sụp, trả lời lấy lệ:

“Hãng sắp đóng cửa rồi còn hàng chi nữa ông chủ!”

Khuôn mặt vốn đã sụp xuống bỗng như rời ra thêm.

“Ờ, sắp đóng cửa!”

Đôi mắt vô hồn như cánh cửa gương mùa đông bị hơi nước phủ mờ đục che dấu tất cả phía bên trong bỗng long lanh hai khóe nước mắt. Ngạn như nhìn thấy sự bất lực đang trào ra. Ông già Pedro, trên bốn chục năm thâm niên trong hãng, phơ phất chiếc đầu tóc bạc, cất giọng ồm ồm:

“Ông chủ đãi anh chị em một bữa tiệc chia tay chứ! Mình sống với nhau lâu quá rồi!”

Miệng ông chủ méo xệch thảm thương. Ông nức nở như một đứa bé bị đòn. Nước mắt, nước mũi rủ nhau ào ra xối xả. Ông run rẩy móc túi lấy miếng giấy nhàu nát ra quệt băng xiên băng nai trên mặt rồi lập cập chống gậy quay đi. Nỗi buồn đứt ruột của ông làm đứt luôn bữa ăn già Pedro đề nghị. Loan thở dài.

“Tội ông già quá!”

Giulio nghênh mặt ngó Loan:

“Tội gì mà tội. Có tội là tội cho cả trăm công nhân tụi mình đây này. Như già Pedro cả đời chôn chân trong nhà máy, nay già bạc đầu ai mướn làm nữa. Ngày mai biết ra sao. Bà tưởng ổng khóc cho bà đấy à? Ổng khóc cho ổng! Có bao giờ ổng nghĩ tới ai!”

Giọng hằn học của Giulio như kéo mọi người ra khỏi cơn xúc động. Hắn còn trẻ, vào làm chưa được chục năm nhưng cũng nếm được nhiều đắng cay nơi cái tính kỹ càng với đồng tiền của một ông chủ khởi nghiệp từ một ngàn bạc vay của ông già vợ. Chính cái tính chắt chiu, kỹ lưỡng hợp cùng vận may đã thổi phồng một cơ sở từ một ngàn bạc lên vài chục triệu như ngày nay. Sáu chục năm trời nắm đồng tiền nhét kỹ trong túi tạo cho ông đức tính chẳng bao giờ làm rơi rớt một đồng nào ra ngoài. Những người mang sức lực cả đời ra làm giàu cho ông có bao giờ được ông tự động tăng lương. Phải khéo léo đòi hỏi, phải giơ mặt nhắc ngày một may ra mới được thêm dăm mười xu một giờ. Ngày tết dễ mà được ông dúi cho mười đồng vào túi áo. Phải là người ông vừa bụng lắm mới có dịp được hưởng số tiền mưa móc còm cõi đó. Ngạn bỗng nhớ tới già Thanh, một chủ nhân ông của Chợ Lớn, bỏ của chạy lấy người trong những giờ phút cuối của Saigon hấp hối. Bao nhiêu tiền bạc chôn vào nhà, vào máy, vào nguyên liệu sản xuất hết. Tới lúc chạy thì tiền dính túi nhẹ thênh thang. Vào hãng làm được ít lâu, ông nổi máu xì thẩu chửi vung vít. Mẹ nó chứ! Có tiền phải cư xử cho ra người có tiền. Như ngộ đây nè. Trong nhà máy của ngộ, ngộ ăn chung với mọi người, chăm sóc công nhân như chăm sóc người trong gia đình. Vợ bệnh con đau, cháy nhà, tai nạn hoặc ngay cả cờ bạc lỡ trớn, cần tiền là ngộ lo cho liền. Ngày lễ ngày tết, người nào cũng có quà ăn tết đày đủ. Lạp xưởng, thịt muối, gạo, tiền, rồi cả mai quế lộ nữa chứ. Mấy năm nhà nước cho đốt pháo, ngộ còn tặng mỗi người một cối pháo toàn hồng dài năm thước đốt nghe mỏi tai luôn. Có đâu như cái thằng chủ này. Hà tiện quá lớ!

