An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

XÂM

Mùa hè là mùa rực rỡ. Không chỉ vì nắng ấm mà cả vì con người. Nếu bạn chịu khó, như tôi, ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại trong các mall sẽ thấy ngay. Bỏ qua những cái vớ vẩn làm phí thời giờ, cứ con người mà ngắm, ngắm một cách chọn lọc, sẽ thấy ra được khối điều hay. Tôi thấy ra được một điều: da dẻ con người, nhất là những người…non, đã bị xâm…lấn! Các em gái diễu qua trước mặt, cứ chục em thì có tới chín em xâm…mình. “Xâm mình” là chữ nghe ra có vẻ dữ dằn, dao búa. Không, xâm bây giờ hiền dịu hơn nhiều. Đó là một cách trang trí trên những mảng da non. Ngày trước các hình xâm thường ngự trên cánh tay, chỗ giao tiếp với vai, chỗ mà nếu là gà thì các cụ gọi là “đâu cánh”, ngon chỉ thua phao câu. Người không phải là gà nên đâu cánh không phải là chỗ ngon. Chỗ ngon lại là chỗ bụng, phía nam của cái lỗ tròn tròn duyên dáng thường điểm xuyết thêm một chiếc khoen nho nhỏ.

Điểm duyên dáng này là biên giới giữa áo và quần, ngày xưa thuộc một trong những vùng…quân sự cấm nhìn và cấm chụp hình. Ngày nay, áo ngắn quần xệ nên đây là điểm chiến lược nhĩ mục quan chiêm. Thường hình xâm nơi đây là một giây lá hay ít cánh hoa rất lẳng lơ văn nghệ nhìn thật bắt mắt.  Trong chục bóng hồng nhí diễu qua trước mặt, ít nhất cũng có tới bảy tám mảng bụng hoa lá cành. Tò mò lắm thì cũng tới đây là hết chương trình ngó qua…cửa sổ. Còn hình xâm dấu kín ở đâu nữa, chắc ngoại thủy chẳng ai được biết. Nhưng thỉnh thoảng tính thích khoe nổi lên, các sở hữu chủ cũng bật mí cho bà con coi chơi, nhất là khi sở hữu chủ là những người không ngại bóc trần. Như minh tinh màn bạc Angelina Jolie chẳng hạn.

Cô đào này nổi tiếng vì trò nuôi con nuôi. Trong số con vừa nuôi vừa tự sản xuất gồm đủ màu trắng, vàng, đen, có một chú bé nổi tiếng người Việt chúng ta là bé Pax Thien. Thân hình Angelina là một phòng triển lãm hình xâm. Xâm trên cánh tay, lưng, bụng chi chít. Mỗi hình xâm là một lần đau đớn vì được thực hiện bằng phương pháp thủ công, không có thuốc gây tê và phải tô đi tô lại nhiều lần mới hoàn tất. Tất cả các hình xâm trên thân thể mượt mà này đều là những hình xâm nghệ thuật và do nhiều nghệ nhân thực hiện trong đó có cả nghệ nhân người Campuchia thực hiện ngay trên đất Chùa Tháp. Cô cho biết: “Lần đó tôi thực sự rất đau đớn. Tôi đã phải chịu đau trong một thời gian dài. Tuy nhiên tôi có được một hình xâm rất đẹp”. Cô nàng có biệt tài tự lăng xê cho biết hình xâm nhiều đau đớn này là hình 5 dòng chữ Phạn cổ. Nhìn vào hàng chữ, tôi không hiểu chi cả, dĩ nhiên, nhưng tôi cũng chẳng thấy đẹp chút nào. Lạ thì có lạ vì mấy khi được đọc chữ trên một tấm bảng duyên dáng đến thế. Không hiểu chữ thì cũng mát mắt với tấm bảng! Nhưng mát mắt nhất là hình con rồng lộn ở chỗ thắt lưng. Lần này thì tôi thấy đẹp thiệt. Đẹp cả người lẫn…nết! Angelina tiết lộ là anh chồng Brad Pitt của cô rất thích hình này. Anh ấy có khiếu thẩm mỹ giống tôi! Cô đào có đôi môi nũng nịu này cho biết cô sẽ thêm vào bộ…xâm của cô tên của chồng và các con nhưng chưa biết để vào đâu khi mà những chỗ cô cho là ngon nhất như tay, ngực, bụng hay lưng đều đã được trưng dụng hết rồi.

