Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

GIEO CẦU

Hạnh có một nhan sắc kín đáo. Không bắt mắt, không hiển hiện, không lôi kéo. Vợ chồng tôi bước chân vào cửa tiệm không vì có Hạnh đứng cười chào mời ngay trước mắt. Thư vì một thân áo tơ tằm màu hồng tía có những hoa văn đẹp và dịu nằm ngang khúc vải được treo lơi lả trong tủ kính. Tôi vì một thân áo khác, trắng tươi có những dòng thư họa đen sẫm đổ dài từ trên xuống. Nét chữ đẹp, vững nhưng hai câu thơ mới kéo được bước chân tôi hối hả bước ngang bậc cửa đá được chùi bóng loáng. Ta cúi xuống mênh mông là biển động / Nhặt vỏ sò xem trăng mọc trên tay. Chữ nghĩa sao mà quyền thế! Đầu tôi như bị gõ mạnh bàng hoàng ngơ ngẩn. Tôi xăm xăm đi vào. Hạnh theo vào trong, đứng bên chiếc tủ kính thấp, mỉm cười chào khách. Nụ cười chẳng thể cản nỗi háo hức của tôi. Mắt tôi nhìn thẳng vào Hạnh, không e dè.

"Hai câu thơ này của ai vậy cô?"

Tay tôi chỉ lên vạt vải trong tủ kính.

"Cháu nghe nói là của một vị Thượng Tọa ghé chơi cửa hàng viết để lại."

"Cô có biết tên vị Thượng Tọa đó không?"

Tôi hy vọng nghe được một cái tên quen thuộc.

"Dạ không! Cháu chỉ nghe nói lại. Cũng đã có nhiều người hỏi tác giả hai câu thơ đó rồi, chú ạ!"

"Ừ! Chữ nghĩa có thần dễ làm rung động lòng người. Cô có thấy rung động khi đọc hai câu thơ đó không?"

Hạnh cười. Bây giờ tôi mới để ý đến nụ cười của Hạnh. Nó làm chun lại những nếp gấp trên sống mũi thanh thanh.

"Cháu khó rung lắm!"

Tôi phá ra cười. Bộ mặt đăm chiêu của tôi nát vụn ra. Thư giật giật cánh tay tôi nhưng miệng cũng không ngăn được nụ cười. Hạnh vẫn giữ nét cười trên khuôn mặt bầu bầu đằm thắm. Tôi chẳng hiểu Hạnh có muốn pha trò không nhưng nhìn vào đôi mắt, tôi thấy rõ vẻ nghịch ngợm. Thân hình Hạnh hơi phốp pháp. Vững vàng như vậy kể cũng hơi khó rung!

Thư muốn coi khúc vải tơ tằm. Hạnh từ tốn lấy cái sào trong góc tường móc tấm vải xuống, trải ra trên tủ kính. Xấp hàng thật đẹp. Thư đưa mắt hỏi tôi. Tôi gật đầu. Hạnh khá tinh ranh theo dõi câu chuyện ngầm của vợ chồng tôi, bắt ngay thời cơ.

"Để cháu ướm thử lên người cô nghe. Mời cô ra trước chiếc gương đứng kia."

Hạnh khéo léo vòng khúc vải trên tay, nhanh nhẹn theo tới trước gương. Chiếc áo trên người Thư đậm đà hẳn lên. Da Thư vốn trắng.

"Chú coi có đẹp không?"

Tôi nhanh nhẹn gật đầu không do dự. Hạnh nhoẻn miệng chào mời.

"Cô để cháu may lên áo cho cô nghe. Hàng vải này mà cô mặc thì đẹp cực kỳ. Xinh phải biết!"

Mặt mũi Thư nở ra. Chắc là ưng quá sức.

"Tôi chỉ còn ở đây có ba ngày nữa. Cô may có kịp không?"

"Dư sức qua cầu cô ơi! Cháu đo ni tấc bây giờ, mai cô thử, mốt lấy."

Thư băn khoăn lo ngại.

"May gấp như vậy có đẹp không đây?"

"Cháu cam đoan là đẹp hết xẩy - mặt Hạnh nghếch lên - Cô thấy áo cháu đang mặc đây không?"

