Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

MẬP

Thập niên 60, trên tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của nhà văn Nhất Linh, có đăng truyện dài nhiều kỳ Gia Đình Tôi của nhà văn Duy Lam. Truyện rất hấp dẫn, vui, với những nhân vật có những nét riêng trong một không khí gia đình thoải mái, biết cười cợt vui đùa. Người bị “cười cợt” nhiều nhất là nhân vật bà mẹ với cái tội “chiếm nhiều chỗ quá”. Bà có da có thịt, thể tích hơi nhiều nên chiếm một không gian nhiều hơn các thành viên khác trong gia đình, làm bia nhắm cho bày con thích đùa giỡn.

Ở Việt Nam chúng ta, người có da có thịt không nhiều, người mập cũng không nhiều, người phì lại càng ít hơn nữa. Những người mập thường là những người được...chiêm ngưỡng với vẻ ganh tị rõ ràng. Trong một đất nước nghèo khó, con người cũng... nghèo khó. Da và xương nhiều hơn thịt và mỡ. Nên những người có nhiều thịt hơn một chút thường là những người... hơn người. Hơn về sức nặng đã đành, còn hơn về ...địa vị trong mắt của những người chung quanh. Có lẽ vì được nể nang nên những người mát da mát thịt thường là những người vui tính, dễ có những tiếng cười hể hả.

Mập mạp một chút là ước mơ của nhiều người. Bà bác tôi tuy không thuộc vào loại gầy ốm nhưng vẫn cứ muốn nặng thêm ít ký. Bà nghĩ là mập mới khỏe. Và, như nhiều người khác, bà bị cuốn hút vào phong trào uống thuốc “hạt dưa” cortisone hồi đó. Viên thuốc nhỏ bé có hình dáng giống như hạt dưa ngày tết là... cứu tinh của bà bác tôi. Can ngăn thế nào bà cũng lắc đầu. Cứ uống. Chán vạn người uống, cứ gì tao, mà có sao đâu! Bà và mọi người khác không thể hiểu được hay cố tình không hiểu là chất cortisone có tính chất giữ nước trong người, làm mục xương, chỉ cho cái vẻ mập mạp giả tạo như một người bị bệnh phù thủng. Cái hại về lâu về dài của xương cốt mục nát, họ làm lơ không thèm nghĩ tới!

Mập đi sóng đôi với yêu đời, vui vẻ. Nhưng cũng có những người mập ít ưa được. Như nhân vật Tú Bà trong truyện Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du chẳng hạn.

Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao!

Hoặc như mụ “nặc nô kiểm duyệt”. Hồi chiến tranh, ở Việt Nam có chế độ kiểm duyệt. Báo chí các loại, trước khi phát hành, phải nạp bản tại Bộ Thông Tin để chịu kiểm duyệt. Chỗ nào chính quyền xét thấy có hại, không ưa cho phổ biến, thì “đục” đi. Chỗ bị đục hất đi những con chữ sẽ để trắng. Nhiều bài lỗ chỗ chỗ đen chỗ trắng như cóc gậm coi rất thiếu thẩm mỹ. Nhà báo tương kế tựu kế, chỗ nào bị kiểm duyệt là trám vào một tấm hình khá sinh động. Hình vẽ một mụ già mập mạp, trông rất sớn sác, tóc vấn trần có tí đuôi gà vểnh lên, mặt gân guốc như sắp phải đánh lộn, tay cầm chiếc kéo to tổ bố, hai cẳng xoạc ra trong thế chạy hung hăng. Đó là dung nhan của “bà già kiểm duyệt” rất khó ưa.