Chẳng lẽ tôi mách cô đào xi nê hấp dẫn này cách làm của một bà đồng bào của tôi ở Hà Nội biểu tỏ tình cảm với chồng. Chỉ tiếc là chị không có thắm thiết với chồng như cô Angelina mà ghét chồng như đào đất đổ đi. Nhưng dù sao, tình cảm vẫn cứ là tình cảm, yêu hay ghét thì chỗ đất này đều dùng được vì đây là đất…tư. Vậy thì theo lời thuật của ông ký giả báo An Ninh Thế Giới ở Hà Nội thì khi ông đang ngồi uống cà phê với một người bạn hành nghề xâm tên Tuấn, anh nghệ nhân này nhận được một cú điện thoại của một bà hỏi anh có nhận xâm hình một con chó ở chỗ nhân gian không thể nhìn được không. Bà ta nhấn mạnh chỉ xâm sữa thôi. Anh Tuấn nhận lời. Dân có nghề như anh thì xâm chỗ nào chẳng được. Nhưng tại sao là hình con chó? Khi hành sự, bà khách hàng không còn trẻ nhưng khá xinh đẹp này thổ lộ là bà đang hận anh chồng mà anh này tuổi Tuất nên ém con chó vào chỗ tối tăm mịt mù như vậy cho đời hắn nát! Nhưng chị vẫn còn lòng nhân nên giận thì giận, chị chỉ xâm sữa thôi. Xâm sữa, theo giải thích của giới chuyên nghiệp, là hình xâm chỉ nổi khi uống rượu. Muốn xâm sữa thì thay vào màu là sữa người. Mà phải là sữa của sản phụ sanh con so, được lấy vào buổi sáng và phải sử dụng trong vòng một tiếng đồng hồ mới hiệu nghiệm. Bà này xin được sữa đúng tiêu chuẩn nhưng khi thì vì để trong cóp xe nóng, khi thì kẹt xe quá lâu, nên sữa mất linh. Phải cày cục năm lần bảy lượt hình xâm con chó mới xong. Còn khi nào bà uống rượu cho chó nổi lên, không thấy nói tới!

Xâm vào những chỗ hiểm hóc như vậy rất dễ xa nhau.  Hòa là một thiếu nữ hiền lành, ngoan ngoãn, không bồ bịch bao giờ. Nhưng chị có niềm đam mê với nghệ thuật xâm. Nhìn được một hình xâm đẹp, chị luôn luôn thích thú dò hỏi kỹ càng nguồn gốc của nó. Chính chị cũng luôn vẽ ra những hình xâm. Trong các “tác phẩm” của chị, chị kết nhất hình con bướm cách điệu. Chị quyết định xâm hình con bướm nghệ thuật này nhưng lại ngại mọi người trông thấy sẽ nghĩ xấu về mình nên chị nhét con bướm vào vùng đùi non tiếp giáp với vùng cấm địa. Chị yên tâm vì không ai nhìn thấy con bướm của chị. Cho tới khi chị lấy chồng. Đêm tân hôn ở nơi nghỉ mát diễm tình Sapa, bướm lộ ra, dĩ nhiên! Anh chồng tá hỏa khi khám phá được niềm riêng của vợ. Anh tức giận kết tội là chị đã…giao lưu với người khác trước đây và con bướm là để đánh dấu sự việc này. Anh chồng la hét, mắng mỏ và sáng sớm hôm sau anh tức tốc thuê xe về Lào Cai rồi leo lên xe lửa dông tuốt về ngay Hà Nội bỏ lại chị vợ mới có một đêm. Chị Hòa cũng về Hà Nội để phân trần phải trái với chồng. Anh cũng xiêu lòng nhưng từ đó con bướm như một hạt sạn trong chén cơm rất khó chịu. Hòa vẫn còn niềm đam mê nghệ thuật nên nhất quyết không đi xóa cho con bướm bay đi.

