An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

MỚI

Mới ngày nào chúng ta bước qua thế kỷ mới, ầm ĩ chuyện YK2, trữ gạo trữ nước, trữ mì gói nước mắm. Làm như thế kỷ mới là con khủng long dẫm nát cuộc sống cũ của chúng ta. Vậy mà nay Thế Kỷ 21 đã được 10 tuổi. Tôi nhìn lên cuốn lịch vừa được đổi. Con số 2011 không được tròn trĩnh như con số 2010. Chú mèo tới nhậm chức cũng không được to khỏe và oai phong như ông ba mươi. Nhiều người tiếc cái oai phong của thần hổ. Nhưng thích hay không thích thì thần hổ vẫn bị giải thể, cuốn lịch vẫn phải thay và Thế Kỷ vẫn thêm một tuổi. Và chúng ta ai cũng được ăn theo một tuổi của Thế Kỷ.

Ngày nhỏ, mỗi lần Tết đến là chúng ta hãnh diện “lên” một tuổi. Tới khi tuổi đã tràn ngập cuộc sống, thì tuổi chẳng “lên” được nữa. Tới tuổi được nhà nước tháng tháng phát tiền khơi khơi thì còn cái chi lên được. Tuổi rơi xuống đầu chúng ta một cách khiên cưỡng, không nhận mà được với trời à!

Vậy thì mỗi chúng ta nhận thêm một tuổi…già. Nghe héo hắt con tim. Già thường được hiểu như xuội lơ. Làm gì cũng chẳng nên trò nên trống. Chúng ta sống trong tinh thần Giáng Sinh vừa đi qua: bình an dưới thế. Tất cả mọi thứ đều bình an. Nhưng trong “chúng ta” vẫn có những người hình như không phải thuộc trong số chúng ta. Họ không chịu…bình an. Họ vẫn lên.

Cái sự lên của những bậc tuổi trời đã đầy có nhiều category lắm. Nói chuyện văn hóa trước cho có…văn hóa. Tôi biết một bà người Việt có chồng Mỹ. Khi hai người về Mỹ, trước 1975, ông chồng đã tới tuổi hưu. Về hưu, có thời giờ, ông cắp sách đi học lại. Nghe mà ớn! Học là thứ bắt buộc của tuổi trẻ. Một công việc không được hứng thú lắm. Nhỏ không học, lớn đi ăn mày. Đó là lời giáo huấn nghiêng về…lợi nhuận của các bậc cha mẹ. Vậy thì nhỏ phải học như một…nghề! Lớn cỡ hưu trí như ông Mỹ có vợ Việt mà còn cắp sách tới trường thì tôi xin ngả nón. Bởi vì học không phải là cái thú của tôi. Tới bây giờ thỉnh thoảng tôi còn nằm mơ tới chuyện thi cử. Đó là những cơn ác mộng. Tỉnh dậy, thấy mình đã già, mừng hết lớn! Thành ra, nghe chuyện ông Mỹ già đi học thấy phục sát đất. Tưởng ông đi học chơi, ai ngờ ông chăm chỉ học tập trong nhiều năm, tới khi nhắm mắt. Hỏi ông hưu chi mà khổ sở như vậy, ông đáp: để làm gương cho tụi nhỏ, thấy ông già mà còn cắp sách tới trường, sắp nhỏ đâu có lười được!

Ông bạn Mỹ của tôi khi về hưu, ngày ngày đi học, lúc mới 65 tuổi. Đọc báo tôi vừa tìm được một tấm gương ngon lành hơn nhiều. Tấm gương mang tên Chao Muhe. Cụ đã 96 tuổi khi tốt nghiệp Cử Nhân Triết Học tại một Đại học ở Đài Loan. Tại sao thân già phải vất vả như vậy? Bởi vì thằng cháu trai lười học. Cụ cho biết: “Cháu tôi học hành không chăm chỉ, vì thế tôi muốn làm gương cho nó bằng việc hứa sẽ vào học cùng cháu”. Quả thật trên đời này làm gì cũng không khó bằng làm…gương! Vì phải làm gương nên cụ rất chăm chỉ không bỏ lỡ một buổi học nào dù cụ phải dạy từ 5 giờ sáng, bắt nhiều chuyến xe buýt tới trường. Trong lớp cụ không có bạn đồng lứa. Tất cả các sinh viên đều kém cụ 70 tuổi! Vậy mà cụ vẫn…chơi với những bạn đồng học này rất thân mật và vui vẻ. Họ gọi cụ bằng hỗn danh thân yêu: Grandpa Chao. Cụ học chăm hơn họ vì tuổi già, trí nhớ sa sút, cụ phải gạo bài tới 3 giờ sáng mới theo kịp chúng bạn. Kết quả cụ ra trường cùng ngày với cháu trai Zhao Shuangzhan, 32 tuổi!