Máu tác giăng của ông Thanh không ngừng lại nơi những câu chửi xuông. Một bữa ông chủ đi ngang, ông chặn lại.

“Tôi làm hai năm nay không được tăng lương, ông chủ phải tăng cho tôi chút đỉnh chứ!”

Ông chủ nhìn chăm chăm vào mặt ông Thanh như con rắn đang thôi miên con mồi. Ông Thanh chường mặt chịu đựng cặp mắt tóe lửa của ông chủ. Tiếng máy xình xịch như hồi trống dục dã của một trận đấu quyền. Ông chủ bỗng nhảy bổ tới cỗ máy, đập mạnh bàn tay vào chiếc nút đỏ ngừng khẩn cấp. Chiếc máy rung lên rồi ngừng bặt. Như một con vật hết hơi. Ông chủ tay chống nạnh chỉ thẳng vào mặt ông Thanh:

“Nếu phải chọn một trong hai, hoặc tăng lương cho mày, hoặc đóng máy, tao sẽ đóng chiếc máy này lại!”

Mặt ông Thanh xám ngắt. Miệng ông mím lại. Quai hàm bành lên. Ông lặng lẽ bấm nút mở máy lại.

Cả tuần lễ sau đó, ngày nào ông chủ cũng tới chỗ ông Thanh, khoanh tay đứng nhìn ông làm việc, gục gặc đầu bày tỏ quyền uy, dằn mặt một anh công nhân dám mở miệng đòi tăng lương để làm câm miệng những người khác. Ông Thanh lại nổi máu chửi đổng. Mẹ nó chứ! Không làm thì thôi. Ngộ đếch cần! Và tác giăng nghênh ngang trở về rừng.

Hình ảnh một ông chủ đầy uy thế đã bị thời gian bào mòn tới xương. Cái dáng đi chông chênh gây phiền hà cho cây gậy làm Ngạn thấm thái lẽ xuất xử. Biết được mệnh trời, nương theo thiên mệnh mà sống, con người dễ tránh được bẽ bàng. Giả như ông chủ ngay từ khi bước vào tuổi lục tuần, biết được sự đành hanh của con tạo, sắp xếp lui về đúng lúc, hẳn cuối đời đa không phải nếm mùi ê chề của thời gian. Nhưng con người mấy ai ngộ được lẽ suy vong trong lúc thịnh thời. Cứ quay quắt chạy theo quyền cao, chức trọng, danh lợi, tiền tài con người dễ phớt lờ cái bóng đen quái ác nằm chờ trước mặt.

Ông chủ đã say mê nhà máy hơn vợ con. Cuộc đời ông gắn liền với cái văn phòng bừa bộn giấy tờ và mẫu hàng hơn là căn nhà tối tối ông trở về ngủ. Ông làm lơ với cuộc sống gia đình để say mê với sự hanh tiến của một người thành công trong thương trường. Ngạn nhớ một lần làm thêm vào sáng thứ bảy, buổi trưa anh đang đứng rửa tay để ra về, ông chủ lân la tới gần anh, đứng nhìn anh chằm chặp, cất tiếng hỏi:

“Mày không làm nữa à? Lương overtime gấp rưỡi đấy!”

“Không! Hôm nay thứ bảy tôi phải về.”

“Có việc bận hả?”

“Không! Tôi về với gia đình.”

“Về với gia đình à?”

Mặt ông chủ ngẩn ngơ với câu hỏi mà Ngạn cho là ngớ ngẩn. Ông đứng lặng yên, đôi mắt vô hồn, quên cả trả lời câu chào của Ngạn.

Cái chép miệng, tiếng thở dài rất nhẹ kèm theo câu nói của Loan lướt qua đôi tai thẫn thờ của Ngạn:

“Điệu này, hãng đóng cửa, ông chủ buồn chắc cũng gục theo quá!”

Ngạn không mấy sốt sắng:

“Ối dào! Bà lo gì chuyện con bò trắng răng! Có tiền thiếu gì thứ giải trí.”

“Có những lúc đồng tiền cũng phải bó tay bất lực chứ.”

“Bà quên câu 'có tiền mua tiên cũng được' rồi à ?”

