Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

RỜI NƠI GIẤU MẶT

Bây giờ mà trời cho tôi chết chắc tôi vui vẻ ra đi. Cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì nữa với tôi. Tôi vật vờ như người đang bám hờ vào một bờ vực, có thể tuột tay rơi xuống bất cứ lúc nào. Thở dài chẳng còn giúp tôi đổ đi những chán nản buồn rầu. Tôi muốn lắc mạnh người rũ đi những hơi thở nhọc nhằn của tôi. Tôi chẳng thiết gì cả dù tôi có tất cả, chồng tôi, mẹ tôi, mẹ của Thụy, lại còn anh em ruột thịt của tôi và của Thụy, à quên, còn bé Kim nữa chứ.

Bé Kim, con đầu lòng của tôi, thật dễ thương. Dĩ nhiên là trừ những lúc oằn người lên khóc một cách tức tưởi lằng nhằng. Sống đâu đã bao lăm mà đã tức tưởi? Cái miệng như một đồng xu ngoác ra, mắt nhắm tít, nước mắt tràn lan trên đôi má bầu bĩnh, vạt tóc thưa thớt ép rạt trên trán như muốn nhổm lên. Dỗ thế nào cũng không nín. Bồng lên đi nhong nhong rung đến mỏi tay cũng vậy. Vậy mà, bất thần, chẳng biết vì đâu, cái miệng đang ngoác ra vội khép lại, hậm hực thêm mấy tiếng, mắt nhắm tít ngủ ngon lành. Như chưa bao giờ khóc. Những giọt nước mắt ngơ ngác lạc lõng đến vô duyên.

Thương con thì thương nhưng chán vẫn chán. Nhất là từ khi Thụy đi làm lại sau một tuần nghỉ phép quấn quít bên đứa con ngộ nghĩnh. Ngày Thụy đi tôi thẫn thờ chẳng bắt lại được hồn mình. Tôi ngơ ngơ ngác ngác chẳng biết mình làm gì. Nhìn vào bé Kim tôi như thấy cả một gánh chán nản làm dập tim tôi. Phải tới cuối tuần Thụy mới về. Thời gian như một tên đểu giả. Nó vờn tôi như mèo vờn chuột. Tôi ngoi ngóp từng giờ, từng ngày. Như một xác thân đã mệt lả mà còn phải một mình nổi trôi trên mênh mông biển, bến bờ vẫn chẳng thấy đâu. Bộ điệu ngẩn ngơ của tôi chẳng vừa mắt mẹ tôi. Bà mắng.

"Mày làm gì mà như con mất hồn vậy? Mới có một đứa mà làm như chết đến nơi rồi. Chẳng bù cho tao. Mười một đứa. Vậy mà tao nuôi hết, có sao đâu?"

Tôi nhìn mẹ, bực mình. Mẹ tôi vẫn có lối mắng áp đảo tôi như vậy. Từ xưa tới giờ. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy mình kỳ cục thiệt. Tôi đâu có phải là một thứ cây leo đâu. Từ khi lấy Thụy, anh vẫn đi làm xa như vậy. Đoạn đường gần ba trăm cây số chỉ cho phép anh về bên tôi mỗi cuối tuần. Tôi quen với nếp sống đợi chờ năm ngày, vồ vập hai ngày. Có sao đâu? Sao bây giờ tự nhiên đổ đốn, hồn phách của tôi đi theo bước chân của Thụy. Tôi chán nản đến kiệt quệ.

Mẹ tôi lúc nào cũng ở bên cạnh. Mẹ Thụy hầu như tới chơi ngày một. Tôi đâu có bị bỏ một mình với cái hình hài bé nhỏ mới chui ra khỏi bụng tôi đâu? Vậy mà người tôi vẫn hốc hác. Thân xác tôi hờ hững. Ăn chẳng thấy ngon. Biếng nhác đến từng cử động. Tôi như chẳng còn là tôi nữa.

