Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mũi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

CỔ

Cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, tại ngôi nhà xây trên một nền nhà xưa của học giả Trương Vĩnh Ký ở Saigon, có bà H. M. Ph. , chủ nhà và là người đầu tiên chơi đồ cổ. Một buổi sáng năm 1939, có một thanh niên muốn tới xem đồ cổ ngoạn. Bà Ph. khi đó đã ngoại bát tuần mà còn nhanh nhẹn như một người chỉ độ lục tuần, đang ngồi rửa mặt, nhìn thấy cậu thanh niên còn trẻ nên không sốt sắng lắm. Bà chỉ sơ những món trưng bày gần chỗ bà ngồi cho có lệ. Cậu thanh niên vừa coi vừa bình phẩm. Khi cậu xin cáo từ thì bà mời lên nhà trên, nơi có bộ sưu tập đồ cổ chánh thức. Đủ các loại đồ cổ: be, bầu, ngõng, hũ chóe, nai, nậm, nhạo, vò chum… Cái nào cái nấy thật cổ, thật quý, đáng coi là danh bất hư truyền. Thấy cậu thanh niên cũng sành sỏi, mắt bà lóng lánh vui. Bà mời cậu thanh niên lên lầu xem những đặc phẩm thuở nay ít cho người lạ coi. Căn lầu quả là một tháp ngà chứa đầy bảo vật. Hạt hổ phách lớn bằng trái mù u chưa lột vỏ, ngọc mã não, bộ đồ trà làm bằng ngọc lưu ly, đấu rượu bằng sừng tê giác, lục bình loại lớn men lam chấm “sơn thủy”… Nhưng quý nhất  là những bộ chén trà và tô uống trà có thơ nôm hoặc hiệu đề đúng vào những năm đi sứ của các sứ bộ Nguyễn triều hoặc những bình tích Mạnh Thần, Thế Đức thật cổ, thật xinh.

Chàng thanh niên đó là Vương Hồng Sển, sau này trở thành một tay sưu tầm cổ vật nức tiếng. Trong thời gian dậy học tại trường Đại Học Văn Khoa Saigon, cụ Vương đã cố truyền cái say mê đồ cổ ngoạn cho đám sinh viên nhưng số người theo cụ có cái thú…xưa như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay. Chơi đồ cổ là một cách tìm về những bảo vật trong quá khứ một cách thích thú nhất. Người ta được trực tiếp tiếp xúc, sờ bằng tay, mân mê không biết chán những tác phẩm nghệ thuật của người xưa. Từ một món đồ cổ cầm trong tay, người ta có thể lạc vào cả một thời đại, tái tạo được cuộc sống lịch sử của thời gian đã mất. Tìm về quá khứ là một cuộc hành trình đầy nhọc nhằn nhưng không kém thú vị của những tâm hồn đam mê.

