Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

RƯỢU

Ông ngồi với hai ông Tây
Ông kia tên Mạc, ông này tên Cô
Buổi sáng ông chỉ say vừa
Nửa khuya mới tới đúng mùa nho ngon
Tết này ông sáu tư tròn
Nhìn ông tôi  thấy vẫn còn Tháng Giêng.

Bài thơ của Nguyên Sa tặng Mai Thảo vào năm 1990, khi Mai Thảo vừa tròn 64 tuổi. Nhắc tới rượu mà quên nói tới Mai Thảo thì... xỉn đứt đuôi rồi! Bởi vì cái thế ngồi đẹp nhất của Mai Thảo là ngồi giữa hai ông tây... lỏng. Ông Martell và ông Cognac. Chỉ cần có thế và chỉ thích có thế.

Khi Mai Thảo sang chơi với anh em viết lách ở Montreal, Phạm Nhuận đã trữ sẵn hàng thùng... chai mờ, tiếng lóng của anh em chúng tôi để chỉ thứ rượu Remy Martin V.S.O.P. được đựng trong chai có màu xanh lá mờ mờ ảo ảo. Chúng tôi ngồi kín một thồi tại nhà hàng tàu nổi tiếng nhất Montreal, đồ ăn đầy bàn, toàn cao lương mỹ vị. Mai Thảo luôn miệng dục anh em ăn. Còn ông cứ tì tì những ly sóng sánh màu hổ phách thơm lừng. Tay ông có tật. Cái tật chỉ thích cầm ly và nhác cầm đũa! Phạm Nhuận, vốn tính hiếu khách, gắp vào cái chén lạnh tanh trước mặt Mai Thảo mỗi thứ một chút và mời. Anh dùng đi! Mai Thảo lừ mắt. Cái thằng này, làm như bố người ta không bằng: Anh dùng đi! Anh ăn đi!

Rượu tự nó đã là đủ. Mai Thảo bắt được cái đủ đó. Mùi vị đó, nồng nàn đó, sắc mầu đó, nó là sự hoàn hảo. Lẫn vào những thứ khác, nó... trần tục mất! Trần tục như tôi. Biết bao nhiêu lần tôi đã cố gắng uống thứ cognac... trinh nguyên đó mà không xong. Chỉ thấm đầu lưỡi đã thấy cay xè. Thơm thì có thơm nhưng cực cái miệng cái lưỡi quá. Phải pha soda hay Perrier, thêm vài cục đá, rượu nhạt đi, uống mới được. Hồi thập niên 60, mấy anh lính Mỹ qua Việt Nam hay uống whisky pha với Coca-cola. Dân ta bắt chước, uống cũng thấy hay hay. Tôi thử, thấy thích. Vài tháng sau, có dịp qua Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trong một bữa tiệc, khi chủ nhà hỏi thức uống, tôi xin một ly whisky pha Coca-cola. Mấy cặp mắt chung quanh tôi trợn tròn lên. Một bà hỏi ở Việt nam người ta uống như vậy sao? Tôi cứ chân chất cho biết là thứ thức uống này do mấy anh G.I... nhập cảng vào Việt Nam. Họ nhìn tôi, tôi nhìn họ. Ngỡ ngàng chẳng biết xuất xứ từ mô!

Tôi coi vậy mà còn đỡ. Ông khách du lịch này mới... hết thuốc chữa!

Ông khách du lịch bước vào quán rượu, gọi một món đồ uống thật mạnh. Anh hầu bàn liền mang ra một ly whisky pha soda. Ông khách nhìn thấy bèn cười nhạt.
“Tôi đã nói là thứ gì thật mạnh cơ mà!”
Anh bồi lủi thủi đi vào trong, rót một ly whisky nguyên chất mang ra. Ông khách khó tính lại gắt:
“Anh không hiểu tôi nói gì à? Một thứ thật mạnh!”
Anh hầu bàn bực mình, bèn chế một ly cocktail theo kiểu riêng: 1/3 thuốc tẩy javel, 1/3 axide chrohydric, 1/3 acide sulfuric. Khách ngửi mùi hỗn hợp một hồi, thử nếm rồi nhâm nhi tới cạn ly. Khà một cái, ông khen:
“Được lắm! Ít ra phải như thế này chứ! Đúng là thứ mà tôi thích!”
Hôm sau, ông khách trở lại, anh hầu bàn hồi hộp hỏi:
“Thưa ông, ông khỏe chứ?”
“Khỏe! Này anh bạn, tôi có một chuyện thắc mắc nho nhỏ: anh cho tôi uống thứ rượu gì ngon thì thật ngon nhưng cứ mỗi lần đi tiểu lại có vài lỗ thủng trên mũi giầy vậy?”

Pha phách lăng nhăng như vậy, ông Mai Thảo giận đã đành, ông Hennessy ông ấy còn giận hơn nữa. Cũng như tôi, mỗi lần đi ăn phở, thấy thực khách xịt vào tô phở tương đen tương đỏ, nặn thêm vài múi chanh, trút vào một nguyên một đĩa giá sống là tôi... giận. Ăn như vậy có tội với phở. Cũng như uống như vậy có tội với rượu.

