An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

GIÚP

Bản tin cho thấy hết được thảm cảnh của tuổi già. Cụ ông 88 tuổi giết bà vợ 86 tuổi sau 70 năm chia ngọt xẻ bùi. Không phải cụ muốn kiếm tí tình mới dối già mà vì cụ quá thương người vợ đầu gối tay ấp bảy thập niên qua. Chuyện xảy ra ở Seal Beach nằm ở phía nam tiểu bang California. Cụ bà Clara Laird bị mất trí nhớ và sức khỏe suy yếu dần dần. Người săn sóc cụ ăn uống, tắm rửa chính là cụ Roy Charles, người chồng rất mực thương vợ. Khi cảnh sát tới hiện trường thì cụ ông đang ngồi bên xác vợ, khẩu súng lục vẫn nằm trong túi. Phát súng vào đầu cụ bà chính là phát súng ân huệ, cô con gái Kathy Palmateer, 68 tuổi, cho nhật báo Los Angeles Times biết như vậy.

Ba tháng trước, tình trạng bệnh tật của cụ bà suy thoái nhiều, cụ ông Roy Charles rất ngần ngại và đau xót khi phải đưa cụ bà vào nhà dưỡng lão Country Villa, gần nhà riêng của họ ở khu Leisure World. Bà Kathy cho biết: “ Trí óc của bà không còn nữa. Đây là một vụ giải thoát”.

Giải thoát hay không, đó là chuyện tình cảm. Cảnh sát không hành động theo tình cảm mà theo pháp luật. Cụ ông sẽ bị truy tố tội sát nhân. Bản án dành cho cụ như thế nào, chắc cụ chẳng cần biết. Cụ làm theo tình cảm của cụ dành cho người vợ đang sống trong tình trạng sống chẳng ra sống chết chẳng ra chết.

Đọc bản tin, tôi nghĩ ngợi nhiều. Người Tây phương có lối sống bộc lộ tình cảm. Từ cái ôm hôn đến lối biểu tỏ xúc động, họ ồn ào hơn người phương Đông chúng ta nhiều. Cụ bà Clara chắc  bị bệnh Alzheimer tuy bản tin không nói rõ như vậy. Bà cụ thân sinh của tôi cũng bị bệnh quên này. Tôi ở xa nên vài năm mới về thăm cụ một lần. Lần chót là năm 2001, cụ vẫn cười nói, tương đối còn khoẻ mạnh tuy hình hài đã sa sút nhiều. Bệnh quên của cụ thì hết thuốc chữa. Cụ không nhớ đã có thằng con là tôi tuy, bằng vào ánh mắt nhìn của cụ, bằng vào những cử chỉ của cụ dành cho tôi, tôi vẫn hy vọng là trong tiềm thức của cụ vẫn còn hình bóng tôi. Khi tôi trở lại Canada, chắc cụ biết là sẽ lại xa tôi. Chỉ mấy tháng sau, cô em tôi gửi hình cụ sang cho tôi coi. Tôi không thể tưởng tượng được cụ sa sút đến thế. Khuôn mặt cụ hốc hác, thất thần hẳn đi. Nhìn hình mà mắt tôi nhòe nhoẹt. Tới khi cô em tôi kể về tình trạng vệ sinh bê bết của cụ, về sự ăn uống thất thường của cụ, tôi có ý nghĩ là sống như vậy thì chết chắc sướng hơn. Tôi biết ai cũng nghĩ như vậy nhưng sự bộc lộ tình cảm của chúng ta khác. Không bao giờ chúng ta nghĩ tới việc quá thương cảm đến chấm dứt cuộc sống của người thân bệnh tật như cụ Roy Charles ở bên Mỹ.

Luật pháp và đạo đức, cho tới nay, cũng không vỗ tay tán thưởng tình thương yêu rốt ráo này. Nói như vậy là nói chung chung. Hầu hết các quốc gia đều nghiêm cấm việc giúp người thân qua bên kia thế giới, hành động mà chữ nghĩa gọi là “trợ tử”. Nhưng ngay tại Mỹ hoặc tại vài quốc gia khác, vấn đề giải quyết cuộc sống của người bệnh hết hy vọng chữa chạy đã được công nhận. Như các nước Thụy Sĩ, Hòa Lan và Bỉ. Dĩ nhiên phải có luật để phòng ngừa những trường hợp trợ tử vì ích kỷ hoặc tiền bạc. Như chồng hoặc vợ cho người phối ngẫu đi tàu suốt để rảnh rang xây dựng cuộc tình khác. Hay con cái trợ tử cho bố mẹ để đớp tiền bảo hiểm hoặc ẵm nhẹ cái gia tài kếch sù của các cụ. Luật cũng không cho phép trợ tử đối với những người mắc bệnh tâm thần vì không có khả năng phán đoán một cách sáng suốt.

