Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

NHÓC

Làm sao tôi có thể diễn tả sự ngạc nhiên đến khoái chí của tôi khi đọc được một bài trên tờ báo hàng ngày The Gazette xuất bản tại thành phố Montreal vào ngày 22 tháng 10 vừa qua. Đó là bài “King of Rock…Paper and Scissors”. Trong đầu tôi buột ra bài Oẳn tù tì, ra cái gì ra cái này! Và cả một thời nhóc tì hiện về. Đó là một trò chơi thời nhỏ của chúng tôi. Sau khi…đồng ca câu trên, hai tên tham dự giơ ra bàn tay phải cùng một lúc. Bàn tay nắm vào là cái búa (mấy anh tây lại nhìn ra hòn đá), bàn tay xòe thẳng ra là tờ giấy, bàn tay giơ ra hai ngón trỏ và giữa là cái kéo.Búađập được kéo. Kéo cắt được giấy. Giấy bọc được búa. Vậy là anh nào cũng có thể thắng và thua. Ăn thua là tên địch thủ của mình chìa ra cái gì. Nếu hắn ra giấy mà mình ra kéo là mình ăn. Nếu hắn ra đá mà mình ra kéo là mình thua.Nếu hắn ra kéo mà mình ra đá là mình thắng. Trò chơi này thực ra ít khi được chơi như một trò chơi chính, trừ khi chỉ có hai đứa buồn tình không biết chơi gì thì chơi trò này để ăn thua những cái cốc đầu hay tranh ảnh Tarzan, Zorro. Thường thì nó được chơi phụ vào các trò chơi khác để phân thứ hạng đi trước đi sau như khi đánh đáo đánh quay. Ngày đó chúng tôi không chơi trò oẳn tù tì này như một trò chơi.

Vậy mà trò chơi…thứ cấp này bỗng leo lên chiếm nửa trang báo. Oai phong chi lạ! Oai hơn nữa là nó đã trở thành một cuộc tranh tài quốc tế đàng hoàng. Năm nay cuộc thi…nhóc mà toàn những tên già đầu chơi này sẽ được tổ chức tại Toronto với sự tham dự của khoảng 500 đấu thủ. Ngoài những trự cây nhà lá vườn như Canada và Mỹ, còn có những đấu thủ đến từ Úc, Á Căn Đình, Tân Tây Lan, Đan Mạch và Anh. Đây là cuộc tỷ thí hàng năm lần thứ 7. Nghĩa là trò chơi con nít trở thành trò chơi người lớn này đã có 7 năm thâm niên. Vui như vậy mà tôi không biết. Nhưng biết mà làm chi? Ngày xưa có lúc nào tôi…kính trọng trò chơi này đâu. Một đấu thủ ở Montreal đã cho biết anh phải dùng dầu bôi trơn và làm mát xa các ngón tay để chúng thêm phần nhanh nhẹn. Ngoài ra anh cũng phải nghiên cứu phần kỹ thuật trước khi tranh tài. Vẽ chuyện! Tôi chơi là chơi chứ có tập tiếc gì đâu!  Có kỹ thuật chăng là kỹ thuật…ăn gian. Nhìn vào tay đối thủ đoán xem nó sẽ nở ra hình gì rồi mình xòe tay chậm hơn một tích tắc là ăn đứt! Nhưng đã ra quốc tế, chắc ăn gian gì nổi. Trọng tài đứng đó làm chi? Vì vậy cũng phải tập tành đàng hoàng như các thể tháo gia đi tham dự Thế Vận Hội. Ngoài việc tập tay cho nhanh, cần phải có óc quan sát và phân tích tâm lý. Tỷ như thấy đối thủ là tay hùng hổ háo thắng thì phải đoán ngay là hắn thích ra hòn đá. Hoặc quan sát đối thủ trong các trận đấu trước với những đấu thủ khác để biết hắn có khuynh hướng hay ra cái gì. Muốn tham dự phải đóng lệ phí 40 đô. Nếu ẵm chức vô địch sẽ được thưởng 10 ngàn đô. Một dân Montreal là chàng Mark Julien sẽ lên đường phó hội. Chàng đã tốt nghiệp Đại Học John Abbott College và đã có kinh nghiệm bốn lần tham dự. Năm ngoái, chàng đã bợ được giải thưởng an ủi một ngàn đô. Năm nay chàng quyết mang tấm chi phiếu 10 ngàn đô về nhà. Chàng có vẻ lạc quan: “Bất cứ ai cũng có thể tham dự và thắng. Trò chơi này phần lớn vụ vào may mắn nhưng cũng có chiến thuật nữa. Nếu thắng thì cũng được mang danh là vô địch như người ta. Cũng dễ nể lắm chứ!”

