Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

MAI SAU

Khi vợ chồng Phụng ly dị, Giao mừng thầm trong bụng nhưng ngoài mặt anh vẫn giữ vẻ buồn bã vừa phải. Anh biết Phụng đã chịu đựng vợ rất nhiều. Loan có nhan sắc, bặt thiệp nhưng cái tâm không được đẹp như cái dáng. Nàng chỉ biết có mình, trau chuốt cho thân xác và thủ kỹ tới từng xu. Nơi Loan, đồng xu có hai kích thước. Nó rất nhỏ bé khi nàng tiêu cho mình và rất to lớn khi nàng tiêu cho người khác. Người khác đây bao gồm cả Phụng, người mà nàng bòn rút từng đồng tiền lẻ. Chẳng bao giờ Phụng được hưởng một chút tiền rơi vãi của vợ. Túi tiền của Loan có cái miệng rất hẹp, khó có một đồng tiền chì lách ra được qua những ngón tay kiểm soát cẩn thận của nàng. Nàng luôn luôn có một lý do để vắng mặt đúng lúc trả tiền, ngay cả trả cho những thứ chính nàng chọn mua cho nàng.

Tạo hóa là một ông chủ bất công số một. Khi kết đôi cho một cặp vợ chồng, lão trời già này thường đã ngang nhiên chỉ tay kết tội một người bắt phải thua thiệt mọi bề. Phụng nằm trong số những người xấu số này. Những đồng tiền rộng rãi mà anh dâng hiến cho vợ chẳng giúp anh mua được chút quyền uy nào. Loan dành luôn quyền vùng vằng, giận dỗi, nhiếc móc, chì chiết và thậm chí có khi còn lăng mạ, xỉa xói chồng. Giao đã có lần mắng Phụng.

"Tao chưa thấy có thằng chồng nào đụt như mày. Mẹ kiếp, cứ như tao thì tao đã cho xong từ lâu rồi."

Phụng chẳng hề có phản ứng với lời dạy dỗ thô bạo của bạn. Anh vớt vát.

"Thì tại phúc nhà mày lớn, mày vớ được Lựu nên mày không hiểu được tao. Thế thôi. Thằng nào hay, thằng ấy biết."

Giao tức trong bụng mà đành ngậm câm. Phụng nói cũng đúng. Biết Loan như vậy mà Giao cũng chưa bao giờ tỏ ra mặt được một phản ứng coi được với vợ bạn. Anh không vồn vã với Loan nhưng anh cũng không tỏ ra ơ hờ với nàng. Chất nịnh đầm trong Giao vẫn còn đầy ắp. Một nụ cười tươi, một câu nói khéo hoặc một cử chỉ dịu dàng cũng đủ hóa giải mọi toan tính làm cho ra lẽ của anh. Làm một điều không tốt coi bộ khó hơn làm một điều tốt. Cái cốt của mấy anh lịch lãm nó như vậy.

Phụng có dư lịch lãm để phân vân trước đề nghị khá bất ngờ của Giao. Anh muốn kéo Phụng về ở chung với vợ chồng anh.

"Nhà tao rộng, ba phòng ngủ tao chỉ xài có một. Cho đứt mày một phòng cũng còn rộng chán. Tại sao mày phải đi thuê phòng ở ngoài?"

Nghe ra thì có lý nhưng Phụng vẫn ngại.

"Tao thấy không tiện. Có tao ở thì cuộc sống của mày với Lựu phải khác đi. Tao không muốn."

Giao quắc mắt.

"Tao đã mở lời mời mày thì chẳng có gì không tiện cả."

Giao nói át đi như vậy nhưng Phụng lại nghĩ khác. Thân thì thân thật đấy, mày tao từ thời còn đánh bi đánh đáo cho tới bây giờ vẫn cứ mày tao, nhưng mỗi người một phận, chung đụng nhau tất phiền. Đôi co mãi, Giao xuống nước.

