Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

VỢ CHỒNG

Vợ là vơ vào. Chồng là xếp lên trên. Vợ chồng là keo sơn gắn bó. Có âm có dương trời đất mới thuận hòa, có âm có dương vợ chồng mới... trăm năm. Âm dương là luật sinh tồn của vũ trụ, con người cũng là một vũ trụ nhỏ, thế nên trai mới nhú đầu, gái mới phổng phao là đã muốn vợ muốn chồng. Muốn có phải là được ngay đâu, còn phải vượt biết bao gian nan, trải qua muôn vàn cay đắng mới tới được bến bờ hôn nhân. Bến bờ tưởng mượt mà một mầu cỏ hiền hòa nhưng nằm trên cỏ mới thấy chẳng phải chỉ có cỏ không mà còn biết bao nhiêu gai góc của cây dại cây hoang.

Vậy là biết bao nhiêu “ranh ngôn” tức tưởi ra đời.

“Lấy vợ cũng giống như đi ăn ở nhà hàng với bạn bè. Bạn gọi món ăn bạn thích, nhưng khi nhìn vào đĩa của người khác, bạn lại tiếc là mình không gọi giống như vậy!”
“Hôn nhân hạnh phúc là vấn đề cho và nhận. Người chồng cho và người vợ nhận!”
“Người đàn ông cầm tay người đàn bà trước khi cưới nhau, đó là tình yêu, sau khi cưới là tự vệ!”
“Khi  một người vừa cưới vợ xong trông có vẻ hạnh phúc, chúng ta hiểu tại sao. Nhưng khi một người đã lấy vợ được 10 năm trông có vẻ hạnh phúc, chúng ta ngạc nhiên tự hỏi tại sao!”
“Sau hôn lễ, vợ và chồng trở thành hai mặt của một đồng tiền. Họ không thể quay mặt vào nhau được nhưng vẫn cứ phải dính với nhau!”

Toàn là những câu đậm đặc vẻ ngậm ngùi. Bạn Ngọc Thủy còn luận bàn về vợ chồng bằng chữ Bất rất dài, tới 36 câu lận, đành chỉ xin trích một vài câu.

Vợ chồng bên nhau mãi mãi là Bất Tử
Vợ chồng cãi lộn là Bất Hòa
Vợ giận không nói là Bất Hợp Tác
Vợ chồng giận nhau là Án Binh Bất Động
Vợ chồng đánh nhau là Bất Phân Thắng Bại
Bị vợ đánh mỗi ngày mà không sợ là Bất Khuất
Ý vợ nói là Bất Di Bất Dịch
......................
Em gái vợ là Bất Khả Xâm Phạm
Khen gái đẹp trước mặt vợ là Bất Tiện
Vợ được người ta khen nhiều là Bất Ổn
Vợ không cho lại gần  là Bất Thường
Vợ không cho ngủ chung là Bất Mãn
.......................
Lương đưa hết cho vợ là Luật Bất Thành Văn
Tiền đưa cho vợ và tiền của vợ là Bất Đẳng Thức
.........................
Nói chung, lấy vợ là chuyện Bất Đắc Dĩ
Nhưng lại  là chuyện Bất Khả Kháng!

Lấy vợ có phải là chuyện bất đắc dĩ không? Làm gì có chuyện đó! Bằng chứng là ngày làm chú rể, mặt anh nào anh nấy cứ hơn hớn như bắt được của. Hình như lấy chồng mới là chuyện bất đắc dĩ vì trong ngày cưới cô dâu không thút thít ngậm ngùi thì cũng nước mắt lưng tròng. Đó là nói chuyện ngày xưa chứ ngày nay chẳng thấy cô dâu nào nhỏ một giọt nước mắt mà chỉ thấy cười đến cứng miệng, nhất là khi đứng chụp hình với khách tới dự.

