Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

XĂNG

Từ ngày xăng leo chót vót trên cột bảng giá, tôi có một thú vui mới: rình xăng! Đi tới đâu, thấy bảng giá của một cột xăng là phải to mắt nhìn ngay. Giá xăng không phải giống nhau trên cùng một thành phố, thậm chí trên  cùng một con đường. Thấy cây xăng nào có giá rẻ hơn, dù chỉ một hai xu, cũng đổ xăng ngay. Một hai xu chẳng có nghĩa lý gì. Cứ cho là đổ đầy bình thì cũng chỉ 60 lít, rẻ được 6 cắc hoặc 1,2 đồng, đáng là bao nhưng niềm vui thì…vô giá. Nếu lái xe qua một vài khu trong thành phố, thấy các cây xăng trong một khu có giá cao, xe chạy qua khu khác, cách không bao xa, thấy giá thấp hơn nhiều, có khi hạ hơn tới 10 xu một lít, thông minh ra thì phải hiểu ngay là xăng sắp lên giá khá cao. Bèn tắp xe vào cây xăng tại khu có giá chưa lên, đổ đầy một bình cho bõ ghét! Chỉ vài giờ sau, giá xăng lên đồng đều khắp nơi. Sướng ơi là sướng. Những cú thắng lớn như thế làm con người vô cùng hạnh phúc. Tâm trạng…rẻ tiền này có lẽ vì có mối thù với xăng. Khi không nó cứ vùng vằng làm cao. Rõ ghét!

Tại sao hai cây xăng sát nhau mà giá lại khác nhau, tôi đã hỏi một anh bán xăng có giá cao hơn giá cây xăng bên cạnh, anh cho biết là anh chưa nhận được điện thoại báo giá của công ty anh trong khi công ty xăng bên cạnh đã báo giá rồi. Thế ra là giá xăng lên là do các công ty thỏa thuận với nhau. Các công ty chối bai bải. Tại tỉnh bang Quebec chúng tôi, cảnh sát đã phát giác ra việc thông đồng này sau hai năm theo dõi các công ty xăng a lô với nhau qua điện thoại. Dựa vào cuộc điều tra trên, tháng 6/2008 vừa qua, Văn Phòng Cạnh Tranh Canada (Canadian Competition Bureau) đã đâm đơn kiện 11 công ty xăng dầu và 13 cá nhân liên hệ về tội ấn định giá xăng tại Thetford Mines, Victoriaville, Sherbrooke và Magog, những thành phố lân cận với Montreal. Ba công ty đã nhận tội, còn 8 công ty khác trong đó có các đại gia như Esso, Shell, Petro Canada và Irving không nhận. Họ sẽ phải ra hầu tòa Tối Cao Quebec trong năm nay. Những cuộc điện đàm ma giáo này cũng liên quan tới giá xăng tại các thành phố Montreal, Trois Rivières (thành phố mà một ông bạn văn sinh sống tại đó đã đặt cho cái tên hết sức thơ mộng là Ba Ngòi!), Valleyfield, Sorel, Le Gardeur và St Hyacinthe. Ông John Pecman, Giám Đốc Văn Phòng Cạnh Tranh Canada cho biết : “Việc làm giá rất khó phát hiện và chứng minh, các chứng cớ thường bị xóa đi, và trừ phi có mật báo, hầu như không thể phát giác được”. Ông cũng cho hay là văn phòng của ông sẽ điều tra rộng ra nhiều địa phương khác tại Canada. Trường hợp cuộc điều tra thành công tại bốn tỉnh trong tỉnh bang Quebec từ năm 2005 là nhờ một tin nhỏ trên một tờ báo ở Victoriaville thuật theo lời một nhân viên của một cây xăng bán lẻ đã bị một công ty cạnh tranh ép lên giá. Văn Phòng xin lệnh tòa án để nghe và ghi lại hàng ngàn cuộc điện đàm giữa 24 trạm xăng. Chỉ có một trạm của Ultramar do ông Jacques Ouellet quản lý nhận tội. Hai mươi ba trạm kia chối bay chối biến. Anh chàng Jacques thật thà sau đó đã bị công ty đuổi cổ và bị văn Phòng Cạnh Tranh phạt 50 ngàn đô. Bao giờ cũng vậy, người thật thà thường khó sống! Tội làm giá có thể bị kết án tối đa 5 năm tù và 10 triệu tiền phạt. Ba công ty nhận tội và chịu nộp phạt sẽ khỏi bị đưa ra tòa. Đó là công ty Ultramar chịu phạt 1 triệu 850 ngàn, công ty Les Petroles Therrien Inc. và công ty Distribution Petrolières Therrien Inc bị phạt mỗi công ty 179 ngàn đô. Hai công ty sau có những cây xăng mang tên Petro-T.

