Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

CẦY

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè thịt chó
Xin đừng chê nó
Là thứ hạ bần
Bia rượu rần rần
Mà mồi lại thiếu
Thịt chó đủ kiểu
Thỏa mãn nhu cầu

Nhiều người nghe vè như trên đã không thỏa mãn. Khiếp! Ăn gì không ăn lại ăn thịt chó. Man ri mọi rợ! Những người say no với thịt cầy như vậy chắc chưa bao giờ được làm Diêm Vương! Một chú chó bị hạ thịt, hồn về với Diêm Vương. Chú tức tưởi kể lại cuộc hành hình mà chú đã trải qua: “Tâu Diêm Vương! Bọn chúng đập chết con, moi gan mổ bụng, làm lông rồi mang thui. Thui xong, chúng xẻ thịt. Chỗ thì chúng luộc, chỗ thì chúng làm rựa mận, chỗ thì chúng xáo măng, chỗ thì chúng làm chả chìa. Riêng bộ đồ lòng, chúng lấy tiết, đậu xanh, các loại rau thơm nhồi vào rồi luộc thành món dồi chó chấm với mắm tôm thơm phức.” Diêm Vương nghẹn ngào một lúc mới phán được: “Thôi, ngươi đừng nói nữa. Nước miếng của ta trào ra nuốt không kịp đây này!”

Những ai chưa từng ăn miếng dồi chó cho đây là chuyện bịa nhưng những cái miệng đã từng nhai miếng dồi chó không nói chi được. Họ cũng đang bận nuốt nước miếng! Trong đầu họ bỗng nổi lên tình…nhân loại. Họ thương cho những người không biết thưởng thức món mộc tồn. Cái nhân loại u mê này đông quá xá. Không những không sực, họ còn nhìn những người răng dính chất thịt ba ngày vẫn còn thơm này bằng con mắt khinh khi. Kể ra cũng khó cho họ. Tay bế bồng chó, tối ngủ với chó thì nỡ nào ăn thịt…đồng loại!

Thế giới chúng ta đang sống rất năm cha ba mẹ. Mấy ông Ấn Độ thì nhất định không ăn thịt bò vì bò là thần. Thần cứ việc đi nghênh ngang ngoài đường, sản xuất ra những bãi mìn làm vướng những bước chân người mà chẳng chúng sinh nào dám đụng tới. Mấy ông Hồi Giáo thì không ăn thịt heo vì heo…dơ như heo. Ăn vào sợ dơ linh hồn mai mốt khó nói khi gặp Allah! Tín đồ Do Thái Giáo lại chỉ ăn thịt thú vật có chứng chỉ kosher. Những loại thịt bán trong các cửa tiệm kosher của Do Thái cũng xêm xêm như các loại thịt khác, chỉ khác vì cách giết những con vật. Giết để thịt có chứng chỉ kosher là giết con vật một cách nhân đạo nhất. Ông đồ tể, thường là một tín đồ ngoan đạo đã rành rẽ về luật đạo, cứa một nhát dao sắc lẻm ngang cổ con vật khiến con vật hôn mê ngay trong hai giây đồng hồ, rồi để cho máu con vật chảy ra hết. Tín đồ Do Thái Giáo không ăn huyết, không ăn những con vật chết vì bệnh hay chết vì bị con khác cắn.

Đấy, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có những lý do riêng để ăn hoặc không ăn một loại thịt thú vật nào đó. Ngoài ra, còn có những tập tục xã hội trong việc ăn thịt thú. Dân Việt ta thường không ăn thịt ngựa nhưng tây họ vẫn ăn. Tây họ ăn ốc sên nhưng ta thấy gớm không ăn. Vậy thì tây họ không sực mộc tồn nhưng nhìn vào thịt cầy chúng ta ăn họ chê. Vậy là thế nào? Chỉ có dân Tàu và dân Hàn chung một nguồn vui…sống trên đời với chúng ta. Hóa ra họ cũng khôn như ta.