Cụ Ken Hechler thì chẳng cần học hành chi cho phí tuổi già. Cụ đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn không yên. Cụ ứng cử vào Thượng viện trong kỳ bầu cử vào tháng 11 năm 2010 tuy cụ cũng biết là tuổi của cụ không còn là tuổi tranh đua: “Mọi người có thể cho rằng tôi quá già xét về tuổi tác, nhưng tôi có tâm hồn, trái tim, nhiệt huyết của một thanh niên 35 tuổi”. Cụ này…xuân khiếp! Cụ ứng cử để kiếm tí lương  tiền chăng? Không, cụ không cần thứ đó. Cụ phải vất vả tranh cử với người ta vì cụ có triết lý sống của cụ: vì công lý! Cứ cái gì bất công là cụ vén tay áo tranh đấu chống tới cùng. Trả lời tạp chí Salon, cụ Hechler cho biết cụ không có ý định tranh chấp quyền lực với bất cứ ai nhưng cụ phải chạy đua vào ghế Thượng Nghị Sĩ chỉ với mục đích chuyển tải nỗi lo lắng của người dân tới chính quyền trong vấn đề khai thác than đá trên các đỉnh núi ở West Virginia, quê hương thân yêu của cụ. Vấn đề này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận nẩy lửa trên khắp vùng núi Appalachia ờ miền đông nước Mỹ. Những người khởi xướng cho rằng việc khai thác than đá trên núi là cách thức hiệu quả và kinh tế nhất để có được các vỉa than trữ lượng lớn, với độ an toàn nhiều hơn là khai thác than dưới lòng đất. Nhưng theo phe của cụ Hechler thì trên thực tế tác động môi trường của việc khai thác núi này rất đáng lo ngại. Khi lớp đá bên trên vỉa than được xới lên, chúng sẽ tràn xuống các thung lũng phía dưới, chặn đứng lưu lượng nước của sông và suối, gây ô nhiễm ngưồn nước, bồi lấp đất đai nông nghiệp. Năm 2010, nhiều người dân địa phương cùng các nhà môi trường đồng loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động mà  họ gọi là “cưỡng hiếp vùng Appalachia” này. Tuổi già nhưng sức không yếu, cụ Hechler lái chiếc xe díp đỏ đi vận động rất hăng hái. Nhưng cử tri có lẽ thương cụ, cụ gân nhưng chẳng nên lên gân quá, lỡ đứt gân máu thì sao. Vậy là cụ thất cử.

Tôi nghĩ nếu cụ đắc cử vào Thượng Viện, cụ sẽ hăng say tranh đấu và biết đâu chẳng thành công với khẩu hiệu tranh cử của cụ: “Vì một West Virginia tốt đẹp hơn – Chấm dứt khai thác than trên núi”. Các nhà trí thức Việt Nam, những người đáng lẽ cũng đã được yên tâm hưu, cũng đang làm một việc tương tự như cụ Hechler: tranh đấu cho việc bãi bỏ khai thác quặng bô-xít tại miền Cao Nguyên nước ta. Họ không ứng cử vào quốc hội như cụ Hechler vì ai cho họ ứng cử! Mà dù có vào được quốc hội thì cũng có miếng băng keo đính kèm, tranh đấu chi được. Nước ta vốn không giống bất cứ nước nào khác!

