An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

THIẾU

Tôi vừa được coi hai đoạn video do bạn bè gửi tới. Đoạn thứ nhất quay cảnh anh Liu Wei, dân Bắc Kinh, tham dự cuộc thi China’s Got Talent vào ngày 8 tháng 8 vừa qua. Trông anh vào khoảng hai chục tuổi, ốm yếu, mang kiếng trắng, ăn mặc sơ sài, với khuôn mặt dễ cảm tình. Anh trình diễn dương cầm. Bằng chân! Bởi vì anh thiếu hai tay. Anh đàn thật hay, đó là theo nhận xét của một người ngoại đạo âm nhạc là tôi. Anh mất cả hai tay khi bị điện giật trong lúc chơi trốn tìm với các bạn. Trong video, lúc quay cảnh anh ăn cơm với gia đình, Liu hỏi mẹ: “Làm sao con ăn đây?”. Bà mẹ khuyên con phải cố gắng, nếu không thì khi vể già không ai cho ăn được đâu! Nghe lời mẹ, anh cố gắng tự làm lấy mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật.Và anh cố gắng hơn nữa khi tự mình quyết định phải chọn giữa hai đường: hoặc chết hoặc sống cho ra sống! Và anh đã sống hơn một người có đủ tay chân.

Cuốn video thứ hai có tựa đề The Incredible Mom nói về một bà mẹ cũng thiếu hai tay. Ông chồng bà tên Mark Guerra là người giới thiệu người vợ thiếu tay nhưng đối với ông, bà chẳng thiếu cái chi cả. Hình ảnh họ cưới nhau. Cô dâu chú rể người trước người sau ôm dính nhau như chỉ có một thân thể. Thiếu đôi bàn tay hình như làm họ kết hợp với nhau chặt chịa hơn. Dĩ nhiên thiếu màn đeo nhẫn cưới! Cô dâu không tay trở thành một bà nội trợ giỏi giang như bất cứ bà nội trợ có tay nào khác. Cũng đi chợ, cũng bỏ đồ vào tủ lạnh, cũng nấu ăn, cũng giặt quần áo, gấp quần áo xếp vào tủ. Tất cả bằng hai chân! Chưa hết. Bà vợ…thiếu này còn sử dụng thành thạo computer, đi gym tập thể dục. Làm sao đi? Bà có hai chân nhưng không đi bộ mà dùng hai chân lái xe thành thạo như bất cứ người nào lái xe bằng tay. Ghé tiệm MacDonald’s cũng drive-in như ai, ngồi trên xe mua cà phê, vắt chân ra cửa xe kẹp ly cà phê nóng để vào chỗ để nước trên xe. Không trò gì mà bà không làm được với đôi chân dẻo quẹo có những ngón tài hoa với móng chân đỏ chót sạch sẽ. Nhưng khi có con mới thần sầu. Bà nuôi con thành thạo chằng kém các bà mẹ có tay. Tất cả cũng chỉ bằng đôi chân. Bế con, dỗ con, thổ lưng con khi chơi đùa, thay tã cho con (cũng chùi sạch đàng hoàng), cho con bú sữa. Đôi bàn chân thoăn thoắt như đôi bàn tay. Chẳng lẽ lại bảo là đôi bàn chân bắt được của trời!

Nói như vậy không ngoa. Thường thì chân chỉ biết…đứng. Vụng về, cứng cỏi. Nhưng sao trời lại lơ đãng để rớt đôi chân cho người đàn bà này bắt được như vậy. Mà trời chẳng lơ đãng có một lần, cho một người. Đôi chân của bà Liu Jianming bên Trung Quốc chắc cũng là thứ bà chớp được của trời. Chúng có thể thêu thùa may vá thiện nghệ như đôi tay. Tay là thứ bà Liu không được trời cho. Khi sanh ra bà đã thiếu tay. Bà học thêu bằng chân ngay từ hồi nhỏ. Đôi chân tài tình của bà đã tạo ra những tác phẩm thêu và đan đẹp mắt. Bà làm việc cần mẫn vì đây là cách kiếm cơm của bà. Vậy mà đôi chân chỉ giúp bà tự nuôi sống được. Bà không có đủ vốn để thuê hay mua một cửa hàng cho đỡ vất vả. Bà hành nghề ngay ngoài lề đường ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc. Chỗ bà ngồi là một góc phố khuất nhưng luôn lôi kéo đưọc những người tò mò muốn tận mắt chứng kiến bà dùng đôi chân để thêu thùa đan lát. Bà đã làm việc như vậy suốt cuộc đời. Ngày nay bà đã già nhưng vẫn không thể nghỉ. Mắt bà đã yếu nên đường kim mũi chỉ của bà cũng chậm chạp và kém sắc sảo. Nhưng bà vẫn được mọi ngưòi khâm phục.

