Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

BỐN NGƯỜI MỘT BÀN

Khi tôi tới bàn ăn thì Ozgur đã ngồi đó rồi. Tôi chọc hắn.

" Cậu tới đúng lúc nhỉ?"

Hắn nhướng cặp lông mày rậm rạp, đen nhánh, thành hai vạch thẳng nằm ngang dưới chiếc trán bóng loáng chạy tuốt lên tới đỉnh đầu.

" Có chuyện gì vậy?"

Hôm nay lễ Thanksgiving của mấy anh Mỹ, họ rất cần turkey cho bữa ăn!"

Hắn dứ dứ chiếc nắm đấm nhỏ xíu về phía tôi.

" Vừa thôi chứ ông! Hơn nữa cái thứ turkey gầy nhom như tôi chắc chẳng có chợ nào thèm buôn đâu."

Ozgur người Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếng Anh là Turkey. Phiền cho nước hắn là con gà tây cũng là turkey. Dĩ nhiên con gà tây thì không được viết hoa. Tôi nhập nhoạng, hoa hay không hoa cũng cứ móc chơi. Mà đã tiện miệng móc thì móc luôn. Tôi giả bộ nghiêng người nhìn vào hộp ăn trưa của Ozgur, miệng la lên.

" Tôi thấy một sợi tóc vừa rụng vào hộp đồ ăn của cậu."

Ozgur vuốt chiếc đầu hói tới trên chín chục phần trăm. Cười.

" Hôm nay ông giở chứng hơi kỹ đấy nhé! Tóc tôi là loại tóc quý, không vàng thì cũng bạc, sợi nào cũng được dán keo cẩn thận, rụng làm sao được mà rụng. Ông coi chừng cái hộp đồ ăn của ông đấy. Coi có sợi tóc đen nào không?"

Thực ra tóc Ozgur không vàng, mà nâu nhạt. Tóc bạc thì lưa thưa một hai sợi. Hắn vẫn còn trẻ. So với tôi. Cả với Jo nữa. Jo vừa kéo ghế ngồi vừa nói.

" Tôi thứ ba. Đỡ hơn được bà Thanh. Mà cái bà đó thì kể làm chi. Bà ấy mua đứt cái hạng chót rồi. Chuyện gì mà các ông ồn ào vậy? Vừa tới cửa, tai đã ù đi vì hai cái miệng hư nút volume của các ông!"

Ozgur lên giọng khệnh khạng.

" Có gì đâu. Ông Nguyên đây ông ấy đang khôi hài về cái đầu trơ da của tôi ấy mà."

Mặt Jo đỏ phừng. Ozgur tủm tỉm cười. Lại một cái cổ sắp gân lên cho mà coi. Phải cái hơi chậm một chút. Jo bị tật hơi cà lăm. Trước khi nói, môi hắn phải rung lên một chập mới mở lời được. Tôi đếm thầm trong miệng. Thường ra thì phải đếm tới đủ mười thì cặp môi Jo mới ngừng rung.

" Vậy là có đụng chạm lớn rồi. Những người hói đầu hãy đoàn kết lại!"

Jo xoa xoa cái đầu nhẵn thín như người ta đang xoa mông ru ngủ một đứa con nít. Môi hắn lại rung lên.

" Tôi mới đọc trong Cựu Ước có đoạn viết như thế này. Khi Thượng Đế dựng nên loài người, Ngài đắp da thịt lên bộ xương, Ngài thấy công việc thật hoàn hảo, nhưng thân thể mà Ngài vừa tạo nên trông thấy hơi trơ. Ngài mới cắm lông vào để trang điểm. Cắm xong, Ngài nhìn và thấy vừa ý. Còn một vài cái lông dính ở tay, Ngài tiện tay cắm lên đầu. Và Ngài thấy cũng vừa ý. - Jo, mặt tỉnh bơ, nhìn tôi nói tiếp - Như vậy, những người đầu hói như cậu Ozgur với tôi là những người được Thượng Đế dựng nên một cách toàn hảo. Còn những người như ông, vì Thượng Đế dựng nên sau, lúc Ngài đã hơi buồn ngủ, nên Ngài chỉ cắm sơ sơ lông trên người, còn đầy một tay lông, Ngài trét luôn hết lên trên đầu. Chẳng lẽ tôi lại bảo đó là thứ phế phẩm của Ngài?"

