An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

HỎI

Chúng ta thường nói “cưới hỏi”. Nói như vậy là nói ngược. Cưới rồi còn hỏi chi nữa! Hỏi phải đi trước cưới. Ngày xưa hỏi là một nghi lễ. Trầu cau, hoa quả, lợn gà, rượu trà và sính lễ lũ lượt đi hỗ trợ cho lời hỏi. Thời chúng tôi thì các thứ nặng nề như lợn gà đã được bỏ đi. Anh bạn vong niên của tôi, hơn tôi tới gần chục tuổi, đã đi làm trong khi tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, kể cho cậu bé 19 tuổi đang tò mò chuyện lứa đôi là tôi chuyện đi hỏi vợ của anh. Anh chàng này là một tên hơi ba gai, có máu phớt tỉnh, coi chuyện chi cũng là chuyện nhỏ. Câu chuyện được kể trước hai tô phở nghi ngút khói trong tiệm phở của bà Dậu trong hẻm Công Lý, Sài Gòn nên rất mặn mà. Anh và cô bạn mà anh gọi là công chúa Ấn Độ vì nước da ngăm ngăm của nàng, quen nhau đã được vài năm. Cũng tới thời điểm tính tới chuyện trăm năm. Thời điểm không phải bỗng dưng nó mò tới mà cô nàng phải năm lần bảy lượt dục dã anh mới tính tới. Bố mẹ anh còn ở ngoài Bắc, anh di cư vào Nam một mình, họ hàng chỉ còn mỗi ông chú họ mà anh rất ít khi viếng thăm. Anh tới nhà ông chú nhờ ông đứng ra đi hỏi vợ cho anh. Anh chép miệng: “Hỏi cho có chứ nàng muốn thấy mẹ, gật đầu trước khi được hỏi ấy chứ!”.

Ông chú đòi hỏi đủ thứ lễ vật cho dễ nói chuyện. Anh lại bình: “Mẹ kiếp! Làm chó chi phải vậy cho rắc rối”. Nhưng rồi anh cũng thấy có lý. Chẳng lẽ hai chú cháu tới tay không! Anh duyệt lại những yêu sách của ông chú còn rất nệ cổ, nghi lễ đầy mình và chỉ chấp nhận một cặp rượu và hai hộp trà. Vốn chịu chơi nên anh làm quá mong ước của ông chú khi chơi một cặp rượu ngoại quốc loại xịn hẳn hoi và hai hộp trà thứ chưa uống đã thấy thơm ngát. Hai chú cháu tới nhà ông bà via của cô bạn gái. Chuyện trò đưa đẩy một hồi rồi tới màn chính: thách cưới. Không biết có phải vì cặp rượu xịn và cặp trà hảo hạng không mà ông via của em cao hứng đòi thách cưới vòng vàng xuyến ngọc hơi nhiều. Nghe xong, chẳng thèm nói qua nói lại cho phải phép, anh kéo ông chú: “Thôi chú, mình về!”. Ông chú ngỡ ngàng. Phía…bên kia cũng ngỡ ngàng. Ông chú dùng quyền phủ quyết bắt anh ngồi lại. Cuộc…hòa đàm bắt đầu trong sự thờ ơ của anh. Anh  cười: “Rồi cũng xong! Không xong cũng phải xong!”.

Hỏi như vậy coi bộ dễ ợt. Nhưng cất được miệng hỏi có khi lại trầy da tróc vẩy. Như anh chàng cả đẫn trong ca dao. Muốn bắt chết mà không dám hỏi. Đợi tới khi pháo nổ, em xúng xính trong áo cô dâu rồi mới quay quắt hết trèo lên cây bưởi lại bước xuống vườn cà.

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Ra chi nổi vào cái thời mà ván đã đóng thuyền thì coi như xong! Hỏi chỉ là hình thức. Trước khi hỏi đã nắm chắc được câu trả lời. Câu trả lời nằm dài theo năm tháng thân tình chứ không phải bột phát ngay lúc được hỏi. Nói như vậy là nói theo thời nay. Thời xưa có khi khác. Lúc được hỏi, người phải trả lời có khi không biết một chút gì về người mình phải ừ. Mọi việc là kịch bản của bố mẹ. Đương sự như ở trong bóng tối. Không có dịp và không cần thiết có ý kiến.

Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Ca dao đã cho các cô gái than thở về sự bất toàn của quyết định độc đoán của mẹ cha tự thị trả lời cho câu hỏi mà đương sự không có quyền tham gia ý kiến khi trả lời. Có những cô gái giữ trọn chữ hiếu nghe lời mẹ cha chấp nhận phần thua thiệt nhưng cũng có những cô gái đã làm…cách mạng! Sáu chục năm trước, khi tôi còn là một chú bé giúp lễ tại nhà thờ Hàm Long, Hà Nội, tôi đã được mục kích một cuộc cách mạng loại này. Bữa đó tôi giúp lễ cho một lễ cưới. Hai họ tham dự đông đủ. Cô dâu, mặt rầu rĩ, được đưa lên ghế ngồi dành cho cặp hôn phối. Khi bắt đầu làm phép cưới, vị linh mục chủ lễ, đúng theo nghi lễ, hỏi câu đầu tiên: “ Anh và chị có tự do và thật lòng đến đây, chớ không bị ép buộc để kết hôn với nhau không?” Từ trước tới giờ, tôi giúp lễ cưới đã nhiều, chẳng thèm chú ý tới những câu hỏi của cha. Đó chỉ là nghi lễ, hỏi cho có, câu trả lời thì ai cũng biết rồi. Chú rể trả lời: “Thưa có”. Tới lượt cô dâu. “Thưa không”. Không ai chờ đợi câu trả lời này. Linh mục quay lên bàn thờ, bỏ nghi lễ cưới. Cô dâu đi xuống. Bỗng từ hàng ghế ngồi, bà mẹ chạy ra tát và đánh vào đầu cô dâu trong khi miệng bà rít lên những câu chửi. Một số người ra ngăn cản và kéo cô dâu ra khỏi nhà thờ.

Hỏi ngày nay không chờ tới lúc sát nút như vậy. Và người hỏi và người trả lời chính là đương sự trong cuộc. Mẹ cha khoanh tay đứng ngoài. Mục hỏi đáp thú vị này khi đã vào tay các cô các cậu thì hoa lá cành phải biết. Chuyện mới đây nhất. Trên báo The Montreal Gazette số ra ngày thứ bảy 9/10/2010 vừa qua có một cái quảng cáo chiếm nửa trang báo khổ lớn viết như sau: “Jennifer, It took a long time but better late than never. Will you marry me? Adam”. (Jennifer, Kể đã quá lâu nhưng thà trễ còn hơn không. Em có muốn lấy anh không? Adam). Nửa trang báo rộng thênh thang mang một câu hỏi hình như đã có sẵn câu trả lời. Adam đây là anh Adam Novicoff, 30 tuổi, hành nghề địa ốc. Anh cho biết: “Đây không phải câu hỏi đợi câu trả lời. Hỏi như thế này thường đã biết sẽ được trả lời ra sao…Tôi đã nghĩ tới nhiều cách hỏi, có những cách truyển thống như đi ăn nhà hàng hay đi nghỉ hè, nhưng tôi quyết định sẽ làm khác hơn”. Làm khác là phải chứ kiểu đi ăn nhà hàng, nửa chừng rút ra chiếc nhẫn hột xoàn, quỳ xuống xin đeo nhẫn vào tay người đẹp, người đẹp sẽ nhìn vào chiếc nhẫn coi lớn nhỏ ra sao, thấy kích cỡ hột xoàn coi được mới nhìn vào mắt tình nhân, giơ ngón tay trỏ bên bàn tay trái ra để em xin vâng! Anh Adam nói vậy chứ cũng phải theo bài bản nhà hàng. Sáng thứ bảy đó, anh mời cô nàng Jennifer Farber, ba chục cái xuân xanh, đi ăn sáng tại một nhà hàng. Khi cô Jennifer tới thì trang báo đăng lời cầu hôn đã nằm sẵn trên bàn. Anh Adam quỳ một chân xuống trước chiếc ghế dành cho cô. Câu trả lời của cô gái dĩ nhiên là “Yes!”. Không yes sao được khi hai người bồ bịch với nhau đã 8 năm. Họ biết nhau từ những ngày học trung học nhưng chưa có tình ý chi. Mãi vài năm sau, nhờ một người bạn, họ gặp lại nhau, và ông tơ bà nguyệt mới làm xong nhiệm vụ.

