Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

CHÓ

Trong quán nhậu, khách gọi anh bồi:
“Anh ơi, cho hai đĩa thịt dê nhé!”

Cùng lúc đó, một ông khách mới vào quán kêu:
“Cho tôi hai đĩa thịt chó!”

Anh bồi hướng vào bếp la lớn:
“Hai dê ăn thêm, hai chó mới vào!”

Anh bồi không có ý hỗn. Anh chỉ muốn giản tiện công việc bằng cách hà tiện được lời nói nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa làm cho anh bếp hiểu được. Nhưng không phải anh không có lý. Bởi vì một cuộc khảo sát mới đây của Viện Đại Học California ở San Diego cũng “đồng hóa” chó với người!

Nếu chúng ta có óc quan sát, mỗi khi ra đường hay dạo chơi trong công viên, chúng ta sẽ thấy những người dắt chó và chó có điểm giống nhau. Trong số báo tháng 5 vừa qua của chuyên san Psychological Science, Michael M. Roy và Nicholas J. S. Christenfeld của Viện Đại Học California ở San Diego đã cho biết là người ta cho rằng chó và chủ của nó có những điểm giống nhau rất nổi bật. Hai nhà nghiên cứu thử làm một cuộc khảo sát bằng cách chụp hình 45 con chó và chủ của chúng, thu thập chi tiết về giống chó và thời gian chó ở với chủ. Sau đó, họ cho 28 sinh viên ghép cặp chó và chủ bằng cách quan sát những điểm giống nhau giữa chó và người. Từ nghiên cứu này, hai tác giả đã kết luận là khi người ta chọn một con chó để nuôi, cũng như khi người ta chọn vợ hoặc chồng, người ta chọn một sinh vật có những điểm tương đồng với mình!

Một chàng nghiện rượu than phiền với bác sĩ:
“Cứ mỗi sáng tôi mở tủ lạnh là lại thấy có một con chó nhìn chằm chằm vào mình.”
Bác sĩ gật gù rồi khuyên:
“Uống ít đi và chuyển gương từ tủ lạnh sang chỗ khác nhé!”

Để tránh tình trạng khá phiền phức này, tôi phải nói ngay là tôi không thích chó. Chẳng phải vì từ khi di tản qua Canada, thấy chó được những em đầm thơm như múi mít ôm ấp, cho ngủ chung giường, tôi mới ghét chó. Chẳng lẽ lại ghen với chó! Mà là vì hồi nhỏ tôi đã từng bị những chú cẩu đớp vào chân. Lần tôi nhớ nhất là lần bị chó của bà thím họ sơi tái. Bà thím tôi là người giầu có, nuôi một chú chó berger to như con bò, cao tới ngang vai tôi, nghe nói cho ăn toàn thịt bò! Khi tôi được mẹ sai tới nhà bà thím, tôi run run bấm chuông điện. Đằng sau cánh cửa sắt kiên cố, tiếng chó sủa đã làm tôi muốn bỏ về. Cánh cửa nặng nề được bà người làm kéo ra, tôi rụt rè không dám vào. Bà phải trấn an tôi và đuổi chó đi. Tôi vừa bước chân vào, chú cẩu đã lừa được bà người làm một cú ngoạn mục, đớp vào đùi tôi một phát ngọt sớt. Nghe tiếng la của bà người làm, bà thím tôi mới khệnh khạng bước ra, kéo tôi vào, lấy thuốc đỏ xức vào mấy vết răng chó đã rỉ máu. Khi tôi chào ra về, bà dúi vào tay tôi mấy viên kẹo hạnh nhân... Tây và dặn tôi đừng nói với ai!

Tôi vẫn còn may hơn bác Lê trong truyện ngắn Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam. Bác Lê nghèo nhưng rất giầu con. Tới 11 đứa lận, đứa lớn nhất mới 17 tuổi, đứa bé nhất còn phải bế trên tay. Nghèo và giầu chênh lệch nhau dữ như vậy nên nhà bác đói triền miên là điều... hợp lý! Bác thương bày con đói nên tới nhà ông Bá giầu nhất làng xin gạo mặc dù cậu Phúc, con trai ông Bá, đã dọa là sẽ thả chó ra đuổi.

“Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ chảy ròng ròng.
Thằng Lê hiểu ngay mẹ nó bị chó ông Bá cắn. Bác Đối đặt người bị thương xuống chiếu rồi ra đi, sau khi dặn:
- Bây giờ bác lấy lá lốt mà rịt cho nó cầm máu. Chó Tây cắn thì độc lắm đấy.
Khi bác đi khỏi, lũ trẻ xúm quanh lấy mẹ. Thằng Hi vừa mếu máo vừa hỏi:
- U làm sao thế u?
Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:
- Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi, lại còn thả chó ra đuổi; tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao gờ mới lê được về đến nhà.
Bác ngừng lại nhìn đàn con ốm yếu, rồi thở dài:
- Thế là mẹ con biết lấy gì mà ăn cho đỡ đói bây giờ?”

Đêm ấy bác Lê lên cơn sốt, rồi mê sảng. Hai hôm sau bác chết!