Ozgur ngoác miệng ra cười hô hố. Tôi lặng người, vừa mở nắp hộp đồ ăn, vừa nghĩ cách trả đũa. Cái đầu phế phẩm của Thượng Đế cũng không đến nỗi tệ lắm. Tôi chẳng thèm nhìn Jo, chẳng cần ngó Ozgur, tay cầm chiếc muỗng, nói như nói với cái mặt bàn.

" Cũng nhờ cái buồn ngủ của Thượng đế nên mùa đông tôi đỡ được khoản tiền mua cả tá mũ bịt đầu!"

Ba tiếng cười lớn chẳng làm át được tiếng chân thình thịch của bà Thanh đang đến gần bàn.

" Mấy ông làm ơn cười nhỏ nhỏ một chút kẻo sập nhà người ta, thưa các ông con nít thừa tuổi!"

Bà Thanh chắc lớn tuổi hơn cả bọn. Chưa ai dám hỏi tuổi bà nhưng cái dáng lạch bạch của bà như mang gánh nặng số năm bà có mặt trên đời. Cái vui tính của mấy tên đàn ông ngồi chung bàn làm bà cười nhưng bà cũng chê bai chúng tôi là đám con nít thừa tuổi chứ chưa phải là người lớn. Ozgur trẻ người nên lanh miệng, đốp ngay.

" Ba tiếng cười cũng không làm rung rinh nhà cửa bằng bước chân của bà. Khi leo lên lầu, bà làm ơn dùng một chân thôi cho đỡ rung nhà người ta được không?"

Lại cười ầm ĩ. Làm sao mà nín cười được khi tưởng tượng cái chân lẻ loi phải chịu đựng một cặp mông quá khổ cộng với bộ ngực hết cỡ của bà. Jo đã có lần ví von là bộ mông và cặp ngực của bà Thanh là hai đế quốc tom góp hết thịt của bà. Jo là người Tiệp Khắc, học xong Tiểu Học mới qua định cư bên này, nên lối ví von có phần bị ám ảnh bởi những bài học sắt thời ở quê nhà. Nhưng cái di sản nặng nề nhất mà Jo dắt theo người khi đi định cư là sự tằn tiện. Cả một thời thơ ấu thiếu thốn đã tạo cho hắn cái thói quen tích trữ phòng những lúc thiếu hụt. Lâu ngày chày tháng, thói quen này đã biến thành bản tính. Jo chắt chiu từng đồng từng cắc. Như thằng bé Jo ngày đặt chân tới phi trường nơi định cư. Jo kể lại không một chút ngượng ngập là hắn đã sướng run người lên khi nhìn thấy báo cũ vất đầy trên những băng ghế, dây thun nằm ngổn ngang trong thùng rác ở phi trường. Hắn chạy đi lượm như điên như dại vì đó là những thứ hắn mỏi mắt kiếm tìm để làm kế hoạch nhỏ cho nhà trường tại quê nhà. Bố mẹ hắn nhìn hắn lăng xăng bằng con mắt xót xa. Bố hắn nắm tay hắn, giọng đẫm buồn. Con đừng lượm nữa, những thứ này là đồ bỏ, người ta vứt đi. Con đã tới một nơi mà con sẽ còn được nhiều thứ hơn nữa, những thứ mà sau này, khi lớn lên, con mới biết giá trị đích thực của chúng.