Lấy vợ lấy chồng có phải là chuyện phiêu lưu không? Ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hai người trong cuộc bị cột vào nhau mà chẳng biết gì nhau, may nhờ rủi chịu. Mà chịu thật. Vì có bất ưng ý thì cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chẳng dám hó hé. Lấy vợ lấy chồng là lấy cho gia đình, trước con mắt khắt khe của chòm xóm, làng nước. Cá nhân tự thu mình lại thành một con số không. Ngày nay, hôn nhân là chuyện giữa hai người trong cuộc trước, gia đình sau, bà con chỉ vỗ tay vào ngày cưới sau đó mạnh ai người nấy sống. Trông vừa mắt nhau, tán tỉnh nhau, yêu nhau, tìm hiểu nhau chán chê rồi mới quyết định lấy nhau, cuộc hành trình dài ngày như vậy không hẳn là không có sự... phiêu lưu. Dăm bữa nửa tháng có, một vài năm có, thậm chí vài chục năm cũng có, người ta mới thấy mình... lộn. Dò sông dò biển thì dễ, dò lòng người thì thiên nan vạn nan. Muốn chắc ăn, người ta có thể dựa vào... toán học!

Nhà nghiên cứu John Gottman vừa trình làng trong Hội Nghị của American Association for the Advancement of Science được tổ chức tại Seattle, một bản tham luận giúp tiên đoán được sự bền vững trong hôn nhân nhờ vào toán học. Được sự bảo trợ của Viện Đại Học Washington và Relationship Research Institute, ông đã nghiên cứu trên 600 cặp vợ chồng trong vòng 20 năm qua dựa vào sự tương tác giữa hai người rồi lập thành công thức cho biết cuộc hôn nhân của họ sẽ xuôi chèo mát mái hay gặp giông tố bão bùng. Yếu tố chủ chốt trong cuộc nghiên cứu này là dựa vào cách giải quyết những sự khác biệt giữa hai người. Để thu thập dữ kiện, nhóm nghiên cứu đã coi những cuốn băng thu hình những cuộc phỏng vấn của các cố vấn hôn nhân và ghi nhận những đối xử hỗ tương giữa người vợ và người chồng, từ cách nói, lời nói đến điệu bộ, vẻ mặt. Sự giận dữ, cứng cỏi, nóng nảy, ghét bỏ... được cho điểm âm. Thái độ vui vẻ, khôi hài, dí dỏm, yêu thương tỏ bầy trong cách nói được cho điểm dương. Đưa những điểm âm và dương này vào một biểu đồ sẽ có được một đường biểu diễn dưới hoặc trên một đường chuẩn. Dựa vào sự lên xuống của đường biểu diễn, nhóm nghiên cứu có thể tiên đoán được thời gian bền vững của cuộc hôn nhân. Họ cũng đã theo dõi và kiểm chứng trong nhiều năm để xác nhận kết quả. Phương pháp này đã tỏ ra rất chính xác, đúng tới cả từng chặng thời gian đã được tiên đoán trước!

Một công thức khác rất dễ kiểm chứng là hạnh phúc chồng vợ là tổng hợp của tình yêu và tình dục. Chẳng cần phải là nhà nghiên cứu hay nhà toán học, chỉ với  một suy đoán thông thường, chúng ta cũng phải gật đầu công nhận. Hai thứ tình đó như hai chân trên thân thể con người, nó giữ cho tình vợ chồng vững vàng. Tình dục là thân xác và tình yêu là linh hồn. Thân xác là thứ cụ thể, sờ mó được nên thường có khuynh hướng lấn sân hơn. Không có nó, phiền hà phải biết!

Một cô gái xinh đẹp vừa kết duyên với một nhà kinh doanh cỡ bự. Cô bạn gái gặp cô đon đả hỏi:
“Chúc mừng bồ! Số bồ hên thật!”
“Tưởng vậy mà không phải vậy đâu, bồ ơi! Ông ấy mất ... khả năng rồi!”
“Thật hay giỡn đấy? Thế trước khi cưới ông ấy không nói gì với bồ à?”
“Có chứ! Ông ấy có nói một điều gì đó có chữ bất động, nhưng tớ cứ tưởng là ông ấy nói về... bất động sản!”

Vợ chồng chỉ đứng có một chân, té chết! Nếu chỉ cần một cái gối ôm thì ngoài tiệm thiếu gì. Rất êm ái, mềm mại, đúng tầm cỡ lại không biết... ngáy! Một ông chồng tối tối trên giường chỉ vui thú với tiếng ngáy thì rất nản.

