Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

BẨN

Bẩn nhất là lòng dạ con người. Không tin cứ coi thứ chất thải ra thì biết. Chất thải của con người bẩn hơn chất thải của mọi loài vật. Vậy mà cái thứ thậm bẩn này cũng có thứ hạng. Ông Hàn Sĩ trong bài “Nghề Tổ” đã khoe có bằng Tiến Sĩ Vật Lý và là dân làng Cổ Nhuế. Bằng Tiến Sĩ, nếu là thứ thiệt, thì cũng nên khoe. Nhưng dân làng Cổ Nhuế thì có chi mà khoe. Nhưng ông vẫn tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Làng của ông chuyên nghề hót chất thải của con người. Thành hoàng của làng này là một dân đi hót. Trong đền làng  có thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay. Đó là dụng cụ nghề nghiệp của một dân hót. Dân làng Cổ Nhuế đời này qua đời khác chuyên vào Hà Nội dọn dẹp, làm sạch thủ đô. Công lao này đã được vua Lê Thánh Tông ban khen bằng đôi câu đối: Khoác tấm áo bào, giang tay gánh vác Thiên hạ / Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ Thế gian. Từ ngày Cộng sản tiếp thu Hà Nội vào năm 1954, dân hót bị cấm hành nghề và bị coi là trốn lao động. Mãi tới năm 1986, có đổi mới, việc hót chất thải của người mới lại được tiếp tục. Vậy mới biết thời kỳ đổi mới là…triệt để, ảnh hưởng tới tận công tác hạ tầng! Và cũng từ thời này chất thải của con người mới có…giai cấp. Có 4 giai cấp tất cả. Hạng nhất là phân lấy từ khu Ba Đình, nơi có nhiều gia đình quan chức nên phân được coi là “nạc” tức vừa rắn vừa có chất lượng cao. Hạng nhì là phân từ khu Hoàn Kiếm, nơi có nhiều dân buôn bán, nhiều nhà hàng khách sạn. Hạng ba là phân lấy từ khu Hai Bà Trưng và Đống Đa, nơi đa số dân cư là người lao động, xài nhiều rau nên “mờ” tức lõng bõng nhiều nước. Hạng chót là từ ngoại thành, loại này xanh lẹt vì nguồn nguyên liệu thuần túy là rau muống. Còn một thứ xịn nhất trong các loại xịn là…hàng ngoại. Hàng ngoại? Không, nước ta không bao giờ tốn ngoại tệ để nhập cảng phân. Hàng ngoại là phân lấy từ các sứ quán nước ngoài!

Phân có giai cấp thì bẩn nhất định cũng phải có giai cấp. Ở bẩn sống lâu. Nhưng muốn sống lâu thì phải bẩn cỡ nào? Anh chàng Wang ở Hà Bắc, Trung Quốc thì chắc chưa đủ chỉ tiêu để sống lâu. Anh chỉ mới đạt tới cỡ buổi tối đi ngủ không rửa chân. Anh mới cưới vợ. Ngay trong tuần trăng mật hai vợ chồng son đã bắt đầu to tiếng cãi vã. Đúng hai tháng sau ngày cưới, vào lúc 10 giờ đêm, anh leo lên giường ngủ mà không rửa chân. Cô vợ tức khí, chờ cho tới khi anh ngủ đã đốt đôi chân bẩn, ngọn lửa bắt vào giường gỗ làm anh chết tốt. Bẩn mới chỉ cỡ không rửa chân thì chết non là đúng chỉ số. Chẳng oan ức chi.

