Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

RỬA

Hồi tôi học chứng chỉ Nhân Chủng Học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Giáo Sư Bác Sĩ Trần Anh phụ trách giờ thực tập tại Cơ Thể Học Viện thuộc Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Cứ mỗi tuần một lần, nhóm chúng tôi gồm chưa tới chục người tụ tập làm  việc với các xác chết đã được ngâm formol. Bữa đầu tiên, chúng tôi còn bỡ ngỡ và hơi sợ với những xác chết, cái thì nằm trên bàn phủ khăn trắng, cái thì trôi nổi bập bềnh trên hồ thuốc ngâm, cái thì treo lủng lẳng cho ráo nước, giáo sư Trần Anh lật vải trắng che xác chết của một cô gái trẻ, móng chân móng tay sơn đỏ chót, dùng dao rạch một nhát để lộ một đường mỡ trắng hếu trước những cặp mắt ngỡ ngàng của chúng tôi. Cả bầy thỏ đế còn đang ngơ ngác thì, nhanh như cắt, Giáo sư Anh lấy ngón tay quệt vào mỡ xác chết, bôi lên mặt một nữ sinh viên đứng gần ông. Cô gái vội lấy khăn tay ra chùi. Giáo sư cười, đưa ngón tay lên mũi ngửi và khen thơm! Ông cứ để nguyên những ngón tay vấy xác người suốt buổi học. Không rửa ráy chi cả. Chúng tôi thì sau khi bị ông bắt rờ tay vào xác chết, vội chạy đi kiếm nước và xà bông rửa đến rách da tay.

Giáo sư Trần Anh cũng giống như các bác sĩ khác, quá quen với vi khuẩn nên coi như bạn. Một bài nghiên cứu về việc rửa tay của các bác sĩ trong bệnh viện tại tỉnh bang Québec sau mỗi ca bệnh cho biết là quá nửa số các vị này không rửa tay sau mỗi lần khám. Mấy vị bác sĩ này, như các cụ ta ví von, gần chùa gọi Phật bằng anh, chẳng care gì mấy chú vi khuẩn nho nhỏ. Mấy ông tu bíp bạn với vi khuẩn muốn khinh khi chúng như thế nào, mặc kệ các ông ấy. Người trần như chúng ta vẫn cứ rờn rợn. Vi khuẩn ngày nay hình như nhiều hơn và lớn hơn, một ông bạn tôi vừa coi cái quảng cáo kem xức tay trên ti vi phán như vậy. Tôi cũng đã coi cái quảng cáo này. Bàn tay nuột nà thơm tho trông chỉ muốn nắm lấy hôn được coi qua kính hiển vi bỗng lúc nhúc những thứ như sâu bọ ngọ nguậy phát khiếp. Hôn chi nổi! Thực ra vi khuẩn có bao giờ bị bệnh phì đâu, có điều ngày nay kính hiển vi ngày càng tân tiến nên hình hài các chú vi khuẩn ngày càng lớn và rõ thêm. Hơn nữa chúng ta ngày nay chăm sóc sức khỏe hơn ngày xưa nên mang vi khuẩn ra dọa nhau nhiều hơn.

Ngày nhỏ, tôi có một thời gian sống tại nhà quê. Tòa nhà của gia đình tôi nằm sát bên đường rày xe lửa ngay khúc ngoại thành Hà Nội. Nói là quê nhưng Hà Nội chỉ cách chục phút xe đạp. Phía sau nhà là một khu vườn trồng rau và một chiếc ao rộng có thả cá. Cầu ao là nơi sinh hoạt của cả nhà. Nhặt rau, vo gạo, tắm rửa, rửa mặt, rửa chân đều diễn ra trên tấm ván hẹp bám đầy rêu chỉ sợ trượt chân té xuống nước. Dưới ao là những bè rau muống, những đám bèo, lương thực của cả người lẫn heo. Vậy mà có ai thấy vi khuẩn đâu! Không thấy nhưng chúng vẫn nằm đó để giới hạn đời người vào cái tuổi lên cụ từ khi bốn chục và ra đi vào tuổi năm chục đã được coi là thọ.