Tại Mỹ mới chỉ có hai tiểu bang OK chuyện giúp người khác về nơi chín suối. Đó là tiểu bang Oregon có luật về trợ tử từ năm 1997 và tiểu bang Washington từ tháng 11 năm 2008. Các tiểu bang khác vẫn còn lắc đầu. Hai tiểu bang hàng xóm với nhau bên miền tây đã đi một con đường khác với các tiểu bang còn lại. Lý do họ OK chuyện giúp người khác về bên kia thế giới là vì nhân đạo. Những người mắc các bệnh nan y như ung thư chẳng hạn sẽ chịu nhiều đau đớn vào thời gian cuối. Để cho họ đau một cách không cần thiết như vậy là bất nhân. Chi bằng giúp cho họ được ra đi thanh thản, trốn được những cơn hành xác cuối đời có phải nhân đạo hơn không. Quan niệm như vậy nên đạo luật về trợ tử của tiểu bang Washington mang một cái tên rất sáng giá: Chết Trong Phẩm Giá (Death with Dignity). Thực ra luật năm 2008 của tiểu bang Washington cũng cóp pi phần nào luật của tiểu bang Oregon có từ 11 năm trước. Theo luật thì những người mắc bệnh nan y mà bác sĩ phán là chỉ còn sống được sáu tháng thì có quyền xin được trợ tử bằng cách xin bác sĩ cho toa “tử dược”. Nghề mà chúng tôi thường gọi giỡn với các bạn bè học y khoa là nghề lang tây chính ra là một nghề cứu người. Cứu người mà đi tới giết người, chuyện có ổn chăng? Nhiều bác sĩ cho là không ổn. Tiến sĩ Preston, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã về hưu, thành viên của hội Compassion & Choices đã cho biết: “Rất nhiều bác sĩ ngại công khai quan điểm của mình về vấn đề này. Có nhiều bác sĩ, những người mà về nguyên tắc, sẽ chấp thuận hoặc không phản đối việc đó, nhưng vì rất nhiều nguyên nhân xã hội hoặc chuyên môn, họ không muốn can dự vào”. Đó là quyền của những vị lương y này. Theo luật của cả hai tiểu bang đi tiên phong trong vấn đề này thì các bác sĩ hoặc dược sĩ không bắt buộc phải viết toa tử dược nếu họ phản đối điều luật trên. Quy mô hơn, có những bệnh viện tại tiểu bang Washington đã quyết định không tham gia vào trò mà họ cho là giết người một cách hợp pháp này, và họ cũng nghiêm cấm không cho các bác sĩ của họ cho đơn thuốc trợ tử trong khuôn viên bệnh viện.

Nhưng luật là luật. Những bệnh nhân có quyền quyết định con đường sống hay chết của họ. Một phụ nữ lớn tuổi đã công khai cầm tấm biển đòi quyền…chết: “Hãy cho tôi quyền định đoạt số phận của tôi!”. Theo luật của cả hai tiểu bang Oregon và Washington, nếu muốn xin…chết, bệnh nhân phải từ 18 tuổi trở lên, phải công khai yêu cầu bằng miệng hai lần, cách nhau trên 15 ngày, và nộp một đơn viết tay có hai người làm chứng. Một trong hai nhân chứng không được có quan hệ họ hàng với bệnh nhân, người thừa kế của bệnh nhân hoặc bác sĩ đang điều trị bệnh nhân hoặc có liên quan tới cơ sở y tế nơi bệnh nhân đang được điều trị. Ngoài ra phải có hai bác sĩ xác nhận bệnh nhân đang ở thời kỳ cuối và chỉ còn sống được từ sáu tháng trở xuống.