Coi video, nhìn hình của ba người thiếu cả đôi tay này tôi bỗng nghĩ ngợi. Bộ mình thừa đôi tay sao? Họ thiếu tay nhưng họ làm được những việc mà mình có đầy đủ hai chân hai tay cũng chịu chết. Đàn bằng hai chân như anh chàng Liu Wei, chịu! Ngay cả đàn bằng hai tay hay ho được như vậy, cũng chịu! Lái xe bằng hai chân như bà mẹ tuyệt vời thiếu tay, coi bộ tôi cũng chằng nhanh nhẹn hơn. Thêu thùa đan lát như bà Liu Jianming thì ngay các bà đan lát thêu thùa bằng đôi tay nhiều khi cũng dở nón kính phục. Họ thiếu tay nhưng họ thừa ý chí. Lấy chân thay tay cũng như bắt mèo làm việc của chó. Khó dàn trời. Vậy mà với ý chí, họ vượt qua tất cả, vượt qua cả đám nhân loại đủ chân đủ tay chúng ta cái một. Vậy thì họ thiếu hay chúng ta thừa?

Có điều chắc chắn là họ thừa quả cảm. Cứ nhìn vào trường hợp của Philippe Croizon ắt biết. Ông người Pháp 42 tuổi này đang lành lặn bỗng dưng mất cả hai chân hai tay. Mà mất một cách lảng xẹc! Mười sáu năm trước đây, năm 1994, ông leo lên sửa cái antenna ti vi bất ngờ bị chạm điện cao thế. Hai chục ngàn volts điện đã sơi tái tứ chi của ông. Nói dại, nếu chúng ta gặp trường hợp mất mát kinh hoàng như vậy, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Trách trời trách đất, nằm bẹp một xó than thân trách phận hay kiếm tí thuốc độc làm phương tiện bye bye cuộc đời? Nhưng chàng Philippe được mệnh danh là “Người Sắt” không buông xuôi như vậy. Ông cố gắng trở lại cuộc sống bình thường với cái thân xác không tay không chân trông như củ khoai biết động đậy. Thân vẫn nằm trên giường bệnh viện, ông coi ti vi thấy người ta bơi vượt eo biển Manche, ông ngứa ngáy …tay chân vô hình. Và ông nảy ra một quyết tâm: đây là giấc mộng của ông và ông nhất định sẽ thực hiện bằng được. Ông điên chăng?  Ngay cả bố mẹ ông cũng nghĩ vậy. Ông hồi tưởng lại: “Đầu tiên, bố mẹ tôi cho ý tưởng của tôi là điên rồ, nhưng tôi nhất định sẽ thực hiện. Về sau, càng tập bơi trên biển tôi càng tự tin hơn”. Chỉ mới hai năm trước ông chỉ bơi được hai vòng piscine.  Nhưng ông cố công tập luyện. Ông bơi 30 tiếng mỗi tuần và tập thể dục thường xuyên trong phòng tập. Người cha có hai con này sau đó đã tập bơi trên biển. Ông được các huấn luyện viên tập cho quen cách bơi trên sóng dưới thời tiết lạnh giá. Chỉ trong vòng hai năm, ông đã sẵn sàng để bơi từ Folkestone, thuộc Kent bên phía Anh qua Cap-Gris-Nez, gần Calais bên phía Pháp. Ông dự định sẽ bơi qua quãng biển dài 22 dặm trong 24 giờ! Vậy mà hành động đánh cuộc với biển cả của Philippe Croizon đã chỉ diễn ra có 13 tiếng đồng hồ, nhanh hơn dự định tới 11 tiếng! Trời đã giúp người có tinh thần quả cảm nên gió đã thuận chiều và có ba chú cá heo bơi cặp kè bên cạnh cho vui. Không tay không chân giữa sóng gió đại dương, sao mà bơi? Đó là nhờ cặp chân giả mà phần bàn chân là một cái mái chèo. Khi bơi hai cánh tay cụt của ông chuyển động theo tư thế bò. Năm 2007 ông Croizon đã nhảy dù từ máy bay. Và ông còn viết một cuốn sách với cái tựa nghe rất hách: J’ai décidé de vivre (Tôi Quyết Sống)!

