Sau 1975, dân miền Nam thường rỉ tai nhau một câu hỏi khôi hài rất thâm thúy. “Ông/ bà có trông thấy Văn Vĩ đạp xe đạp chưa?”. Văn Vĩ là một nhạc sĩ cổ nhạc rất nổi tiếng. Ông bị mù. Vậy mà sau khi cộng sản vô ông cũng phải sáng mắt cưỡi xe đạp được. Sáng mắt được hiểu là sáng lòng. Có đui tới đâu cũng nhìn rõ được bộ mặt thật của cộng sản.
Chuyện khó tin mà có thật. Ông Văn Vĩ ngày nay là anh Lê Đình Hậu, mới có ba chục tuổi chẵn, nhà ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh bị mù từ năm 4 tuổi. Mù nhưng anh là người có chí. Phóng viên của báo Tuổi Trẻ tới nhà anh vào ngày 23 tháng 7 vừa qua để coi rõ thực hư về anh Văn Vĩ tân thời đi được xe đạp. Họ gặp vợ anh Hậu là chị Trần Thị Lợi. Chị hồn nhiên kể chuyện xưa, khi anh chàng mù có chí tới tán chị. “Năm nay tôi 36 tuổi nhưng chồng chỉ mới 30 tuổi thôi. Tôi ở xóm 3B cách nhà anh Hậu một cây số. Hồi đầu đi “cưa” tôi anh Hậu còn cuốc bộ, sau đó tôi bất ngờ thấy anh đi xe đạp đến. Tôi ngạc nhiên quá nhưng hỏi mãi anh mới nói sở dĩ đi được xe đạp là nhờ một người bạn đi xe đạp phía trước. Bánh sau xe anh bạn này có buộc một thanh nứa mềm. Thanh nứa này luôn bật vào nan hoa nên phát tiếng kêu. Anh Hậu cứ bám theo tiếng kêu đó để đi. Tôi phục quá nên chỉ yêu nhau một năm là tôi xin cưới anh làm chồng vào năm 2000. Nay tôi đã có bốn con”.
Mù mà có bốn con, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chuyện không cần tới mắt người khiếm thị nào chẳng làm được. Trong xóm tôi ở có hai vợ chồng đều mù, mỗi người một con chó dẫn đường. Cứ sáng sáng, chị vợ dẫn chó ra trước cửa nhà, cầm sợi dây xích quay chung quanh người cho con chó đi vòng vòng. Chỉ di chuyển vài vòng là chú chó ngồi thụp xuống sản xuất ra một đống. Chị rút chiếc bao nhựa trong túi ra, ngồi xuống gói gọn chiến lợi phẩm trong bao thành thạo như một người sáng mắt. Không bao giờ tôi thấy chị trượt mục tiêu. Chuyện có vẻ khó như vậy mà chị làm được. Việc có con coi bộ dễ hơn. Huống chi vợ anh Hậu không mù.
Nhưng chuyện anh Hậu đi xe đạp được quả là chuyện thiên nan vạn nan. Dân Sài Gòn thời hậu 1975 tưởng là chuyện khó nên cho là chuyện giả tưởng. Hồi đó mà có anh Hậu thì chắc không có câu chuyện khôi hài Văn Vĩ. Anh Hậu còn…thần thoại hơn khi anh đi xe gắn máy! Hỏi mần răng mà anh thực hiện được chuyện tưởng không thể làm được này, anh cười tươi, coi như chuyện dễ ợt. “Lúc đầu tôi tập với đứa cháu con người anh trai theo kiểu tôi làm “động cơ”, cháu dẫn đường. Sau đó tôi tự tập nhưng đứa cháu phải ngồi đằng sau dùng tay điều khiển, báo cho tôi biết chướng ngại vật phía trước. Chỉ cần đi được một vòng trong làng là tôi đi mãi cho đến nay”. Đi mãi không phải là chỉ đi trong làng mà anh đi khắp nơi. Từ Nghệ An đi Vinh, Hà Tĩnh rồi Thanh Hóa. Đoạn đường nào cũng năm bảy chục cây số. Vậy mà không cần mắt, anh cứ phom phom xe máy sáng đi chiều về để bán tăm. Thực ra anh không lái mà chị lái. Chị không lái xe mà lái…tài xế! Chị Lợi kể: “Tôi dẫn đường bằng hai ngón trỏ của hai bàn tay ôm chặt lấy hông chồng. Nếu cần lách nhẹ xe sang phải thì tôi bấm ngón tay phải và ngược lại. Nếu gặp chướng ngại vật nguy hiểm thì tôi bấm mạnh cả hai tay để chồng giảm tốc độ cho xe dừng lại. Khi cần phanh gấp thì giật mạnh hai tay ra phía sau. Khi cần đi, hai tay đẩy mạnh lên phía trước. Nói chung kiểu đi nào cũng có thể điều khiển được, miễn là vợ chồng hiểu ý nhau chứ không cần phải nói vì đi xe nói không thể nghe được đâu!”. Nghe thấy vào Nam làm ăn sẽ khá hơn nên năm 2002, hai vợ chồng anh Hậu gửi đứa con đầu lòng cho bà nội rồi đón xe vào Nam. Anh Hậu tiếp tục lái xe rong ruổi trên khắp các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa, Vũng Tàu. Không một lần bị phạt vì anh chị khéo quá nên cảnh sát giao thông trở nên…mù hết!
