Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

DÕI MẮT VỜI TRÔNG

Jeff dẫn tôi bước xuống những bậc thang tới bức tường đen tuyền bằng đá bóng loáng. Ánh nắng từ phía bên kia bức tường hắt từng vạt lên những tàng lá phía sau chúng tôi. Khách bộ hành tấp nập đi lại làm nhộn nhạo một nơi đáng ra phải trang nghiêm yên ắng. Jeff tìm từng hàng chữ màu kim nhũ đứng xếp hàng thẳng băng giăng kín khắp bức tường dài. Anh quay sang hỏi tôi.

"Ông đoán thử coi có bao nhiêu tên trên bức tường vĩnh biệt này?"

Tôi quét mắt nhìn dọc bức tường dài từng đoạn thấp cao, nói đại.

"Chắc phải cả chục ngàn."

Jeff giương đôi mắt lớn như muốn lách ra khỏi trũng mắt.

"Khoảng sáu chục ngàn đấy ông ạ. Chắc ông không quen đếm xác người!"

Mặt tôi thoáng đỏ. Câu nói như một lời chế giễu. Mỗi cái tên là một xác người đã gục xuống nơi quê hương tôi. Thoáng trong đầu tôi hình bóng những người lính Mỹ lang thang trên đường Tự Do, mặt mày đỏ ké, nét rạng rỡ như muốn níu lấy những phút vui hiếm hoi của đời lính chiến xa nhà. Tôi như thấy rõ ràng những chiếc xe nhà binh kềnh càng, trên xe là những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi và bụi đường, miệng toác ra la hét ầm ĩ cùng những cánh tay đập mạnh vào thành xe tạo ra những tiếng động ầm ầm cáu kỉnh. Họ đều là những người lính trẻ, nhiều người rất trẻ với những khuôn mặt lạc lõng chưa nhả hết thơ ngây. Có bao nhiêu khuôn mặt tôi nhìn thấy đã trở thành những dòng tên vàng trên bức tường này?

Jeff lần theo từng tên tìm kiếm. Thỉnh thoảng anh ngừng lại, miết ngón tay lên một dòng chữ, mặt đờ đẫn vô hồn. Tôi im lặng chuyển bước bên cạnh. Khuôn mặt Jeff sắc cạnh với những chân râu quai nón được cạo xát làm đen thêm lớp da vốn đã đen nhánh. Mỗi lần anh dừng lại nơi một dòng tên, cằm anh bạnh ra, đôi mắt nhiều tròng trắng như nổi lên thêm những sợi gân máu đỏ thẫm. Tôi cảm thấy nét buồn trên cặp mắt rũ rượi đó. Anh quay sang tôi, chớp mắt vài cái, ấm giọng.

" Nhìn những dòng tên này ông có phân biệt được tên nào trắng tên nào đen không?"

Tôi nhìn ngón tay thô tháp đen nháy của Jeff đang ấn trên một dòng chữ vàng nhũ.

"Tôi thấy ông đang cố miết màu đen trên những cái tên ông chọn."

Jeff quay mặt vào bức tường, tôi nhìn thấy phía sau cái đầu nhẵn bóng hình dáng một trái trứng nâu đen.

"Họ là bạn tôi đó. Có những người đã chết cho tôi được sống."

Tiếng Jeff như vọng từ trong bức tường ra. Trong tôi như rền vang tiếng bom đạn gào thét xung quanh. Người tôi nổi gai ốc. Bom đạn là thứ vô tri chúi đầu vào người nào người nấy chịu. Tôi ngửi thấy đâu đây mùi khét lẹt của chiến trường. Bất giác tôi đưa tay sờ lên bả vai trái. Tôi không thấy vết sẹo. Nó đã dấu mình dưới chiếc áo khoác lịch lãm.

