Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

MƯNG

Ngày tư ngày tết có thiếu gì chuyện mừng. Nhất là khi người ta còn thơ. Những ngày tôi còn nhỏ, quê hương còn thanh bình, tết là…tết. Vui hết biết. Từ chiều 30, ngọn lửa của nồi bánh chưng ngoài sân gạch trước nhà đã khơi dậy niềm vui. Vùi vài củ khoai vào ngọn lửa hồng rực, gắp khoai ra, khoai nóng rẫy trên đôi bàn tay bé nhỏ, thổi vội mấy cái, nuốt nước bọt trước khi bỏ được miếng khoai thơm phức vào miệng. Ngon cách gì đâu. Thường thì sau bữa cơm chiều ăn vội, trẻ con chỉ được chơi một lát là bị lùa đi ngủ. Vào giường mà lòng còn ấm ức, trằn trọc một hồi thì cái ấm ức cũng ngủ vùi. Gần tới giờ giao thừa, được đánh thức dậy, mắt nhắm mắt mở không muốn rời khỏi chăn nệm êm ấm, nhưng nghe nói tới giao thừa thì chân cẳng như có lò xo, mắt mở thao láo, vội tung người chạy ra. Nồi bánh đã biến đâu mất, phòng khách như chốn bồng lai lạ hoắc, cả nhà quần áo chỉnh tề nhìn lũ trẻ mắt nhắm mắt mở với ánh mắt rạng rỡ. Chạy vội về phòng, hăm hở thay bộ quần áo mới đã được sắp xếp sẵn, cơn buồn ngủ chạy đâu mất tiêu. Khi tiếng pháo giao thừa thi nhau nổ, lòng như mở hội. Người lớn lăng xăng. Trẻ con cũng lăng xăng. Chả biết nên chạy ra ngoài sân nhặt pháo lép hay nán lại trong phòng khách sáng trưng đèn đuốc. Rồi mừng tuổi. Câu chúc đã được học từ chiều hôm trước được đưa ra trả bài. Mỗi câu trị giá một đồng tiền mới. Xanh xanh đỏ đỏ. Cái ví làm bằng giấy bìa thủ công được ăn no căng dần lên. Kẹo mứt, bánh chưng, cỗ bàn bỗng tụt xuống hàng thứ yếu. Những đồng tiền thơm phức mùi giấy mới được đếm đi đếm lại thi nhau xem đứa nào nhiều hơn. Thường thì huề! Ông bà, ba mẹ, chú bác vốn thượng tôn luật công bằng nên cứ phát ra đều tay. Phải chờ tới khách khứa tới chúc tết tỷ số mới hơn kém khác nhau. Tới đây mới nảy sinh ra cuộc chọn lựa sinh tử! Nên ở nhà đón khách hay theo người lớn đi chúc tết nhà người khác. Thực ra chẳng biết đằng nào mà chọn. Đi được lì xì nhiều hơn hay ở nhà được nhiều hơn là sự may rủi. Tới cuối ngày mùng một, sự hơn thua mới xuất hiện. Đứa nhiều, đứa ít, kèn cựa nhau. Bố mẹ phải vất vả làm trọng tài. Thường thì bắt bầy con chia đều nhau dưới sự giám sát của…Liên Hiệp Quốc gồm ông bà, cha mẹ và các chú các bác. Quyết định của cơ quan tối cao thường bị những đứa được nhiều tiền hơn phản đối, cự nự. Cơ quan tối cao phải đưa ra những đe dọa sẽ có những biện pháp vào hai ngày tết còn lại, tình hình mới tạm hòa bình. Hết tết, tổng kết tình hình thường là sự cân bằng tương đối cho mọi phía nhờ những đồng tiền phụ trội từ túi cha mẹ chui ra.

Hình như tuổi thơ nào cũng mặn nồng với tiền mừng tuổi. Nó là tâm điểm của tết. Đó là cái nhìn từ phía trẻ con. Đó cũng là cái mừng lớn nhất của ngày tết. Chữ “lì xì” là một chữ dễ thương nhất trên đời. Đối với người lớn, lì xì không được dễ thương như vậy. Vui đấy nhưng cũng phiền phức đấy. Khi nỗi phiền vì hao hụt lên tới cao độ thì, dù tết nhất, vẫn cứ ngước mặt lên trời hỏi khan: “Cha nội nào bày đặt ra cái trò khó thương này vậy?”