Chó, nhất là chó tây, dễ ghét như vậy nên nhiều người không thích chó. Chó, vẫn là thứ đi bốn chân, có tắm rửa tới đâu đi chăng nữa vẫn có mùi... chó!

Từ trên xe, hai vợ chồng nhìn thấy một con chó bị thương nằm bên đường. Họ dừng lại, cô vợ ôm nó vào trong xe và nói:
“Anh nhìn này, nó run lẩy bẩy vì lạnh. Em phải làm sao bây giờ?”
“Ủ nó vào giữa hai chân ấy.”
“Nhưng mà hôi lắm!”
“Bịt mũi nó lại!”

Mùi chó còn là mùi... ác nữa! Trong xì căng đan về vụ hành hạ tội nhân tại khám đường Abu Ghraib ở Iraq, chó cũng có dự phần vào. Các chú quân khuyển đã được mang tới để dọa tù nhân. Trung sĩ quân khuyển Michael Smith khai là được lệnh mang chó tới địa điểm thẩm vấn tù nhân để trắc nghiệm thử xem chó trận có khả năng hù tù nhân đến... đái ra quần như thế nào. Trung sĩ Smith cho biết là có lúc được lệnh cho chó trận sủa cách người tù hoảng kinh chỉ có 15 phân! Như vậy, chó ác hay là người ác?

Chó vẫn thường được coi như một con vật trung thành và dễ thân thiết với chủ nhất. Ở bên xứ sở tạm dung này, người thương thương chó thì nhiều. Ghét chó như tôi thường vẫn bị dè bỉu là... thiếu văn minh! Cứ thử đi vòng vòng trong một shopping center là biết liền. Thấy bóng một chú chó là mọi người, nhất là các bà các cô, xúm vào ve vuốt đùa giỡn. Trông thật... ngứa mắt! Nhiều người còn thương chó hơn thương con. Một ông bạn tôi mới quen biết đã luôn miệng nói về cậu ấm của ông mà ông thương mến gọi bằng... cậu. Ông tán tụng cậu về đủ mọi điều làm tôi ngạc nhiên. Có ai lại thương con đến mê muội như vậy? Nhưng thôi, thương con là quyền của ông ấy, lấy lẽ chi mà phê phán? Khi tình cờ nói tới chuyện gia đình, tôi mới hỏi về số con của ông, ông ngẩn ngơ. Không, tôi có cháu nào đâu! Cậu là chú... cẩu của ông! Cứ tưởng tượng nếu ông bạn tôi mất chó!

Một người đàn ông đến bót cảnh sát:
“Thưa ông thanh tra, tôi xin trình báo là vợ tôi mất tích. Cách đây một tuần, cô ấy dắt chó đi dạo và không thấy về.”
“Ông có thể tả qua vợ ông được không?”
“Cô ấy tóc vàng, mà không hình như tóc đỏ. Không cao lắm, nhưng hình như cũng không phải thấp. Mắt cô ấy mầu xanh lơ, xanh lá cây thì đúng hơn.”
“Thôi được rồi, thế con chó của ông giống gì, có to không?”
Người đàn ông nói một mạch không ngừng nghỉ:
“À, giống Bri. Nó cao 65 phân, lông mày hung nhạt, mũi đen, mắt mầu hạt dẻ sẫm, có một vết sẹo nhỏ dưới cằm, nó có đeo một miếng thẻ số ZA 3823976.”

Thường khi đi lạc chó biết đường về. Chó vốn là một con vật thông minh. Nó hiểu được tiếng người. Nhưng hiểu được tới đâu? Chú chó Rico, loại border collie, 9 tuổi, ở Berlin, Đức, được coi là... thần đồng! Tập san Science đã “phỏng vấn” và có bài về chú chó giống canine này trong số mới xuất bản. Chú có thể hiểu được nghĩa của 200 từ. Người ta đã thử sai chú bỏ đồ chơi vào trong hộp rồi mang tới cho một người nào đó, chú hiểu và thi hành đúng. Khi đưa cho chú một món đồ chơi, nói tên đồ chơi, chú nhớ được. Một tháng sau, mặc dù chỉ được nghe tên món đồ chơi đó có một lần, chú vẫn lấy ra đúng được món đó khi được sai bảo. Julia Fischer, thuộc Viện Max Planck về tiến hóa nhân chủng, người đã làm thí nghiệm với chú chó Rico, đã cho rằng chó có khả năng học hỏi và suy luận, khả năng mà từ trước tới nay người ta cho là chỉ có ở con người. Trong một thử nghiệm khác, Rico đã được chủ sai vào bếp lấy ra một món đồ, chú đã lấy đúng tới 37 trên 40 lần! Người ta còn thử tài Rico bằng cách để một món đồ hoàn toàn mới lẫn vào trong 7 món đồ Rico đã biết, rồi nói tên món đồ mới để sai chú lấy ra, cái tên Rico hoàn toàn chưa nghe thấy bao giờ. Vậy mà trong 10 lần thử nghiệm, chú đã lấy ra đúng tới 7 lần. Các nhà nghiên cứu đã giả thiết là Rico đã biết suy luận, giống như con nít, rằng những cái tên mới ám chỉ những món đồ mà chú chưa biết tên. Để thử trí nhớ của Rico, người ta không cho chú thấy và không nhắc tới tên những món đồ mới ấy trong một tháng, rồi đặt 4 món đồ mới đó lẫn lộn với 4 món đồ chú đã quen thuộc, bảo chú lấy ra. Trong 6 lần thí nghiệm, chú đã làm đúng tới 3 lần. Thành tích 50% đúng này tương đương với trí thông minh của một đứa trẻ 3 tuổi! Paul Bloom, một tâm lý gia chuyên về môn phát triển tâm lý của Đại Học Yale đã nhận xét là trí thông minh của Rico thật đáng chú ý nhưng cũng vạch rõ rằng Rico chỉ hiểu được 200 từ trong khi một đứa trẻ 9 tuổi, cùng tuổi với Rico, hiểu được hàng chục ngàn từ và mỗi ngày có thể học thêm được 10 từ mới. Ngoài ra, Rico đâu có nói được! Stanley Coren, một tâm lý gia của Viện Đại Học British Columbia, đã cho biết loại chó border collie vẫn được coi là lanh nhất trong giống chó canine. Lanh hiểu theo nghĩa là học và làm theo những huấn lệnh của chủ. Sau giống canine là các loại giống poodle, sheepdog, Labrador, papillon, rottweiler, và chó chăn nuôi ở Úc.