Chuyện anh Hậu chạy xe gắn máy xảy ra ở Việt Nam. Tôi biết được là nhờ internet tiếng Việt. Nếu các ông bà trong Institut Nazareth et Louis-Braille ở thành phố Montreal của tôi cũng biết đọc tiếng Việt thì chắc họ không ồn ào về chuyện xe đạp cho người khiếm thị của họ. Nguyên là họ vừa cho ra đời một kiểu xe đạp ba bánh mới nhất dành cho người mù nâng tổng số xe lên 18 chiếc. Mỗi chiếc xe giá 4.500 đô. Đây là một chiếc xe ba bánh gồm hai bánh sau và một bánh trước có hai chỗ ngồi song song với nhau. Người mù đi xe đạp này chỉ có việc đạp chứ không lái. Lái là việc của người sáng mắt ngồi bên cạnh. Xe chỉ lưu hành trong các công viên nhằm mục đích cho người mù cảm thấy được tự do hưởng gió mát. Không có trăng thanh vì xe đạp này chỉ cho thuê với giá vài đô một giờ trong khoảng từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Như vậy xe này không…làm ăn được như xe của anh Hậu mà chỉ cho ngưòi mù vui chơi. Guylaine Cataford, một nhân viên của Viện Nazareth và Louis-Braille đã ca tụng chiếc xe, ngoài lợi ích về thể dục cho người mù, còn tạo cơ hội cho họ tham gia vào đời sống xã hội khi được ngồi nói chuyện ngay bên cạnh với người cùng lái xe với họ. Người này có thề là những tình nguyện viên không tính thù lao của Viện hay một người thân trong gia đình như cháu ngồi với ông bà, con ngồi với cha hoặc mẹ, hoặc vợ chồng ngồi với nhau. Ông Robert Bourdon, 63 tuổi, bị mù vào năm 2006, là người ưa hoạt động. Với chiếc xe đạp này, hai vợ chồng có thể ngao du trong các con đường ở park Granby, Châteauguay và Valleyfield. Ông thích thú nói: “Chúng tôi vui như một cặp tình nhân ở tuổi teen”.
Đi xe đạp như vậy anh Lê Đình Hậu nghe thấy chắc sẽ cười nửa miệng. Đúng là trò trẻ! Nhưng nếu anh Hậu sống ở Bắc Mỹ chắc anh sẽ chẳng bao giờ có dịp vào Nam ra Bắc trên xe gắn máy như anh đang tung hoành ở Việt Nam. Bởi vì anh sẽ không được phép lái dù anh có tài giỏi đến đâu chăng nữa. Cảnh sát sẽ hỏi thăm anh liền.Lái như vậy là nguy hiểm cho anh cũng như cho các người lái xe khác. Bộ ở Việt Nam cảnh sát công lộ đầy đường mà không biết có một anh khiếm thị chạy xe phom phom hay sao? Thường thì chẳng ai biết vì anh Hậu chơi một cái kính đen, tay lái vững như người thường thì ai biết được nếu không gây ra tai nạn. Hơn nữa mấy ông cảnh sát giao thông còn bận quan sát nhiều chuyện khác hay ho hơn giờ đâu mà ngó tới chiếc xe của vợ chồng anh Hậu. Chỉ có một lần duy nhất anh bị cảnh sát sờ gáy. Xe đang phom phom chạy, chị Lợi thấy công an xã chặn xe phía trước nên giật mạnh hai tay. Anh Hậu dừng xe định đổi tay lái cho chị Hậu nhưng không kịp. May mà công an chặn xe lại là công an xã Quỳnh Lưu. Họ chỉ cảnh cáo và yêu cầu anh Hậu viết bản cam kết không lái xe gắn máy nữa. Sau đó túng phải tính nên anh mới nghĩ cách vào các tỉnh phía Nam hành nghề. Tính đến nay đã mười năm…xe máy mà anh Hậu chưa bao giờ gặp tai nạn nào. Kể cũng là một thành tích.