Trò chơi oẳn tù tì tôi chơi hồi nhỏ có lẽ là trò chơi được nhập cảng.  Cứ oẳn tù tì là đã thấy rõ ràng là tiếng Hồng Mao. Hồi nhỏ chơi là chơi chứ đâu có…nghiên cứu! Ai ngờ nó oai dữ dội vậy. Oai hơn cả trò chơi “lên mây”. Trò chơi này tôi nghĩ là các bạn đồng trang lứa với tôi đều phải biết. Nó dựa vào câu đồng dao: “Rồng rắn lên mây / Có cây núc nắc / Có nhà khiển binh / Thầy thuốc có nhà không ?”  Một đoàn trẻ, bao nhiêu đứa cũng được, càng đông càng vui, nắm lưng nhau đi vòng quanh, vừa đi vừa đọc bài đồng dao trên. Một đứa đứng đối diện đóng vai thầy thuốc. Khi đoàn người hỏi thầy thuốc có nhà không, thầy thuốc thường trả lời: “Không!”. Đoàn rồng rắn lại đi vòng miệng đọc bài hát. Phải vài lần như vậy cho vui rồi thầy thuốc mới trả lời: “Có!”. Lúc này mới là lúc vấn đáp. Xin gì? / Xin khúc đầu/ Cùng xương cùng xẩu ? Xin khúc giữa / Cùng máu cùng me/ Xin khúc đuôi / Tha hồ mà đuổi! Vậy là thầy thuốc đuổi để tóm lấy đứa đứng sau chót. Đứa này đã được chọn lựa trước. Đó là đứa nhanh nhất. Khi thầy thuốc đuổi để bắt cái đuôi thì cả đoàn rồng rắn chạy tránh né. Đứa đứng đầu đoàn thường là đứa to con lớn xác nhất giang hai tay ra cản. Cuộc rượt đuổi ầm ĩ tiếng la hét kết thúc khi thầy thuốc nắm được khúc đuôi.

Đây là trò chơi của chúng tôi thời nhóc tì. Khoảng năm bảy tuổi. Cỡ tuổi còn rất hồn nhiên. Hồn nhiên nên chỉ biết chơi là chơi, có đọc vè, có tung tăng nắm đuôi nhau, có chạy đuổi, có la hét, thế là vui. Chơi trốn tìm cũng vui nhưng có thêm phần hồi hộp. Núp trong những xó xỉnh mà nín thở lại thêm nhột nhột phía sau lưng. Làm như có người sắp nắm được áo mình. Chạy đuổi, kéo quần, nắm áo nhau thế nào cũng có lúc rách quần rách áo. Những tổn thất không chỉ về vật chất mà còn về tình cảm nữa.

ngày xưa u mọi tối ngày
làm rách cái áo, mẹ may cả tuần
mẹ chong đèn vá, rưng rưng:
“trặc tay hay có bầm sưng chỗ nào?”
(Luân Hoán)

Ngày nay con cháu chúng ta vẫn còn chơi trò này. Hình như tạo sự hồi hộp, sợ sệt là thú vui muôn thuở của con nít. Đó là một thứ gia vị cay cay của những ngày sống an bình dưới mái nhà ấm êm của cha mẹ. Thời chúng tôi, tuổi thơ với những trò chơi loại này chấm dứt một cách nghiệt ngã với cuộc tản cư vào cuối năm 1945. Về nhà quê, chơi với đám bạn đồng trang lứa nhưng quê mùa hơn, bọn nhóc chúng tôi có thêm nhiều trò mới. Đi câu, bắn chim, chọi gà. Toàn những trò sát sinh. Máu chém giết từ thuở hồng hoang của con người như  trở lại. Nắm trong tay một chú chim ngoẻo đầu rũ rượi với những vệt máu trên lông hay bóp một con cá cố dùng sức tàn để giẫy giụa mong thoát thân là thú vui có phần man dã. Lúc đó chúng tôi không thấy cái ác. Thế cho nên khi đám nhi đồng chúng tôi được lùa ra một cánh đồng xem xử tử “Việt gian”, lòng vô cùng thích thú. Máu đồng loại chịu thua máu căm thù. Chúng tôi căng ngực ra hát những bài hát được các anh đoàn trưởng dạy: Loài bán nước, loài buôn dân, loài phản quê hương, nguyền rủa tên bọn mi nhớp nhơ muôn đời! Tiếng súng nổ, thân người gục xuống mà lòng chúng tôi không mảy may thương xót. Chúng tôi đã mất tuổi thơ.