"Số phận cả ông ạ! Ngôn ngữ chúng tôi có một câu nhẫn nhục chịu đựng rất dễ chịu: "Trời kêu ai người nấy dạ." Mình có đẩy được bom đạn sang cho người bạn nằm bên cạnh đâu. Nó muốn tìm tới ai thì tìm, mình bất lực. Lỗi chẳng tại ông."

Jeff kéo tôi đi lên.

"Nhưng mình vẫn cảm thấy khó chịu. Như được lãnh phần thưởng một cách không xứng đáng. Nhiều lúc tôi cảm thấy ngượng ngùng như là mình đã trí trá với bạn bè. Ngày trở về tôi không có được niềm vui trọn vẹn. Nhìn một vài khuôn mặt hớn hở như người được bạc của những người chung chuyến tàu trở về, tôi đã muốn nổi nóng đập nát những cái vỏ bỉ ổi đó. Họ đâu có lý gì tới những người trở về một cách lặng lẽ hoặc những người đã nằm xuống nhưng chưa bao giờ có được một chuyến trở về."

Tôi lẳng lặng đi sau Jeff. Lá cờ Mỹ lạch phạch theo gió đã giữ bước chân tôi dừng lại trước tượng đài kỷ niệm chiến tranh Việt Nam. Ba người lính chiến lẳng lặng bước đi bên nhau. Áo trận, áo chống đạn, ba lô trên vai, dây đạn trên người, súng vất vưởng nằm ngang trên tay như những khúc củi vô dụng. Đây là một đài kỷ niệm buồn, tôi chợt nghĩ. Không có những khuôn mặt hăm hở dựng cờ chiến thắng, không có những cánh tay mừng rỡ giơ súng lên trời cao, không có những chiếc miệng vui sướng la hét, không có những cặp mắt ánh lên niềm vui. Tôi nhìn kỹ vào ba khuôn mặt bằng đồng đen. Tôi chỉ thấy vẻ thẫn thờ uể oải. Jeff quay lui lại, bước đến bên tôi.

"Ông thấy sao?"

Tôi vẫn không rời mắt khỏi tượng đài.

"Một tác phẩm điêu khắc đẹp. Tôi thấy chất người trong những người lính này."

Jeff cười khẩy.

"Ông có con mắt của người thưởng ngoạn nghệ thuật. Còn con mắt của con người Việt Nam, ông để quên đâu rồi?"

Jeff vẫn lẳng lặng bước bên tôi. Câu nói làm tôi nhột nhạt nhưng vẻ mặt Jeff không thay đổi. Hình như Jeff đã có quá nhiều cay đắng, anh chẳng còn chút nào để mỉa mai tôi. Hoặc giả anh còn biết giữ chút lịch sự với người mới quen?

Tôi chỉ mới biết Jeff buổi trưa hôm nay, trong cantin nơi sở làm của Jeff, một công ty lớn tại Hoa Thịnh Đốn. Nghề của tôi là nghề đi đó đi đây, cứ chỗ nào có chuyện là tôi phải có mặt. Tôi vẫn đùa với mấy đồng sự người Việt đã từng mặc áo lính như tôi là tôi vẫn tiếp tục nghề cũ. Nghề Nhảy Dù. Nơi nào có chuyện lớn là mò tới. Ngày xưa thì là những trận đánh long trời lở đất nơi những địa danh đã đi vào sử sách, ngày nay là khi những ông chuyên viên của các công ty khách hàng tại chỗ bó tay, điện thoại viễn liên chỉ dẫn cũng không xong, thì công ty của tôi, một công ty chuyên bán dịch vụ điện toán, lại phái tôi tới gỡ rối cho cái dàn máy điện toán đang giở trò đình công. Người hướng dẫn và cộng tác sát bên tôi tại đây là Hillary, một cô đầm Mỹ đặc Mỹ. Cao lớn, lịch sự, chải chuốt, miệng lúc nào cũng cài hờ hai chữ "xin lỗi" và "cám ơn".

