Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

BÁN

Đầu tháng 9/2008 vừa qua, tôi đến Heidelberg, một thành phố nhỏ ở Đức. Đây là một thành phố cổ. Cổ từ những ngôi nhà còn vướng bụi thời gian cho tới những viên đá lát đường làm lóc cóc những vó ngựa. Vẻ cổ kính tỏa khắp thành phố kéo được nhiều du khách tới thăm. Những cửa hàng nho nhỏ, đơn sơ, mang những nét xưa cũ riêng. Phần lớn họ bán những đồ lưu niệm cho du khách. Các cửa hàng nằm bao quanh một khu đất rộng lớn ở chính giữa có một ngôi giáo đường cổ kính với lối kiến trúc gồm những đường nét phức tạp. Trên khu đất lát gạch này là những sập bán hàng lộ thiên, mỗi sập chỉ được che sơ sài bằng một chiếc dù trắng. Đây là khu ngày xưa dân cư tụ tập để trao đổi hàng hóa. Cả làng cả xóm kéo nhau đi lễ rồi bày hàng ra trao đổi với nhau. Một công hai việc! Bà có mớ rau, ông có vài con cá, anh có con thú vừa săn được, chị có vài quả trứng gà, cứ mang ra trao đổi với nhau ở đây, chẳng bán buôn gì. Tôi chụp vài tấm hình rồi đứng lặng người tưởng tượng những ngày đã mất đó. Họ trao đổi chứ chẳng bán buôn gì. Chắc cũng giống như sinh hoạt của những người thiểu số ngày xưa trên cao nguyên. Họ mang những thổ sản khai thác được trên núi đổi lấy muối và những thứ…văn minh khác do người Kinh mang tới. Cũng chẳng bán buôn gì.

Mua bán thực sự có từ khi nào? Chắc chỉ từ khi có tiền. Tôi lại tưởng tượng: chắc khởi đầu việc buôn bán cũng gặp nhiều trắc trở. Đang mang một thúng măng rừng đi đổi, ôm về một vài bát muối, rõ ràng là ôm muối trong tay, về bản là dùng được liền, vậy mà thay vì ôm muối, lại đi ôm vài đồng tiền chẳng mặn mà tí nào, phải hoang mang chứ! Chắc một chị người dân tộc hay một chị người kinh lần đầu tiếp xúc với những đồng tròn tròn cũng phải ôm thêm lòng hoài nghi về giá trị của chúng. Và cũng chắc phải một thời gian dài thấy mấy cái đồng như đồ chơi con nít cũng có thể đổi được cái nọ cái kia, lòng tin mới được củng cố.

Bán là bán cái cụ thể, sờ mó được, dùng được. Chứ ai bán cái…thinh không. Mua vào chỉ có lỗ! Như cái danh chẳng hạn. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng! Nhẩm tính đã thấy lỗ nặng. Nhưng cái danh đôi khi còn xài được. Nó có công dụng nâng cái mặt lên. Còn bán những thứ tào lao thì thật…tào lao. Như cái mà ông nhà thơ Hàn Mặc Tử rao bán.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng
Tôi giả đò chơi anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt là anh dại quá
Trăng vàng Trăng ngọc bán sao đang.

Buôn bán mà cứ tơ lơ mơ như…thi sĩ! Đã bán cái không với tới lại còn lúc bán lúc không. Buôn bán, tiền bạc là những thứ phải rõ ràng như hai với hai là bốn. Nhưng với nhà thơ hai với hai chẳng bao giờ là bốn cả. Sòng phẳng như thế thì còn gì là thơ!

Nhiều năm sau khi nhà thơ Hàn Mặc Tử bán trăng, nhà thơ Hoàng Lộc khen tài bán của vợ khi thân mình đang trong tù cải tạo. Nhà thơ xứ Quảng này cũng rất tơ lơ mơ chẳng biết làm một con toán nhỏ cho ra hồn.

ai bảo tim hồng ý biếc ơn nhau
không, ơn của chỉ riêng em trong thời anh mạt vận
chiếc nhẫn cưới bán theo ngày túng quẫn
em thương chồng nên nặng với thi thơ
trong lòng anh, em đứng với người xưa
em hơn hẳn cả người xưa – đã chắc
anh bình sinh chuộng những điều không thật
hạnh phúc thì rất thật giữa tay em.