Thụy sốt ruột xin nghỉ về lại với tôi một thời gian. Tôi như lịm đi trong vòng tay của chồng. An bình trở lại với tôi. Cuộc sống như được sưởi lại bằng một ngọn lửa ấm áp bền bỉ. Có Thụy, tôi như có chỗ dựa, khoan khoái cái lưng dễ sợ. Lửa sống về lại trong người tôi, rực rỡ. Cái miệng đuểnh đoảng của tôi ăn đã biết ngon, hình hài tôi đã thêm thịt thêm máu. Nhưng chẳng được lâu, tôi lại tra vấn tôi. Sao mi tệ thế? Tự dưng bắt chồng kè kè bên cạnh, bỏ cả công ăn việc làm, bỏ cả tương lai sự nghiệp. Tôi thấy mình kỳ cục, chẳng ra làm sao cả. Người tôi nao núng. Tôi mắc cỡ với chính mình. Tới lúc không thể chịu đựng được nữa, tôi nói với Thụy.

"Em nghĩ anh nên đi làm lại đi, chứ cứ ở nhà hoài với em đâu được."

Thụy cười.

"Sao không được? Ở nhà với em vui hơn đi làm chứ!"

Chồng tôi vẫn có cái lối giỡn tưng tửng như vậy. Tôi nghĩ anh nói vậy chứ trong bụng cũng đã sốt ruột lắm.

"Ở nhà với em để đói cả hai đứa à? Quên, ba đứa chứ. Chút chút như thế này nhưng cũng phải kể là một đứa."

Tôi nựng nựng má con. Má bé Kim mềm và mát. Những tia máu in hằn trên làn da mỏng tưởng như có thể rách được bất cứ lúc nào. Bé đang ngủ. Hàng mi dài khép lại bình yên. Cái nựng của tôi kéo chiếc miệng cười ngu ngơ. Mụ dậy. Mẹ tôi bảo vậy. Thụy nhìn con như chiêm ngưỡng dung nhan một vị thánh.

"Anh chẳng đi nữa đâu. Nhớ con lắm."

Tôi nhìn chồng, cười bằng mắt.

"Nhớ con hay nhớ em?"

Miệng Thụy dẻo quẹo.

"Nhớ cả hai."

Tôi không bỏ qua.

"Nhớ ai hơn?"

Thụy ôm sau lưng tôi. Chiếc cằm rậm những chân râu làm nhột gáy tôi.
"Lêu lêu mắc cỡ! Mẹ mà tị nạnh với con!"

Tôi đỏ mặt. Hình như trong thâm tâm tôi có sự tị nạnh thật. Tôi trơ người ra một cách kỳ cục. Như đang trần truồng trước đôi mắt lạ.

Cái tính bướng bỉnh cố hữu của tôi đã làm tôi đẩy Thụy đi. Lại mỗi cuối tuần tôi mới được ôm chồng. Cuộc sống êm xuôi chẳng được bao lâu, lòng tôi lại sóng vỗ. Lần này trầm trọng hơn. Tôi như vắt cả hồn lẫn xác vào sự tuyệt vọng. Hình hài tôi như bị nhúng vào nước, ướt át và èo uột. Không xong rồi, ai cũng nghĩ như vậy. Thụy biết trước hơn ai hết. Anh đưa tôi đi bác sĩ. Nghe nghe vỗ vỗ sơ sài thì thấy chi. Tôi được gửi đi khám tổng quát. Người ta áp những chiếc máy kềnh càng lạ lẫm lục tung lục phủ ngũ tạng tôi. Những ống máu đỏ tươi được rút ra khỏi người tôi. Chẳng có ngóc ngách nào trong tôi được để yên. Vậy mà các bác sĩ cũng đành bó tay. Bệnh nằm đâu, họ mù tịt tất cả. Họ chỉ cho tôi đi một hướng khác. Hướng tâm bệnh.

Tôi hoảng sợ. Thụy cũng bối rối. Tính tôi lại cả lo. Trong đầu tôi rõ nét các nhà thương điên với những con người chẳng được sống phận người. Thụy có một anh bạn bác sĩ chuyên về bệnh tâm thần. Một vài lần chúng tôi đã tới thăm anh nơi anh làm việc. Những con người ngơ ngẩn lui tới trên hành lang bệnh viện, ngu ngơ với những nụ cười vô nghĩa, thu mình lại trong một thế giới riêng, nói chuyện với những cái bóng vô hình, làm tôi sợ phát khiếp. Tôi nép vào Thụy tìm sự chở che. Bước chân tôi quính quáng như muốn té. Thụy giỡn với Lâm, anh bạn bác sĩ.