Nguyễn Anh Huy là một người đam mê như thế. Thú chơi của anh là săn tìm các đồng tiền cổ. Tiền cổ dĩ nhiên không tiêu được, nhưng bán đi thì được quá chứ. Như đồng Tĩnh Khang thông bảo của triều Tống Khâm Tông (1126-1127), đồng Chu Nguyên, đồng Trị Bách Ngũ Thù của Lưu Bị thời Tam Quốc, đồng Hàm Nghi thông bảo chẳng hạn thì bán được bao nhiêu? Muốn biết giá trị của chúng thì cứ thử nghĩ như thế này: hiện trên thế giới, mỗi đồng tiền cổ này chỉ còn sót lại bằng con số có thể đếm được trên đầu ngón tay. Riêng đồng Hàm Nghi thông bảo, tại nước ngoài chỉ còn 2 đồng: một tại Bảo Tàng Viện Tiền Tệ Pháp, một tại Nhật! Đồng thứ ba có trong bộ sưu tập của anh Huy! Nó hiếm bởi vì vua Hàm Nghi chỉ mới cho đúc thử được có 4000 đồng thì bị lưu đầy, đến khi vua Đồng Khánh lên nối ngôi thì đồng tiền này bị thu hồi và hủy bỏ. Làm sao mà anh Huy có được những thứ độc như vậy? Đó là công lao của 23 năm cuồng si theo đuổi những đồng tiền cổ đến nỗi khi đang học năm thứ 5 Đại Học Y Khoa Huế, anh đã định bỏ học y khoa, quay qua học sử. Sử học chẳng xa lạ gì với anh, tiếng Hán cũng vậy. Ngay từ nhỏ, anh đã bỏ công học hai môn này chỉ vì lòng say mê những đồng tiền cổ. Lòng say mê này, anh thừa hưởng của ông bố, ông Nguyễn Văn Cường, người đã cả gan bán máu để lấy tiền đi mua tiền cổ. Anh Huy không bán máu như bố nhưng anh đã từng ngủ ở lề đường trong thành phố lạ trên đường đi lùng tiền cổ vì có bao nhiêu tiền anh đã dốc hết ra để mua…tiền! Năm nay 38 tuổi, bác sĩ Nguyễn Anh Huy là hội viên Hội Tiền Tệ Học Hoa Kỳ.

Linh Mục Nguyễn Hữu Triết, cha sở nhà thờ Tân Sa Châu, quận Tân Bình, Saigon, năm nay đã 60 tuổi mà cũng…thanh niên như ông Bác sĩ 38 tuổi Nguyễn Anh Huy. Khi cha Triết thụ phong linh mục thì anh Huy mới được 5 tuổi. Bác sĩ mê tiền cổ thì Linh Mục mê đèn cổ. Cứ rảnh rỗi được một chút là cha Triết lại lên đường đi tìm…đèn! Cái đam mê của linh mục Triết, cũng giống như anh Huy, bắt nguồn từ ông bố. Bố ông là một thầy đồ, vừa dậy học vừa bốc thuốc ở làng Ngọc Lý, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông cụ thích đồ cổ. Nhà nghèo mà ông cụ cứ nhất định ôm hai món đồ cổ , nâng niu như một bảo vật bất ly thân là bộ ấm chén men lam và chiếc điếu cầy đời Đạo Quang (Trung Quốc). Trong nhà không ai được đụng đến hai bảo vật này. Thái độ cẩn trọng này đã ảnh hưởng đến cậu con trai, trở thành một nỗi ám ảnh của tuổi thơ. Lớn lên, mặc dầu đã dâng mình cho Chúa, ông cha Triết vẫn say mê đi theo tiếng gọi của…ám ảnh tuổi thơ! Bộ sưu tập của cha Triết ngày nay gồm gần 400 chiếc đèn cổ. Xưa nhất là chiếc đèn Đông Sơn có niên đại từ 2000 đến 2500 năm trước. Kế đó là những chiếc đèn Chăm có từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 12. Rồi các loại đèn xuất hiện trong các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cây đèn cao nhất, cao đến 1 thước rưỡi, là cây đèn của Ấn Độ có từ đầu thế kỷ 20 và thắp được thành 5 ngọn lửa lớn. Cây đèn lớn nhất xuất xứ từ Pháp sản xuất năm 1914, bình dầu chứa được đến 7 lít rưỡi dầu. Ngoài đèn Việt Nam, bộ sưu tập của cha Triết còn có đèn của Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Tân Gia Ba, Pháp, Đức, Anh… Toàn thể tự tay cha Triết sưu tầm ngoài một chiếc đèn sứ cổ được mua tại Mỹ, nhưng không phải do ông mua mà là quà tặng của một người bạn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân.