Dù luật qui định việc trợ tử chặt chẽ tới đâu đi nữa thì các tôn giáo vẫn cứ lắc đầu. Mạng sống con người đâu phải chuyện chơi mà muốn khử là khử. Thiên Chúa Giáo đã đặt lại vấn đề trợ tử một cách rõ ràng nhân vụ Terri Schiavo, một phụ nữ theo Công giáo La mã. Khởi sự từ ngày 25 tháng 2 năm 1990, tim của Terri bị ngưng đập vài phút, máu không di chuyển lên não được. Lập tức cô bị hôn mê, bất động, bị tê liệt từ cổ trở xuống, nằm trong trạng thái sống dở chết dở, gây nhiều vấn đề cho những người thân. Tám năm sau, năm 1998, anh chồng Michael đệ đơn xin tòa cho tháo bỏ các máy móc duy trì sự sống của vợ. Sở dĩ sự việc phải ra tòa là vì có tranh chấp giữa anh và gia đình của Terri sau khi anh kiện ra tòa và nhận được 1 triệu đô đền bù của bác sĩ. Gia đình của Terri không muốn gỡ bỏ máy móc. Lấy lý do là Terri đã nhiều lần nói với anh là cô không muốn sống nữa, Michael nhất định xin tòa cho gỡ bỏ máy móc. Tòa phúc thẩm tiểu bang Florida đồng ý. Ba ngày sau, theo đơn khiếu nại của cha mẹ Terri, tòa án liên bang hủy bản án của tòa tiểu bang Florida. Mùa hè năm 2000, gia đình của Terri và anh chồng Michael lại kiện nhau trước tòa. Tòa tiểu bang Florida cho mỗi bên chọn hai bác sĩ để xác định coi có thể xảy ra khả năng Terri cử động được, dù là nhẹ nhất không? Năm 2002, các bác sĩ đều đồng ý là không thể nào phục hồi được tình trạng của Terri. Tòa cho lệnh tháo bỏ máy móc duy trì sự sống của Terri và ấn định ngày 15 tháng 10 năm 2003 là ngày thi hành án tòa. Ngày đó, hàng trăm người thuộc các tổ chức nhân đạo biểu tình trước cửa bệnh viện nơi Terri đang được điều trị. Thống đốc tiểu bang Jeb Bush, em của tonton Bush Con, phải nhảy vào cuộc. Một lá đơn của gia đình với ý kiến ủng hộ của Thống Đốc được nạp tại tòa án liên bang. Tòa liên bang bác bỏ đơn. Thống Đốc Jeb Bush lập tức đệ trình quốc hội tiểu bang một dự luật cho phép Thống đốc có quyền ra lệnh ngưng thi hành án tòa về việc tháo bỏ máy nuôi sống bệnh nhân nếu không tìm được đủ các nhân chứng để chứng minh bệnh nhân muốn được chết. Ngày 22 tháng 10 năm 2003, theo đúng luật được ban hành, Jeb Bush ra lệnh nối lại máy trợ sinh của Terri. Nhưng cuối cùng, án tòa vẫn được thi hành. Ngày 18 tháng 3 năm 2005, ống nuôi lại được rút ra. Và ngày 31 tháng 3 năm đó, Terri đã trút hơi thở cuối cùng giữa nhiều ý kiến còn ngổn ngang của những người còn sống. Bi kịch của Terri đã làm sôi động toàn nước Mỹ về vấn đề trợ tử. Vì Terri là một con chiên của Chúa nên Thiên Chúa Giáo xác định lại lập trường của họ mặc dù dư luận nói chung vẫn ủng hộ việc mà họ gọi là “chết êm”. Ngay sau cái chết nhiều tranh cãi của Terri, nhiều cuộc thăm dò dư luận đã được giới truyền thông thực hiện. Theo thăm dò của hãng Fox với 900 người trả lời thì 59% nói là nếu họ là người trông coi Terri, họ sẽ rút ống nuôi. Nếu họ ở vào trường hợp Terri thì 74% muốn rút ống. Thăm dò của ABC với 1000 người tham dự cho kết quả là 87% cho biết nếu họ ở vào trường hợp của Terri, họ sẽ muốn rút ống nuôi.

Mặc cho dư luận bất lợi, Công giáo vẫn tin vào sự linh thánh của sự sống từ khi thụ thai cho tới lúc lìa đời một cách tự nhiên theo ý Chúa. Có  trên 60 đoạn trong Kinh Thánh nói đến sự linh thiêng của sự sống. Câu mở đầu nằm trong sách Xuất Hành: “Ngươi không được giết người”. Người Công giáo tin rằng: Thiên Chúa là đấng ban sự sống và là đấng lấy lại sự sống theo ý Người. Ý Chúa vượt hẳn lên trên ý của loài người.