"Ông sống suốt ngày với những ông bà chân không dính đất thế này chắc vui lắm nhỉ?"

Lâm không phải tay vừa.

"Vui chứ! Riết rồi moa thấy chỉ có những cư dân trong hàng rào bệnh viện này mới là những người bình thường. Còn dân ở ngoài như toa mới bất bình thường."

Tôi góp cái miệng hay nói vào.

"Còn anh, anh Lâm, anh ở ngoài hay ở trong?"

Lâm tỉnh bơ.

"Tôi chân trong chân ngoài!"

Thụy thuộc loại mồm mép, chẳng bỏ lỡ cơ hội.

"Thảo nào! Trông ông không giống ai!"

Tôi giật tay chồng trước cái cười gượng gạo của Lâm.

"Anh này, chỉ được cái nói bậy. Anh Lâm anh ấy giận chết!"

Lâm lớn giọng.

"Giận chứ! Giận phát điên lên ấy chứ lị!"

Thụy vẫn cái tính thích kê bạn bè, đía thêm.

"Điên sẵn rồi còn gì nữa!"

Thụy đã có lần bảo tôi bệnh điên là bệnh hay lây. Tôi ngay tình gân cổ lên lý luận. Bệnh điên đâu có vi trùng đâu mà lây cái nỗi gì, nói năng phản khoa học. Ý tôi đại loại như vậy nhưng lời nói của tôi thì dài lắm. Để tôi nói cho đã rồi Thụy mới cười cười nói. Thế sao mấy tên bạn bác sĩ tâm thần của anh, tên nào tên nấy ngơ ngáo như nhau hết vậy? Tôi vốn không phải là người chậm hiểu, biết Thụy đưa mình vào xiếc, đành cười trừ.

Bây giờ, tôi cười gì nổi nữa. Nỗi lo sợ phải mặc áo xanh, đi ngơ ngác trên hành lang bệnh viện, người thân chẳng nhận ra, người lạ thì tưởng quen toét miệng ra cười, làm tôi hoảng hốt.

Thụy cũng ủ ê mặt mày. Chuyện chẳng phải là chuyện đùa được nữa. Anh cũng đi tìm chỗ bám víu. Lâm có giá hẳn lên. Thụy triệu anh tới ăn cơm để hỏi chuyện. Thụy mang vẻ mặt quan trọng để chờ những chuyện quan trọng. Nhưng Lâm cứ lẳng lặng khen hết món ăn nọ đến món ăn kia. Chờ tới khi Thụy muốn nổi khùng, anh mới quay qua tôi dấm dẳn.

"Ai cho bà vào bệnh viện của tôi mà bà đòi vào?"

Tôi đang rầu thúi ruột chẳng muốn mở miệng, nhưng nỗi sợ làm tôi lên tiếng.

"Tôi đòi vào hồi nào đâu! Mới nghĩ tới đã thấy muốn điên lên rồi!"

Lâm ỡm ờ.

"Nếu điên thì phải vào thật."

Tôi khoát tay như người đang chết chìm dưới biển.

"Anh thấy tôi điên thật hay sao?"

"Điên đâu có nói chuyện như bà nói với tôi từ nãy tới giờ."

Lâm vốn là người ít lời. Gọng kính trắng dày cộm nặng nề như ép khuôn mặt anh lại. Có lẽ vì vậy nên anh mở miệng khó khăn hơn thì phải. Thụy chờ mãi chưa hạ được cơn sốt ruột nên phăng phăng hỏi thẳng.

"Ông coi giùm xem bà xã của tôi phải chữa chạy ra sao?"

Lâm lờ đờ không rời mắt khỏi bức tranh treo trên tường.

"Toa nói sao?"

Thụy nhẫn nại.

"Thì ông cho tôi ý kiến về bệnh tình bà xã của tôi đi."