“Có cho ổng năm bảy cô tiên bây giờ ổng cũng chỉ cười trừ!”

Ngạn nhìn Loan bật cười thành tiếng. Mặt Loan ngượng ngùng thấy rõ làm Ngạn không nỡ bồi thêm vào câu nói hớ hênh của Loan. Loan vốn có máu tếu và nhiều khi chân ga lẹ làng hơn chân thắng nên những câu tếu nhảy xổ ra khỏi miệng trước khi cái đầu thấy có sự bất ổn. Chờ cho câu nói bất cẩn loang tan vào không khí, Loan mới nhẹ nhõm tiếp tục câu chuyện:

“Nói vô duyên chứ nếu tôi là con gái ổng, tôi sẽ bằng mọi cách tiếp tục cho hãng hoạt động để ổng vui lòng. Ổng có chết cũng sung sướng nhắm mắt khi thấy công khai phá của mình vẫn vững vàng truyền qua thế hệ sau.”

Ông chủ quả có một cô con gái. Con có thương bố không là chuyện Ngạn không rõ. Thường thì con gái, nhất là con một, hay quấn quít bố. Nhưng một ông bố thích tung tăng thời giờ cho việc làm giàu hơn là cho vợ con thì Ngạn chẳng biết ra sao. Cô con gái con nhà giàu, học giỏi, chẳng khó khăn gì mà không kiếm được một anh chồng môn đăng hộ đối. Họ đều là nha sĩ thành công trong nghề nghiệp, mở tới ba cái clinic lớn, mướn thêm nhiều nha sĩ, bác sĩ chuyên ngành khác. Công việc của họ quá bận rộn, tiền vô như nước, họ đâu có lý tới cái hãng lộn xộn, nhếch nhác của ông bố. Bán quách đi lấy thêm một số vốn, khuếch trương công việc làm ăn của họ là một điều hợp lý và dễ chịu. Ba cái chuyện tình cảm vặt vãnh làm gì có chỗ bấu víu vào những cái đầu quen tính toán so kè. Ý nghĩ của Loan là một ý nghĩ hợp lý với Loan. Và cả với Ngạn. Uốn mình vào trong tim trước khi săn tìm lợi lộc bên ngoài. Những ý nghĩ như vậy chỉ có một chỗ đứng hẹp, rất hẹp, trong cái thế giới hích nhau mà sống ở đây.

Một vài chiếc máy còn rỉ rả chạy để hoàn tất đợt hàng chót ném ra những tiếng kêu lê thê buồn bã. Khu máy khởi đầu của dây chuyền sản xuất đã nằm im lìm từ mấy ngày trước. Một toán dăm bảy người đẩy một chiếc xe trên có những tấm bạt sậm màu lặng lẽ đi trùm kín từng chiếc máy đang an nghỉ. Họ căng tấm bạt thẳng băng trên từng máy rồi nhịp nhàng hạ xuống. Ngạn như nhìn thấy những đô tùy đang hạ huyệt những chiếc quan tài cô đơn. Chẳng có ai muốn ném xuống một cục đất. Tất cả đang cố gân mình làm mặt bình thản với những giờ phút cuối của một đời sống đã thành nếp từ nhiều chục năm qua.

Giulio nhún nhảy một điệu mambo tưởng tượng tiến tới sát bên Loan và Ngạn. Miệng hắn đánh lưỡi những tiếng chóc trách nhịp nhàng cùng với cặp mông lắc lư dẻo quẹo. Loan xua tay.

“Trông mày như một con công vô duyên múa may trong một khu rừng vừa bị cháy rụi.”

“Thì sao?”

“Trông không được mắt!”

“Lý gì tới tôi, bà ơi! Dù có cả một hồ nước mắt, tôi cũng chẳng phí phạm một giọt cho những mất mát của một anh già chẳng ăn nhậu gì tới tôi cả. Bây giờ mình tính chuyện của mình đi. Anh già muốn cột tiền quanh mình như cột phao vào lúc tàu đắm thì mặc kệ anh ấy. Cần gì mấy đồng tiền máu vô tình đó. Tụi mình sống với nhau lâu, chia nhau vui buồn ngày ngày, xa nhau cũng xót xa lắm chứ. Tôi đề nghị chúng mình góp tiền làm một party chia tay nhau cho phải phép.” Hắn bỗng nghệt mặt, gân cổ lên hát. “Should auld acquaintance be forgot, and never brought to min'? Should auld acquaintance be forgot, and auld lang syne? For auld lang syne, my dear...”

