An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

PHỞ

Nếu không có vụ World Cup 2010 thì chẳng ai biết là ở tuốt tận Nam Phi của ông Nelson Mandela lại có tiệm phở. Không phải một tiệm mà tới hai tiệm lận: một ở thành phố biển nghỉ mát Cape Town và một ở Johannesburg. Hai thành phố này đều là chỗ cho các tuyển thủ quốc tế thi tài. Thành phố Johannesburg là nơi tranh trận khai mạc và trận chung kết. Ngoài 9 thành phố có sân bóng tranh tài, có thể các thành phố khác cũng có tiệm phở mà các ký giả không khám phá ra chăng? Nghĩ như vậy là nghĩ tham. Hai tiệm phở ở Nam Phi đã là điều thú vị quá lẽ rồi! Tiệm ở Cape Town do một người ngoại quốc làm chủ trong khi tiệm phở mang tên “Sàigòn Phở” ở Johannesburg lại do một người Việt chính cống mở ra. Người đó là chị Phương Thanh. Chị theo chồng lưu lạc tới đây. Anh chàng phở bám theo gót chị. “Sàigòn Phở” là một tiệm rất Việt Nam với mành trúc, lũy tre xanh và âm nhạc Việt.

Ông ký giả người Việt Nguyễn Văn Khanh, trong khi làm phóng sự bóng đá, cũng đã la cà tới đây để thưởng thức phở. Ông không cho biết là phở Sàigòn của cô Phương Thanh có đạt không mà chỉ chuyện trò với cô hàng phở về…bóng đá! Mùa World Cup mà không nói về bóng đá thì nói cái chi chi! “Cô chủ đã có chồng nhưng vẫn thật nhí nhảnh vừa cười vừa nói. Cô bé sinh trưởng ở Sài Gòn, tên cúng cơm Nguyễn Hoàng Phương Thanh, theo chồng về quê Nam Phi lập nghiệp và mở tiệm phở ngay tại Johannesburg, chạy đôn chạy đáo lo cho khách trong thời gian World Cup, nhưng nhất định không chịu bỏ trận nào cả. “Em xem suốt”, cô nhắc lại lần nữa để chứng tỏ trong người có máu “bóng đá của ba mẹ em”. Em chọn đội nào đoạt cúp vô địch năm nay, tôi hỏi dò. “Em thích thằng Tây Ban Nha, mê thằng Đức nhưng ủng hộ thằng Brazil”. Nếu tất cả những “thằng” em mê hay ủng hộ đều chầu ông bà hết thì em chọn ai, tôi hỏi tiếp. “Anh ơi, em chọn Việt Nam mình có được không?”.

Hai anh em mơ tới ngày Việt Nam mình so chân cẳng ở World Cup. Cứ để họ mơ dù biết rằng đây là giấc mơ…dài! Nhưng nguyên cái việc gặp được đồng hương nơi đất khách, lại có tô phở bốc khói nghi ngút, đã là một chuyện cứ tưởng như mơ. Anh chàng phở lang bang thật nhưng lang bang tới trời Phi thì quả thật hết biết.

Phở hình như cũng thích thể thao. Các nhà báo đi tường thuật các trận tranh tài thể thao thường hay vớ được anh phở ở những chốn lạ hoắc lạ huơ. Một nhà báo ở Việt Nam đi dự SEA Games 19 ở thủ đô Djakarta của Nam Dương, trong một lần lang thang trên các đường phố của thành phố thủ đô này đã bất ngờ bắt được anh…lang bang! Cái anh ngạc nhiên nhìn thấy là một tiệm ăn có bảng hiệu “Phở Hòa”. Đánh chết cũng phải vào. Tưởng có thể giở được mớ tiếng Việt ra đấu hót với đồng hương, ai ngờ chủ tiệm là một ông Nam Dương thứ thiệt. Hỏi thăm sự tình mới được biết là ông Nam Dương này đã học nấu phở tại một tiệm phở Hòa ở Cali. Về nước ông muốn giới thiệu món ăn Việt vừa ngon vừa dễ ăn cho đồng bào ông nên mở tiệm phở và cũng dùng tên của tiệm ở Cali cho tiện. Hỏi có khách Việt Nam tới ăn không, ông lắc đầu: làm chi có của hiếm đó. Khách hàng của ông toàn là người bản xứ. Ông ký giả này cũng lơ đãng như ông Nguyễn Văn Khanh, không cho biết thứ phở đã nhập tịch Nam Dương mùi vị ra sao.