Lâm cười. Cái cười không tròn tiếng.

"Có gì đâu mà ý kiến! Nói chuyện đâu ra đấy thì tâm thần cái nỗi gì! Để moa giới thiệu tới bà bạn moa, chuyên trị tâm lý. Bà này dễ thương lắm. Toa gặp sẽ thấy."

Bà Denise dễ thương thiệt. Bác sĩ mà nói chuyện với tôi thân mật và dịu dàng như chị em. Bà đẩy ly nước cam trên bàn tới gần tôi, mời uống, hỏi han tôi tỉ mỉ những chuyện đối với tôi như chẳng có gì là quan trọng. Bà kéo tôi về thời ấu thơ, tới những chuyện mà trí nhớ tôi còn nhớ được. Như cái té năm tôi lên bốn tuổi. Tôi nhớ cái té này vì vết sẹo còn hằn trên trán tôi. Món tóc rủ xuống trán của tôi chẳng phải là một kiểu làm đẹp mà dùng để che chiếc sẹo này. Tôi vén tóc cho bà coi chiếc sẹo. Bà ngắm nhìn như nhìn một vật lạ, lấy tay rờ nhẹ như rờ vào một thánh tích. Bà gợi tôi nhớ lại bằng những câu hỏi dồn dập.

"Chắc em khóc dữ lắm hả?"

"Lúc đó em sợ quá. Máu chảy loang xuống mặt, rỏ từng giọt xuống sàn gạch, em nhắm mắt khóc không biết trời trăng gì hết. Em nghĩ trong đầu là chắc đầu em bể hết rồi."

"Rồi ai chạy tới với em?"

"Ba em. Ông móc túi lấy điếu thuốc lá, xé ra, chậm lên vết thương cho cầm máu. Thấy em sợ quá, ba em ôm em dỗ dành."

"Mẹ em lúc đó ở đâu?"

"Bà ngồi đánh bài ở trong nhà. Bữa đó là ngày tết, đại gia đình tụ họp ăn tết. Em chơi với lũ trẻ ở hiên nhà thì bị té xuống sân. Hàng hiên cao hơn chiếc sân đến cả thước."

"Rồi tới lúc nào mẹ em mới ra với em?"

"Em thấy là lâu lắm. Lúc em đã hết khóc rồi thì phải. Em đang ngồi trong lòng ba thì mẹ em ra."

"Bà làm gì? Có ôm em không?"

"Không! Mẹ em chỉ đứng nhìn. Thấy vết thương đã cầm máu và mặt em đã được lau sạch, bà hỏi ba em là có nguy hiểm gì không. Ba em bảo chắc không sao."

"Thế rồi mẹ em vào đánh bài tiếp phải không?"

"Không. Bà la rầy em nghịch ngợm. Con gái mà lo chạy nhảy hơn là con trai."

"Lúc đó em nghĩ về mẹ em ra sao?"

"Em sợ mẹ!"

Từ cái té hồi bốn tuổi, bà Denise dẫn dắt tôi đi lại những bước chân thời thơ ấu. Bà nhắc tới mẹ tôi hoài. Cứ mỗi chuyện tôi kể, bà lại hỏi mẹ tôi ở đâu, làm gì, nói gì. Bất thần bà nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt như muốn chọc thủng khuôn mặt tôi.

"Em nhớ lúc em có kinh lần đầu không?"

Tôi làm sao quên được. Tôi đang ngồi trong lớp học thì thấy phía dưới khang khác. Tôi vội lên xin phép cô đi vệ sinh. Máu loang trên chiếc quần lót làm tôi thất thần. Tôi run lên, nghĩ là mình bị bệnh nặng. Tôi trở lại lớp mà hồn vía bay đi hết. Cô giáo giảng bài tôi đâu có nghe thấy gì. Nỗi lo sợ phồng to trong đầu tôi. Tôi nghĩ mình sẽ chết. Về nhà, máu ra nhiều hơn, tôi cuống quít không biết phải làm gì.

"Em nghĩ tới ai lúc đó?"

"Ba em."

"Rồi em nói với ba em?"

