Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

TIP

Về Sài-gòn, đi ăn phở, khi trả tiền, tôi để lại tiền tip, đứa cháu đi cùng gạt đi. Ở đây không ai cho tip cả! Thế nhưng “bo” thì có. Tắm hơi, hát karaoke, hớt tóc, massage…thì phải bo. Không bo thì không giống ai. Đó là theo lời kể của ông Trường Kỳ trong bài viết “Saigon và xa hơn nữa” tường trình về chuyến về Việt Nam mới nhất vào dịp Tết Bính Tuất của ông ấy. Không nhờ ông Trường Kỳ, sức mấy mà tôi biết được những chuyện…tế nhị như vậy. Chẳng hạn như đi massage:“Để cạnh tranh và nhất là nhắm vào số tiền bo của khách, nhiều cô ở một số tiệm còn “bonus” cho khách một màn đấm bóp “extra”. Và bạn nên biết rằng màn “extra” đó càng lâu và đôi khi có phần nhạy cảm bao nhiêu thì số tiền bo của bạn cũng cần phải được “nâng cấp” bấy nhiêu. Nếu không sẽ gây ra một tình trạng “bức xúc” nơi các cô.” Như vậy phải chăng là ăn thì khỏi cần tip mà chơi thì phải bo?

Tip và bo thì một thứ chứ mấy. Một bên là tiếng Tây một bên là tiếng Hồng Mao. Do đâu mà có chữ tip? Theo ông Giáo sư Kinh Tế học Ofer Azar của Đại Học Northwestern thì chữ này có từ thế kỷ thứ 16. Hồi đó, nhà hàng có để một cái bình bằng đồng để khách hàng thưởng cho nhân viên phục vụ. Trên bình đó có hàng chữ: “To Insure Promptitude” (Để Bảo Đảm Nhanh Chóng). Sau này, để cho  được mắt hơn, người ta viết tắt là TIP. Lại có một thuyết khác cho là chữ tip từ chữ Hòa Lan tippen (nghĩa là Gõ)mà ra. Khách cầm đồng bạc gõ cho nó kêu leng keng để gọi hầu bàn rồi tiện tay tặng cho họ luôn! Còn boa thì không rắc rối thuyết nọ thuyết kia như vậy. Nó đích thị từ chữ “pourboire” (Để Uống) của mấy ông tây mà ra. Uống gì thì…tùy nghi. Thường thì người ta nói với người làm dịch vụ cho mình là uống cà phê! Thì cà phê chứ uống trà thì bèo quá mà uống rượu thì sang quá. Cứ cà phê cà pháo cho nó…đúng cỡ!

Như vậy, ở Việt Nam, thời buổi này không có tip mà chỉ có bo. Nghe thì tưởng giống nhau nhưng chúng khác nhau một trời một vực. Tip thì có định mức, còn bo thì…lung tung, ít nhiều tùy người đối diện. Thông thường thì bo đã phải là một số tiền kha khá rồi, ít nhất là khá hơn tip. Nhưng nếu chuyện phục vụ càng đi xa thì số tiền bo càng dầy thêm. Đi tới bến thì bo hết biết!

Cách bo lại là chuyện khác. Trong chốn ăn chơi có muôn ngàn cách bo. Tôi thì tư cách gì mà biết hết được. Chỉ nghe nói một vài cách thông thường và tình cảm nhất. Như trên sân khấu thì nhét tiền vào cành hoa giấy, khi trao hoa có nhân này cho nữ ca sĩ thì ôm hôn một phát cho đáng đồng tiền bát gạo. Còn những chỗ không phải là sân khấu thì nhét tiền vào nịt ngực của các em. Đó là cách thông thường, còn các cách đặc biệt thì nhét vào đâu, tôi thật tình không được tường tận. Chuyện ở tỉnh thành thì nó như vậy, chuyện bo ở thôn quê thì…tình nghĩa hơn. Nhà văn chuyên viết truyện đồng quê Nguyễn Ngọc Tư, trong truyện ngắn “Biển Người Mênh Mông”, đã cho nhân vật Sáu Đèo bo như sau: “Ông Sáu Đèo làm nghề bán vé số, có tối ông gặp Phi ở ngoài quán… Lần nào ông cũng đứng nghe anh hát, hết bản, vỗ tay xong, ông cũng “boa”, không phải cái kiểu kẹp tờ giấy bạc giữa hai ngón tay rồi phe phẩy trước mặt anh, ông từ tốn rút trong túi ra tờ giấy bạc hai ngàn, nhét vào túi Phi rồi cài nắp túi cẩn thận. Trân trọng như trân trọng người nghệ sĩ.”