Không tắm là bẩn cỡ cao hơn. Thứ bẩn này cũng lại có giai cấp! Không tắm một tuần, một tháng, ba tháng hay một năm. Một năm? Chứ sao! Thiếu gì những tấm gương…bẩn chỉ tắm tất niên. Một cô bạn vừa gửi cho tôi một mail về chuyện tắm táp. Chuyện như thế này: “Khám bịnh xong bác sĩ nói với cô bệnh nhân trẻ: “Cô cho tôi xin số điện thoại của cô để khi nào có kết quả khám sức khoẻ thì tôi sẽ gọi điện báo cô hay.”
Cô gái trẻ trả lời: “ Dợ, hai ba bửa tém một bửa !”
Bác sĩ lắc đầu: “ Không! chuyện tắm rửa của cô thì tôi không cần biết. Tôi chỉ hỏi số điện thoại của cô thôi!”
Cô gái trẻ trả lời: “ Dợ, hai ba bửa tém một bửa!”
Bác sĩ lắc đầu mạnh hơn: “ Cô tắm mỗi ngày 2, 3 bận hay là 2,3 tuần cô tắm một lần thì tôi không cần biết.....Số điện thoại của cô kìa..”
Cô gái trẻ tức tối trả lời: “ Dợ! em đẻ nó số của em lừa hai ba bửa tém một bửa ( 237-817)”
Vài ngày sau, cũng trong phòng mạch bác sĩ hỏi nữ bệnh nhân đến tái khám: “ Tại sao tôi kêu cho cô hoài không được? Cô đổi số điện thoại rồi sao?”
Cô gái: “ Dợ, em đã đủi gùi, bi giờ là năm séo bửa, không tém, không tém! (567-0808)!”
Bác sĩ: “ Trời đất!!!”
Lại vài ngày sau. Lại tái khám. Bác sĩ hỏi: “ Tôi vẫn không gọi được, thế là thế nào? “
Cô gái: “ Dợ , tại thèng chồn em nớ kiu đổi. Bác sĩ thông cẻm, lèn nì là lèn cúi: lè tém chín bửa một nem không tém (897-1508)”
Bác sĩ:” Ẹc ! một năm không tắm thì cô đi ra dùm tui!”

Chép lại chuyện này mà tôi đâm giận cô bạn gửi cho tôi. Khi không cô gửi một chuyện thuộc loại dễ…ăn đòn. Bỏ không dùng thì tiếc vì nó rất…phiếm! Mà chép ra đây thì…run. Cũng may bạn văn của tôi người Quảng khá nhiều. Gần xịt trong cùng thành phố là các ông Lưu Nguyễn, Luân Hoán. Xa hơn là các ông Thành Tôn, Lê Hân, Nguyễn Nam An, Phạm Phú Minh, Phan Xuân Sinh. Ông Phan Xuân Sinh cũng đã từng giễu: “Hồi tôi mới vào Sài Gòn, một vài người không nghe quen cái giọng nặng trịch của tôi nên họ hỏi đi hỏi lại, tôi cho rằng họ trêu ghẹo tôi, họ cố tình xúc phạm tôi…Từ đó khi nói chuyện với ai mà họ cười là tôi đỏ mặt lên, tôi muốn nhảy tới ăn thua đủ với họ, gây sự với họ…Thế là tôi cứ đổ lên đầu người Sài Gòn là họ thiếu “văn hóa”, không biết thưởng thức một thứ tiếng mang âm hưởng thanh tao, trong lời nói chứa đựng không biết bao nhiêu cái lắt léo, đâm hơi, mà tôi chắc rằng không có vùng nào hơn được. Thế mà người ta lại chê chúng tôi vì nỗi gì? Chỉ có lòng ganh tị, kém tài mới không chấp nhận cái giọng đầy “mắc mứu” của chúng tôi thôi!” (Quảng Nam, Tào Lao Chi Sự). Các ông bạn vàng này có thể đứng ra bảo đảm là tôi không chơi…bẩn! Chẳng qua là chỉ vì phụng sự…đạo phiếm!

