Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

ĐŨA

Dù tự ái dân tộc có nở lớn đến thế nào đi chăng nữa, tôi cũng chẳng thể nói đũa là thứ quốc hồn quốc túy của đất nước ta. Chung quanh chúng ta, người Hoa, người Nhật, người Cao Ly... cũng dùng đũa. Nhưng đi vào nếp sống văn hóa của dân Việt Nam thì đũa có lẽ là một vị khách quý. Vơ đũa cả nắm. Đũa mốc đòi chòi mâm son. Những câu tục ngữ đã nâng cấp cho đôi đũa lên hàng ẩn dụ tinh thần. Tôi vừa nhặt được trong cuốn tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai một từ Hà Nội: Bánh mì đũa cả.

Đời sống tình cảm của người dân Việt trong ca dao cũng dính vào đôi đũa khá nhiều.

Tôi đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Đũa lệch thì nản chết. Nó gợi lên một sự so le thảm thương. Lệch nhau cũng hình dung bằng đôi đũa, bằng nhau khít khao cũng đũa một đôi.

Đôi ta như đũa trong kho
Không tề, không tiện, không so cũng bằng.

Đũa mốc không được nằm trên mâm son. Trèo cao quá coi không được mắt. Phải ngang hàng với nhau, xứng hợp với nhau, con mắt mới vừa.

Đôi ta là bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trên mâm vàng
Bởi chưng thày mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.

Vui cũng đũa, buồn cũng đũa, trách móc cũng đũa. Đũa dính vào cái ăn nên đũa cũng nằm dềnh dang trong đầu. Cứ nghĩ tới đôi tới cặp, người Việt chúng ta nghĩ ngay đến đũa. Nghĩ tới nữa, bàn tay cầm đũa còn mách bảo tính tình, tư cách của người cầm đũa. Có những ngón tay khéo léo tháp vào đôi đũa như ngàn đời ăn ý với nhau đẹp thùy mị như một bức tranh, có những ngón tay xuôi nhịp nhàng theo đũa chân thật như canh với cà. Nhưng cũng có những ngón tay cứng cáp dằn vặt như đanh đá hành hạ đôi đũa, có những ngón tay vụng về e dè xoay xoay lưỡng lự như ngượng nghịu với đũa. Và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã vẽ ra đôi tay bối rối tập tành biết yêu như tập tành cầm đũa.

tình mới lớn, phải không em, rất mỏng?
cách tập tành nào cũng dễ hư hao
thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ

Chúng ta sinh ra hình như đã biết cầm đũa. Không biết thì... đói. Chúng ta cầm đũa tự nhiên, như thở. Nhưng, trong tiệm ăn, thấy tây đầm cầm đũa hẩy hẩy thức ăn lên miệng mới biết cầm đũa chẳng phải là chuyện dễ. Huống chi cầm đũa cho đẹp, cho quý phái, cho ra dòng ra giống. Nhưng cái lọng cọng của đôi đũa trong những bàn tay chuối mắn của tây đầm cộng với những đôi mắt xanh ánh lên nét hào hứng như đang tham dự vào một trò chơi thích thú thấy cũng có nét dễ thương. Cái dễ thương mà chúng ta cảm thấy một cách kẻ cả, như một đấu thủ thuộc hạng chuyên nghiệp nhìn xuống một đấu thủ mới tập tễnh ra lò. Nó như một thứ... tự hào dân tộc!

Không biết có phải vì vụng về trong việc điều khiển đôi đũa nhiều thách đố hay không mà mới đây các nhà khoa học Mỹ thuộc trường Y Khoa của Đại Học Boston đã làm một cuộc nghiên cứu để... kết tội đôi đũa. Cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc. Họ đã phỏng vấn 2507 cư dân 60 tuổi, được lựa chọn một cách tình cờ. Họ hỏi những người này về thói quen cầm đũa tay trái hay tay phải, nghiên cứu cách họ cầm đũa và chụp quang tuyến X xương ngón tay. Họ đi đến kết luận là chứng viêm khớp xương xảy ra nhiều hơn ở những bàn tay cầm đũa, đặc biệt là ngón cái và các đốt xương thứ nhì và thứ ba của ngón trỏ và ngón giữa. Trưởng đoàn nghiên cứu, bác sĩ David Hunter, đã ghi trong bản báo cáo: “Cuộc nghiên cứu này đưa ra giả thuyết là những đôi đũa có thể giữ một vai trò trong việc phát triển của chứng viêm khớp xương tay”.

Đụng tới đôi đũa, mệt lắm! Kết luận của bản nghiên cứu vừa được công bố, dân Bắc kinh nhẩy lên liền. Cô hầu bàn Niu của một tiệm ăn ở Bắc Kinh lắc đầu. Viêm khớp xương? Do đũa? Làm gì có chuyện đó!... Đũa làm cho bàn tay mạnh hơn và làm săn chắc các bắp thịt thì có! Bác sĩ Cao Li, một y sĩ chuyên về xương của bệnh viện Xuanwu, một nơi chữa trị vừa bằng phương pháp cổ truyền vừa bằng y học Tây Phương, cũng giận dữ không kém. Vớ vẩn! Tôi đã làm việc ở đây nhiều năm và chưa hề thấy một ca viêm khớp xương nào liên hệ đến việc cầm đũa! Yang Joanping, người suốt đời chưa bao giờ dùng nĩa, đã gay gắt. Tôi đi bằng chân từ bé đến giờ. Vậy có phải vì thế mà chân tôi bị viêm khớp xương hay sao? Tôi nhai bằng miệng từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ. Như vậy phải chăng miệng tôi bị viêm khớp xương? Tay tôi ấy à, chẳng sao cả!