Hillary kéo chiếc khay lấy đồ ăn đi trước, tôi theo sau. Trên khay của tôi mới vỏn vẹn một đĩa rau. Cô quay lại hỏi.

"Ông lấy món ăn chính đi chứ! Nếu ông còn phân vân thì để tôi hướng dẫn nghe?"

Tính tôi vốn cả nể nhưng chỉ nguyên ngửi mùi đồ ăn trong cái cantin này tôi đã ứ lên tận cổ. Tôi thực sự không muốn bê thêm món gì vào khay hết, bèn giở ngón nghề xí xóa.

"Tôi thử muốn làm loài thỏ coi xem sao! Cô có thấy mấy con thỏ chỉ gậm rau không mà trông cũng thú vị quá sức đi chứ!"

Hillary nhoẻn cười, cái cười có tính toán nên chỉ hé đôi môi vừa đủ để lộ một vạch trắng như sợi dây nằm ngang.

"Ông đã trót làm người rồi thì ráng mà làm người. Đâu có phải dễ mà làm thỏ được. Ông thích thịt hay cá?"

Thịt hay cá, tôi chẳng thích thứ nào. Nhưng ngặt nỗi Hillary đã giao hẹn trước là hôm nay cô mời tôi nên tôi chẳng thể nào phụ lòng cô được.

"Giữa thịt và cá thì chắc tôi chọn cá."

" OK. Nếu cá thì tôi chọn cho ông thứ này - Hillary nhanh nhẹn với một đĩa cá bỏ vào khay của tôi - Ông thử xem khiếu thưởng thức món ăn của tôi có hợp ý ông không. Nếu không thì tôi phải xin lỗi trước là đã phụ lòng ông thần khẩu của ông. Chắc ông quen có những quyết định ở chiến trường chứ không phải ở trong cantin."

Cô ném cho tôi một cái nhìn vừa tinh quái vừa dịu dàng. Câu nói chơi giữa hai chúng tôi lọt vào tai Jeff xếp hàng sau tôi.

"Xin lỗi tôi hơi tò mò. Ông có phải là người Việt Nam không vậy?"

Tôi nhìn Jeff và thấy được nét hiền lành trên khuôn mặt da đen của anh.

" Sao ông đoán hay quá vậy?"

"Cũng không có gì khó khăn lắm. Thấy ông có khuôn mặt Á Châu lại nghe cô đây nói tới chiến trường. Chiến trường ở Á Châu thì chỉ có Việt Nam. Hơn nữa tôi đã ở Việt Nam một thời gian khá dài nên có thể phân biệt được người Việt Nam với những người Á Châu khác."

Tôi lịch sự.

"Rất hân hạnh được biết một người đã có thời gian cùng hít thở với tôi một bầu không khí. Chắc không khí chiến trường ông nhỉ?"

Cái bắt tay chặt chẽ như không cần câu trả lời.

"Vâng. Mình đã từng làm chung một job với nhau. Tôi yêu mến quê hương ông lắm!"

Tôi cám ơn cho phải phép rồi bưng chiếc khay theo Hillary kiếm bàn ngồi. Bữa ăn qua đi nhanh chóng vì chúng tôi vừa ăn vừa mải miết bàn luận về công việc đang dở dang. Khi tiếng chuông báo chấm dứt giờ ăn trưa nổi lên, đĩa cá của tôi mới vơi được phân nửa. Tôi dợm đứng lên thì Jeff tiến lại phía tôi.

"Tôi phải xin lỗi trước về sự đường đột của tôi. Tôi đang e ngại không biết ông và cô đây có rảnh rỗi chiều nay để tôi có hân hạnh được mời đi dùng một bữa ăn thân mật hầu tôi có dịp chuyện trò làm quen không ạ?"