Tôi nhất định không muốn giống hai cụ Chao Muhe và Ken Hechler. Học tôi chả thích. Làm chính trị tôi cũng kính nhi viễn chi. Mấy ông bạn già của tôi cũng vậy. Họ chỉ thích đi chơi. Chẳng phải muốn vớ được một sàng khôn mà chỉ muốn vớ được những thực phẩm mượt mà của trần gian. Đi…chơi như vậy có thể tà tà, lúc nào đi mà chẳng được. Nói vậy tôi bị các ông bạn rầy rà liền. Ở vào cái tuổi cái gì cũng cần gấp gáp, mau lên đi trời hôm tối rồi, thì cứ nên theo cái túi khôn của tiền nhân: việc gì có thể làm được tút suỵt thì làm liền đi, đừng để tới ngày mai.

Cụ Vitthaldas ở Ấn Độ mau mắn làm tút suỵt tuy cụ đã 106 tuổi. Cụ không đi chơi mà đi lãnh lương hưu. Mỗi tháng cụ cuốc bộ từ làng lên tỉnh để lãnh số tiền hưu khoảng 130 đô Mỹ. Mà có gần gũi chi cho cam. Từ làng cụ nơi thị trấn Nizamabad thuộc Andhra Pradesh tới thành phố Thane thuộc tiểu bang Maharashtra có khoảng cách 350 cây số. Như vậy vừa đi vừa về cụ ngốn tới 700 cây số bằng đôi chân già khẳng khiu của cụ. Dĩ nhiên cũng có chiếc gậy giúp đỡ bước đi của cụ nhưng tài cuốc bộ của cụ kể là thần sầu. Cụ đã từng tham gia phong trào đòi độc lập từ tay người Anh dưới sự dẫn dắt bất bạo động của Mahatma Ghandi. Cụ phều phào cho biết: “Năm 1938, tôi gặp Gandhi ở Mumbai. Ngài nói rằng mọi người nên kiên trì và tiếp tục cố gắng. Tôi đã thực hiện theo lời khuyên đó của Ngài!” Nhưng nếu phải chọn giữa việc tiền hưu tìm tới cụ hay cụ đi tìm tiền hưu thì cụ sẽ chọn cách thứ nhất cho đỡ vất vả. Nhưng cụ đã đề nghị nhà chức trách chuyển tiền về làng nhưng họ cho biết thủ tục rất rắc rối và tốn thời gian!

Cụ Vitthaldas hơn trăm tuổi đi bộ 700 cây số chỉ mỗi tháng một lần, còn nhàn chán! Hình như tôi không có số…nhàn. Vừa nói vậy là bị các ông bạn tôi phang liền. Ông thử đi như cụ Vitthaldas coi có được không? Tôi ngẩn người ra, chắc không được. Nội lái xe phom phom đi từng ấy cây số đã ngại ngùng rồi. Ấy là tôi vẫn thể dục thể thao đều đều được ông  tu bíp Trang Châu khen ngợi đã đánh bạt được anh cholesterol rồi đó. Nhưng tôi bảo cụ Vitthaldas nhàn là vì tôi so sánh cụ với cụ Đặng Huyền. Cụ này còn trẻ hơn cụ Vitthaldas, mới có 98 tuổi. Cụ là dân xã Phú Dương ở Thừa Thiên, Huế. Nếu tới Phú Dương hỏi cụ Huyền chắc nhiều phần không ai biết. Bởi vì tên giấy tờ của cụ là Đặng Huyền nhưng người dân ở đây gọi cụ là cụ Huần. Nếu  hỏi cụ Huần đạp xích lô thì ai cũng biết. Cụ đã có thâm niên đạp tới 68 năm rồi, từ năm cụ  mới ba chục tuổi lận. Bến xe của cụ ( nói cho oai vậy thôi chứ đúng ra là chỗ cụ thường ngồi nghỉ chờ khách) là trước một quầy thuốc lá ở chợ Nọ, nằm trong huyện Phú Vang. Gần trăm tuổi vẫn còn đạp xích lô? Đúng vậy. Ai nỡ ngồi vắt vẻo cho cụ già trăm tuổi cong lưng đạp? Sự ngại ngùng đáng lẽ không nên có này làm cho ít khách dám leo lên xe cụ. Đúng theo luật cung cầu, cung lúc nào cũng sẵn mà cầu còn ngại ngùng nên cụ ế. Ế nên, cũng đúng theo diễn biến của thị trường, cụ…sale. Ai trả bao nhiêu cụ cũng ừ, không có tiền xin nợ cụ cũng gật. Không vậy thì lấy gì bỏ vào miệng và nuôi vợ là cụ bà Trần Thị Lặc năm nay đã 86 tuổi lại thường xuyên bệnh tật! Với đôi bàn tay chai sạn sửa sang chiếc xe cũ kỹ, cụ tâm sự: “Tui còn sức còn đạp xích lô chứ bây giờ nghỉ thì vợ chồng già không biết nương tựa vào ai”. Tôi biết tới cụ Huần vì lang thang vào mạng của mấy tờ báo trong nước đọc được bài viết của ký giả Văn Nguyễn. Có lẽ đây là một tấm gương sáng về…sản xuất nên tôi thấy cụ xuất hiện trên mấy tờ báo lận. Có lẽ vậy thật vì trong hội diễn Festival Huế 2007, cụ Huần được vinh danh là người lái xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế! Thấy cụ được vinh danh cũng mừng nhưng nghĩ lại thấy thương cụ. Sống trong một xã hội mà người gần trăm tuổi còn phải đạp xích lô sinh sống, không hiểu cái xã hội đó thuộc loại xã hội nào mà…tồn cổ đến thế. Lại còn có thể tổ chức Hội Diễn Festival để vinh danh thì lãnh đạo của cái xã hội đó có đầu óc ra sao? Kể cũng khó hiểu!