Muốn có câu trả lời thì phải vọng về Bắc phương. Đích thị thủ phạm là mấy anh con trời. Ngày xưa người dân Trung Quốc lấy chỉ đỏ xâu xuyên một trăm đồng tiền tặng nhau nhân ngày Tết ngụ ý chúc sống lâu trăm tuổi hoặc xuyên tiền thành hình con cá chép, con rồng để chúc nhau được no đủ, dư thừa. Nguồn gốc này coi bộ quá giản dị nên có thuyết khác rắc rối hơn. Ngày xửa ngày xưa có một loài yêu quái gọi là con tụy. Con tụy là con chi chi chắc ngày nay chẳng ai tỏ tường hình dáng. Con vật ma quái này thường xuất hiện vào đêm giao thừa  và thích xoa đầu các cháu bé đang ngon giấc. Các cháu giật mình thức giấc, khóc thét lên và bị nhức đầu trầm trọng hoặc biến thành đứa bé ngớ nga ngớ ngẩn. Vì vậy, trong đêm giao thừa, các gia đình có con nhỏ không dám ngủ, thắp đèn sáng suốt đêm để “canh tụy”. Tại một vùng kia có hai vợ chồng già, đã ngoài năm chục mới sanh được một mống con trai. Đêm giao thừa, có tám vị tiên đi ngang nhà, biết là con tụy sẽ tới quấy rối chú con cưng này nên động lòng thương hóa thành tám đồng tiền túc trực bên bé. Hai vợ chồng tự nhiên thấy có tám đồng tiền lạ bèn gói lại trong một vuông giấy đỏ, đặt bên gối con và tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, con tụy xuất hiện, vừa định đưa tay xoa đầu chú bé thì tám đồng tiền trong gói giấy đỏ bỗng sáng rực lên. Thấy ánh sáng chói chang, con tụy bỗng khiếp sợ, co cẳng chạy mất. Ngày hôm sau, hai vợ chồng già kể lại chuyện cho hàng xóm láng giềng nghe, ai cũng lấy làm lạ. Từ năm đó, nhà nào cũng làm theo, lấy tiền gói vào giấy đỏ, đặt bên gối con. Cùng với thời gian, những đồng tiền gói giấy đỏ trở thành tiền mừng tuổi.

Cái gói đỏ trẻ con thì thích người lớn thì không thích lắm này còn có một nguồn gốc hách xì xằng hơn. Đời nhà Đường, Dương Quý Phi sanh hạ được một hoàng tử. Được tin mừng, vua Đường Huyền Tông đích thân ngự giá tới thăm và ban cho người cung phi được sủng ái này một số tiền gói trong giấy đỏ. Dương Quý Phi coi gói giấy đỏ này vừa là tiền mừng vừa là một gói bùa hoàng đế ban cho để trừ tà cho hoàng tử. Việc này được đồn đại ra ngoài dân gian. Dân gian coi vua như trời con nên bắt chước liền. Vào ngày đầu năm họ cũng gói tiền vào bao giấy đỏ tặng cho con trẻ như một món lộc trừ tai họa, mang lại những điều may mắn.

Cái thứ được cho là mang lại may mắn này từ bên Tầu chạy sang Việt Nam từ khi nào? Thuyết thì cho rằng nó theo đoàn quân xâm lấn qua Đại Việt từ thời Bắc thuộc. Nhưng có thuyết cho rằng nó chỉ mới theo chân những boat people người Minh Hương qua miền nam Việt Nam lánh nạn vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Cái tục mừng tuổi hay lì xì vào Việt Nam từ lúc nào, mặc xác nó. Giới con nít chỉ biết là nó đáng yêu. Khi không mà túi rủng rỉnh tiền bạc, tội chi không sướng. Cái sướng thì vô biên. Có một thì muốn hai, có hai muốn ba, đó là đặc tính chung của con người, con nít hay người lớn cũng rứa. Bởi vậy nên ngày tết giới con nít có đủ trò…tiếp thị! Ngày thường thì hò mãi cũng chẳng có đứa nào mang nước ra cho khách nhưng ngày tết thì khác, tranh nhau bưng nước ra phòng khách. Để chìa cái mặt ra cho khách thấy. Chào đi chào lại một hồi thì khách có tối dạ cách mấy cũng phải móc hầu bao ra thi hành nhiệm vụ. Được lì xì rồi thì rút lui có trật tự. Chưa được thì chạy chơi ngoài sân nhưng cứ lượn lờ nơi cửa phòng khách để nhắc nhở. Đôi khi sốt ruột thì cứ cho trái banh chạy vào phòng khách rồi tíu tít đuổi theo nhặt. Theo người lớn đi mừng tuổi nhà khác thì ngược lại. Cứ bám theo người lớn ngồi ở phòng khách chứ không chịu ra ngoài chơi với bạn dù trong bụng muốn chạy chơi hết sức. Chủ nhà chưa thi hành nhiệm vụ thì còn có nhiệm vụ nhắc nhở. Chỉ khi đã bỏ bao giấy đỏ vào túi, lúc đó mới chạy ra chơi với bạn.