Người chỉ thích những cái không thật đích thị là loại tơ lơ mơ. Mua bán là cái thật nhất của thật. Phải mắt thấy, tay cầm thì mua bán mới chạy. Tiền trao, cháo múc chắc là như vậy. Ngày nay có lối mua bán…ảo trên internet xem chừng cũng rôm rả, kẻ mua người bán tấp nập. Tôi là loại nhà quê nên kỵ thứ mua bán trên không này. Cứ như nắm dao đằng lưỡi. Trả tiền thì phải trả trước, nhận hàng thì phải chờ một thời gian anh UPS hay anh Bưu Điện mới vác xe mang tới nhà. Nhận được vẫn chưa hết nhức tim, vội vàng xé tung giấy gói, mở ra rồi mới biết sự đời. Lúc đó tốt xấu tùy người đối diện! Mua bán kiểu…Hitchcock như vậy không có tôi.

Bởi vậy khi một cô nữ sinh viên muốn bán cái ngàn vàng trên mạng mua bán e-Bay, tôi cũng làm lơ. Đã bán mua kiểu ảo rồi mà hàng hóa cũng là thứ ảo nữa. Ai biết món hàng đó ra sao? Thứ thiệt hay thứ giả? Mua bán kiểu này hồi hộp chết! Tôi nhất định không thèm mua bán chi cả. Ông e-Bay cũng theo tôi, nhất định không lập chợ cho món hàng nhiều thị phi này. Cô nữ sinh viên bị quê nên di chuyển…chợ tới nhà bán đấu giá chuyên nghiệp Moonlite Bunny Ranch ở tiểu bang Nevada. Tôi vốn là người rất phục những người có chí, thấy cô em gái Natalie Dylan tuy mới 22 tuổi mà đã đậm máu bán buôn, tôi cũng mềm lòng vào cửa hàng của cô xem ra sao. Cô nhỏ là người hiếu học, đã tốt nghiệp Đại Học, nay muốn học cao hơn để lấy bằng Thạc Sĩ. Như vậy cô là người có chí. Có chí nhưng cô lại không chịu khó. Việc này cô thua nhiều người trong đó có tôi. Sau khi đi tù cải tạo về, chúng tôi rất chịu khó trong việc kiếm cơm nuôi gia đình. Bằng cấp, kiến thức, kinh nghiệm lúc đó vứt vào sọt rác hết. Những thứ kiếm cơm được đó đã bị nước lũ cuốn đi. Còn chi nữa đâu. Nhưng chúng tôi vẫn không mang thân mình ra bán. Của tin còn một chút này! Ráng mà giữ chứ. Tờ giấy rách còn biết giữ lấy lề cơ mà. Chúng tôi nhìn trong nhà có thứ gì bán được là bán để có thứ cho vào miệng. Những thứ nho nhỏ như quạt máy, máy hát, máy thu thanh, máy thu hình đi trước. Tủ lạnh, bàn ăn, sa lông theo sau. Cái đuôi đi sau rốt là cái giường ngủ. Kiên trì như vậy chứ đâu có lười biếng mang thân mình ra bán như cô nàng Natalie Dylan. Của đáng tội, cô bé ham học này cũng đâu có bán cả thân mình đâu, cô chỉ cậy ra bán chút xíu cái thứ có hình mà cũng như vô hình. Cái thứ chút xíu này tôi chẳng thích nhưng nhiều người lại thích. Lạ thật, bổ béo gì đâu mà cứ lăn vào. Vậy mà đắt thấu trời! Cô bé này đòi giá tới một triệu đô Mỹ lận. Chu choa, đắt còn hơn bào ngư!