Ngày nay, vào bất cứ nhà thương nào, chúng ta cũng thấy đầy rẫy những hộp găng cao su, những lọ thuốc sát trùng trên những lối hành lang im ắng. Khách vào cũng sát trùng, ra lại càng sát trùng kỹ hơn, đụng vào vật gì cũng mang găng phòng vệ. Tại một nhà hàng Tầu trên khu phố Tàu ở Montreal chẳng lấy gì làm vệ sinh cho lắm, tôi cũng đã thấy dán trên kính trong toilet một miếng giấy nhỏ yêu cầu các nhân viên rửa tay sau khi đi vệ sinh. Đôi tay sờ vào đâu cũng thấy vi khuẩn. Quả có vậy. Mà tay các bà lại nhiều vi khuẩn hơn và có nhiều chủng loại vi khuẩn hơn tay các ông. Nghe ra hơi nghịch lý. Bàn tay năm ngón kiêu sa lại dơ hơn những bàn tay cục mịch sao? Đúng như thế. Các bà chớ vội nóng. Muốn nói chuyện phải trái chi thì xin chừa tôi ra. Tôi vô can, chỉ nói theo nhà nghiên cứu Noah Fierer. Muốn tìm ông này xin đến Khoa Sinh Thái Học và Tiến Hóa Sinh Học của Đại Học Colorado mà kiếm. Ông này đã ngôn như sau: “Chỉ nhìn vào con số chủng loại vi khuẩn được phát giác trên tay của các tình nguyện viên tham gia xét nghiệm cũng đủ sững sờ, và số chủng loại còn đa dạng hơn nhiều trên tay của chị em”. Tại sao những bàn tay ai cũng muốn nắm lại có nhiều vi khuẩn hơn? Chưa có lời giải thích rõ ràng nhưng  ông Noah Fierer cho rằng nguyên do có thể do độ acide của da. Nhưng nhà nghiên cứu Rob Knight, cũng thuộc Đại Học Colorado lại bảo rằng thông thường đàn ông có nhiều acide trên da hơn phụ nữ! Ông này cho biết là sự khác biệt về vi khuẩn giữa bàn tay các bà và các ông có thể là do tuyến dầu và mồ hôi da giữa nam nữ khác nhau. Ngoài ra việc sử dụng mỹ phẩm nhiều hay ít, độ dày mỏng của da hay khả năng sản sinh ra hormone giữa hai giới cũng là nguyên nhân. Cuộc nghiên cứu của Đại Học Colorado đã lấy mẫu xét nghiệm trên 102 bàn tay của 51 sinh viên. Kết quả đã tìm ra được 4742 loại vi khuẩn. Nhưng chỉ có 5 loại vi khuẩn được tìm thấy trên tất cả các bàn tay. Như vậy hầu như mỗi bàn tay có những loại vi khuẩn riêng dù rằng trung bình mỗi bàn tay có tới 150 loại vi khuẩn. Hai bàn tay trái và tay phải của một người cũng chỉ có 17% loại vi khuẩn giống nhau. Kể cũng ngộ! Nhưng nhà nghiên cứu Fierer giải thích sự khác nhau này là do điều kiện môi trường như tuyến tiết dầu, độ mặn, độ ẩm hoặc bề mặt môi trường tiếp xúc khác nhau của từng bàn tay. Kết quả của cuộc nghiên cứu này đã được phổ biến trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Có một điều đáng mừng, theo ông Knight, là phần lớn các vi khuẩn trên cơ thể chúng ta hoặc là vô hại hoặc là có lợi, chỉ có một số ít là mang mầm bệnh. Vậy cũng đỡ. Chắc chẳng cần phải rửa tay! Tưởng nói chơi cho đỡ tốn nước và xà bông, không ngờ nói đại như vậy mà cũng không sai. Trong phần khuyên răn, các nhà nghiên cứu cho rằng rửa tay không loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn được. “Những nhóm vi khuẩn này nhanh chóng trở lại ngay sau khi chúng ta rửa tay, ngay cả việc kỳ cọ tay cũng không thể loại bỏ phần lớn vi khuẩn được tìm thấy trên da”.