Anh Trần văn Quý cũng quyết sống mặc dù, cũng như Philippe Croizon, anh thiếu cả hai bàn tay lẫn hai bàn chân. Anh mất bàn tay bàn chân vì ông tạo lơ đãng quên gắn cho anh từ khi mới sanh chứ không phải bị điện xơi tái như Croizon. Trời không cho thì anh tự vượt qua cái bất túc để sống còn. Chàng tuổi trẻ sanh năm 1977 tại Thăng Bình, Quảng Nam này nhất định không chịu đầu hàng số phận. Đi học, không có những ngón tay cầm bút anh kẹp bút vào cườm tay để viết, không có bàn chân anh vẫn ngày ngày đạp xe 15 cây số đi, 15 cây số về để đến trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ trong suốt những năm trung học. Anh còn đi chăn bò lấy tiền giúp bố mẹ túng thiếu.  Đam mê mỹ thuật nên khi thi vào Đại Học anh chọn Đại Học Mỹ Thuật Huế. Người ta đi thi thì mang giá vẽ để thi môn hình họa, anh không có giá vẽ nên đành mất một năm học. Năm sau, bố mẹ cho anh vào Sài Gòn thi và anh đậu vào Đại Học Kiến Trúc. Lúc đó là năm 1997 và anh đúng hai mươi tuổi. Cả thày lẫn bạn phục lăn khi Quý xử dụng computer. Quý cột cây viết vào hai cẳng tay để gõ bàn phím hay lựa thế cẳng tay để gõ cho nhanh và chính xác. Anh lại chịu khó tìm tòi các cách đánh tắt để càng ít đánh càng tốt. Con chuột trong cườm tay anh vẫn di chuyển nhanh nhẹn như những người có tay. Lynh Nguyễn, một bạn học của anh, cho biết: “Ai cũng ngưỡng mộ ý chí ham học và tài năng của anh. Bị tàn tật nhưng anh chưa bao giờ chịu khuất phục trước số phận. Không bàn tay vẫn có thể vẽ, mà còn vẽ rất đẹp nữa là đằng khác. Anh dùng máy vi tính, các chương trình đồ họa graphic còn nhanh hơn cả người bình thường”. Năm 2003 anh tốt nghiệp trở thành một kiến trúc sư giỏi về thiết kế đồ họa. Cuối tháng 8 năm 2010 vừa qua, anh bị tai nạn khi ngồi trên xe máy do bạn chở, hiện vẫn còn nằm trong khu cấp cứu của bệnh viện 115 ở Sài Gòn. Anh bị dập não, máu bầm tụ quá nhiều đẩy não lệch sang một bên. Đầu tháng 9 anh lên bàn mổ. Số phận lại một lần nữa thử thách người con trai tật nguyền nhưng có khuôn mặt hết sức bảnh bao và thông minh này.