Mập, đối với dân Việt Nam ta, không phải là một mối lo, mà là một ước vọng. Nó đồng nghĩa với khỏe mạnh và vui vẻ. Sang đến Bắc Mỹ, ước vọng này hình như ai cũng đạt được cả. Cuối thập niên 60, anh bạn tôi được học bổng USAID sang du học ở Mỹ. Hai tuần lễ đầu, trước khi được phân phối đi các Đại Học tại nhiều tiểu bang khác nhau, các sinh viên du học được dự một khóa hướng dẫn tổng quát về nước Mỹ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong một buổi hướng dẫn, một hướng dẫn viên nói đại khái là, sau ba năm du học, không chắc mọi người đều đạt được kết quả là ôm mảnh bằng về nước, nhưng có một điều chắc chắn là mỗi người sẽ nặng thêm được khoảng 15 pounds! Anh bạn tôi, vốn có bầu máu nóng, đứng phắt dậy phản đối hướng dẫn viên đã có những lời nói khinh miệt sinh viên các nước nhược tiểu. Anh bị kỷ luật tức khắc: trả về Việt Nam! Về Việt Nam, căm thù Mỹ, anh bí mật hoạt động cho Việt Cộng trong công tác nội thành. Sau 75, anh mới lộ diện.

Từ một câu nói liên quan tới cân kéo mà anh bạn tôi phản ứng nhảy sang tới bên kia lằn ranh. Có quá đáng chăng? Sự tức giận, nhất là tức giận vì bị khinh miệt, thường có sức đẩy mạnh mẽ lắm nếu chúng ta không tự kiểm soát được. Cũng như mập phì chỉ là hậu quả của sự thiếu kiểm soát đường vào của thực phẩm.

Tại sao mập? Bác sĩ chuyên về tim mạch Colin Rose ở Montréal vạch mặt chỉ tên thủ phạm: chất béo, thực phẩm biến chế và ăn uống không kiểm soát. Những viên thuốc làm giảm cholesterol lại khiến cho người ta ỷ lại vào thuốc, thoải mái ăn uống, cũng là một nguyên nhân. Nhiều người nghĩ rằng đã uống thuốc rồi thì lo chi, cứ việc ăn thả giàn. Vì vậy nên thuốc được tung ra thị trường vào cuối thập niên 80 thì đầu thập niên 90 bệnh mập phì... phì ra rõ ràng!

Thế nào là mập? Lấy tầm vóc cao trung bình của người Việt Nam là 1 thước 60 đi nhé. Với chiều cao đó, nếu cân nặng từ 54 ký đến 60 ký rưỡi là bình thường, từ 60 ký rưỡi đến 81 ký là mập, từ 81 ký đến 148 ký rưỡi là phì, trên đó là... đại phì! Tại Canada, khoảng một nửa dân số là mập và phì!

Dân Việt Nam ta, sống ở Bắc Mỹ, hầu như người nào cũng có khuynh hướng... phình ra. Nếu cứ lui tới thăm các ông McDonald’s, Burger King, Harvey’s đều đều là bảo đảm sẽ... phì da!

Trong một chung cư có đông đảo dân Việt Nam cư ngụ, một bà chạy sang mách bà hàng xóm.
“Bà Hai này, con trai bà gọi tôi là “con bò cái già” đấy. Bà phải dậy dỗ con bà chứ!”
Bà hàng xóm suýt soa.
“Chết thật! Em đã bảo cháu hàng trăm lần là không được đánh giá con người qua hình thức bên ngoài rồi đấy chứ!”

Tuổi nào hay bị mập phì? Mập phì không đợi tuổi. Trong một cuộc nghiên cứu trên 177 ngàn trẻ em trong thời gian từ năm 1988 đến 1992, được phổ biến trên tạp chí Nhi Khoa ở Mỹ, người ta thấy  các em chỉ được bú sữa mẹ dưới 1 tháng hoặc bú bình từ lúc mới sinh dễ có trọng lượng trên trung bình ngay từ lúc mới 4 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trẻ bú mẹ có vẻ biết tự kiểm soát để ngưng bú, trong khi trẻ bú bình thường bị khuyến khích bú hết chai. Theo bác sĩ Laurence Grummer-Strwan, trẻ bú sữa mẹ có thể thay đổi chế độ ẩm thực có thêm rau quả dễ dàng hơn. Ngoài ra, ông cũng cho biết là , so với sữa mẹ, sữa bình kích thích insulin mạnh hơn, đưa tới việc tích tụ mỡ sớm hơn. Cũng theo bảng nghiên cứu này thì 14,5% trẻ em không được bú sữa mẹ trở thành mập phì trong khi trẻ em được bú sữa mẹ khoảng 1 năm trở lên chỉ có 7% vượt thể trạng trung bình thôi. Vậy mà, năm 2001, chỉ có 32% phụ nữ Mỹ cho con bú quá 6 tháng!