Hillary khéo léo từ chối vì có việc bận. Tôi thì hết giờ làm là giờ của lang thang. Thường tới một thành phố nào, tôi ưa mò mẫm đi bắt cái hồn của thành phố đó. Tôi thích cái job nhiều di chuyển của tôi cũng là vì cái tính thích đi đây đi đó, sống với từng ngóc ngách của cuộc sống khắp nơi. Sống quanh quẩn ở một chỗ, người ta chỉ có một đời sống. Sống cuộc sống du mục, người ta có nhiều đời sống. Lời lãi thấy rõ. Bởi thế nên tôi chẳng bao giờ bỏ phí thời giờ trong một chuyến đi. Đi loanh quanh với Jeff có lẽ cũng là một điều hay. Tôi mời vớt Hillary một lần nửa trước khi trả lời Jeff.

"Tôi chắc chẳng bận bịu gì. Có lẽ chính ông là người làm tôi bận bịu chiều nay đó!"

Jeff tươi nét mặt.

"Có thể vậy. Thực sự tôi có chuyện muốn nhờ ông chỉ bảo. Một chuyện tình cảm!"

Tôi cười xòa.

"Nghề của tôi là gỡ rối máy móc. Chắc ông lại sắp cho tôi thêm một job mới. Gỡ rối tơ lòng!"

Hillary cười lớn. Jeff đỏ mặt.

"Cứ coi là như vậy đi. Tan sở chúng ta đi liền nghe!"

Rời khu Đài Tưởng Niệm, Jeff dẫn tôi tới một nhà hàng sang trọng. Anh có vẻ sành rượu và khó khăn trong việc chọn rượu. Anh hầu bàn phải mời quản lý tới nói chuyện rượu với anh. Anh hỏi ý kiến tôi. Thật chán mớ đời! Rượu thì tôi uống được nhưng tôi thuộc loại ngưu ẩm. Uống vô thì biết ngon dở tới một mức nào đó thôi. Lên tới mức tinh tế thì chịu. Tôi thú thật.

"Tôi dở chuyện này lắm. Ông cứ tự nhiên chọn lựa đi. Đã từng uống rượu lính thì rượu nào đối với tôi lại không được!"

Jeff chọn xong rượu, nheo mắt với tôi.

"Bộ chỉ có mình ông biết rượu lính thôi, tôi thì không hay sao?"

"Lính Mỹ các ông là lính nhà giàu, khác với lính chúng tôi chứ!"

"Tôi muốn nói rượu lính Việt đấy chứ. Chắc ông không biết tôi đã từng được biệt phái qua các đơn vị Việt Nam nên cũng đã lăn lóc với rượu nón sắt của các ông chứ bộ!"

Tôi tròn mắt thích thú. Anh này coi bộ chơi được. Nhìn Jeff cổ cồn cà vạt, áo trong áo ngoài ăn mầu với nhau, tôi giỡn.

"Trông ông thế này, ai biết ông là lính trận!"

Jeff nhìn lại tôi.

"Trông cái mã bây giờ của ông, ai dám bảo là ông đã từng lội sình!"

Jeff giơ bàn tay thẳng đứng trước mặt tôi, tôi giơ tay đập lại, cười vang. Jeff nâng ly.

"Mừng gặp lại một chiến hữu thất lạc!"

Tôi nâng ly rượu về phía Jeff.

"Mừng gặp lại một người bạn đã từng đồng cam đồng khổ!"

Jeff nói về Việt Nam một cách say mê. Anh nhắc tới Đà Nẵng, Nha Trang, Saigon nhưng nơi anh tha thiết nhất lại là Mỹ Tho. Anh hít hà với xoài, măng cụt, ổi xá lị, dừa xiêm nhưng nghe giọng anh tôi ngờ rằng anh mến thành phố này vì cái gì khác hơn nữa. Tới lúc ăn tráng miệng, Jeff mới mon men vào câu chuyện mà anh định nhờ tôi. Anh có vẻ lúng túng rút từ túi áo ra một xấp giấy đặt trước mặt tôi. Tôi nhìn xấp giấy gấp thành nếp, lớn nhỏ so le nhau, phân vân chẳng biết ý định của Jeff. Anh ngồi lặng thinh, tôi giương mắt thay cho câu hỏi. Giọng Jeff như đổi khác, nhỏ nhẹ, ngập ngừng, rời rạc. Như thể vừa có điều gì thay đổi trong con người anh. Tôi chờ nơi anh một lời giải thích cho xấp giấy đang nằm im lìm trước mặt, nhưng câu nói của anh lại là một câu hỏi.