"Tao cần mày. Chắc mày hiểu."

Mặt Giao chùng xuống. Xanh xao hơn. Hốc hác hơn. Từ khi vướng vào căn bệnh quái ác, Giao như một người khác. Hết sôi nổi, hết hăng hái, hết sức sống. Anh thu người vào trong căn nhà, chẳng buồn tiếp xúc với ai. Thành phố trăm đường trước kia anh tung tăng đủ cả trăm, ngày nay anh chỉ uể oải hầu như chỉ trên một con đường duy nhất: từ nhà tới bệnh viện và từ bệnh viện về tới nhà. Khi thì một buổi, khi thì một ngày, khi phải nằm lại vài ba ngày, lòng anh mặn chát mỗi lần phải tới nơi không thương được. Đời anh chỉ còn hai điều an ủi: có Lựu dịu dàng bên cạnh và có Phụng để anh quên đi cuộc sống ngặt nghèo. Chỉ với Phụng, anh mới tìm lại được phần nào đời sống cũ. Cười cợt, đấu láo, mắng mỏ, tâm sự với nhau.

Nhìn Giao ngồi lặng câm, mắt rũ xuống, người lỏng lẻo trong bộ đồ ngủ, bàn tay khẳng khiu mân mê quanh thành ghế, Phụng đành chịu thua.

"Thôi được. Tao chiều mày."

Mặt Giao sáng lên.

"Có thế chứ! Tao biết mày chẳng bao giờ bỏ tao."

Lựu sắp đặt căn phòng dành cho Phụng thật tươm tất. Giường tủ, bàn ghế đâu vào đó chờ Phụng dọn tới. Gia tài của Phụng nhét không đầy băng ghế sau và góc thùng xe. Quần áo, sách báo, đĩa nhạc, máy hát, ti vi và giàn máy điện toán. Giao nhìn Phụng khuân đồ vào nhà với đôi mắt của người bắt được của. Anh hớn hở ra mặt, nụ cười nhẹ nhàng trên môi như chẳng muốn bay đi.

Thuốc của Giao, bày lủ khủ một bàn, thứ uống ngày, thứ uống tối, thuốc trước bữa ăn, sau bữa ăn, lại còn thứ giữa bữa ăn. Thuốc như một đống khổ hình. Lựu là người ngăn nắp, nàng sắp xếp, lựa sẵn thuốc cho Giao, nhưng anh vẫn õng ẹo như một đứa trẻ, phải ngọt ngào dỗ dành mới chịu uống cho. Từ ngày bữa ăn có Phụng, khác đi. Hai người trò chuyện liên miên. Phụng chỉ việc đổ thuốc ra trước mặt là Giao bốc bỏ vào miệng liền. Cơm ăn cũng vậy. Giao khều khều từng hạt cơm trông phát nản. Lựu có thân mật đút cho ăn thì Giao cũng vẫn uể oải.

"Nhai cơm như nhai rơm. Mẹ kiếp, trâu bò thật!"

Lựu vỗ về.

"Anh thích ăn món gì, cho em biết, em nấu cho anh ăn ngon miệng."

"Cái miệng anh nó không ngon chứ không phải cơm em nấu không ngon. Em có nấu tới gì đi nữa thì cũng vậy thôi. Để mai mốt, em nấu cơm cúng anh, lúc đó anh hết bệnh chắc sẽ thấy ngon miệng hơn."

Mắt Lựu tối sầm xuống. Nước mắt ở đâu mà dính trên má. Nàng đã nhất quyết giữ niềm vui cho chồng, nén mọi khổ đau trong lòng, nhưng sao câu nói của Giao vẫn đành đoạn lòng nàng. Nhìn thấy nước mắt của vợ, Giao thở dài.

"Anh xin lỗi em!"

Giao chẳng nói thêm được gì nữa. Nước mắt đã chặn môi miệng anh.