Vậy thì súp đi cái mục rửa tay chăng? Không ai chịu lười biếng cả. Kệ, cứ rửa, không bổ ngang cũng bổ dọc. Loại được một chàng vi khuẩn bé tí teo cũng đáng công rửa. Nhưng rửa như thế nào mới đúng cách? Sách dạy như thế này: rửa bằng nước ấm, xát xà bông toàn thể tay từ 10 tới 15 giây, nhớ chà xát những kẽ giữa các ngón tay và cạnh các móng tay cho kỹ vì đây là ổ chứa vi khuẩn, chà xát cổ tay, xả nước và lau khô bằng một chiếc khăn sạch. Chỉ có vậy thì dễ ợt. Vậy mà ở Canada của tôi đang có bất đồng về thời gian rửa tay đấy. Các nhà chuyên môn của hai tỉnh bang Alberta và Ontario ấn định 15 giây. Bốn tỉnh bang khác thì lại bảo là 20 giây mới đủ. Trong khi đó trên website của toàn thể Canada fightflu.ca thì lại khuyên nên chà xát với xà bông trong 15 giây rồi xả nước trong 10 giây. Chuyện thật lẩm cẩm nhưng được bàn một cách rất đứng đắn. Phiếm như vậy thì tôi thua đứt!

Em như cái giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân

Câu ca dao…rửa này đặt chuyện rửa vào việc…luận trượng phu. Rửa mặt và rửa chân khác nhau. Khác đứt đuôi con nòng nọc. Phần thuộc về hình nhi thượng, phần thuộc về hình nhi hạ, xa nhau bằng một thân nam nhi. Từ trên xuống dưới, cứ kỳ cọ chỗ nào cũng gọi là rửa. Nhưng “rửa tóc” thì không đặng. Tác giả Chung Mốc trong bài “Nói Với Việt Kiều” kể lại: “Tôi tới thăm gia đình người bạn mới từ nước ngoài về, bố bảo con gọi mẹ ra đây. Thằng con chạy vào trong hét toáng lên: “Mommy, daddy muốn mommy bây giờ”. Hồi lâu sau nó lại chạy ra bảo: “Mommy đang rửa he”. Tôi ngạc nhiên ngẫm nghĩ mãi mới hiểu là má nó đang gội đầu)”.

Chữ nghĩa Việt kiều con nít cứ loạng quạng như vậy. Nhưng bập bẹ được thứ tiếng Việt ngớ ngẩn như vậy cũng đã là phúc. Muốn gì hơn khi ngay cả Việt kiều người lớn vẫn có thói quen chêm tiếng Mỹ vào tiếng Việt khiến chữ nghĩa cứ rối tinh lên. Như các bà Việt kiều lớn tiếng giữa chốn đông người: “Tôi không có khe”. Ý bà muốn nói không care. Hoặc trả lời một câu hỏi: “Không, tôi vẫn còn ở địa chỉ cũ chứ tôi đâu có mu”. Ý bà muốn nói move. Ai lại cứ bai bải chối cái mà ai cũng biết là mấy bà  nhất định phải có như vậy! Chuyện rửa ráy không nên dính vào những thứ…lai Mỹ như vậy. Ca dao đi xuống xa hơn nhiều.

Rửa chân đi hán đi hài
Rửa chân đi đất chớ hoài rửa chân
Con gái mà gả chồng gần
Nửa đêm gà gáy mang phần cho cha
Con gái mà gả chồng xa
Ba sào ruộng chéo chẳng ma nào cày.

