Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA CÔ LÊ QUỲNH MAI
( ĐÀI TNVN MONTREAL)

LQM: Nguyên nhân nào thúc đẩy anh viết văn?

ST: Tôi mê viết ngay từ hồi nhỏ. Vừa lên học Trung Học, lớp Đệ Thất trường Dũng Lạc, những bài luận văn của tôi đã được Giáo sư Việt Văn, tôi nhớ năm đó là thầy Nguyễn Uyển Diễm, khen ngợi, luôn luôn cho điểm cao và đọc trước lớp như một bài luận mẫu. Được thầy khen ngợi như vậy cũng hứng khởi lắm. Hứng khởi quá rồi làm tới, tôi viết truyện gửi cho trang nhi đồng của các báo hàng ngày, truyện con nít ấy mà. Vậy mà bài được đăng báo thấy mình như kinh khủng lắm. Đi đứng khệnh khạng tưởng như bầu trời chỉ là một chiếc vung nhỏ.
Rồi mãi tới năm bước chân vào Đại Học Văn Khoa tôi mới bắt đầu thực sự viết báo. Từ năm 1991 tôi mới chuyển sang viết truyện cho tới nay. Lần này là truyện người lớn!
Trở lại câu hỏi của cô, tôi nghĩ nguyên nhân chính thúc đẩy tôi viết là sự đam mê. Một khi tay đã cầm cây viết chơi với chữ nghĩa, ít khi người ta có thể rời được nó lắm.

 

LQM: Anh đã cộng tác với một số tập san, báo chí tại Saigon trước năm 1975. Như vậy anh đã chọn con đường cầm bút như một nghề nghiệp chính hay chỉ xem đó như một lãnh vực hoạt động trong đời sống của mình?

ST: Cầm bút có phải là một nghề không? Chắc không cô ạ. Nó là một cái nghiệp. Đã là nghiệp thì ít khi dứt ra được lắm. Cây viết tự nó đã bầy ra một mê hồn trận. Đã sa vào thì chân cẳng dính cứng ngắc chẳng cách nào rút ra được. “ Đã mang lấy nghiệp vào thân” mà!
Đã không phải là một nghề thì làm gì có chính hay phụ. Nó là một cách thoát ra khỏi cuộc sống nhàm chán thường nhật, một thú vui, một loại thú vui chiếm nhiều thời giờ nhất, hơn cả thời giờ dành cho việc mưu sinh. Nhưng đã gọi là thú vui thì kể gì giờ giấc cũng như người ta có bao giờ tính hơn thiệt cho một cuộc tình đâu. Phải không cô?

 

LQM: Xin anh cho biết những hoạt động văn học của anh sau 1975 tại hải ngoại?

ST: Sau 1975 tôi có 10 năm vừa đi tù vừa sống dưới chế độ cộng sản. Mười năm tôi phải dấu kỹ ngòi bút của mình. Qua tới đây vào năm 1985, phần vì bận sinh kế cho một cuộc sống mới, phần vì thành phố này không có môi trường làm báo, tôi không cầm tới cây viết. Mãi 6 năm sau khi đặt chân tới Montreal, tôi mới viết lại. Lần này thì viết truyện ngắn vì, như tôi đã nói ở trên, không có chỗ cho người làm báo nơi thành phố này.
Chuyện tôi cầm bút viết lại cũng có một chuyện vui vui. Cô coi có đủ thời giờ thì tôi kể. Cũng không dài lắm.

 

LQM: Vâng, xin mời anh kể.

ST: Anh bạn tôi, anh Luân Hoán, thấy tôi cứ lì ra không chịu viết lại, bèn đi một đường thơ khích tướng như sau:

Nợ cơm áo, nợ xe, nhà
Cong lưng anh trả tà tà, sướng chưa?
Nợ văn chương há chịu thua?
Ở đây giấy bút quá thừa, mời anh.

