Tưởng có cơn bão
Hạnh phúc
Chân mang giầy số 6
Auld Lang Syne
Rửa tay
Eva
Ôm rơm
Cũng gọi là về
Chớp mắt ngoái lại
Sabrina

 

CŨNG GỌI LÀ VỀ

Ghé Paris, thực tâm tôi chỉ muốn thăm dì tôi. Vậy mà so ra thời gian ngắn ngủi nơi kinh thành này lại nặng nghiêng về những thắng cảnh đã nghe nhưng chưa được tận mắt nhìn hơn. Paris có đôi cánh tay vừa quyến rũ vừa nồng nàn. Khách tới đây cứ ngơ ngẩn dõi theo cái quyến rũ dứt chẳng ra. Tôi thì chúi mũi vào cái nồng nàn đó phần vì đã chót mang tính đam mê nhưng phần lớn là do tôi thiếu cái can đảm nhìn vào cơn bệnh của dì tôi.

Một thân người không còn cử động được nữa, nằm chết trân dưới tấm mền mỏng, một khuôn mặt xanh tái ốm o nổi rõ trên mái tóc lưa thưa xõa ra che kín mặt gối, dì tôi như chỉ còn dính líu chút đỉnh tới cuộc sống bằng đôi mắt cam chịu. Đôi mắt ấy đã chẳng khó khăn gì mà không nhận ra tôi sau hơn mười lăm năm xa cách. Ánh mắt dì sáng lên biểu lộ sự mừng rỡ một cách vụng về cùng lúc với chiếc miệng bị vò nát xuệch xoạc tạo thành cái mếu máo chẳng hiểu vì cám cảnh cho thân phận hay xúc động vì sự gặp gỡ muộn màng với tôi. Nhưng rồi chiếc miệng đó uốn éo một hồi cũng cũng kêu được tên tôi bằng cái giọng cứng cỏi ngọng nghịu. Tôi ôm đôi vai bà chỉ thấy hai bờ xương lộ liễu. Tôi hôn lên trán bà lạnh tanh lạnh ngắt. Đôi mắt bà đỏ lên và những dòng nước mắt tưởng đã khô kiệt òa vỡ ra. Mắt tôi cũng râm ran niềm xúc động , cay nồng chạy dọc theo sống mũi. Tiếng cô em tôi kéo tôi ra khỏi cơn hôn mê hội ngộ.

'' Mợ em cảm động lắm mới ú ớ kêu tên anh được như vậy đó. Thường thì mợ em chỉ biết gật và lắc thôi.''

Cả một đời người cuối cùng xếp gọn vào hai cử chỉ giản đơn từ khi khởi đầu cuộc sống. Không, dì tôi còn có thể khóc được tuy tiếng khóc không mạnh mẽ sôi nổi như tiếng khóc của một hài nhi. Tiếng khóc của dì tôi triền miên, lặng lẽ xen lẫn với những hồi thở dài cám cảnh. Chính niềm u buồn lặng lẽ này cùng với ánh mắt mệt mỏi u ẩn dõi theo những bước đi và những cử động của tôi trong căn phòng khách đã làm tôi ngột ngạt không chịu đựng nổi.

Căn phòng khách khá rộng rãi đủ chỗ cho một bộ ghế da đồ sộ nằm cong theo hai vách tường. Một bên đầu ghế là chiếc bàn nhỏ để vài thứ lặt vặt nối theo một chậu cây rậm rạp cao gần tới trần nhà nằm gọn trong góc tường. Đầu phía bên kia, hơi xéo với chiếc bàn gỗ rộng và thấp nằm chính giữa, là chiếc ti vi màn ảnh lớn được mở suốt ngày để căn phòng có chút tiếng động và để cho những hình ảnh nhảy múa thay đổi trước đôi mắt lơ là của dì tôi. Những hình ảnh có lẽ chẳng mang lại một ý nghĩa nào trong cuộc sống dán chặt vào mặt giường của bà nhưng, theo cô em tôi, nó mang lại chút sinh động cho căn phòng và lấp đày chuỗi thời gian lê thê nhàm chán của một người bệnh.