Bốn người cắm cúi vào phần ăn của mình. Phần của Jo nằm khiêm nhường trong một bình thủy miệng rộng, đầy ắp một thứ nước sền sệt và một khúc bánh mì gói trong giấy. Ozgur một hộp tả pí lù không biết gồm có những gì và mấy miếng bánh mềm giẹp lép lớn cỡ bằng bàn tay. Tôi thì một hộp cơm với khi thì thịt, khi thì cá. Chỉ có bà Thanh là nhiêu khê. Chiếc cặp lồng ba ngăn là ba món. Món mặn, món xào, món canh. Hộp cơm kèm theo thuộc loại lớn. Đó là chưa kể một bình thủy nước mà mỗi khi bà rót ra là thơm lừng cả bàn. Chẳng biết bà pha những thứ gì ở trong đó. Bốn phần ăn là bốn trường phái. Bốn người ngồi quanh chiếc bàn cũng là bốn góc trời. Tôi thường bị nhìn lầm là người Hoa giống bà Thanh. Giải thích mãi cũng không xong. Ozgur gật gật đầu ra cái điều hiểu biết.

" Thì cứ nhìn ông với bà Thanh là ra ngay. Nước Trung Hoa của bà Thanh nằm kềnh càng trên bản đồ, nhìn vào thấy ngay. Nước của ông nằm ké bên cạnh. Có được bằng một nửa không? Chắc chẳng được. Vì ông đâu có bằng nửa bà Thanh được!"

Bà Thanh háy. Sự phì nhiêu là thứ hơn người nhưng chẳng phải là thứ nên nhắc tới. Tôi và Jo chẳng dám cười lớn tán thưởng nhận xét rạch ròi của Ozgur. Chúng tôi vô tình đã vào một phe. Phe đàn ông có thể tích khiêm tốn. Cũng là Ozgur, tên trẻ người non dạ, vừa tinh nghịch vừa tinh quái, đã có lần chia phe.

" Giả dụ mình ra công viên chơi trò bập bềnh. Ba đứa mình một bên, bà Thanh một bên. Liệu ba đứa mình có bị treo lên trời hoài không?"

Tôi khoái cái câu hỏi cắc cớ của Ozgur.

" Chắc không!"

Ozgur nhìn tôi bằng con mắt nheo nheo như ước lượng số kí lô xương của tôi.

" Ông góp được vào với tôi và Jo bao nhiêu ký mà bảo là không?"

Tôi chẳng nao núng.

" Tôi nghĩ tụi mình sẽ không bị treo lên trời vì tấm cây bên phía bà Thanh gẫy mất tiêu rồi còn đâu!"

Ba tên cùng phe rống lên cười. Bà Thanh cũng không thể không cười. Bà vốn là người vui tính. Và nhớ dai. Bà sẽ rình rập để phản công lại. Ozgur đã hớ hênh bày ra một khoảng trống cho bà sút banh. Ăn xong, hắn ngáp, lấy tay che miệng đàng hoàng, nhưng cái miệng hắn lại giải thích cái ngáp.

" Tối qua ngủ không được vì cái đuôi con mèo đập vào mặt hoài."

Sáu con mắt căng lên dò hỏi. Bà Thanh nghiêng người, đập vai Ozgur.

" Cậu không định nói là cậu ngủ chung với mèo chứ?"

Ozgur không mảy may suy nghĩ.

"Thì có sao?"

Jo nhảy vào.

" Ngủ với mèo thì được. Tôi hiểu. Nhưng mèo có đuôi thì hơi lạ đấy."

Ba cái miệng đã mở, chẳng lẽ miệng tôi lại ngậm câm.

" Tôi cũng hiểu. Ngủ với mèo thì không lạ, nhưng ông Jo mà có mèo không đuôi thì quả là lạ. Chẳng lẽ lại có thứ mèo chỉ sống bằng nước lạnh!"

Hai mũi tên của bà Thanh và Jo bắn vào Ozgur. Mũi tên của tôi lại bắn vào Jo. Bà Thanh không bằng lòng.

" Cái nhà ông Nguyên này chỉ tài chuyện phá ngang. Này cậu Ozgur, cậu ngủ với mèo thật à?"

Ozgur nhởn nhơ.