Lời cầu hôn của anh Adam tuy có hình thức mới nhưng phương tiện thì cổ lỗ sĩ rồi. Sách vở báo chí là thứ có sau thời ông Johannes Gutenberg sáng chế ra máy in vào năm 1440 lận. Chính nhờ có máy in mà công việc truyền bá chữ nghĩa được nhanh chóng và tiện lợi. Ngày nay internet đã giáng cho sách vở báo chí một đòn nặng nề. Các báo đóng cửa liên miên vì không cạnh tranh nổi với internet, vừa nhanh chóng vừa miễn phí. Báo tây báo Mỹ còn rơi rụng huống chi báo an nam ta. Báo văn học ta ở hải ngoại rụng như sung. Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21 đi vào nghĩa địa. Chỉ còn tờ Hợp Lưu vẫn cầm cự một cách khốn khổ. Anh Dave Morin chẳng thèm xài tới cái thứ đang đi dần vào quên lãng là báo chí như anh Adam. Bởi vì anh là một trong những hung thủ giết báo chí! Anh Dave là Giám đốc trang mạng Facebook.  Bạn gái của anh là cô Brittany Bohnet, phụ trách thị trường của mạng Google. Cũng là một hung thủ. Anh Dave dùng cách…hỏi rắc rối hơn cách của anh Adam nhiều. Rắc rối hơn nên tốn tiền hơn, dĩ nhiên! Chuyện xảy ra vào dịp Valentine vừa qua. Anh đã thuê người lấy vỏ dừa xếp thành hàng chữ khổng lồ, ngồi trên máy bay có thể đọc được: “ B. Will you marry me?” Câu hỏi…dừa nằm hiên ngang giữa những hàng dừa cao vút chao đảo với gió trên hòn đảo thơ mộng Maldives. Anh cùng người yêu đi du lịch quanh thế giới trong hai tuần lễ và ngồi trên máy bay nhìn xuống lời cầu hôn của anh. Câu trả lời, các bạn đã biết!

Anh Facebook cầu hôn nàng Google bằng…dừa, coi bộ thiếu kỹ thuật. Một chàng trai Trung Quốc vô danh chơi kỹ thuật hơn nhiều. Anh chàng si tình này dùng một trăm chiếc điện thoại di động, điều chỉnh cho phát ra thành bản nhạc Wedding March. Khi bản nhạc chấm dứt, những chiếc điện thoại xếp cạnh nhau đã bật đèn ghép lại thành hình trái tim. Cuối cùng hiện ra hàng chữ “I love u”. Chữ “love” được thay thế bằng một trái tim sáng rực!

Các màn cẩu hôn này là mơ ước của các cô gái, nhất là những cô có máu nghệ sĩ lãng mạn. Cô gái Mỹ gốc Việt Vy Luong, 26 tuổi, cư ngụ tại Minnesota, cũng nằm trong số các cô này. Và cô đã được anh chàng nhạc sĩ Chad Clay hỏi một cách to lớn hơn. Lời cầu hôn của anh nằm trên màn ảnh lớn tại một rạp hát. Anh phải mất tới bốn tháng để thực hiện một clip cầu hôn dài năm phút bao gồm những hình ảnh riêng của hai người lồng vào những nốt nhạc do chính anh sáng tác. Thực hiện xong, anh đi năn nỉ ông chủ rạp chiếu bóng Carmike 20, rạp mà vào năm 2004 anh đã cùng Vy Luong hẹn hò lần đầu tiên để cùng coi phim Spiderman 2, để xin ông cho chiếu đoạn clip. Ông chủ rạp chiếu bóng Daniel Skakalcũng là người chịu chơi. Sau khi coi nội dung clip cầu hôn ông đã bằng lòng ngay. Đã xếp đặt trước, anh rủ Vy đi coi chiếu bóng. Clip được chiếu lên. Màn ảnh hiện lên hình một chiếc Iphone. Vy Luong tưởng đó là một đoạn quảng cáo, nhưng khi cô nhìn thấy con số hiện trên màn ảnh trùng với ngày mà Vy và Chad gặp nhau lần đầu tiên, cô bất ngờ chú ý. Khi dòng chữ…kinh điển “Vy, will you marry me?” hiện lên từ từ từng chữ thì cô ôm mặt khóc. Cô cho biết: “Tôi không thể tin được điều đó lại diễn ra với mình”. Vy thích nhất khi đọc dòng chữ rất tình: “Em là người bạn thân nhất của anh và anh biết điều đó sẽ không bao giờ thay đổi”. Các khán giả có mặt hôm đó đã vỗ tay thích thú với đoạn clip lãng mạn này. Clip sau đó đã được bỏ lên YouTube và đã có trên 300 ngàn người vô coi. Chắc để học hỏi!

