Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

CÀ PHÊ

Cà phê cõng nhiều thứ trên lưng. Nỗi buồn, nỗi nhớ, niềm vui, khắc khoải, cô đơn, chán chường... Cà phê hình như không chỉ là cà phê mà chính là cuộc sống tâm tình. Trong lần trở lại Saigon đầu năm 2003, thả bộ trên đường Tự Do cũ, tôi bâng khuâng khi đi ngang qua quán Cái Chùa Pagode của một thời tuổi trẻ. Nơi đây, anh một cái cà phê đen, em một ly café liégeois, ngồi gửi mắt cho nhau, không một câu nói mà ngàn lần hiểu. Nơi đây, bạn bè viết lách chụm đầu vào nhau, những ly cà phê đen đắng trước mặt, huyên thuyên về những trang viết vừa xong. Nơi đây, những buổi chiều phơn phớt bụi mưa, một mình chạm mặt với chiếc ly sứ trắng, chất cà phê thơm nồng, trắng tay tình yêu, tương lai cũng trắng xóa trong đầu. Nơi đây, những tên bạn bận đồ lính, áo quần còn khét mùi thuốc súng, vội vã gặp lại bạn bè... hậu phương, chửi thề với nhau một trận, rồi chia tay, ngày mai có còn đông đủ như ngày hôm nay không?

Thành phố nọ trở về vui một bữa
Đám cô hồn, mấy đứa buồn như nhau
Tiếng hát Khánh Ly, quán mờ đèn lu
Ai nức nở xoáy hồn ta, đau nhói
Mắt mỗi đứa nhắm nghiền
u hồn khói thuốc
Đêm bên ngoài, hay
đêm của thanh xuân
Giọt đen cà phê, quạnh đặc linh hồn
Đôi mắt bạn bè chao ơi, buồn quá đỗi
(Trần Hoài Thư)

Nơi đây, ngày nay đã mất dấu, mất hẳn, không còn cà phê, Chùa đã tan tành nhường đất cho Saigon Tourist.
Cà phê còn cõng... tranh. Họa sĩ Đinh Cường, hiện cư ngụ tại Burke, đâu đó quanh vùng Virginia, sáng nào cũng lóc cóc đi uống cà phê một mình. Tiệm là Starbucks, một tiệm Mỹ, nhỏ thôi. Chàng ngâm nga tách cà phê, tay buồn tình vẽ lên những miếng giấy lau tay. Anh chủ Mỹ thích, làm thân. Rồi mời chàng mang tranh tới treo trên vách tiệm. Khách uống cà phê thích. Người này thỉnh một tấm, người kia thỉnh một tấm. Cứ lai rai với những tấm tranh nho nhỏ. Ly cà phê thế mà được việc!

Cà phê còn cõng... Chúa. Ông mục sư trẻ David Manafo, 30 tuổi, mục sư phụ tá nhà thờ Rockfield Christian Church ở Lachine, thành phố láng giềng của Montreal, có sáng kiến tổ chức từ đầu năm 2001, đêm Cà Phê Hội Ngộ (Gathering Café) hàng tháng. Bên những ly cà phê, mọi người nghe nhạc rock, thảo luận về các vấn đề tôn giáo. Expresso, Cappuccino dễ đưa tâm hồn con người bay bổng lên trời cao!

Cà phê, thuốc lá, rượu, đó là bộ tam sên rất bốc cho đời sống tinh thần. Không có chúng, đau đầu muốn chết!

Một bệnh nhân phàn nàn với bác sĩ là ông ta thường xuyên bị đau đầu. Bác sĩ hỏi.
“Ông có uống cà phê không?”
“Thưa bác sĩ, tôi chẳng bao giờ mó tới cái món mất ngủ đó.”
“Ông có uống rượu không?”
“Thưa bác sĩ, tôi chưa bao giờ uống lấy một giọt.”
“Ông hút thuốc lá chứ?”
“Thưa, tuyệt đối không.”
“Còn chuyện phụ nữ?”
“Ồ, tôi không hề nghĩ tới chuyện đó.”
“Thế thì ông đúng là thánh rồi! Có thể vầng hào quang trên đầu ông hơi bị chặt!”