Trong cuộc họp mặt của cựu học sinh Chu Văn An tại Montreal vừa qua, tôi đã gặp lại được những khuôn mặt thời trung học của tôi. Lớp này, lớp nọ, mặc sức mà vắt tay lên trán nhớ những khuôn mặt này khuôn mặt nọ trông quen quen trước mặt. Chúng tôi tíu tít như sống lại thời nhóc tì ngày xưa. Ngồi cạnh tôi là anh bạn ngồi cùng bàn trong một lớp học xưa. Cảm động ra phết. Chứ sao nữa. Nửa thế kỷ trước ngồi cạnh nhau, không biết có cãi nhau đánh nhau không, nếu có thì cũng quên rồi, nếu không quên thì cũng cười xòa nhớ tới ngày xưa thiếu thân ái! Nay, hơn năm chục năm sau, lại ngồi bên nhau, thân ái là cái cẳng. Hai thằng còn sống sót sau những đổi dời, ai lại đối đãi với nhau bằng những hệ lụy thời nhóc! Chiến tranh là thế, hòn tên mũi đạn có biết phân biệt ai đâu, di tản là thế, chết được cách này hay cách khác là chuyện thường tình, vậy mà lại được ngồi cạnh nhau. Phải cảm động chứ. Nhìn những bệt tóc trắng, nhìn những vết nhăn nheo, nghe những tiếng khụt khịt, lòng tự nghĩ sao chúng ta lại còn có được cái hạnh phúc ngồi bên nhau. Nói như Thánh Thán: đó chẳng phải là một điều sướng lắm ru?  Nhưng sướng nhất là gặp lại được một anh bạn thời tiểu học, hàng xóm láng giềng của nhau từ những ngày Hà Nội. Bạn đánh bi đánh đáo hẳn hoi.

Sau cuộc tập họp xem xử bắn “Việt gian” tại vùng tản cư, gia đình tôi dinh tê về Hà Nội sau vài tháng tản cư. Cuộc dinh tê khá vội vã.  Có lẽ cha mẹ tôi sợ lũ nhóc anh em chúng tôi mất hết tuổi thơ. Thằng tôi tám tuổi, chân đi đôi dép cao su con hổ, tay một bọc quần áo xộc xệch rớt lên rớt xuống, lầm lũi đi theo người lớn trong gia đình. Người lớn cũng lầm lũi bước theo người dẫn đường được thuê mướn một cách kín đáo. Chúng tôi men theo những bờ ruộng, lúc rút vào nằm nín thở trong đám lúa khi thấy có bóng người phía trước, lúc lúc thúc nương theo bóng tối, lúc chạy nhanh khi bóng trăng khuất trong mây, qua một đêm mới tới được Hà Nội.

Trông thấy bóng tên “thực dân” mắt xanh mũi lõ đầu tiên, lũ nhóc chúng tôi run lên vì sợ. Hai bên đường phố, những thân cây cụt ngủn cao quá đầu đám trẻ, mỗi cây mang một chiếc đầu lâu trắng hếu. Chúng tôi sợ hãi ôm chân người lớn. Chiến tranh như con bạch tuộc rút hết thời thơ ấu của chúng tôi.