Bởi vì cầy nó…huyền diệu lắm cơ! Có một cặp vợ chồng thương yên nhau rất mực, cứ thịt gắn với thịt đều đều. Bỗng một ngày kia anh chồng rệu rạo chẳng gắn giếc chi được nữa. Chị vợ mang anh chồng đi chạy chữa hết thày này qua thày khác mà chẳng thấy nhúc nhích chi. Cuối cùng, gia tài điền sản đã theo thuốc thang hết, thày nào cũng bó tay, tới bước đường cùng, chị vợ hỏi anh chồng thèm gì thì mua cho ăn trước khi anh về với…Diêm Vương. Anh chồng giương cặp mắt lờ đờ lên mà rằng: “Cho anh ăn một bữa thịt chó!”. Chị vợ gom góp hết tiền bạc, chạy ra chợ mua một miếng thịt chó về ướp giềng mẻ làm một bát rựa mận thơm phức. Kỳ lạ thay, sau khi ăn, anh chồng bỗng thấy khỏe lại. Chị vợ mừng quýnh, cho chồng ăn rựa mận liền tù tì trong một tuần, bệnh ra đi hết. Đêm đó, thử lại máy móc thì thấy máy khỏe như trâu. Từ đó, hai vợ chồng cứ chó mà chơi.

Tôi đem chuyện…ngụ ngôn này ra kể cho mấy ông bạn nghe. Một ông bình liền: “Thằng chả bị thiếu chất đạm nên bị suy dinh dưỡng. Đớp tí thịt cầy vào thì…cầy như điên chứ có chi lạ!” Ăn nói kiểu bình dân giáo dục như vậy nhưng không chừng ông bạn tôi lại tinh thông chuyện đời thứ thiệt. Theo Đông y thì cẩu nhục có vị mặn, hơi chua, tính nóng, có tác dụng bổ tì bổ thận, trừ hàn, trợ dương, là vị thuốc tráng dương rất tốt. Trong các bộ phận của chó, quan trọng nhất là “cẩu thận”, nếu là của chó vàng thì là “hoàng cẩu thận”, bổ đúng vào chỗ cái anh chồng của chị nhà quê kể trên thiếu.

Thịt chó có nhiều…đức tính như vậy nên cầy mới leo lên được tới ngai vàng. Ngày xưa, khi vua Càn Long nước Tàu du giang nam, nhà vua được dâng món thịt chó. Sau khi ngài ngự xong thấy khí huyết mạnh mẽ nên mới phong cho anh cầy là “vương nhục”. Vương nhục không phải là thịt vua mà là vua các loại thịt. Khi lệnh cho các quan soạn sách về ẩm thực ở phương Nam, nhà vua phê cho thịt chó là thứ “đặc sản đặc dị”! Anh Tàu, anh Mít ta và anh Hàn là những người có cái lưỡi…vua. Ta chưa tổ chức Thế Vận Hội nhưng hai anh bạn kia thì đã gồng mình ra tổ chức rồi. Một trong những thứ gây rắc rối cho các nhà tổ chức là anh cầy. Trước quốc tế, các anh đã chịu lép vế dấu anh cầy khỏi các cặp mắt soi mói của cả thế giới. Hơi yếu! Nếu ta tổ chức thì cầy có khi đội lốt heo nhảy vào bàn ăn của các lực sĩ năm châu cho chúng biết tay. Vận dụng óc sáng tạo và trí trá là nghề của chàng!

Tôi tới thành phố Hán Thành trước khi thành phố này trở thành một thành phố Thế Vận Hội khá lâu. Về tới khách sạn, trời đã nhá nhem tối, tôi check in rồi vội vàng khoác áo ra phố. Cuối năm, trời lành lạnh, co ro trong chiếc áo ấm, tôi rảo bước trên hè phố trong một khu trung tâm của thành phố. Bên lề đường, một chiếc lều lớn quây kín mít xuống sát mặt đất. Ánh lửa thoát ra ngoài qua những khe hở. Bếp hồng làm động lòng kẻ tha hương vào một đêm cuối năm. Tôi hé tấm bạt cửa nhìn vô. Thực khách quây quần trên chiếc bàn dài độc nhất đặt cạnh bếp. Nhiều người đang xì xụp húp bên cạnh ly rượu trắng. Ông chủ quán đang múc một thứ dung dịch sền sệt ra tô cho khách mới tới. Tôi định sà vào ăn thử nhưng sực nhớ trong túi chưa có tiền won của Đại Hàn vội khép tấm bạt đi ra. Không hiểu sao tôi vẫn cứ đinh ninh đây là một quán bán thịt chó bình dân. Chắc tôi nghĩ không sai. Khi đó cầy là một món khoái khẩu của người dân. Họ cho rằng thịt cầy giúp bù đắp năng lượng cho con người một cách nhanh chóng. Mười năm sau ngày tôi đặt chân tới Hán Thành, năm 1983, mới có lệnh cấm bán thịt chó và thịt rắn. Nhưng cấm thì cấm, thịt chó vẫn tung hoành ngay tại thủ đô với khoảng 600 tiệm có lẻ! Trước đó thì toàn dân thoải mái đớp cầy. Vậy thì cái quán ấm cúng bên đường tôi ghé vào đánh chết cũng là quán…chó.

