Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

Nhà văn Song Thao qua bà Lê Diệu Hương


Tết 2010 tại Lake Tahoe, California.

Mở
Nhằm tìm hiểu về đời sống, tâm cảm và phương thức làm việc” của một số tác giả, tạp chí văn học Sóng Văn do nhà văn Nguyễn Sao Mai chủ trương, đã thực hiện một số phỏng vấn thật hy hữu. Những người trực tiếp trả lời, không phải là tác giả, như thường gặp. Những giải đáp được bày tỏ bởi những người đi bên cạnh tác giả, gần suốt một đời. Loạt phỏng vấn gồm một số câu hỏi đồng nhất cho nhiều người; được đi nhiều kỳ trên Sóng Văn, phát hành tại Hoa Kỳ, năm 1997. Hiện nay, tạp chí đã đình bản. Vuông Chiếu xin phép được giới thiệu đến bạn đọc.
(ghi chú: những bài phổ biến này, không theo đúng thứ tự tạp chí đã xuất bản, sự giới thiệu trước sau cũng tùy theo việc đánh máy, tuy nhiên dưới mỗi bài có ghi rõ số tạp chí cũng như ngày phát hành) - Vuông Chiếu Luân Hoán

Sóng Văn (SV): Trong cơ duyên nào bà đã đến với người bạn đời của mình ? Và trong chiều dài thăng trầm của cuộc sống, bà có thể giới thiệu một kỷ niệm buồn, vui ?

Lê Diệu Hương (LDH): Tôi sanh ở Huế, gia đình ở Nha Trang, nhà tôi sanh ở Hà Nội, gia đình ở Sài Gòn. Thế mà gặp nhau ở Đà Lạt, thành phố chi mà mơ mộng, khung cảnh chi mà nẫu lòng người. Vậy mới nói !
Kỷ niệm buồn hoặc vui? Hai mươi lăm năm chồng vợ thì thiếu gì kỷ niệm. Muốn buồn có buồn, muốn vui có vui. Nhưng đã gọi là kỷ niệm thì phần nhiều là riêng tư, có nên kể ra không ?

 

SV: Nhiều người thường quan niệm rằng: các ông bà tác giả, dù sinh hoạt ở bộ môn nghệ thuật nào, cũng thường có tính lơ là đối với những công việc gia đình. Theo bà , nhận xét này đúng được bao nhiêu phần trăm ? Và riêng ông  nhà thì sao ?

LDH: Phải xác định công việc gia đình là công việc gì chứ? Nếu là săn sóc con cái, đưa gia đình đi chơi, đưa vợ đi chợ... thì không đúng. Nếu là làm bếp, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... thì đúng trăm phần trăm. Đấy là tôi nói ông nhà tôi thôi đấy. Còn các ông tác giả khác thì làm sao mà biết được. Mỗi người mỗi tính, mà các ông văn nghệ thì mỗi ông một thế giới, có ông nào giống ông nào đâu.

 

SV: Ngoài những môn sở trường, xin cho biết ông  nhà còn thích hoạt động giải trí thêm với những bộ môn nào khác ?

LDH: Đọc sách, thể thao, nghe nhạc là những thú giải trí chính của nhà tôi. Cứ có dăm ba phút rỗi rảnh là có cuốn sách trên tay. Mê sống mê chết. Còn thể thao của nhà tôi là thể thao sa-lông. Ngồi uống cà phê coi người ta đổ mồ hôi trên các sân quần vợt, hockey, bóng tròn. Nhạc thì nghe tùy hứng. Lúc thì nhạc cổ điển, lúc thì nhạc ngoại quốc loại êm dịu, nhưng phần lớn là nhạc Việt Nam. Anh ấy thích giọng hát Lưu Bích và Diễm Liên. Toàn những cô ca sĩ choai choai.

 

SV: Xin cho biết một ít thói quen của ông nhà trong lúc sáng tác?

LDH: Giang sơn của nhà tôi là chiếc ghế dựa có thể nằm dài ra được. Nghe nhạc, đọc sách ở đó. Viết cũng ở đó. Vài tờ giấy trên tấm bìa kê vào đùi là ngồi mải miết viết. Thời giờ viết của anh ấy thắt thẻo lắm. Mỗi ngày khoảng hai tiếng trước khi đi ngủ, ngày đi làm thôi đấy, cuối tuần thì vô phương. Cuối tuần của anh ấy sớm sủa lắm, bắt đầu từ đêm thứ sáu lúc các ông viết lách kéo nhau đi uống cà phê !
Đã ít giờ rồi viết xong lại cặm cụi đánh máy trên computer. Hỏi anh ấy sao không viết thẳng trên computer cho đỡ tốn thì giờ thì anh ấy bảo chăm chú ngồi nhìn cái anh mặt vuông đó chẳng thể nào ra văn được. Mặt trái soan thì may ra chắc !

 

SV: Bà đã từng có những đóng góp vào công việc sáng tác của ông  nhà ?

LDH: Truyện nào viết xong nhà tôi cũng đưa cho tôi coi trước. Coi xong tôi phê bình thẳng cánh. Có lúc anh ấy nghe, có lúc không. Nghe hay không tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Có điều là đọc một truyện trên bản thảo thường ít hay hơn đọc trên bản in trên các tạp chí. Chắc tại bụt nhà không thiêng. Bụt “trần thế” dính sát bên mình thì làm sao mà thiêng được !