Thôi chuyện “tém” để “mẹc” chuyện “tém”. Chuyện bẩn cũng thây kệ chuyện bẩn. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, vốn người nghiêm túc, có nói chuyện bẩn thì cũng là loại bẩn khác. Trong cuốn “Hồi Ký”, hình như bị cấm xuất bản ở Việt Nam nhưng đã được phóng lên internet, ông cũng nói chuyện bẩn. “Một chi tiết thực sự có ảnh hưởng đến cá tính, tính cách của tôi: hồi đó tôi mới khoảng 11, 12 tuổi gì đó, có một lần ông bố tôi sai tôi múc cho ông một thau nước rửa mặt. Tôi múc vài gáo nước vào thau rồi bưng đến cho ông. Nhìn vào thau, thấy ít nước quá, ông nhăn mặt: “Cái thằng sao bủn xỉn, bần tiện thế!” Đấy, chi tiết chỉ có thế thôi, thế mà tôi cứ ấm ức, xấu hổ và rất tự ái, thấy mình bị coi là bần tiện, là bo bíu, là tiểu nhân, là không đường hoàng, nói chung là đáng khinh bỉ, chẳng làm nên trò trống gì…Từ đó, có thể nói, mọi hành vi của tôi trong sinh hoạt đời thường hay trong công tác, trong cách ứng xử với người này người khác, trong hoạt động văn học…v..v…đều là những cố gắng sao cho người đời đừng khinh mình là keo bẩn, tiểu nhân, không đường hoàng…”. Ấy, cái loại bẩn mà Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nói tới nghe ra khá phổ thông. Nhan nhản khắp nơi, khắp chốn. Nhiều gia đình tan vỡ cũng vì bẩn. Như chuyện xảy ra ở thành phố Al-Umran bên Ai Cập. Một giảng viên tại một trường Đại Học tại địa phương có tật khóa chặt tủ lạnh mỗi khi phải ra ngoài vì sợ bà vợ ở nhà lấy thức ăn. Trước khi ra khỏi nhà ông còn soát lại tất cả túi áo túi quần sợ lỡ quên…xu nào thì bà vợ lấy mất. Tật…bẩn này theo ông suốt đời. Năm nay ông đã 84 tuổi mà chứng nào vẫn tật nấy. Bà vợ 68 tuổi chịu không nổi nên đâm đơn ra tòa xin ly dị. Trước tòa, bà khai: “Tôi đã chịu đựng sự tham lam của ông ấy suốt cuộc đời, nhưng giờ đây tính keo kiệt của ông ấy đã chuyển thành một dạng bệnh tâm lý”. Có lẽ như vậy thiệt vì sau khi tòa thuận cho ly hôn, bà vợ dọn sang ở nhà con trai, vậy mà ông chồng già này vẫn khóa chặt tủ lạnh trước khi ra khỏi nhà vì sợ bà vợ có thể quay lại lấy thức ăn!

Chuyện bẩn khi anh đi đường anh tôi đường tôi như vậy không hiếm. Chuyện xảy ra ngay tại Sài Gòn. Anh là người Canada, giáo viên tại một trường Anh ngữ. Chị là người Việt, nhân viên một văn phòng đại diện nước ngoài. Chuyện tình của họ rất cổ điển. Họ gặp nhau, yêu nhau nhưng gia đình chị không chấp nhận một chàng rể tây. Chị cố thuyết phục gia đình chấp nhận cuộc tình của chị nhưng hoài công. Cuối cùng, nghe theo tiếng gọi của con tim, họ cưới và chung sống trong một căn nhà thuê. Tình yêu của họ thắm thiết cho tới một hôm, sau chuyến anh đi Thái Lan về, chị phát hiện trong laptop của anh một clip quay cảnh anh ăn nằm với một cô gái Thái. Vậy là chị đưa anh ra tòa xin ly dị sau gần hai năm chung sống. Họ không có tài sản chi để tranh chấp trước tòa nhưng những gì anh đòi trước tòa có thể được liệt vào loại bẩn. Anh đòi lại tất cả những món quà đã tặng vợ gồm chai nước hoa Chanel, chiếc giỏ xách

Gucci, khăn choàng bằng tơ gấm, chiếc nhẫn vàng trắng và nhiều vật dụng linh tinh khác!