"Người Việt Nam các ông hình như không có thiện cảm với những đứa con lai phải không?"

Tôi không chờ đợi một câu hỏi như vậy. Tới lượt tôi lúng túng. Biết trả lời sao cho đủ tế nhị với một câu hỏi khó trả lời như vậy. Tôi ấp úng lựa lời.

"Tôi không chối cãi điều đó nhưng, theo tôi, thì chuyện chắc cũng không ở mức độ nghiêm trọng lắm đâu. Tình gia đình bên nước tôi rất bền bỉ nên những đứa trẻ đó, dù sao cũng là một thành phần của gia đình, vẫn được chấp nhận, được yêu thương, và chúng cũng dễ dàng hòa nhập được với nếp sống chung quanh."

Jeff dồn tới.

"Nhưng chắc chúng không được coi như ngang hàng với những đứa trẻ Việt khác?"

Tôi bình tĩnh giải thích.

"Ông nghĩ như vậy cũng không sai. Nhưng ông nên hiểu là nước tôi là một nước nhỏ, có những tập tục và quan niệm đạo đức riêng, nên không có được cái nhìn rộng rãi như ở bên đây. Dù sao, những đứa trẻ lai cũng là những chứng tích sống của một hành động không được dung dưỡng bởi xã hội. Sự đối đãi, vì vậy, cũng có phần thiệt thòi cho chúng."

Jeff cười nhạt. Ánh mắt anh như có điều không vừa ý.

"Thế còn giữa một đứa trẻ lai da trắng và một đứa trẻ lai da đen thì sao?"

Tôi ngồi lịm. Trong đầu tôi, hình ảnh những đứa trẻ lai đen trên hè phố hiện ra rõ ràng. Chúng quả là một thành phần hẩm hiu, sống lây lất dưới sự chèn ép của những đứa trẻ khác, lai trắng hoặc không lai. Trẻ em cũng như người lớn, thường dễ dàng hòa đồng với những đứa bé lai trắng hơn. Xã hội hình như mặc nhiên đặt những đứa trẻ lai đen vào một vị trí đáng khinh thị hơn. Ngẫm cho kỹ, sự phân biệt này quả là quá đáng nhưng tình cảm xã hội là một điều khó giải thích. Tôi thực sự chẳng thể tự dối mình nên ấp úng chưa biết trả lời ra sao. Jeff như bắt được cái lúng túng của tôi.