Hạnh xoay người. Chiếc áo dài tím nhạt ôm gọn ghẽ thân hình đầy đặn.

"Chiếc áo này cháu may nhấp nháy trong có một buổi đấy cô!"

Tôi nhìn mái tóc đen nháy lơi lả buông xuống quá vai, cười dễ dãi.

"Thôi, may cho cô ấy đi em. Mất công cô ấy quảng cáo quá!"

Thư nói theo.

"Cô bán hàng khéo quá, tôi làm sao mà dứt ra được!"

Hạnh kéo cuốn sổ ghi số đo ra, choàng chiếc thước dây ngang cổ, còn cố chiêu hàng thêm.

"Đây là cửa hàng mỹ thuật chứ không phải tiệm may thường. Cam đoan cô sẽ vừa ý. Bây giờ cháu đo cho cô nghe. Mời cô vào trong phòng. Còn chú, mời chú lên lầu, trên đó có các cô thợ đang thêu tranh bằng tay. Cam đoan chú sẽ thích. Thích thơ thì chắc hẳn phải thích tranh!"

Những chiếc đầu đang chúi xuống khung tranh căng cứng, mải miết thêu. Nghe tiếng chân, các cô chỉ liếc mắt lên, nhếch miệng cười chào, rồi lại cúi xuống chăm chú vào đường kim. Đàn ngựa xoải vó chỗ đã đầy ắp màu nâu, chỗ còn trắng nét phác thảo. Tôi lặng lẽ cúi nhìn những đôi tay thoăn thoắt, không dám làm kinh động những mũi kim đang nhịp nhàng chọc xuống kéo lên. Bức tranh rộng bằng một mặt bàn lớn đang được lấp đầy bằng những mũi kim li ti kiên nhẫn. Chỉ đứng nhìn không mà tôi đã thấy sốt ruột. Chừng nào mới xong được một bức tranh? Tính tôi vốn ngại sự tỉ mỉ nên không chịu nổi khi nhìn những thiếu nữ thanh xuân chôn mình vào sự nhẫn nhục đến lạnh người. Tôi rảo quanh nhìn ngắm những bức tranh treo trên tường. Bức nào cũng ôm cái bảng giá bằng tiền đô Mỹ có ba bốn con số. Kể cũng xứng đáng với công lao của những người đang lặng lẽ cúi mặt trên bàn. Công lao thì tôi thấy trước mắt nhưng nghệ thuật thì tôi quả không thấy. Đó là một bức tranh thủ công đẹp. Và chỉ có thế.

Bởi vậy nên khi Hạnh mời mua tranh, tôi ấp úng lần lữa. Ra tới ngoài đường, Thư hỏi.

"Sao anh không mua cho cô ấy một bức?"

Tôi hỏi lại.

"Em thấy tranh có đẹp không?"

Tới lượt Thư ấp úng.

"Kể ra tranh thêu thì chỗ này là nhất. Nhưng chúng chỉ là tranh thêu. Có lẽ treo ở nhà mình không hợp."

Tôi nhìn xéo qua Thư.

"Rao nam rao bắc mãi rồi cũng tới kết luận là tranh không treo được."

Thư chun mũi hỏi lại tôi.

"Còn người mời mua tranh thì sao?"

Tôi ngay miệng.

"Coi bộ khá hơn à!"

Thư lên giọng.

"Em biết mà. Típ người như vậy anh luôn luôn có cảm tình. Em đi guốc trong bụng anh rồi!"

"Mấy chục năm sống với nhau rồi, em biết anh hết, từ trong ra ngoài."

Thư nhéo vào cạnh sườn tôi làm tôi nhảy xa ra tránh.

"Lại sắp nói bậy!"

"Nói bậy với vợ mà cũng cấm!"

"Không cấm nhưng không phải lúc."

Tôi ôm ngang hông vợ, xiết chặt. Thư đẩy tôi ra.

"Anh đang ở Đà Lạt đấy anh ạ. Coi chừng người ta nhìn đến rách mắt ra bây giờ. Kỳ lắm!"