Người đàn bà đứng trước gương ngắm nhìn và tỏ vẻ hài lòng vì chiếc áo lông thú mới mua, thì cậu con trai đi học về.
“Đẹp quá! Có phải ba mua cho mẹ cái áo này không?”
Bà mẹ bĩu môi:
“Ba nào mua? Cứ chờ ba mày thì đến cả mày cũng chẳng có nữa là áo!”

Vợ chồng như đôi giầy cũ, càng quen chân đi càng êm. Êm chân, cũng được đi, nhưng tại sao đi qua cửa hàng giầy dép, thấy đôi giầy kiểu mới, vẫn thấy thích? Ấy, chỉ một cái thích nho nhỏ là thích mang giầy mới, thế mà cũng ra chuyện.

Anh chồng “buôn bán” vui quá, đến ngày hẹn không muốn về, mail cho vợ: “Chưa về được! Còn đang mua mấy thứ”
Bà vợ thấy vậy liền mail lại ngay lập tức: “Về gấp! Sắp bán cái đang mua!”

Cơm nhà quà vợ, yên tĩnh biết mấy. Nhiều anh chồng ưa hoạt động thể dục lại không thích ngồi yên bình ở nhà. Lâu lâu phải đổi món. Ăn cơm chán thỉnh thoảng cũng phải đi ăn phở. Nhiều khi chưa tới tiệm phở đã ngửi thấy mùi phở!

Ông chồng xem chương trình trượt băng nghệ thuật trên TV, bỗng buột miệng khen:
“Chà! Cô này trẻ lâu thật! Mấy năm rồi trông chẳng thay đổi chút xíu nào.”
Bà vợ bực mình:
“Thì thịt để trên đá lạnh bao giờ chẳng tươi lâu hơn!”

Nhiều ông, giầy thì vẫn xỏ chân vào giầy cũ, nhưng đầu thì đang lâng lâng diện giầy mới. Chán cơm, vẫn cứ ăn cơm, nhưng tâm hồn thì ăn phở. Ăn phở... hàm thụ như vậy cũng là một trò... tự giải phóng!

Bà vợ mắc chứng đau đầu kinh niên, được bạn bè giới thiệu tới một nhà thôi miên để chữa bệnh. Bệnh hết, bà vui mừng bảo chồng:
“Anh có biết là em hết nhức đầu rồi không? Bao nhiêu năm khốn khổ, bây giờ được giải thoát, nhẹ cả người!”
“Em đi bác sĩ nào vậy?”
“ Chẳng có bác sĩ nào cả. Em tới một nhà thôi miên, ông ấy bảo em đứng trước gương, tập trung nhìn vào hình ảnh của mình trong đó và nhắc đi nhắc lại câu “Tôi không bị đau đầu! Tôi không bị đau đầu! Tôi không bị đau đầu!” Thế là hết.”
“Tài tình nhỉ?”
Cô vợ đỏ mặt rụt rè nói:
“Này anh! Hồi này em thấy anh không nóng bỏng với em trên giường như hồi mới lấy nhau. Hay anh thử tới nhà thôi miên xem ông ấy có phương cách nào hâm nóng anh lên lại được không?”
Người chồng đồng ý. Sau cuộc điều trị với nhà thôi miên, trở về nhà, anh bế bổng vợ đưa vào phòng ngủ, đặt lên giường, cởi quần áo cho vợ và bảo:
“Em cứ nằm yên như thế nhé! Anh trở lại ngay.”
Anh chạy vội vào phòng tắm, rồi trở lại, ân ái cuồng nhiệt với vợ. Cô vợ sung sướng thì thào:
“Mình thật tuyệt vời! Em hạnh phúc quá, mình ơi!”
Anh chồng hôn vợ:
“Em cứ nằm yên đó nhé, anh sẽ trở lại tức thì.”
Anh ta lại chạy vào phòng tắm, vài phút sau trở lại, ân ái như vũ bão với vợ. Cô vợ rên rỉ:
“Thật là em nằm mơ cũng không thể thấy anh như vậy được.”
Anh chồng hăng hái, trước khi chạy vào phòng tắm, lại dặn vợ:
“Em chờ anh nhé, anh trở lại ngay!”
Lần này, khi anh ta đi vào phòng tắm, cô vợ lẻn đi theo và qua lỗ khóa cửa thấy ông chồng đang phùng mang trợn má trước tấm gương: “Cô ta không phải vợ tôi! Cô ta không phải vợ tôi! Cô ta không phải vợ tôi!”