Niềm đam mê đó, không biết các bạn có hiểu được không chứ tôi thì mù tịt không hiểu được. Nghệ thuật mà đau đớn như vậy thì vất vả quá. Vất vả thì mặc vất vả nhưng yêu vợ như chàng cầu thủ người Anh nổi tiếng thế giới Beckham vẫn cứ đổ máu vì vợ. Trong dịp kỷ niệm muời năm tình ta, anh chàng cẩu thủ đa tình này đã khắc trên cánh tay trái mười bông hồng để tặng cô vợ Victoria. Mỗi bông hồng tượng trưng một năm mặn nồng. Mười bông hồng, nghe thật dễ nể nhưng đối với Becks thì ăn thua chi. Cả người chàng chi chít những hình xâm từ cổ xuống tới…mông! Chàng khoe ra hết, chẳng dấu một hình chi cả. Thử duyệt từ trên xuống dưới. Nơi cổ là hình chữ thập và đôi cánh, chạy dọc theo lưng là  tên ba đứa con: anh con cả Brooklyn ở thắt lưng, con thứ hai Romeo ở gần cổ và con út Cruz ở giữa lưng. Giữa tên của Romeo và Cruz là hình xâm Thần Hộ Mệnh. Phần mông là tên chàng: El Becks. Hai cánh tay chàng thì chật ních hình xâm…quốc tế. Chàng cẩu thủ chỉ dùng chân nhưng lại sính chữ ngoại quốc. Anh xâm tên vợ bằng tiếng Ấn Độ Hindu lên cánh tay trái vào năm 2000. Được hỏi vì sao lại phải réo vợ bằng tiếng Ấn Độ, chàng Becks cho biết là vì muốn cho lạ. Xâm tên vợ bằng tiếng Anh thì thường quá! Bên cánh tay phải chàng lại chơi tiếng La Tinh với câu: “Perfectio in Spiritu” (Sự Hoàn Hảo Tinh Thần). Để cho cân bằng, bên tay trái cũng…La Tinh: “Ut Amem Et Foveem” (Để Tôi Yêu và Thương Mến). Chạy dài từ ba sườn tới ngang hông bên trái là chữ Hán lằng nhằng có nghĩa là “Sống Chết Có Số, Giàu Sang Tại Trời”.Trên cánh tay còn có một hàng chữ lằng nhằng không kém, đó là tiếng Do Thái Hebrew. Đây là một câu trong Thánh Kinh của người Hebrew. I am my beloved’s, and my beloved is mine, who browses among the lilies. (Tôi thuộc về người yêu, và người yêu thuộc về tôi, người gậm những bông huệ). Thánh Kinh mà cũng tình gớm! Tình hơn nữa là nàng Vic cũng xâm câu này chạy từ cổ xuống lưng. Xài tiếng ngoại quốc tưng bừng, chẳng lẽ không đụng tới tiếng mẹ đẻ, Becks cũng phải yêu nước khi xâm hai câu tiếng Hồng Mao “In the Face of Adversity” trên cánh tay phải và câu “Forever by your Side” mà tôi mạn phép ông bạn Từ Công Phụng dịch là “Mãi Mãi Bên Em”.

Tài tử và ngôi sao bóng đá Tây thi nhau vẽ trên người. Các người của đám đông của chúng ta có vậy không? Chắc chắn là có. Nhiểu hay ít tôi thật không biết. Dân ta vẫn có cái thú giữ bí mật mặc dù bí mật có khi đã bị bật mí từ lâu. Thôi thì cứ làm như không biết cho được hai chữ bình an. Nhưng có một cô tài tử không giấu giếm chuyện xâm vì cô xâm có…chính nghĩa. Đó là nữ ca sĩ Tina Tình. Người đẹp này là dân Tiệp gốc Việt vốn rất lơ mơ chuyện tâm linh. Chính cô cho biết là cô chưa bao giờ thắp hết một cây nhang. Nhưng từ khi bị tai nạn bỏ bùa ngải, cuộc sống của cô rẽ qua một khúc quanh khác, nhang khói hơn nhiều. Chính một sư cô đã dắt cô từ bến mê tới bờ tự giác: “Tôi đã được cứu sống bởi một người, một người mà không bao giờ tôi gặp được nếu không có sự sắp xếp của bề trên. Và khi đã thấy rồi, tôi chỉ có cách duy nhất để trả ơn là đi theo hướng Phật”. Trả ơn Phật, cô luôn luôn nói chuyện Phật pháp với những người cô gặp. Trả ơn vị sư nữ đã giơ tay cho cô nắm, cô…xâm. Cô không xâm hoa lá cành hay con rồng con rắn mà xâm tên của vị sư nữ bằng chữ Hán chạy dài từ cổ xuống cột sống lưng. Trả ơn cứu mạng bằng hình xâm, cô ca sĩ Tina Tình quả đã máng cái hồn cho những hình xâm!