" Tôi ngủ với vợ chứ! Nhưng con mèo nằm chen vào giữa. Vợ tôi cưng nên để kệ nó. Cái giống mèo này lạ lắm. Ngủ mà thỉnh thoảng cái đuôi lại quật ngang một cái làm tôi giật mình tỉnh ngủ."

Tôi đưa ra biện pháp mạnh.

" Sao cậu không nắm cổ vứt nó xuống đất. Ngủ với vợ mà có con mèo nằm giữa là khó ngủ rồi, cần chi phải có cái đuôi quật ngang quật ngửa!"

Ozgur lè lưỡi.

" Ông đừng xúi dại tôi. Đụng tới con mèo còn nặng tội hơn đụng tới vợ! Nắm cổ nó vứt xuống đất, Mohamed ơi! Bà ấy dám kêu 911 lắm."

Bà Thanh chẳng bỏ lỡ dịp may.

" Thế ra vợ cậu coi cậu không bằng con mèo à?"

Ozgur khẳng khái.

" Bằng sao được! Bà ấy ôm mèo nhiều hơn ôm tôi! Mà phải công nhận con mèo dễ thương thật. Nó quấn quít với chủ, ưỡn ẹo cọ người vào chân chủ làm nũng, nói với nó là nó nghe, nó hiểu, lúc nào cũng nhỏ nhẹ meo meo như nói chuyện với mình. Tôi đi làm về ấy à, vừa mở cửa nó đã chạy đến meo meo, rồi lúc thúc theo tôi tới ghế ngồi cởi giầy, chỉ chờ có vậy là cu cậu phóc lên đùi tôi, vươn người lấy bàn chân vuốt má tôi, uốn mình nhõng nhẽo như một đứa con nít. Dễ thương hết sức! Thương còn hơn thương con ấy!"

Mắt bà Thanh trợn trừng lên.

" Mèo mà hơn con! Cậu chưa có con làm sao cậu biết được tình thương con. Đừng nói càn!"

Mắt Ozgur cũng giương lên chẳng kém. Lạnh và sắc.

" Không phải chưa có con! Không có con. Tôi sẽ không bao giờ thèm có con! Bà hiểu không?"

Bà Thanh xuống giọng nhỏ nhẹ như một bà mẹ dạy con.

" Nếu cậu là người Hoa như tôi hay người Việt như ông Nguyên đây thì cậu đã mắc cái tội nặng nhất trên đời: tội không con. Này nhé, cha mẹ mình sanh ra mình là để có người nối dõi dòng họ, tới lượt mình mình cũng phải có con để tiếp nối dòng giống gia đình mình. Cậu không có con là tiêu hết. Đức Khổng Tử, chắc cậu phải biết bậc thánh nhân này, đã phán như vậy. Hàng triệu con người, hàng trăm thế hệ đã răm rắp tuân theo như vậy. Cậu nên nghĩ kỹ lại đi!"

Tôi thấu hiểu lòng nhiệt thành của bà Thanh, nhưng cũng cảm thông được sự thờ ơ khinh thị của Ozgur. Hắn vác mặt lên như không thèm đếm xỉa gì đến những lời nói mà hắn cho là tầm phào vớ vẩn. Môi Jo rung lên. Hắn muốn nói.

" Này bà Thanh, ông Khổng Tử của bà có biết ăn hamburger không?"

Bà Thanh không lường được một câu hỏi xuyên qua cả mấy ngàn năm, nối bậc thánh nhân xa xưa vào một món ăn đại chúng bây giờ như vậy. Bà còn đang luống cuống chưa tìm được câu trả lời thì Jo đã bồi thêm.

" Nếu ông ấy mà ăn hamburger thì chắc miệng ông ấy đã không nói như vậy!"

Ozgur nhìn Jo bằng con mắt thích thú. Nhưng thực ra Jo không nói cho Ozgur mà nói cho chính hắn. Hắn cũng không có con. Có lần tôi đã chọc hai tên này.

