Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

BAO

Đầu thập niên 1970, trong thời gian theo học tại University of the Philippines ở Diliman, gần Manila, tôi có dịp đi thực tập tại một bệnh viện Phi. Nơi tôi thực tập là Phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình của bệnh viện. Nhân mùa Giáng Sinh, các khu của bệnh viện đua nhau trang hoàng. Chỗ nào cũng muốn mình nổi trội hơn. Tôi chỉ thực tập vài tháng tại nơi đây nên chẳng ham gì chuyện tranh đua. Nhưng là dân đực rựa duy nhất trong một phòng toàn các nữ y tá trẻ, tôi bị năn nỉ ra tay. Suy nghĩ vài ngày rồi ánh sáng cũng lóe rạng. Tôi eureka liền! Bàn với các nàng áo trắng mũ trắng trong phòng, mọi người gật đầu cái rụp. Chúng tôi bắt tay vào việc. Một đống bao cao su đủ màu được đổ đầy mặt bàn. Chúng tôi ngồi lựa ra những bao mầu xanh lá cây và đỏ, hai mầu tượng trưng cho lễ Giáng Sinh. Chúng tôi gắn những chiếc bao vốn chẳng được chế tạo ra để trang hoàng này lên một tấm bảng lớn theo hình cây thông giáng sinh. Rồi kết đèn mầu lên. Đẹp thì không hẳn đẹp lắm nhưng rất độc đáo. Các nàng toe toét đi khoe khắp bệnh viện. Các bác sĩ và y tá kéo tới coi và khen tới tấp. Mặt nàng nào cũng ánh lên vẻ hãnh diện.

Tại sao bao cao su lại có đủ mầu và toàn những mầu nguyên thủy đậm ngắt không vậy? Tôi hỏi một nàng. Anh phải biết chứ! Biết thì đã không thèm hỏi, tôi đáp lại. Để cho thêm phần exciting! À thì ra là như thế. Mấy nhà sản xuất quỷ quyệt thật!

Hơn ba chục năm trước đã mầu mè như vậy, ngày nay vẫn chỉ mầu mè thôi sao? Các nhà sản xuất đâu có cái đầu nghèo nàn như thế. Họ quỷ quyệt hơn nhiều! Như một công ty của Trung quốc vừa cho ra đời bao Clinton và Lewinsky. Họ viết trại hai cái tên thời sự này bằng thương hiệu Kelintun Laiwensiji theo phiên âm của tiếng Hoa. Ông Tổng Giám Đốc Liu Wenhua của công ty đã chạy tội trước: đây chỉ là dựa theo họ của người nước ngoài và không ai có thể cho đó là vi phạm được!

Ông Grigoriy Chausovskiy, người Ukraine, lại nâng bao cao su lên một mức nữa: bao cao su…chơi nhạc! Bao được gắn với một bộ cảm ứng nhỏ nối với một thiết bị điện tử cực nhỏ tạo ra âm thanh. Trận chiến càng hăng say thì nhạc càng ồn ào hơn. Nếu đổi tư thế thì nhạc lại qua một giai điệu khác. Có tất cả 10 bài hát. Cũng xin kể đủ tên 10 bài và tên ca sĩ để cho quý vị nào cần dễ chọn lựa: Come Together (The Beatles); In Too Deep (Genesis); Satisfaction (The Rolling Stone); Lay Lady Latex (Bob Dylan); Don’t You Want Me (Human League); Cum On Feel The Noise (Slade); Jonny B Goode (Chuck Berry); Protection (Massive Amock); The Only Way Is Up (Yazz) Sheath The One (Knobbie Williams). Nghe ra toàn những tên thích hợp cả!