Ban ngày, cô em tôi đi bán hàng, các cháu tôi, đều đã lớn, cũng đi làm. Dì tôi được để nằm một mình ở nhà. Buổi trưa, giờ nghỉ, con cháu thay phiên nhau tạt về cho dì ăn uống rồi lại vội vã trở lại chỗ làm. Nói nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đút cho dì ăn là cả một sự vất vả cần tới một núi kiên nhẫn. Mọi thứ đồ ăn đều phải nghiền nát tới mềm nhũn. Đút vô miệng bà phải vén khéo và chặn ngay lại đừng cho bà phun phì phì ra bắn tung tóe khắp nơi. Mỗi bữa ăn của bà là cả một cực hình cho con cháu. Vậy mà cô em và các cháu tôi vẫn chịu khó mềm mỏng, nhẫn nại chu toàn cho dì tôi có đủ chất bổ nuôi thân. Ngay cả đứa cháu út, sắp tốt nghiệp nha sĩ, con trai mà kiên nhẫn với bà ngoại bệnh tật hơn mọi người khác. Buổi trưa, hộc tốc từ trường trở về, loay hoay nấu nướng cho bà, rồi vừa ôm ấp vừa miệng nói liên hồi, dỗ dành cho bà ăn. Tôi ngỏ lời khen thì cháu tôi, bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu, cố diễn tả là rất thương bà vì ngay từ nhỏ đã được bà thương yêu săn sóc, hình ảnh dịu hiền của bà ngày xưa lúc nào cũng nằm sâu trong tim cháu.

Dì tôi có độc một mụn con gái lại lấy chồng xa, tận Paris lận, nên cuộc đời bà quanh quẩn bên gia đình tôi. Mẹ tôi và dì tôi hợp tính nhau nhất trong số anh chị em đông đảo. Bà mua một căn nhà nhỏ bên cạnh nhà tôi để hầu như chỉ trở về ngủ vào ban đêm. Ban ngày, dì sống với gia đình tôi, cho nên mối thân tình giữa dì cháu chúng tôi rất đậm đà. Dì như một phần tử trong gia đình tôi. Mọi vui buồn trong gia đình tôi đều có dì chia sẻ. Năm cô em tôi sanh đứa con út, công việc đa đoan, nên cầu cứu dì tôi qua lại Paris giữ cháu. Dì tôi chân bước đi mà hồn chẳng muốn đi. Sang bên đó thui thủi một mình ở nhà với cháu nhỏ, xa cách bà con họ hàng, xa cách gia đình tôi, là điều dì tôi chẳng muốn. Nhưng thương con vất vả, dì tôi vẫn phải ra đi. Chính vì một tay dì tôi nuôi nấng suốt thời gian đầu đời mà đứa cháu trai của tôi bây giờ đang hồn nhiên chịu thương chịu khó trả hiếu cho bà. Cho bà ăn chỉ là chuyện nhỏ, cháu tôi còn muôn vàn cực nhọc tắm rửa, chùi dọn cho bà mà vẫn tươi cười,vui vẻ, nói năng thân ái với bà.

Tôi thì chỉ có mấy ngày ngắn ngủi ở bên dì, đứng ngoài mọi chuyện vất vả, vậy mà vẫn không thể ngồi bên dì lâu được. Chỉ nguyên việc nhìn dì tôi nằm đó tôi đã không chịu nổi. Trước khi tới Paris, biết là dì tôi nằm bệnh đã hơn chục năm, biết là dì tôi giờ chỉ còn là một thân hình bèo nhèo vất vưởng với cuộc sống, vậy mà tôi vẫn choáng váng trước nghịch cảnh, yếu đuối bỏ cuộc khép cửa ra đi lang thang trong thành phố. Bởi vì, trong tôi vẫn còn rất rõ nét hình ảnh người dì bặt thiệp, xinh tươi, thích làm dáng làm tốt.

Dì tôi có một nhan sắc duyên dáng trên trung bình khá xa, lại chịu khó tẩn mẩn với từng sợi tóc, từng nét kẻ lông mày, chọn lựa khó khăn từng manh quần tấm áo. Nơi dì toát ra vẻ thanh lịch và quí phái. Dì chung sự tươm tất và đẹp đẽ. Dì như một đóa hoa, tưởng là phải rũ héo trước sự bất hạnh, nhưng dì đã thu sự bất hạnh vào trong lòng và vẫn thản nhiên chăm chút dáng vẻ bên ngoài. Dì tôi góa chồng sớm lắm, từ lúc chưa tới tuổi đôi mươi. Chú Hòa nằm xuống khi mụn con đầu, cô em tôi, vẫn còn phải bồng phải bế.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ tấm hình tôi say mê từ hồi nhỏ. Dì tôi, trẻ măng, bồng cô em tôi mắt đen láy. Cái nồng ấm của mẹ lan sang con, cái ngây thơ của con tràn qua mẹ. Bức hình, dưới mắt tôi, thật đẹp, thật hạnh phúc. Tôi chỉ không biết đó là một thứ hạnh phúc bèo bọt bởi vì, chỉ ít lâu sau khi chụp tấm hình, chú Hòa đã nằm xuống, đặt trên đầu dì tôi chiếc khăn tang mà dì đã đội suốt đời.