 

SV: Bà có những nhận xét tổng quát nào về toàn bộ tác phẩm của ông nhà đã được giới thiệu rộng rãi trong quần chúng ?

LDH: Thực ra tôi luôn luôn nghĩ là nhà tôi viết như một thú vui, một cách giải trí. Sống nơi xứ người vốn ít thú vui, lại là thú vui tinh thần, kể cũng là một điều đáng quí. Nếu thú vui đó lại làm cho nhiều người khác vui theo thì càng đáng quí hơn. Tôi vẫn mong nhà tôi mãi mãi tìm được trong chuyện viết lách như một thú vui. Đã là thú vui thì có chi quan trọng !

 

SV: Xuyên qua việc phát hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật của ông  nhà, bà có những nhận định gì về tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay tại hải ngoại ?

LDH: Các tạp chí văn học nghệ thuật tờ nào cũng than lỗ, làm là vì đam mê, vì thiện chí. In sách thì tiền ra nhiều hơn tiền vô. Còn các ông bà làm thơ viết văn như nhà tôi thì cặm cụi viết lách mà chẳng bao giờ đưọc quyền màng tới nhuận bút, ngay việc gửi báo cho đọc, nhiều vị chủ báo cũng lơ là cho qua. Một nền văn học được hình thành bởi các “hiệp sĩ” như vậy là một nền văn học gian nan. Kể ra có gian nan như thế mới thấy những tấm lòng trân trọng tiếng mẹ đẻ. Thật đáng bái phục, nhưng cũng muôn phần tội nghiệp !
Còn nhận định về tình hình văn học hải ngoại thì xin để cho các nhà phê bình. Thợ đóng giày như tôi thì chẳng nên luận bàn những gì cao quá đôi chân.

 

SV: Cá nhân bà  đã và đang sinh hoạt trong lãnh vực nào ? Những sinh hoạt đó có gây trở ngại hoặc hỗ tương trong việc sáng tác của ông nhà ?

LDH: Tôi thì quanh năm trụ trì trong bếp, chẳng tham gia một sinh hoạt nào ngoài việc đi làm. Như vậy có gọi là gây trở ngại cho việc sáng tác của nhà tôi không ?

 

SV: Nếu có thể được, xin bà vắn tắt cho đôi dòng tiểu sử của ông, những tác phẩm của ông ấy, và đôi dòng về cá nhân bà, đại khái quê quán, hoài bão...

LDH: Tôi tuổi con trâu, nhà tôi tuổi con cọp. Trâu mà gặp cọp chắc lực lượng chẳng thể nào tương đương được. Đành nhường anh ấy trước một bước. Nhà tôi học tại trường Dũng Lạc, Hà Nội, nơi tôi chỉ nghe mà không biết. Di cư vào Nam, anh ấy có theo học trường Chu Văn An Sài Gòn, ngôi trường mà cho tới nay các đồng môn mỗi năm vẫn tụ họp với nhau để hãnh diện. Lên đại học anh ấy ngồi ở Văn Khoa Saigon và tốt nghiệp cử nhân. Học xong anh ấy làm công chức cho tới khi mất nước thì đi “học tập cải tạo”.
Nhà tôi bắt đầu cầm bút từ khi mới vào đại học. Nghề tay trái cũng bề bộn lắm. Viết báo ngày, báo tuần, báo nửa tháng, báo tháng trong suốt mười sáu năm. Sang tới bên này, khựng lại một thời gian, anh ấy cầm bút trở lại năm 1991, lần này đổi từ viết báo ra viết văn. Truyện của nhà tôi được đăng trên các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Nắng Mới, Làng Văn, Sóng Văn và một số báo địa phương khác. Nhân kỷ niệm 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại, nhà tôi đã góp truyện trong các tuyển tập: Hai Mươi Năm Truyện Ngắn Văn Học Việt Nam Hải Ngoại do Văn Bút Hải Ngoại xuất bản, 20 Năm Văn Học Việt Nam của nhà Đại Nam, Hai Mươi Người Viết tại Canada của Nắng Mới. Nhà tôi cũng đã cho xuất bản hai tập truện: Bỏ Chốn Mù Sương (1993), và Đong Đưa cuộc Tình (1996).
Còn tôi thì có đáng chi nói ! Muốn tôi khai lý lịch thì cũng... dễ thôi. Ở Việt Nam mười năm khai lý lịch quen rồi. Tôi tên Diệu Hương, cầm tinh chiếc…xe đò nên di chuyển hơi nhiều. Học tiểu học tại Huế, trung học tại Nha Trang, đại học tại Đà Lạt và tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Khoa Học Sài Gòn. Học xong đi dạy học, khi nghề giáo không còn chi thú vị xoay ra mở quán cà phê bán lai rai cho tới khi rời nước vào năm 1985. Sang đây lai rai đi làm và mẫn cán nấu ăn cho chồng con. Lý lịch tự khai như vậy đã đủ rõ ràng chưa ?

(trích Sóng Văn, số 5 tháng 11 & 12-1996)