Năm mới, định đưa ra vài tấm gương…xuân cho cánh già chúng ta lên gân cốt lại gặp phải cái gương mờ, phiền phức thật! Quên đi những chuyện không xuân, chúng ta rủ nhau đi tìm lại những bóng hình chính cống xuân. Như cơ bắp của cụ Tsutomu Tosaka. Nhìn cơ bắp đầy…gân của cụ, tôi thấy mình bèo nhèo hẳn đi. Ấy là ngày xưa, khi còn thanh niên tôi cũng đã bày đặt tập tạ mỗi ngày. Ngực cũng hai cái bát úp, tay cũng gân guốc, lưng cũng ngang phè phè, bụng cũng sáu múi rõ ràng, đùi cũng một cục. Cụ Tosaka này chỉ hơn tôi cái chí. Cụ có chí to hơn tôi. Cho tới nay cụ vẫn tập tạ đều đều tuy tuổi đời đã 74. Không những tập cho da thịt…xuân, cụ còn đi thi thân hình đẹp nữa. Dĩ nhiên, chịu khó múa may như vậy, cụ chiếm giải là cái chắc. Thành tích mới nhất của cụ là huy chương vàng của cúp thể hình cao tuổi. Cụ trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters: “Tôi rất run cho tới khi nghe kết quả cuối cùng”. Cụ khéo bày đặt. Run chi mà run. Cụ ăn đứt các ông bạn tôi về đường cơ bắp. Chính cụ làm cho họ run thì có! Sang năm, khi “lên” 75 tuổi, cụ sẽ thi với cánh via hơn. Cụ cho biết: “Từ năm tới, tôi sẽ tham gia nhóm của những người trên 75 tuổi. Họ cũng cạnh tranh dữ lắm nên tôi phải luyện tập nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi muốn chia sẻ với những người cao tuổi rằng, bất cứ ai cũng có thể giữ thân hình trẻ trung và khỏe mạnh nếu họ luyện tập thường xuyên”. Cụ Tosaka không phải nhắc nhở. Ngày nay giới già có lẽ là giới chăm lo luyện tập hơn cả. Không tài chi cũng khí công, không thái cực quyền cũng sa long cương. Đang hot nhất bây giờ là Càn Khôn Thập Linh của Thầy Hằng Trường. Ông múa, bà múa hết con cóc đến con trâu, hết con rồng đến con rùa cứ loạn cả lên. Đi qua đủ chục kiếp loài vật sẽ nên người khỏe mạnh!