Tôi chẳng cần điều tra gì mà vẫn cứ…phán được như thường. Xăng lên xuống có nhịp điệu. Ở Montreal của tôi thì bao giờ giá xăng cũng rẻ nhất vào ngày thứ hai mỗi tuần. Có lẽ đây là cú đền ơn cho người tiêu thụ sau khi đã móc túi họ vào các ngày nghỉ cuối tuần! Ở Vancouver, nơi tôi lui tới khá thường xuyên, thì xăng xuống giá mỗi buổi tối, khi thiên hạ ngại vác xe đi đổ xăng. Sáng hôm sau thì giá xăng lại leo lên cao hơn. Nhịp độ này cứ đều đều tiếp diễn mỗi ngày. Điều này chứng tỏ là các anh chủ xăng làm giá rõ ràng. Tại sao cùng một thứ xăng trong bồn mà tối nó xuống , ngày nó lên như ở Vancouver, hay đầu tuần nó xuống, cuối tuần nó lên như ở Montreal? Bộ xăng cũng uống…viagra sao?

Xài xăng viagra là niềm ngao ngán chung cho nhân loại. Thế giới chúng ta sống phụ thuộc quá nhiều vào xăng. Chuyện nhỏ như cái bánh mì chúng ta ăn mỗi sáng cũng có anh xăng dính vào. Ngay từ lúc còn là bột mì, bột cũng phải cưỡi xăng chạy loăng quăng từ đồng ruộng về nhà máy xay, chạy tiếp tới hãng buôn, cơ sở làm bánh. Khi thành chiếc bánh mì thì xăng cũng phải cõng từ nơi sản xuất tới nơi bán sỉ, rồi cửa hàng bán lẻ. Xăng nằm trong bánh mì tuy bánh mì dính xăng thì không thể bỏ vào miệng được. Tới những chuyện lớn như chuyện máy bay, chuyện phi thuyền thì xăng càng lên mặt hơn.

Tại Việt Nam nhà nước vừa chơi một cú làm dân chúng xiểng liểng. Giá xăng chính thức tăng thêm 4.500 đồng một lít kể từ tuần lễ thứ tư của tháng 7/2008 nâng giá lên thành 19.000 đồng một lít. Hậu quả đầu tiên là giới taxi chết đứng chết ngồi, xe buýt giảm chuyến, dân đi xe gắn máy bớt…liệng! Giá cả ngoài chợ đồng loạt lên theo xăng. Rau cỏ thịt cá gì cũng tính theo xăng. Cứ thế mà tiến. Những thứ cưỡi xăng này khi tiến thì tiến hung hãn lắm. Tiến tới tận cái khắc khoải của một nhà thơ dân gian làm theo style Bùi Chát, một nhà thơ ngoài luồng, chuyên làm thơ…chát.

Anh  đội viên đứng dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Thì ra Bác mất ngủ.

Anh đội viên nói nhỏ:
“Xăng tăng giá Bác ơi!”
Bác bảo: “Bác biết rồi
Mười chín nghìn một lít.”

Anh đội viên sụt xịt:
“Xe cháu xe tay ga.”
“Xe Bác Toyota
Chú khổ sao bằng Bác!”