Những hình xâm tình nghĩa như vậy không nhiều nhưng vẫn có. Hỏi chuyện một nghệ nhân nổi tiếng trong làng xâm ở Hà Nội, anh kể cho nghe hai trường hợp điển hình. Một người trạc trung tuần mang tấm hình của vợ tới nhờ anh xâm. Tình nghĩa chi lạ! Hỏi cớ sự anh cho biết anh mới ở tù ra. Trong thời gian anh nằm ấp, cô vợ chung tình tháng tháng vẫn bế con vào thăm nuôi anh, lại còn thay anh phụng dưỡng cha mẹ anh. Ra tù, cảm cái tình của cô vợ, anh xâm hình vợ. Nhưng xâm vào đâu, đó mới là vấn đề. Ý anh muốn xâm trên ngực cho trang trọng nhưng ngực anh đã hết chỗ. Các nơi khác đều đã có hình xâm do các bạn tù điểm xuyết cho. Cuối cùng anh phải xâm nơi đùi. Cũng hay! Cho thêm thân mật!
Một ông khách khác mang tấm hình của mẹ tới. Ông vừa khóc vừa nhờ anh nghệ nhân xâm giúp hình mẹ trên người. Anh là Việt kiều có cơ sở làm ăn ở ngoại quốc. Nghe tin mẹ đau nặng, anh cố thu xếp công việc để về thăm mẹ. Khi anh về được thì mẹ anh đã ra người thiên cổ. Không được nhìn mẹ vào phút lâm chung, anh muốn xâm hình mẹ trên người để được sống với mẹ suốt đời. Tấm hình đen trắng cũ kỹ mờ nhạt nhưng anh nghệ nhân cũng ra sức xâm cho thật chính xác. Tình nghĩa của người khách đã gọi dậy tình nghĩa nơi người thợ xâm.

Những khách hàng tình nghĩa như vậy rất hiếm. Phần lớn những người tìm đến nghệ nhân xâm là những cô nàng choai choai ăn chưa no lo chưa tới. Họ thi nhau chơi trội. Cô này xâm thì cô kia phải xâm hình xịn hơn, chịu đau nhiều hơn mới là dân chơi. Rồi còn vị trí xâm. Cô nào cũng muốn chơi ở vị trí đặc biệt. Cánh tay, thân hình nay đã là đồ bỏ. Chịu chơi thì phải xâm nơi ngực. Có cô cho hình leo luôn lên đồi. Hết mốt leo lên, các cô đua nhau leo xuống. Xuống tới bụng dưới, đùi, bẹn. Loay hoay xoay quanh rồi có cô chơi trội tới luôn chỗ hiểm. Bọ cạp, rắn, bướm, cứ chực chờ bên bờ khe núi. Cho mấy con thú vờn mãi cũng chán, các cô đổi mốt xâm nốt ruồi son. Nốt ruồi trên gò ngực, nốt ruồi dưới nương long, nốt ruồi ngay trên vùng đồi…hoang. Cho…ấn tượng! Ấn tượng cho ai?

Thú chơi nào cũng có cái giá của nó. Xâm có giá coi bộ hơi mắc. Phải banh da xẻ thịt máu me chan hòa. Nhiều dân chơi coi máu chảy thịt rơi như chuyện anh hùng. Họ thách nhau xâm đậm hơn. Càng đổ máu nhiều càng chứng tỏ đẳng cấp. Tôi chê những chuyện anh hùng rơm như vậy. Cần chi khi không phải rạch da móc thịt. Cứ phơn phớt bên ngoài cũng có hình trang trí trên thân thể. Cũng hình đẹp đẽ, màu sắc bắt mắt, nhác trông cũng gấu như ai. Dân nhát máu dùng những hình in sẵn dán trên da thịt. Giống hệt như xâm, lại dễ bóc xóa, thay đổi…chương trình mỗi khi muốn. Nghệ thuật hơn là vẽ hình trên cơ thể. Các ông họa sĩ Tàu thường vẽ trên các thân hình mượt mà những bài thơ chữ Hán trí thức hết biết. Muốn lả lướt thì vẽ hoa lá cành. Mùa nào hoa đó. Muốn hoa nở ở đâu cũng đặng. Hoặc muốn lưỡng long tranh châu, lưỡng phụng chầu nguyệt hay hổ, mèo, cá, chim cũng có. Vừa nghệ thuật vừa nhẹ tênh chẳng đau đớn chi.
Trong dịp World Cup vừa qua, các họa sĩ vẽ da đã mặc sức xanh đỏ tím vàng. Cảm hứng là màu áo của các đội banh. Màu cờ sắc áo của ba mươi hai đội đại diện cho các nước lọt được vào vòng chung kết đều được vẽ trên các thân hình các em bé xinh như mộng. Các em trong đồng phục vẽ chẳng cần ăn bận gì thêm cũng ra sân cỏ thi đấu để ghi hình. Chẳng một chút vải vóc trên người nhưng trông như có quần có áo đàng hoàng. Phải tinh mắt lắm mới nhận ra những điểm nhấn trên thân hình được các họa sĩ khéo léo che đậy bằng màu sắc. Hàng lộ mà không lộ. Khéo thế!

