Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

NÉM

Ném là chuyện dễ ợt. Chỉ cần thảy một vật đang cầm trên tay ra khỏi tay mình là xong. Thằng cháu tôi, mới vài tháng tuổi, cũng làm được. Cu cậu cười thích thú khi thảy những món đồ chơi ra cho người lớn cúi đầu lượm lại. Vậy mà loài người phải mất tới cả triệu năm mới làm được công việc tưởng đứa con nít cũng có thể vừa chơi vừa làm. Chỉ khoảng 10 triệu năm trước đây con người mới tiến từ thời kỳ hái lượm qua thời kỳ săn ném. Tiến trình biến đổi này có hai điều đáng chú ý. Thứ nhất là con người không thụ động chờ…sung rụng nữa mà đã biết tìm tòi để tạo ra thực phẩm. Thứ hai là các ông lên mặt! Chuyện đàn bà hái lượm các thứ quả, hạt và lá làm thực phẩm đã mai một đi nhiều trong khi chính các ông mới là…anh hùng thời đại, ra tay săn ném mang thịt về làm barbecue! Thời sơ khai, con người săn thú bằng cách dùng những vật cứng ném  vào những con thịt. Đá là vật cứng dễ tìm kiếm nhất. Trong các cuộc thi Thế Vận Hội ngày nay, môn ném vẫn còn thịnh hành với các món : ném lao, ném búa, ném đĩa. Thổ dân ở Úc có môn ném boomerang khá độc đáo. Dùng một thanh gỗ cong, họ ném trúng mục tiêu rồi thanh gỗ sẽ quay trở lại tay người ném. Đỡ mất công đi lượm!

Ném guốc là món võ độc quyền của các bà? Không chắc. Hồi đi tù tại trại tù Làng Cô Nhi Long Thành, tôi ở chung với các bạn trẻ trong ngành tình báo. Họ là những người năng nổ, tài tình, vứt đi đâu cũng không chết. Một trong những trò…cải thiện của những anh bạn trẻ xông xáo này là dùng guốc ném chim. Đang đi ngoài sân, thấy một chú chim, chàng trẻ tuổi nhẹ nhàng rút chiếc guốc dưới chân, ném một cú trúng phóc. Cóc nhái, rắn rết thì còn té ngửa ra nhanh hơn nữa. Mà đôi guốc có trơn tru, cân đối gì đâu. Đó là những miếng gỗ lượm được, dùng dao cải tiến tự chế gọt cho thành dạng đôi guốc thôi. Ném như vậy là ném…mưu sinh. Đúng với công việc của con người sống mười triệu năm trước. Nếu các bà ném kiểu chén bay đĩa bay trong nhà thì là ném tự vệ. Cùng một hành động như vậy, các ông ném bình hoa, đồng hồ để bàn thì là ném gây hấn. Nhấc điện thoại gọi 911 thì Cảnh sát đồng ý ngay bằng hành động tra chiếc còng số 8 vào tay…ném nhân!

Còn ném giầy như anh chàng này thì là ném chi?  Anh chàng, sau khi về nhà, hễ ngồi lên giường là anh tuột phăng đôi giày cao cổ ra ném lên sàn nhà “bộp”, “bộp” hai tiếng, khiến ông già chủ nhà ở tầng dưới giật mình tỉnh giấc, sợ hãi toát mồ hôi, rất lâu không ngủ lại được. Nhiều ngày trôi qua, không chịu đựng được nữa, ông già phải cảnh cáo anh thanh niên rằng nếu cứ tiếp tục như vậy thì sẽ bị đuổi đi. Chàng trai vội vàng xin hứa sau này nhất định sửa chữa. Tối hôm đó anh chàng vẫn về rất khuya như trước. Sau khi về liền ngồi lên giường, tuột phăng đôi giầy và ném xuống sàn nhà “đùng” một tiếng. Bỗng nhớ tới lời cảnh cáo của chủ nhà, anh nhẹ nhàng cởi chiếc giầy thứ hai, cẩn thận để lên sàn nhà, bụng nghĩ lần này thì ông già phải vừa ý rồi! Vừa sáng sớm ngày hôm sau, ông già đứng ở dưới lầu hổn hển la to: “ Mai mau dọn nhà đi nhé cha nội. Tía tôi cũng không chịu được cha nữa rồi”. Anh chàng lắp bắp hỏi : “ Sao thế hả ông? Cháu... cháu...”. Ông già chủ nhà lớn tiếng : “ Thường ngày cha ném hai chiếc giầy một lúc, ném xong thì tui yên tâm ngủ. Tối hôm qua cha ném một chiếc, làm tui giật mình tỉnh dậy, đợi mãi cha ném nốt chiếc kia làm tui cả đêm không ngủ được gì!”