"Xin lỗi ông về câu hỏi khó chịu của tôi nhưng chắc ông cũng chẳng cần nhọc công tìm câu trả lời. Tôi đã có câu trả lời từ trước khi đặt câu hỏi rồi. Chính vì biết như vậy nên tôi mới cố công làm một việc mà tôi muốn nhờ ông giúp một tay. Khi rời Việt Nam, tôi có để lại một đứa con lai. Con gái. Tôi muốn nhấn mạnh đứa con rơi của tôi là một đứa con gái vì tôi biết thân phận của một đứa con gái lai đen bên Việt Nam long đong hơn một đứa con trai rất nhiều. Tôi mất liên lạc với mẹ nó khi miền Nam sụp đổ. Từ đó tôi vẫn rắp tâm tìm kiếm con tôi và Nụ - Jeff cười một cách khó khăn - Nụ là người sống chung với tôi ở Việt Nam. Tâm trí tôi luôn luôn bị dằn vặt vì đứa con này, đứa con mà tôi nghĩ nó chỉ được coi như một thứ cặn bã mạt hạng trong xã hội nó đang sống. Xin lỗi ông về ý nghĩ có vẻ quá khích và có thể là xúc phạm tới ông, nhưng tôi không dứt bỏ được sự day dứt đó. Tôi đã đăng báo tìm con, có kèm theo hình con tôi lúc còn nhỏ, và hứa hẹn sẽ trọng thưởng một số tiền lớn, và kết quả là tôi đã nhận được một số thư hồi âm. Tiếc thay toàn là thư viết bằng tiếng Việt. Nhờ người dịch ra không phải là khó nhưng nhờ được người đọc chúng mới là khó. Bởi vì tôi nghĩ chỉ có một người Việt Nam có lòng đọc những bức thư này mới phân biệt được đâu là thật đâu là giả, đâu là những người chỉ bịa đặt với hy vọng lãnh được tiền thưởng và đâu là những người thật sự biết tin tức con tôi. Gặp được ông tôi như cảm thấy gặp được người tôi đang cần gặp. Tôi hy vọng ông không nề hà bỏ ra cho tôi chút ít thời giờ giúp tôi hoàn tất được cuộc tìm kiếm vất vả và nhiều gian truân này."

Tôi lòng dạ nào mà không giúp Jeff. Ôm xấp thư về khách sạn, tôi đã chong đèn ngồi đọc kỹ lưỡng. Chẳng những đọc chậm rãi, suy tính từng chữ từng câu, mà tôi còn phải cố tìm cho được mùi thật thà trong mỗi lá thư. Tôi loại ngay những lá thư tin tức thì chẳng có bao nhiêu nhưng tán hươu tán vượn thì nhiều. Phần lớn những lá thư này được viết rất tươm tất sạch sẽ, lời văn hoa mỹ, nét chữ sắc sảo, rõ ra là một tác phẩm của một người chuyên viết mướn. Tôi cũng loại ra những bức thư quanh co, cố tỏ ra là biết chỗ ở của đứa trẻ mất tích nhưng mục đích là dụ người tìm con sang Việt Nam để trực tiếp đưa đi tìm hòng kiếm ít bổng lộc. Còn có những bức thư viết mơ hồ, cầu may, đưa ra một số chi tiết vẩn vơ, để có thể dính máu ăn phần nếu lỡ ra sự việc có kết quả. Cuối cùng, tôi lựa ra được một bức thư mà tôi cảm thấy là có vẻ đáng tin nhất. Bức thư được viết bằng hai tờ giấy nhàu nát, đen đúa. Thoạt đọc thì đã biết ngay người viết không được học nhiều. Câu cú lộn xộn, chữ dùng mộc mạc, chấm phết lung tung, ý tưởng được diễn tả một cách rối rắm rườm rà. Nhưng tôi thấy được sự chân thành toát ra trong suốt hai tờ giấy mà chắc người viết phải khổ công mới hoàn tất được. Người viết cho biết là bạn hàng xóm với con nhỏ từ khi hai đứa còn nhỏ xíu. Khi mẹ con Nụ dọn nhà đi thì còn liên lạc, nhưng lâu dần, qua mấy lần đổi chỗ ở liên tiếp của cả hai bên, thì chỉ còn nghe nói về nhau qua những người bạn chung năm thì mười họa mới gặp. Người viết cho biết là tới nay, có thể lần ra dấu vết để kiếm ra được, nhưng muốn vậy phải có phương tiện đi kiếm. Lời lẽ bức thư tỏ rõ không có ý lợi dụng, không xin xỏ, không hứa hẹn, nhưng vì tình bạn với con nhỏ nên sẵn lòng hợp tác trong việc tìm kiếm.

Tôi chấm bức thư này mà cảm thấy mình không lầm lẫn khi chỉ con đường cho Jeff noi theo. Jeff cũng đồng ý như vậy khi nghe tôi phân tích và trình bày cặn kẽ lối suy luận của tôi.