Ngay bây giờ tại chợ Gyeongdong nằm trong quận Dongdaemun thuộc trung tâm thủ đô vẫn công khai bán chó. Bán chó chứ không phải thịt chó. Chó được nhốt trong cũi để khách lựa chọn. Cách chọn khá độc đáo. Ông chủ cầm roi quất lên từng thân chó, nghe tiếng kêu của chó khách hàng biết con nào nhiều thịt con nào ít thịt. Khi khách lựa xong thì chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ chú chó đã biến hình thành những tảng thịt sạch sẽ, thui chín xong xuôi, khách cứ việc mang về nấu nướng. Giá trung bình một con là 150 ngàn won, khoảng 100 đô Mỹ. Dân cứ thản nhiên nhai ngấu nghiến luật. Bởi vì làm sao mà cấm được cái thứ thịt vừa rẻ vừa bổ lại vừa ngon miệng. Bảo dân không nghe nhưng chó thịt được nuôi trong  những điều kiện thiếu vệ sinh nên nhà nước lại…trăn trở. Dân bệnh thì khổ  nhà nước nên nhà nước toan lấy các mẫu thịt chó từ 530 tiệm bán thịt chó để kiểm tra các chất độc hại trong thịt như kim loại nặng, vi khuẩn, thuốc kháng sinh. Nhưng dự định này bị dân phản đối. Dân này thuộc phe đối nghịch với dân…chó. Họ bảo là nếu nhà nước chính thức lấy mẫu thịt chó kiểm tra thì vô tình đã công nhận việc bán và ăn thịt chó. Thế mới rắc rối. Tháng 3 năm 2008, chính quyền xoay qua chiêu khác. Thành phố Hán Thành tính xếp chó vào loại gia súc nuôi trong nhà như heo, bò. Theo luật hiện hành thì chó được xếp chung với nhóm khỉ, thỏ, ngựa, hươu… Hiệp Hội Bảo Vệ Động Vật Hàn Quốc lại phản đối vì như vậy thì thịt chó được xếp hạng chung với thịt heo, thịt bò. Vậy là huề! Chó ở Đại Hàn quay như chong chóng. Cấm vẫn cấm mà ăn vẫn ăn. Hiện tại vẫn có 720 ngàn nông trại nuôi trên 2 triệu chú cẩu!