Thời đại chúng ta đang sống, chiếc chân tình dục của hôn nhân được xoa bóp nhiều hơn nên vạm vỡ hơn, lấn át chiếc chân tình yêu. Màn ảnh, truyền hình, sân khấu, quảng cáo, báo chí, sách vở... đều là những anh thợ xoa bóp lành nghề và mẫn cán. Chúng thi nhau đập vào mắt, vào tai, vào đầu chúng ta những điều nóng bỏng làm sục sôi cái nửa ma quỷ của cây sậy người.

Trong giờ văn học, giáo sư hỏi một sinh viên:
“Anh hãy cho biết làm thế nào để phân biệt được một tác phẩm văn học cổ điển với một tác phẩm văn học hiện đại?”
“Thưa thầy, trong tác phẩm văn học cổ điển ta chỉ thấy được nụ hôn của nhân vật chính từ trang 99 trở đi, còn trong tác phẩm văn học hiện đại thì họ đã có con với nhau ngay ở trang đầu!”

Đời sống bây giờ cứ đục ngầu lên. Đời đục thì ta cũng đục, chuyện chẳng có gì đáng nói. Đời đục mà ta trong, đó mới là điều đáng quý. Nhiều người trong chúng ta vẫn biết ngâm mình sảng khoái trong cái ấm áp của tình vợ chồng.

trộn chút tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau
(Luân Hoán)

Tình chồng vợ, nó là món quà quý giá của cuộc sống dành cho những ai biết trân quý nó. Hai cụ Ted và Brenda Beament, cư dân của thủ đô Ottawa của Canada, đã chồng vợ với nhau trong suốt 63 năm qua. Họ hạnh phúc bên nhau trong hơn sáu thập niên, không bao giờ rời xa nhau. Ted là một chiến binh trong quân đội Canada, có mặt trong ngày lịch sử D-day trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông gặp Brenda vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1940 ở Anh. Ngay ngày hôm sau, ông cầu hôn và hai tháng sau lễ cưới được tổ chức một cách đơn giản. Cuộc sống lứa đôi của họ cũng đơn giản: họ chỉ biết có nhau! Bốn tháng trước đây, vì quá yếu, họ đành phải vào nhà già. Hai người ở hai nhà già khác nhau. Trong bốn tháng, họ bị dằn vặt chịu không nổi với sự xa cách, họ cố gắng tìm cách để lại được ở gần nhau. Cuối cùng họ cũng được toại nguyện khi nhà già Perley and Rideau Veterans’ Health Center, một nhà già dành cho các cựu chiến binh, nơi cụ ông Ted đang ở, đồng ý cấp một giường cho cụ bà Brenda. Khi bà ngồi trên xe lăn vào phòng ông, bà tươi cười chào Hello darling! Bà cụ 90 tuổi nói với các phóng viên: “Càng biết một người đáng yêu lâu chừng nào, người ta càng nhớ chừng nấy!” Cụ ông Ted Beament thêm vào: “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là được sống bên nhau!”

Tuổi già, tưởng như đã mòn mỏi với cuộc sống, vẫn sáng lên thứ tình yêu được thời gian tôi luyện thành kim cương, vàng ròng.

Hai vợ chồng già tổ chức lễ cưới vàng cho cuộc sống vợ chồng êm đẹp của họ. Chỉ có hai người và tình yêu. Giữa bữa tiệc, men tình say đắm lại nổi lên như ngày mới yêu nhau, hai người từ từ trút bỏ y phục trên người.
Bà vợ thầm thì:
“Mình ơi! Em lại thấy bầu ngực nóng ran chờ đón mình như ngày hai đứa mới cưới nhau!”
Ông chồng mỉm cười:
“Không nóng làm sao được! Một bên ở trong bát súp, một bên ở trong tách cà phê!”

04/2004