Đối với dân chúng Bắc Kinh, không có vấn đề viêm khớp xương vì tay cầm đũa, nhưng đũa quả có vấn đề từ khi bệnh SARS bột phát và hoành hành mạnh mẽ tại Trung Quốc. Đó là vấn đề vệ sinh công cộng trong khi dùng đũa.

Trong một cuốn Chỉ Nam về bệnh SARS của Bệnh Viện Gia Đình Đoàn Kết đã khuyên như sau: “Không nên dùng đũa gắp thức ăn trong đĩa đựng thức ăn chung. Hãy dùng muỗng để múc thức ăn vào chén cá nhân.”

Đụng đũa vào đĩa thức ăn chung trên bàn quả có vấn đề về vệ sinh. Nước miếng của người này dính qua người kia có thể dễ dàng truyền bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm. Ở Việt Nam, có một thời, người ta đã hô hào cho việc dùng đũa hai đầu. Một đầu và thức ăn vào miệng, một đầu gắp thức ăn từ đĩa chung trên bàn vào chén cá nhân. Lối “múa đũa” như vậy tuy có công hiệu ngăn ngừa lan lây bệnh tật nhưng khá bất tiện và dễ quên lộn. Vì vậy, lối dùng đũa cải cách này đã bị mai một đi.

Ăn cơm chung mâm trong gia đình với nhau, dùng đũa vọc vào những đĩa xào, những tô canh, những chén nước mắm xem ra dễ chấp nhận vì những thành viên trong gia đình với nhau, cùng chung một huyết thống, lại biết rõ sức khỏe của nhau. Nhưng chung đụng một mâm với những người lạ, việc chọc đũa vào đĩa thức ăn chung dễ gây ra... lợm giọng! Tôi có một kinh nghiệm không dễ chịu mấy khi tham dự vào một tua du lịch tại Việt Nam cách đây hai năm. Ăn chung bàn với vợ chồng tôi là một cặp vợ chồng già nói chuyện rất thật thà và hiền hậu. Ông chồng là người ăn uống vô cùng nhanh nhẹn. Đôi đũa trên tay ông chạy qua lại như những đường quyền đẹp mắt. Chỉ loáng một cái, tô canh đã đục ngầu, chén nước mắm đã lềnh bềnh những hạt cơm, đĩa cá đã lấm tấm trắng xóa. Vợ chồng tôi ăn xong chén cơm không nhạt nhẽo rồi xin phép đứng dậy. Dĩ nhiên với cái bụng còn lép kẹp. Phải lựa chữ lựa lời nói một câu chuyện khó nói với anh hướng dẫn viên, bữa cơm kế, chúng tôi mới được chuyển qua bàn khác và mỗi người một chén nước chấm riêng!

Đũa trong bàn ăn, chuyện thường. Đũa đi lạc ra ngoài bàn ăn mới gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Nhà văn Thế Uyên, trong cuốn Những Người Đã Qua II, đã kể về một cách dùng đũa khá bất ngờ. Tác giả đã ghi lại nguyên văn như sau, nơi trang 35, chuyện nghe được tại đàm trường của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh tại Saigon. Trong một buổi khác, đề tài xoay về vần đề Khổng Giáo trách nhiệm đến mức độ nào trong việc áp đặt một thứ thanh giáo lên văn hóa truyền thống vốn quân bình về love&sex của dân lạc Việt, NĐQ đã kể lại chuyện một hủ nho bạn của ông bố ông đã coi việc giao hợp giữa vợ chồng chỉ hoàn toàn thuần túy có ý nghĩa truyền chủng, tránh cảnh “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”. Ông này, đến ngày lành tháng tốt, lựa một đôi đũa tre mới tinh đặt trên một bát nước mưa đặt trên bàn thờ tổ tiên, ông khấn vái xong là đuổi tất cả mọi người trong nhà già trẻ lớn bé ra ngoài đồng hết, xong xuôi ông mới gọi bà vợ vô buồng. Vì cho dương vật là dơ dáy tội lỗi nên ông dùng đôi đũa tre đã cúng trước gia tiên ấy để gắp và hướng dẫn cái đó của ông nhập cung... NĐQ kể đến đây thì “quần hào” ồn ào không tin nhưng NĐQ khẳng định là chuyện có thật vì chính ông đã chứng kiến cảnh bà vợ thẹn đỏ mặt tía tai mỗi khi ông chồng bưng chén nước mưa trên gác đôi đũa tre đặt lên bàn thờ...

Đũa mà đến thế thời thôi!

01/2004