Lái xe gắn máy như anh Hậu quả là hi hữu. Chắc không có người thứ hai. Tai mắt của anh , anh nhờ vào chị Lợi. Nếu được thiết trí những bộ phận cảm ứng thay cho đôi mắt và đôi tai của chị Lợi, liệu anh Hậu có lái một mình được không? Chưa có ai thử và cũng chưa có ai chế ra bộ phận…tai mắt này với xe hai bánh. Nhưng các nhà khoa học đã chế ra được chiếc xe hơi cho người mù lái. Nghe như chuyện thần thoại. Một chuyện thần thoại đã được cụ thể hóa. Ý tưởng được coi là táo bạo này do các chuyên gia trong Hiệp Hội Người Khiếm Thị Hoa Kỳ gợi ý và được Trung Tâm Kỹ Thuật Virginia Tech hoàn thành. Sản phẩm…cách mạng này là chiếc xe kiểu Escape của hãng xe Ford sẽ được giới thiệu tại Daytona, Florida, vào ngày 29 tháng 1 năm 2011 sắp tới. Xe sẽ được lắp đặt một thiết bị cảm ứng đặc biệt đóng vai trò như đôi mắt của chiếc xe. Tài xế loại…nghe gió kiếm sẽ đeo một chiếc găng tay có độ rung đặc biệt tác động trực tiếp vào các khớp ngón tay giúp người điều khiển xe nhận được các tín hiệu về khúc quanh, góc rẽ trên đường. Phía sau bánh xe sẽ được trang bị bộ phận theo kỹ thuật phun khí nén để cho tài xế biết được những hoạt động và vị trí di chuyển của các phương tiện chung quanh và các chướng ngại vật trên đường. Ngoài đôi găng tay, tài xế mù sẽ mặc một chiếc áo rung đặc biệt cho biết về vận tốc của xe. Ngoài ra trên áo còn có những chiếc nút bấm để điều khiển xe theo mệnh lệnh phát ra bằng tiếng nói.
Khi chiếc xe…mù này ra đời chắc nhiều người sẽ được vực dậy trong cuộc sống. Bởi vì một người bỗng chốc bị mất thị lực chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng sa sút tinh thần. Những người khiếm thị bẩm sinh không có kinh nghiệm về một cuộc sống có mắt ít bị sốc hơn một người bị khiếm thị do tai nạn hoặc bệnh tật. Đã từng nếm mùi vị của một thế giới màu sắc rực rỡ nay bỗng rơi vào vực thẳm tăm tối mới là một cực hình cùng cực. Như nhân vật Susan trong truyện “A Gift of Love” do Huỳnh Huệ chuyển ngữ.
Năm 30 tuổi, Susan bị mất thị lực vì một sự nhầm lẫn y khoa chữa trị. Bỗng thấy cả một khối đen ụp xuống cuộc đời, tinh thần nào chịu đựng nổi. “Cô đột nhiên rơi vào một thế giới tối đen, phẫn nộ, tuyệt vọng, chỉ còn biết thương thân trách phận. Và cô phải bám chặt vào chồng cô, Mark. Mark là một sĩ quan không lực và anh yêu vợ với cả trái tim bằng lòng chung thủy: một tình yêu mãnh liệt như năm năm trước khi mới yêu nhau. Khi vợ bị mất thị lực, thấy cô chìm sâu trong tuyệt vọng, anh xót thương và quyết định giúp vợ lấy lại sức mạnh cũng như sự tự tin, những gì cô cần để có thể tìm lại sự độc lập cho bản thân”. Trước khi sa vào thế giới tăm tối, Susan vẫn đi làm bằng xe buýt. Nay cô có thể trở lại làm việc, làm sao cô có thể dùng xe buýt được nữa. Mark tình nguyện đưa Susan đi làm bằng xe hơi mặc dầu anh phải lái xe đi từ đầu tới cuối thành phố. Chuyện tạm ổn nhưng chở Susan đi bằng xe hơi như vậy không giúp được cho nàng xóa được mặc cảm mù lòa phải nhờ vào người khác. Anh quyết định phải để Susan tự đi xe buýt như ngày nàng còn sáng mắt. Anh ngỏ ý với vợ. Susan kinh hoàng trước đề nghị của chồng. Cô có ý nghĩ khác. “Em mù lòa! Làm sao em biết em đang đi đâu? Em có cảm giác anh đang muốn bỏ em!”