Chú Hòa là con một ông bá hộ vào loại giàu có nhất làng. Căn nhà của gia đình chú là một căn nhà ngói rộng rãi khang trang theo kiểu tây. Từ chiếc cổng sắt, qua một khoảng sân rộng, phải leo lên dăm bực thềm mới đặt chân lên được chiếc hàng hiên rộng rãi có mái lợp ôm theo dọc một bên nhà. Bức lan can thấp xây gạch với những trang trí tỉ mỉ ngăn hàng hiên với chiếc sân nằm thấp ở phía dưới là một nơi, dưới đôi mắt trẻ thơ của tôi, sang cả và quyền uy. Bờ tường có gắn mảnh chai bao vây giang sơn nhà chú tôi đủ ngăn trộm cắp nhưng không đủ cao để ngăn chặn cặp mắt e dè của tôi nhìn sang hàng hiên, từ chiếc sân chơi mù mịt bụi của ngôi trường làng nằm sát cạnh bên. Nơi chiếc hiên uy nghi kênh kiệu này tôi thường thấy chú Hòa bận bộ đồ mát bằng lụa trắng, ngửa người trên chiếc ghế dựa ngồi đọc báo. Chú tôi có khuôn mặt hiền hòa xanh lướt, mái tóc chải rẽ ở giữa, và một thân hình mảnh mai yếu đuối. Thỉnh thoảng chú lại nhổm người lên, bịt miệng ho khan ít tiếng. Giữa cái náo động của sân trường trong giờ chơi, tiếng ho của chú, tôi chỉ nghe được bằng suy đoán hơn là bằng đôi tai rất thính của tôi. Những tiếng ho lẻ loi cô quạnh đó đã vật ngã chú tôi vào một ngày se lạnh của mùa đông.

Thỉnh thoảng, trong niềm mong đợi thầm kín của tôi, tôi thấy dì tôi loanh quanh quét dọn trên hàng hiên. Dì dõi mắt nhìn sang đám học trò bắng nhắng lao xao trên sân trường như cố tìm tôi. Tôi bỏ đám bạn chơi, chạy ra sát bờ tường, sung sướng nhìn lên khuôn mặt hiền thục của dì. Thường thì dì vẫy tay làm hiệu cho tôi ra trước chiếc cổng sắt để dúi cho tôi khi tấm bánh khi vài chiếc kẹo khi trái ổi trái na. Con chó bẹc giê chẳng bỏ lỡ cơ hội nhảy chồm chồm sủa nhặng lên dù bị dì tôi la mắng đảy vào.

Con chó bẹc giê có giọng sủa chát chúa và đôi hàm răng sắc lẻm hằn học đã làm tôi xa cách dì tôi. Tôi sợ ngôi nhà này. Nó có cái vẻ kênh kiệu dễ ghét. Tôi chẳng bao giờ yên tâm mỗi lần theo mẹ tôi tới thăm dì. Ngôi nhà toát ra vẻ lạnh lẽo hoang vắng lại thêm con chó lăng xăng ngay bên cạnh lúc nào như cũng chú mục canh chừng của cải trong nhà. Sau khi chú Hòa mất, mỗi lần nhìn từ vuông sân đất của trường học sang hàng hiên ngất nghểu bên kia, tôi thấy ngôi nhà càng thêm vắng lặng và lạnh tanh. Người tôi ớn lạnh tưởng như đám vi trùng ăn rữa hai lá phổi chú Hòa đang tỏa ra bay kín quanh chiếc ghế dựa nằm quạnh hiu trên đó. Và tôi thương dì tôi muốn chảy nước mắt.