Có chí thì nên! Chúng ta đã được học như vậy từ những ngày tiểu học. Nhưng ê a câu… thúc hối trên ít ai trong chúng ta lại nghĩ tới chuyện áp dụng một cách rốt ráo như anh kiến trúc sư Trần văn Quý này. Hay như anh chàng Huang Jianming bên Tầu. Chàng trẻ tuổi này bị bánh xe tàu hỏa mượn đỡ hai chân vì nhảy tàu vào năm 1994. Bị con tầu cắt đứt chân nên anh chỉ còn nửa người, cao 85 phân và nặng 39 kí. Mất mát to lớn này dẫn đến cái mất mát khác không biết có to lớn bằng không: vợ anh ca bài vĩnh biệt tình ta! Mất chân, mất vợ, thiếu cả hai điểm tựa, anh vẫn quyết không để mất cuộc sống. Anh rao giảng niềm tin vào sức chịu đựng của anh : “Hãy luôn luôn tự tin. Phép lạ sẽ tới khi bạn cương quyết duy trì giấc mộng của bạn. Tôi đã mất cả hai chân nhưng trong suốt thời gian qua tôi đã là một chứng nhân sống chứng tỏ rằng nếu bạn có ý chí mạnh mẽ và một lòng tin vững chắc, bạn sẽ làm được những điều kỳ diệu”. Điều kỳ diệu mà anh Huang đã thực hiện được là leo lên Vạn Lý Trường Thành bằng tay! Chúa ôi! Tôi cảm được điều kỳ diệu này. Tôi đã từng leo lên bức thành cổ này. Bằng chân. Trên đường leo lên tôi đã gặp thiếu gì những người ngồi lê lết trên bực thang thở hồng hộc như heo bị cắt tiết. Có người bám vào tay vịn như bám vào vị cứu tinh. Tôi sảnh sẹ bước lên các bậc thang đá nhấp nhô tưởng có thể chinh phục được bức tường thành trong giây lát để đứng trên cao, giữa gió lộng phập phồng, lãnh được tờ giấy chứng nhận đã leo lên tới đỉnh. Vậy mà mới được ít bước, ngước mắt lên, đỉnh vẫn còn vời vợi trên cao, chân đã rã rời. Chẳng lẽ mình bết tới vậy sao! Tôi cố leo tiếp bằng những bước chân nặng chình chịch. Lết lên được hai đoạn thì quên bà Hồ Xuân Hương đi, chẳng dại chi mà nghe bả xúi dại mỏi gối chồn chân cũng phải trèo! Ngồi trên bực đá nghỉ, cũng hồng hộc thở không biết có giống con giáp nào không. Một lúc sau, khi nội lực đã trở lại, leo xuống. Tại sao xuống mà phải leo? Quả thật xuống cũng vất vả như leo lên. Tưởng ngon ăn hóa ra cũng trần ai. Bèn ngồi nghỉ bên bờ tường, nghĩ ngợi. Tại sao vậy cà? Chắc là tại các bậc thang làm bằng từng tảng đá nguyên con cao thấp khác nhau nên mau mệt chăng? Chắc vậy. Tôi tạm chấp nhận như một cách chữa thẹn cho sự bại xuội của mình. Vậy mà leo bằng tay! Và anh Huang leo được. Anh leo liền tù tì hai tiếng đồng hồ bằng hai miếng độn bàn tay trước cặp mắt khâm phục của các du khách. Anh lại rao giảng: “Tôi hy vọng khi các du khách nhìn thấy một người có một nửa thân mình leo lên Vạn Lý Trường Thành trong khi họ có nguyên cả một thân người, họ sẽ nghĩ về họ. Trong tương lai nếu họ có khó khăn trong cuộc sống, họ sẽ đối diện chúng như những con người đích thực!”. Chưa có khó khăn mà các du khách đã lé mắt tâm phục con người đầy nghị lực này. Một du khách đã trầm trồ: “Thật phi thường! Không phải ai cũng làm được như vậy. Tôi leo với bốn người bạn và tất cả đã bỏ cuộc nửa chừng. Vậy mà một người không có chân làm được trong khi những người có đủ hai chân không hoàn tất được. Tôi hết sức ngưỡng mộ anh Huang!”. Anh Huang phổng mũi là cái chắc. Nhưng anh xứng đáng với những gì anh đã và sẽ làm được. Trong những cái anh định sẽ thực hiện trong tương lai có trò leo lên tòa nhà Taipei International Financial Town cao 101 tầng vào tháng 9 năm nay. Không biết có cần phải nói thêm là tòa nhà này cao 508 thước và là tòa nhà cao nhất thế giới!