. Mark như muốn khuỵu xuống khi nghe vợ nói nhưng anh biết anh phải làm gì. Anh hứa với Susan là anh sẽ cùng đi xe buýt với nàng cho tới khi nàng có thể tự đi một mình. Trong suốt hai tuần lễ hai vợ chồng dùng xe buýt, Mark dạy cô vợ đáng thương cách dựa vào các giác quan khác, nhất là thính giác, để xác định mình đang ở đâu và làm sao thích nghi được với hoàn cảnh mới. Anh giúp cô làm bạn với những tài xế xe buýt để họ có thể giúp đỡ cô. Cuối cùng, Susan đã vững tin cô có thể tự mình đi xe buýt được. Một tuần lễ Susan lên xuống xe buýt một mình với cõi lòng vui sướng vô ngần vì cô đã thoát ra được mặc cảm lệ thuộc để có thể tự đứng vững trong cuộc sống. Ngày thứ sáu, ngày làm chót trong tuần, khi cô xuống xe buýt, người tài xế nói với cô: “Này cháu! Bác ghen với cháu đó!”. Cô ngỡ ngàng. Một người tật nguyền như cô còn có chi để người khác ghen. Cô hỏi lại: “Tại sao bác nói bác ghen với cháu?”. Câu trả lời của bác tài làm cô bàng hoàng. “Cháu biết đấy, suốt tuần rồi, sáng nào cũng có một người đàn ông đẹp trai mặc quân phục đứng ở góc đường nhìn cháu xuống xe. Anh ấy chờ cháu băng qua đường an toàn rồi nhìn cháu đi vào tòa nhà văn phòng. Anh chàng gửi cho cháu một nụ hôn gió, vẫy tay chào rồi quay đi. Cháu thực là một phụ nữ may mắn!”. “Những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn trào trên má Susan. Dù cô không thể nhìn thấy Mark, cô vẫn cảm nhận được sự có mặt của anh. Cô thực may mắn, may mắn vô cùng. Vì anh đã tặng cho cô tặng vật quý giá hơn cả thị giác của cô, tặng vật mà cô chẳng cần nhìn thấy mới tin. Tặng vật của tình yêu đã đem ánh sáng đến soi sáng cho nơi chỉ có bóng tối bủa vây”.
Con mắt có lẽ là tặng vật quý báu nhất của hóa công. Tôi không phải là người hay đọc Kinh Thánh nhưng nhớ mang máng đại khái là có lần Chúa đã ví von khuyên con người hãy giữ linh hồn mình như giữ con ngươi trong mắt. Muốn giữ con mắt thì hãy chăm đi bác sĩ nhãn khoa! Thường chúng ta rất ngại đi khám mắt trừ khi muốn đổi kính. Chúng ta hầu hết đi tới bác sĩ để vạch mắt ra coi sau khi đã chọn được cái gọng kính vừa ý. Cái gọng kính coi bộ được xếp hạng trên con mắt. Trong một lần khám mắt để đổi kính, tôi tá hỏa khi bác sĩ cho biết mắt tôi có thể bị bệnh nhãn áp. Tôi đã có lần đọc tài liệu về thứ bệnh này nên hơi nhờn nhợn trong người. Cô bác sĩ trẻ duyên dáng cười tươi đưa cho tôi một giấy giới thiệu tới bác sĩ chuyên khoa mắt với câu an ủi: “Không sao đâu! Chú mới bị mà khám phá kịp thời thế này thì chữa được.” Tức tốc lấy hẹn. Tức tốc mang mắt đi cho bác sĩ chuyên khoa soi mói. Sau những cái test thử của y tá, kết quả được đưa vào một ông bác sĩ ngoại quốc trẻ trung vui tính. Vạch mắt ra là ông đưa ra bản án ngay. Ông bị glaucome! Bàng hoàng, tôi chống chế: “Hồi nãy khi thử tầm nhìn, tôi chưa quen với cách thử máy này nên lúc đầu có thể không bấm đúng đưa tới kết quả sai”. Ông bác sĩ cười cười xác định: “Không, tôi nhìn vào mắt ông chứ không hoàn toàn dựa vào kết quả của máy!”. Máy giống như cái máy coi xi nê đặt trên xe đạp của mấy ông chuyên dụ con nít coi phim Charlot ngày tôi còn nhỏ. Tôi bị bà y tá bịt một mắt bằng một miếng da. Cứ như ông tướng độc nhãn Moshe Dayen của Do Thái! Xong rồi nhìn vào chiếc lỗ bằng mắt không bị bịt. Khung cảnh phía trong máy như vòm trời trắng bóc. Tôi được đưa cho một vật như con chuột của máy computer có một nút bấm. Khi trong vòm trắng hiện ra một đốm sáng xanh nhạt thì bấm nút. Những vệt xanh như ma trơi lúc ẩn lúc hiện, khi tỏ khi mờ, khi bên trái lúc bên phải, khi ở trên lúc ở dưới, lúc xa lúc gần, khi tuốt ngoài biên lúc nằm chính giữa. Cứ thấy nó xuất hiện là…bóp! Xong một…hiệp là đổi mắt bằng cách thay miếng da qua mắt khác. Lúc đầu quả có lúng túng nhưng rồi quen dần đi. Tới cuối cùng thì nghề bóp đã thành thạo.