Bốn câu thơ này được đăng trên tạp chí Nắng Mới. Thú thực với cô, đọc xong tôi thấy nhột thật. Lại thêm lúc đó cuộc sống đã đỡ vất vả, tay cũng đã bắt đầu thấy ngứa ngáy, tôi bèn viết lại. Hai năm sau, tôi in tập truyện thứ nhất, cuốn Bỏ Chốn Mù Sương, bản riêng tặng anh Luân Hoán tôi cũng “thơ” lại:

Ở đây giấy bút quá thừa,
Bạn trao ta cứ viết bừa cho vui!

Thực ra chẳng phải chỉ là vui mà là tôi bắt lại được cái đam mê xưa. Tôi viết khá khỏe và nhanh. Truyện của tôi xuất hiện trên hầu hết các tạp chí văn học tại Canada và Hoa Kỳ. Hiện giờ tôi đang cộng tác thường xuyên với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, tất cả đều ở California. Tôi cũng đã cho xuất bản được 4 tập truyện ngắn.

 

LQM: Tại sao anh cầm bút trở lại sau một thời gian dài không hoạt động?

ST: Như đã nói với cô, ngòi bút nó có cái ma lực kỳ lạ lắm. Đã dính vào thì dứt không ra. Trời đất có xoay vần tới đâu đi nữa thì mình vẫn cứ loay hoay tìm đu6ồng trở lại. Tôi nhớ hai câu thơ cũ:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Văn chương phải chăng cũng là một thứ thuốc lào?

 

LQM: Xin anh cho biết những tác phẩm của anh được viết theo thể loại nào? Tại sao anh chọn thể loại đó?

ST: Từ 8 năm nay tôi chuyên viết truyện ngắn. Tại sao? Có lẽ vì tôi không có tài làm thơ, lại không có đủ kiên nhẫn để viết truyện dài chăng? Thực ra tôi thấy thể loại truyện ngắn rất thích hợp với tôi. Nó giúp tôi có thể dàn trải một cách thích thú những suy nghĩ của tôi. Có lẽ tôi còn ở với truyện ngắn trong một thời gian dài nữa, dài tới bao lâu thì tôi chưa biết rõ, nhưng cho tới nay thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phụ bạc nó.

 

LQM: Trong những tác phẩm của anh, đa số nhân vật là người Việt tại hải ngoại, hoặc là người bản xứ, hoặc bối cảnh thường là cuộc sống hiện tại, anh dựa vào đâu để viết về những nhân vật đó và những nhân vật này có thật hay do tưởng tượng mà ra?

ST: Đã có lần, trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn Học, tôi đã ví việc viết truyện như làm nhà hàng ăn. nhà hàng đi chợ mua cá, thịt, rau về rồi xào nấu chế biến, thêm mắm thêm muối vào mới thành được những món ăn hấp dẫn thực khách. Trong văn chương, thêm mắm thêm muối, đó là hư cấu.
Việc dựng những nhân vật cũng vậy, có phần thật mà cũng có phần hư cấu. Mà phần thật nhiều khi không phải của một người duy nhất mà là những đặc điểm của nhiều người góp lại. Mượn của ông này một chút, ông kia một chút. Cầm đỡ khuôn mặt của bà này lồng vào tính tình của bà khác. Đó là cách tôi mượn phần thật vào nhân vật của tôi. Phần hư cấu mới là phần quan trọng hơn. Chính cái hư cấu mới cho tác giả làm đậm cá tính của nhân vật, đẩy cốt truyện chuyển một cách tự nhiên và hơp lý.
Nhân vật của tôi, như cô nhận xét, phần lớn là những người Việt tại hải ngoại hoặc là người bản xứ vì truyện của tôi thường là những chuyện xảy ra quanh cuộc sống của chúng ta hiện nay tại hải ngoại. Có hai lý do để tôi chọn khung cảnh của truyện như vậy.
Thứ nhất là tôi muốn truyện của tôi gần gũi với người đọc. Đưa ra một cảnh sống, một tình huống quen thuộc dễ được độc giả chấp nhận và thích thú hơn, từ đó mình ký gửi những suy nghĩ của mình dễ dàng hơn. Tôi vẫn nghĩ rằng thành công đầu tiên và quan trọng nhất của một truyện là giữ được độc giả theo dõi truyện cho tới những dòng chữ chót.
Thứ hai, khi chọn khung cảnh truyện, tôi muốn ghi lại cho mai sau ( nếu truyện của tôi còn may mắn sống được với thời gian) cuộc sống của lớp người lưu vong thế hệ thứ nhất của chúng ta. Tôi muốn làm một nhân chứng trung thực của khúc đời bỏ xứ đầy cay đắng và gian lao của thế hệ chúng ta.