Tập chỉ cốt khỏe mạnh là thứ tập tài tử. Tập để dự thi thế vận hội với người ta mới là tập thứ thiệt. Cần phải nói ngay thứ thế vận hội bốn năm tổ chức một lần không ai có đủ kiên nhẫn để các cụ lừ đừ thi cử. Thế vận hội nói ở đây là World Masters Games mà kỳ mới nhất được tổ chức ở Sydney vào tháng 10 vừa qua. Thi cử tại thế vận hội này được chia ra làm nhiều hạng tùy theo độ tuổi. Tuổi dự thi bao gồm từ 24 tới 101 tuổi! Cũng vất vả lắm. Như trong bộ môn ném tạ, cụ bà Ruth Frith ném quả tạ 4 kí đạt được độ xa 4 thước để trở thành vô địch của độ tuổi từ 100 trở lên. Cụ bà Frith năm nay được 101 tuổi. Thực ra cụ chỉ cần hẩy quả tạ ra xa một chút là chiếm chức vô địch rồi. Vì trong hạng tuổi này chỉ có mỗi mình cụ ra sân thi đấu. Nhưng được cái an ủi là với thành tích đó cụ đã làm hơn được nhiều thí sinh ở các hạng tuổi nhỏ hơn. Thấy cụ biều diễn mới phục sự cố gắng của cụ. Cụ cũng  soải tay, hét lớn trước khi ném. Y như một vận động viên tranh giải tại các thế vận hội thứ thiệt. Cụ trăm tuổi có lẻ này đã có chắt, tuyên bố sau khi giành được huy chương vàng: “Tôi chỉ phải ném tạ để giành huy chương, nhưng điều đó chưa đủ. Tôi phải chứng tỏ cho mọi người thấy tôi có thể làm giỏi hơn được”. Khi được đề nghị uống chút rượu mừng chiến thắng, cụ gạt phắt ngay: “Tôi không uống rượu và hút thuốc. Kiểu ăn mừng hiện đại này không dành cho tôi!”.
World Masters Games năm nay quy tụ được tới 28.292 vận động viên tuổi từ 24 đến 101. Cũng tranh tài đủ các món ăn chơi như các kỳ thế vận chính thống. Năm nay, trong độ tuổi từ 60 đến 64 có cụ Santa O Clause dự tranh môn chạy 100 thước, cụ Osmo Millridge, 77 tuổi, thi môn nhảy vượt rào. Chơi như vậy kể cũng còn là chơi…khó!

Chơi dễ thì chơi để mà chơi. Các cụ cứ phô trương tài nghệ một cách khơi khơi. Chẳng thi đua, chẳng ép xác, cứ ta biết ta là được rồi. Ngày còn xuân, trong các môn tập thể dục tôi ngán nhất là môn hít đất. Chống hai tay đưa người lên xuống nhịp nhàng. Chỉ được vài cái là tôi oải. Bạn bè tôi nhiều tên có tài…hít, đu lên đu xuống như máy, tỏ vẻ khinh bỉ ra mặt. Đó là những ngày tôi còn xanh. Ngày nay tôi chẳng dại chi mà thử sức tuy tuổi tôi còn thua xa tuổi cụ Shi. Cụ Shi, tên đầy đủ là cụ Shi Xiaochun, ngụ tại tỉnh Chiết Giang bên Tầu. Cụ năm nay 102 tuổi, sáng nào cũng hít đất. Không phải hai bàn tay trải ra trên mặt đất như mọi người mà  hai tay nắm lại thành nắm đấm. Cứ thế mà hít.  Lâu lâu đổi món cụ còn chơi trò chỉ chống một tay. Một tay chống cả thân hình, người chi mà dễ sợ!

Bộ cụ bà Zhao Yufang ở Bắc Kinh không dễ sợ hơn sao? Cụ này nay 82 tuổi nhưng có tài múa dẻo. Sáng sáng cụ tập luyện trên đường phố làm nhiều người lác mắt. Kiểu nào cụ cũng không care kể cả kiểu giữ thăng bằng cơ thể trên hai tay. Nhìn hình cụ uốn éo hàng ngày tôi nghĩ tới các em bé vũ ballet. Động tác của cụ y hệt như vậy. Giống như những con thiên nga. Có điều con thiên nga này hơi nhăn nheo!