Đó là ném…giầy! Anh chàng này có lẽ là sư tổ của anh chàng phóng viên truyền hình Muntadar al-Zaidi ở Iraq. Khác một điều là anh chàng thuê nhà ném giầy xuống sàn nhà trong khi chàng phóng viên ném ngay vào mặt ông Tổng Thống Bush của đàn anh Mỹ. Ông tonton này sắp hết nhiệm kỳ. Trước khi về đuổi gà cho vợ ông làm một chuyến đi từ biệt tới Iraq. Đang khi ông đứng cạnh Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki trong một cuộc họp báo vào ngày 14 tháng 12 năm 2008 thì chiếc giầy bay về phía ông. Ông né được. Trước đó, chàng phóng viên mạnh tay đã đứng phắt dậy, hét lớn : “ Đây là nụ hôn vĩnh biệt của dân Iraq!” Nụ hôn không chờ đợi này làm náo loạn hội trường. Tiếp đó, chàng phóng viên vừa ném chiếc giầy thứ hai vừa hét lớn : “ Còn chiếc này dành cho các góa phụ, trẻ mồ côi và những người đã chết ở Iraq”. Vậy là đủ đôi! Ông Bush không phải chờ như ông già chủ nhà kể trên. Cả đôi giầy đều không trúng mục tiêu. Không hiểu vì chàng phóng viên ném dở hay ông tonton né hay. Có điều tôi phải cho điểm ông Bush về câu nói của ông ngay khi né được nguyên một đôi giầy : “ Tất cả những gì tôi có thể nói là : giầy đó có cỡ số 10!”. Đúng là câu nói của một…phiếm gia. Ít khi ông…khởi sắc được như vậy!

Thấy tonton sắp nghỉ hưu bỗng trở thành diễn viên khôi hài rất đạt, bàn dân thiên hạ ào ào góp vui. Trên internet xuất hiện liền hai game gợi hứng từ biến cố này. Trong game Flying Babush người chơi là chính bạn sẽ thủ vai Bush né tránh những chiếc giầy đang tới tấp ném tới. Bạn càng né giỏi thì số giầy càng tăng và tốc độ bay tới của giầy cũng tăng theo. Trong game thứ hai Bush’s Boot Camp, bạn sẽ thủ vai mật vụ bảo vệ Bush. Nấp sau Bush, với hai khẩu súng trên tay, bạn sẽ bắn bất cứ chiếc giầy nào đang lao về phía tonton. Số lượng và tốc độ lao của giầy cũng gia tăng theo thời gian chơi.

Một ông Ai Cập tên Saad Gumaa hứng chí với hành động…ném giầy mà không giấu tay của chàng phóng viên, đã không ngần ngại đòi gả cô con gái 20 tuổi, hiện đang là sinh viên ngành truyền thông tại Đại Học Mynia ở Ai Cập, cho chàng phóng viên này. Ông già này không nói chơi. Ông đã gọi điện thoại cho anh của phóng viên Muntazer là Dergham để đề nghị : “ Tôi chẳng tìm thấy thứ gì giá trị hơn cô con gái ruột của mình để “tặng” chàng trai kia cả. Tôi đang chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho lễ cưới”. Nghe ngon chưa? Cô gái tên Amal cũng rất hứng khởi khi nói với phóng viên hãng tin Reuters : “Đây là niềm vinh dự rất lớn với tôi. Tôi ước muốn được sống ở Iraq, đặc biệt nếu được gắn bó với người hùng này”. Không thấy tin tức nói chi về đường nhan sắc của cô gái. Không biết có phải vì vậy không mà chàng phóng viên chưa trả lời.

Thực ra chàng còn đang bận ở tù. Nàng Amal còn phải chờ tới 3 năm nữa mới được nâng khăn sửa…giầy cho người hùng. Ba năm có là bao! Vì khi ra tù chàng có thể bỏ túi ngay 10 triệu đô Mỹ! Đó là giá mua đôi giầy…lịch sử này do thương gia người Ả Rập Muhmad Hassan Mahafa đề nghị trả. Giá này cao hơn hẳn cái giá do ông Adnan Hamad, cựu huấn luyện viên đội tuyển túc cầu Iraq, đề nghị là 100 ngàn đô Mỹ. Chỉ có một chút trục trặc là đôi giầy không được trả về cho chàng phóng viên mà đang được cơ quan an ninh Iraq giữ làm tang vật. Một nguồn tin khác cho biết là đôi giầy đang được một thành viên trong phái đoàn của tonton Bush giữ làm kỷ niệm!