Những ngày tháng cuối năm, Đà Lạt thường mát lạnh. Cái lạnh đủ làm sặc sỡ những chiếc áo len duyên dáng trên đường phố. Hơn ba chục năm tôi mới trở lại Đà Lạt, phong phanh một chiếc áo tay ngắn mỏng manh mà vẫn cảm thấy nóng. Thời tiết đã thay đổi hay tôi đã đổi thay? Hai giờ sáng, chợt thức giấc, nghe thấy những tiếng động dưới đường, ra đứng bên cửa sổ nhìn xuống phố chợ, lòng thấy bâng khuâng lạ thường. Khách sạn nhìn thẳng ra những bực cấp dẫn xuống nhà lồng chợ Hòa Bình. Bạn hàng đã lục tục ra sửa soạn bày hàng, người đi lên đi xuống tầng cấp lặng lẽ như những chiếc bóng. Tất cả nhuộm một màu ủ rũ thui thủi dưới bóng đêm vẫn chưa vội đi. Những ngọn đèn vàng cạch lờ mờ hắt thứ ánh sáng buồn nản lên những chiếc nón lá, những vòng khăn quấn đầu đang loay hoay với gánh gồng trên vỉa hè. Những tấm bạt, những chiếc ghế vứt lỏng chỏng dành chỗ trước nằm lạnh căm. Một vài người Thượng đang uể oải bày ra những khóm lan, những chiếc gùi tre, những mảnh vải dệt màu sắc núi rừng, líu ríu chỉ chỏ trò chuyện với nhau. Khí lạnh ban đêm thấm qua cửa kính xua tôi trở lại giường.

Năm giờ sáng, tiếng loa mắc trên mái nhà hát Hòa Bình hoang phế oang oang đánh thức tôi dậy với buổi phát thanh sáng của Đài Phát Thanh Thành Phố. Giọng đọc tin tức rành rọt vô cảm vào lúc trời chưa sáng nghe thấy anh ách trong đầu. Tôi trùm mền cố dỗ giấc ngủ lại sau khi chiếc loa đã im tiếng. Giấc ngủ rời rạc khó khăn làm tôi mơ mơ tỉnh tỉnh. Tôi ậm ừ khi Thư thức giấc hỏi tôi câu gì đó. Chỉ khi Thư đi thử áo xong, trở về, lay tôi dậy, tôi mới tạm tỉnh táo. Ổ bánh mì thịt Thư dứ dứ trước mặt kéo tôi tung mền đứng dậy vào phòng rửa mặt.

Cà phê, bánh mì thịt và khuôn mặt tươi rói của Thư làm tôi thấy buổi sáng thật đẹp.

"Cô bé Hạnh có hỏi thăm chú đấy!"

Thư tinh nghịch nheo mắt chọc tôi.

"Chắc lại mời mua tranh phải không?"

"Không! Cô ấy ngạc nhiên khi em bảo anh chưa ngủ dậy."

"Sao em lại thật thà như vậy? Mất điểm của anh hết rồi!"

"Nếu nói anh dậy rồi mà không đưa em đi thì điểm còn xuống thảm hại hơn nữa."

Tôi chống chế.

"Tại vì em đi sớm quá đấy chứ."

"Chín giờ còn sớm gì nữa. Ở bên này, sáu giờ đường phố đã tấp nập người đi rồi. Ai mà đại lãn như anh. Này, tối nay em rủ Hạnh đi ăn với mình đấy."

"Áo có đẹp không mà đã lo hối lộ vậy?"

"Đẹp thì dĩ nhiên là đẹp rồi, cần gì hối lộ. Ăn thua là tại người mặc đấy chứ! - Thư vênh mặt lên - Có điều con nhỏ hiền lành dễ thương quá, thấy tội tội thế nào ấy!"

Lòng thương người của Thư được diễn tả bằng hai chữ "tội tội" nhưng tôi hiểu đó là vẻ thật thà của Hạnh, cái dễ gây cảm tình với người khác. Buổi chiều, khi chúng tôi tới đón Hạnh, cô bé hỏi ngay.

"Chú cô đi xe gì tới vậy?"

Mắt Hạnh sáng lên với tràng cười bong bong thích thú. Khách sạn nơi chúng tôi trú ngụ với cửa hàng may nằm sát cạnh nhau.

"Chú cô nghe thấy tiếng cười phát ra ở đâu là lần mò tới đó."