Nghe đâu những người hứng thú với…bào ngư vẫn còn thi nhau trả giá. Hiện giờ giá đã là 325 ngàn đô rồi. Mới được 32,5% giá đưa ra. Thương vụ này bỗng nổi sóng khi có một ngôi sao xi nê nhảy vào …thị trường. Anh chàng sao siếc này có mang thêm được sinh khí vào cuộc mua bán này không? Tất nhiên là có. Nghe nói giá đã ngấp nghé số triệu rồi. Cô nàng sinh viên giỏi buôn bán này vẫn giữ giá: “Tôi biết chính xác cái anh ta muốn và anh biết chính xác cái tôi muốn. Tôi nghĩ đó là một thương vụ rất công bằng!” Đã là buôn bán thì thuận mua vừa bán. Cần gì phải sao hay trăng? Nhưng giá là một chuyện, có bán hay không là chuyện khác, bán cho người này hay người kia là chuyện khác nữa. Cô bé có khiếu thương mại nói thằng thừng: “ Thậm chí nếu người đó là một ngôi sao, tôi cũng sẽ phải cân nhắc xem liệu đó có phải là người mà tôi muốn để trao đổi cái ngàn vàng đó hay không.”

Cô bé này tưởng là không kinh nghiệm thế mà  lại kinh nghiệm. Bởi vì hàng hóa loại này đâu có phải như bó rau con cá. Trao tiền, trao hàng là xong. Trao hàng loại thinh không này còn có nhiều cái rườm rà theo sau. Trao ở đâu chẳng hạn. Bến Hải hay Cà mau, Paris hay New York, Dubai hay Bangkok? Cũng rắc rối chứ. Lại còn 5 sao hay 7 sao, có cần em bé Paris Hilton giữ phòng trước không. Đối tượng phải trình diện nhận hàng như thế nào, râu ria ra sao, mồm miệng, người ngợm có phải khử mùi không. Lại còn thời gian nhận hàng là bao lâu, có được trình diễn những hoạt động bên lề không, có được day tận tay bắt tận nguồn không. Cả là một thủ tục rắc rối cần thương thuyết trước. Đâu có phải cứ sùy ra một triệu đô là muốn làm vương làm tướng gì cũng được!

Chuyện bán mà không cần buôn này phức tạp như vậy mà chợ vẫn cứ nhộn nhịp. Cô Natalie Dylan chưa bán xong thì  cô Raffella Fico lại nhảy vào. Cô này trẻ hơn, chỉ mới hai chục cái xuân xanh nhưng hàng thì đã rao trước rồi. Bởi vì cô đã là người mẫu trên các tạp chí loại dành riêng cho đàn ông ở Ý. Cô lại là diễn viên trên chương trình truyền hình Big Brother, phiên bản Ý. Nghĩa là các ông bạn Ý của tôi đã được mãn nhãn về cái bao bì bọc cái…bào ngư rồi. Nhưng phô ra như thế không phải là ở trong còn lắm điều không hay. Nhìn cái hộp gói quà đẹp đẽ người ta luôn nghĩ là quà bên trong cũng ngon lành. Cô Raffella Fico biết vậy nên đã thề là chưa bao giờ biết cái mặt giường hai người nó ra làm sao. Cả gia đình cô xúm vào khuyến mãi: mặc dù cháu nó có vẻ đẹp ưa nhìn và hấp dẫn nhưng cháu vẫn giữ được cái ấy. Người anh trai của cô Raffella, không biết có được chia chác gì không mà lớn tiếng thề độc: “Em tôi chưa từng có bạn trai. Tôi thề trước vong linh mẹ tôi. Raffella là một người sùng đạo và thường đọc kinh cầu nguyện mỗi đêm”. Cô cầu nguyện những gì, chẳng ai được biết. Chẳng lẽ cầu nguyện đấng tối cao cho được buôn may bán đắt. Mà có lẽ cô cũng phải cầu nguyện thật vì cái giá cô đưa ra cao tới trời xanh: một triệu Euro. Chuyện này thì tôi có kinh nghiệm. Đừng cười chứ, tôi muốn nói chuyện Euro. Euro là đơn vị tiền của các nước trong khối Thịnh Vượng Chung Âu Châu, gồm phần lớn các nước Tây Âu trừ Anh và Thụy Sĩ. Du khách từ Bắc Mỹ qua Âu Châu tiêu tiền Euro sẽ cảm thấy đau cho cái túi lắm. Bởi vì một Euro ăn tới một đô sáu tiền Mỹ lận. Một triệu Euro ăn một triệu sáu đô Mỹ! Ăn gì mà ăn lắm thế. Nếu lấy cô Natalie Dylan ở San Diego, Mỹ, ra mà so sánh thì bào ngư Ý đắt hơn bào ngư Mỹ tới sáu trăm ngàn đô lận. Được cái là điều kiện giao hàng…thoáng hơn. Cứ chi ra đúng triệu Euro là đến hẹn lại lên, không thắc mắc. “ Nếu anh ta là người xấu xí, tôi sẽ biết cách vượt qua điều đó. Nếu tôi không thích anh ta thì tôi sẽ uống một ly rượu và quên chuyện đó đi”.