Anh chàng Canada này có thể so tài với những chàng đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành khác. Báo mạng Ngoisao.net cuối tháng 2/2008 có bài “Những ông chồng nhỏ nhen” đã trình bày chân dung một vài ông ở bẩn loại này. Thế Anh là một kỹ sư xây dựng, biết kiếm tiền, ngoại hình không chê vào đâu được, không rượu chè hút sách, không lăng nhăng gái gú. Khi anh cưới cô Huyền, cả nhà cô dâu hài lòng ra mặt. Được rể hoàn toàn như vậy còn mong chi hơn. Mấy tuần đầu khi mới cưới, thấy chồng hay loanh quanh trong bếp, Huyền đã mừng thầm vì anh chồng dễ thương có ý giúp vợ trong công việc bếp núc. Nhưng không phải vậy. Anh chỉ muốn xem xét coi vợ nấu nướng ra sao. Một bữa Huyền đang nấu canh, bỗng giật mình nghe thấy chồng nói ngay bên vai: “Sao em lại đổ nước lã vào nồi canh cá đang sôi thế, tanh lắm, không ăn được”. Huyền im lặng nhưng trong thâm tâm chị nghĩ là nước nóng hay nước lạnh, đổ vào nồi thì cũng sôi hết. Thấy vợ không nói năng gì, anh cằn nhằn mãi cho tới khi ngồi vào bàn ăn cũng chưa thôi. “ Em phải học dần cách sống theo nhà anh đi, nấu nướng như thế không được đâu”. Huyền không muốn gây xích mích với chồng nên chị vẫn không nói năng gì. Một bữa khác anh lại sa sả mắng chị về tội bóp tuýp thuốc đánh răng không đúng cách. “Em phải bóp từ dưới lên chứ, sao lại cứ nhằm chính giữa mà bóp thế!” Tức vì tính nhỏ nhen của chồng nhưng Huyền giả lơ cho yên cửa yên nhà. Sáng hôm sau, chưa nguôi chuyện tuýp thuốc đánh răng, anh Thế Anh lại…bẩn tiếp. Chuyện không có chi quan trọng. Con bị ốm, mũi giãi lằng nhằng, chị vội chạy vào nhà tắm, vớ vội cái khăn, lau mặt cho con. Xui cho chị: cái khăn đó của ông chồng hay xét nét. Anh mắng chị vô ý. Huyền tức quá vặc lại: “Lau cho con chứ cho ai đâu mà anh cứ làm như hủi ấy! Chuyện bé lại xé ra to”. Thấy vợ phản ứng, anh tức khí, vơ lấy hai cái khăn, của anh và của vợ, vứt ngay vào trong thùng rác, quát lên: “Đối với em là chuyện nhỏ nhưng với anh lại là chuyện lớn. Sao em cứ sống mãi cái kiểu như thế nhỉ. Đúng là nữ nhân nan hóa!”. Huyền thở dài, ngậm bồ hòn làm ngọt. Làm tới thì sẽ đổ vỡ gia đình. Chị chỉ còn biết chịu đựng, nước mắt tủi hờn tuôn ra. Tương lai không biết còn chuyện gì nữa đây?

Chị Tuyết mới 27 tuổi mà đã làm phó phòng một công ty xuất nhập khẩu. Ở sở nhân viên sợ vì vẻ nghiêm khắc của chị nhưng về nhà chị lại cố gắng nhịn nhục trước ông chồng hơn chị 8 tuổi nhưng tẹp nhẹp thì không ai bằng. Bữa đó, ông chồng ăn mít xong, bỏ vào tủ lạnh. Chị bảo chồng đậy đĩa mít lại trước khi cất để khỏi lây  mùi mít qua thức ăn của con. Chỉ có vậy mà anh quát lên: “Tôi thích làm thế đấy, có mùi càng thơm chứ sao!” . Buổi tối, chị ôm con lên giường ngủ, anh đuổi hai mẹ con ra ghế sa-lông. “Cô ôm con ra ngoài kia ngủ đi, tôi không chịu nổi cô nữa!”. Vừa nói anh vừa ném gối của vợ xuống đất. Lần này chị không nhịn nữa, hét lên: “Tôi thích ngủ ở đâu là quyền của tôi. Anh đừng lắm chuyện!” Chưa bao giờ thấy phản ứng dữ dằn của vợ như vậy, anh điên tiết đầy vợ vào góc tường. Chị Tuyết vùng lên, tát anh một cái. Anh như điên dại nhưng đúng lúc đó đứa con khóc thét lên làm anh tự chế được. Anh thản nhiên nói với chị: “Cô viết đơn đi tôi ký!”