Ở bên đây, vào chốn ăn chơi, lối bo lại càng khác hơn. Cứ lấy ví dụ một chốn ăn chơi thường thường bậc trung mà thỉnh thoảng tôi được tháp tùng khi anh em chiêu đãi các bạn văn từ xa tới chơi đi nhé. Đó là các tiệm nhảy không quần áo. Đúng hơn là có quần áo nhưng lúc nhảy chẳng biết sao mà quần áo cứ từ từ rơi dần xuống sàn nhảy! Bước vào cửa, đụng ngay mấy ông hộ pháp gác cửa kiêm dẫn khách vào bàn. Chưa ngồi xuống ghế, các ông ấy đã chìa tay ra. Phải hiểu ngay là…bo. Xỉa tiền ra, các ông ấy đếm đàng hoàng, thấy chưa đúng chỉ số, các ông ấy cười một nụ cười rất khó tả, nửa như khinh thường nửa như đe dọa, ngón tay các ông ấy lại vê vê chờ đợi. Cũng phải hiểu ngay là nên bo thêm. Tránh….hộ pháp chẳng xấu mặt nào! Tiếp theo đó là màn một em ăn mặc hớ hênh tới hỏi khách dùng nước gì. Đừng có nghĩ ngợi xem mình có khát hay không. Vào đây khát là điều bắt buộc. Khi em õng ẹo mang nước tới là phải rút ví ra ngay. Lệ ở đây là trả tiền trước, chẳng ai tin ai được! Trả tiền cũng chẳng nên đãng trí quên mất tiền bo, thường thì từ 15% đến 20% tiền nước. Quên sẽ được nhắc một cách hết sức khó chịu. Sau thủ tục đầu tiên đó, khách có quyền ngồi phè ra nghếch mặt lên sàn nhảy coi đèn xanh đèn đỏ chớp tắt theo điệu nhạc. Nếu bạn thuộc loại cận thị nặng muốn nhìn cho gần hơn thì có quyền chọn em nào bạn thích xuống bàn nhảy ngay trước mắt cho dễ thấy. Dĩ nhiên dịch vụ này bạn phải trả tiền thêm. Lại phải nhắc bạn là chớ quên tiền bo thêm cho em để em ban cho một nụ cười ôm về tối ngủ tha hồ nằm mơ!

Đó là bo theo kiểu chơi…bình dân. Đi ăn ở bên đây thực khách phải tip. Đó là điều bắt buộc. Ăn xong, trí óc chúng ta khỏe khoắn, thường hay nghĩ ngợi. Tip bao nhiêu thì vừa? Thường thì khoảng 15% tiền ăn uống. Nhưng cũng tùy đẳng cấp của tiệm. Tiệm sang thì người ta chờ đợi bạn cho nhiều hơn. Có tiệm cẩn thận hơn thì ghi ngay số tiền tip bạn phải cho vào hóa đơn cho tiện việc sổ sách. Họ có hảo ý giúp bạn khỏi phải mệt óc suy nghĩ đó thôi. Lại còn tùy địa phương nữa. Ở những thành phố thông thường thì lệ cho tip cũng thường thường bậc trung. Nhưng ở những nơi được tiếng là thành phố ăn chơi như Las Vegas chẳng hạn thì người ta muốn bạn hiểu ngầm là số phần trăm của tiền tip phải cao hơn những thành phố cùng mằng khác.