"Không! Em mắc cỡ."

"Sao em không nói với mẹ em?"

"Em sợ."

"Em sợ chi?"

"Sợ mẹ em la."

"Em có lỗi gì đâu mà la?"

"Nhưng mẹ em hay la em lắm."

Bà Denise nhìn chăm chăm vào mặt tôi.

"Rồi em không sợ khi thấy mình bệnh sao?"

"Sợ lắm chứ! Em sợ chết."

"Em sợ chết hơn hay sợ mẹ em la hơn?"

"Em không biết nhưng em sợ lắm."

"Rồi sao mà mẹ em biết?"

"Em thay quần lót, giặt vội rồi phơi trong phòng tắm. Mẹ em thấy khác lạ kêu em ra hỏi."

"Giọng mẹ em có dịu dàng với em không?"

"Không! Em không cảm thấy mẹ em dịu dàng với em bao giờ cả. Bà chỉ bảo em đó là chuyện thường, con gái lớn ai cũng như vậy cả. Bà đưa cho em băng vệ sinh và chỉ cách dùng."

"Em có cảm thấy an tâm và được an ủi không?"

"Em chỉ thấy mừng vì em không bị bệnh nặng và kì cục như em nghĩ."

Bà Denise ngồi trầm ngâm như suy nghĩ điều gì. Tay bà xỏ vào mái tóc bồng bềnh thưa thớt vuốt vuốt ra phía sau. Tôi lặng câm ngồi cúi mặt. Những gì tôi vừa nói với bà Denise nghĩ lại thấy mà mắc cỡ. Lúc trả lời bà, tôi đâu có làm chủ được mình. Người tôi trôi theo những câu hỏi dồn dập chắc nịch như những nhát búa bổ xuống. Bà có cái lối hỏi vừa áp đảo vừa thân mật. Tôi trả lời như một cái máy chẳng kịp suy nghĩ gì. Bà nắm lấy bàn tay tôi hỏi tiếp.

"Em còn nhớ lần làm tình đầu tiên không?"

Tay tôi run lên trong tay bà. Sự hổ thẹn làm tôi khựng lại không trả lời. Thực ra tôi quá bối rối trước câu hỏi tôi cho là sỗ sàng. Chuyện phòng the là chuyện kín đáo, ai mà nói ra dù với một bà bác sĩ. Thấy tôi yên lặng, bà đặt lại câu hỏi chi tiết hơn.

"Lần đầu tiên em làm tình với ai?"

Tôi muốn khóc. Câu hỏi như cái tát vào đức hạnh của tôi. Tôi giận dữ nhìn bà. Nước mắt tôi chảy ra. Tôi muốn vùng đứng dậy chạy ra khỏi nơi đây. Bà Denise rất nhạy cảm. Bà biết đã cho tôi một liều thuốc quá mạnh. Bà vội nắm chặt tay tôi, cười giả lả.

"Tôi xin lỗi em. Hôm nay mình làm việc đã nhiều. Em có thể về. Lần sau mình sẽ nói chuyện tiếp."

Ba ngày sau tôi tới theo hẹn, lòng nặng trình trịch. Bà Denise tỏ ra dịu dàng hơn những lần trước. Bà ngồi dựa ngửa ra ghế, mắt nhắm hờ, kể chuyện làm tình lần đầu tiên của bà. Giọng bà tự nhiên làm tôi cảm thấy an tâm. Bà bất ngờ quay sang tôi.

"Tôi vẫn nhớ mãi lần đó. Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được. Đó là một khúc rẽ quan trọng trong đời một người con gái. Tôi nghĩ chắc em cũng vậy. Nền văn hóa và đạo đức của dân tộc em rất khắt khe với vấn đề này nên tôi nghĩ cái dấu ấn đó lại còn quan trọng hơn nữa. Tôi nghĩ là em có một đêm tân hôn thực sự với chồng em. Phải không?"

Tôi gật đầu. Bà dựa người vào bàn, chồm qua phía tôi.

"Em có cảm thấy được che chở không?"

Tôi lại gật đầu tiếp.

"Em có thấy được âu yếm không?"