Dân ta nghèo bị xăng hành là đúng. Dân các nước được tiếng là giầu nhất trên thế giới mà cũng bị xăng bắt giò bắt cẳng mới là chuyện đáng nói. Theo một cuộc thăm dò của Đài Truyền Hình CNN thì giá xăng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của người dân. Theo truyền thống từ bao đời nay, dịp nghỉ lễ Độc Lập Hoa Kỳ mùng 4 tháng 7 là dịp dân Mỹ, giầu cũng như nghèo, cưỡi xe đi chơi. Vậy mà năm nay, truyền thống bị bỏ xó, nhiều người đã không thèm lái xe đi nghỉ hoặc thăm bà con mà ngồi nhà lấy việc coi đốt pháo bông làm vui. Có 31% nhất định vui thú gia đình chẳng đi đâu cho tốn xăng. Có 72% người được phỏng vấn cho biết giá xăng đã làm thay đổi lối sống của họ. 30% nhấn mạnh đó là những thay đổi lớn. Những người có lợi tức hàng năm trên dưới 50 ngàn đô cho biết họ là những người bị giá xăng hành nhất. Không bị hành sao được khi chỉ trong vòng một năm, từ tháng 6 năm ngoái tới tháng 6 năm nay, người dân Canada đã phải chi thêm cho lương thực hàng ngày: bột tăng 44%, mì tăng 36%, bánh mì tăng 12,3%, xăng tăng 26,9%, tiền lời mortgage tăng 9%, giá vé máy bay tăng 14,3%. Đó là những con số chính thức của Cơ quan Thống Kê Canada (Statistics Canada). Cái anh ngốn xăng như hạm là anh máy bay. Vừa to xác, vừa bay cao, xăng chảy ra phải biết! Muốn tiết kiệm xăng, các hãng máy bay phải giở ra nhiều chiêu tiết kiệm xăng. Chiêu thứ nhất là bay chậm lại cho đỡ hao xăng.  Đại Úy phi công Claude Saint-Martin của Air Canada cho hay: “ Cũng giống như xe hơi, nếu lái chậm hơn thì xài xăng ít hơn. Đó là những gì chúng tôi đang làm”. Nói là chậm nhưng thường thì hành khách không cảm thấy được tốc độ chậm này. Bởi vì mỗi giờ bay chỉ chậm có một phút. Chiêu thứ hai thì hành khách cảm thấy ngay. Đó là thay vì cho mỗi hành khách ký gửi theo hai va-li, mỗi cái nặng 50 pounds, thì nay gửi một va ly thôi. Cái thứ hai hành khách phải chi ra 25 đô! Chiêu thứ ba cũng nhắm vào cái túi tiền của hành khách. Đặt ra loại phụ thu xăngbắt mỗi hành khách chi ra từ 20 đến 40 đô tùy theo hãng máy bay. Các chiêu khác là mua xăng tại các phi trường có giá rẻ nhất, khi máy bay chạy trên mặt đất trước khi lên hoặc xuống thì chỉ chạy một động cơ thôi, giảm trọng lượng nước uống cho hành khách, hoặc dùng máy định vị GPS để phi công bay theo đường ngắn nhất mỗi khi gần tới phi trường.

Tình hình cứ nhộn nhạo cả lên. Ông thì vứt cái xe ở nhà để đi làm bằng xe buýt hay metro. Bà thì muốn bán quách cái nhà ở ngoại ô, bắt cái condo trong thành phố để đi lô-ca-chân tới sở cho khỏi phiền anh xăng nhớt. Có bà còn định đổi cái xe ngốn xăng nhiều bằng xe nhỏ hay xe vừa chạy xăng vừa chạy điện cho đỡ đau cái túi tiền. Ông thì rủ hai ba đồng nghiệp ở gần nhà nhau ngồi chung một chiếc xe đi làm cho thêm phần đoàn kết.