Rượu có hại, chuyện đã rõ ràng. Không tin cứ tu thử một chai Johnny Đi Bộ hay đánh bay một ông Remy Martin coi. Thuốc lá? Dễ sợ lắm! Cứ đọc những câu cảnh cáo trên bao thuốc, cứ ngắm những tấm hình rỗng phổi cũng nằm rõ ràng trên bao thuốc, mà miệng vẫn phì phèo nhả khói thì đúng là... anh hùng! Muốn nhắm mắt không thấy không đọc hả? Cái cung cách tránh những tên vàng tay đen răng như tránh... hủi  đã đủ thấm chưa? Còn cà phê? Hại là cái cẳng!

Một anh chàng vẻ mặt lo lắng đến gặp bác sĩ.
“Thưa bác sĩ, vợ tôi ngoại tình. Mỗi lần tôi bắt được quả tang là cô ta lại bảo tôi hãy bình tĩnh và uống một tách cà phê. Xin ông hãy cho tôi một lời khuyên.”
Bác sĩ ngần ngừ hỏi.
“Liệu tôi có thể khuyên anh điều gì đây?”
“Tôi uống cà phê nhiều như vậy có hại cho sức khỏe lắm không?”

Hại nhưng vẫn uống. Uống tới chết luôn. Bạn cười tôi nói ngoa? Không, đây là chuyện thật, chuyện của ông bác họ tôi. Năm 1975, chỉ vài tháng sau cái tháng tư kinh hoàng đó, ông bác đi tập kết từ năm 1954 trở về thăm gia đình. Ngày đi tập kết, ông mang theo một cô con gái, còn bà bác tôi và một cô con khác ở lại. Ông về với anh con rể, chồng của cô gái đi theo ông ra Bắc. Nhà ở trong một hẻm gần chợ Tân Định nên hai cha con ra chợ thăm thú hoài. Về tới nhà, hai cha con cứ suýt soa thứ gì ở trong này cũng nhiều quá. Thịt bò treo nguyên từng cái đùi to tổ chảng, hàng hóa ê hề, toàn những thứ đồ ngoại không, cà phê ngon ơi là ngon. Một bữa, bà bác tôi đi vắng, ông một mình ở nhà, lấy phin pha cà phê. Không biết có phải vì thèm quá hay không mà ông lèn cà phê đầy chặt chiếc phin. Uống xong, ông nằm ngủ và... thăng luôn. Ông sống với... tư bản không được tròn 3 tháng!

Uống như điên thì có anh chàng Pierre Bélanger, 32 tuổi, dân Montréal. Anh uống ly cà phê đầu tiên trong ngày khi đang cạo râu, một ly nữa khi đang đọc báo và ăn sáng. Trên đường đi làm, ghé ngang qua Second Cup thỉnh một ly cối mang theo uống trên xe. Vào sở, cứ tì tì với cái máy pha cà phê. trên đường về, cùng chúng bạn ghé tiệm làm một cái expresso. Buổi tối, không thấy chàng khai báo có uống thêm không, nhưng chắc không tránh khỏi “nghiệp”. Tổng cộng, Pierre bỏ vô bao tử khoảng 40 ounces cà phê mỗi ngày!

Nghiện chăng? Còn phải ngôn! Một nghiên cứu mới đây của National Institute on Drug Abuse ở Mỹ vừa được phổ biến tháng trước trên tập san Journal of the American Medical Association cho biết là tiêu thụ khoảng 300 miligrams cafféine mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp là đủ gây ra nghiền rồi. Mà 300 miligrams cafféine chỉ tương đương với 2 ly cà phê loại 8 ounces thôi! Hai ly cà phê mỗi ngày? Quá dễ để sa chân vào vòng... tục lụy! Tại các thành phố lớn, góc đường nào hầu như cũng có tiệm cà phê. Mời mọc nhau quá. Chẳng cứ ở các thành phố lớn, ở Việt Nam trước đây, nơi những thành phố trên vùng cao nguyên hẻo lánh, tiệm cà phê cũng nằm trong lòng bàn tay. Đời lính, ghé uống với nhau một ly, mai đây biết có còn ngồi được với nhau không!

hai thằng ngồi ở trong sương sớm
trên cao nguyên và giữa chợ trời
ly cà phê uống trong thời chiến
vẫn đậm đà hương vị chia phôi
(Phan Ni Tấn (N.D.))