Gớm, chó đâu mà nhiều thế. Dân ta thua xa. Chúng ta không có một kỹ nghệ nuôi chó thịt như vậy. Chó ở nước ta là thứ chó nuôi trong nhà. Ngày tôi còn nhỏ, ở ngoài Bắc, vẫn có những ông lái chó, tay cầm cái thòng lọng được làm bằng một sợi dây thừng đút vào một ống tre, đi trên đường làng miệng rao mua chó. Ai muốn có tí tiền thì gọi ông ta vào. Mặc cả với nhau một hồi là ngã giá. Ông quơ cái thòng lọng ra là cổ chú chó đã dính chấu với tiếng sủa ăng ẳng bị chặn lại. Trên thành phố thì có dân trộm chó. Chó chạy rông ngoài đường bị mất lúc nào không biết. Không một tiếng kêu. Thoát khỏi tay trộm thì có tay nhà nước. Xe bắt chó của Sở Vệ Sinh Hà Nội đi rà rà ngoài đường. Anh chó chưa thấy xe thì thòng lọng đã dính cổ và bị lôi lên nhốt vào cũi trên xe. Vậy là chó được đi xe miễn phí về…trại giam. Chủ có muốn lãnh về thì chịu khó lên làm giấy tờ, đóng tiền phạt. Nếu chủ bất cần thì chó đi về đâu tôi chẳng được biết nhưng nhiều phần là sẽ được leo lên bàn nhậu.
Ngày nay dân thủ đô muốn nhậu thịt chó thì cứ lên khu Nhật Tân. Đây là lãnh địa của dân nhậu chó. Mỗi cửa hàng là một nhà sàn với những chiếc chiếu trải trên sàn. Mỗi chiếu là một "bàn" nhậu. Thực khách ngồi khoanh chân trên chiếu. Ăn thịt chó như vậy mới có…truyền thống. Mỗi ngày chỉ nguyên một quán đã cho đi đứt khoảng ba bốn chục chú cẩu. Cứ nhân ra thì biết là thời của chó thịnh vượng đến thế nào. Người ta ăn thịt chó vì giá cả rất mềm, vì gà giao du với cúm và vì…tín ngưỡng nữa. Không, không có một thứ đạo…chó. Chỉ có một niềm tin. Dân cờ bạc gặp lúc xui xẻo đánh đâu thua đó có hai niềm tin để bước ra khỏi vận đen : một là tìm tới chị em ta, hai là tìm tới thịt cầy! Một đệ tử của thần đỏ đen đã…xưng đức tin : “Trong tất cả các món ăn, không có món nào chuyển được vận của mình như món mộc tồn!” Hóa ra chó cũng linh thiêng và có tình. Bị phanh thây xẻ thịt mà vẫn phù hộ được cho dân đỏ đen.
Chó đâu mà lắm thế? Khác với thời xưa, chó bây giờ cũng có kỹ nghệ nuôi và xẻ thịt đàng hoàng. Cũng như heo như gà thôi. Chợ chó ngày nay là chợ âm phủ 19/12 nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chó được…tập kết tại đây trước khi được thỉnh về từng tiệm bán thịt. Phần lớn chó đến từ làng Cao Hạ thuộc Hoài Đức, Hà Tây. Trung bình một gia đình tại Cao Hạ cung cấp khoảng nửa tạ thịt chó mỗi ngày. Sinh hoạt của làng cầy này bắt đầu từ hai, ba giờ sáng tới tối mịt giữa tiếng ăng ẳng của chó bị làm thịt. Nếu có ma chó thì làng này chắc toàn ma. Mỗi ngày cả trăm chú cẩu bị hóa kiếp thì trong bao nhiêu năm qua biết bao nhiêu oan hồn chó tụ tập tại chốn điêu linh này.

Oan hồn chó ngổn ngang ít nhất cũng làm xúc động một nhà thơ: Lý Đợi. Ông nghiên cứu xem vì đâu nên nỗi. Theo tìm hiểu của ông nhà thơ quay ngoắt ra làm nhà nghiên cứu…chó này thì dân miền Bắc nước ta đã biết chén thịt cầy từ 10 ngàn năm trước. Trên bước đường nam tiến mở rộng bờ cõi nước ta, cầy lại không theo gót những nhà tiền phong đi khai phá miền Nam. Phải tới thập niên 1930 và 1940, khi dân Bắc vào Nam làm ăn thì cầy mới có dịp nam tiến, nhưng phạm vi ảnh hưởng rất hẹp. Chỉ quanh quẩn trong các gia đình gốc Bắc vào Nam lập nghiệp. Đất…thánh của dân nhậu thịt chó là vùng ông Tạ của thành phố Sài Gòn. Trải qua bao nhiêu năm nơi đây vẫn chỉ rặt một thứ thịt chó chân truyền đúng theo kiểu Bắc kỳ. Ngay cả những cái tên tiệm cũng Bắc kỳ thứ thiệt : Đây Rồi! Hạ Cờ Tây! Ô Kìa! Hoặc là thứ nói lái đơn giản: Cờ Tây từ chữ cầy tơ, Mộc Tồn từ nghĩa Cây Còn, nói lái thành Con Cầy. Ngày nay các bảng hiệu chơi trò đánh đố một cách phức tạp hơn. Như một bảng hiệu bia ôm : Ca Ngắn! Muốn hiểu thì phải qua một quá trình dài dòng : ca ngắn là ca không dài, ca không dài là cai không già, cai không già là cai non, cai non là con nai, có nai là có gái! Ai bảo dân ta không có văn hóa! Tên các quán thịt chó ngày nay ở Sài Gòn không còn thủ cựu như xưa. Có những tên gợi nhớ như Nhật Tân, Nam Định nhưng cũng có những tên thơ mộng như Quán Lá, Hà Nội Phố. Món nấu cũng phong phú hơn, không chỉ những món chân truyền luộc, lòng dồi, rựa mận mà còn leo tới 7 món ngang hàng với thịt bò và thừa thắng xông lên với chó 9 món! Sáo măng, hon, đùi nướng, lẩu, chó quay và cả chó cà ri!