Những biến động của cuộc chiến đẩy gia đình tôi từ một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội về một xóm làng ở vùng quê hẻo lánh xa xôi. Dì tôi cũng tản cư cùng với gia đình chồng về một vùng quê nào đó tôi chẳng rõ. Cuộc ra đi luộm thuộm, vất vả và cấp bách làm một đứa trẻ như tôi tưởng chẳng còn bao giờ được gặp lại người dì yêu quí nữa. Nhưng, chưa đầy một năm sau, khi cuộc giao tranh ở Hà Nội kết thúc, mọi người lại lục tục kéo nhau hồi cư. Làng tôi trở thành một chốn hoang dã với những ngôi nhà cái thì thành một đống than vụn, cái thì giơ những dui kèo cháy xém đen đủi như những cánh tay của những xác chết trong trận đói Ất Dậu trước đó. Ngôi trường học của tôi chỉ còn lại một mảnh tường và cái nền gạch đầy dẫy rác rưởi. Ngôi nhà của gia đình chú Hòa xụm xuống như một người khổng lồ bị bệnh nặng. Cả làng vắng hoe không một bóng người. Gia đình tôi phải về sống ở Hà Nội nơi một căn biệt thự rộng lớn của ông bác ruột làm ăn sinh sống ở Saigon. Căn biệt thự cho tây thuê thời trước chiến tranh nay là nơi tá túc của tất cả anh chị em bên mẹ tôi hồi cư về. Dì tôi cũng bồng con về ở với các anh chị. Cuộc chiến khốc liệt có một hậu quả phụ khá bất ngờ: dì tôi tách ra khỏi bên chồng trở về với gia đình.

Trong cái bất trắc của cuộc sống nơi một thành phố vắng tanh đày đe dọa, mọi người nép vào nhau mà sống. Ra đường một mình, dù ban ngày ban mặt, là một điều nguy hiểm. Chung quanh nơi chúng tôi ở chẳng có mấy nhà có người. Những đứa trẻ chúng tôi có cái thú đi hoang xục xạo vào những căn nhà vô chủ dò dẫm phá phách đủ chuyện. Mỗi căn nhà hoang lạnh là một thế giới riêng. Mỗi bước đi là một hồi hộp. Bàn ghế, giường chiếu, sách vở, nồi niêu soong chảo, chum vại lớn bé và đủ mọi thứ đồ lặt vặt ngổn ngang khắp nơi. Chúng tôi phải đương đầu với chuột, với chó, với mèo hoang và với mùi ẩm mốc, tanh tưởi, thối tha lẩn khuất khắp các xó xỉnh. Có lần, lũ trẻ nghịch ngợm chúng tôi, mặt cắt không còn hột máu, hớt hơ hớt hải chạy quíu cả chân khi nhìn thấy một xác chết rữa thối nằm vằt trên những bực thang trong một căn nhà lớn. Dì tôi, tương đối rảnh rỗi, là người nhắc nhở, răn đe chúng tôi đừng phiêu lưu vào những căn nhà hoang nhiều hiểm nguy đó.

Hiểm nguy làm mỗi căn nhà co rúm lại như một pháo đài phòng thủ. Ngay ban ngày cửa nẻo lúc nào cũng phải cài khóa kỹ lưỡng. Lũ chúng tôi, hồn để vào những phút rong chơi, thoát ra được khỏi nhà là chạy một mạch, có bao giờ để ý tới cửa nẻo đâu. Mỗi lần như vậy, dì tôi là người điều tra khôn khéo và tài ba, khi tìm ra được thủ phạm lại là người thi hành án phạt, thường là một cái củng vào đầu. Bàn tay dì nhỏ nhắn trông có vẻ yếu đuối nhưng cái củng ban ra coi bộ chẳng yếu đuối chút nào. Chúng tôi không ôm đầu xuýt xoa thì cũng chảy nước mắt vì đau. Nỗi đau chỉ hết khi dì nghĩ lại, nổi lòng thương xót, đền bù bằng một chiếc bánh hay một viên kẹo ngọt lịm.

Ban đêm, ngôi pháo đài của đại gia đình chúng tôi mới thật sự là một pháo đài. Cửa nẻo khóa kỹ đã đành, lại còn phải cài then hai ba lớp, kéo tủ bàn ra chặn thêm ở phía trong. Phía ngoài thì đã có sẵn hàng chữ lớn đập vào mắt maison occupée. Nhưng lính tây say rượu, nhất là lính lê dương đánh thuê, thì kể gì chữ nghĩa. Chúng đập cửa rầm rập tìm gái. Những người trong nhà xanh mặt trước những tấm cửa rung rinh chỉ biết gõ liên hồi trên những mâm đồng, soong chảo đã thủ sẵn trong tầm tay. Nhà này đập thì nhà kia đập theo làm một thế phòng thủ liên kết khắp những nhà có người ở hai bên đường phố. Tây lê dương say rượu tức giận chửi thề bằng những chữ không ai hiểu, nhặt đá ném vào nhà xối xả rồi bỏ đi.