Những bữa cơm có Phụng thì khác. Anh oang oang chuyện gẫu, tán dóc, khích bác Giao. Miệng lanh lẹ như tay, Phụng vừa nói vừa tiếp cho Giao ăn. Giao vừa tỏ ra uể oải, Phụng đã mắng át.

"Ăn đi mày. Vợ mày vất vả đoán ý mày để nấu cho mày những món ăn vừa miệng thì mày phải ăn đi chứ. Chất ga lăng mày vất đi đâu hết rồi?"

Giao cười mếu máo.

"Ga lăng cái con khỉ ấy! Người còn nát huống chi cái ga lăng. Mày đếch biết gì cả, chỉ nói tầm bậy!"

Phụng xuống giọng dỗ dành.

"Ừ thì thôi. Vứt mẹ nó cái ga lăng đi. Cơm cũng là thuốc đấy. Ăn đi cho khỏe để còn gây sự với tao chứ. Tính tao ưa nặng, không có đứa nào chọc cho sôi máu thì buồn. Mẹ kiếp, đớp đi mày!"

Giao đành cố nuốt miếng cơm một cách khó nhọc. Cũng chỉ được vài miếng rồi lại ai oán.

"Ăn cũng đi đứt, chẳng ăn cũng đi đứt. Chó má thật!"

Phụng làm bộ gân cổ.

"Thì thằng chó nào chẳng phải đi đứt. Mày tưởng tao lột da sống đời được à?"

Giao chậm rãi.

"Nhưng mày chưa trông thấy lằn mức. Tao thấy rồi."

"Trông thấy hay không thì lằn mức vẫn có đó. Mẹ kiếp, đời người mà! Có sinh có diệt. Khi mày chui ra khỏi bụng mẹ mày thì ông trời đã vẽ sẵn cho mày một vòng tròn rồi. Tụi văn vẻ chúng nó gọi là cái vòng tử sinh, cục súc như tao thì gọi là cái vòng chó má. Mày lớn lên một chút thì cái vòng kim cô đó thu nhỏ lại một chút. Lớn tới cỡ tao với mày thì nó đã chật lắm rồi. Bệnh tật của mày có làm nó chật thêm một chút thì mặc mẹ nó, lý tới nó làm gì. Nghĩ tới cái sống chứ đừng nghĩ tới cái chết. Vui được lúc nào hay lúc đó. Mày có Lựu, có tao. Thây kệ cái vòng chó má đó. Cho nó quê luôn!"

Giao lại cười gượng.

"Mày ăn nói nghe cũng được đấy chứ. Chỉ phải cái tội dùng hơi nhiều đường thôi. Mà, kệ cha nó. Ngọt một chút cũng đâu có sao!"

Phụng bón cho Giao từng niềm vui nho nhỏ như thế. Tưởng là phất phơ cho Giao quên đi cái phũ phàng của bệnh tật, nhưng một lần, lựa lúc chỉ có hai người, Lựu đã nước mắt đầy vơi cám ơn Phụng.

"Từ ngày có anh ở đây, cuộc sống như thay đổi hẳn. Trước kia, em với Giao thui thủi như hai oan hồn nương dựa vào nhau. Em cố vui vẻ cười nói tới vô duyên mà Giao vẫn buồn bã nặng nhọc. Căn nhà không có sinh khí như một nấm mồ chôn chặt một thân xác và một tâm hồn. Thân xác của Giao và tâm hồn của em. Em chẳng biết cám ơn anh đến thế nào mới đủ."

Phụng gạt đi.

"Lựu có còn coi tôi là bạn không vậy? Làm được gì cho Giao, tôi không bao giờ nề hà. Tôi vẫn coi đó như là bổn phận của mình, huống chi chỉ làm một thứ lão ngoan đồng hạng bét!"