Đi xe chung, carpool, là một giải pháp tiết kiệm xăng khá hữu hiệu. Có bạn bĩu môi, thêm được một hai người ngồi trên xe thì ăn thua chi. Ăn thua lắm chứ. Cứ lấy thành phố Montreal của tôi mà luận thì khắc biết. Nếu trong giờ cao điểm tan sở mà trung bình trên một xe có hai người ngồi thì số xe lưu thông đã giảm đi được 500 ngàn chiếc! Khổ nỗi bây giờ trung bình người ngồi trên một chiếc xe chưa được 2 người mà chỉ có 1,27 người. Số xe lưu hành mỗi ngày trong thành phố là 1 triệu 2 trăm ngàn chiếc. Giảm được 500 ngàn xe là giảm được gần phân nửa số xe lưu hành. Đã quá đi chứ! Chúng ta quen với lối xe ai người nấy đi từ lâu rồi. Vừa tự do, vừa khỏi phiền phức. Ít ai nghĩ tới những cái lợi của việc chung xe. Trước hết là được đi đường riêng trên xa lộ. Đường này chỉ dành cho các xe công cộng và những xe có từ hai người trở lên. Trong giờ cao điểm, lằn đường dành riêng này bao giờ cũng thông và di chuyển nhanh hơn các lằn đường khác. Cái lợi vật chất thấy rõ là chỉ tốn nửa tiền xăng và khi thay đổi luân phiên xe thì độ hao mòn của xe cũng giảm đi phân nửa, tiết kiệm được khối tiền. Cái lợi tinh thần là có người nói chuyện cho đường xa đỡ chán, ít buồn ngủ và mỗi người đều có thêm cơ hội để kết thân với người chung xe, biết trò chuyện để cuộc sống thêm phần hứng thú.

Trên tờ báo tiếng Anh The Gazette ở Montreal vừa có hai cái hình vui cười rất tới. Một cái vẽ một chiếc xe S.U.V. đậu ngay tại cột xăng, trên kính trước xe có một miếng bìa ghi hàng chữ: Suddenly Unwanted Vehicle! Anh họa sĩ nhại chữ rất tếu: S.U.V. của người ta là chữ viết tắt ngon lành của hàng chữ rất hách Sport Utility Vehicle (Xe Thể Thao Tiện Dụng) mà anh chế ra thành Suddenly Unwanted Vehicle ( Xe Bỗng Nhiên Không Ai Muốn).

Một bức hình khác vẽ một chiếc xe R. V. (Recreational Vehicle) cũng đậu tại một cây xăng. Xe R.V. là một chiếc xe có phòng ốc có thể ăn ngủ trên xe khi đi cắm trại. Xe mà cõng theo cả một cái nhà như vậy phải lớn, máy phải khỏe, uống xăng phải nhiều. Thời buổi xăng nhớt leo lên trời mà dính vào chiếc xe này chỉ có nước bán nhà! Trên xe cũng đính một tấm bảng: Đổ Đầy Một Bình Xăng Được Tặng Một Chiếc R.V.

Xe cộ uống xăng như bợm nhậu uống bia là một tai họa. Những S.U.V., những xe sáu máy, tám máy, những xe to đùng đang bị dân tiêu thụ chê lên chê xuống. Người ta trở về với những chiếc xe nhỏ nhắn dễ thương, liếm xăng như mèo liếm nước. Tạp chí Forbes cho biết loại xe uống ít xăng, giá từ 18 ngàn đến 30 ngàn đang là thứ mà dân tiêu thụ yêu mến. Trong tháng 6/2008 vừa qua, số xe bán ra loại này tăng vùn vụt. Xe Chevrolet Malibu, tiêu thụ 25 dặm/1 gallon xăng, tăng 73.4%; xe Honda Accord, 34 dặm/1gallon, tăng 54%; xe Chevrolet Equinox, 19 dặm/1 gallon, tăng 45.9%; xe Subaru Forester, 22 dặm/1 gallon, tăng 41%; xe Pontiac G6, 25 dặm/1 gallon tăng 34.2%. Đó là chưa kể bây giờ thấy chạy đầy đường những chiếc xe…con nít như Honda Fit, Yaris, Visba…xăng nhớt chẳng tốn là bao. Các loại xe hybrid vừa chạy xăng vừa chạy điện như Toyota Prius hoặc Honda Civic Hybrid muốn mua phải xếp hàng chờ!