Tôi mân mê những ngón tay khô khốc như một cành củi mục của dì tôi. Chẳng còn sự sống nơi những ngón tay ngày xưa từng cong lên gõ vào đầu tôi. Cánh tay dì duỗi thẳng mềm nhũn như một con cá ươn. Tôi bỗng vô cùng ước ao được dì tôi co tay củng lại vào đầu như năm xưa. Dì nhìn tôi bằng đôi mắt bất lực cam đành. Tôi thấy rõ giọt nước mắt nhẹ lăn trên đôi má hom hem. Tôi xếp cánh tay oặt ẹo của dì vào trong mền như gấp lại cả một thời quá khứ êm đềm.

Tôi với chiếc máy hình trên bàn, nhỏ nhẹ nói:

'' Cháu chụp hình dì gửi về cho mẹ cháu coi nghe. Chắc mẹ cháu sẽ mừng lắm!''

Dì gật gật đầu. Nét mặt cong lên. Miệng uốn éo như muốn nói. Tôi bỗng hiểu được ý muốn của dì. Tôi dùng tay tỉa những sợi tóc xếp đặt sang hai bên cho gọn ghẽ, nâng chiếc cằm lên, sửa lại cổ áo cho dì. Mặt dì có vẻ hài lòng. Ngày xưa, dì rất thích chụp hình và sửa soạn rất kỹ trước khi nhoẻn cười trước ống kính. Bệnh hoạn chẳng đuổi được cái thói quen đỏm đáng của dì. Khi tôi giơ máy hình lên chụp, dì mím môi, mắt nhìn thẳng, vẻ mặt rạng rỡ như cố tình góp công vào việc tạo nên một tấm hình đẹp. Tôi vừa chụp vừa nói chuyện với dì.

'' Dì có nhớ mẹ cháu không?''

Miệng dì bỗng méo xệch như bị nỗi nhớ vò nát. Tôi ngùi ngùi lặng lẽ thu máy hình vào bao không muốn chụp tiếp nữa. Chắc dì chẳng muốn có những bức hình thiếu tươi tắn.

Cô em tôi choàng tay qua người bà dỗ dành:

'' Bữa nào con đưa mợ về Việt Nam thăm các bác nghe!''

Miệng dì méo mó hơn nữa. Nước mắt ào ạt chảy ra. Cô em tôi nói lớn cho cả tôi lẫn dì nghe:

'' Mợ em ao ước được về Việt Nam lắm. Cứ nhắc đến là khóc. Thế nào con cũng đưa mợ về nghe. Các bác sẽ mừng phải biết!''

Cô em tôi ôm chặt tấm thân lỏng le của mẹ, vùi mặt vào mặt bà. Lúc ngước lên nhìn tôi, mắt em tôi cũng đỏ hoe. Tối hôm trước, trong bữa ăn, em tôi đã nói tới dự tính đưa dì về Việt Nam chơi ít lâu. Tôi ái ngại cho ước muốn vất vả này. Nhưng cô em tôi nhất định muốn làm vui lòng mẹ một lần.

'' Em tính chờ cho các cháu lấy hè cùng một lúc. Phải ít nhất là hai cháu với em là ba người mới đưa nổi mẹ em đi máy bay. Vất vả thì có vất vả, tốn kém thì có tốn kém nhưng em cảm thấy em phải làm cho bằng được trước khi quá trễ. Đây có lẽ là ước nguyện cuối cùng của mợ em.''

Về lại đất nước bao giờ cũng là niềm vui của dì. Những lần qua Pháp trước đây, dì đi như có sợi giây vướng víu ở chân. Con cháu đầy đủ cả ở Pháp mà lòng dì vẫn cứ muốn về. Mỗi lần dứt ra về được, dì như được tháo cũi sổ lồng. Hình như quê hương đã giữ chặt nhịp thở của dì, ban phát cho dì hạnh phúc của cuộc sống.