"Em có thấy hạnh phúc không?"

"Em có thấy muốn tan biến trong vòng tay chồng em không?"

"Em có cảm thấy có sự ràng buộc thân thiết không?"

Tôi chỉ biết gật đầu sau một loạt câu hỏi vội vã tuôn ra từ cái miệng không kịp thở của bà Denise.

"Em có yêu chồng em không?"

Tôi lại gật đầu.

"Khi chồng em đi xa, em cảm thấy sao?"

Tôi không biết làm sao diễn tả cái khoảng trống lạnh lẽo vây quanh tôi mỗi lần không có Thụy bên tôi. Tôi cảm thấy như bị ném ra giữa trời mênh mông trong một cơn cuồng phong bão táp. Người tôi như co lại, tôi run rẩy trả lời.

"Em sợ lắm. Em thấy như bị chìm lỉm dưới nước."

Thấy bộ mặt tái tê của tôi, bà Denise khéo léo ngưng các câu hỏi. Bà chuyển qua nói chuyện tâm tình với tôi như giữa hai chị em. Rồi bà cho tôi về sớm. Tôi uể oải ra khỏi cửa. Phải chi có Thụy đỡ đần bước đi của tôi lúc này. Tôi tìm tới trạm điện thoại công cộng gọi Thụy tới đón tôi. Tôi đứng ngóng Thụy mà trong lòng nghe như vẫn còn nguyên cái xốn xang của thời tình nhân. Thụy là một người yêu tuyệt diệu. Anh như một cái bóng vạm vỡ để tôi an tâm ẩn núp. Ngày cưới, tôi như lạc vào một cánh đồng hoa, trò chuyện với cỏ cây, vui đùa với bướm ong, chẳng rõ mình đang đi vào một cuộc đời mới hay đang bước giữa một cơn mộng đẹp. Thụy làm chồng cũng nồng nàn như làm tình nhân. Lúc nào trong tôi cũng rõ nét cảm giác đang ngơi nghỉ trong vòng tay ấm áp của một vị thần hộ mạng. Sao tôi thèm vòng ôm của Thụy quá. Anh chưa tới mà lòng tôi đã lơi lả chờ anh.

Kỳ hẹn sau, tôi tới hơi sớm. Tôi lật qua loa mấy tờ báo phụ nữ đầy hình ảnh ra chờ cho qua thời giờ. Mắt tôi ơ hờ trên những trang sách. Tôi gấp tờ báo trên đùi, nhìn qua khung kính. Cửa sổ phòng đợi nhìn ra một công viên xanh cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Một bé gái đang ngồi trên chiếc đu cười ngặt nghẽo thích thú theo từng cái đẩy của bà mẹ. Mắt tôi sáng lên. Người tôi bừng bừng niềm vui. Tôi muốn chạy ra ngồi trên một trong những chiếc đu bỏ trống chơi cho thỏa thích. Tôi lâng lâng theo tiếng cười trong trẻo nghe vọng vào qua khung kính. Chiếc váy màu đỏ ôm gió no nê lượn theo vòng đu nhấc tôi lên cao. Bà Denise tới đằng sau tôi lúc nào tôi chẳng biết.

"Trông thích thú quá em nhỉ?"

Tôi rạng rỡ.

"Dạ, em thấy thích quá. Cô bé thật sung sướng!"

"Hồi nhỏ em có thích chơi đu không?"

"Em thích lắm nhưng hồi đó em chẳng bao giờ được chơi cho thỏa thích cả."

"Tại sao vậy?"

Tôi kể cho bà Denise nghe về chiếc đu ở sau vườn nhà tôi. Chẳng được đẹp như chiếc đu trong công viên trước mắt tôi, dĩ nhiên. Đó chỉ là một chiếc vỏ xe cũ được treo lên bằng những sợi dây thừng thô tháp. Vậy mà tôi thích lắm. Nhưng hầu như mỗi lần vừa ngồi lên là mẹ tôi lại bắt tôi phải xuống nhường cho các em đang mũi dãi khóc đòi chơi. Mười một anh chị em, tôi đứng thứ ba, mẹ tôi lại không biết mệt mỏi trong việc cho ra đời những đối thủ dễ ghét mà tôi phải nhường. Hết đứa này lại có đứa khác. Chiếc đu lúc nào cũng ở ngoài tầm tay với của tôi. Nó ăn sâu trong tôi đủ để trở thành nỗi thèm thuồng bất tận của tuổi thơ tôi. Cho tới bây giờ, chồng con rồi, tôi vẫn thấy thích thú với những chiếc đu.