" Hai ông dở ẹc! Bắn phá liên miên mà chẳng trúng mục tiêu. Tôi ấy à, tôi chỉ cần đi ngang qua đầu giường là vợ đã có bầu!"

Jo gân cổ cãi. Mặt hắn đỏ nhừ, đỏ lên tới cả cái đầu hói bóng loáng.

" Hay ho gì chuyện đó mà khoe. Tôi cai đến khờ người mới không thòi ra mống nào, chứ thả ra, chắc cũng không thua gì ông đâu. Có một lần tôi lỡ trớn, vợ phải đi phá ngay."

Ozgur hòa vô.

" Ông Jo nói đúng. Chuyện cả bàn dân thiên hạ đều làm được thì có thêm ông vào cũng đâu có gì đáng hãnh diện. Tôi thì tôi rất bằng lòng về sự giữ gìn của tôi. Chưa một lần vợ tôi phải vào nhà thương vì cái chuyện tào lao như vợ ông Jo."

Ozgur theo đạo Hồi, một thứ quốc giáo ở xứ hắn. Luật Hồi Giáo là một thứ luật tôn giáo khá khắt khe, không biết có khoản nào cấm tín đồ phá thai hay không. Tôi rất lơ mơ về tôn giáo nhưng cũng biết là giáo chủ Hồi Giáo Mohamed có tới bốn vợ và mọi tín đồ Hồi Giáo đều có thể có bốn vợ. Năm dĩ nhiên là không được vì không ai có quyền chơi trội hơn giáo chủ của mình. Tôi hỏi Ozgur.

" Cậu có mấy vợ tất cả?"

Ozgur nhìn tôi như nhìn một sinh vật vừa rớt từ cung trăng xuống.

" Một chứ mấy. Nghe nói ở xứ ông có tục lệ đa thê phải không?"

Bị phản công bất ngờ, tôi hơi khựng.

" Những gì cậu nghe nói là chuyện xưa rồi. Bây giờ xứ tôi mỗi người chỉ được quyền có một vợ. Nếu ông nào muốn thêm thì cái đó không phải là vợ! Nhưng đạo Hồi của cậu thì cho tới bây giờ vẫn có quyền lấy bốn vợ thì phải?"

Ozgur hất mặt nhìn tôi.

" Tôi có theo đạo Hồi đâu!"

Tên này chối đạo, tôi nghĩ thầm.

" Thế cậu đạo gì?"

" Gia đình tôi đạo Hồi, nhưng tôi không theo đạo này, ít nhất trong cách sống của tôi. Tôi không có thời giờ đọc kinh ngày bốn lần! Người ta phải sống cho mình chứ không phải cho những thói quen của người khác. Phải có con, đó cũng là lề thói của người khác chứ không phải của tôi. Tôi hỏi thật ông nhé. Có bao giờ ông cảm thấy con cái là một sự phiền nhiễu không?"

Câu hỏi của Ozgur làm tôi suy nghĩ. Nuôi con dĩ nhiên là vất vả, nhưng hy sinh cho con, đó là một đức tính. Mỗi đứa con là một sự hy sinh của bố mẹ. Lúc nhỏ, con cái có những vấn đề của đứa nhỏ. Lớn, có những vấn đề của đứa lớn. Lúc nào việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái cũng là một thách đố với bậc làm cha làm mẹ. Gọi là phiền nhiễu như Ozgur nói cũng không phải là quá đáng. Nhưng lòng thương con là con thuyền giúp vượt qua tất cả các nỗi khó khăn. Mà lòng thương con, đó là bản tính tự nhiên của con người.

Tôi thận trọng trả lời Ozgur.

" Thực ra nuôi dậy con cái luôn luôn là một vấn đề, muốn gọi là sự phiền nhiễu như cậu nói thì cũng đúng. Nhưng đây là một vấn đề để vượt qua chứ không phải để gạt bỏ đi. Tôi nghĩ, bậc cha mẹ nào cũng có thể vượt qua được vì họ đều có tình thương con cái, những sinh vật mang máu huyết của mình."