Đừng có tưởng là bao cao su là độc quyền của phái nam nhi không thôi. Nữ cũng…đòi quyền đeo! Mà đeo thứ dữ. Đó là bao cao su chống yêu râu xanh! Đây là phát minh của một người Nam Phi, một đất nước mỗi năm xảy ra khoảng 50 ngàn vụ hiếp dâm. Nhưng theo các chuyên gia thì con số này thực sự phải gấp bốn lần vì hầu hết những kẻ phạm tội đều là người quen của nạn nhân hoặc các trường hợp xâm phạm tính dục trẻ em không được trình báo. Khi thân gái dặm trường vào ban đêm, phụ nữ có thể mang bao Rapex này giống như xử dụng băng vệ sinh. Loại bao đặc biệt này được làm bằng nhựa với các gai nhọn sẽ bấu chặt vào cái chân thứ ba của hung thủ. Muốn được giải tỏa, hung thủ chỉ còn cách đi vào bệnh viện để các bác sĩ phẫu thuật gỡ ra. Mà vào bệnh viện thì lậy ông tôi ở bụi này rồi còn khỉ gì nữa! Đó là loại bao…ác. Thực ra bao…hiền dùng cho nữ giới đã được dùng từ năm 1990 lận. Nhưng nó không phổ biến vì giá quá đắt, đắt hơn bao dùng cho nam giới gấp 10 lần! Vậy mà cũng đã có 19 triệu bao được bán ra tại hơn 70 quốc gia. Có điều là loại bao dành cho nữ giới có thể tái xử dụng được tới 7 lần nếu được rửa sạch bằng thuốc sát trùng. Nhưng tổ chức Y Tế Thế Giới khuyên chỉ nên dùng một lần rồi bỏ vì chưa xác minh được độ an toàn. Các chính phủ tại một số nước đang phát triển đã có những chương trình rộng lớn để khuyến khích các bà xử dụng bao vì các anh chồng trịch thượng ở những xứ nghèo đói thường không thèm bao bì gì cả. Hoặc các cô gái mãi dâm không thuyết phục được khách hàng mang bao. Sở dĩ các chính phủ khuyến khích nữ giới vì một công dụng khác của bao cao su, ngoài công dụng tránh thai, là phòng chống bệnh AIDS. Với chức năng mới này, bao cao su…lên mặt! Nó luôn luôn nằm với tiền trong ví bóp của các chàng trai hào hoa phong nhã. Nhưng mang thân lên tỉnh thành làm lao động với mức lương bèo trên dưới 600 ngàn một tháng như các công nhân ở Việt Nam thì tiền đâu mà bao với bì? Họ cứ thoải mái hà tiện được đồng nào hay đồng nấy. Sợ những hậu quả xã hội, giới Y Tế phải ra tay bằng cách lập Trung Tâm Ánh Sáng có nhiệm vụ giải thích và phát không bao cao su! Là những thanh niên khỏe mạnh, bỏ vợ con nơi làng quê lên tỉnh làm việc, họ có nhu cầu trong khi gái mãi dâm tràn lan, vớ chỗ nào cũng có, thực hiện…phi vụ nơi đâu cũng được kể cả nơi công viên hay bờ sông, họ lại không đủ kiến thức hoặc không muốn bỏ tiền ra cho bao bì lôi thôi. Thế là cứ đá banh chân đất! Một cuộc điều tra trong giới lao động từ các tỉnh thành lên chợ Long Biên, Hà nội làm lao động đã cho kết quả khá bi quan. Có 146 trên 300 lao động được hỏi đã cho biết là họ có quan hệ với gái mãi dâm, chiếm tỷ lệ 48,7%. Trong số này chỉ có 80 người nhận là có…mang giày! Con số cứ…thoải mái trời cho sao dùng vậy lên đến 66 người. Tiến sĩ Quan Lệ Nga, Giám Đốc Trung tâm Ánh sáng đã…phiếm: “Ở trong những ngôi nhà trọ 2500-3000 đồng một ngày, ăn xuất cơm bụi vài ngàn đồng, đến dép họ còn chẳng buồn đi huống hồ là mang “mũ bảo hiểm” khi quan hệ”! Trung Tâm của bác sĩ Nga đã phát không 21 ngàn bao cao su trong các trạm di động hay cố định hoạt động ngày đêm 24/24.