Tại sao phải tip nhỉ? Tôi ăn rồi, trả tiền rồi là có quyền đứng dậy thơ thới ra về. Luật nào bắt tôi phải chi ra thêm tí tiền mới được rời nhà hàng nhỉ? Đó là…hủ tục của các ông quý tộc bên Âu châu từ hồi thế kỷ thứ 16 lận. Bạn thử đặt địa vị vào một nhà quý tộc thời xa xưa đó nhé. Khi bạn cưỡi xe ngựa tới thăm một nhà quý tộc bạn, bạn sẽ ở lại chơi vài ngày, ngựa đâu có uống xăng mà đi về trong ngày được! Trong vài ngày đó, kẻ ăn người ở trong nhà bạn ở lại phải phục vụ bạn. Họ phải vất vả hơn vì ngoài công việc thường nhật của họ, họ phải hầu hạ thêm cho bạn nữa. Vậy là khi về, bạn phải cho họ tiền để đền công cho họ. Thế là tip ra đời. Nhưng thời đó người ta không gọi là tip mà gọi là valis (cử chỉ ngả mũ nghiêng đầu chào). Nếu bạn không valis thì lần sau bạn tới sẽ gặp nhiều điều phiền phức, phiền từ con ngựa của bạn tới bản thân bạn. Valis trở thành một tệ nạn. Mất vui đi! Nhiều nhà quý tộc ở Tô Cách Lan, vào năm 1760, đã họp nhau lại và quyết định từ nay bỏ cái tục valis vô duyên này đi. Bốn năm sau, các nhà quý tộc ở Luân Đôn tính bắt chước. Nhưng trong khi đang hội họp thì các người hầu đi phá phách, đập bể đèn và cửa kính. Vậy là hành động đòi quyền sống của họ thành công. Valis vẫn ngang nhiên sống. Không những sống mà còn sống hùng sống mạnh hơn. Bởi vì giới bình dân muốn chứng tỏ mình cũng sang như các nhà quý tộc nên cố bắt chước. Vậy là valis có một nạn nhân: nhà văn Nhất Linh của chúng ta!
Trên báo Phong Hóa, vào năm 1935, văn hào Nhất Linh đã viết phóng sự “Đi Tây” luận một cách rất…phiếm về chuyện mà ngày nay chúng ta gọi là “bo”.

“Vào bất cứ hàng cơm nào ở bên Pháp thì cũng có bồi chạy ra hỏi han, hầu hạ và đòi mình cho tiền. Tiền ấy ở bên Pháp gọi là “tiền để uống rượu”; cho tiền uống rượu là một cái lệ không thể bỏ được. Nếu ai đãng trí quên thì người bồi tìm cách nhắc nhở một cách khéo léo. Đại khái họ nói:
- Tôi chắc ngài là một vị thông thái.
Mình nở mũi hỏi:
- Sao bác biết?
Người bồi cười một cách rất có duyên:
- Các vị thông thái hay đãng trí.
Tất nhiên mình sẽ móc túi đãi bác ta tiền ngay để tỏ ra rằng mình đã hiểu ý nghĩa sâu xa của câu bác nói: mình quả là một vị thông thái, nhưng không đãng trí. Nếu mình nhất định bỏ cái lệ ấy đi, thì người bồi tìm cách nhìn mình như nhìn một nhà cải cách nguy hiểm và đáng ghét, lần sau không thèm gặp nữa… Vì có cái lệ đó, cố nhiên là không dễ chịu cho khách hàng -  nhất là cho chúng tôi những khi hết tiền. Vốn lệ phải cho mười phần trăm món tiền mình tiêu. Ăn bữa cơm mất năm hào thì phải trả năm hào rưỡi; mất năm hào ba thì phải trả sáu hào cho “gọn số”. Bằng bẩy xu ấy, chiều có thể mua bánh tây ăn đỡ đói được, nhưng vì cái lệ phải mất bẩy xu, nên chiều đành uống nước lã để ông bồi có ‘tiền uống rượu’”.