Điện thoại nhà tôi có thêm một tiếng chuông lạ. Jeff gọi cho tôi mỗi khi có diễn biến mới hoặc khi anh cần hỏi ý kiến tôi. Anh đã gửi một số tiền nhỏ làm phí tổn cho người bạn của con anh đi tìm kiếm. Những ngày chờ đợi tin tức là những ngày anh căng người hồi hộp. Mỗi ngày qua là một ngày anh cảm thấy khoảng cách giữa bàn tay anh và bàn tay của con gái anh được kéo gần lại hơn. Và anh như hào hứng sống lại thời gian ở Việt Nam. Những cú điện thoại của anh có thêm chuyện mới. Anh say sưa kể cho tôi nghe về người con gái tên Nụ, người đã mang lại cho anh những ngày sống ý nghĩa giữa cuộc chiến khốc liệt mà anh tham dự như người bị xô lưng đẩy tới.

Đầu óc anh vẫn vất vưởng ý nghĩ bị kỳ thị trong thời gian ở Việt Nam. Những cuộc điện đàm hình như đã cho anh đủ thân cận để hỏi tôi những câu hỏi khá tế nhị.

"Tôi thương yêu Nụ và nàng cũng thương yêu tôi nhưng tôi để ý thì thấy nàng luôn luôn tránh né việc đi cùng tôi ra giữa đám đông. Những người con gái sống với những bạn da trắng của tôi thì không vậy. Sự kỳ thị ở bên này tôi hiểu được, đó là một dấu vết đau buồn của lịch sử, từ những ngày tổ tiên tôi bị mang tới châu Mỹ như những tên nô lệ. Nhưng bên nước ông, tại sao cũng có sự kỳ thị, nhiều khi tôi thấy còn nặng nề hơn ở bên đây. Tại sao vậy, ông bạn?"

Tôi không muốn tránh né nhưng trả lời câu hỏi này quả là một điều tế nhị, quá tế nhị. Cho cả Jeff và tôi. Tôi cố mài giũa sao cho lời nói được tròn trịa, nhẵn nhụi hơn.

"Sự kỳ thị, như ông biết đấy, bao giờ và ở đâu cũng là điều đáng chê trách, nhưng khốn nạn thay, nó lại luôn luôn có mặt bất kể thời gian và không gian. Để hiểu nó, người ta phải gác lại tình cảm để chỉ dùng lý trí mà phân giải. Ông cảm thấy bị kỳ thị bên nước tôi thì tôi nhiều khi cũng cảm thấy bị kỳ thị trong cuộc sống ở nơi đây. Rồi chúng ta có đi tới chân trời góc biển nào cũng vậy. Còn những người khác mầu da, khác tiếng nói, khác văn hóa chung sống với nhau thì anh chàng kỳ thị vẫn còn có cơ hội chường mặt ra. Nếu phải trả lời cho câu hỏi của ông thì tôi cũng qui trách nhiệm cho lịch sử như ông vậy. Lịch sử cận đại của nước tôi là một quãng thời gian đau buồn của một nước nhược tiểu bị một cường quốc phương Tây chiếm đóng và cai trị. Người Pháp đã mang đến nước tôi một đạo quân hỗn tạp trong đó có những người da đen ở Phi Châu, nơi xuất phát của tổ tiên ông. Và, phải xin lỗi ông trước, ông đừng buồn khi nghe tôi nói là những người da đen này, với những vết rạch trên mặt, là những người hung hãn trong việc cướp bóc, hãm hiếp dân Việt Nam chúng tôi. Trong khi đó thì người da trắng là những người cai trị, quyền sinh sát trong tay, làm dân nước tôi tuy không ưa, thậm chí còn chống đối nữa, nhưng những người dân đen nước tôi trong thâm tâm vẫn phải nể sợ họ. Chính tình huống này đã đặt ngôi thứ cho mầu da trắng và mầu da đen trong suy nghĩ và tâm cảm của dân nước tôi. Xóa đi một vết đen của lịch sử kéo dài cả trăm năm chẳng phải là điều dễ. Khi các ông sang, vết đen đó vẫn còn tồn tại và sự kỳ thị mà ông cảm thấy là hậu quả tất yếu vậy thôi."