Ngày xưa, chẳng bao lâu sau ngày hồi cư về Hà Nội, dì cũng đã dùng dằng mãi không chịu vào Saigon theo lời của ông anh cả đang làm ăn phát đạt ở trong Nam. Ngôi mộ lạnh tanh của chú Hòa nơi một ngôi làng không còn người ở có phải là cái níu kéo thiết tha nhất làm dì ngại ngần không? Nhưng rồi vì không xoay được kế sinh sống ở Hà Nội, dì tôi đành phải gạt nước mắt dắt con vào Nam. Saigon hồi đó là một nơi xa lắc. Trí óc tôi chẳng đủ dài để đo được tầm xa của thành phố này. Vậy mà đó là nơi dì tôi phải tới. Cuộc ra đi đầy bịn rịn của dì đối với tôi như một chia lìa rốt ráo.

Tưởng là vậy nhưng chỉ ít năm sau, hiệp định Genève cắt đôi đất nước đã nối liền lại được gia đình tôi với dì. Gia đình tôi, như cả triệu người khác, hối hả bỏ hết tài sản bồng bế nhau di cư vào Nam. Chúng tôi tạm ở Saigon, dì và ông bác cả của tôi ở trong Chợ Lớn. Gặp lại nhau dì khóc hết nước mắt. Cuộc đời như một ván bài, vận đen vận đỏ chồng chất lên nhau. Chúng tôi khóc mừng tái ngộ trong một vận đỏ trớ trêu.

Lần đầu tiên vào thăm dì ở trong Chợ Lớn, anh em chúng tôi ngơ ngáo leo lên taxi tới thẳng nhà dì. Nhà dì là một căn phố lầu, trên để ở dưới mở một tiệm bán vải. Nhìn dì thong dong bán buôn với đám khách hàng đông đảo, tôi thấy ở nơi dì một con người khác. Bặt thiệp hơn, vững chãi hơn, tự tin hơn. Một con người như vậy mà vẫn chưa lột bỏ được tấm khăn đã chục năm tang tóc trong lòng để bước đi bước kế tiếp kể cũng lạ. Tôi thầm nghĩ thật chẳng khó khăn gì nếu dì tôi muốn cởi bỏ những phiền muộn tưởng phải đã phai lạt. Thời gian đã hơn chục cái sang xuân, không gian cũng chẳng còn là chốn cũ, có chi níu kéo bước chân dì?

Căn nhà của ông bác giàu có của tôi, người anh cả đã đưa cô em út là dì tôi vào Nam sinh sống, nằm cách xa nhà dì vài con đường. Đó là một biệt thự có lầu bề thế. Trong nhà lát toàn gạch bông bóng loáng sạch như li như lau với những đồ đạc toàn bằng gỗ quí khảm xà cừ là một nơi chốn làm tôi cảm thấy e dè và sợ sệt. Ông bác tôi, trong bộ đồ bà ba bằng lụa trắng, nằm hút trên chiếc sập gụ khảm, càng làm cho tôi e sợ xa cách hơn. Bộ bàn đèn bằng gỗ nâu sậm lên nước bóng lộn với ngọn lửa hắt hiu chờn vờn và mùi thơm lạ lẫm tỏa ra khắp căn phòng là một hình ảnh tôi chưa từng thấy bao giờ. Bác tôi dứt hơi thuốc, chiêu một hớp nước trà, ngồi nhỏm dậy nhìn đám anh em tôi lếch thếch đứng quanh. Bác cười, vẫy chúng tôi lại gần, với hộp kẹo nơi đầu sập bắt mỗi đứa lấy một viên, bước xuống giường ôm hôn từng đứa. Bác sai người này, bảo người kia lấy bánh trái cho chúng tôi ăn. Bác nói bằng thứ tiếng nam khó nghe nhưng vẫn làm tôi cảm thấy vẻ dịu dàng thân ái. Bác cháu làm quen nhau khá nhanh chóng có lẽ nhờ sự thương yêu và cởi mở bác dành cho đám cháu vừa trải qua một phen lưu lạc vất vưởng.

Khi bác ôn tồn hỏi chúng tôi đi bằng gì, chúng tôi thành thật trả lời. Bác tôi móc chiếc ví da nằm cạnh chiếc gối nhiễu đỏ lấy tiền cho chúng tôi rồi mới nhỏ nhẹ:

'' Các cháu xài tiền như vậy uổng lắm. Chưa biết thì được chứ từ lần sau có vào thăm bác thì đi xe buýt rẻ hơn đi taxi nhiều. Hừm, chắc các cháu mới vô chưa biết đường xe buýt phải hôn? Để bác chỉ cho.''