Bà Denise như vừa tìm ra được một điều gì thú vị sau khi nghe tôi kể. Bà rủ tôi xuống chơi đu. Tôi chẳng cần suy nghĩ, vội vàng đứng dậy. Thấy bộ điệu của tôi, bà Denise như khựng lại.

"Xin lỗi em! Tôi không muốn phải đền thành phố tiền sửa chữa chiếc đu."

Tôi ngơ ngác. Bà Denise đứng dậy nhún nhún người. Tấm thân quá khổ của bà nặng nề che hết tầm mắt tôi. Tôi hiểu ra, ôm bụng cười.

Bà Denise mời tôi vào văn phòng. Bà không ngồi sau bàn như mọi khi mà kéo chiếc ghế ngồi sát bên tôi. Giọng bà từ tốn.

"Tôi nhìn thấy, tự trong thâm tâm em, em không yêu mẹ em phải không?"

Tôi lắc đầu.

"Không, em vẫn thương mẹ em."

Bà Denise vẫn nhẹ nhàng.

"Em không cần phải dối lòng mình. Tôi biết, em khó chịu khi phải nói với tôi điều mà em nghĩ là xấu xa. Ai chẳng muốn nói cho mọi người biết là mình yêu mến người đã mang nặng đẻ đau ra mình. Nhưng nếu em cứ dối lòng như vậy thì em không bao giờ thoát ra được sự ám ảnh một đời của em. Em hãy nhìn kỹ vào lòng em và trả lời tôi. Em không yêu mẹ em phải không?"

Người tôi run rảy. Trước mặt tôi, đôi mắt bà Denise như đang nuốt sống tôi. Hình ảnh mẹ tôi nghiêm khắc và hững hờ thoáng hiện trong óc tôi. Tôi rùng mình.

"Bà nói đúng. Em không thấy thương mẹ em!"

Bà Denise thúc thêm.

"Em ghét mẹ em phải không?"

Người tôi như muốn vỡ tung ra. Đừng bắt tôi phải làm điều mà tôi ghê sợ. Một luồng giá lạnh chạy khắp châu thân tôi. Tôi hét lên.

"Không, không phải vậy."

Giọng bà Denise lạnh lùng.

"Em phải nhìn kỹ vào lòng em. Em ghét mẹ em phải không?"

Tôi ôm mặt nức nở. Người tôi mềm oặt. Tôi gật đầu trong tiếng tức tưởi. Bà Denise bấm chuông gọi cô thư ký lấy cho tôi ly nước. Nước lạnh làm tôi dễ chịu. Bà vỗ vai ôn tồn với tôi.

"Tôi xin lỗi em. Bây giờ tôi muốn đặt cho em một câu hỏi dễ chịu hơn. Em luôn luôn cảm thấy cần có chồng em bên cạnh phải không?"

Tôi e lệ gật đầu.

"Ngày cưới, em có cảm tưởng lâng lâng như người được giải thoát phải không?"

Sao cái bà này nói đúng cảm nghĩ của tôi như vậy. Nhưng ai lại nói như thế. Bà Denise gằn giọng.

"Tôi muốn em đào sâu vào con người em và nói thật cho tôi biết. Có phải em cảm thấy như được giải thoát trong ngày cưới của em phải không?"

Tôi gật đầu.

"Đêm tân hôn, em hân hoan ràng buộc mình vào người chồng, em mê mải dâng hiến cuộc đời em cho người chồng, em cảm thấy sung sướng lệ thuộc vào người chồng phải không?"

Tôi đành thú nhận với bà, khi trao thân cho Thụy, tôi đã bấu víu vào anh như ôm một chiếc phao an ổn cho cuộc đời tôi.