Tất cả những siêu nhân không chân không tay kể trên đều đáng nể phục. Họ chấp nhận sự thiếu hụt của họ. Họ vượt qua sự thiếu hụt đó. Nhưng giả dụ là có một phép mầu nào đó cho chân tay của họ mọc lại được họ có thích không? Thích mê đi chứ. Tôi nghĩ vậy theo sự suy nghĩ của một người hay ngại khó như tôi. Nhưng chắc không sai. Tự nhiên chân hay tay thiếu lại lành, sướng là cái chắc.

Các nhà khoa học đang tìm cách thực hiện phép mầu này. Họ cho rằng trước kia khả năng phục hồi các bộ phận của cơ thể tồn tại ở mọi loài động vật. Theo quá trình tiến hóa khả năng đó mất dần và chỉ còn tồn tại ở một vài loài trong đó có một số động vật lưỡng cư. Tại sao lại mất cái khả năng quý giá như vậy? Các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Wistar đã tìm ra thủ phạm là một gene mà họ đánh số là p21. Chính gene này đã ngăn chặn quá trình phục hồi các tổn thương. Trong một nghiên cứu họ thấy các con chuột điếc phục hồi được khả năng nghe sau khi họ tắt gene p21 trong cơ thể của chúng. Khi chúng ta bị thương tổn cơ thể thì cơ thể chúng ta làm lành vết thương bằng cách tạo nên sẹo. Nhưng các con chuột đã được tắt gene p21 lại sửa chữa các mô bị tổn thương trong tai bằng cách tạo nên nha bào, một nguyên liệu quan trọng trong quá trình phát triển của tế bào. Các bộ phận trên cơ thể động vật đều phát triển từ nha bào. Nhóm nghiên cứu nhận xét là sự biến mất của p21 khiến cơ thể chuột không sản sinh tế bào bình thường mà tạo ra tế bào gốc, loại tế bào có thể biến thành mọi loại mô trong cơ thể.

Trong tế bào bình thường p21 giống như cái thắng có nhiệm vụ ngăn chặn chu kỳ phát triển của tế bào mỗi khi DNA bị hư hại. Nếu DNA bị phá hoại mà p21 không hoạt động thì tế bào sẽ có nguy cơ trở thành tế bào ung thư sau khi phân chia. Người ta đã thử nghiệm tắt p21 ở loài chuột nhưng các nhà khoa học cho biết là tắt p21 trên cơ thể con người có thể thực hiện được bằng một cách nào đó, chẳng hạn như dùng thuốc. Nếu thành công thì cơ thể con người có thể mọc lại tay chân, phục hồi các xương gẫy hay ngay cả bộ não nếu não bị tổn thương. Giáo sư Ellen Heber-Katz, trưởng nhóm nghiên cứu đã nhận xét: “Giống như loài giông, những con chuột sẽ thay thế những mô bị tổn thương hoặc bị mất bằng những mô khỏe mạnh. Quá trình đó sẽ không để lại sẹo. Chúng tôi hy vọng trong tương lai chúng ta có thể làm tăng tốc độ phục hồi tổn thương ở người bằng cách tạm thời tắt gene p21”.

Nhóm các nhà khoa học tại Đại học Florida cũng đang chú tâm nghiên cứu hiện tượng mọc lại các chi của loài giông. Giông là một loài, cũng như cóc nhái, vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn nên được gọi là loài lưỡng cư. Theo Giáo sư Malcolm Maden của Đại học này thì “khả năng hồi sinh bộ phận cơ thể của giông rất giống quá trình lành vết thương ở động vật có vú. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, một ngày nào đó, loài người sẽ có khả năng tự tái tạo các mô”. Nhóm nghiên cứu này đã tìm ra là việc tái tạo bộ phận của giông chỉ phức tạp hơn một chút so với việc làm lành vết thương ở người và các động vật có vú. Cái “chút” đó là tế bào gốc nơi con giông có khả năng nhận ra tế bào cùng loại. Vì thế chúng tự sắp xếp theo thứ tự chính xác để tái tạo bộ phận bị mất hoặc bị tổn thương. Nhóm nghiên cứu của Đại học Florida khẳng định là nền khoa học hiện nay có thể bắt chước khả năng tái tạo này của giông.