Còn các thanh niên thành thị, có học, họ…hoạt động ra sao? Theo một cuộc điều tra cấp quốc gia lớn và toàn diện vừa được tổ chức thì tại Việt Nam phần lớn thanh thiếu niên đều biết về ích lợi của bao cao su trong tránh thai và phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Biết thì biết như vậy, nhưng hành thì…có vấn đề! 70% cho là bao cao su làm giảm khoái cảm tình dục; 50% cho rằng những người luôn kè kè cái bao cao su bên mình có thể có quan hệ không đứng đắn; và trên 30% khăng khăng cho là cái thứ bao này chỉ dành cho những người không chung thủy và gái mãi dâm!

Bao cao su có một lịch sử đàng hoàng. Một lịch sử oai phong lẫm liệt bắt đầu từ khoàng 1350 năm trước Công nguyên! Người Ai Cập cổ đại dùng bao cao su để làm gì, chúng ta vẫn chưa có những kết luận chính xác. Có lẽ ban đầu bao được xử dụng vì nghi lễ tôn giáo hoặc ngăn cản côn trùng đốt! Sau đó những chiến binh La Mã đã tạo ra bao bằng da của quân địch bị giết ngoài mặt trận! Người Trung Quốc và Nhật Bản lại dùng giấy lụa tẩm dầu, da, mai rùa hoặc sừng trâu để bao. Có lẽ không ai trong chúng ta lại có thể tưởng tượng được những chiếc bao cần có độ mềm lại được làm bằng mai rùa hay sừng trâu! Chứng cớ cổ xưa nhất của bao được tìm thấy được dưới nền của ngôi đền Dudley, gần thành phố Birmingham, Anh quốc. Chiếc bao này được làm bằng ruột động vật, hai đầu có khâu những sợi dây để buộc kín và điều chỉnh cho vừa vặn. Người Anh xưa còn biết làm cho bao mềm bằng cách ngâm vào sữa nóng suốt đêm. Nhà giải phẫu học người Ý Gabrielle Fallopius là người có những mô tả đầu tiên về bao vào khoảng những thập niên 1500. Bao do Fallopius sáng chế dùng để ngăn chặn bệnh giang mai, dài khoảng 20 phân, được làm bằng vải có tẩm thuốc. Theo yêu cầu của các phụ nữ thời đó, bao có đính thêm những dải băng màu hồng! Để làm chi nhỉ? Tôi không có ý kiến!

Mãi tới năm 1884, với phát minh ra lưu hóa cao su, kỹ nghệ sản xuất bao cao su mới bùng nổ. Tuy nhiên thời đó người ta vẫn rửa bao trước và sau khi dùng để có thể…lưu dụng bao cho tới khi thủng hoặc rách mới phế thải! Cuộc bùng nổ trong công nghệ chế tạo bao cao su lần thứ hai xảy ra vào năm 1930 bằng vật liệu đặc biệt dưới dạng nhựa lỏng và sau đó bằng nhựa tổng hợp. Bao cao su từ đó cứ ngày một mỏng dần. Độ dày của bao chế tạo tại Pháp được quy định tối thiểu 0,04mm và tối đa là 0,07mm. Kỷ lục về độ mỏng ngày nay thuộc về một nhãn hiệu Nhật là 0,03mm, nghĩa là mỏng chỉ bằng một phần ba tờ giấy vấn thuốc lá! Chúng ta cứ gọi chung là bao cao su nhưng cái bao lắm chuyện này có nhiều…húy lắm. Dân Việt dính chết chúng với từ “áo mưa”, loại áo mưa mặc khi trời không mưa! Còn tên bằng tiếng Anh thì khởi sắc hơn nhiều: love socks (vớ tình), the goalie (người thủ thành), love glove (găng tay tình yêu), Johnny bag (bao Johnny), sheaths (bao kiếm), raincoat (áo mưa), gentleman’s jerkins (áo chẽn da của quý ông).