Bệnh nhãn áp glaucome là bệnh thu hẹp dần tầm nhìn của mắt. Thường thì mắt có thể nhìn bao quát trong một tầm nhìn rộng. Bệnh nhãn áp, vì áp lực của mắt cao, nên thu hẹp dần tầm nhìn này. Càng ngày tầm nhìn càng teo tóp lại. Cho tới mức chỉ nhìn thấy những gì xuất hiện ngay trước mắt, những thứ xuất hiện chung quanh bị lấp không nhìn thấy. Nếu không chữa thì tới ngày mắt không nhìn thấy luôn những điểm ngay trước mắt. Vậy là…khiếm! Không nhìn thấy chi nữa. Để ngăn ngừa tình trạng thu hẹp tầm nhìn tới mù luôn này, người ta sẽ chữa bằng tia laser và nhỏ thuốc cho áp lực trong mắt hạ xuống. Ông bác sĩ trẻ tuổi thích…phiếm này tiễn tôi bằng câu hỏi: “Ông còn làm việc không?” Khi tôi trả lời đã về hưu, ông bồi ngay: “Từ nay ông có việc làm rồi! Việc nhỏ thuốc mỗi ngày!”. Vậy là cứ ngày ba lần nhỏ hai thứ thuốc. Và chơi trò vạch mắt không thú vị này suốt cuộc đời còn lại!
Ông bố của anh bạn tôi, khi đã xấp xỉ tuổi sáu mươi bỗng bị mù. Cũng vì glaucome mà không biết. Mù vào lúc cần con mắt nhất, điên lên được. Khoảng cuối thập niên 1960, tôi có việc tới tiếp xúc với ông Hiệu Trưởng trường mù lúc đó là một ông Đại Úy bị mù mắt vì đạn, ông nói với tôi một câu tôi không bao giờ quên được: “Ở đời chỉ có hai hạng người. Hạng người sáng và hạng người mù!”. Mất tay mất chân, mất khả năng nói hay nghe, những thứ khuyết tật này chằng nhằm nhò chi với khuyết tật ở mắt. Không nhìn được gần như đồng nghĩa với không sống được. Đó là thứ handicap rốt ráo nhất. Lời u buồn của ông Hiệu Trưởng trường Mù ngày nào nghe xót xa nhưng không quá sự thật.
Khi bị lùa vào trại tù Long Thành sau khi miền Nam bị cưỡng chế, tôi gặp lại ông Hiệu Trưởng trường Mù năm xưa. Sống trong một môi trường mà cuộc sống quả là cực hình đối với người có mắt thì đối với người mù như ông Đại Úy giờ đã mang lon Đại Tá cuộc sống còn vất vả hơn đến bao lần. Vậy mà những người khuyết tật vẫn bị giữ trong việc gọi là cải tạo không cần thiết. Trong trại còn có một vị sĩ quan khác bị cụt chân. Ngày ngày ông mù cõng ông què theo mọi người còn tương đối lành lặn trong những sinh hoạt hành thân. Những chức quyền trong trại làm lơ trước cảnh…đui què này. Chắc chi họ không mù!
Đọc tin về anh Lê Đình Hậu lái xe gắn máy với sự phụ giúp bằng cặp mắt của vợ, tôi bỗng nghĩ quanh nghĩ quẩn. Phải chăng việc anh mù cõng anh què trong trại tù cải tạo ngày nào là phiên bản sơ khai của việc anh mù lái xe gắn máy ngày nay!
08/2010
|