Nhiều ông bạn tôi, thân đã ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada mà miệng vẫn Sài Gòn, Hà Nội. Bệnh…chó đã xâm nhập lục phủ ngũ tạng khiến hồn vẫn tơ tưởng tới món Sống Trên Đời. Cứ nhắc tới những ngày xưa thân…chó thì chẳng bao giờ dứt chuyện dù cuối tháng có trả bill tiền điện thoại viễn liên đến mờ mắt. Có dịp về Việt Nam là các ông đi…hành hương liền. Sang lại bên đây tha hồ hót như khiếu làm nhỏ giãi những người xa quê hương nhớ…mộc tồn. Dân Việt ở Tiệp Khắc thì lại khác. Họ anh dũng hơn mấy ông bạn tôi rất nhiều. Cảnh sát đã tìm thấy ở một bãi rác công cộng ở ngoại ô thành phố Cheb một số xương chó. Cuộc điều tra cho biết một ông Việt Nam đã mua một con chó do một phụ nữ bản xứ bắt tại một trang trại nuôi chó với giá 400 crowns. Bà Martina Hruskova, phát ngôn nhân của Cảnh sát thành phố, đã cho biết : "Nếu cuộc điều tra minh chứng là điều này có thật thì các thủ phạm có thể bị phạt tù một năm vì tội hành hạ thú vật ". Cầy là…ma túy hay sao mà hành hạ dân ghiền quá đáng như vậy. Một ông bạn lắc đầu phán : "Còn hơn ma túy nữa. Miệng đã biết mùi thì thân lụy đến…ngàn năm! " Tội nghiệp các fan của cầy. Tôi muốn mách các ông ấy món hot dog mà dân nói tiếng Pháp ở Montreal dịch một cách rất…ấn tượng là chien chaud cho đỡ nhớ. Hot dog hả? Nói dzậy mà không phải dzậy! Chỉ được cái tên! Thấy cái bản mặt muốn gây sự của bạn, tôi phải can ngay. Không, tôi muốn nói tới cái món hot dog của một ông Bắc Phi cư ngụ tại Casablanca cơ! Ông này có lẽ là con cháu của cụ Khổng nên rất trọng thuyết chính danh. Dog có bao giờ có nghĩa là…bò đâu. Bởi vậy nên ông mới làm món hot dog chính danh bằng thịt chó. Đào đâu ra thịt chó? Ông mua của bốn ông khác chuyên đi bắt chó trộm về làm thịt. Có thịt chó rồi ông trộn chúng với các hóa chất để khử mùi và thay đổi màu thịt trước khi hấp làm món hot dog bán cho bàn dân thiên hạ. Cái tội treo bảng bò bán thịt chó đã bị xử 6 năm tù và 10 ngàn dirham tiền phạt.

Đụng vào chó ở cái đất nước mà chó hầu như được lên làm người này vất vả lắm. Đừng có mơ chuyện với sao trên trời! Đến như tác giả bài "Vè Con Cầy ", nhiệt tình với cầy là thế, mà cũng rét.

Hôm nay hứng chí
Lại nhớ quê hương
Lả lướt ít đường
Cho Làng thưởng lãm
Nhưng có lời nhắn
Làm chó Hoa Kỳ
Chắc chắn sẽ đi
Nhà Lao nghỉ mát
PLEASE NEVER DO IT.

04/2009