Chị Tuyết có đơn từ gì không, chưa thấy có tin tức mới, nhưng cô Hengameh ở Iran thì chẳng cần chờ anh chồng dọa dẫm, cô đứng đơn xin ly dị chồng sau 10 năm chung sống. Tội của anh chồng tên Shain là tội…bẩn! Anh chàng thuộc loại vắt củ chày ra nước này mang tính bủn xỉn kinh niên. Trong suốt thời gian chung sống anh luôn luôn giở trò bẩn. Thậm chí anh còn từ chối trả tiền cà phê cho vợ khi hai vợ chồng đi ăn ở nhà hàng hay vào quán nước. Trước tòa, theo yêu cầu của bà vợ, tòa tuyên phạt anh chồng bủn xỉn phải mua cho vợ 124 ngàn bông hồng. Tại sao lại 124 ngàn bông hồng, tôi thật thắc mắc. Tôi rút cái máy tính ra bấm thử. Mười năm có 3650 ngày. Như vậy mỗi ngày chung sống anh chồng phải đền bù hơn 33 bông. Ít hay nhiều, tôi chẳng biết. Chỉ biết hoa hồng ở Iran rất mắc, khoảng 2 đô Mỹ một bông. Như vậy số tiền anh phải bỏ ra sẽ lên tới 248 ngàn đô. Chính quyền Iran đã tạm tịch thu căn nhà trị giá 65 ngàn đô của anh chồng cho tới khi anh mua đủ 124 ngàn bông hồng. Anh chồng cho biết anh chỉ có khả năng mua mỗi ngày 5 bông. Vậy thì biết tới khi mô mới xong nợ!

Bẩn mà dính tới chuyện tiền bạc chắc…chết! Một ông thuộc categorie “ rán sành ra mỡ”đã chết như thế nào? Ông này rất siêng năng kiểu năng nhặt chặt bị lại thêm vâng lời các cụ dạy đồng tiền liền khúc ruột nên trước khi chết gọi bà vợ lại trối trăng: “Khi anh chết, anh muốn em ra nhà băng, lấy hết tiền ra, bỏ vào áo quan cho anh. Anh muốn tiền anh dành dụm sẽ cùng sang thế giới bên kia với anh”. Bà vợ hứa sẽ làm theo đúng lời ông. Ông mỉm cười trút hơi thở cuối cùng. Tang lễ ông được tổ chức chu đáo. Trước giờ di quan, khi nhà đòn đóng nắp quan tài, bà vợ vội kêu lên: “Khoan đã. Chờ tôi một chút”. Bà vội vã bước tới, đặt vào trong quan tài một chiếc hộp. Một bà bạn thân ghé tai nói nhỏ: “Bà điên chưa vậy? Việc chi mà phải nghe lời cái lão bần tiện đó!” Bà vợ nhỏ nhẹ: “ Bà biết tôi là người luôn luôn giữ lời hứa. Tôi không thể nuốt lời hứa với người đã khuất. Tôi hứa là sẽ bỏ hết tiền của ông ấy vào áo quan là tôi bỏ!” Bà bạn tức giận: “Đúng là khùng! Lại ngu nữa! Lão đã xử bẩn suốt đời mà tới giờ lão chết bà vẫn chưa mở mắt ra!” Bà vợ vẫn nhỏ nhẹ: “Tôi cần gì phải mở mắt! Đã sống một đời lương thiện dù ông ấy có bần tiện bo bo giữ lấy tiền bạc chẳng lẽ chỉ còn có một lần chót tôi lại đánh mất sự lương thiện của tôi sao? Mắt tôi nhắm nhưng đầu tôi mở. Mắt bà đâu có thấy!” Bà bạn lầu bầu: “Bà nói chi như khùng vậy? Đầu với mắt! Tôi chỉ biết bà ngu muội bỏ hết tiền của cái lão bần tiện đó vào trong áo quan thôi!”. Bà vợ vẫn nhỏ nhẹ: “Đúng, tôi bỏ hết tiền vào trong quan tài giống như ông ấy khi còn sống vẫn bỏ hết tiền vào trong chương mục. Tôi đã viết và bỏ vào quan tài một cái cheque đầy đủ số tiền của ông ấy, không thiếu một xu. Nếu ông ấy có thể lãnh ra được thì cứ việc lãnh!”

Thật là một người sòng phẳng, chẳng bẩn tí ti ông cụ nào!

01/2009