Gần nhà tôi là một gia đình gồm hai vợ chồng mù. Ra đường, mắt của họ là hai chú chó. Tôi mù tịt về chó nên chẳng biết chúng thuộc giống gì nhưng đó là một loại chó được huấn luyện để chuyên dắt người mù. Tôi đã có lần tò mò đi theo xem chú chó... làm ăn ra sao. Chú thành thạo dẫn người khiếm thị tránh những chỗ đường mấp mô, ướt át, nhìn trước nhìn sau khi dẫn chủ qua đường, dắt lên xe buýt, xuống métro. Khi đã lên xe thì nằm phủ phục bên dưới chân chủ, không phá phách, không gầm gừ với người lạ. Mỗi buổi sáng, chồng một con chó, vợ một con chó, dẫn ra đường cho làm vệ sinh. Họ cầm một đầu dây xích, quay vòng tròn cho chú chó xoay quanh theo một vòng tròn tưởng tượng, miệng gọi tên chó, cho tới khi con chó đứng lại, xả đồ thừa. Người chủ mù, không biết bằng cách nào, do xúc giác hay khứu giác, biết ngay là chú chó đã... hoàn tất nhiệm vụ, vội rút chiếc bao nhựa từ trong túi ra, cúi xuống thu lượm “thành quả” một cách chính xác và gọn gàng!

Chó như vậy mới là... chó. Chúng có một tấm lòng. Julia McNicholas, tâm lý gia người Anh, thuộc Đại Học Warwick, trong một buổi thuyết trình tại Royal College of Nursing, đã đề nghị là các bác sĩ phải kê đơn mua thú vật cho người già và người bệnh vì thú vật đã chứng tỏ được khả năng làm giảm huyết áp cao, tránh được sự buồn chán và trầm uất, cũng như có thể cứu được mạng sống của người già và người bệnh. Thú vật gì cũng được: thỏ, mèo, heo, chồn, vẹt... Và nhất là chó. Điều quan trọng là phải hợp với sở thích và tình trạng bệnh của người già hoặc người bệnh. Chẳng hạn như người bị đứt mạch máu, cần cử động tay để hồi phục, nên nuôi loại thú thích quanh quẩn bên chủ để được ve vuốt.

Chó còn làm được nhiều việc khác. Như việc nhà chẳng hạn.

Ngay sau khi bị đuổi việc, người giúp việc liền móc túi lấy năm chục ngàn đồng đưa cho chú chó trong nhà. Bà chủ lấy làm ngạc nhiên:
“Cô có điên không đấy?”
“Tôi không bao giờ quên ơn ai đã giúp đỡ tôi. Con chó này đã giúp đỡ tôi lau chùi chén bát trong suốt thời gian tôi ở đây!”

Rồi còn chó cảnh sát, chó quan thuế, chó tìm người mất tích, chó cứu thương... Chó thật... vạn năng. Chó lao động rất đáng thương. Nhưng chó kiểng thì... nói làm chó gì!

con chó con đã chết
đất đỏ vùi mõm đen...
việc gì phải thương tiếc
phí giấy má ban khen...
chó chết chuyện tưởng hết
còn lắm chuyện là em...
người sống thua chó chết
sống chết ai thòm thèm...
đoạn kết là đoạn tuyệt
có hậu không nhá nhem...
tình tôi dù thống thiết
chó chết hết tòm tem...
(Lê Vĩnh Thọ)

Chó chết hết chuyện. Người ta thường nói như vậy. Nhưng mấy ông bạn nhậu của tôi còn cự nự. Chó chết còn nhiều chuyện lắm. Toàn những chuyện... thơm lừng!

06/2004