Cha Triết có hai tay, một tay cho đèn cổ, còn một tay cho sách cổ. Bộ sưu tập sách của cha gồm khoảng trên 1000 cuốn có tuổi từ 50 năm trở lên. Cổ nhất là cuốn Dịch Kinh Đại Toàn Hội Giải, in năm Khang Hy, Tân Dậu 1681. Nhưng cuốn Ấu Học Chỉ Nam của Đặng Công Toàn, in năm Vĩnh Thịnh thứ 14, đời Lê Dụ Tông 1718, mới là cuốn cha thích nhất. Bởi vì nó là sách Việt Nam. Nơi in được ghi rõ là: Đại Việt Quốc, Quảng Nam xứ, Quy Ninh phủ, Phù Ly huyện!
Cùng mang niềm say mê như cha Triết là người dân Sài Gòn ngày nay. Thành phố văn hóa này có nguyên một phố sách cũ là đoạn đường Nguyễn thị Minh Khai gần bùng binh Ngã Sáu. Phố sách cũ quy tụ khoảng 40 nhà sách toàn bán sách cũ. Sách cũ là những sách mua đi bán lại nhưng sách cũ cũng là những cuốn sách xưa bây giờ không còn lại được bao nhiêu. Sách của miền Nam trước 1975 là loại sách xưa này. Rất quý vì chúng chẳng còn được bao nhiêu sau khi hàng ngàn tấn sách bị thiêu đốt giữa tiếng hò reo man dã của những người tự coi là chiến thắng. Cuốn Từ Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ, bản gốc, một bộ gồm hai cuốn, đã có lúc là cơn sốt cho những người lùng mua. Có người phải ra tới…Hà Nội để lùng một cuốn sách in ở Sài Gòn năm xưa với cái giá 1 triệu rưởi đồng! Cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của, dù đã được tái bản năm 1974, nhưng nay vẫn…sốt với cái giá 700 ngàn đồng một bộ gồm hai cuốn. Dân chơi sách cổ đã phát sốt hai năm trước đây khi cuốn sách này, bản gốc, in lần đầu vào năm 1896, bất ngờ xuất hiện tại Gò Vấp. Dân chơi sách từ Hà nội cũng vội vã vào Sài Gòn để tham gia cuộc chơi. Bản sách quý này đã được chủ nhân của nó, một ông giáo già ngậm ngùi rao bán vì mắc bệnh nan y cần tiền thuốc thang. Giá được đưa ra là 2 triệu rưởi đồng. Cuốn sách đã sờn gáy, giấy úa vàng. Nhưng sách đã được bán với giá gấp đôi giá đưa ra. Đây là một câu chuyện cảm động. Một người học trò cũ của ông giáo, biết được tình cảnh của thầy mình, đã cho người nhà tới mua với giá không ai tranh dành được để thầy có tiền chữa bệnh. Về sau, theo như tin tức từ giới chơi sách thì anh học trò này đã mang bản sách đến tặng lại cho thầy mình! Anh đã nâng cái thú thành một cái đạo. Không chỉ là đạo sách, mà còn là đạo làm người!

Có thực mới vực được đạo. Đó là lời dậy rất thực tế của người xưa. Anh học trò có tiền trong túi mới…hành đạo được. Hành hai cái đạo một lúc. Không có tiền thì hành nửa cái đạo cũng không xong. Như kịch tác gia Trần Lê Nguyễn chẳng hạn. Trong cuốn truyện Giữa Đêm Trường, Nguyễn Thụy Long đã kể lại như thế này: “Trần Lê Nguyễn là một nhà văn, đúng ra là một kịch tác gia, nổi tiếng với cuốn  Bão Thời Đại của anh xuất bản từ năm 1956. Sau năm 1975 anh không còn cầm bút nữa, không đụng chạm gì đến chữ nghĩa, văn chương. Anh đi chạy chợ trời như những nhà văn nhà thơ hết thời khác.. Nhưng tôi vẫn thấy anh luyến tiếc cái gì đó ở nghệ thuật, tìm lại những bức tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh sơn mài của những họa sĩ quen tên xưa: Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung. Tôi nói với anh nếu những bức tranh này phải bán đi thì tiếc thật. Anh cười, chuyện mua bán mà!”