Thương Giao, đã đành, Phụng cũng thấy thương Lựu. Nhìn nàng cúc cung hầu hạ, chiều chuộng Giao, Phụng vừa khâm phục vừa thương hại. Cuộc sống nhiều khi bày ra những thử thách nặng nề tưởng con người chẳng cách gì gánh được. Vậy mà, dáng liễu như Lựu cũng trần thân xăng xái chống đỡ. Bệnh của Giao là bệnh khốc liệt, chẳng một chút hy vọng qua khỏi, mà còn lặng lẽ ngốn dần da thịt anh mỗi ngày, mỗi giờ. Thuốc thang như làm phép, chống đỡ được ngày nào hay ngày đó. Giao biết vậy mà Lựu cũng biết vậy. Giao chịu đựng sự dày vò thân xác thì Lựu cũng quay quắt chịu đựng sự dày vò tâm hồn. Giao cam chịu đã đành mà Lựu cũng đành phải cam chịu. Trời đã nhẫn tâm gửi đến họ phong ba bão táp thì họ chỉ còn biết co vào nhau mà chống đỡ. Có điều là Giao nằm dẹp lép trong cơn lốc còn Lựu vừa cố đứng vững trong cuồng phong vừa cố lôi kéo Giao đứng dậy. Phụng thấy nể sức chịu đựng của Lựu. Chết héo trong lòng mà vẫn phải tươi tỉnh dựng Giao lên.

Giao cũng có nỗi dày vò riêng. Anh có cảm tưởng như mình đã ăn cắp cuộc sống của Lựu. Trước kia, Lựu ưa chưng diện, ưa đi ra ngoài, ưa những tụ họp đông người, ưa chồng đưa đi ăn, đi chơi. Giao bao dung chiều chuộng cái duyên dáng đàn bà của Lựu. Đàn bà phải tươi tỉnh nhẩn nha gặm nhấm cuộc sống như vậy. Giao thích cái nữ tính mềm mại nơi vợ. Anh có cái thú căng ngực mang chất đàn ông ra sống với Lựu. Cho tới khi cơn bệnh ập đến làm anh xấc bấc xang bang. Những con vi khuẩn dấu mặt đã quay anh như quay dế. Giao chán mình, chán tất cả cỏ cây hoa lá trên đời. Chẳng gì có thể làm anh tha thiết. Anh lập một hàng rào tự nhốt mình cô độc bên trong. Cho tới khi anh quen với cơn bệnh. Nó ở trong anh như một thân thiết. Lại thêm có Phụng mang đến cuộc sống không nhuốm bệnh. Anh như người triền miên trong cơn ngủ dài bỗng giật mình thức giấc. Giao chợt nhận ra lại cái bóng bên mình là Lựu.

Lựu như khô héo đi với căn bệnh của Giao. Nàng vứt bỏ cuộc sống của mình để đau cùng chồng. Nhiều khi Giao ngồi thẫn thờ nghĩ tới cái sức sống vui tươi của Lựu đang bị nỗi bất hạnh của anh đè bẹp dí. Anh muốn chảy nước mắt. Còn nhúc nhích được chút nào, anh cố mang lại vui tươi cho Lựu chút đó. Lựu không biết lái xe, anh cố gắng đưa Lựu đi chợ, ghé chỗ này một chút, chỗ kia một chút cho Lựu mua sắm. Sức anh chỉ được đến vậy. Nhiều khi anh mệt lả nhưng vẫn cố đeo mặt nạ với vợ. Nhưng Lựu có con mắt và linh tính của một người vợ. Nàng luôn luôn muốn hy sinh cái thú riêng của mình để vợ chồng có thời giờ ngồi hóng gió bên hồ hoặc đi dạo chút chút dưới những hàng cây xanh lá. Nhưng đành hanh là tính của con tạo, mỗi ngày Giao như mỗi đuối thêm. Lái xe giữa phố phường đông đúc, xe cộ đan nhau, bụi khói ngột ngạt là một cực hình đối với anh. Có Phụng, anh như nối được thêm cánh tay.