Ngày nay người ta làm bao cao su ra sao? Họ dùng khuôn thủy tinh đặt trong bồn, đổ vào bồn một dung dịch mủ cao su, cho thêm vào các chất làm bằng lưu huỳnh để giúp lưu hóa cao su. Phương pháp này đảm bảo được đặc tính dẻo và bền của bao. Khi khuôn được lấy ra khỏi bồn dung dịch, người ta để lớp cao su bám vào khuôn khô dần, rồi cho vào bồn lại. Một bao cao su gồm nhiều lớp mủ cao su chồng lên nhau. Sau đó, sản phẩm  được cho vào lò có nhiệt độ từ 100 đến 200 độ C. Cuối cùng là lấy bao ra khỏi khuôn bằng cách dùng tia nước áp lực cao, làm khô, cuộn lại và đóng bao. Trước khi đóng bao phải kiểm tra sản phẩm. Đây là giai đoạn rất cần thiết và phải làm một cách hết sức tinh vi nếu không thì bao…vô dụng! Người ta chọn mẫu trong số bao sản xuất, đổ đầy nước vào để kiểm tra độ kín, dùng tạ nặng 8 kg kéo giãn ra, thổi phồng lên, đo kích thước. Tiêu chuẩn đạt được để tung ra thị trường là bao không bị bể lúc được thổi vào 40 lít không khí và phải bền trong thời gian xử dụng kéo dài là…166 giờ!

Bao cao su ngày nay nằm lềnh khênh khắp các tiệm thuốc tây, hàng tạp hóa, quầy khách sạn, nhà nghỉ, và thậm chí cả trong những chiếc máy bán hàng tự động đặt trong các phòng vệ sinh nam. Chỉ cần với tay một cái là có ngay. Vậy mà vẫn có người khốn đốn vì duyên nợ với chiếc bao tình này. Đó là một nhà thơ miền Bắc tên Tuân Nguyễn. Trong hồi ký “Người Bạn Lính Cùng Một Tiểu Đội” (Văn Học, California, số tháng 9 & 10/2005), nhà thơ Phùng Quán đã kể về anh nhà thơ đặc biệt này, người đã phê bình thơ của Phùng Quán là “hai mươi câu đầu để giữ gìn trật tự, hai mươi câu cuối chuẩn bị cho người nghe vỗ tay, còn đoạn giữa là vè! Cậu phải học luật thơ Đường làm cái vốn cơ bản, sau đó phát huy thành các thể thơ tự do mới hy vọng thơ có thể khá lên được!”. Thế còn thơ của Tuân Nguyễn như thế nào? Chúng ta thử đọc một bài thơ ngắn, bài  “Nghe nhạc Strauss”.

Sóng sông Hồng bỗng xanh màu Danube
Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao…
Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp
Những người nước lạ phải lòng nhau…

Bài thơ được đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam vào đầu thập kỷ 1960. Lập tức bài thơ nổi tiếng. Độc giả trẻ truyền tụng cho nhau, nhiều đôi trai gái chép vào sổ tay tặng nhau. Cái bút hiệu ngược ngạo Tuân Nguyễn chẳng phải là cái tên của…Việt kiều, mà vì cái tên thật Nguyễn Tuân của anh đã bị nhà văn quá nổi tiếng Nguyễn Tuân xài rồi nên phải đảo ngược lại. Nhưng thôi, văn thơ đến đây là đủ, chúng ta nói chuyện anh chàng Tuân Nguyễn với…bao cao su! Vốn là một học sinh trường Providence, đã đỗ Tú Tài Toán, Tuân Nguyễn vẫn rất ngây thơ với đời. Phùng Quán và anh đã có một tình bạn bất chấp thế sự. Khi Phùng Quán bị cô lập vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm, anh vẫn hồn nhiên lui tới và giúp đỡ Phùng Quán. “Trong khi bạn bè thân thích, kể cả máu mủ ruột thịt, người yêu, đều xa lánh tôi, thì Tuân Nguyễn vẫn gắn bó, cưu mang tôi. Mặc dầu lúc này anh là người có chức danh của một cơ quan quan trọng, bắt đầu có tiếng tăm trên thi đàn. Tuân mò tìm được nơi tôi tá túc, thường xuyên mang cho tôi áo quần, tem gạo, phiếu thịt, kẹo, thuốc lá căng tin… Mỗi lần đem cho như vậy, Tuân rất sợ tôi mếch lòng, tủi thân, nên bao giờ cũng tìm cách nói thác. “Có bộ áo quần mình thuê may hỏng, mặc rộng thùng thình cứ như áo tế. Cậu đậm người hơn mặc giùm mình cho đỡ phí”. Một nhà báo ngoại quốc có nhận xét người Việt Nam ta rất có đầu óc hài hước. Hài hước ngay cả trong việc sản xuất bánh kẹo. Ngoài bao bì đề kẹo cứng thành kẹo mềm muốn chảy nước. Nếu để kẹo mềm thì cắn muốn vỡ răng. Này, cậu khỏe răng ăn giúp mình hai gói kẹo mè này!”. Khi Tuân Nguyễn được đổi vào làm việc tại Sài gòn, anh nhường lại căn buồng ở Hà nội cho người chủ cũ với giá của nhiều năm trước, khi anh mới mua là 600 đồng mặc dù giá thị trường lúc đó phải cả ngàn đồng. Ai cũng cười. Anh gân cổ lên cãi: “Mình mua của người ta sáu trăm, mình có quyền gì được bán lại một nghìn?”.