Đã dính tới mua bán là dính tới lợi nhuận. Chuyện nghệ thuật, chuyện giá trị tinh thần, chuyện đam mê… Bỏ hết! Ngay cả lương tâm nhiều khi cũng là đồ bỏ. Chắc nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ chuyện ông dân biểu đánh cắp tượng Chàm mang ra ngoại quốc bán bị bắt quả tang khiến mang chết cái tên  Dân Biểu Tượng Chàm! Ông Dân Biểu đáng thương này đã sanh nhầm thời. Chỉ có mỗi một pho tượng Chàm mà ầm ĩ! Ngày nay một pho tượng cổ bị mất cắp thì có đáng chi. Hàng trăm tượng cổ bị quân gian thỉnh đi mà chính quyền cũng không cho là quan trọng, không báo cáo, không truy tìm mà cũng chẳng thèm bảo vệ. Đó là tình trạng đang xảy ra tại các chùa chiền đình miếu ngoài Bắc. Chỉ nguyên tại tỉnh Vĩnh Phúc, nằm cách Hà Nội chỉ một trăm cây số, trong bốn tháng đầu năm 2005 đã mất gần một trăm pho tượng cổ, 37 đạo sắc phong gốc, 4 hạc thờ cổ và hàng trăm hiện vật quý giá có niên đại hàng trăm năm như: kiệu, thanh chấp kích, đỉnh đồng, khảm thờ, chóe sứ, bát hương… Theo tin của Thông Tấn Xã Việt Nam thì riêng tại chùa Biện Sơn thuộc thị trấn Yên Lạc đã xảy ra 4 vụ trộm làm mất toàn bộ 31 pho tượng cổ. Đình Nội Đồng xã Đại Thịnh (Mê Linh) mất 8 đạo sắc phong cổ gốc.

Mất như vậy, chuyện nhỏ! Báo Ngôi Sao, trong bản tin ngày 6/6/2005, đã la thất thanh: “Táo tợn, liều lĩnh, đó là hành vi của những tên trộm cổ vật ở các tỉnh phía Bắc. Tại chùa Biện Sơn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, một di tích văn hóa được xếp hạng quốc gia với những pho tượng cổ quý hiếm với niên đại hàng trăm năm, trong vài năm qua, hầu như năm nào chùa cũng bị bọn xấu viếng thăm”. Họ viếng thăm một cách hết sức ồn ào bằng xe hơi trong nhiều lần. Đại Đức Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Biện Sơn, đã ngao ngán cho biết: từ năm 2001 tới nay, chùa đã bị “viếng thăm” đến 3 lần, chúng rinh đi cả 32 pho tượng cổ gắn trên tòa Cửu Long tại bàn thờ chính trong chùa tới 2 lần! Lần thứ nhất công an tìm lại được, chúng kiên cường tới lấy lần thứ hai và mất luôn. Chưa hết, chùa còn mất pho tượng Quan Âm nhiều tay cao tới 1 thước 60, mà muốn lấy phải đánh cả ô tô tới để chở đi. Tại chùa Tây Phương thuộc tỉnh Hà Tây, trộm còn mang cả xe vận tải đến chở đi bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Nghìn mắt cũng chẳng thể nhìn được bọn trộm, nghìn tay cũng chẳng bắt được chúng. Vậy thì chúng là ai mà…thánh vậy? Chuyện này phải hỏi đến các vị thánh đang cầm quyền!