"Phụng này, mày làm ơn thay tao đưa Lựu đi chợ, đi công việc được không? Tao ngại chơi với con ngựa sắt già nua quá rồi."

Nghe bạn nói, Phụng thấy ngại. Sóng đôi với Lựu ra đường, gặp người này, gặp người kia, anh sợ có sự hiểu lầm. Nhưng anh cũng thấy cái lý của Giao. Giao cần nghỉ ngơi. Khi Giao đã thấy sợ lái xe thì trong người anh hẳn đã lại hụt thêm sinh khí. Phụng ngần ngừ.

"Lái xe đưa Lựu đi thì không thành vấn đề. Nhưng có khó nghĩ cho Lựu không? Rồi còn thiên hạ nữa chứ. Toàn những cái miệng rỗi rảnh không mới phiền chứ!"

Giao háy Phụng.

"Mày cũng kiểu cách dữ hè! Mẹ kiếp! Làm như con quan không bằng. Lựu thì chẳng có gì phiền. Để tao nói với bà ấy là xong. Còn miệng thiên hạ ấy à? Mày lý chi tới những cái lỗ đó. Chuyện mình mình cứ làm, ai mà bịt được những cái toang hoác ấy. Hay là mày lại viện cớ để nuông chiều cái thói làm biếng của mày?"

Phụng đỏ mặt.

"Vừa thôi chứ mày. Công nhận là cái gì có thể làm biếng được thì tao ít khi bỏ qua dịp may. Nhưng khi cần thì cam đoan với mày, tao nhất định không thua anh lực điền nào hết. Mày cần tao lái xe à? Xong ngay!"

Giao mỉm cười. Cái thằng phổi bò này muốn được việc thì phải nặng tay với nó một chút. Chơi với nhau lâu ngày, anh biết tính bạn. Cho Phụng vào xiếc là nghề của anh, từ lâu. Xong được Phụng, anh tính với Lựu. Buổi tối, hai vợ chồng nằm trên giường, anh thấy người bải hoải, than nhức chân nhức tay. Lựu vội vàng xoa nắn cho anh. Anh được dịp nhỏ nhẹ với vợ.

"Chân tay anh hồi này coi bộ yếu. Nghĩ tới lái xe anh ớn quá. Ngay cả chỉ ngồi trên xe, anh cũng đã thấy mệt đứt hơi. Anh tính em cần đi đâu thì nhờ anh Phụng đưa em đi được không?"

Lựu dừng tay ngơ ngác nhìn chồng. Anh xuống thêm một nấc thang nữa rồi sao? Nàng nuốt tiếng thở dài trong bụng. Lựu chẳng ngạc nhiên, bà bác sĩ đã nói rõ với nàng đường đi nước bước căn bệnh của Giao, nhưng sao tim nàng vẫn như bị một bàn tay vô hình bóp đến nghẹt thở.

"Anh tính sao cũng được. Sức khỏe của anh là trên hết, lúc nào em cũng nghĩ như vậy. Nhưng đi riêng với anh Phụng, em thấy ngài ngại thế nào ấy. Có kỳ không anh?"

Giao uể oải.

"Ở đó mà kỳ với không kỳ! Chuyện mình nghĩ là phải thì mình cứ làm chứ, còn thiên hạ thì kệ xác họ. Khi cần, có ai đưa cái móng tay ra giúp mình không?"

Giao nói gì thì nói, Lựu vẫn chưa quen được cái ý tưởng sóng đôi với Phụng ở ngoài đường, nhưng nàng quả lo ngại cho chút sinh lực còm cõi của Giao. Chẳng vì cái cấn cái không đâu mà nàng có thể đành lòng véo đi một chút sức tàn quí giá của chồng.

"Anh đã nói vậy thì em xin vâng lời anh. Em luôn luôn chỉ nghĩ tới sức khỏe của anh. Em yêu anh!"