Trong lứa tuổi teen, theo bảng thống kê do Viện Thống Kê Canada phổ biến tháng 11/2003, thì 6% trẻ nam và 3% trẻ nữ ở Canada bị phì. Trẻ em Mỹ... nặng ký hơn. Theo báo cáo của tổ chức Kaiser Family Foundation thì 15,3% các trẻ em tuổi từ 6 đến 11 đã bị ghi vào danh sách quá béo trong năm 1999-2000, so với 4,2% của khoảng thời gian 1963-1970. Tội về ai? Cũng theo tổ chức này thì tội ở những quảng cáo các thứ kẹo, thức ăn ngọt làm từ ngũ cốc và fast food trên truyền hình. Con số các quảng cáo loại này trên truyền hình đã tăng gấp đôi, từ 20 ngàn lên 40 ngàn, trong vòng ba thập niên. Đứa cháu tôi, cứ mỗi lần thấy quảng cáo của McDonald’s tặng quà trên truyền hình là đòi đi cho được. Mà quà tặng lại có từng bộ gồm nhiều kiểu khác nhau. Muốn có đủ phải ăn thường xuyên, ăn tới phát ngán, để lấy quà. Nhiều khi bố mẹ phải ăn dùm để chống mập cho con!

Về người lớn, theo phúc trình hàng năm của Canadian Heart and Stroke Foundation, chi nhánh Québec, thì 47% dân Canada bị mập và 15% bị phì.

Một anh bạn rượu có máu tếu của tôi, mặt đỏ gay, dấp dính hỏi.
“Toa thấy sao? Mình đang ở trong cái xứ sở “nặng” đến như vậy, có nguy cơ phần trái đất này bị quá tải sa xuống thấp hơn làm mình rớt mất tiêu được không?”
Thấy giọng nói lưu linh nồng nặc của anh, tôi chọt nhẹ.
“Toa phải coi chừng trước. Nắm chặt lấy mép bàn kẻo toa rớt trước thiên hạ bây giờ!”

Giỡn chơi vậy thôi chứ mập phì không phải chuyện giỡn đâu! Nó đẻ ra nhiều vấn đề về sức khỏe mà nổi cộm nhất là hai bệnh tim mạch và tiểu đường.

Từ trước tới giờ, thuốc lá là nguyên nhân số một của bệnh tim mạch. Ngày nay, hút thuốc lá bị xua đuổi như dịch tà, số người hút đã giảm đi, chất béo vượt lên đứng hàng đầu.

Mập và phì dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 vì tụy tạng không sản xuất đủ insulin để đáng gục glucose. Dần dà, chất glucose thặng dư trong máu làm tổn hại mạch máu gây ra bệnh tim, đột trụy, mù lòa, đau thận và hủy hoại tứ chi!
Làm sao để tránh mập phì? Có 2 cách chính: kiểm soát ăn uống và vận động.

Không nên chơi với các ông nhiều chất béo như ông McDonalds chẳng hạn. Chuyên gia dinh dưỡng Roxane Guindon ở Canada khuyến khích. “Nếu bạn muốn ăn một đĩa salad loại lớn hơn là ăn một bịch khoai chiên thì rất tốt và nó chẳng làm tốn kém thêm cho bạn”.