Cà phê như một... cứu rỗi. Theo Hiệp Hội Cà Phê Canada, một tổ chức quy tụ các nhà trồng tỉa, nhập cảng, chế biến và bán lẻ cà phê, dân Canada đã tiêu thụ 14 tỷ ly cà phê mỗi năm! Ba phần tư dân số thành niên ở Quebec uống cà phê! Ly uống cà phê thông thường từ 6 tới 8 ounces đã phồng lên thành từ 10 tới 12 ounces. Với những chiếc ly... Phù Đổng Thiên Vương như vậy, cafféine, chất bị kết tội trong cà phê, cũng vươn mình lên theo.

Cafféine là một chất kích thích hệ thống trung khu thần kinh, tạo cho người ta cảm giác tăng thêm sinh lực. Nó làm giảm sự buồn ngủ và làm cho người uống thêm hoạt bát và thân thiện với những người chung quanh. Nhưng mặt khác, cafféine lại khiến cho người ta bứt rứt khó chịu, gần như hốt hoảng, và rối loạn tiêu hóa. Nó còn bị qui tội liên hệ với các chứng bệnh ung thư, tim mạch và... bất lực nữa! Ngưng dùng cà phê, có thể gặp những triệu chứng chóng mặt, nhức đầu trong khoảng 12 đến 36 tiếng và kéo dài trong 2 tuần lễ. Roland Griffiths, một nghiên cứu gia chuyên về cafféine, giáo sư Đại Học John Hopkins ở Baltimore lưu ý mọi người tới cái gọi là “suy nhược cuối tuần”. Quá nửa số người uống cà phê đều đặn mắc chứng này khi cuối tuần ở nhà họ dùng ít cà phê hơn những ngày đi làm. Ông cho biết là thường thì nghỉ ngơi cuối tuần, người ta phải cảm thấy thoải mái và khỏe khoắn hơn, nhưng những người thường xuyên uống cà phê lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu và... chán đời. Một số khác còn cảm thấy buồn nôn và có những triệu chứng như bị cúm.

Cà phê có chất cafféine (135 mg trong một ly cà phê đen 8 ounces, 95 mg trong một ly cà phê tan liền cùng thể tích), ai cũng biết như vậy. Nhưng ít người biết là tội không phải chỉ có cà phê. Các thứ nước uống khác cũng có cafféine. Kể sơ sơ ra cũng thấy trà có 50 mg cafféine trong một ly 250 mililitre, trà sâm chanh 100 mg trong chai nửa lít, sữa chua chocolat 85 mg trong một ly, chocolat đen 20 mg trong một thanh nặng 28 gram, chocolat sữa 6 mg trong một thanh 28 gr, coca cola 34,5 mg trong một chai 335 ml, pepsi cola 42 mg, diet cola 46,5 mg.

Đối với trẻ em ở Bắc Mỹ, các thứ cola là những người bạn quen thuộc hàng ngày, lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Nhưng cà phê mới là thứ bạn mà chúng muốn kết thân. Để tưởng mình thành người lớn! Alessandra Catalogna, mới chỉ có 11 tuổi, đã tập tành uống cà phê. Hơi đắng! Thế nên em phải cho vô thật nhiều đường và sữa. Thành một thứ “chè cà phê”! Em thích nhất là cà phê cappucino lạnh khá ngọt của tiệm Tim Hortons. Tập mãi rồi cũng quen, Alesssandra cùng bạn bè đồng trang lứa thường tụ họp nhau ở Second Cup, Tim Hortons hoặc Java U khi tan học hoặc những ngày nghỉ cuối tuần. Các nam sinh, trạc tuổi 14, 15, cho biết họ ưa tới tiệm cà phê vì thích không khí người lớn, chuyện trò với bạn bè, ngồi làm bài hoặc... nghía con gái!