Trong thời đại…ném, giá giầy làm một cú nhảy vọt. Giầy bày ngoài cửa tiệm bán giầy giá cao thấp tùy theo giầy tốt giầy xấu. Nhưng dù có là giầy của minh tinh màn bạc thì giá giầy cũng chẳng leo lên được cái giá tính bằng tiền triệu được. Giầy chỉ thực sự có giá khi bị ném. Giá này cao thấp tùy theo người bị ném. Nếu ném vào mặt tôi hay mặt bạn thì cái giá nhất định rất bèo. Chẳng bõ công ném. Phải tìm những cái mặt đáng ném mà ném thì giầy mới có giá bạc triệu. Như mặt của ông Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chẳng hạn. Chỉ sau chưa đầy hai tháng xảy ra vụ…shoegate thì ông Thủ Tướng cũng ăn giầy! Lần này chuyện xảy ra ở Đại Học nổi tiếng Cambridge bên Anh. Ngày 2 tháng 2 vừa qua, Ôn Gia Bảo tới đọc diễn văn tại Cambridge. Bài diễn văn dài 3.200 chữ đề cập tới vai trò của Trung Quốc trong thế giới toàn cầu hóa. Khi Ôn Gia Bảo đang đọc trước một cử tọa gồm khoảng 500 người thì có ngay một hành động…toàn cầu hóa. Trò ném giầy từ Iraq chuyển qua Anh Quốc. Một sinh viên bất ngờ đứng lên hô lớn : “ Làm sao chúng ta có thể nghe lời lẽ xảo trá của tên độc tài này?”. Và chiếc giầy thể thao lao về phía diễn giả. Anh thanh niên 27 tuổi này là một tay ném tồi. Chiếc giầy rớt cách xa Ôn Gia Bảo tới  một thước lận! Ông Thủ Tướng nghía chiếc giầy và nói : “Hành vi đê tiện này không thể có chỗ đứng giữa quan hệ hữu nghị Anh và Trung Quốc”. Câu nói dở ẹc. Thua xa câu nói của Bush. So sánh như thế e có phần bất công cho ông Thủ Tướng một nước cộng sản. Ông ấy có được huấn luyện để có óc khôi hài đâu. Chẳng nên trông mong một nụ cười nơi những khuôn mặt lúc nào cũng đóng kịch nghiêm và buồn.

Không biết có sự đốc thúc của các nhà bán giầy không mà vụ ném giầy thứ ba đã diễn ra tại Đại Học Stockholm, Thụy Điển, vào ngày 4 tháng 2. Lần này mục tiêu nhỏ hơn : ông Đại Sứ Do Thái tại Thụy Điển Benny Dagan. Ông Đại Sứ đang thuyết trình về cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra tại Do Thái thì giầy bay vèo về phía ông. Phải cho điểm anh sinh viên ném  giầy lần này vì giầy đã tới đúng mục tiêu. Ông Đại Sứ bị trúng vào chân. Giầy tìm tới chân là đúng chỉ số. Thật là một cú ném ngoạn mục. Không thấy tin tức nói chi tới việc ông Đại Sứ có nói năng gì sau đó không. Nếu ông ta có nói thì câu nói chắc không vô duyên như câu nói của Ôn Gia Bảo.