Dân miền Tân Thế Giới, vốn là những kẻ khố rách áo ôm hay phạm nhân từ bên chính quốc Âu Châu bị lưu đầy sang miền đất mới, nên khi ăn nên làm ra một chút là cũng học đòi các ông chủ quý tộc xa xưa ở bên chính quốc. Họ cũng làm sang tip tiếc tưng bừng. Khi bừng con mắt dậy thấy tip nó ngốn mất tiền bèn tiếc, họ…sửa sai! Năm 1915 đã có nhiều tiểu bang đặt ra dự luật cấm típ như Wisconsin, Illinois, Iowa, Arkansas, Mississippi, Nebraska, Tennessee và South Carolina. Một số tiểu bang đã chấp thuận thành luật. Tới đây, ông tòa án nhẩy vào cuộc. Họ bác vì các đạo luật này vi hiến! Chính phủ không có quyền bắt dân chi tiêu tiền của họ như thế nào vì đây là quyền tự do của người dân. Cái thứ tiền lẻ đó thế mà cũng đẻ ra chuyện lớn động tới chính phủ, tới tòa án. Kể cũng ngon!

Cuộc chiến chưa tàn. Phong trào…bài tip vẫn sống qua tới ngày nay. Năm 1916, ông William Scott đã viết một cuốn sách tiên đoán là dân Mỹ sẽ thủ tiêu cái hủ tục bắt chước các nhà quý tộc phương Tây. Nhưng ông đã lầm, cả gần một thế kỷ sau, tip vẫn tồn tại tuy báo chí thỉnh thoảng vẫn có những trận đánh du kích nhắm vào cái thứ tiền khi không mà mất. Ông nhà thơ Trầm Mặc Thiên Thu của ta, trong “Thư Quán Bản Thảo”, số 21, tháng 10/2005, cũng bắn vu vơ một hai phát đạn cho bõ ghét!

Tiền típ mười phần trăm
Tức, chỉ biết rủa thầm
Nhìn mâm, mâm chẳng nói
Nhìn đĩa,đĩa trầm ngâm.

Mười phần trăm, cứ như là thuế nộp cho nhà nước. Tức chứ! Nếu ngồi nghĩ tại sao mình lại phải cho tip thì mới thấy cái tiền này nó vô duyên. Phải chăng, khi cho tiền tip, chúng ta chờ đợi một cung cách phục vụ tốt hơn nơi những người hầu bàn? Không phải! Chúng ta chỉ cho tiền khi bữa ăn đã xong, chẳng còn cần phải được phục vụ nữa. Hay đó là tiền thưởng cho những người cung cấp cho chúng ta những dịch vụ tốt. Cũng không phải nữa!

Dù phục vụ có tốt hay không, chúng ta vẫn để lại tiền tip, chẳng nghĩ ngợi, phân biệt gì. Vậy thì chỉ có thể giải thích đây là một vấn đề tâm lý. Chúng ta để tiền lại để giải tỏa cái mặc cảm sai khiến một người khác, cũng mặt mũi tai mắt như chúng ta, bắt họ phải làm những việc mà lẽ ra chính chúng ta phải làm. Chúng ta đã chơi cha, đạp trên tinh thần bình đẳng trong xã hội, tự mình cảm thấy mình có tội nên để tiền lại để khỏa lấp đi. Ngoài ra, cho tip là một cách tự nâng mình lên, cảm thấy mình cao hơn người khác nhưng không muốn mang mặc cảm đè nén người khác nên dùng tiền để…kê bằng mọi chuyện!