Lựu ôm ghì chồng, hôn tới tấp lên má, lên môi, lên mắt, lên trán Giao. Nước mắt nàng rịn quanh mi. Trận mưa hôn làm Giao tê tái. Anh xiết vòng tay, gục mặt vào vai Lựu, ngàn cân buồn phiền như được gửi vào đôi vai mảnh mai tội nghiệp của nàng.

Giữa chốn đông người, Phụng luôn luôn ké né giữ khoảng cách cần thiết khi đi với Lựu. Lựu cũng cố tránh những cử chỉ, lời nói dễ gây hiểu lầm. Vậy mà cũng không xong. Cái cộng đồng người Việt nhỏ bé trong thành phố không thiếu gì những đôi mắt soi bói, những cái miệng rỗi rãi, những cái đầu lươn trạch luôn muốn rúc vào đời sống của người khác. Cô bạn thân của Lựu kéo nàng vào một góc vắng trong chợ.

"Anh Giao khỏe không?"

Lựu thẫn thờ.

"Khỏe gì nổi. Càng ngày càng tệ đi thì có. Mày tính coi, bệnh đó thì mày đã biết, tính theo tháng, rồi tuần, rồi ngày, rồi giờ. Thuốc và tẩm bổ chỉ để kéo dài được chừng nào hay chừng đó. Tới một lúc nào đó..."

Lựu nghẹn ngào nói không thành tiếng. Cô bạn thở dài.

"Tội vợ chồng mày quá! Khi không vướng vào ngõ cụt. Anh Giao không đi với mày được nữa à?"

"Anh ấy đã bắt đầu thấy sợ cái ồn ào ở ngoài đường rồi, người như muốn buông xuôi. Đành theo mệnh trời chứ biết làm sao!"

Mắt cô bạn hực lên.

"Tao biết nỗi khổ tâm của vợ chồng mày. Vậy mà mấy đứa ăn không ngồi rồi, chuyên dí mũi vào quần người ta nói ra nói vào phát ghét!"

Lựu cười nhạt.

"Chuyện tao đi với anh Phụng phải không?"

"Chứ còn gì nữa! Mà thây kệ những cái miệng thúi hoắc đó mày ơi. Chịu khó nghe mày! Cho tao gửi lời thăm anh Giao nghe. Mai mốt tao lại thăm."

Chia tay cô bạn, lòng Lựu bầm dập. Nàng như thấy trăm ánh mắt nóng rực đang thiêu đốt vai nàng. Lựu co người lại, cúi mặt ra quầy tính tiền. Khi theo Phụng lễ mễ trên tay những túi xách ra xe, Lựu đi như người không hồn.

Buổi tối, khi đã ở trong phòng riêng với Giao, Lựu phân vân chẳng biết có nên nói cho chồng nghe chuyện ngoài đường không? Mặt Lựu đờ đẫn. Những ngổn ngang trong lòng nhảy cả lên mắt Lựu. Giao đọc trên đôi mắt ngần ngại của vợ sự bất an.

"Hình như em không được khỏe phải không?"

Câu thăm dò của Giao làm Lựu giật mình.

"Sao anh hỏi em vậy?"

Nàng cố vui nét mặt. Giao ngả đầu lên thành ghế.

"Anh đọc được trong mắt em."

"Như vậy thì anh đọc sai trang rồi. Thấy mắt em tươi chưa?"

Giao bẹo má vợ.

"Anh không đọc sai trang đâu. Em vừa giở sang trang đấy chứ. Em chưa xong trang trước sao đã vội giở sang trang sau? Em có điều chi muốn kể cho anh nghe không?"