Để làm ra được những giọt hổ phách thơm lừng, công khó lắm. Cognac là một thứ rượu tinh luyện, được lọc đi lọc lại nhiều lần bằng cách đun lên rồi tụ hơi rượu nho cho đọng lại, càng nhiều lần tinh luyện thì càng tốn kém, nhưng càng tạo ra được thứ rượu ngon hơn. Riêng đối với rượu Hennessy, loại V.S.O.P. (Very Special Old Pale), mà những anh bạn rượu của tôi gọi đùa là Verser Sans Oublier Personne (Rót Không Chừa Một Ai) chỉ mới ra đời vào đầu thế kỷ thứ 19 sau khi được Hoàng Gia Anh đặt riêng. Đó là thứ rượu phối hợp pha chế khoảng 60 loại rượu nho khác nhau trong khu vườn nho riêng của gia đình Hennessy. Rượu sau khi tinh luyện phải được “ngâm” trong những thùng rượu làm bằng gỗ sồi già. Old Pale là những thùng đựng rượu cũ, bằng thứ gỗ cổ thụ và đã được chứa rượu nhiều đời rồi.

Đó là những gì mà ông Thomas Leclerc, được công ty Hennessy cử qua Cali trong tháng 4 vừa qua, thuyết trình cho khoảng gần 30 khách Việt Nam trong giới quảng cáo, nhà hàng và giới truyền thông trong một buổi mời nếm rượu. Xịn hơn VSOPXO, thứ rượu mà chỉ cầm tới cái chai đã thấy sướng. Sướng hơn nữa là Hennessy Paradis, uống vào như được hưởng... phúc thiên đàng! Phía trên thiên đàng là... Richard Hennessy, thứ rượu mang tên ông tổ sáng lập ra Hennessy. Nó được pha chế bằng 100 loại rượu nho khác nhau, có tuổi ít nhất là 130 năm và đựng trong những chai bằng loại pha lê quý. Sang như vậy nên giá cả cũng... sang! Từ 1600 đô Mỹ tới 2000 đô Mỹ một chai. Vào tiệm rượu mà kêu một ly Richard Hennessy sẽ phải móc túi chi không dưới 150 đô Mỹ!

Rượu ngon chỉ nên uống tới lúc vừa lâng lâng, nhích lên một chút là say. Rượu không ngon, say cấp kỳ! Sau 1975, rượu mạnh mà vừa túi tiền chỉ có đế. Không biết người ta pha những chất quỷ quái gì trong rượu mà uống vào là lăn đùng ra lúc nào không biết. Trong một lần nhậu với bạn bè, tôi đã tỉnh trí giữ không uống nhiều, vậy mà chân nam đá chân chiêu lúc nào không biết. Trong đời theo hầu ông Lưu Linh của tôi, chưa bao giờ bị hạ đo ván một cách tức tưởi như vậy.

Cũng trắng như rượu đế, rượu Đại Hàn uống có vị ngòn ngọt, vậy mà cũng... chết. Trong lần qua thủ đô Seoul, đầu thập niên 70, tôi có dịp ngồi trong một bàn tiệc có đủ món ăn chơi. Chân ngồi xếp bằng trên những chiếc gối đặt sát trên sàn nhà gỗ có sưởi ấm ở phía dưới, bàn thấp lè tè la liệt các thứ thịt, cá, sò sống và cả chục loại kim chi. Hầu rượu là các em kiseng mặc quốc phục Đại hàn. Ngôn ngữ nói với nhau là ngôn ngữ tay và mắt. Mắt em sóng sánh nâng ly rượu, trao cho anh một ly, em một ly. Ực một cái. Em vội gắp đồ ăn đút vào miệng khách. Rồi lại một ly. Ngọt lịm. Cái ngọt chết người. Em nghệ giả cứ như một nhà ảo thuật làm ly sau lớn hơn ly trước. Từ chiếc ly bằng ngón tay cái, chúng đã được...  nâng cấp tới những chiếc ly bằng ly uống nước cam. Rượu sóng sánh trong ánh mắt thôi miên. Ngã lúc nào không biết. Anh ngã em nâng. Em, dạn dầy với nghề nghiệp, vẫn tỉnh bơ như không mặc dù chẳng thèm ăn gian uống ít hơn khách một ly nào cả. Anh, chẳng lẽ lép vế hơn em, cứ tì tì với đôi mắt đong đưa, gục là cái chắc!

Uống rượu mà không say, uổng rượu! Một tay tửu đồ đã phán như vậy. Thi sĩ Tản Đà còn... bài bây hơn.

Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười!

Say có cái thần của say. Đi như múa, nói như khiếu, coi trời bằng vung mà trí óc đâu có lẫn. Vẫn làm toán được như thường.