Ozgur lạnh lùng.

" Tôi không có thứ tình thương đó!"

Tôi hỏi ngược lại.

" Cậu chưa có con, sao cậu biết cậu không có tình thương con cái?"

Ozgur bướng bỉnh.

" Tôi biết chắc như vậy!"

Hai bệt lông mày, cái trán hói, đôi môi mím lại và nhất là cặp mắt nguội tanh của Ozgur làm tôi lỡ miệng.

" Cậu ngoan cố!"

Ozgur lừ lừ nhìn tôi.

" Ông đừng quá lời! Tôi biết là vì cha mẹ tôi không thương tôi!"

Cái tính bướng bỉnh của Ozgur mà tôi biết từ những ngày vừa quen hắn, tôi nghĩ là của một người cuồng tín thực ra chỉ là sự chống trả của một đứa trẻ sớm hằn vết hận thù. Ngay từ nhỏ, Ozgur là một đứa trẻ không vừa mắt cha mẹ. Hắn không ngoan ngoãn như anh chị em hắn. Hắn như một con thú hoang, táp bên này, cắn bên kia, luôn luôn hung hãn dữ dằn. Bản năng tự vệ quá đáng của hắn giữa bày anh chị em đông đúc làm hắn bị tách rời ra như một con thú bị biệt giam trong lồng sắt. Hắn cảm thấy bơ vơ giữa những người thân thuộc. Cha mẹ hắn ghét bỏ hắn. Anh chị em cô lập hắn. Chung quanh hắn chỉ có những bộ mặt lạnh lùng, cứng ngắc của những chiếc mặt nạ. Hắn sống như một vật thừa thãi trong gia đình. Đồ chơi chung là thứ mà hắn chẳng bao giờ được sờ tới. Mà hắn lại là đứa mê đồ chơi vô cùng. Đó là nỗi ám ảnh đeo đuổi hắn. Năm mười lăm tuổi, hắn bỏ nhà ra đi với một cái đầu căng cứng hận thù. Chính sự hận thù này đã làm hắn trở thành một con người cương quyết, đủ sức tranh sống với đời. Hắn lưu lạc tới Hung Gia Lợi và gặp vợ hắn, một sinh viên du học người Canada. Họ cưới nhau và hắn theo về định cư nơi xứ sở của vợ hắn.

Mặt Ozgur dịu xuống khi hồi tưởng lại bước đường lưu lạc từ thuở ấu thời. Tôi thấy thương hại sự thiếu hụt tình cảm trong con người hắn. Ozgur không nhìn tôi, nói như nói với khoảng không.

" Tôi nghĩ là chẳng ai hiểu được tôi. Ngay như ông, người duy nhất, ngoài vợ tôi, mà tôi thổ lộ những gian truân của cuộc đời tôi, tôi nghĩ ông cũng chẳng hiểu được tôi đâu. Mà tôi cũng chẳng hiểu ông có cái gì mà tôi lại thích nói chuyện với ông. Ông có đẹp trai gì cho cam!"

Ozgur cười.Tôi cũng cười theo. Nụ cười làm mặt Ozgur thơ dại một cách bất ngờ. Hắn nháy mắt với tôi.

" Tôi tiết lộ với ông chuyện này, ông đừng cười tôi nhé! Và ông hứa là không nói với ai nghe!"

Lòng tôi háo hức. Tôi vui theo cái vui của Ozgur.

" Cậu tìm trong ngăn kéo coi có cuộn băng keo nào không? Dán miệng thì hơi đau nhưng tôi hy sinh vì cậu."

Ozgur làm bộ lục tung ngăn bàn.

" Phước cho ông là tôi không tìm thấy cuộn băng keo nào trong đây, nhưng tôi tin vào cái đức tính ngậm miệng nơi ông. Chẳng gì ông cũng là người đứng đắn, cho tới giờ phút này! Ông có nghĩ là tôi vẫn còn mê đồ chơi không?"