Trang trí kiểu khéo như vậy cho các nữ nhân chẳng vướng víu vải vóc. Thân hình tự do phơi phới. Quý ở chỗ đó. Vì tự do, cô Lại Thị Diệu Hà vừa sáng chế ra một chiêu trang trí hình hài mới: màn…lông! Đó là cái tên tôi đặt theo cảm nhận của tôi. Tên chính thức của màn diễn là “Bay Lên”. Trong cuộc trình diễn quốc tế mang tên In-Act tại Nhà Sàn Studio ở Quận Ba Đình, Hà Nội, có sự tham dự của 11 nghệ sĩ ngoại quốc và 9 nghệ sĩ Việt Nam, cô Lại Thị Diệu Hà đã làm kinh ngạc khán giả. Khán giả ngồi đứng chung quanh tấm thảm trải lông chim nhuộm màu xanh da trời. Nhìn hình tôi thấy nơi trình diễn giống như một nhà kho. Khán giả vừa Việt Nam vừa ngoại quốc lố nhố chung quanh. Không thấy khung cảnh của một cuộc trình diễn. Như một màn mãi võ sơn đông. Cô Diệu Hà năm nay  34 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội, có chồng là họa sĩ Nguyễn Văn Phú. Ông họa sĩ này chắc phải là một người hết mình vì nghệ thuật khi nồng nhiệt ủng hộ vợ trình diễn màn lột hết quần áo ngoài lẫn trong để phô thân hình trần như nhộng này. Cô Hà trong bộ đồ màu tối hết sức đơn sơ ngồi trên tấm thảm lông vũ xanh, bên cạnh là một lồng chim có nhốt một chú chim vành khuyên, giống chim mà người ta vẫn phóng sinh để cầu phúc. Cạnh lồng chim là một đĩa chất keo đặc. Cô Diệu Hà thuật lại màn diễn: “Tôi bước lên tấm thảm và cởi dần quần áo ngoài của mình….Khi cởi xong, tôi phết một lớp keo lên người và nằm xuống, khán giả tương tác bằng cách phủ lớp lông xanh lên kín người tôi. Vì tôi muốn hình ảnh mình khỏa thân chỉ xảy ra trong tích tắc thôi. Tôi từ từ ngồi dậy và đi lại. Tôi cúi xuống bắt một con chim vành khuyên trong lồng. Tôi nói: “Tao xin lỗi mày vì tao đã làm cho mày stress trước khi làm cho mày tự do”. Kết thúc tác phẩm tôi ngậm con chim vành khuyên vào mồm, sau đó há ra để con chim bay lên. Ở tuổi 34, tôi yêu cầu mình phải trung thực với chính mình. Phương ngôn nghệ thuật của tôi: làm nghệ thuật phải xuất phát từ chính con người mình, chính câu chuyện của mình”. Có người cho màn trình diễn là bạo. Có người cho là điên. Nhưng theo cô Lại Thị Diệu Hà thì trên hết, đó là một màn trình diễn vụ vào cái đẹp.

Xâm nghệ thuật là mang lại cái đẹp cho thân thể. Vẽ trên người cũng là một nghệ thuật nhằm tôn vinh cái đẹp cho tác phẩm của tạo hóa. Gắn lông lên người cũng là một nghệ thuật đẹp. Cái đẹp nào tôi cũng thích hết. Nếu không thích người ta bảo mình quê thì sao! Ốt dột chết! Tôi vốn có tính a dua, lại chết nhát. Thấy nghệ thuật xâm có đính kèm máu me tôi hơi ớn. Ngắm những tác phẩm nghệ thuật có dính tới vụ xẻ thịt, con tim tôi như…rướm máu. Tôi khoái những thứ không có máu đổ thịt rơi hơn.

Bởi vì tôi vốn có tính thương người! Thương thiệt chứ không phải thích kiểu gắn lông của cô Diệu Hà hơn những kiểu khác!

09/2010