Văng vẳng bên tai Loan lời hát nghịch ngợm ngày thơ. Ò e con ma đánh đu...Nàng lắc đầu nhìn tên Ý trẻ đang vểnh râu rống lên với bộ mặt nhăn nhó cố làm ra vẻ thiểu não. Tuổi trẻ như những cơn sóng khỏe mạnh. Buồn vui gì cũng phá phách được hết. Chia tay mà như làm hề trên sân khấu.

Cà giỡn vậy mà Giulio có biệt tài tổ chức. Bữa ăn trưa tạm biệt chẳng thiếu một mống nào trong nhóm bạn cùng chung một department. Có thịt sấy kẹp bánh mì, gà quay, hamburger, pizza. Lại có rượu vang đỏ do mấy anh Ý già làm lấy mang tới. Lệ nhà máy cấm uống rượu, nhưng vào lúc nhá nhem hỗn quân hỗn quan này, luật lệ có ra cái gì. Mọi người nâng ly chẳng cần cụng cũng tỏ được tình. Ly giấy cụng nhau kiếm đâu ra được tiếng kêu thắm thiết. Già Pedro nói trống:

“Hôm nay mình ăn với nhau bữa cuối, ngày mai mỗi người mỗi ngả biết ra sao. Già như tôi hay nói năng tầm ruồng chứ nghĩ cũng thấy tức cười. Tụi mình từ đẩu từ đâu tụ lại, mỗi người một tiếng nói, mỗi người một màu da, sống lâu với nhau, so kè kèn cựa nhau cũng có, vậy mà tách ra cũng bật được nước mắt chứ không à!”

Mấy bộ mặt được rượu nhuộm đỏ cố cười nhưng hầu như chẳng có cặp mắt nào biết cười cả. Tên Sam tưởng khô rang như ngói, đang gặm dở cái đùi gà vàng cháy, vội bỏ xuống đĩa, vớ ly rượu đổ xoạch vào miệng, lấy giấy chậm mắt.

“Già Pedro ác thật! Làm hư cái đùi gà hấp dẫn của tớ!”

Chẳng ai buồn chia xẻ tiếng thở than của Sam. Người nào cũng vướng vít nỗi buồn ẩn dấu trong tâm. Peter, có chút hồng trên da mặt đen nhánh, thường ngày chỉ lo chúi mũi đọc một đoạn kinh thánh trong giờ nghỉ giải lao, ít khi nói cười với mọi người, cũng bùi ngùi:

“Hợp tan là do ý Chúa cả. Chúng mình chả biết vâng theo ý Người thôi. Chẳng có gì tồn tại và cũng chẳng có gì mất mát cả. Một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng có bàn tay Chúa quan phòng.”

Máu tếu trong người Loan cộm lên.

“Thưa cha!” Mọi người cười ồ lên, Loan tỉnh bơ. “Đoạn thánh kinh cha đọc hôm nay có nói gì về việc Sam mất hứng gặm chiếc đùi gà thơm ngậy không ạ?”

Trên chục cái miệng ngoác ra thoải mái. Loan thú vị nhìn Peter với đôi mắt của kẻ vừa nhấc được mình lên cao hơn một chút. Peter không một chút bối rối, nhẩn nha nói bằng cái giọng khàn đục đặc sệt của người da đen:

“Không thấy chép việc đó nhưng Chúa biết là việc quân dữ nhạo báng Người trước khi treo Người lên thập giá chẳng phải chả diễn ra có một lần.”

Ngạn thấy nhột dưới gáy. Máu tếu trong người Loan hôm nay pha thêm chất đắng hơi nặng tay khiến nàng bị hạ không phương chống đỡ. Anh giả lả mở đường máu cho người bạn lâm nạn:

“Ông bạn Peter không ăn cơm Chúa một ngày nào mà coi bộ được việc cho Chúa dữ! Tôi đề nghị mình nâng ly tạm biệt nhau rồi dọn dẹp cho kịp trước khi chuông reo. Nào, mời các bạn!”