Chuyện này hơi lạ. Tôi muốn toác miệng ra cười nhưng ngăn lại được. Cứ tưởng tượng một anh lớn sồng xộc, có vợ đàng hoàng, lại bò lê bò càng chơi đồ chơi như một đứa con nít. Khó coi biết mấy!

" Cám ơn ông đã không cười vào mặt tôi. Nhưng đó là điều thực. Tôi vẫn còn bị ám ảnh về đồ chơi. Ai tới nhà tôi, thấy đống đồ chơi, chắc phải nghĩ là tôi có cả tá con cái. Tuần nào mà tôi chẳng lang thang trong Toys " R" Us!"

Tôi không kìm lại được câu hỏi.

" Vợ cậu nghĩ sao?"

" Bà ấy cười vì cái tính con nít của tôi chứ! Nhưng được cái bà ấy theo học ngành tâm lý học!"

" Chắc cậu cưới được một người mẹ?"

Ozgur nheo mắt.

" Gần như vậy. Tôi sợ nếu có con, chúng sẽ dành hết đồ chơi của tôi!"

Câu nói của Ozgur làm tôi sững sờ. Tôi nghĩ tới con mèo mà vợ hắn cưng quí. Đó phải chăng là một thứ đồ chơi của vợ hắn?

Jo không phức tạp như vậy. Cái mà hắn luôn luôn nghĩ tới là thứ có thể đếm được một cách rành rọt. Đầu hắn không lúc nào ngưng đếm.

" Này ông Nguyên, thằng Roberto hôm nay mò đến năn nỉ tôi cho mượn tiền. Hắn bảo hắn thiếu tiền mua sữa mua tã gì đó cho con hắn. Tôi thấy cảnh đó mà rầu quá."

Tôi nhìn Jo bằng con mắt châm chọc.

" Thế ông cho nó vay bao nhiêu?"

Jo nhún vai.

" Ông biết tính tôi rất thương người, nhưng tôi biết lúc nào phải dừng lại. Tình thương mà đi xa quá thường dẫn tới những chuyện rắc rối."

Tôi thừa biết tính Jo. Đồng tiền là thứ hắn để trong cổ họng. Hắn chỉ nói chứ không bao giờ khạc ra.

" Kể ra thằng Roberto không biết tính người thiệt! Ông vẫn biết dừng lại ở miệng túi như thường lệ chứ?"

Biết tôi nói móc nhưng Jo vẫn không lấy đó làm điều.

" Tôi ít khi trượt chân lắm. Ông không nhớ câu ngạn ngữ "Đồng tiền đi vào thì tình bạn đi rảo à? Tôi thì lại muốn giữ tình bạn với mọi người. Mà này, nuôi con kể cũng tốn đấy chứ, ông nhỉ?"

Tôi trả lời lơ là.

" Cái gì mà không tốn. Ông ra đường là tiền rơi xuống đường, ở nhà thì tiền rơi xuống sàn nhà, nằm ngủ thì tiền cũng rơi xuống gầm giường. Ông còn thở thì tiền còn ra đi. Nhưng tiền vào thì tiền phải ra. Đó là đời sống. Chắt chiu cho lắm thì chết cũng có ôm tiền theo được đâu. Phải không ông...?"

Tôi đã định hài danh là ông Scrooge nhưng nghĩ lại chẳng nên. Có nói khéo nói cạnh gì hắn cũng bằng thừa. Hắn vốn vẫn lì ra như vậy. Được cái hắn có máu khôi hài và biết dùng cái khả năng trời cho này để xí xóa cái tật không mấy được ưa của hắn.

" Tôi ít khi muốn chơi với cái anh bộ xương, đầu đội cái đầu lâu, tay cầm lưỡi hái. Tôi không ưa hắn chắc hắn cũng chẳng muốn tìm tới tôi làm gì. Chuyện chết chóc là chuyện hạ hồi phân giải, tính tới làm chi. Chuyện bây giờ là chuyện phải tính. Nghe ông nói đồng tiền rơi chỗ này, rơi chỗ kia, sốt cả ruột. Tôi ít thích nghe tiếng đồng tiền rơi lắm, nó xót xa gì đâu! Bớt được chút xót xa nào, đỡ chút đó ông ạ."