Con người thơ…lẩn thẩn như vậy nên mới xảy ra chuyện cái bao cao su. “Tôi dắt Tuân đi loanh quanh trong xóm xem hoa. Lúc sắp ra về, Tuân chợt hỏi tôi, giọng hơi ngập ngừng:
“Cậu có đồng tiền vàng không, cho mình một đồng…”
Tôi ngạc nhiên: “Đồng tiền vàng? Cậu làm như mình là tay sưu tập tiền cổ không bằng?”
Tuân đỏ mặt: “Không phải. Nó là…cái ấy ấy mà…”
Tôi chợt hiểu ra, bật cười. Cái ấy là cái bao dương vật bằng cao su của Tiệp Khắc sản xuất. Mỗi cái được đựng trong cái hộp nhỏ, tròn và dẹt, in hình đồng tiền vàng cổ trên giấy kim. Ngày đó, “đồng tiền vàng” là loại hàng cung cấp đặc biệt. Muốn mua nó phải có giấy của công đoàn cơ quan, hoặc của chi hội phụ nữ sở tại chứng nhận: người mua đã có vợ, mua để dùng cho sự sinh đẻ có kế hoạch…
Tôi hỏi Tuân: “Nhưng cậu cần đồng tiền vàng làm gì? Chắc có đối tượng nào cậu định tòm tem hẳn?”
Tuân càng đỏ mặt tợn: “…Ở cơ quan mình nghe tụi nó thì thào hỏi xin nhau đồng tiền vàng… Mình không biết hình thù nó thế nào, muốn xem cho biết. Để miêu tả khi cần đến, trong văn xuôi chẳng hạn…”

Phùng Quán làm gì có. Ông có thuộc biên chế cơ quan nào đâu. Ông chỉ Tuân đi hỏi tay H., người lúc nào cũng có tiền vàng trong túi.

“Một sự rủi ro đầy tính chất bi hài mà hình như số phận đặc biệt dành cho loại người như Tuân. Sáng ngày 21 tháng 10 năm 1964, trước giờ làm việc Tuân Nguyễn gặp H. ở cổng cơ quan. Tuân rất ngạc nhiên, H. vốn là tay “đại nghệ sĩ” thường xuyên đi muộn về sớm, thường xuyên bị thủ trưởng phê bình, sao bữa nay lại chăm chỉ thế không biết? Có lẽ hôm nay trời đi vắng!
Về sau này, mỗi lần hồi tưởng lại sự việc ngày hôm đó, Tuân không sao quên được chi tiết này. Tuân kết luận: cuộc đời mỗi người là một kịch bản phim truyện đã được số phận đạo diễn phân cảnh. H. phải xuất hiện đúng lúc đó để tăng thêm chất bi hài của truyện phim.
Sau một phút ấp úng, Tuân hỏi xin H. một đồng tiền vàng.
“Sao cậu biết là tớ có sẵn của gia bảo ấy?” H. cười, hỏi.
“Phùng Quán nó bảo thế.”
…H. rút cái ví ở túi quần sau, mở ra lấy một đồng tiền vàng mới toe đưa cho Tuân: “Trước khi dùng cậu nhớ K.T. (kiểm tra) cẩn thận, H. dặn, không lỡ nó thủng thì bỏ mẹ.”
Tuân đỏ mặt nói: “Mình chỉ muốn xem cho biết thôi.”
H. nói: “Ba mươi tuổi đầu mà chưa biết mặt mũi đồng tiền vàng như thế nào thì cậu là thằng hâm!... Cậu phải bơn bớt sách vở, thêm chất sống sít của cuộc đời thường vào mới hy vọng với tay đến Đốt được!” (Tuân Nguyễn vốn rất hâm mộ và muốn viết theo kiểu của nhà văn Nga Dostoievsky).