Chứ phở ở Đại Hàn đã giao du với kim chi! Thật là một loại giao du dại dột. Tôi rất khoái món kim chi của Đại Hàn. Tôi đã từng được ăn nhiều loại kim chi ở ngay thủ đô Seoul. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nghiện kim chi. Nhưng tưởng tượng cho kim chi vào phở thì cuộc hôn nhân này sẽ tạo ra thứ mùi vị gì. Tôi không dám nghĩ tiếp. Và cũng không dám thử dù cả phở lẫn kim chi tôi đều có sẵn trên bàn ăn. Không biết có ai nghe tới tên anh ca sĩ Đại Hàn Junsu của ban nhạc DBSK không? Chuyện nhạc nhiếc của mấy ban nhạc trẻ thì tôi bù trất. Nhưng tôi nhắc tới anh ca sĩ này vì anh mới mở tiệm phở tại Hán Thành. Không biết có phải vì tự tin ở tài nấu phở của mình không mà tiệm của anh có một cái tên rất hách: vỏn vẹn chỉ một chữ “Pho”! Cái tên Việt không có dấu nhưng ai cũng biết nhà hàng bán món chi. Dân chúng trong vùng không tin là anh ca sĩ trẻ bỗng dưng có hứng làm nhà hàng, mà lại nhà hàng bán một món ăn…quốc tế. Một ông khách chuộng món phở đã phải ngạc nhiên: “Tôi thấy Junsu luôn có mặt ở đó. Anh ấy trò chuyện với nhân viên trong bếp và tham gia nấu nướng. Lúc đó tôi đã tự hỏi hay là anh ấy làm việc ở đây?” Ban nhạc trẻ DBSK là cái chi, tôi chẳng thèm để ý tới nhưng cái tên Junsu thì tôi bắt đầu có cảm tình. Vì phở!

Tôi vẫn thường hót với bạn bè là tôi theo đạo…phở. Đạo của tôi bốc khói mù mịt nhưng là thứ khói thơm đến chảy nước miếng. Cứ nghĩ tới phở là mồm miệng tươm ra thứ nước thèm thuồng đến điên cuồng. Hình như phở là điểm hội tụ của phần lớn dân chúng Việt Nam ta nhất là dân Bắc Kỳ như tôi. Ông bác sĩ kiêm nhà báo Việt Nguyên của báo Ngày Nay ở Houston không biết có phải là người Bắc như tôi không. Ông chỉ khoái lái xe đi du lịch. Mộng của ông  là rong ruổi trên đường thiên lý. “Mộng một ngày bỏ hết mọi việc, trở thành chàng lãng tử như nhà báo Jack Kerouac một mình lái xe đi khắp nước Mỹ hay như văn hào John Steibeck đi hết con lộ 66 đi qua vùng viễn tây, con đường công nhân đi tìm việc, năm 1939, viết tiểu thuyết “Chùm Nho Uất Hận”. Thú đi du lịch là bỏ quên những lo âu, giấy tờ, không làm vườn, không săn sóc nhà cửa, không đọc thư, đọc e-mail, ngồi ngắm cuộc đời thấy mình trở nên vô hình trong đám đông người du lịch, nghe những giọng nói lạ, những ngôn ngữ không hiểu như những tiếng chim hót ngoài công viên”. Bỏ hết! Chỉ còn chiếc xe lăn bánh trên đường. Ngày xưa, hồi mới tới Mỹ, nhà báo Việt Nguyên đã từng như vậy. “Quê hương thì xa nhưng tình người những năm đầu thì gần và nồng nàn. Những năm 80, không phương tiện tối tân như máy GPS, không điện thoại di động cầm tay, người lái xe chỉ cần đọc bản đồ trước khi khởi hành, khi lái xe người ngồi cạnh đọc bản đồ, lạc đường dừng xe lại ở trạm xăng, mất 10 xu bỏ vào điện thoại công cộng hỏi bạn chỉ đường đến nhà ghi vào giấy, theo bản đồ đi tiếp, đến nhà hai giờ sáng đã thấy bạn đợi ở nhà với nồi phở”.