Những chiêu chờ đón tiền mừng tuổi thời tôi còn bé đó ngày nay xưa rồi. Con nít bây giờ có những lối tiếp thị sỗ sàng và trực tiếp hơn nhiều. Trên báo mạng VnExpress ở trong nước có bài “ Bi hài chuyện mừng tuổi con trẻ” kể lại nhiều trường hợp điển hình. Tôi chọn một trường hợp tấn công khá hăng hái. “Chiều mùng 2 tết, vừa mở cổng đón khách, anh Quý ở đường Hà Huy Tập, Yên Viên (Hà Nội) đã ngượng chín mặt với bạn vì thằng cu 5 tuổi đứng ở cửa sổ trong nhà hét váng: “mừng tuổi, mừng tuổi, mừng tuổi!” Hôm khác, vị khách đang ngồi nói chuyện, chưa kịp “làm thủ tục” thì thằng bé đã lân la vào phòng hỏi: “ Bác không mừng tuổi cháu à?” Thằng bé đã làm khách đỏ hết cả mặt, còn cả nhà tôi chỉ muốn chui xuống đất. Nhà tôi nghèo thật nhưng không bao giờ xui cháu làm thế cả. Giống như trường hợp của con anh Quý, bé Hồng mới 4 tuổi, cháu gọi anh bằng cậu, một lần đã chỉ vào một cụ bà đang ngồi xơi nước trong nhà vòi: “ Bà chưa mừng tuổi cháu!”

Tấn công vũ bão không khoan nhượng như vậy, con nít hồi tuổi tôi thua xa. Tính toán tiền lì xì khi tôi còn là con nít cũng thua xa. “ Dịp tết năm ngoái, mỗi lần khách của bố mẹ đến chơi và mừng tuổi, Phong đều háo hức mở ngay ra để kiểm tra. Nếu thấy tờ tiền mệnh giá lớn, cháu mừng ra mặt. Còn nếu là tờ 5 ngàn, 10 ngàn đồng thì xịu ngay mặt lại, nhìn khách một cách rất thiếu thiện cảm. Có lần, hai vị khách cùng lì xì cho Phong. Cậu bé mở ra xem và rối rít cám ơn người mừng tuổi 100 ngàn đồng khiến anh Thành và vị khách kia đều ngượng”

Thời tôi còn say đắm với chuyện lì xì có cho kẹo cũng chẳng dám hành động như vậy. Con roi sẽ hỏi thăm bờ mông ngay khi khách vừa ra về. Tuổi thơ của chúng tôi coi bộ hồn nhiên hơn nhiều tuy sức mạnh của những tờ bạc mới cũng không thua xa ngày nay.

Khi còn ở ngoài Bắc, tôi không nghe thấy tiếng “lì xì”, chỉ biết chữ “mừng tuổi”. Chỉ khi vào Nam mới biết hành động người Bắc gọi là mừng tuổi thì trong Nam gọi bằng lì xì nghe lạ hoắc. Do đâu mà có “lì xì” trong phương ngữ miền Nam?  Theo Hạo-nhiên Nghiêm Toản, “lì xì” có gốc từ chữ “lợi thị” trong tiếng Trung quốc. Từ này phiên âm kiểu pinyin lì shì, có ba nghĩa như sau: Số lời thu được do mua bán mà ra ; tốt lành, có lợi; vận tốt, vận may. Trong cả ba trường hợp, “lợi-thị” hay “lì-xì’, đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Tác giả Hạo-nhiên khẳng định rằng tiền lì-xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt, cho trẻ em dịp đầu xuân.