Giáo hội Công giáo tôn trọng nguyên tắc “luật tự nhiên”. Lập trường của Giáo hội là: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng định đoạt sự sống và sự chết của con người, Giáo hội Công giáo luôn luôn và mạnh mẽ chống lại mọi hình thức trợ tử, dù trực tiếp hay gián tiếp, chủ động hay thụ động. Trợ tử trực tiếp là chích thuốc cho chết dần. Trợ tử gián tiếp là không cung cấp thức ăn, nước uống và khí thở. Trợ tử chủ động là do bệnh nhân xin. Trợ tử thụ động là do người đại diện, người chăm sóc hay người thân trong gia đình muốn.

Phật giáo cũng lắc đầu việc trợ tử. Tác giả Nguyễn Phúc Bửu Tập, trong bài “ Quan Niệm về Trợ Tử của Đạo Phật” đã viết: “Nhìn vào quan điểm của đạo Phật đối với hành động trợ tử. Chúng ta phải khẳng định ngay từ bây giờ - không buông lung hành động kết liễu đời sống của chính mình và của kẻ khác, nhưng lý luận giải thích việc ngăn cấm hành động trợ tử, đạo Phật nhìn sát vào sự thật, nhận chân là muôn vật, trong đó có con người, tha thiết vô cùng với sự sống và vì lẽ đó, mỗi sinh vật đều có quyền sống tự do theo đức hiếu sinh, không bị chế trị. Muốn thực hiện đời sống tự do, cá nhân không có quyền hãm hại đời sống của tha nhân. Đi tới được nguyên tắc cao đẹp đó, Phật dạy con người phải học đức nhẫn nại (ahimsa.ksanti), từ bi (karuna), để không làm hại đời sống của những người chung quanh. Đạo Phật không xem con người là một cá thể riêng biệt, mà xem con người là một thành phần cơ hữu, toàn nguyên (integral) của một cộng đồng xã hội. Giáo lý đạo Phật không bao giờ tách con người ra khỏi môi trường gia đình và cộng đồng. Thế cho nên khi ta hủy hoại đời sống của một cá nhân, không những ta hãm hại riêng cá nhân đó, mà ta đã ảnh hưởng trên cấu trúc của cộng đồng xã hội. Viện vào hai mối lập luận trên, giáo lý đạo Phật không chấp nhận hành động trợ tử”.

Tôn giáo muốn chống chi thì chống, một số người vẫn ngả theo việc giúp người bệnh tránh được những đau đớn cuối đời của một cuộc sống không còn là cuộc sống. Lợi dụng luật về “cái chết êm ái” của Thụy Sĩ đã có từ 60 năm nay, công ty Dignitas đã tổ chức từ 10 năm nay những tour mà họ gọi là “du lịch vĩnh biệt”. Đi chơi chi nghe mà thảm hại. Nhưng những người tổ chức quả quyết là họ đang hành động một cách nhân đạo.

Quang cảnh không có gì đáng ngạc nhiên tại các sân bay lớn của Thụy Sĩ khi từng đoàn khách ốm yếu, già nua, đôi mắt mang nặng vẻ tuyệt vọng bước ra từ những chiếc máy bay đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ là những người mắc bệnh nan y đang mấp mé bên bờ cửa tử. Họ tới Thụy Sĩ để được chết. Có khi họ đi một mình, có khi đi với người thân hoặc bạn bè. Muốn tham dự cái được gọi là “cuộc hành trình cuối cùng” này, trước hết phải đóng tiền, khoảng 9 ngàn đô Mỹ. Ngoài ra họ phải có giấy tờ chứng minh mắc bệnh nan y, giấy đồng ý của thân nhân, giấy xác nhận tự nguyện tìm đến cái chết. Vừa đặt chân tới Thụy Sĩ như một khách du lịch, những người tự nguyện đi gặp thần chết sẽ được đưa tới một trung tâm hỗ trợ mà họ đã chọn trước. Họ sẽ được trung tâm cho uống một loại thuốc chống ói, sau đó y tá sẽ mang tới một liều độc dược và hỏi khách hàng đã sẵn sàng chưa. Khi đã sẵn sàng, chính vị khách hàng này sẽ tự tay bỏ thuốc vào miệng. Máy thu hình sẽ quay lại hành động này để chứng minh là các trung tâm chỉ đóng vai trò trợ giúp chứ không can thiệp hay thúc ép khách hàng. Trong vòng 5 phút phù du, thân chủ sẽ hôn mê và tim ngừng đập. Họ sẽ chết rất nhẹ nhàng và không đau đớn. Thân nhân có thể chứng kiến cùng với cảnh sát được mời tới để làm chứng. Thi hài của họ sau đó sẽ được giao cho thân nhân hoặc được hỏa thiêu. Mỗi năm có khoảng 400 người chán sống tìm tới cái chết nhẹ nhàng tại hàng chục trung tâm trợ giúp tại Thụy Sĩ. Các trung tâm này làm ăn được vì luật trợ tử của Thụy Sĩ không giới hạn về quốc tịch. Bất cứ ai đặt chân tới Thụy Sĩ để được giúp chia lìa cuộc sống đều được cả.  Vì vậy trên 90% khách hàng là người ngoại quốc, nơi không được phép trợ tử. Phần lớn tới từ Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Liban và Israel.