 

LQM: Quan niệm sống của anh thế nào?

ST: Chà, cô bắt đầu làm khó tôi rồi đó. Câu hỏi này bao quát quá và trả lời loạng quạng có khi gây ra nhiều ngộ nhận. Thôi, xin cô để cho tôi né một chút nghe. Tôi chỉ xin nói về những nghĩ suy của tôi về một lối sống mà tôi cố gắng theo đuổi thôi.
Cuộc sống, theo tôi, là một sự huyền nhiệm, đẹp đẽ và đáng trân quý. Đáng trân quý chẳng phải vì chúng ta chỉ có một cuộc sống mà vì cuộc sống, tự nó, đã mang đến cho chúng ta nhiều hương hoa mật ngọt. Tôi trân trọng cuộc sống. Và từ đó, hòa mình vào cuộc sống. Sống, đối với tôi là tận hưởng cuộc sống chứ không phải chạy theo cuộc sống. Chạy theo cuộc sống thì vất vả lắm. Phải bon chen, kèn cựa, xô đẩy nhau. Ít khi có tôi trong những chuyện tốn mồ hôi như vậy lắm!

 

LQM: Có phải quan niệm sống này có ảnh hưởng đến những tác phẩm của anh không?

ST: Có, cô ạ. Cái có thể gọi là lạc quan, an nhiên trong cuộc sống nó chui vào đầy rẫy trong truyện của tôi. Anh Nguyễn Mộng Giác cũng đã nhìn thấy ngay như thế và đã viết trong bài tựa cuốn truyện mới của tôi như sau: “ Song Thao là người lạc quan. Nhờ thế, nhân vật của anh lạc quan trong những tình thế đáng lẽ phải buồn thương chán nản. Người bệnh vẫn nói cười rôm rả. Người già sống cô độc nhưng không hề cảm thấy lạc lõng. Mỗi truyện mới đọc tưởng là một thảm cảnh. Đang đọc thấy đúng là một thảm cảnh. Nhưng đọc xong thấy lóe sáng niềm tin. Con người dù sao cũng vẫn còn rất tốt. Cuộc đời dù đầy bất trắc nhưng vẫn là nơi đáng sống nhất.”

 

LQM: Thời gian 1964, tốt nghiệp Đại Học xong anh trở thành chuyên viên ngiên cứu của Bộ Xã Hội, và đã đi tu nghiệp, quan sát tại Hoa Kỳ, Đại hàn, Nhật Bản, Hong kong, Phi Luật Tân. Như vậy anh đã có một cách nhìn rộng rãi (về mặt luân lý và văn hóa) đối với nước ngoài nói chung và với việt Nam nói riêng. Vậy xin anh cho biết ý kiến về xã hội anh đang sống hiện nay.