Lì xì vốn hiền lành như vậy nhưng ngày nay, tại Việt Nam, nó đã biến thể. Theo một bài viết khá công phu của Nguyễn Thùy Dương trên website www.cafesangtao.com thì: “ Dường như phong tục đã thay đổi “bản chất” và bị lợi dụng: cũng có nơi có lúc phong tục này biến thành một cách thức “hối lộ” của cấp dưới với các “sếp”, cấp dưới đến chơi nhà sếp và lì xì cho con cháu sếp những phong bao dày cộm, vượt quá ý nghĩa “cầu chúc may mắn”. …Những đồng tiền mừng tuổi không chỉ còn mang tính ước lệ, tượng trưng hay ví dụ nữa, mà tất cả đều được cụ thể hoá ra. Có nơi tùy vào mối quan hệ, nhờ vả, “chút lộc nhỏ đầu xuân” ấy được thay bằng “vé” - đô la, ngoại tệ,... nhằm để đưa hối lộ, đút lót cho cha mẹ của bọn trẻ; chứ làm gì có ai mừng một đứa trẻ con cả triệu bạc hay vài ba triệu. Nói chung, tùy hoàn cảnh, tùy mục đích, tùy quan hệ mà lượng tiền thay đổi cho phù hợp, chắc vấn đề này sẽ vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội, khó mà thay đổi một sớm một chiều.”

Nói tới mừng tuổi bằng bao lì xì ai cũng nghĩ đó là tục lệ ngày tết dành cho con trẻ. Thực ra tuổi thì ai chẳng có, tuổi nào chẳng đáng mừng. Con trẻ vui với tiền lì xì thì người lớn cũng vui khi được lì xì. Bởi vì đó là…lợi thị mang niềm vui và sự may mắn đến cho người nhận được tiền lì xì. Tác giả Quỳnh Nguyễn kể lại chuyện lì xì tứ tung trong gia đình như một nét đẹp của tục lệ mừng tuổi giữa những người thân sống chung dưới một mái nhà. “ Bà ngoại tôi năm nay hơn 90 tuổi cũng “hào hứng” khi nói về tục “lì xì”, bà bảo, đầu năm mới, con cháu thường về tề tựu đông đủ để chúc Tết và mừng tuổi bà. Việc con cháu mừng tuổi khiến bà rất vui vì “lũ trẻ” san sẻ lộc cho người già. Sau đó, bà cũng mừng tuổi lại cho lũ cháu, khỏi phải nói chúng tôi từ bé đến lớn đều mừng như thế nào khi nhận được tiền mừng tuổi, cứ ríu ra ríu rít cửa nhà. Đó là niềm vui của tuổi già, với bà ngoại tôi đó là lộc.  “Bà thấy thực ra, mừng tuổi là một món quà không lớn về giá trị vật chất nhưng đầu năm mới nhận được một món tiền nhỏ cảm thấy rất vui, mình mừng tuổi cũng là mong muốn người nhận có một niềm vui đầu năm” - bà tôi nói.
Còn mẹ tôi, 30 năm qua, năm nào mẹ cũng là người đầu tiên mừng tuổi cho tôi, cho các em tôi và ... cả bố tôi nữa. Khi chiếc kim đồng hồ chuyển sang ngày mùng 1 Tết, mẹ huy động cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm tân niên (dù cách đó mấy tiếng cả nhà vừa chén bữa tất niên no lặc lè) rồi theo thứ tự từ cao đến thấp, mẹ mừng tuổi cả nhà. Tiền mừng tuổi của mẹ đủ cả từ tờ mệnh giá nhỏ cho đến lớn, mẹ mong muốn mọi điều đều tiến triển, suông sẻ. Năm ngoái, chúng tôi trêu mẹ sao không mừng tiền to nhất, mẹ cười “mẹ chỉ dừng lại ở 50 nghìn thôi, để tiền to hơn các con mừng lại mẹ!” Mẹ giải thích, sáng sớm mùng một, con cháu chúc Tết mừng ông bà, cha mẹ và tỏ lòng “thơm thảo” với một phong bao hồng bên trong đặt một món tiền coi đó là “tiền mở hàng”. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc quanh năm sung mãn, may mắn. Còn ông, bà, cha, mẹ, anh, chị lì xì cho trẻ con bao giờ cũng kèm theo câu chúc hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Lúc này, tiền lì xì lại chuyên chở nghĩa của chữ phúc.
Dù chúng tôi cũng đã thành người lớn, nhưng năm nào mẹ cũng là người đầu tiên mang chữ phúc đến cho chúng tôi”.