Người mắc bệnh nan y tìm tới cái chết đã đành nhưng luật trợ tử của Thụy Sĩ cũng không ngăn cấm việc trợ tử cho những người còn khỏe mạnh. Ai muốn tự mình mò tới cõi chết đều được giúp. Thường những người này là người hôn phối của người mắc bệnh nan y. Hai vợ chồng muốn rủ nhau sang bên kia thế giới cho trọn tình trọn nghĩa. Bên Canada của tôi đã có một trường hợp một cặp vợ chồng ở tỉnh bang British Columbia, ông chồng bị bệnh tim mạch trầm trọng, bà vợ khỏe mạnh bình thường, đã qua Zurich để được vẹn tình chồng vợ trong thế giới bên kia. Mới đây, vào năm 2009, trung tâm Dignitas của Thụy Sĩ đã giúp cặp vợ chồng nhạc trưởng người Anh Edward Dowes, 85 tuổi, và bà vợ 74 tuổi dắt tay nhau đi về cõi vĩnh hằng.

Chuyện tình nghĩa vợ chồng ngày nay khắng khít đến đầu bạc răng long đã là hiếm, khắng khít đến cùng nhau tìm về cõi chết hầu như là chuyện…thần thoại. Phải công nhận đồng sinh đồng tử là một kết cục đẹp. Thân thiết thịt da bao nhiêu năm, tân khổ cũng như hạnh phúc trên đời đã cùng nhau nếm đủ, bỗng một người bỏ đi  nằm thẳng cẳng ra đó chằng nói năng chi, người ở lại phải hụt hẫng. Cái loạng quạng một đời này phải mất bao nhiêu thời gian mới nguôi ngoai được. Chi bằng cùng nhau nắm tay sống cùng sống chết cùng chết. Tình nghĩa chồng vợ vẹn toàn biết bao. Nhưng vẹn toàn mà phải nhờ tới trung tâm Dignitas giúp đúng là một sự vẹn toàn gượng gạo.

Sống chết là chuyện của trời. Muốn đồng sanh đồng tử đâu phải dễ. Trừ phi hai vợ chồng gặp tai nạn cùng hui nhị tỳ một lúc. Trời ít kêu về kiểu cá cặp này lắm. Đời tôi chỉ chứng kiến một lần. Đó là trường hợp văn hữu Trương Bảo Sơn. Trong buổi lễ thượng thọ 95 tuổi của bác Sơn, tôi có tới dự, hai bác Trương Bảo Sơn đều ngồi xe lăn nhưng bác gái còn tương đối khỏe. Chuyện ra đi của bác Sơn không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Nhưng vào bữa đó, ngày 23 tháng 5 năm 2010, khi anh đại diện Thời Báo tại Montreal điện thoại báo tin, tôi không có nhà. Anh để lại lời nhắn. Khi nghe lời nhắn tôi nghe rất rõ là anh cho tin về sự ra đi của hai bác Sơn. Tôi khựng người. Có lẽ anh nói lộn hay mình nghe lộn. Nghe lại, tôi biết tôi không lộn. Điện thoại lại anh Trần Nam, tôi mới biết rõ chuyện. Cả hai bác ra đi trong một ngày. Bác trai đi lúc 2 giờ sáng, bác gái theo sau lúc 4 giờ chiều. Bữa tang lễ, tôi nhìn hai chiếc quan tài nằm song song với nhau, hai khuôn mặt thanh thản. Hình như có điều mãn nguyện. Cụ ông 96 tuổi dắt cụ bà 90 tuổi cùng về chốn tiên cảnh.

Cùng sống cùng chết một cách natural như vậy, thế gian hiếm. Đó là lộc trời cho. Chứ chơi kiểu đồng sanh đồng tử giả tạo như bên Thụy Sĩ, mất…vui! Người giúp sao bằng được trời giúp!

12/2010