Nồi phở là điểm qui kết những con dân Việt xa xứ tụ lại với nhau. Đó là hồn Việt. Những năm đầu thập niên 70, một số sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học UP (University of Philippines) tọa lạc tại Quezon City, sát nách thủ đô Manila, ăn ở ngay trong dorm của trường, lúc nào cũng chỉ chờ mấy Việt kiều ở Phi ới tới nhà ăn phở. Phở nấu cách gì cũng ngon thấu trời. Hồi đó tôi có một anh bạn trẻ, Việt kiều ở Manila, có vợ và một con nhỏ. Chị vợ cứ cuối tuần chơi một nồi phở cả nhà ăn suốt tuần. Cao lương mỹ vị chi mà cứ nuốt suốt tuần một thứ đích thị là một cực hình. Anh bạn tôi lẳng lặng nhấc phôn năn nỉ: “Các ông làm ơn tới nhà tôi ăn phở, đi càng đông càng tốt”. Được lời như cởi tấm lòng, đám sinh viên già ới nhau ngồi chật chiếc xe Volkswagen của một anh bạn khác, kéo tới ăn phở. Anh bạn ớn phở đón khách lòng vui như mở hội, ghé tai thầm thì: “Các ông làm ơn ních cho đầy bụng nhé!”. Chuyện nhỏ! Lũ thực khách đói phở ăn lặc lè tưởng khi về không dồn vào được chiếc xe tội nghiệp. Ăn xong, tiễn khách ra cửa, ông bạn cúi rạp người cám ơn rối rít. Vợ anh, vốn là một người thông minh, cạch không nấu phở nữa. Cứ đồ Phi ăn riết. Chỉ ít ngày sau, được mời đi ăn phở tại một nhà khác, anh bạn ớn phở làm một tua muốn bể bụng. Ăn xong, nhìn vợ, phán: “Cuối tuần này em nấu phở nữa nghe!”. Nghe muốn đứt ruột!

Đó cũng là trường hợp của ông Mỹ Joe Schumacher. “Tôi suýt khóc khi một thực khách là sinh viên Việt Nam nói rằng đã ba năm nay anh ấy mới được ăn bát phở giống như bát phở mẹ anh nấu ở nhà!”. Ông Mỹ mau nước mắt này mở một tiệm phở ở thành phố Greeley, tiểu bang Colorado. Phở có tên Việt đàng hoàng. “Phở Duy”. Duyên nợ với phở của ông đồng Chủ Tịch của một công ty xây dựng này bắt đầu từ một ông linh mục Việt Nam tên Peter Quang Nguyen. Ông cha này truyền đạo…phở cho ông Mỹ bằng cách mời ông này đi ăn phở ở Denver. Nếm mùi phở rồi ông Mỹ này dính luôn. Ông muốn dụ dân Mỹ trong thành phố ông cư ngụ mê món súp Việt Nam. Họ mê thiệt. Ngay ngày đầu mở cửa hàng thực khách đã đông nghẹt. Phở của ông Mỹ nhưng quản lý và đầu bếp là dân Việt chính gốc.

Tiệm phở Duy chỉ là một con số thêm vào con số khá bề bộn 2340 tiệm phở ở Nỹ, Canada và Úc, những nơi có đông dân Việt cư ngụ. Chi tiết hơn thì San Francisco có 78 tiệm, Houston có 74 tiệm, Seattle 72 tiệm, San Jose 58 tiệm, New York 46 tiệm, Garden Grove 39 tiệm và Westminster 33 tiệm. Thêm vào con số đông đảo này là phở rải rác tại các quốc gia ít người Việt cư ngụ khác như Nam Phi chẳng hạn. Phở đã giao du với ngoại nhân nên không có người Việt như ở Nam Dương, phở vẫn đặt chân và trụ được.