Tôi ngưng nói mà đầu dây bên kia vẫn lặng thinh. Tôi giữ ống nghe mà lòng không yên. Chẳng lẽ tôi đã cho Jeff uống một liều thuốc quá mạnh. Một chặp sau tôi mới nghe được cái giọng buồn bã của Jeff.

"Nhờ ông nói rõ nên tôi hiểu được phần nào nỗi thắc mắc mà tôi vẫn nặng mang trong lòng. Cám ơn ông nhiều. Dù sao, quê hương ông và Nụ của tôi vẫn là những kỷ niệm mà tôi vẫn còn chắt chiu trong một góc thân yêu nhất nơi tình cảm của tôi."

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã nói được điều khó nói và Jeff cũng đã hiểu phần nào được điều khó chấp nhận. Tôi mừng đã không mất Jeff, người mà tôi trọng vì tinh thần trách nhiệm của anh. Và do sự đưa đãy tình cờ, tôi đã góp được một phần nhỏ nhoi vào sự tìm kiếm này. Tôi mong ngóng tiếng chuông điện thoại của anh như một người trong cuộc. Tôi hồi hộp cùng anh, vui mừng cùng anh trước mỗi diễn tiến thuận lợi của việc tìm kiếm. Khi con số điện thoại của anh hiện lên trên máy giữ số cùng tiếng chuông lanh lảnh reo vang, tôi vội chụp ống nghe. Sau những câu thăm hỏi xã giao cố lướt qua cho nhanh, Jeff hớn hở.

"Tôi báo cho ông tin mừng, tôi kiếm được con tôi rồi. Tôi đã kiểm chứng kỹ lưỡng những bức hình gửi sang, những bức mới chụp cùng người tôi nhờ tìm kiếm, và những bức chụp rải rác trong những năm trước, khi một mình, khi với Nụ. Đúng là con tôi rồi ông ạ. Mừng quá nên tôi vội gọi liền để ông chia vui với tôi và cũng để cảm ơn tấm lòng quí hóa của ông. Không có ông, chắc gì tôi đã có được niềm vui lớn lao sớm sủa như thế này. Tôi sẽ xúc tiến mọi thủ tục và khi nào con tôi sang, tôi sẽ mời ông qua dự bữa tiệc đoàn tụ của cha con tôi. Tôi cũng sẽ mời một số bạn hữu đã từng sống với tôi ở Việt Nam họp mặt chia vui với tôi. Lúc đó, dù ông có bận việc thế nào, ông cũng phải ráng thu xếp sang chung vui với tôi nghe. Nếu ông không thu xếp được thì tôi sẽ nhờ bà Hillary phá hư chiếc máy để kéo ông qua! Và lần này thì bà Hillary cũng không có quyền được bận việc để từ chối không tới dự. Sao tim tôi nó nhảy dữ thế này không biết nữa!"

Tôi vui với cái vui của Jeff.

"Ông cứ để cho tim ông nó nhảy. Ông có nghe thấy tiếng tim tôi nhảy cùng với tim ông không?"

Jeff cười vang.

"Cám ơn trái tim của ông. Tiện đây, tôi cũng xin báo cho ông biết là tôi sẽ thu xếp để tháng sau qua Việt Nam gặp con tôi trước."

Tôi tinh nghịch cắt ngang lời Jeff.

"Và gặp Nụ nữa chứ!"

Tôi đợi một tiếng cười đồng tình ở bên kia đầu dây nhưng tai tôi chỉ nghe vọng lại một giọng thẫn thờ.

"Nụ mất rồi ông ạ!"