Cùng một chiêu thức tỏ tình kiểu xi-nê, chàng Pete Simson, người Anh may mắn hơn. Anh đã gặp một ông chủ rạp chịu chơi hơn. Anh chàng 26 tuổi rất mê điện ảnh này cũng thực hiện một clip riêng. Anh và các bạn dùng máy quay tay để quay cảnh anh Simon mặc quần tắm ngân nga hát theo bài hát If You Are Not The One của ca sĩ Daniel Bedingfield. Điệu bộ anh rất thảm khổ. Sau đó anh thả bộ dọc bãi biển và làm điệu bộ theo bản ballad đó. Sau đó họ dựng thành phim và mang tới rạp chiếu bóng Watershed ở Bristol năn nỉ ông chủ rạp cho chiếu. Ông chủ rạp không những đồng ý ngay lại còn sắp xếp người tới coi trong vai khán giả, in vé và quảng cáo rùm beng như một cuốn phim thật. Đúng vào ngày sinh nhật của cô bạn gái luật sư Hannah McDonagh, anh dẫn cô tới rạp để coi “một bộ phim nghệ thuật”. Anh kể lại: “Lúc phim bắt đầu chiếu, Hannah tròn mắt và không thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra. Sau đó, phim kết thúc, đèn bật sáng chiếu rọi đến chỗ chúng tôi ngồi. Tôi đã quỳ một gối cầu hôn cô ấy giữa tràng vỗ tay tán thưởng của mọi người. Hannah xúc động rơi nước mắt và trả lời “có” ngay lập tức”.

Trong tình cảnh xúc động như vậy thì phải gật đầu ngay tức khắc. Nàng nào cũng vậy. Bởi vì câu hỏi chỉ là bước cuối của một tiến trình yêu đương dài ngày. Nhưng đâu có phải cuộc tình nào cũng có đoạn kết thúc anh chàng quỳ gối xin bàn tay cô nàng như vậy. Cũng có khi chàng ôm cầm thuyền khác sau một thời gian thề thốt tùm lum. Thành ra khi được hỏi bao giờ cũng là một bất ngờ, bất ngờ trong…dĩ nhiên! Câu trả lời vì vậy cũng hấp tấp. Thời chưa có internet, điện thoại cầm tay cũng chưa có, điện thoại bàn tại nhà hiếm hoi, cách nhanh nhất để người ta báo tin cho nhau là điện tín. Phí tổn tối thiểu đánh điện tín được quy định trong 10 chữ. Cứ từ 10 chữ trở xuống thì phải trả một giá tiền y như nhau. Trên 10 chữ thì tính thêm tiền cho từng chữ. Thời thanh niên của chúng tôi hồi đó, chỉ có điện tín là mau nhất, mỗi khi muốn đánh điện tín cho người yêu nơi tỉnh khác phải cân nhắc từng chữ bắt mệt. Lựa sao cho chữ ít mà nghĩa nhiều. Mỗi chữ cũng tốn thêm vài đồng chứ bộ! Một cô gái tới bưu điện để đánh điện tín trả lời lời cầu hôn của anh bồ. Sau khi điền địa chỉ của chàng, cô đánh có một chữ duy nhất: “ Có”. Ông thư ký bưu điện tưởng cô nàng không biết quy định giá cả của bưu điện, thấy cô chỉ đánh có một chữ thì phí quá, nên bảo cô nàng: “Sao cô đánh có một chữ vậy? Cô có quyền đánh tới 10 chữ mà không phải trả thêm tiền mà?”. Cô gái mặt ửng đỏ đáp: “Dạ, nhưng đánh tới 10 chữ “có” thì có  vồ vập quá không vậy?”.