Ngạn giơ cao chiếc ly của mình. Chiếc ly giấy nhẹ tênh chao đảo trong tay anh. Tất cả những chiếc ly trắng xốp vươn cao trên đầu mọi người. Chiếc ly trên tay Giulio cao hơn cả. Hắn nhắm nghiền mắt, há rộng miệng hát. Giọng hắn như có đổ vào chút rượu lê thê đắng chát. For auld lang syne, my dear. For auld lang syne. We'll tak a cup o' kindness yet. For auld lang syne... Mọi người tự động hùa vào giọng hát trầm buồn của Giulio. Âm điệu đều đều buồn bã kéo dài thảm thiết như một bài thánh ca lạc điệu.

Bài hát dứt. Mọi người bắt tay nhau. Chặt chẽ và vướng víu. Đường đời muôn nẻo, có chăng nẻo này chồng lên nẻo kia. Good luck! Cặp mắt ướt đỏ. Good luck! Chiếc miệng cố giữ cho khỏi xộc xệch. Good luck! Tiếng khịt mũi dấu diếm. Good luck! Bàn tay rung lên yếu ớt.

Thời gian như đuổi sau lưng. Mọi người hối hả thu dọn những vật dụng cá nhân trước khi ra về. Những chiếc locker mở toang nhả ra tất cả những gì chúng ôm trong lòng từ bao nhiêu năm qua. Từng đống, từng đống đổ đoàn ngả nghiêng trên sàn nhà. Ngạn nhìn Loan giọng như bị ngạt mũi:

“Cứ như ngày 30 tháng 4 ấy nhỉ!”

So làm sao được với cái hoang tàn, hốt hoảng, bề bộn của ngày đó, Loan nghĩ. Nhưng sao trong nàng vẫn cảm hết được sự trống trải của một đổi thay khắc nghiệt. Có lẽ vì chung quanh nàng giờ đây toàn là những khuôn mặt da không vàng, mũi không thấp. Nàng nhìn sang Ngạn thấm thái sự liên tưởng của anh. Nàng cười với anh. Nụ cười không được tròn.

Đoàn người xếp hàng chờ bấm thẻ lần chót để ra về. Cả trăm người rồng rắn với túi đeo, bao xách trông như quang cảnh nơi một trại tỵ nạn. Đời Ngạn, đời Loan đã bao lần chông chênh những di chuyển, những cắt đứt phũ phàng. Sá chi một vết xước tay cỏn con hôm nay. Phút cuối, Loan nước mắt doanh tròng đưa tay cho Ngạn nắm.

“Chúc anh may mắn! Mọi sự rồi sẽ qua. Nhớ lúc mình mới tới đây, lạ nước lạ cái, tay trắng túi rỗng không, chẳng biết sẽ sống ra làm sao. Vậy mà cũng chẳng chết! Giờ thì nhằm nhò gì...”

Ngạn rộng miệng cười không thành tiếng:

“Ờ! Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Giữ cho chân cứng đá mềm nghe Loan!”

Loan nháy mắt hất mặt về phía sau. Ngạn quay lại thấy ông chủ đứng như trời trồng nhìn đoàn công nhân từng người một khuất dần. Mắt ông đẫm lệ. Người ông như ngã ra trên chiếc gậy chống. Những xây dựng ông say mê cả đời đang vụn ra tới mảnh cuối cùng. Một đời người ra công ra sức chả có đi lên làm ông chuếnh choáng trong bước đi xuống. Ông chả nếm có lẽ thắng mà không ngộ được lẽ thua. Cái thua muôn thuở của tuổi già lụn bại.

Trước khi khuất tầm nhìn phía bên trong nhà máy, Loan thấy ông chủ run rẩy từng bước đi, đưa tay rờ rẫm từng chiếc máy nằm im lìm dưới những tấm bạt phủ như những chiếc khăn liệm. Nàng bất giác quẹt tay lên mắt. Những vệt nước lóng lánh trên tay nàng là có thực.