Nhưng quán quân về vô duyên trong loạt ném giầy này có lẽ là một bài báo ký tên Nguyễn Đại Phượng trên báo Tiền Phong ở Việt Nam số ngày 7 tháng 2 năm 2009. Bài báo mang tên : “ Ném Giầy – Văn Hóa Quái Dị”. Đọc bài báo thấy quái dị thật. Có ba ông bị ăn giầy thì hai ông được hài tên tuổi chức tước đàng hoàng. Chẳng nói thì thông minh như bạn chắc cũng đã đoán ra hai ông này. Ông thứ ba thì …kỵ húy không dám nhắc tới tên. Đoạn viết này nguyên văn như sau : “ Trước đó ngày 2/2 tại London, Liên hiệp Anh, thủ tướng của một quốc gia châu Á cũng bị một người đàn ông rút giầy ném không trúng khi ông đang nói chuyện với sinh viên tại Đại học Cambridge về quan hệ hợp tác giữa nước ông và Liên hiệp Anh. Người đàn ông từ phía cử tọa đột ngột đứng dậy nói lớn ngắt lời vị thủ tướng. Nhiều người ngồi dự cuộc nói chuyện đòi đuổi kẻ quá khích này ra ngoài. Nhưng cũng lúc đó kẻ quá khích rút giầy ném về phía thủ tướng nhưng không trúng. Giầy rơi cách thủ tướng khoảng ba mét. Một nhân viên an ninh lặng lẽ đến nhặt chiếc giầy da đen xấu xí mang ra ngoài. Kẻ ném giầy là một thanh niên nam 27 tuổi liền bị cảnh sát Anh bắt giữ và truy tố về tội gây rối trật tự công cộng. Đại diện ban lãnh đạo Đại học Cambridge bày tỏ sự chân thành xin lỗi về sự cố không vui nói trên”.

Bài nâng bi vừa được phát tán thì có ngay phản hồi. Ông Nguyễn Hùng, trên bbcvietnamese.com, viết : “ Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc bị ném giày ở Đại học Cambridge thứ Hai tuần trước, hầu như không tờ báo nào của Việt Nam đưa tin.Cho tới cuối tuần đó mới có một bài báo nói về điều được gọi là “văn hóa quái dị” của chuyện ném giầy và trong đó ông Ôn Gia Bảo được nhắc tới với tên “thủ tướng của một nước”.Trong khi đó trong cùng bài viết, tên của một đại sứ Israel bị ném giầy và dĩ nhiên tên của Tổng thống George W. Bush được tác giả bài viết đề cập tới. Trước đó cũng đã có nhiều cơ sở để tin rằng truyền thông Việt Nam có sự sợ hãi khi nhắc tới hai chữ Trung Quốc trong những tình huống mà họ sợ rằng Bắc Kinh có thể phật lòng”.

Ông Nguyễn Duy Ân còn đi vào chi tiết hơn nữa: “ Còn “cuộc ném giày ngày 2/2 tại Luân Đôn” mà người bị ném giày là “thủ tướng của một quốc gia châu Á” không tên! Không biết quốc gia châu Á là quốc gia nào đây? Thì quốc gia nào cũng được, có thể là thủ tướng Nhật Bản, thủ tướng Thái Lan hay thủ tướng Singapore… cũng không sao! Người đàn ông ném giày “không trúng” ông thủ tướng, ông nầy phải có chân mạng thiên tử đại đế nên không bị trúng giày như ông Đại sứ Do Thái hoặc phải né tránh nhanh thì mới thoát được như ông TT Mỹ! Theo tường trình các báo quốc tế thì chiếc giày rơi cách ông thủ tướng “của một quốc gia châu Á” là một mét, nhưng ký giả đảng ta dời xa thêm 2 mét vì sợ bụi văng nhằm “vị lãnh tụ thiêng liêng!” Trước khi ném giày “người đàn ông từ phía cử tọa đứng dậy nói lớn ngắt lời vị thủ tướng.”Ngắt lời như vậy là quá vô lễ, phạm thượng! Mặc dù “nói lớn” nhưng ký giả Nguyễn Đại Phượng đã không nghe rõ mấy tiếng “tên độc tài!” hoặc những tiếng này quá húy kỵ sợ xúc phạm đấng bề trên? Nhưng ký giả lại nhìn thấy rất rõ “một nhân viên an ninh lặng lẽ đến nhặt chiếc giày đen xấu xí mang ra ngoài.”Chủ nhân chiếc giày phải là hạng nghèo khổ thấp kém nên không có được chiếc giày “trắng đẹp” mà đi, loại người thấp kém ti tiện như thế thì “hành động đáng khinh bỉ!” như lời phán của “ngài” thủ tướng một nước châu Á! Cũng vì vậy kẻ ném giày “liền bị cảnh sát Anh bắt giữ và truy tố về tội gây rối công cộng.” Và “Đại diện ban lãnh đạo Đại học Cambridge” đã phải “chân thành xin lỗi về sự cố không vui nói trên!”
“Xin lỗi!” là câu đầu môi người Anh, người Mỹ có gì mà “chân” với “thành”. “Sự cố” này ai không vui? Ký giả không vui? Ông “thủ tướng của một quốc gia châu Á” không vui? Chẳng lẽ người dân Việt Nam và người dân Tây Tạng cũng “không vui”?