Thư giỡn lại. Hạnh bưng miệng.

"Chắc cháu vô duyên lắm phải không cô?"

Thư đập vai Hạnh.

"Ừ, vô duyên lắm! Thử làm hướng dẫn viên đưa cô chú đi kiếm cái gì ăn cho có duyên coi! Mình đi đâu bây giờ? Chú cô chẳng biết nơi nào cả. Có mấy cái nhà hàng cũ ngày xưa chú cô hay tới ăn thì nay đã dẹp mất tiêu hết rồi. Bây giờ cháu dẫn đi đâu thì chú cô theo đó."

Hạnh kêu lớn.

"Chết cháu rồi! Cả đời cháu có đi ăn tiệm bao giờ đâu! Quê quá chú cô nhỉ? Để cháu hỏi cố vấn của cháu mới được."

Hạnh chạy lên lầu. Tiếng bước chân nặng nề vừa dứt, tôi nghe văng vẳng tiếng cười giỡn của cả bày con gái vọng xuống. Một lúc sau, bóng Hạnh đổ xuống cầu thang. Mặt Hạnh đỏ nhừ.

"Mấy chị ấy chọc cháu. Quỷ! Mình đi, chú cô. Cũng gần đây thôi, chắc đi bộ cũng được. Chú cô ngồi xe quen, có đi bộ được không? Hay là để cháu thuê người cõng!"

Hạnh le lưỡi, rùng mình.

"Tính cháu ưa giỡn, chú cô đừng để bụng nghe."

Tôi giả bộ lên giọng đe dọa.

"Không để bụng nhưng ghim vào trong lòng, chờ khi nào cần tính sổ thì tính!"

Nhà hàng có đám cưới, chỉ còn lại một khoảng nhỏ tiếp khách. May mà họ cũng xếp được chỗ trong một góc kẹt cho chúng tôi. Tiếng nói chuyện, tiếng hát trên loa phóng thanh ồn ào. Tôi hơi khó chịu nhưng Thư và Hạnh có vẻ thích thú. Hai cặp mắt nhìn quanh quất rồi chúi đầu vào nhau to to nhỏ nhỏ. Thỉnh thoảng lại ôm bụng cười rinh rích. Cô dâu chú rể đang đi từng bàn chào mời. Họ tới nơi bàn đàn ông, mọi người giơ ly la de lên, đồng hô vang một lượt. Dzô! Tiếng hô rập ràng dứt khoát như trong hàng quân. Sau tiếng hô, mọi người vừa liếc nhìn nhau vừa mải miết uống cạn ly của mình. Bàn đàn bà cũng giơ những ly nước ngọt lên, chụm vào nhau, hô đều. Vào! Tiếng hô thanh thanh nhưng cũng không kém khí thế.

Tôi hỏi Hạnh.

"Tại sao đàn ông thì "dzô" mà đàn bà thì "vào" vậy?"

Hạnh ngơ ngác.

"Cháu cũng chẳng hiểu tại sao. Nhưng bao giờ người ta cũng hô như vậy."

Thư xí xóa.

"Anh chúa rắc rối. Dzô hay vào thì cũng vậy thôi. Thắc mắc làm chi cho mệt vậy!"

Ai chẳng biết dzô hay vào thì cũng vậy, nhưng tôi vẫn quay mòng trong đầu tại sao lại có sự đàn ông đàn bà chia nhau dùng hai từ khác nhau nhưng cùng một nghĩa như vậy. Cái máu ngữ học từ hồi còn cắp sách tới trường làm mặt mũi tôi bí rị. Hạnh nhìn tôi cười.

"Coi bộ chú chưa hết thắc mắc. Đàn ông đàn bà bao giờ cũng là những chuyện rắc rối. Bỏ đi chú! Chú thời thử món mực chiên dòn này coi. Đặc sản của nhà hàng đấy!"

Tôi gật gù nhai miếng mực ngọt lịm đậm đà. Mắt Hạnh chăm chú nhìn sang phía tôi ngồi. Tôi tưởng cô chờ nơi tôi câu suýt soa khen ngợi, nhưng không phải. Câu hỏi của Hạnh làm tôi biết mình lầm.