Bác với tay lấy chiếc mũ phớt màu ngà treo trên móc khoát tay bảo chúng tôi đi theo ra bến xe buýt. Đứng ở trạm xe buýt, bác lớn giọng giải thích. Tiếng bác oang oang làm chúng tôi thấy ngượng với những người chung quanh.

'' Xe buýt này chạy về tới chợ Bến Thành, mỗi đứa chỉ phải trả vài cắc bạc. Các cháu có thấy cái chai cát hai đáy nơi chiếc cột kia không? Mỗi lần xe buýt rời bến, người ta lật ngược chiếc chai lại. Khi nào cát chảy hết từ đáy trên xuống đáy dưới là tới giờ chiếc xe kế tiếp khởi hành. Nhanh chóng và rẻ như vậy, cần gì phải đi taxi cho tốn tiền. Các cháu thấy có đúng vậy không?''

Chúng tôi miễn cưỡng gật đầu tiếp nhận bài học cần kiệm của bác. Bác hài lòng, dẫn chúng tôi đi ăn hủ tiếu. Bài học được nhấn mạnh thêm.

'' Mấy cái đồ ngoài tiệm ăn này, lâu lâu có dịp ăn một lần thì được, ăn nhiều chỉ có hại. Họ làm ăn kiếm lời thì phải có gian xảo, làm sao bổ béo được bằng cơm nước ở nhà, mà cũng đâu có sạch sẽ bằng mình nấu ở nhà, phải không các cháu?''

Chúng tôi vừa cắm cúi ăn vừa nhẹ gật đầu vâng dạ. Hủ tíu cũng lạ miệng và ngon đấy chứ! Ăn xong, bác cháu lại lếch thếch kéo nhau đi. Tới ngã rẽ vào một con đường hai bên kín mít những căn nhà một kiểu giống nhau, bác đứng lại, chỉ tay nói gọn lỏn:

'' Tất cả nhà ở đường này là của bác!''

Tôi nhìn bác khâm phục. Nhưng bác mới chỉ cho chúng tôi chỉ một phần tài sản nổi của bác. Còn nhiều căn phố ở khắp vùng Chợ Lớn mà bác là sở hữu chủ, bác không chỉ cho chúng tôi, có lẽ vì chúng nằm rải rác quá, muốn coi cho đủ chắc phải mướn taxi! Bác dẫn chúng tôi trở về nhà dì, căn phố này cũng là của bác mà bác không nói cho chúng tôi biết. Chắc là vì bác đã cho đứt dì tôi.

Dì tôi buôn bán khá phát đạt nơi căn phố nằm ngay bến xe buýt này cho tới ngày theo con sang Paris lần đầu. Chỉ hơn một năm sau, dì mò về lại, nói ráo hoảnh:

'' Ở bên đó chán chết. Ai ham chứ dì chẳng ham.''

Dì chỉ ham ở nơi quê nhà, bên họ hàng thân thuộc. Được quanh quẩn với những người thân, dì thấy đã quá đày đủ. Vậy mà hệ lụy với con cháu đã kéo dì đi đi về về tới mấy lần. Lần chót dì ra đi sau khi Saigon đã rã rời đổi chủ, cuộc sống qua một khúc quanh tồi tệ, rời được xứ sở là một hạnh phúc. Vậy mà cái hạnh phúc của dì lại què quặt với dòng nước mắt. Ra đi mà không thấy ngày về là một thử thách quá lớn lao cho dì. Những ngày chót, dì ngơ ngẩn vào ra như người lạc đường. Phút chót, dì dặn mẹ tôi là nếu trong nhà có ai có dịp ra Bắc, nhớ tìm lại ngôi mộ chú Hòa, tu sửa lại và chụp hình gửi qua cho dì. Lên máy bay mà nước mắt dì đổ ra có lẽ cũng chẳng kém ngày dì đưa chú Hòa về lòng đất.

Dì nằm đây, chắc đất cũng đã xấp xỉ ngang vai, miệng chẳng bao giờ nở ra được nụ cười, dù chẳng được xinh tươi như xưa, nhưng là chỉ để biểu tỏ sự tha thiết với cuộc sống. Cái té oan nghiệt của dì hơn chục năm trước đã vứt dì vất vưởng bám víu vào cuộc sống mà chắc dì chẳng còn muốn tham dự vào.