Ca dao kiểu này là kiểu hứng. Mang chuyện rửa chân ra nói xa nói gần tới chuyện gả chồng cho con gái. Chữ “rửa” cũng…hứng như vậy. Như rửa tiền chẳng hạn. Chẳng ai mang tiền ra nhúng nước mà rửa. Nát hết, phí của trời. Nhưng thiên hạ vẫn cứ rửa tiền. Loại rửa này không cần nước. Chữ “rửa” đã mang một nghĩa khác. Tiền được rửa là những tiền kiếm được một cách bất hợp pháp như trồng cỏ, buôn lậu chẳng hạn. Dân Mít ta dây dưa khá nhiều vào loại rửa này. Ngày 8 tháng 6 năm 2007, tại thành phố Atlanta, hai vợ chồng Hoàng Nguyễn và Terri Nguyễn bị kết tội rửa hơn 15 triệu đô tiền buôn bán thuốc tây lậu. Họ chuyển số tiền lớn lao này vào các trương mục của những doanh gia lão thành để rửa tiền bẩn thành tiền sạch, rồi chuyển về Việt Nam, Căm Bốt, Dubai, Panama, Thụy Điển, Do Thái, Canada, Nhật Bản, Mexique, Tân Gia Ba và Latvia. Bị cáo HoàngNguyễn bị phạt 235 tháng tù giam và Terri Nguyễn 41 tháng tù giam. Tài sản của hai người gồm nhà cửa, tiền mặt, xe cộ trị giá 2 triệu rưởi đô bị tịch thu. Tại Sacramento, hai bị can Serey Van và Thanh Tan Van, tên Mỹ là Thomas Van, bị kết án tù vào ngày 16 tháng 3 năm 2007. Serey Van 31 tháng và Thomas Van 18 tháng. Tội của họ là mở dịch vụ chuyển tiền về Căm Bốt không có giấy phép và có gian ý khi chia những món tiền lớn ra thành những món tiền dưới 10 ngàn đô để tránh khai báo. Tài sản bị tịch thu khoảng 230 ngàn đô.

Nói tới rửa tiền mất vui đi. Tôi không ưa những chuyện khuất tất. Những chuyện đó nên bỏ ngoài tai nếu không muốn phải rửa tai! Như ông Hứa Do thời cổ. Ông này là một ẩn sĩ hiền tài. Vua Nghiêu nghe tiếng ông bèn mời ra xin nhường cả thiên hạ cho ông. Nếu là người ham quyền chức thì gật đầu tức thì. Nhưng ông này coi chuyện đời như rơm như rác nên chối phắt ngay, bỏ lên núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thúy ở ẩn. Vua Nghiêu lại tìm đến chỗ ông ở cố mời Hứa Do làm tổng quản cả chín châu. Ông lại lắc đầu, không muốn nghe, bỏ ra sông Dĩnh Thúy rửa tai! Ngay lúc đó có ông Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do đang rửa tai bèn hỏi: “Cớ sao bác lại phải rửa tai?”. Hứa Do thành thực nói: “Vua Nghiêu mời ta ra cầm quyền thiên hạ, ta không muốn bẩn tai ta”. Ông Sào Phủ nghe nói vậy liền dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước. Tới lượt Hứa Do ngạc nhiên. Bèn vấn: “Tại sao bác lại dắt trâu lên phía thượng nguồn như vậy?”. Sào Phủ trả lời ngay: “Ta sợ trâu ta uống phải nước bẩn của tai bác!”. Hứa Do còn đang ngây người ra thì Sào Phủ hỏi tiếp: “Bác đã làm chi để đến nỗi vua Nghiêu biết bác là người hiền trong thiên hạ để triệu bác ra làm vua?”

Tác giả Đặng Thân, trong bài “ Mộc Dục Luận & Thiền (về cái sự tắm rửa)”, đã luận như sau:“Đấy, việc tắm rửa nguyên do rõ là ở sạch bẩn. Chuyện này là bẩn trong côi óc. Các cao sỹ đã bàn rằng đây là câu chuyện thâm thúy bậc thượng thừa của người xưa. Cái độc đáo không phải là Hứa Do rửa tai hay Sào Phủ dẫn trâu ngược dòng sông để tránh cho trâu uống phải nước bẩn danh lợi mà ở câu hỏi bất thần của Sào Phủ: “Anh đã làm gì...?”. Đến trong sạch như Hứa Do chắc cũng sửng sốt xem lại cái gọi là trong sạch của mình. Thật chí lý. Nghe đồn có đứa mục đồng nghe được chuyện này đã hồn nhiên nói rằng: “Thì cao thâm như ông Sào Phủ đã nào thoát được cái tính biện biệt trong vòng sạch - bẩn, trong - đục”. Trộm ngờ rằng nó hợp lý”.

Chuyện rửa ráy tưởng hiện thực như năm rõ mười là chuyện lấy nước ( nếu xa xỉ hơn thì có thêm xà bông) rửa sạch những thứ dơ bẩn và vi khuẩn trên người. Vậy mà vì lỡ dại theo chân ông Đặng Thân, tôi đã lạc vào vòng rắc rối. Rửa thể xác, rửa tâm hồn, hóa ra rửa cũng cao sâu gớm! Giản dị như ca dao đọc đâu hiểu đấy thế mà đụng vào chuyện rửa cũng đâm ra rắc rối tơ vò.

Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…
Xây dọc anh lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Có rửa thì rửa chân tay
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh...

Rửa lông mày thì ăn thua chi đến chuyện cá chết.Vậy mà ăn thua mới thâm thúy chứ. Ai bảo lông mày em sắc như dao cho đứt đoạn hồn anh!

Vẫn chuyện rửa nhưng là loại rửa cao cấp ngang tới tầng trời lận! Trong đạo Công giáo, vào ngày thứ năm trước ngày thứ sáu Chúa chịu nạn, trong các nhà thờ đều cử hành nghi lễ "Rửa Chân ". Mười hai ông được chọn đóng vai mười hai tông đồ ngổi trên ghế đưa chân ra cho vị linh mục chủ tế đóng vai Chúa ngồi lê dưới đất rửa. Cũng tưới nước, cũng lau chân y như rửa chân thiệt nhưng đây là rửa chân…giả! Các ông được chọn lựa đố có ông nào dám mang bàn chân dơ tới cho cha rửa. Tôi nhớ một năm ông nội tôi được chọn làm tông đồ ngồi cho cha rửa chân. Cả mấy ngày trước ông rửa chân tỉ mỉ, kỳ cọ từng ngón chân một tới sạch bóng. Nếu xịt thuốc làm bóng vào chắc ai cũng nghĩ là chân giả. Chân sạch như vậy còn rửa chi nữa? Hồi nhỏ tôi đã tự hỏi như vậy. Câu hỏi không dám nói ra sợ bị roi quắn đít! Bộ óc thực dụng hồi nhỏ của tôi phải tới khi lớn mới hiểu được ý nghĩa của việc rửa chân. Hồi đó được chọn để rửa chân là một vinh dự vô biên cho cả…họ! Sau khi rửa chân, mỗi ông được tặng một chiếc bánh dầy to tổ chảng. Đây là lộc quý. Chiếc bánh được cắt ra chia cho khắp mọi nhà trong họ ăn lấy thảo. Sang bên đây, đất nước dân chủ cùng mình, không có đặc quyền đặc lợi cho một cá nhân nào, việc rửa chân biến thành rửa tay cho tất cả mọi người có mặt trong nhà thờ. Được quá đi chứ! Tôi hân hoan bê sự kiện này vào truyện ngắn "Rửa Tay ". "Trước khi ra đi Chúa đã làm một cử chỉ thân ái và khiêm nhường là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Nghi lễ rửa chân được lập lại mỗi năm trong nhà thờ vào ngày thứ năm Tuần Thánh. Mậu chẳng bao giờ quên được nét mặt vui mừng và hãnh diện của ông nội anh ngày xưa khi được chọn làm một trong số mười hai người tượng trưng cho mười hai tông đồ ngồi trên ghế cho vị linh mục chủ tế rửa và lau bàn chân mặt. Qua đến bên này Mậu chẳng còn được nhìn thấy cảnh vị linh mục ngồi lê dưới đất rửa từng bàn chân đã được kỳ cọ sạch bóng ở nhà. Ngôi nhà thờ anh đang dự lễ trong mùi trầm hương thơm ngát thuộc về một xã hội rất ngại ngùng trong việc ban đặc quyền đặc lợi. Mọi người đi dự lễ đều được đối xử như nhau, nam cũng như nữ. Để cả nhà thờ giơ bàn chân ra cho vị linh mục rửa quả có bất tiện. Vì vậy nghi lễ rửa chân đã trở thành nghi lễ rửa tay. Linh mục đứng rửa tay cho tất cả giáo dân có mặt trong nhà thờ như một cách thanh tẩy cuộc sống trước ngày tiễn biệt Chúa đi vào cõi chết ".

Rửa chân hay rửa tay đều chỉ là một cử chỉ tượng trưng. Rửa chẳng còn là việc làm sạch thân xác mà đã biến thành việc làm sạch tâm hồn. Hóa ra rửa cũng biết trèo cao dữ!

02/2009