Khoảng chín giờ hơn hôm đó, Tuân bị công an đến tận phòng làm việc đọc lệnh bắt giữ. Họ bắt anh bỏ hết đồ đạc mang theo trong người lên bàn để lập biên bản. Về sau, Tuân kể lại giây phút nhớ đời đó.“Nghe xong lệnh bắt, khắp người mình toát mồ hôi hột. Nỗi hoảng sợ làm thần kinh mình hầu như tê liệt. Như cái máy, mình móc hết túi áo túi quần, bỏ đồ đạc lên mặt bàn. Nhưng khi bỏ cái đồng tiền vàng lên mặt bàn, mình bỗng tỉnh trí lại. Chính nỗi hổ thẹn đã làm cho mình tỉnh trí.”

Mười năm sau, Tuân ra khỏi tù, tìm đến nhà Phùng Quán. “Sắp đứng lên ra về, Tuân Nguyễn như chợt nhớ điều gì: “Ơ này, cậu có đồng tiền vàng nào không?”
Tôi ngạc nhiên: “Đồng tiền vàng nào?”
“Thì…đồng tiền vàng ấy mà… Cuối cùng, đến hôm nay mình vẫn chưa được biết mặt mũi nó thế nào…”
Tôi bật cười mà hai mắt cay lệ. Tôi ôm lấy đôi vai lục cục những xương của bạn nói: “Chán quá, mình không có… Một ước muốn nhỏ nhoi như vậy mà mười năm không thực hiện được thì kể ra cũng…vui thật. Cuộc đời vui quá, không buồn được - tôi ngâm câu thơ của chính cậu ta làm - Nhưng mình nhất định sẽ lùng cho cậu hẳn một chục đồng tiền vàng, xem thoải mái!”
“Lần này không phải chỉ để xem - Tuân nói - mà mình sẽ dùng. Được hẳn một chục đồng thì còn gì bằng! Mình sắp lấy vợ!”

Vợ Tuân là Phương Thúy, con của Hoài Chân, đồng tác giả cuốn Thi Nhân Việt Nam cùng với Hoài Thanh.

Hai vợ chồng vào Nam. Tuân dậy học tại trường cấp ba Thanh Đa, nằm trong cư xá Thanh Đa. Tôi là đồng nghiệp với anh tại đây. Anh thích nói chuyện với tôi. Toàn những chuyện…phản động. Đầu tiên tôi hơi ngại vì sợ bị gài bẫy. Tôi vốn là dân đi học tập cải tạo về! Nhưng dần dần cái tâm của anh đã thanh minh cho anh. Biết được tôi đã nộp hồ sơ đi Canada, anh bảo nhỏ tôi là có dịp anh sẽ kể cho tôi chuyện bí mật của cung đình Hà nội để tôi viết khi ra nước ngoài. Anh chưa kịp kể thì đã ra người thiên cổ vì một tai nạn giao thông!

Hồi đó, mỗi đầu tháng, chi hội phụ nữ trong trường thường phát cho các nam giáo viên có gia đình tiêu chuẩn bao cao su tránh thai. Cô giáo viên phụ trách là một cô giáo chưa chồng. Cô ngượng nghịu dúi vào tay mỗi người một bọc 10 cái. Thường thì chúng tôi vội bỏ vào túi. Riêng Nguyễn Tuân nâng cặp kính cận, nhìn chăm chú những chiếc bao được gói vuông vức dính liền với nhau, rồi mới cẩn thận bỏ vào cặp. Có lẽ anh vẫn còn ngạc nhiên vì chúng không mang hình dáng những đồng tiền vàng chăng?

11/2005