Khám phá của các nhà khoa học mang lại hai niềm vui. Thứ nhất: chúng ta sẽ không lo bị sẹo làm mất hứng thú khi đi tắm biển. Thứ hai: chân tay bị điện hay xe lửa cướp mất sẽ tua tủa ra lại như trong các bộ phim giả tưởng chúng ta vẫn coi. Trong khi chờ đợi ngày tay chân tự động mọc lại, con người vẫn cứ phải nhờ tới gỗ tới sắt thế cho cái chân cái tay thiếu hụt.

Chiến tranh là thứ phá hại tay chân nhiều nhất. Hòn đạn mũi tên, mìn bẫy, pháo kích. Thứ nào cũng đe dọa tới sự an vui của chân tay. Sau chiến tranh Việt Nam, các chiến binh Mỹ đã dấn thân vào bom đạn tại A Phú Hãn và Iraq. Bao nhiêu tay chân đã mất trong ba cuộc chiến cận và hiện đại này, chúng ta không có con số chính xác. Nhưng ba người lính đã từng tham dự vào ba cuộc chiến, mỗi người một chiến trường, đáng lẽ phải có sáu chân, họ chỉ còn một chiếc chân độc nhất, chân của người cựu binh trên chiến trường Việt Nam tên Kirk Bauer, 62 tuổi. Hai người kia, anh Dan Nevins, 37 tuổi, tham chiến tại Iraq và Neil Duncan, 26 tuổi, tham chiến tại A Phú Hãn, chẳng còn tí cẳng nào. Mới đây họ đã cùng nhau làm một việc tưởng không thể làm được. Ba thân hình với chỉ một chiếc chân cha sanh mẹ đẻ và năm chiếc chân sắt đã cùng nhau chinh phục đỉnh núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro ở Tanzania. Đỉnh núi cao 5895 thước này đã nổi tiếng vì đã làm khung cảnh cho cuốn truyện loại best seller được quay thành phim của nhà văn Ernest Hemingway. Năm chiếc chân giả và một chiếc chân thật lẻ loi đã trầy trượt leo lên từng thước đá cao. Khi trượt té, khi lộn nhào, khi phải tháo chân ra chỉnh sửa. Vậy mà họ đã cắm được lá cờ chinh phục núi sau 6 ngày leo. Khi lên đã khó, khi xuống cũng thập phần gian nan vì những chiếc chân giả gây khó khăn cho việc giữ thăng bằng thân người. Họ muốn gửi cho mọi người một thông điệp về lòng quả cảm và chí kiên nhẫn. Người già nhất, anh  Kirk Bauer, thương binh trong cuộc chiến ở Việt Nam, đã nói: “Thông điệp chúng tôi gửi về nước Mỹ là dù bạn có tàn tật thế nào đi nữa, bạn vẫn có thể hành động. Nếu ba người mất chân từ ba cuộc chiến, chỉ có một chiếc chân lành lặn, có thể leo lên đỉnh Kilimanjaro thì những người bạn tàn tật khác cũng có thể làm như vậy được!”. Tôi sẽ chuyển thông điệp này tới hai ông bạn nhà thơ Luân Hoán và Phan Xuân Sinh của tôi. Các ông cũng đã bỏ lại chiến trường mỗi người một chân. Nhưng tôi tin các ông sẽ cất vào xó cái thông điệp vất vả này. Thừa sức hay sao mà dại dột chơi trò leo núi!

Ba người mà có mỗi một chiếc chân. Thiếu đứt đuôi. Nói chuyện thiếu nghe ra chuyện thừa. Thiếu chi người có đầy đủ tay chân mà như thừa. Nhà thơ kiêm nhà tranh đấu cho dân chủ Hà Sĩ Phu biết chỗ thừa tay. Ông thơ:

Đảng chỉ tay,
Quốc Hội giơ tay,
Mặt Trận vỗ tay
Chính phủ khoanh tay,
Quốc Doanh ngửa tay
Tội phạm ngoặc tay,
Công an còng tay,
Báo chí chùn tay,
Trí thức phẩy tay,
Quan chức đầy tay,
Dân trắng tay!

Toàn những cái tay thừa!

09/2010