Chuyện giầy tới đây quả thật đã mất vui. Chỉ có một chiếc giầy mà lòi ra nguyên một cục hèn to tổ chảng! Xuống cấp một chút vậy. Thử nói chuyện ném…dép coi có vui hơn không? Một tên cướp ở Mumbai, Ấn Độ tên Rajkumar Sharma, 19 tuổi, bị ra tòa. Tội nghiệp, hắn cướp của một anh phu xe kéo số tiền chỉ vào khoảng 10 đô Mỹ. Đang phiên xử, hắn bỗng rút dép ra ném lên quan tòa. Ông Chánh án C. D. Gongal nghiêng mình né được. Tức giận, ông tuyên ngay bản án tù chung thân về tội láo lếu dám xúc phạm ba tòa quan lớn.

Vậy ra muốn ném thì thiếu khối chi thứ có thể ném được. Khoảng 2 ngàn năm trước, Hoàng Đế Vespasian tới để dàn xếp một vụ bạo loạn ở Hadrumentum. Hoàng đế thì Hoàng đế, đám cùng dân nổi loạn chẳng care. Họ ném củ cải như mưa về phía nhà vua.

Ông Thủ Tướng Anh Tony Blair được mời ăn một món lạ. Đó là một bao cao su đựng một thứ bột màu tím. Chuyện xảy ra vào năm 2004, nhóm “Những Người Cha Vì Công Lý” đã lọt qua hàng rào an ninh tại Hạ Viện Anh và ném vào lưng Thủ Tướng chiếc bao cao su này. Tay ném này khá nhà nghề vì chiếc bao cao su trúng phóc ngay vào lưng Thủ Tướng. Bao bể lan ra một chất bột tím tô điểm dung nhan nhà lãnh đạo nước Anh. Ông phớt tỉnh Ăng lê, vẫn cứ tiếp tục phiên họp như thường. Nhưng ông Chủ Tịch Hạ Viện và các dân biểu không được bình tĩnh như vậy. Họ nhanh chóng rút lui có trật tự. Ông Thủ Tướng bình tĩnh mà không run từ từ ra về sau chót.

Ông Prescott, cũng Phó Thủ Tướng Anh chứ ít chi, lại không được…Ăng Lê như ông Tony Blair. Năm 2001 ông tới Rhyl thuộc phía Bắc Wales để dự một buổi mít- tinh. Đang vui vẻ thì một người biểu tình ném tặng ông một quả trứng thối. Ông này không phớt tỉnh Ăng lê mà giở võ Hồng Mao đấm thẳng vào mặt tên hỗn láo dám cho ông xơi trứng thối. Chơi trò vũ phu xong, ông còn dọa: “Ước gì tôi đã hành động nhanh hơn!”

Ông Phó diều hâu này không đáng xách dép cho bà dân biểu cũng của Anh, bà Ann Widdecombe. Bà đang ký sách trong buổi ra mắt sách của bà thì một người vốn bất bình với lập trường của bà đã ném vào mặt bà một chiếc bánh trứng. Bánh trứng coi bộ dễ chịu hơn trứng thối nên bà lặng lẽ rút khăn ra lau mặt rồi tiếp tục ngồi ký sách coi như không có chuyện gì xảy ra.

Thái độ của bà dân biểu Ann Widdecombe được hơn ông Phó Thủ Tướng Prescott nhiều. Hiểu được mình và tôn trọng ý kiến, dù ý kiến được phát biểu một cách hơi nặng tay, của người khác như thế coi bộ đã đạt. Nhưng đạt hơn cả có lẽ là hành động của người được tôn là bậc thánh ở Ấn Độ: thánh Gandhi. Ông ra ga xe lửa để bắt tầu tới một tỉnh khác. Khi ông tới ga thì tầu bắt đầu chuyển bánh, ông chạy vội cho kịp, một chiếc giầy của ông rớt xuống sân ga. Tầu đã chạy nên ông không thể xuống lượm lại được chiếc giầy rớt. Ông vội tháo luôn chiếc giầy còn lại ném về phía chiếc giầy kia. Mọi người sững sờ trước cử chỉ lạ đời của ông. Gandhi mỉm cười giải thích: “Nếu có người nghèo nào lượm được chiếc giầy thứ nhất, họ có thể tìm được chiếc thứ hai và sẽ mang được đôi giầy của tôi!”

Đây là cái ném của một bậc thánh. Không ném với cái tâm còn vọng động mà ném với cái tâm thành. Ném như vậy mới là ném chứ!

03/2009