Bước chân của phở bắt đầu từ miền Bắc. Cái tên “phở Bắc” đã có trong hộ tịch từ lâu. Phở Bắc kỳ chính cống là phở của những ông khó tính cỡ như ông nhà văn Nguyễn Tuân. Phở chỉ có phở bò. Những thứ hai chân bốn chân khác không nên héo lánh tới. Mà chỉ có phở chín. Tái là thứ tanh tưởi không nên để cho dính vô anh phở phong lưu. Mới đây tôi được đọc một bài của một đệ tử chân truyền của phở ký tên “Người Mê Phở”. Cái tên “Người Mê Phở” đã là một thứ nhãn hiệu cầu chứng. Bố của “Người Mê Phở” chắc cũng cỡ như ông nhà văn họ Nguyễn. “Riêng về phở thì gần hết một đời, tôi vẫn chưa thấy ai mê phở như ông bô tôi. Đối với ổng, ăn phở không phải để ăn cho no, mà để ăn cho... sướng! Hồi 1954 trở về trước ở Hà Nội, thành phố bé bằng cái bàn tay, không tiệm phở nào mà ổng không dẫn tôi tới ăn thử, để chọn những chỗ ngon nhất theo cái "gu" của ổng. Ổng chê phở Cửa Nam là nước không trong, bánh không mỏng, không dai, nhất là ổng cực lực đả kích món phở tái sách của tiệm này. Theo ổng, phở thì phải là phở bò, và là phở chín, thịt mới thơm, còn tái thì có mùi gây của thịt bò sống, làm mất mùi phở, đồng thời thịt sống làm nước phở "đục như nước cống", ăn phở tái là không biết ăn phở(!). Ổng cũng thích nhậu sách bò lắm chớ có phải không đâu, nhưng phải là sách chấm tương gừng, ăn với húng giũi thôi, không thể cho vào phở được. Ổng chê phở Cửa Nam thua xa phở Cầu Gỗ. Ổng có thể ăn phở sáng-trưa-chiều-tối-khuya, từ sớm tinh mơ đến tối mịt mờ khuya lắc khuya lơ, bất cứ lúc nào, và có thể ăn ngày này sang tháng khác. Ổng coi phở như một món ăn chơi, thích lúc nào thì ăn lúc nấy, ăn lấy hương lấy hoa thôi. Một phần cũng vì bát phở (từ ngày vô Nam tôi mới quen kêu bằng tô phở) Hà Nội thời đó nhỏ xíu, ít xỉn, nông toẹt - tiếng văn chương kêu bằng "thanh cảnh " - tuổi thiếu niên trổ giò của tôi hồi đó thì chỉ húp ba bốn húp là tiêu bát phở! Chả là phở gánh Hà Nội ngày xưa không ăn bằng thìa, chỉ có đũa để gắp, và…kê miệng húp”.

Phở chính gốc khó khăn như vậy. Đâu có phải cứ gọi là phở thì thành phở đâu. Phở có những quy tắc riêng. Mới bước chân vào Nam phở đã…hư. Nó quơ quào đủ thứ vào cái tô to xù bằng cả chục cái bát chiết yêu mỏng manh nơi quê hương bản quán. Càng ngày phở, cũng như con người, càng mập ra. Mập tới tô xe lửa là quá cỡ thợ mộc rồi. Người ta bỏ vào tô phở, không chỉ thịt tái mà còn đủ thứ có trong con bò: gân, sách, gầu và…bò viên. Rồi cả chục thứ ngoài con bò cũng nhảy vào tô phở: giá sống, rau thơm, rau ngò, tương đen, tương đỏ. Phở thành một tên mất nết! Nhưng ông Trịnh Hội lại khoái cái mất nết này. Ông ấy lý sự. “Thử hỏi nếu bạn là tôi, một thằng từ nhỏ tới lớn chỉ ở trong Nam, chỉ biết rặt những món ăn của người Nam và chưa bao giờ nếm qua các món Bắc chứ đừng nói là món phở Bắc chính hiệu không tương, không giá của Hà Thành thì bạn có cùng cảm nghĩ như tôi không? Chắc là bạn cũng sẽ như tôi thôi bạn ạ. Bạn sẽ cảm thấy bát phở nó nhàn nhạt, vô vị làm sao ấy…Ở Việt Nam, phở ở miền Nam ngon hơn so với phở ở miền Bắc. Có lẽ một phần cũng vì tôi là người Nam!”.