"Bên chú ở, tuyết đẹp lắm phải không chú?"

Sau lưng tôi là một cây Giáng Sinh đèn xanh đèn đỏ nhốn nháo chớp tắt. Những vẩy bông gòn rải rác trên cây giả làm tuyết có lẽ đã gợi thắc mắc cho Hạnh.

"Thì cũng như tuyết cháu thấy đây chứ có gì đâu!"

Hạnh xì miệng.

"Đồ giả mà chú nói giống đồ thật! Hỏi chú chán chết. Cháu hỏi cô vậy."

Hạnh quay sang Thư ngước mắt chờ đợi. Thư nhẹ giọng.

"Nhìn tuyết thì thấy đẹp nhưng sống với tuyết cực lắm. Hồi còn ở bên đây, cô cũng như cháu, nhìn những tấm hình chụp hay xem phim ảnh, thấy tuyết là mê mẩn, thả bao nhiêu là mộng đẹp, hồn bay tận đâu đâu."

Hạnh vội xen vào.

"Đúng đấy cô! Cháu thấy tuyết là như thấy sự thanh thản, nhẹ nhàng, lòng lâng lâng thích thú. Đẹp gì mà đẹp lạ đẹp lùng, cháu chỉ ước ao trong đời có được một lần tận mắt nhìn thấy tuyết."

Mặt Hạnh mơ màng như đang nhìn thấy những cánh tuyết bay lả tả trước mặt. Tôi tự nhiên muốn chọc giận cô bé nhiều tưởng tượng này.

"Muốn thấy tuyết thì bữa nào chú gửi về cho một chai!"

Hạnh hứ.

"Chú này! Làm quê cháu! Tuyết mà gửi về bằng chai!"

Thấy khuôn mặt hứ có cái hay hay, tôi chọc tiếp.

"Không chịu thì thôi. Bữa nào chú cô đi, chịu khó nằm trong va ly chú xách theo vậy."

Hạnh hứ tiếp, ưỡn người lên.

"Chú coi xem. Cháu cỡ này chú xách có nổi không? Phải không cô?"

Hạnh kéo Thư về phe. Thư chẳng bỏ lỡ dịp kê tôi.

"Ừ, chỉ sợ chú nhào, cô đỡ không nổi. Như bữa nào chú bị tuyết cho đo ván đó."

Thư cười châm biếm. Tôi đỏ mặt. Mỗi mùa đông trong cuộc đời lưu lạc của tôi hình như được đánh dấu bằng những cái té nhào. Năm vừa rồi là nặng nhất. Cú ngã quật tôi nằm ngửa choáng váng mặt mày, Thư đỡ dậy không nổi, phải nhờ tới một ông tây hộ pháp đi ngang mới nhấc cái thân xác tả tơi của tôi lên được. Hạnh to mắt hỏi.

"Tuyết đè được chú xuống đường hả cô?"

Tôi chống chế.

"Còn lâu tuyết mới đè được chú!"

"Thế tại sao chú té?"

Thư phì cười.

"Chú trượt chân té chứ sao! Cái mạng chú, tuyết nào mà đè cho nổi!"

Mắt Thư nhìn tôi giễu cợt. Hạnh ngớ mặt hỏi.

"Vậy thì có tuyết là té lạch bạch cả thành phố hay sao cô?"

Thư lắc đầu.

"Đâu có! Người ta trải sạn và muối cho đường khỏi trơn chứ. Chỉ có những người vô ý như chú mới ra nông nỗi vậy!"

Hạnh ngẩn người hỏi tiếp.

"Cô bảo trải muối lên tuyết ấy à? Sao mà họ uổng phí vậy? Muối cũng mắc chứ bộ! Tốn bao nhiêu tiền cho đủ?"

Tôi ngửi ngay được dịp may.

"Dân miền núi có khác, quí muối dữ!"

Hạnh đỏ mặt cãi.

"Cháu đâu có phải dân sanh đẻ ở Đà Lạt này đâu!"

Thư tò mò xen vào.

"Thế quê quán cháu ở đâu?"

"Ở Ban Mê Thuột cô ạ."

Thư và tôi phá ra cười. Hạnh thấy hố, cũng bẽn lẽn cười theo. Thư tội nghiệp cho Hạnh, kéo câu chuyện ra hướng khác.