Đó là chuyện lì xì…tử tế. Chuyện lì xì không tử tế đối với bố mẹ là chuyện khá phổ thông trong xã hội khập khiễng trong nước hiện nay. Tôi lại phải mượn lời kể của ký giả Anh Duy trên một tờ báo trong nước. “  Ông K. là lãnh đạo cấp cao, con cái ông đều đã trưởng thành nên khó mà có lì xì cho con ông khi khách đến chơi nhà. Ông liền nghĩ cách về đón hai cụ thân sinh lên nhà ăn Tết. Mặc cho các cụ phản ứng, ông nhất quyết phải đưa các cụ đi bằng được. “Mấy ngày Tết ở nhà con các cụ thu nhập bằng người ta đi làm cả năm đấy, các cụ phải nghe lời con chứ”. Trước sự nài ép của con trai, hai cụ đành ngậm ngùi đón Tết nơi thành phố. Quả thật, khách đến chúc Tết không ai quên khoản lì xì cho hai cụ (vì đã được ông K. tế nhị thông báo trước) và toàn là những phong bao có trị giá bằng mấy tấn thóc ở quê. Hai cụ nhẩm tính số tiền ấy mang về cho thằng út xây nhà, cho thằng cu tí nhà cả mua xe đạp... nhưng rồi ông con làm sếp đã tính hộ các cụ: “Ông bà cứ đưa cả cho con để sau này các cụ có bề gì con còn lo cho các cụ chứ”. Hai cụ ngạc nhiên: “Ô hay, họ mừng tuổi chúng tôi kia mà, tiền của chúng tôi thì chúng tôi tùy ý sử dụng chứ”. “Các cụ chẳng hiểu gì hết, họ biếu các cụ nhưng thực ra là biếu con đấy, họ đâu biết các cụ là ai?”. Hiểu ra vấn đề, hai cụ đòi về quê ngay và nhủ lòng không bao giờ thèm nhìn mặt thằng con bất hiếu ấy nữa”.

Ngày tư ngày tết, nói chuyện vui mà la cà vào chỗ không vui. Chán mớ đời. Khi nào muốn vui tôi hay tìm về những ngày thơ ấu cũ. Ngày đó, tiền lì xì là một gia sản không nhỏ. Cầm trong tay nhiều tiền, đi đứng có vẻ chững chạc hơn, tưởng như có thể thu cả thiên hạ bằng những tờ giấy thơm trong túi. Có lần, hứng chí vì sự giầu sang bất thường, tôichen vào chỗ đánh bài ba lá trên đường phố. Hai bàn tay ma thuật của tên tráo bài lướt trên ba quân bài, hai quân bài hoa, một quân bài tây, một cách chậm chạp như cố ý cho tôi trông thấy. Một tên cò mồi dí tờ 5 đồng vào và lật ngay quân bài lên. Đúng quân bài tây. Tên tráo bài giam 5 đồng. Thấy ngon ơ, tôi thì thụt tay trong túi. Rồi như một phản xạ tự nhiên, mắt nhìn rõ quân bài tây nằm giữa vừa được hé lên, tôi rút tiền đặt ngay vào. Quân bài được lật lên. Bài hoa! Đầu tôi như bị nguyên một trùy cỡ trùy của Trình Giảo Kim đập vào, mắt rơm rớm nước, nhìn tờ giấy 5 đồng mới tinh chui vào túi tên bạc bịp đội cái mũ sùm sụp mà đau lòng. Đó là món tiền to lớn nhất bị mất. Tôi ngẩn ngơ mất mấy ngày, lòng ngong ngóng trông xem có ông bà khách nào tới chúc tết trễ chăng. Cửa nhà vắng lặng. Khách khứa đâu còn vào những ngày sau tết!