Từ miền Nam, cùng với cuộc di tản, phở cũng…di theo. Không chỉ như lần di cư trước, phở vẫn còn quanh quẩn trong nước, lần này phở ra biển. Thân phận người di tản ra sao thì thân phận phở cũng y như vậy. Chỉ có cái khác là người vừa mất tiền, vừa bán mạng sống trong khi phở chỉ canh me theo và cái mạng phở có nhếch nhác nhưng vẫn được gọi là phở. Thứ phở tị nạn đó được một ông hàng phở tay mơ, ông Phương Toàn, trong trại Songkhla hồi năm 1981, mô tả. “Trại có ba quán phở, nhưng quán tôi bán, luôn hết phở vào lúc mười giờ sáng, trong khi hai quán kia phải kéo dài mãi đến chiều mới bán hết.  Phở ở trại tỵ nạn thì đơn giản lắm, quán  phở chỉ vỏn vẹn là mấy cái bàn gỗ tạp, dăm chục cái tô và một số đũa, muỗng.  Bà chủ cũ có tên đi định cư bổ túc, không có thì giờ để sang tiệm, bèn gạ tôi, để lại với một giá rẻ bèo là 1000 đồng Baht (50 dolla Mỹ) kèm thêm lời hứa dậy tôi bí mật gia truyền nấu phở.   Sau này khi đi định cư ở Mỹ, thằng bạn thân kể cho nghe một sự thực não nùng. Nó nói, phở tôi nấu ăn "thấy ớn" nhưng mọi người cứ phải tới ăn, vì bấy giờ tôi làm Trưởng ban Bưu Tín trại, các ban ngành như Thông tin, Ẩm thực, An ninh thường dẫn bạn bè đến ăn để nhờ vả lãnh thơ, mỗi khi họ bị giữ thơ lại vì lý do địa chỉ không đủ dữ kiện để xác minh… Quán phở của tôi bán độc nhất có món phở tái, vì món này dễ làm. Vào mỗi sáng, chỉ cần ra chợ chồm hổm Thái Lan họp ở ngoài cổng, mua ít thịt bò về, thái mỏng ra là xong.  Một hôm có một ông khách dám "hỗn" với tôi. Ông thuộc loại dân có tiền, mới nhập trại, ăn mặc chững chạc, chứ không thuộc loại quần Tiều, áo thun ba lỗ như tôi. Ông vào quán hách dịch hỏi: “Có nạm không?”. Thằng Hiền, chú bé đi chung ghe, đóng vai bồi bàn, hỏi tôi: “ Ổng hỏi mình có bán phở nạm không?”. Liếc nhìn khuôn mặt khó ưa của ông, tôi nói: “ Bảo ông ta là có tái nạm. Tôi chuyên bán phở tái, ông muốn nạm thì tôi bán tái nạm”.   Thái mấy miếng thịt tái trải lên mặt tô phở, tôi lấy cái môi, quậy dưới đáy nồi nước lèo, múc ra một mớ thịt nhừ, đủ cả gầu, nạm, gân, sách... không hiểu phải gọi nó là thứ thịt gì, đổ tràn lên mớ thịt tái.  Tô phở đó tôi gọi là tô phở tái nạm. Đó là tô tái nạm duy nhất tôi bán trong suốt cuộc đời nấu phở của mình. Thằng Hiền tròn mắt nhìn tô phở rồi e dè bưng ra cho ông khách. Vài phút sau, ông ta hùng hổ bước tới nồi phở, nơi tôi đang hành nghề nấu phở gia truyền, lớn tiếng hỏi: “Này cậu, không biết nấu phở thì đừng có bán, tôi kêu tái nạm, sao cậu bán cho tôi tô phở gì kỳ vậy?”. Tôi hóm hỉnh trả lời: “ Tái nạm của Thái đó bác ơi!” Chú thanh niên ngồi ở bàn bên cạnh phụ họa: “Ông già ơi, ở đây chỉ có phở tái thôi, tại ông đòi nạm, thì nó múc cho cái gì, ăn cái đó, đâu phải là đang ở Saigon mà mè nheo”.

Cha mẹ ơi! May mà ông Nguyễn Tuân đã đi xa rồi chứ  biết trên trần thế này có thứ phở lạ lùng như vậy chắc ông Phương Toàn không sống nổi. Nhưng với đời sống giản tiện tới mức tối đa của dân tị nạn ở trại thì phở cũng phải đồng cam đồng khổ.