Có long đong vất vả vì xăng mới thấy tiếc thời kỳ vàng son ngày xưa. Nói là ngày xưa chứ chỉ chục năm trước đây, đâu có xa xôi gì. Không biết các bạn có còn nhớ thời đó không nhỉ? Tôi chắc những dân lái xế hồ dễ mà quên được. Lúc đó giá xăng chỉ bốn năm chục xu, chỉ một phần ba giá bây giờ, mà vô đổ xăng còn có chút quà lót tay. Khi thì cái tuộc-nơ-vít, khi thì chiếc ly, khi thì túi vải, khi thì áo T-shirt. Có nơi còn cho uống cà phê free. Đổ xăng được chiều chuộng như các ông hoàng bà chúa. Lâu lâu các công ty xăng lại giở trò cạnh tranh nhau, hạ giá đến thảm thiết. Có lúc giá xăng chỉ trên 20 xu, bằng nửa giá thường! Lối cạnh tranh thương trường giết nhau không gươm giáo đó sao mà quý. Bây giờ tình đoàn kết giữa các anh tư bản sao mà dễ ghét đến vậy!

Ban ngày trông thấy giá xăng ton tót leo như anh khùng, tối tôi nằm lơ mơ nghĩ ngợi. Có lẽ chúng ta đang ở vào thời kỳ…đền tội! Tội đã rút ruột thiên nhiên để xài phung phí. Thập niên 50 của thế kỷ trước, những chiếc xe Mỹ có chiếc nào chịu bóp mồm bóp miệng ngốn xăng đâu. Anh nào anh nấy to đùng, tám máy mười máy, có những chiếc xe chơi tới 12 máy, đề một cái là xăng chạy ra như nước. Rồi còn hàng hóa ngồi trên xăng mà chạy lung tung nơi này nơi kia. Coi xăng rẻ như nước. Bây giờ thời đại toàn cầu, đồ ở Mỹ thì toàn made in China lội biển mà tới, xe thì xe Nhật, xe Đại Hàn cưỡi sóng mà sang. Thứ gì cũng phải phung phí xăng dầu vượt đại dương mới tới tay người tiêu thụ chúng ta.
Trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 2005, cuốn “The Long Emergency – Surviving The End of Oil, Clinmate Change, and Other Converging Catastrophes of the Twenty-First Century” (cuốn sách có cái tên dài ngoằng rất tốn…xăng), James Howard Kunstler đã nhìn thấy trước một tương lai không lấy gì làm sáng sủa của con dân trên hành tinh này. Trong 150 năm vừa qua, cả thế giới, nhất là người dân tại các quốc gia kỹ nghệ phát triển, đã được hưởng một kỷ nguyên ấm êm và giầu có chưa hề có trong các thế kỷ trước nhờ giá xăng dầu rẻ. Sự giầu có này lên tới đỉnh điểm trong 50 năm qua. Thế giới đã sản xuất tối đa xăng dầu tiêu thụ. Ông Kunstler viết: “ Chúng ta đã khai thác phân nửa số dầu của trái đất, phân nửa dễ đào nhất, phân nửa thu hoạch được với cái giá ít tốn kém nhất, phân nửa dầu có chất lượng tốt nhất và lọc được với giá thành rẻ nhất”. Thứ ngon chúng ta đã ăn trước hết, bây giờ chúng ta mới  chạm trán với thứ khó nuốt. Khó nuốt vì nó nằm trong những chỗ khó khai thác nhất cả về mặt địa lý lẫn địa chất. Giá thành cho việc khai thác dầu ngày càng cao hơn. Vậy là thế giới rối loạn về kinh tế chính trị và xã hội. Chúng ta cuống cả lên đi tìm những thứ tạo ra nhiên liệu có thể thay thế cho dầu. Cuống như vậy là cuống ẩu. Có thay thế được cũng không thể đi tới đâu. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi lối sống dựa vào xăng dầu. Chúng ta đã sống dựa vào xe cộ, vào sự luân chuyển hàng hóa toàn cầu, vào phân bón. Không bao lâu nữa chúng ta sẽ phải chấp nhận một nền kinh tế thu hẹp. Khổ một nỗi là chúng ta đang sống trong một nền kinh tế ước lệ chỉ nhắm vào sự phát triển chứ không lý tới sự thu hẹp. Loài người phải nhìn vào thực tế và sống với thực tế!