Chồng về khuya, leo lên giường với vợ, nhìn xuống cuối giường thấy có 6 cái chân, hỏi:
“Quái! Mọi khi anh với em chỉ có 4 chân, sao hôm nay lại có 6?”
“Anh nốc cho lắm rượu vào! Xuống tận cuối giường đếm lại từng cái xem!”
Chồng nghe lời đi xuống cuối giường đếm kỹ từng cái một và công nhận:
“Đúng là chỉ có 4 cái chân, như mọi khi!”

Thế nào là say? Người ta đo mức độ say tùy theo nồng độ chất rượu trong máu:
- 0,05% rượu trong máu: mất khả năng xét đoán, suy nghĩ, tính chủ động, huyết áp tăng.
- 0,08%: huyết áp tiếp tục tăng, khó kiềm chế cử chỉ, cử động không bình thường.
- 0,1%: mất tự chủ, hay đi đi lại lại, miệng nói lắp bắp lung tung.
- 0,2%: thần kinh bị tác động ngiêm trọng, đi bắt đầu lảo đảo, nói to, không mạch lạc, nếu lái xe dễ gây ra tai nạn.
- 0,3%: vùng não bị tổn thương tạo nên nhiều ý nghĩ sai lầm.
- 0,4%: nếu ngủ, khó đánh thức: không chủ động trong hành động.
- 0,5%: ngất, trung khu thần kinh điều khiển sự hô hấp và tuần hoàn tim bị ngưng lại, dẫn đến tử vong.

Say, chẳng nên rủ chiếc xe say theo. Xe... say trên đường phố hay xa lộ rất dễ nhận biết. Gặp được cảnh sát là... may. Không gặp cảnh sát, đường ta ta chẳng đi, cứ lấn sang đường người, tai nạn cầm chắc trong tay. Nhẹ ra thì móc tiền sửa xe, xe mình và xe người. Nặng hơn, có người chết hay bị thương thì... tù. Hit and run thì còn chết hơn nữa. Mà khi xỉn, thường chậm suy xét, không nghĩ gì hoặc không thấy xa, rất dễ có khuynh hướng vù! Uống rượu đến vào tù, mất vui đi.

Quan Vân Trường mặt đỏ cũng thành danh
ta đỏ mặt hơn ông, đời lại hỏng
ông cốt cách quỳnh tương, ta hồ đồ rượu dỏm
cuộc trăm năm đã đến thế - hoang tàn
(Hoàng Lộc)

Cái hại của rượu, cứ gì trên đường phố rong ruổi. Nó hại ngay trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Trên diễn đàn, giáo sư thuyết trình về tác hại của rượu:
“Các anh nên nhớ, rượu là nguyên nhân dẫn đến sự chia ly của biết bao nhiêu cặp vợ chồng...”
Một thanh niên đứng lên hỏi:
“Xin lỗi giáo sư! Xin giáo sư cho biết cần phải uống bao nhiêu rượu để có thể có được sự chia ly này ạ?”

Rượu và tình. Đó là một cặp bài trùng rất... nam nhi. Em sóng sánh trong rượu hay rượu nồng nàn trong em? Say tình, say rượu, khác gì nhau?

Vẫn thế thôi, anh vẫn như xưa
Bao nhiêu nết xấu quyết không chừa
Thương em những lúc không còn rượu
Nhớ rượu khi tình mây ngớt mưa.
(Lê Vĩnh Thọ)

Rượu, tình, những mê đắm một đời người. Nam vô tửu như kỳ vô phong. Rượu làm ta phơi phới cuộc sống nhưng cũng làm tàn tạ cuộc sống. “Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm, chốc lại ngã chúi một cái. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại, trông thấy cũng phải tránh xa.
Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như là con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ.
Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình.”

Chắc nhiều độc giả thấy đoạn văn trên quen quen. Nó nhắc lại một thời thơ ấu, khi tới trường, cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư trong cặp, lòng vui với những dòng chữ Quốc Ngữ trong sách giáo khoa, khởi đầu cho cuộc thay đổi ngôn ngữ trong nhà trường, từ tiếng Pháp qua tiếng Việt. Những bài học thuộc lòng đầu đời, tôi chắc các bạn cũng như tôi, vẫn còn ở với chúng ta cho tới bây giờ. Bởi vì, những dòng chữ giản dị nhưng trong sáng trên là niềm tự hào của con dân đất Việt ngày đó. Nó làm lòng ta lâng lâng, như vừa nhắp một chút rượu.

Vui với rượu, buồn với rượu, tiếc nuối với rượu... Rượu, bằng cách nào, nó cũng dính với đời sống. Cuộc sống nhiều khi được gấp vào phía trong. Chỉ có ta với ta. Nỗi cô đơn như một thân phận. Những lúc lẻ loi như vậy, rượu bỗng như một người bạn tới với một người bạn. Rượu, như một cứu rỗi. Nhưng chẳng phải chỉ có rượu!

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy.
(Mai Thảo)

05/2004