Lý thuyết vớ vẩn hết! Có những người đã… xóa bài như vậy. Họ cứ thản nhiên cho tip theo ý thích của mình. Việc của cái tay cứ để cho cái tay nó làm, cái đầu chen vào làm chi cho rắc rối! Tôi cho tip vì tôi thích cho tip. Đó là ý thích của tôi, chẳng liên quan gì tới ai cả. Khi tôi nổi hứng thì tôi có quyền tự do…hứng của tôi. Có chết thằng tây nào không?

Như một ông khách già tới uống cà phê tại tiệm Njuraanger ở miền trung Thụy Điển. Uống xong, ông rung chiếc chìa khóa của chiếc xe Porsche ông đang lái trước mặt cô hầu bàn Josefin Justin, 19 tuổi, tỉnh bơ nói: “Chiếc xe này là tiền tip tôi cho cô!” Và ông để chùm chìa khóa trên bàn, cuốc bộ ra về. Nhà hàng điện thoại hỏi ông nói thật hay giỡn, ông xác nhận là ông nói thật. Ngày hôm sau, cô gái chưa có bằng lái đã dẫn bố tới mang chiếc xe về nhà. Đó là một chiếc Porsche 924, kiểu 1979, trị giá khoảng bốn ngàn đô Mỹ!

Như một ông chủ của một ngân hàng đầu tư tại Monaco vào một hộp đêm, gọi 70 chai rượu sâm-banh rồi xịt rượu ra khắp căn phòng VIP của một hộp đêm tại Luân Đôn. Trị giá trò chơi ngông của ông là cái hóa đơn 41 ngàn bảng Anh, tương đương với 73.500 đô Mỹ, bao gồm 26 ngàn bảng tiền 70 chai rượu và 15 ngàn bảng tiền thu dọn…chiến trường. Ông nhà giầu chơi ngông này ký chi phiếu thanh toán liền không quên ký thêm ba ngàn bảng Anh tiền tip!

Như mới đây thôi, tại Roanoke, tiểu bang Virginia, một bà vào ăn trưa tại tiệm Ruby Tuesday. Bà kêu bánh burger, khoai chiên và nước uống, hết tất cả 26,35 đô. Bà thanh toán tiền ăn và để lại cho cô hầu bàn Amanda Newkirk mười tờ bạc mệnh giá 100 đô tiền tip! Bà còn cẩn thận viết thêm một tờ giấy nhỏ kèm theo: “Giữ lại tiền lẻ! Chúc em một ngày vui!” Vui quá đi chứ! Cứ như là chuyện nằm mơ. Mơ nên không nghĩ là sự thực, cô hầu bàn 19 tuổi bụng mang dạ chửa này, báo cáo với viên quản lý. Theo báo Roanoke Times tường thuật lại thì việc đầu tiên anh quản lý thiếu lòng tin này làm là dùng cây bút dò tiền giả để coi mười tờ giấy trăm đô này có phải là tiền thật không. Tiền thật! Thế có lạ không chứ! Sau đó, thấy chuyện làm không có gì mà gây ầm ĩ của mình lên báo, bà mới phôn lại cho viên quản lý xác nhận đúng là bà muốn cho cô hầu bàn có bầu số tiền đó. Khi được nhà báo phỏng vấn, bà cho biết: “Số tiền đó có ý nghĩa hơn là một món tiền tip tại một nhà hàng. Tôi không cần số tiền này. Nó có thể giúp cho một người cần tới nó hơn. Thượng Đế đã cho tôi gặp được cô bé. Thượng Đế đã trả lời ước muốn của tôi!” Điều tra thêm, nhà báo tiết lộ bà tên là Erin Dogan, 28 tuổi, góa chồng hồi năm ngoái. Bà thích đi shopping và bà có thể tiêu số tiền một ngàn đồng này một cách dễ dàng trong các cửa tiệm tại một mall kế nhà hàng. Nhưng bà đã quyết định tiêu vào chỗ đáng tiêu hơn!

Tip mười phần trăm mà cứ đòi “tức, chỉ biết rủa thầm”, xem ra quê một cục!

03/2006