Lựu dựa đầu vào vai chồng. Nàng muốn bung lòng mình ra cho vơi bớt tủi hờn. Đầu nàng trĩu xuống. Giao nghe nằng nặng trên vai. Ruột anh quặn đứt. Đôi vai chắc nịch ngày xưa Lựu vẫn tìm về dựa mỗi khi bối rối nay vênh lên khúc xương cấn cái. Dù sao, đó vẫn là đôi vai của Giao. Lựu nghe lòng mình được vỗ về êm ả. Giao với tay xoa đầu Lựu. Nàng như muốn khóc.

"Thiên hạ lắm miệng quá anh ạ. Em buồn!"

Giao kéo đầu vợ dựa vào ngực mình, bàn tay dò dẫm trên mi mắt Lựu.

"Chuyện em đi với Phụng phải không?"

Đầu Lựu ngúc ngắc trên ngực chồng.

"Kệ họ! Anh biết là được rồi."

Giọng Lựu run rảy.

"Anh, em cần anh!"

Giao hôn lên tóc vợ.

"Anh biết. Anh thèm được làm chỗ dựa cho em, suốt đời. Nhưng anh biết chẳng bao giờ được như vậy. Anh thương em!"

Lựu bật khóc nấc lên. Nỗi tủi hờn ào ra xối xả. Giao lặng thinh xiết chặt Lựu. Mắt anh mờ đi. Mặc cảm bất lực căng anh ra. Trí óc anh đờ đẫn. Anh cảm thấy mắt anh đang ứa ra nỗi đau đớn tê dại.

"Mai sau, khi anh không còn nữa, em sẽ dựa vào đâu mà sống? Anh có lỗi với em. Anh thương em côi cút."

Lựu mở to mắt thét lên.

"Anh đừng nói nữa! Em van anh!"

Mặt Giao vô hồn. Bức tường trắng trước mặt bày ra một khoảng trống rợn người.

"Lựu, chúng ta phải nhìn vào sự thực phũ phàng đang ngấu nghiến chúng ta."

Lựu rấm rứt cố đè chặt những thổn thức trong lòng. Giọng Giao băng giá.

"Phụng là bạn anh. Anh ấy cũng như anh. Anh hiểu từng ngóc ngách trong con người anh ấy. Anh tin Phụng. Anh thương em. Anh nghĩ Phụng có thể bảo bọc em. Kệ thiên hạ em ạ!"

Lựu ngẩng mặt lên, khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Giọng nàng sắt lại.

"Anh muốn nói gì vậy?"

Mặt Giao vẫn không có hồn. Lựu như thấy một bức tượng chảy nước mắt. Nàng bấu mạnh vào ngực Giao. Pho tượng sống vẫn câm nín. Như đã ngàn năm.

Gió thốc tháo rung từng cánh cửa. Mưa bùng bùng gõ vào những vuông kính giận dữ. Trời gầm thét dữ dội. Phụng vừa đi kiểm soát cửa vừa bảo Giao.

"Xứ sở gì đâu mà cái gì cũng quá đáng. Mình leo tuốt lên đỉnh trái đất để ngụ cư kể cũng có cái bất tiện. Mưa gió thì như anh vũ phu nổi giận, sấm chớp thì như đập nát mặt. Khi trời yên gió lặng thì treo sát đầu một ông trăng khổng lồ mặt đỏ rần như anh say rượu có thể té xuống đè bẹp mình bất cứ lúc nào."

Giao cười.

"Vậy mà có người loay hoay mãi mới đặt được cái chân run rảy vào cái chỗ dễ sợ đó."

Phụng nói lảng.

"Bởi vậy!"

Lựu từ phòng bếp chạy qua.

"Anh Phụng đóng dùm hết cửa chưa? Trời đất gì mà dữ dằn. Sợ muốn chết."

Giao nhìn vợ.

"Em khỏi lo. Anh Phụng có bùa ếm sấm chớp ở bên ngoài hết rồi. Cứ để cho mưa gõ cửa. Làm gì nhau tốt!"

Lựu te tái trở vào bếp. Giao lắc đầu.