Anh bạn tôi túm được trong buổi họp mặt trường cũ ngụ cùng phố với tôi tại Hà Nội. Bây giờ mà Thánh Thán có sống lại chắc phải dùng chữ thời đại mới diễn tả hết nỗi sung sướng của chúng tôi: đó chẳng phải là một điều khoái tỉ lắm ru?  Con phố của chúng tôi là phố Phùng Khắc Khoan nằm ngay trước khu Chợ Đuổi, sau lưng Chợ Hôm. Đây là con phố nhỏ, ngắn, chỉ trải dài từ đường Trần Xuân Soạn tới đường Hòa Mã. Nói theo kiểu bây giờ thì con phố chỉ dài có đúng một block!  Hai bên phố toàn là nhà ở, cửa đóng then cài, rất êm ả. Xe cộ lưu thông trên hai con đường chính chắn ngang đầu phố là đường Trần Xuân Soạn và đường Hòa Mã chứ ít khi dùng con đường nhỏ của chúng tôi. Vậy là chúng tôi có một sân chơi riêng trên những lề đường trơ trụi bằng đất. Không hiểu sao chỗ lề đường chạy dọc theo bên tường nhà tôi lại là nơi tụ họp thường xuyên của bọn trẻ trong phố. Điều này mang lại những lợi thế cho tôi.
Anh bạn say sưa với những kỷ niệm cũ: “ Hồi đó cậu ăn gian bỏ sừ đi ấy!” Tôi không hề đỏ mặt khi nghe anh bạn tố khổ như vậy. Chuyện đã sáu chục năm trước mắc mớ chi mà mắc cở. Nhóc tì chơi với nhau thì ai chẳng ăn gian. Con nít đâu biết nhìn xa. Cứ thấy lợi trước mắt là nắm lấy liền. Ăn thua là sự giáo dục để lớn lên không ăn gian với đời nữa. Vậy thì ăn gian đã sao! Tôi hỏi lại: “ Hồi đó tớ ăn gian ra sao?” Anh bạn gân cổ lên: “Cậu không nhớ à?”. Rõ thật là…lẩm cẩm. Ăn gian ai mà nhớ làm chi! Tôi lắc đầu. “Chơi gì cậu cũng ăn gian. Đánh đáo, đánh khăng, bắn bi, đánh quay, cậu gian tuốt.” Tôi nhìn anh bạn. Một thân hình mập mạp, hơi chậm chạp. Thì đã từng bị móc con tim ra cho nó nhìn ánh sáng đèn phòng mổ, làm sao không chậm chạp được. Tôi chẳng thấy người đàn ông chậm chạp ô dề trước mặt có chút liên hệ nào với thằng nhỏ đã bị tôi ăn gian ngày còn nhóc. Anh chàng bị ăn gian sáu chục năm trước cười toe: “Có lần tớ đã phải khóc vì bị các cậu hùa nhau hầm con quay của tớ tới vỡ thành hai mảnh!” Chuyện đó thì có. Bởi vì nó xảy ra rất thường. Hồi đó chúng tôi phải đẽo gọt con quay lấy. Quay bán trong các cửa hàng chỉ có loại quay bằng sừng trâu, rất đắt. Muốn…chế tạo một con quay ngon lành phải tìm cho ra loại gỗ thật chắc. Hồi đó tìm được gỗ ổi là ngon rồi. Các loại gỗ siêu đẳng hơn như gỗ lim chẳng hạn, đâu có tới tay chúng tôi. Đẽo gỗ, gọt cho ra hình dáng con quay rồi dùng giấy nhám đánh cho mịn. Cuối cùng mới tìm loại đinh lớn và cứng để làm đế quay. Điều quan trọng là quay phải cân bằng vì có cân bằng mới quay được lâu và quay tít. Con quay nào mà khi buông mình ra khỏi sợi giây quấn quanh, đứng thẳng và quay với tốc độ nhanh khiến nhìn vào trông như không quay là đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi gọi là quay ngủ. Quay càng ngủ lâu càng tốt. Vì khi chơi trò đánh quay chúng tôi bắt đầu bằng cách cùng tung quay ra cho quay quay, anh nào có quay quay lâu nhất là đứng hạng nhất, được quyền đánh trước. Anh nào vừa ra trận đã lăn kềnh ra thì nhận hạng bét, phải cho quay nằm trong một vùng giới hạn bằng cái vòng tròn được vẽ bằng đinh con quay vào nền đất. Tất cả mọi người khác được quyền, theo thứ tự nhất nhì của con quay ngủ, kế tiếp nhau bổ quay của mình vào quay bị hầm nằm chịu trận. Chỉ khi nào quay bị đánh bật ra khỏi vòng tròn mới được giải thoát. Thường thì những cao thủ quay giáng thẳng đinh quay xuống con quay nằm chịu nạn nên quay không bật ra ngoài vòng tròn được. Hậu quả của lối đánh này là con quay nạn nhân bị những dấu đinh chằng chịt. Muốn thoát khỏi cảnh bị hầm, cần phải có bạn đánh văng quay ra ngoài vòng. Tới đây mới thấy sự quan trọng của phe đảng. Nếu bạn có thiện tâm thì khi tới lượt đánh sẽ đánh sát bên chú quay bị hầm để cho bật ra ngoài. Nếu không có bạn cứu bồ mà gặp toàn cao thủ thì cứ nằm cho tới lúc vỡ làm đôi khi bị một đầu đinh nhọn đánh mạnh xuống. Anh bạn tôi hồi đó bị hầm vỡ quay chắc vì…lẻ bóng. Đổ tội cho tôi thì hơi oan nhưng có thể đúng. Vì hồi đó có lẽ tôi có chút máu anh chị nên hay kéo bè kết cánh hại kẻ cô thế! Cũng là loại cậy gần nhà vì sân chơi thường nằm bên hông nhà tôi!