Trong 100 năm qua, quả thật chúng ta đã say sưa trong tiến bộ. Đúng 100 năm trước, năm 1908, chỉ có 14% nhà có bồn tắm, 8% nhà có điện thoại. Ngoài đường, chỉ có 8 ngàn chiếc xe chạy trên 144 dặm đường được lát gạch đá với tốc độ là 10 dặm một giờ! Chỉ trong vòng một thế kỷ, chúng ta đã đi đôi hia ngàn dặm và vét cạn tài nguyên thiên nhiên.

Cựu Phó Tổng Thống Mỹ nay chuyển qua người cổ võ cho việc bảo vệ môi trường Al Gore, người đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2007 và giải Oscar với bộ phim “ An Inconvenient Truth” cùng năm, hô hào việc người Mỹ phải chấm dứt lệ thuộc vào xăng dầu như bây giờ. Trong bài diễn văn đọc tại Congressional Hall tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ông cho là, vì sự tồn vong của Hoa Kỳ, trong vòng một thập niên tới nước Mỹ phải tiến hành gấp rút việc sản xuất ra điện năng từ các nguồn không phải là dầu hỏa như sức gió, năng lượng mặt trời và các nguồn tài nguyên không chứa carbon khác. Ông nhấn mạnh mục tiêu dùng năng lượng nguyên tử để đáp ứng được 1 phần 5 nhu cầu năng lượng của Mỹ. Đó là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng trái đất đang nóng lên cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế và an ninh quốc gia xuất phát từ sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gồm 3 loại chính là than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Việc giá dầu mỏ tăng đã kéo theo sự thức tỉnh của thế giới về nguồn năng lượng và về hiện tượng nóng lên của trái đất. Hóa ra hành động trục lợi của các anh tư bản làm giầu trên…dầu cũng có điểm hay. Không biết có nên ghi điểm cho các anh này không nhỉ? Chắc phải ghi vì một công lớn khác của các anh. Đó là việc các anh nâng giá dầu đã tiết kiệm được nhiều mạng sống của con người. Không, tôi không nói chuyện…phiếm mà đây là chuyện thật có thống kê đàng hoàng. Nhóm khoa học của trường Đại Học Alabama ở Birmingham và Trường Y Khoa của Đại Học Harvard vừa cho biết, sau cuộc nghiên cứu từ năm 1985 đến 2006, là mỗi khi giá xăng tăng lên 10% thì số người chết vì tai nạn xe cộ giảm đi được 2,3%! Với những người lái xe thuộc lứa tuổi từ 15 đến 17 tuổi, mức giảm này là 6% và lứa tuổi từ 18 đến 21 tuổi thì mức giảm là 3,2%. Đọc con số phần trăm khô khan trên chắc các bạn không hình dung ra được con số cụ thể. Nhóm nghiên cứu cho biết là từ khi giá dầu ở mức 2,5 đô lên tới 4 đô một gallon thì số từ vong vì tai nạn xe cộ ở Mỹ giảm đi mỗi tháng được 1 ngàn người!

Tiết kiệm được 1 ngàn nhân mạng mỗi tháng trong khi giới tiêu thụ chỉ trả thêm có 1,5 đô một gallon xăng, lời quá đi chứ. Ai lời? Cả hai bên. Đây là một tình trạng mà báo chí Mỹ thường gọi là hai bên đều thắng win-win situation! Đề nghị các bạn vỗ tay cho chiến thắng này. Nếu bạn không vỗ được thì bạn còn là người…thù dai. Chẳng nên!

07/2008