Cộng đồng thổ dân Cree ở Québec mới la hoảng lên là 60% con em họ từ 6 đến 12 tuổi bị mập và phì. Nguyên nhân được vạch mặt chỉ tên liền: các đồ ăn có chất béo. Họ liền mời một đầu bếp nổi tiếng Québec đến để làm thay đổi cách ăn uống cho trẻ em và ngay cả người lớn trong cộng đồng 14 ngàn người này. Ông đầu bếp được mời là một người Việt Nam, ông Hop Lam Dao ( Đào Hợp Lâm hay Đào Lâm Hợp?). Ông là 1 trong số 10 đầu bếp ở Québec đã chiếm giải Chef Santé năm 2000. Tới Canada vào năm 1978 như một thuyền nhân, ông đầu bếp 49 tuổi này đã tổ chức những lớp dậy nấu nướng vào ban đêm, thăm viếng, chỉ dẫn cho các nhà hàng trong vùng, giới thiệu những món ăn tốt cho sức khỏe... Phải mất 4 năm bôn ba khắp vùng James Bay, ông mới được dân chúng chấp nhận, chịu thay đổi cách ăn uống từ thịt qua rau và các chất bổ dưỡng khác. Món được dân Cree chấp nhận nhanh chóng và thú vị nhất là món cuốn. Món cuốn bằng bún, rau, thơm và tàu hũ trong bánh tráng làm say mê dân Cree cả trẻ lẫn già. Ngược lại, ông Đào cũng bị say mê vì tính hiếu khách của dân Cree đối với riêng ông. Ông cười nói: “Buổi đầu tới đây, tôi đã yêu mến họ. Giống như tôi đã được sinh ra ở đây vậy”. Chắc ông đầu bếp tài danh này đang chứng minh thuyết của nhà văn Trà Lũ là thổ dân ở Bắc Mỹ này đích thị là con cháu của 50 đứa con lạc lõng ra biển của mẹ Âu Cơ!

Cũng tại cộng đồng người Cree này, các phương tiện luyện tập thể dục được trang bị cho dân chúng có nơi tới bỏ rơi những kí thịt thừa thãi. Chính quyền cho thiết lập 1 sân quần vợt, 1 phòng chơi bowling và một bể bơi. Khách lui tới vắng như chùa Bà Đanh! Chẳng ai thèm tập tành gì cả. Không nản chí, họ tạm lùi một bước: khuyến khích dân chúng chịu khó hoạt động nhẹ như đi bộ, làm vườn, quét dọn quanh nhà... Dù sao có vận động chút đỉnh còn hơn không!

Dân Cree lười vận động nhưng chính sự vận động là một phương cách hữu hiệu chống mập phì.

Một cô còn trẻ mà người tròn trĩnh như chiếc lu. Cô rất khổ sở vì thân hình sổ sữa nên đi khám thật nhiều bác sĩ. Một bữa, cô hỏi ông bác sĩ thứ ba trong ngày.
“Thưa bác sĩ, tôi đã đi hai ông bác sĩ, một ông khuyên tôi nên đi bộ nhiều, còn một ông thì bảo tôi nên đi bơi ở biển, theo bác sĩ, tôi nên làm theo ai?”
“Cô nên nghe lời cả hai, đi bộ đến bãi biển để bơi!”

Ích lợi của sự vận động đã rõ như ban ngày. Cứ chảy mồ hôi là mỡ cũng chảy theo! Còn cứ tì tì hết tập phim bộ này đến tập phim bộ khác, hết game này đến game khác, internet mê mệt ngày đêm, người cứ dính vào màn ảnh ti vi hoặc computer, thì mỡ cũng cứ từ từ lấn chiếm cơ thể. Ai cũng biết vậy, nhưng không phải ai cũng làm được.

Một bà đòi chồng lắp cho hệ thống nước nóng trong hồ bơi để bà bơi chống mập phì. Ông chồng không muốn tốn tiền, lý lẽ.
“Bà thấy con cá voi ngày nào nó cũng bơi mà có ốm đi tí chút nào đâu!”

Ông chồng này chắc có trí khôn không được bằng loài cá voi, mà bằng loài voi!

Hai chú voi đang ăn lá cây, thấy một ả ngựa vằn đi qua, liền ngắm nhìn và nói.
“Đúng là mốt làm người ta ốm đi và đẹp ra, cậu ạ.”
“Vì sao cậu lại nói như vậy?”
“Thì cậu nhìn đấy, dùng đồ kẻ sọc, trông cô ta thon thả hơn hẳn, đâu có ô dề như tụi mình!”

02/2004