'' Bữa đó, mợ em ở nhà một mình. Mà có riêng gì bữa đó, ngày nào em và các cháu cũng đi làm đi học hết, có ai ở nhà đâu! Mợ em leo lên ghế làm gì trong nhà bếp không biết rồi té bất tỉnh luôn. Mãi tới chiều các cháu đi học về mới thấy bà nằm dưới sàn bếp vi kêu cứu cấp. Lúc đó thì đã quá trễ, họ cứu được mạng sống chứ không phục hồi được hoạt động bình thường. Phải chi có người ở nhà hoặc có cháu nào về sớm hơn thì mợ em đâu có ra nông nỗi này!''

Dì tôi nằm nghe cô em tôi kể giây phút oan khiên trong cuc sống của dì, miệng méo xệch khóc. Cái khóc câm lặng không bật thành tiếng mang vẻ bi thương não nề. Tôi ái ngại nhìn dì lòng nẫu ra thành nước. Cô em tôi ôm mẹ dỗ dành:

'' Tội mợ quá! Mợ nhớ các bác phải không? Bữa nào mẹ con mình về thăm các bác nghe!''

Thương mẹ, cô em tôi đã dối dì tôi. Làm gì còn các bác. Số anh chị đông đảo của dì tôi đã quị trước dì. Chỉ còn mẹ tôi, người chị kế ngay trên dì, gần tuổi nhau, lại cùng là chị em gái nên là người dì thương quí nhất. Lúc đón tôi ở phi trường, cô em tôi đã dặn dò:

'' Anh nhớ đừng nói cho mợ em biết các bác đã mất nghe! Em dấu mợ em, sợ mợ em chịu không nổi. Mợ em cứ tưởng các anh các chị còn đày đủ bên nhà chờ mợ em về. Mợ em muốn về lắm. Tội!''

Tôi thừ người cố ngậm tiếng thở dài trước những giọt nước mắt xối xả của dì tôi. Cũng như trước khi rời Việt Nam trước đây, tôi vào chào ông bác Chợ Lớn, lúc đó đã quặt quẹo chỉ quanh quẩn lết trên chiếc sập gụ, cũng đã tê tái cầm tay an ủi bác tôi đang oặt người vừa khóc vừa nói:

'' Cháu qua bên đó cố tìm qua thăm dì cháu nghe! Tội cô út, nằm liệt giường liệt chiếu nơi xứ người! Phần bác, chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu. Bác cháu mình chắc hết hy vọng gặp lại nhau. Thôi, cháu đi bình an. Nhớ cho bác gửi lời thăm và chúc lành cho dì cháu nghe!''

Mặt bác đẫm nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nước mắt của ông bác quả cảm trên thương trường, hãnh tiến trên thành công của cuộc sống. Cái tiên liệu của con người nhuần nhuyễn trong làm ăn buôn bán vẫn còn sắc bén. Bác tôi mất chưa đầy một năm sau ngày tôi ra đi.

Dì tôi cũng ngập đất hai năm sau khi gặp lại tôi. Thực ra, ở một thành phố lớn nơi đồng đất xứ người, lòng đất đã không đủ ấm cúng cho dì tôi nằm. Xác thân dì tôi đã được hỏa thiêu nằm gọn trong chiếc bình sứ ảm đạm.

Có một điều dì tôi không được biết là ở nơi quê nhà, ngôi nghĩa địa nơi làng xưa bị giải tỏa, các em tôi đã phải vội vã ra Bắc bốc mộ chú Hòa, hỏa thiêu, mang vào Nam gửi nằm nơi một nhà thờ gần gia đình tôi. Chú gọn ghẽ trong một chiếc bình gần người thân ở Saigon. Dì tôi cũng gọn ghẽ trong một bình sứ gần con cháu ở Paris.

Cô em tôi không quên lời hứa với mẹ. Cô đã đưa dì tôi về Việt Nam. Chẳng cần tới ba người như trù liệu trước đây. Chiếc bình sứ thu nhỏ người dì tôi lại trong chiếc xách tay theo cô em tôi lên máy bay. Cũng là một chuyến về. Lần này là chuyến về quê vĩnh viễn của dì tôi. Chắc dì tôi hài lòng dữ vì cái xác thân tro bụi của dì đã nằm kề ngay bên xác thân chú Hòa trong một chốn trang nghiêm yên ả. Tính ra hai người đã xa nhau vừa tròn nửa thế kỷ.

Tôi thật vô ý quên chưa kể ra một chi tiết nho nhỏ. Hầu như mọi người đã quên mất tên thật của dì tôi. Trong suốt cuộc đời góa bụa của dì, dì vẫn chỉ được gọi là dì Hòa.