Bán bán buôn buôn, đừng để cụ bà Clara Meadmore nghe thấy kẻo cụ chửi cho tắt bếp. Cụ sanh tại Glasglow, Anh quốc, vào năm 1903. Năm nay cụ mới có 105 tuổi. Bộ cụ là người già nhất thế giới chăng? Không, cụ không hề có tên trong sách kỷ lục Guinness. Vậy thì cớ chi mà lôi cụ vào chỗ…thanh xuân này? Bởi vì cụ vẫn còn tân! Chuyện giường chiếu là chuyện cụ chê cả trăm năm nay rồi. Cụ chẳng bao giờ lấy chồng mà thậm chí chuyện…vợ chồng cụ cũng chưa bao giờ làm cả. Cụ phều phào qua cái miệng móm: “Mọi người cứ thắc mắc là tôi có bị đồng tính không nhưng tôi hoàn toàn bình thường. Tôi từng có rất nhiều bạn trai và tình cảm rất trong sạch. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc tiến xa hơn trong các mối tình hay tính tới chuyện lấy chồng”. Thời của cụ, chuyện tù ti phải dính liền với chuyện cưới hỏi. Anh chưa thốt ra câu I do trước bàn thờ với sự chứng kiến của họ hàng hai bên thì anh đừng mong bước vào động đào. Không có chuyện cho không biếu không. Chuyện bán buôn là chuyện…thần thoại. Có nhiều người còn gin tới chết vì không có ma nào rờ tới nhưng với cụ Clara thì khác. Cũng ong bướm lượn lờ đấy chứ nhưng không là không. Có cụ Josie Harvey, bạn thân của cụ làm chứng. “ Bà ấy rất độc lập và tin tường vào những việc mình làm. Chính điều đó giúp bà ấy sống lâu.” Cụ Clara thì quả quyết: “ Tôi chưa bao giờ có hứng thú trong chuyện chăn gối”. Sống lâu để làm gì nhỉ? Làm gì mặc xác bà! Nhưng cụ coi đó là điều đáng hãnh diện. Chính chuyện không đụng tới gối chăn là bí quyết trường thọ mà cụ muốn truyền cho những thế hệ sau. Một ông bạn tôi nghe xong cười khẩy phán: “ Cụ này không có máu buôn bán nhưng có lòng từ thiện. Cụ muốn làm quà cho giun dế!”