Khi dân tị nạn túa ra khắp bốn phương trời thì phở cũng lên đường.  Và phở chơi với khắp bàn dân thiên hạ. Cỡ nào phở cũng bá vai bá cổ. Cỡ bự như ông Giáo sư khoa Nhân Văn và Xã Hội Học Carl Thayer của Đại Học New South Wales bên Úc. Khi ký giả Hà Giang của báo Người Việt chỉ hỏi một câu giản dị “Ông có ăn phở không?”, ông đã lòng thòng tâm sự: “Phở à? Tôi biết ăn phở chứ, sao lại không? Phải nói là mê mới đúng. Tôi mê món ăn này ngay từ lần ăn thử đầu tiên. Có thể nói đây là “love at first bite”! Tôi được nếm phở vào năm 1967 khi tôi đến Sài Gòn trong tư cách một tình nguyện viên làm việc với Cơ Quan Chí Nguyện Quốc Tế (International Volunteer Service)””. Người mê phở mắt xanh da trắng này kể lại một cách thành thạo cách ăn phở, rau giá, tương đen tương đỏ và “phải dùng muỗng sứ ăn phở mới ngon”. Bà vợ ông Giáo sư đã học nấu phở và mỗi khi ăn phở tại gia, hai ông bà ăn bằng tô Bát Tràng đàng hoàng. Tô Bát Tràng này ông bà mua khi du lịch qua Việt Nam và nâng như nâng trứng trên đường về Canberra mới khỏi bị bể!

Cô Tammy DeWitt cũng là một đệ tử chân truyền của phở. Cô kể lại mối tình đầu với phở một cách thích thú. “Kinh nghiệm đầu lưỡi của tôi với thức ăn Việt là món súp bò phổ biến của Việt nam - mệnh danh thông thường là Phở. Tôi được một cô bạn thân người Việt làm cùng sở đưa tới tiệm phở Công lý. Bạn tôi đã kỹ lưỡng dạy một điều quan trọng là muốn ăn “Phở “ngon thì phải tìm đến một nơi chuyên môn nấu phở. Bước vào tiệm này, tôi vẫn còn nhớ dai đẳng cái mùi thơm nồng của nước dùng phở nấu với đại hồi và các mùi rau thơm tươi. Cái mùi này nực nồng khiến bạn thực sự phải thay áo mình mặc sau khi ăn Phở vì y trang của mình quả tình đã ướp tràn trề với đủ thứ hương thơm. Thế là chúng tôi ngồi xuống và gọi món ăn trong khi tôi lắng nghe thích thú cô bạn tôi líu lo trao đổi bằng tiếng Việt gọi “ một tô phở tái lớn” giá chỉ có $4.95 thôi. Khi phở dọn ra, tôi hơi kinh hãi thấy thịt bò tươi sống nằm vắt vẻo trên miệng tô khiến tôi hoảng hốt ngó về phía cô bạn. (Tôi vẫn tự hào mình có chút ít đảm lược trong chuyện nếm món ăn , nhưng không ngờ rằng mình sẽ ăn thịt bò còn sống nhăn!). Cô bạn bèn trấn an tôi bằng cách nhúng thịt bò của mình trong tô phở nóng, làm cho nó chín ngay tức khắc. Giây phút chân lý quả đã đến, nên tôi xúc ngay một muỗng đầy nào giá sống, nào thịt bò, nào bánh phở, nào nước dùng và nếm cái món súp cổ truyền của Việt Nam. Mùi vị nói giản dị là ngon tuyệt và kể từ đây tôi là một đệ tử hâm mộ phở”. Cô đệ tử này sau đó đã thêm vào tên mình một chữ nữa để thành cô Tammy DeWitt Lê. Chữ “Lê” là họ của chồng cô. Phở đã đưa cô đi xa bằng cuộc hôn nhân với một chàng trai Việt Nam và gia đình cô bây giờ, như lời cô nói “dù tôi là người Mỹ, gia đình chúng tôi là một gia đình Việt Nam”.

Nhà thơ Bắc Phong, bạn tôi, chắc chắn  là người Việt Nam. Thấy bước chân chững chạc trong trường quốc tế của phở, chàng bỗng khớp. Nói với phở, chàng nói bằng tiếng quốc tế Hồng Mao. Tôi ghi lại đây như một bài thơ lạ:

living abroad, I
see in the tonkinoise soup
my long lost country

Ghi xong tôi nổi hứng định dịch ra tiếng Việt nhưng lắp đi lắp lại mấy câu giản dị, thấy không ra thơ, đành cứ dịch nguyên văn vậy:

sống nơi xứ người, tôi
thấy trong tô phở
quê hương đã mất từ lâu.

Con mắt nhà thơ có khác! Còn tôi, nhìn vào tô phở, tôi chỉ thấy tái nạm gầu gân sách!

08/2010