Tờ giấy 5 đồng mới tinh tượng hình của sự may mắn trong ngày tết không đem lại cho tôi cái may như một cô bé 16 tuổi người Hồng Kông. Cô bé này được bà lì xì một số tiền tương đương với khoảng 12 đô Mỹ. Rồi cô theo bà và mẹ qua sòng bạc Macao. Cô chơi luôn 12 đô vào máy kéo. Kéo một hồi, máy rung chuông báo cô trúng số lớn: tương đương với 100 ngàn đô Mỹ. Sòng bài Sands không chịu chi vì cô chưa đủ tuổi vào casino. Họ đôi co với sòng bạc. Chuyện đưa ra Ban Quản Lý các sòng bài ở Macao. Ban này quyết định là sòng bài Sands vẫn phải trả số tiền thắng nhưng trả cho bà mẹ cô bé. Đồng thời cũng phạt bà này không được tới sòng bạc nữa vì tội lén đưa trẻ vị thành niên vào sòng bài. Thật khéo phạt! Ai cần tới làm chi nữa!

Tiền lì xì mà đem ra đánh bạc, cũng được đi, nhưng muốn tình cảm hơn thì cứ làm như nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn “Tìm Về” của… tôi.  Anh chàng này trở lại Hà Nội sau nửa thế kỷ rời xa, gặp lại cô bạn cũ hồi nhỏ. Hai người đi lại những con đường cũ, nhắc lại chuyện xưa, khi còn là những đứa bé mười ba mười bốn. “ Lên một chút nữa là tiệm tạp hóa, nơi chúng tôi đã từng chúi mũi vào tủ gương ngắm nghía không biết chán những thứ trưng bày bên trong.
“ Cái tiệm tạp hóa gần đây đâu rồi nhỉ?”
“ Tiệm nào anh?”
“ Sao em quên được cái tiệm tụi mình dán mũi mỗi ngày đó nhỉ?”
Chuyên kéo tay tôi.
“ Em nhớ ra rồi. Ừ nhỉ! Lâu lắm rồi em không để ý tới nó. Chỗ này thì phải.”
Chuyên chỉ vào căn phố lạ hoắc. Tôi nhìn mà chẳng nối kết được nay và xưa.
“ Em có nhớ tụi mình mua gì ở đây không?”
Chuyên đỏ mặt nhìn tôi cười. Lần đó, trong túi có tiền lì xì Tết khá nhiều, chúng tôi mới được dịp duy nhất làm khách hàng của cô chủ dễ thương chỉ cười mỗi khi chúng tôi ríu rít bàn luận xong rồi đi ra. Tôi mua một đôi tất mùa đông dài lên tới gần đầu gối và điệu nghệ hỏi Chuyên muốn mua gì tôi mua cho. Chuyên lắc đầu quầy quậy. Cô chủ cười và chỉ chiếc áo lót hai dây thật đẹp. Chuyên mắc cở quay đi. Ngày đó ngực Chuyên còn nhỏ xíu ánh rõ dưới làn áo cánh mỏng. Cô chủ tinh ý như một bà mẹ thấy đã tới lúc nai nịt cho con gái. Chị bớt cho các em một tý cho vui nghe! Cô gói hai thứ vào với nhau. Cả tuần lễ sau, Chuyên mới nhận chiếc áo làm tôi phải dấu diếm phát mệt.”

Tiền lì xì mà tiêu một cách “người lớn” như vậy thì có thể làm bạn với ông Luân Hoán được rồi.

Ông nhà thơ này có lối lì xì rất rộng lượng, rất…thơ.

trước tiên, lì xì cho em
hai bàn tay lụa hai bên hông đầy
hai làn môi mướt đắm say
cho môi em phút ngất ngây ban đầu

lì xì luôn cả ngọn râu
trưởng thành từ thuở biến sầu thành thơ

lì xì gì nữa bây giờ
một lời hứa vội để thờ, giữ nhau ?

lì xì luôn cả chiều sâu
lòng tôi vốn cạn ngó đâu cũng tường
cái tình yêu rất bình thường
với ra, nệm, gối đầu giường đủ đôi

lì xì luôn đó, đời tôi

Lì xì như vậy là cạn láng. Còn gì nữa đâu! Chỉ còn biết tết!

10/2008