Quen nhau như bạn, tình trong như đã mặt ngoài còn e, là một thời gian băn khoăn. Làm sao mà…hỏi. Cái dấu chấm hỏi như cái thanh cản nơi cửa vào nhà nàng. Loay hoay tìm kế bước qua. Có người bước qua dễ dàng. Có người ấp úng chẳng bao giờ dám hỏi. Tỏ tình là một hấp dẫn nhưng cũng là một thách thức của lứa tuổi thanh xuân. Chúng ta đều đã phải qua cầu đoạn trường này. Những ngày thanh niên tôi có đọc truyện chưởng của Kim Dung và rất thích những đoạn tỏ tình của các nhân vật ngơ ngáo, võ công thì rành nhưng tình trường thì ấm ớ. Có lẽ tôi bị tẩu hỏa nhập ma nên đọc xong rồi quên. Bây giờ có hỏi tôi anh chàng Đoàn Dự gà tồ trong truyện nào hay anh chàng Du Thản Chi chui từ đâu ra thì tôi chịu. Ông nhà văn Đào Hiếu ngon hơn tôi nhiều. Không những rành rọt thân thế và sự nghiệp của các chàng kiếm cung quyền chưởng này mà còn luận bàn đâu ra đó. Thôi thì đành nhờ ông Đào Hiếu vậy. Trong bài “Bạn Có Dám Tỏ Tình Như Thế Không”, ông Đào luận: “Trong tiểu thuyết của Kim Dung có những nhân vật dễ thương hết sức. Cách tỏ tình của họ mây núi cũng phải xúc động, cây cỏ, sỏi đá cũng bùi ngùi rơi nước mắt. Ðó mới là những người tình thực sự. Tôi đọc Kim Dung đã hai mươi năm nay, những địa danh, những triều đại, tôi không nhớ nổi nhưng tôi biết có chàng Ðoàn Dự khi đi lạc vào một hang núi, nhìn thấy pho tượng một mỹ nhân đứng trên vách đá đẹp đến nỗi khiến chàng bủn rủn tay chân. Cạnh tượng của mỹ nhân có khắc dòng chữ “Kẻ nào lạy ta 5.000 lạy thì ta sẽ truyền bí kíp võ công”. Ðoàn Dự cung kính nói: “Tại hạ vốn không thích võ công, nhưng vì ngưỡng mộ nhan sắc của cô nương, tại hạ sẵn sàng lạy 5.000 lạy”.Ðoạn chàng quỳ xuống trước mặt pho tượng, sụp lạy, đầu cúi sát một cách cung kính, trán chàng chạm liên tục trên nền đá, máu chảy ròng ròng.Người thứ hai là Du Thản Chi. Chàng yêu nàng A Tử say đắm nhưng nàng lại rất thù ghét chàng. Trong một tình huống nào đó, tôi không nhớ, A Tử bắt được Du Thản Chi và hành hạ anh ta, tra tấn bằng cách cột dây vào người rồi quay anh ta bay vòng vòng như máy bay trong sở thú. Sau đó A Tử sai rèn một niềng sắt, nung đỏ lên rồi chụp vào đầu Du Thản Chi, xong dội nước lên đầu cho cái niềng co lại, siết chặt vô hộp sọ (kiểu như Tam Tạng niềng đầu Tôn Ngộ Không). Du Thản Chi ngã xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, mở mắt ra, chàng nhìn thấy những ngón chân trắng hồng của người yêu đang ngồi trên ghế, Chàng bò tới, trườn tới gần và hôn những ngón chân xinh đẹp ấy bằng đôi môi sưng vù của mình.Ðoàn Dự và Du Thản Chi tuy chỉ là nhân vật tưởng tượng, nhưng nó tượng trưng cho một cách tỏ tình si dại hết mình. Kiểu tỏ tình ấy đàn ông ngày nay không theo kịp”.

Ngày nay là…ngày nay. Chứ ngày nay của bốn chục năm trước, khi thế hệ chúng tôi còn bận chuyện chiến chinh, chúng tôi chẳng được thanh thản để có những cách tỏ tình “mây núi cũng phải xúc động” như vậy. Ngày đó nhiều người trong chúng tôi còn không có dịp…hỏi.

Ngày em tươi cười cất bước sang sông
Chiếc xe chở anh trên đường ra mặt trận
Ngang giáo đường thấy em đội vòng vương miện
Anh ước gì đó là vòng hoa tang
Chồng của em đẹp trai gì cho cam
Đứng cạnh em càng tăng thêm phần xấu xí
Em lấy hắn thật là vô lý
Nhưng có lý nào em lại lấy anh
giữa khi chiến trường giặc mở cuộc tiến công
Sinh mạng anh như mành treo sợi chỉ
Em đâu dại để sớm thành góa phụ
Anh hiểu ra
(nếu không hiểu cũng huề) Anh thất tình
Đời lính thêm nhiêu khê
chiều nghe con chim rừng hót lời lẻ bạn
(Quan Dương)

10/2010