Tôi vẫn đều đều một giọng mỉa mai.

" Ông bớt hết cỡ rồi còn bớt vào đâu được nữa?"

Jo như vẫn tự hào về sự khôn ngoan của hắn.

" Vậy nên tôi mới thương những thằng như thằng Roberto. Toàn kiếm những chuyện tốn kém mà đâm đầu vào. Con cái thì ích lợi gì? Tốn kém trăm thứ nuôi cho khôn lớn. Khôn lớn rồi, mấy đứa còn nghĩ tới những anh chị già đã vãi tiền ra nuôi chúng? Tôi ít khi húc đầu vào những chuyện phiêu lưu như vậy lắm. Ông nghĩ sao?"

Tôi chán chẳng muốn đôi co với cái anh vắt củ trầy ra nước này.

" Ông biết tôi nghĩ khác ông. Bằng chứng là tôi có một bày con. Theo tôi, cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng được tính toán kỹ lưỡng bằng những con số so đo hơn thiệt. Có những cái làm cho đồng tiền trở nên vô nghĩa."

Jo nhún vai. Tôi hiểu cái nhún vai của hắn. Nhưng chắc hắn chẳng tận tường được câu nói của tôi. Trước mắt hắn chỉ toàn những tờ giấy xanh giấy đỏ. Còn chỗ nào cho một bầu trời trong xanh rộng rãi?

Bà Thanh chắc chẳng thể nào hiểu được những ý nghĩ của Ozgur và Jo. Bà vẫn nghĩ là hạnh phúc cuộc đời là con cháu đầy đàn quây quần bên bà. Niềm vui không đi ngược lên mà chảy xuôi xuống. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Như những bàn tay nắm lấy nhau tạo thành một dòng hạnh phúc lấp lánh đổ xuôi. Thấy bà tức tối với cái lý sự mà bà cho là kỳ cục của hai tên ngồi chung bàn, tôi nửa đùa nửa thật ghé tai nói nhỏ với bà.

" Chắc hai đứa đó tịt ngòi không thể có con rồi bịa chuyện ra chứ không phải chúng không muốn có con đâu bà ạ!"

Mặt bà ngớ ra, đỏ lên. Tôi chẳng hiểu bà đang nghĩ gì trong cái đầu mang mớ tóc xơ xác của bà.

" Thật thế à? Tụi nó thú thật với ông như vậy à?"

Tôi thú vị với trò chơi của tôi. Ít ra cũng làm bà Thanh có được một bộ mặt vừa hồi hộp vừa thích thú.

" Không. Đời nào chúng nó nói ra cái tịt của chúng nó."

Bà Thanh thất vọng thấy rõ.

" Cái ông này! Vậy mà cũng nói!"

Tôi mồi thêm ngọn lửa hồi hộp nơi bà Thanh.

" Nhìn tụi hắn tôi biết."

Bà Thanh quả là người hồn nhiên. Bà lại tíu tít.

" Sao ông biết?"

Tôi nhỏ giọng.

" Bà có thấy hai đứa đều hói đầu không? Cái thứ không có tóc là không có con nổi đâu!"

Bà Thanh xì một tiếng lớn. Đôi môi kéo dài cái bĩu như khinh bỉ.

" Ông chỉ được cái đoán mò! Ông nhà tôi đầu có mấy sợi tóc đâu!"

Tôi phì cười sờ lên đầu mình. Tóc trắng tóc đen lổn nhổn đè lên nhau. Chúng tôi chẳng có một điểm chung nào cả. Bà Thanh, Jo, Ozgur và tôi. Bốn người như bốn cây cột nằm lẻ loi bốn góc nhà. Tưởng là chẳng dính dáng gì tới nhau nhưng thiếu một cây là không được. Chúng tôi vẫn ngồi chung một bàn, mỗi người một phía. Như một thói quen.