"Tội nghiệp! Đàn bà là một sinh vật cần dựa dẫm. Phụng này, tao rùng mình khi nghĩ tới lúc Lựu mất chỗ dựa."
Phụng xua đi nỗi lo của Giao.

"Đừng có nghĩ vẩn vơ. Mày làm ơn giữ vững tinh thần, thuốc thang chăm chỉ, ăn uống bình thường dùm tao. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp."

Giao lắc đầu.

"Tao không nghĩ như mày. Tao nghĩ tới những người thân, mai sau. Tao biết trong người tao chứ. Mày đâu có nói với tao những điều mày thực sự có ở trong đầu, phải không?"

"Tao không phải là người dối trá."

"Đúng, mày không dối trá, mày chỉ thương tao thôi. Tao lại thương Lựu và tin ở mày. Phụng, tao hỏi thật mày nghe, khi tao không còn, liệu Lựu có thể dựa vào mày được không?"

Phụng bàng hoàng. Câu hỏi của Giao cũng xoáy vào tai anh như tiếng sấm ầm ì cuồng nộ ngoài kia. Anh nhìn Giao bối rối.

"Chuyện mai sau còn xa vời vợi, lúc đó sẽ hay. Mày nghĩ xa làm gì cho tổn thọ."

Giao vẫn dính cứng vào ý nghĩ của anh.

"Tao chỉ muốn mày trả lời thẳng. Có thể hay không?"

Phụng chiều bạn.

"Còn tùy, nhưng có thể."

Giao cúi mặt nói nhỏ.

"Cám ơn mày!"

Giao trở lại bệnh viện. Bác sĩ giữ anh nằm lại. Người Giao mỏi nhừ. Cái đau như một đứa trẻ nghịch tinh, cắn chỗ này rồi nhảy qua cắn chỗ khác. Khắp người. Anh chống trả với những cơn đau bằng tất cả sức tàn của anh. Bác sĩ mời Lựu vào phòng riêng. Nhìn bộ mặt nghiêm trọng của bà bác sĩ thường ngày chẳng bao giờ vắng nụ cười, Lựu run lên. Nàng kéo Phụng.

"Em sợ quá! Anh vào với em được không?"

"Lựu phải bình tĩnh. Chắc chưa đến nỗi nào đâu."

Phụng trấn an Lựu mà như tự trấn an mình. Anh cũng hoang mang chẳng kém Lựu. Phụng đỡ Lựu vào gặp bác sĩ. Bà bác sĩ lúc nào cũng bị công việc quấn lấy chân nên không có thời giờ vòng vo. Giọng bà nhỏ nhẹ buồn rầu.

"Chắc bà đã biết, bệnh ung thư cho tới bây giờ vẫn chưa trị dứt được. Thuốc thang chỉ để kéo dài thêm được tới đâu hay tới đó. Bệnh ông nhà đã ở vào thời kỳ cuối. Sau những cơn đau ông sẽ hôn mê cho tới khi tắt thở. Tôi đã cố kéo dài cuộc sống của ông được hơn ba năm, đó là một điều an ủi. Cho bà cũng như cho tôi. Cầu mong bà có đủ can đảm để vượt qua lúc khó khăn này cũng như ông nhà đã can đảm đương đầu với căn bệnh ngặt nghèo trong suốt mấy năm qua."

Bà bác sĩ không tiết lộ cho Lựu và Phụng biết là Giao có gửi bà hai bức thư dán kín. Một cho Lựu và một cho Phụng. Giao đã dặn kỹ bà là chỉ trao hai bức thư này khi anh không còn nữa. Nét mặt nhàu nát và lời nói nghẹn ngào của Giao đã nói cho bà biết đó là những bức thư quan trọng. Anh đã lắp bắp dặn bà như một người đang cố bước ra khỏi những vòng dây rối mà chân cẳng còn như muốn dính vào đất đai cuộc đời.