Một cô bé choai choai nói với cô bạn trong một tiệm cà phê.
“Mỗi khi uống cà phê, tao thấy mắt cứ đau nhói.”
Cô bạn hất đầu.
“Vậy mày hãy bỏ chiếc muỗng ra trước khi uống!”

Loại tập sự bao giờ cũng có những vấn đề như vậy. Những em sớm uống cà phê thường hiếu động, phá phách, hay vi phạm kỷ luật nhà trường. Chuyên viên dinh dưỡng Donna Drury của bệnh viện Nhi Đồng Montréal cảnh báo là các em đã quá bị kích động bởi truyền hình, phim ảnh, computer và chơi game, nay lại thêm cà phê nữa thì thật là tai hại. Ngoài những hậu quả trên, chất cafféine còn làm cho cơ thể các em chậm tiếp nhận calcium và tăng huyết áp. Ngoài ra, trẻ em uống nhiều cola hay cà phê sẽ không có thể hấp thụ đủ sữa, nước và sinh tố D. Bởi vậy, Y Tế Canada mới khuyến cáo số lượng hạn chế cafféine là 45 mg mỗi ngày cho trẻ em từ 4 tới 6 tuổi, 62 mg cho lứa tuổi 7 đến 9, và 85 mg cho lứa tuổi 10 đến 12.

Cà phê, đối với nhà văn Võ Phiến, lại được nhìn theo một cách khác. Nó đi song song với thể loại truyện. Từ truyện dài qua truyện ngắn, đến truyện thật ngắn, truyện cực ngắn, văn học cứ tò tò theo bước cà phê. “Chúng ta sống trong thời đại của cà phê espresso. Trước kia trà Nhật uống mỗi lần tốn tới 4 giờ đồng hồ, không thế thì sai điệu. Trước, ta uống cà phê phin, cái nồi ngồi trên cái cốc cũng cả tiếng đồng hồ. Bây giờ muốn ngon muốn đậm mà khỏi nhẩn nha, có espresso. Rù rù một cái, xong một cốc nhỏ, đậm đen, tợp một tợp,“đã” muốn chết. Truyện thật ngắn hướng tới cà phê espresso.” (Văn Học, California, số 214&215, tháng 2&3/2004, trang 10).

Truyện Khi Chiều Xuống của nhà văn Trang Châu đúng là một truyện thật ngắn. Chỉ vẻn vẹn 3 trang sách cỡ chữ 13.

Một cặp tình nhân đã chia tay nhau 8 năm, nàng đi lấy một ông chồng già nhưng có địa vị vững chắc. Ba năm đầu xa nhau, họ hẹn nhau đi uống cà phê 5 lần. Uống cà phê chỉ là cái cớ, cà phê cà pháo xong rất nhanh, họ chui vào motel cho nhau thể xác. Cú điện thoại cô gái gọi cho người tình cũ lần này xảy ra sau 5 năm không gặp nhau.
“Chiều nay đi uống cà phê với em.”
“Em cần anh nhiều không?”
“Em đang như một mình.”
“Cần anh lấp chỗ trống trong tâm hồn hay... đâu khác?”
“Đồ quỷ!”
................
“Em muốn đi uống cà phê với anh chiều nay. Nhưng chỉ uống cà phê thôi nhé anh! Đừng có... gì khác, nếu không em sẽ không đủ can đảm trở về.”

Chúng tôi, một số tên viết lách ở Montréal, cuối tuần thường hú nhau đi uống cà phê. Chuyện văn học, chuyện trên trời dưới biển, chuyện kim cổ đông tây... Lai rai cũng mất cả mấy tiếng đồng hồ. Nhưng chúng tôi là những người...  hồn nhiên. Uống cà phê là uống cà phê. Chứ không ấm ớ như nhân vật truyện của Trang Châu. Mặc dù Trang Châu cũng là một trong số... chúng tôi!

02/2004