Thời nhóc, chúng tôi thường phải tự túc tự cường. Đồ chơi gì cũng phải làm lấy.Con quay, chiếc xe, cái lồng đèn trung thu và trăm thứ đồ chơi khác mà chúng tôi nghĩ ra được, đều cứ phải ra tay sáng tạo. Lũ con cháu chúng tôi bây giờ đều là loại…ăn bám. Cứ vòi vĩnh cha mẹ ông bà xin tiền ra tiệm mua. Không đổ mồ hôi, không đứt tay đổ máu, không thấy giá trị của thứ đồ chơi cầm trong tay. Mất sướng. Ngày xưa chúng tôi…anh hùng hơn nhiều. Lũ cháu tôi ngày nay toàn chơi những thứ…tiền chế! Không tự tay làm ra nên dễ chán. Chán lại xin tiền mua thứ khác. Thứ cũ vứt không luyến tiếc. Ngày xưa chúng tôi o bế đồ chơi, tân trang, tu sửa chúng hàng ngày trong thương yêu. Có đâu dứt tình cái rẹt như con trẻ ngày nay.

Có một thứ đồ chơi mà chúng tôi không làm ra. Đó là những đồng tiền đánh đáo. Ai mà dám làm tiền giả! Hồi đó chúng tôi thường chơi đáo lỗ. Nó ra làm sao?

khoét một cái lỗ tròn tròn
vẽ một đường gạch như con rắn nằm
bốn năm thằng vội bốc thăm
thay nhau ngắm nghía hồng tâm thảy tiền
tôi hình như có tiền duyên
với những cái lỗ nghiêng nghiêng nằm chờ
vươn tay, đồng cái tọt vào
nằm ngoan như tự kiếp nào có nhau

Chúng tôi chơi đáo lỗ như vậy. Ông nhà thơ Luân Hoán cũng chơi đáo lỗ như vậy nhưng sao vẫn thấy khang khác. Chơi như ông Luân Hoán thì coi như đã giã từ tuổi nhóc !

Đầu năm 2002, tôi trở về Hà Nội sau gần nửa thế kỷ xa rời cái vỉa hè của tuổi thơ. Con đường Phùng Khắc Khoan mất hết vẻ yên tĩnh ngày xưa. Nơi đây đã trở thành một cái chợ bán toàn vải. Nhìn vỉa hè xưa, nay đã nhộn nhịp những bước chân mua bán, tôi đứng lặng lẽ như đang dự một đám tang. « Chân tôi như muốn vấp ngã. Tôi đã quá gần nơi chốn ấu thơ vẫn đậm nét trong trí tôi những ngày xa Hà Nội. Tôi len lỏi giữa dòng người lên xuống tấp nập. Mắt tôi choáng lên với những cửa hàng vải. San sát nhau toàn cửa hàng vải. Vườn trước nhà tôi nay cũng đã rào giậu thành hai cửa hàng vải. Tôi đứng lặng trên ngã ba đường. Cả con đường Phùng Khắc Khoan nay là chợ vải. Vải tràn lan trên hai lề đường. Tôi nhớ lại hai bên vỉa hè đất ngày xưa vắng lặng, nơi chúng tôi mải mê suốt ngày bắn bi, đánh đáo, đánh khăng, chơi quay… Đất thánh của tuổi thơ tôi. Mắt tôi hoa lên vì tức. Người ta đã ăn cắp vỉa hè của tôi ! » ( Chốn Cũ )

Tôi không nói cho anh bạn tôi biết về cuộc bể dâu đã cuốn mất tiêu chốn lề đường của tuổi nhóc chúng tôi. Để anh vẫn còn được say sưa với những ngày nhóc tì cũ !

11/2008