Bà Denise thở ra. Mặt bà như ngơi nghỉ. Tôi nhấc ly uống vội một hớp nước. Mồ hôi tôi vã ra. Tôi vừa nói những gì trước đôi mắt như đốt cháy tôi của bà Denise? Tôi có còn biết suy nghĩ không?

Bà Denise phân tích rành rẽ những gì xảy ra trong nội tâm của tôi. Tôi vừa nói ra những gì vẫn được che dấu trong cõi vô thức của tôi. Chúng như những hòn đá nặng nề trì kéo đời tôi. Trong thâm tâm, tôi ghét mẹ tôi đã không chăm sóc thương yêu tôi, đã quá hững hờ tình cảm với tôi. Tôi không tin cậy vào mẹ tôi, không cảm thấy yên ổn bên mẹ tôi. Khi lấy chồng, tôi cảm thấy như được giải thoát. Chồng tôi quá lớn lao đối với tôi. Tôi sung sướng dựa dẫm vào người giải thoát tôi. Khi Thụy đi xa, tôi cảm thấy hụt hẫng, mất chỗ dựa, trống trải, sợ hãi. Sự lệ thuộc trong vô thức làm tôi chán nản, buồn bã, tuyệt vọng mà không hiểu tại sao mình lại cảm thấy như vậy. Trạng thái tâm lý này chi phối trạng thái sinh lý của tôi. Thân xác tôi rũ ra, làm biếng ăn uống, chẳng biết đói, chẳng cần ăn. Bà Denise thủ thỉ bên tai tôi.

"Bây giờ em đã nhìn thấy cái động lực vô hình nó chi phối một cách mù quáng những suy nghĩ, hành động của em. Em đã nhận ra nó, tôi nghĩ rằng em có đủ ý chí và can đảm để tự thoát khỏi kẻ nội thù giấu mặt nằm núp trong người em. Tôi nghĩ mẹ nào chẳng thương con, em hãy nhìn vào mẹ em với một con mắt khác đi. Và em sẽ cảm thấy an bình bên mẹ em. Chồng em thương em, đó là một điều quí. Nhưng em có ý chí của em chứ. Ý chí đó đâu có cho phép em lệ thuộc vào chồng em như một cây tầm gửi chỉ biết bám vào thân cây khác. Hãy cởi bỏ hết mọi mặc cảm và sống như một con người vừa được giải thoát. Em không có gì phải buồn chán tới héo hon thân xác đi như vậy. Em hãy can đảm sống cuộc đời của em. Đó là những điều tâm huyết tôi muốn nói với em. Em về và có cần gì thêm nơi tôi, em cứ điện thoại cho tôi. Nhưng tôi hy vọng em chẳng phải nhờ gì tới tôi nữa."

Bà Denise đập vào vai tôi như muốn đánh thức tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mình vươn cao lên như vậy.

Những ngày sau đó, tôi cảm thấy an tâm. Vẻ ủ rũ rời khỏi tôi. Tôi ăn đã biết ngon. Tôi nhìn mẹ tôi, chồng tôi và cả con tôi với một con mắt khác. Bé Kim chẳng phải là cái tôi ảm đạm thời nhỏ. Tôi thương con tôi, thương khúc ruột thân yêu của tôi. Tình thương của Thụy với bé Kim là một thứ tình thương khác, có gì mà tôi phải so kè sợ sệt. Kẻ thù giấu mặt của tôi, bà Denise đã lôi ra ánh sáng và xua đuổi ra khỏi tôi. Tôi tự do trở thành một con người mới, một con người bình thường như mọi người khác.

Lâm nhấc cặp mắt kiếng dày cộm, cầm trên tay, kéo vạt áo chùi, nheo mắt với tôi.

"Tôi tới để áp tải bà vào nhà thương điên đây."

Tôi ngượng chín người, ngượng đến muốn nổi cục. Sức mấy! Tôi nghĩ trong đầu. Nhưng chẳng hiểu sao câu trả lời của tôi lại nền nếp hơn nhiều.

"Anh Lâm à, chắc anh tới lộn địa chỉ rồi!"