Trộm đạo là những tên lười biếng. Bởi vì chúng chỉ biết trộm những cổ vật bày sẵn trước mắt chúng. Chúng không chịu gia công đào xới cổ vật. Khai quật cổ vật là một màn thích thú của các nhà khảo cổ. Nó mang cái thú vị của tìm kiếm, của thách đố và niềm vui của sáng tạo. Tôi có theo học môn Khảo Cổ Học tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Lớp học lý thuyết chỉ cung cấp cho sinh viên phương pháp tìm kiếm và đào xới các di tích cổ, cách ấn định tuổi của các di tích và cổ vật, cách liên hệ cổ vật vào thời đại của chúng… Chỉ là từ chương. Không có thực hành. Thực hành cùng lắm chỉ là vào Cơ Thể Học Viện đo xương sọ của các xác chết, các loại xương. Nhưng cái thú vị của một nhà khảo cổ chính là cái niềm vui tham gia vào một cuộc khai quật cổ tích. Tự tay đưa quá khứ ra ánh sáng, tái tạo lại cả một mảng quá khứ đã vùi sâu chôn chặt từ lâu. Cuộc khai quật lớn lao như di tích Hoàng Thành ngay tại giữa lòng Hà Nội mới đây là niềm vui của những nhà khảo cổ tham gia vào chương trình khai quật lớn lao và qui mô này.

Cuộc khai quật tại ngay cánh đồng đào Nhật Tân thuộc nam Thăng Long trong hai ngày 6 và 7 tháng 5 vừa qua lại có cái thích thú khác. Nó đem lại cho các nhà khoa học những phát hiện thú vị về cách mai táng mộ hợp chất và kỹ thuật ướp xác độc đáo của tổ tiên chúng ta. Mộ hợp chất thường chỉ dành cho vua chúa, các phú gia hoặc quan lại, cung tần. Ngôi mộ mới phát hiện, theo dự đoán của Tiến Sĩ Nguyễn Lân Cường, thuộc vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18. Xác là một người đàn ông, tóc để dài đến lưng, buộc lại ở sau gáy. Theo đo đạc sơ bộ thì biết đó là một người khoảng 60 tuổi, cao 1 thước 62, chỉ mặc 2 cái quần nhưng rất nhiều áo. Bên ngoài là 9 cái áo lụa, rồi tới 10 cái áo gấm và bên trong là 4 cái áo lụa nữa. Chân xác đi đôi giầy cao cổ tựa như giầy hia mũi nhọn. Như vậy, nhờ phát hiện này, người ta biết được chính xác y phục của người Việt ở thế kỷ thứ 18. Điều thú vị khác là người ta đang đi tới giả thuyết đây là mộ của chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Mộ của chính bà Đoàn Thị Điểm cũng đã được phát hiện tại nam Thăng Long. Theo sử sách thì nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lập gia đình với Tiến Sĩ Nguyễn Kiều, người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm.

Xuôi về Nam, cuộc khai quật di chỉ Gò Ô Chùa tọa lạc tại Ấp 1, xã Hưng Điền A, tiếp giáp với Vương Quốc Kampuchia, cách thị xã Tân An trên 100 cây số lại là một thú vị khác. Di tích này đã được phát hiện từ năm 1986 nhưng mãi đến năm 1997 mới có kinh phí khai quật. Và người tận tình với việc khai quật này lại là một người Đức, Tiến Sĩ Andreas Reinecke. Ông là chuyên viên cao cấp của Viện Khảo Cổ Chung và So Sánh của Đức. Ông tham gia một cách thích thú cuộc khai quật này vì, theo ông, đây là một địa điểm phong phú, địa tầng dầy, còn nguyên vẹn nằm ở vùng tương đối nguyên sơ của Đồng Tháp Mười nên có một giá trị rất to lớn. Và ông cho biết: “Vì thế nên tôi còn phải ở lại đây lâu hơn nữa!”

Lâu là bao lâu, ông không cho biết. Chỉ biết rằng nhờ khai quật cái di tích quý giá này mà ông khai quật được một…kỳ tích quý giá khác. Đó là cô Nguyễn Thị Thanh Luyến, một chuyên viên khảo cổ Việt. Hai người đã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau hôn lễ, ông sẽ đưa vợ về Đức hưởng tuần trăng mật, đồng thời đưa một số hiện vật ở Gò Ô Chùa về Đức để xác định niên đại, xác định sự phát triển các tầng văn hóa của di chỉ này. Như vậy là một công hai việc. Cũng như ông Tiến Sĩ này là một nhà khảo cổ đồng thời là một nhà khảo…tân!

06/2005