Bà cụ 70 tuổi ở Quảng Đông mà tin tức sơ ý không cho biết tên cũng dẻo dai không kém. Cụ này chơi sà ngang sà dọc như thiếu nữ mười tám. Cụ còn chiêu trồng cây chuối hết xảy. Tôi phục cụ này vì tôi chưa bao giờ, và vĩnh viễn chẳng bao giờ, có thể thành cây chuối được, dù chuối hột hay chuối không hột! Cái trò ngược ngạo đầu dưới chân trên tôi chưa bao giờ làm được, dù chỉ một giây!

Trèo cây thì được. Những ngày còn mặc quần xà lỏn đánh đu trên rặng ổi nơi bờ sông Hà Nội, tôi đã một thời leo trèo như khỉ. Khi khẩn cấp, bị chủ vườn ổi săn đuổi, tôi cùng bạn bè chuyền từ cây này sang cây kia như máy. Đó là tôi-học-trò. Tôi ngày nay đứng nhìn cây mà thở dài. Vậy mà cụ Nguyễn Thị Lan, tuổi đã tám chục, vẫn còn leo cây thần sầu đến báo phải đăng hình cụ. Cụ người thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, có lẽ tuổi con…sóc! Bà Nguyễn Thị Loan, 60 tuổi, bán nước chè nóng trong thị xã, đã ca tụng: “Trong đời này tôi chưa thấy ai trèo cây giỏi như cụ Lan. Cụ đã 80 tuổi rồi mà còn trèo cây ghê lắm. Thú thật như tôi năm nay mới có 60 nhưng chưa một lần dám trèo cây cao nửa mét. Còn cụ ấy thì trèo như vượn, mà cũng giỏi thật, chừng ấy tuổi  mà vừa trèo cây giỏi vừa đi xe đạp vô tư”. Cùng xóm với cụ, anh Nguyễn Văn Cường cũng ngả mũ: “Năm nay tôi mới 34 tuổi nhưng nói về trèo cây thì phải gọi cụ bằng sư phụ”. Trong vườn nhà cụ có đủ hồng xiêm, vú sữa, nhãn, cây nào cây nấy cao từ 5 đến 10 thước. Ngày nào như ngày nấy, từ 12 giờ trưa tới 3 giờ chiều là thời gian cụ leo. Cụ leo hàng chục năm nay mà chưa bao giờ làm gẫy một cành cây nào và cũng chưa một lần té ngã. Trước mắt nhà báo, chỉ trong tích tắc, cụ đã chót vót trên cây hồng xiêm cao 10 thước, lại còn mang theo được túi đựng trái và cây tre có giỏ hái! Tuổi bát tuần, leo như vậy, chồng con cũng sợ nhưng cụ cứ tỉnh bơ. Cụ ông Nguyễn Nghị tâm sự: “Khoảng 20 năm trở lại đây bà ấy leo cây nhiều hơn. Đặc biệt là từ sau tết 2009, ngày nào bà ấy cũng leo. Thấy bà leo cây nhiều quá tôi lo lắng bảo với con chặt quách mấy cái cây đó chứ không lỡ có chuyện chi thì làm sao! Nhưng suy đi tính lại, giờ mà chặt hết cây trong vườn thì cũng tiếc vì bao nhiêu năm chăm lo vun trồng, thôi thì đành để vậy. Tôi chỉ biết khuyên bà nên ít leo cây hơn, nói nhiều nhưng bà ấy có nghe đâu. Thôi thì bà ấy quyết thì tôi cũng đành chịu!”. Nói với nhà báo, cụ Lan quả quyết: “Đó là chuyện nhỏ thường ngày. Thú thật với các chú, tôi thích là tôi làm, chả có gì là nguy hiểm cả. Tôi bảo rồi, chỉ có tinh thần vững vàng thì mới có thể leo cây được như thế!”.

Ngày xuân nhàn rỗi, móc máy chuyện các cụ còn…lên, kể ra cho các cụ bạn ta nghe chơi. Nghe vậy thì biết vậy, các cụ chẳng nên vọng động. Cứ coi như đó là hàng mẫu, con tạo trưng bày ra để cho biết sản phẩm của ổng là thứ xịn. Tất cả không được như vậy đâu. Đừng ham hố mà múa may theo thứ hàng mẫu này. Xảy chân xảy tay thì chỉ có chống nạng. Ngày tư ngày tết mà chơi với cái nạng, mất vui đi!

01/2011