"Tiền muối mà ăn thua chi! Tiền xúc tuyết đi đổ mới dễ sợ. Mỗi mùa tuyết tốn cả chục triệu đô như không!"

Hạnh rùng mình.

"Trông đẹp đẽ vậy mà tốn bộn hả cô? Lại có cái vụ xúc tuyết đi đổ, ngộ thiệt!"

"Cháu thử tính coi, tuyết ngập đầy đường phố, phủ kín mít tất cả xe cộ, không xúc thì làm sao mà sinh hoạt được."

"Rồi muốn đi xe thì sao?"

Tôi sốt ruột với những thắc mắc tưởng như không bao giờ dứt của Hạnh.

"Thì đào tuyết, lôi xe ra chứ sao!"

"Lấy gì mà đào?"

"Lấy xẻng chứ lấy gì nữa. Mùa đông, xe nào cũng phải thủ cái xẻng cho chắc ăn."

Hạnh bơ bơ.

"Vậy thì ở bên đó đi xe cũng giống như ở bên này đi làm rẫy ấy chú nhỉ?"
Thư lăn ra cười. Tai tôi rần rần máu chạy. Nhìn khuôn mặt chân chất của Hạnh, tôi chẳng biết cô bé có định trêu chọc gì tôi không. Thẫn thờ nhìn tôi và Thư, Hạnh tha thiết.

"Mặc! Cháu vẫn cứ mơ ước được thấy tuyết!"

Giấc mơ một đời của Hạnh theo Thư về tới khách sạn. Buổi tối, khi hai vợ chồng nằm dỗ giấc ngủ, Thư chia sẻ với tôi nỗi canh cánh trong lòng.

"Anh này, sao em thấy con bé Hạnh tội tội thế nào ấy. Mình giúp gì được nó không anh?"

Giấc ngủ đã mon men tới bỗng bốc đi, tôi nói cho qua.

"Em định giúp gì thì giúp, tùy theo cái hầu bao của em đó."

Thư đập vào lưng tôi.

"Anh sao giống cục đá quá! Muốn lăn tới đâu thì lăn. Đâu có phải em muốn nói chuyện tiền bạc với anh đâu. Giúp là giúp con bé đạt được giấc mơ thấy tuyết của nó ấy chứ!"

Tôi bỗng tỉnh ngủ. Thư đã đi xa hơn tôi tưởng. Ừ, sao không thể nghĩ cách đưa Hạnh đi? Chẳng phải chỉ vì tuyết! Đầu óc tôi mới đang dò dẫm tới đó thì Thư đã lại bước xa tới đâu không biết. Nàng càu nhàu một mình.

"Tức thật! Điểm qua lũ con cháu mình, mấy đứa con cháu bạn bè thân sơ, té ra chẳng còn đứa nào đang ở không cả."

Tôi nhổm người dậy.

"Em tính chuyện gì vậy?"

"Thì coi xem có đứa nào làm mai được cho con nhỏ này không. Anh thấy cô bé Hạnh này có được không?"

Tôi nhìn Thư cười thầm.

"Được quá đi chứ! Mà em định làm bà mai thật đấy à?"

"Mai gì được mà mai. Tính sơ một vòng, thằng thì đã vợ con, thằng thì bồ bịch cả đống. Tức muốn chết được!"

Tôi không ngờ Thư lại kết cô bé này đến như vậy. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi thấy Thư cũng có lý. Chỉ quen biết mới có một ngày rưỡi mà cô bé hiền thục và duyên dáng này đã cho tôi có cảm tưởng như đã thân thiết từ lâu. Tôi ỡm ờ.

"Gì chứ chuyện kiếm được một người muốn ra tay dắt cô bé Hạnh này đi thì dễ ợt."

Thư tròn mắt.

"Anh làm như ngon lắm!"

Tôi nằm im không nói. Mất thiêng đi. Nhưng trong đầu tôi đã có cách.

Các bạn trẻ đang coi truyện này, nếu đọc tới đây mà thấy lòng rung động với cô cháu hờ của tôi, xin liên lạc gấp với tôi. Ưu tiên cho những bạn đang định cư tại những vùng có tuyết!