ST: Trước đây, trong những lần đi tu nghiệp, quan sát hay học hành ở ngoại quốc, ngắn thì dăm bữa nửa tháng, dài thì có khi tới cả năm tôi vẫn luôn luôn có ý nghĩ trong đầu là mình không thể sống hẳn ở ngoại quốc được. Tôi mường tượng thấy chồng chất những khó khăn, vất vả, ngại ngùng khi phải chung đụng lâu dài như là một cư dân ăn nhờ ở đậu trong những xã hội không phải là của mình. Lúc đó, nghĩ là nghĩ chơi như vậy thôi, chứ không bao giờ trong đẩu tôi nẩy ra ý tưởng ở lại những quốc gia mà tôi đặt chân tới. Mình còn có một quê hương, còn thân thuộc, bạn bè, tội chi mà lưu vong cho khổ cái thân? bây giờ thật sự lưu vong, mất hẳn đường về, dù muốn hay không, phải chấp nhận cuộc sống nơi xứ người thì đành chấp nhận, cố nuốt cho xong chuỗi ngày tha hương. Nhiều khi tôi đã tự dối lòng, cố nghĩ tới những sự may mắn, hay đẹp cho mình, cho những đồng hương quanh mình và nhất là cho thế hệ con cháu của mình để cố mà vui sống. Cũng là cái tính lạc quan ấy mà, phải không cô?

 

LQM: Anh có cảm nghĩ gì về lớp trẻ lớn lên tại hải ngoại?

ST: Lớp trẻ, con cái của chúng ta, có cái may mắn không ai chối cãi được, là được hưởng một nền giáo dục tân tiến trong những xã hội kỹ nghệ hiện đại nhất. Và chúng ta phải hãnh diện và vui mừng về thành quả của con em chúng ta trong nhà trường. Hai mươi bốn năm đã trôi qua kể từ khi lớp người Việt lưu vong đầu tiên của chúng ta rời khỏi nước. Nhiều con em chúng ta đã thành tài, trở thành những học giả, chuyên gia có địa vị cao trong xã hội mới. Đó là điều đáng mừng khác.
Cứ tưởng tượng trước đây chúng ta phải gửi sinh viên đi du học, tôn kém nhiều mà số lượng đâu có thấm tháp gì với con số con em chúng ta được học hành ở đây. Đó là những vốn liếng quí báu của đất nước chúng ta. Suy nghĩ thêm một chút, một mai đây, khi quê hương chúng ta hoàn toàn tự do, lớp tài nguyên quí báu này mà trở về xây dựng xứ sở thì đó là cả một cuộc thay da đổi thịt mang lại hồng hào máu huyết cho đất nước chúng ta. Vấn đề là chúng ta còn có thể giữ cho lớp trẻ con em chúng ta còn là người Việt Nam hay không.

 

LQM: Nghe nói anh sắp xuất bản một tác phẩm mới, xin anh nói vài điều về tác phẩm đó.

ST: Cô chẳng cần nghe nói mà cũng chẳng phải là sắp sửa. Tập truyện mới của tôi đang nằm trên bàn đây để sẵn sàng tặng cô.
Đây là một tập truyện gồm 10 truyện của tôi viết trong hai năm 1997 và 1998. dầy gần 200 trang. Có lời tựa của anh Nguyễn Mộng Giác. Bìa do anh Khánh trường trình bày. Tôi ưng ý cái bìa này hết sức! Cần phải nói gì thêm nữa không à? Giá tiền nhé! Nhưng tặng sách ai lại nói chuyện tiền bạc vào đây!

 

LQM: Dự tính trong tương lai của anh?

ST: Tiếp tục viết. Vẫn chỉ viết truyện ngắn. In cuốn thứ năm. Bao giờ? sang năm nghe? Kể ra đã in một cuốn vào năm chót thế kỷ mà lại in thêm được cuốn khác vào năm đầu của một thế kỷ mới nữa thì cũng vui đấy chứ! Phải ráng vậy! Năm 2000 nghe cô!

(Đã phát thanh trên đài Tiếng Nói Việt Nam, Montréal, Canada, ngày 27 tháng 6 năm 1999)