Đừng kể chuyện…dành dụm của cụ bà Clara cho bà N. T. H. Ch. nghe. Bà ấy tiếc chết. Bà này năm nay 46 tuổi và là người rất biết bán mà không buôn. Bảy năm trước đây, năm 2001, bà bỏ ông chồng là T. ở Hậu Giang, dắt đứa con gái lớn ra đi trong khi đứa con trai út mới được vài tháng tuổi. Ông chồng phải nuôi ba đứa con nhỏ gồm hai gái và một trai. Ngày 21 tháng 4 năm 2008, bà đột ngột xuất hiện tại trường của hai cô con gái, dụ hai em này đi về Cần Thơ để bà nuôi cho ăn học. Hai cô này là L., 17 tuổi và Ph., 16 tuổi. Ngay khi vừa đến Cần Thơ, bà ép cô L bán trinh với giá 1 ngàn đô. Cô này không chịu. Bà đánh đập, chửi bới, bỏ đói và nhốt trong nhà. Cuối cùng cô cũng phải nghe theo lời mẹ. Sau đó tới lượt cô em tên Ph. cũng bị bà ép bán cái ngàn vàng với giá 10 triệu đồng Việt Nam. Sau đó bà ép các cô bán dâm tiếp. Hai cô không chịu. Lại bổn cũ soạn lại. Đánh đập, chửi bới, bỏ đói và nhốt trong nhà. Cuối cùng hai cô đành phải nhắm mắt đưa chân. Mỗi ngày mỗi cô phải tiếp hàng chục khách. Nhiều bữa chịu không nổi, hai cô đã quỳ xuống lậy mẹ xin được nghỉ vài ngày. Sức mấy mà bà chịu. Đang bán ngon lành đâu có để lỡ trớn được. Lần này bà sai cô chị đi theo bà từ những ngày bà bỏ gia đình bảy năm trước ra tay. Chị cũng một sách của mẹ. Đánh đập hai em đến bầm tím cả mặt, chảy máu ở đầu. Bốn tháng sau, hai em L và Ph. mới trốn thoát chạy về Hậu Giang với cha. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, bà Ch. ào tới lùng xục khắp nhà để bắt lại hai con. Hai em phải trốn qua nhà hàng xóm lánh nạn…mẹ! Ông T. vội gọi điện cho công an xã Tân Bình, nơi gia đình ông trú ngụ, để xin can thiệp khẩn cấp. Công an phán: “ Việc gia đình để gia đình tự giải quyết!”. Chán chưa? Ông làm đơn xin chính quyền xã bảo vệ hai em, chính quyền xã bảo ông nên làm đơn trình bên Cần Thơ, nơi trú ngụ của bà Ch. Ông nghe theo. Công an phường An Nghiệp, Cần Thơ, chắc là những cầu thủ bóng đá hạng A, đá trái banh lại cho bên Hậu Giang: “ Con ông bị bắt ở đâu thì về đó làm tường trình và yêu cầu giải quyết!” Ông T. lại nghe theo chính quyền. Ông trình lại sự việc với công an Tân Bình, nơi ông cư ngụ. Công an nơi đây, trước sau như một, phán là chuyện gia đình thì tự giải quyết với nhau!

Tôi chắc là công an coi đây là chuyện nhỏ, chẳng có chi mà chạy xất bất xang bang như ông bố cù lần muốn cứu hai cô con gái khỏi tay người mẹ có máu bán rất đậm đặc. Bán có một lần thì ăn thua chi! Người ta còn bán cả chục lần nữa là khác. Hừm, ăn nói chi mà ngược ngạo. Cái…tem của con tạo chỉ có một cái, đóng dấu vào là hết xài, lấy chi mà bán tới cả chục lần. Đúng là con tạo chỉ dán có một con tem nhưng con người có tài recycle, cứ vá víu lại lu bù, tha hồ mà bán. Chuyện chẳng có gì mới. Ngày xưa, nàng Kiều đã được dậy kỹ thuật recycle cây nhà lá vườn kiểu nước vỏ lựu máu mào gà / mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên. Ngày nay cứ xùy ra khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu là các phòng mạch tân trang màng miếc y như cũ. Cái thứ dùng để đóng dấu vốn không có mắt chẳng biết đâu vào đâu. Nói thế e làm các ông chuyên đi mua cái thứ họ tin là mang lại may mắn buồn. Thằng em không có mắt thì thằng anh cũng hai mắt như ai, lõi đời cả, dễ gì mà đưa nhau vào xiếc. Nhưng sự đời vốn là một cuộc tranh hơn thua. Cao nhân hữu tắc cao nhân trị. Cao cờ nhất dĩ nhiên là giới chuyên nghiệp. Các mụ tú bà có ngàn cách để qua mặt các đại gia muốn xả xui. Thường những món hàng recycle này là các em bé còn rất trẻ, ăn mặc giản dị, không son phấn, luôn tỏ ra rụt rè, nhút nhát khi tiếp xúc với khách. Thêm tí rượu, tí ngủng ngẳng, tí em chã, tí thẹn hồng là các đại gia vào xiếc như không. Vốn trả cho các phòng mạch tân trang chỉ từ 1 triệu đến 2 triệu, bán cho các đại gia dồ dỏm cả chục triệu, lời biết bao nhiêu mà kể.

Tôi bỗng nghĩ là một ngày nào đó, nếu tôi có trở lại Heidelberg, đứng giữa khu gọi là chợ từ thời chưa có tiền tệ, chẳng bán buôn chi, chỉ có trao đổi với nhau những thứ cần thiết, tự hỏi: nếu các cô Natalie Dylan và Raffella Fico sống vào cái thời mù mịt đó thì người ta sẽ trao đổi với các cô thứ gì? Chẳng lẽ lại chỉ có trái chuối trái dưa?

10/2008