Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

HUYẾT

Huyết là một từ nghiêm chỉnh thường được dùng trong các văn bản khoa học. Cũng cái chất đo đỏ luân lưu trong thân xác con người và các loài động vật khác ấy người ta còn gọi là tiết. Nghe đến tiết chắc nhiều vị thấy nước miếng đã ứa ra. Tiết canh là một món khoái khẩu của nhiều người không phân biệt già trẻ lớn bé. Nhưng mặn nhất với cái món đo đỏ này là dân làng nhậu. Một đĩa tiết canh, một xị đế là một cuộc hôn phối vẹn toàn. Cứ nhìn đĩa tiết canh thôi đã đủ…mát mắt. Màu đỏ của tiết sóng sánh hơi hơi đặc nằm tràn lan trên đĩa, điểm lên trên là màu nâu của gan, mề, tim, cật, nằm ở lớp trên cùng là màu xanh của nhiều thứ rau gia vị được xắt nhỏ, và nghễu nghện trên màu rau xanh là những vụn đậu phụng rang nâu vàng. Khà một hơi đế, múc một muỗng tiết canh. Trời đất quỷ thần có đâu đây không? Nó vừa mằn mặn, vừa tanh tanh, vừa ngọt ngọt lại thêm cái sừn sựt của những miếng sụn nằm lẫn trong tiết, cái mùi tổng hợp của những gia vị, cái bùi bùi của những vụn đậu phụng rang giã nhỏ. Chúng vợ chồng với nhau khắng khít!

Người ta có thể đánh tiết canh bằng huyết chó, huyết heo, huyết dê nhưng thường nhất là tiết canh vịt hoặc ngan. Hai anh chàng này vừa nằm trong mục loại cúm gia cầm. Máu là thứ dễ truyền nhiễm nhất mà virus cúm thì cứ khơi khơi theo máu mà…luân lưu nên tại Việt Nam, nhà cầm quyền đã phải ra lệnh cấm ăn tiết canh vịt và ngan. Nhưng cứ theo như truyền thống, người cấm cứ cấm, người ăn cứ ăn. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ! Ngay tại Hà nội, nơi xuất phát lệnh cấm, vào những cửa hàng chuyên gà vịt ngan tại “ngõ vịt” Tô Hoàng hay tại các quán ăn…chuyên ngành gà vịt ngan như quán Ngan Khoa, quán Vịt Cỏ Vân Đình Dũng Lan, muốn tiết canh vẫn cứ tiết canh thoải mái. Sài gòn có thua chi! Tiết canh ngan vịt vẫn cứ thản nhiên được bưng ra cho thực khách. Nhưng thực khách cũng phải biết giữ cái mạng mình chứ. Không hẳn như vậy. Họ là những kẻ điếc không sợ súng. Anh Nguyễn Văn Linh, lái xe ôm đóng đô tại ngõ Tô Hoàng đã ngôn. “Tôi vẫn ăn tiết canh. Dù có tiếp xúc với những thông tin về dịch cúm qua truyền hình nhưng nó đã là món khoái khẩu rồi thì khó bỏ lắm!”

Huyết còn được gọi nôm na là máu. Nghe chữ máu dễ gây ra cảm giác rờn rợn. Nằm trong thân xác thì được nhưng nếu máu chu du ra ngoài thân thể thì…kinh lắm! Nhiều bậc phụ huynh thời thượng thích ép con em học bác sĩ đã phải cười đau khóc hận khi con mình không chịu nghe theo con đường…vinh quang với lý do sợ máu. Học y khoa mà sợ máu thì chỉ chữa bệnh được cho xác chết!

Máu rất…anh hùng! Nó là biểu tượng đầy oai phong. Máu mủ thân thích họ hàng với nhau bảo vệ nhau, thương yêu nhau đời nọ truyền xuống đời kia. Một giọt máu đào hơn ao nước lã! Hiến thân cho tổ quốc là có máu anh hùng, thứ máu hy sinh vị tha của những con dân biết bảo vệ màu cờ đất nước. Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng (Hùng Lân).Nhưng máu cũng…cà chớn! Máu tham, thứ máu thấy hơi đồng là nhào vô bất kể bị giơ ra cái mặt…dày! Máu dê là thứ máu băm lăm chỉ thích chảy vào những chốn khuất tất.

Chồng đi khám bệnh ở phòng khám của một nữ bác sĩ về. Vợ hỏi.

“Cô bác sĩ có đo huyết áp cho anh đấy chứ?”
“Ừ. Cô ấy đo những mấy lần cho chắc.”
“Huyết áp anh bao nhiêu?”
“120 khi đến, 125 khi về và 200 khi anh nhìn cô ấy cúi xuống nhặt cây viết đánh rơi!”

Huyết áp là bệnh…hưu trí! Già là máu cứ nhảy cỡn lên! Muốn hạ máu xuống thì phải uống thuốc, phải tập tành, phải vận động. Lơ là dễ bể mạch máu đưa tới bại xuội hoặc tử vong. Bể mạch máu coi như tiêu tùng. Bể mạch máu não là kích ngất, khó có hy vọng mở mắt ra nhìn đời được nữa.

Máu là thứ chạy tung tăng trong cơ thể của chúng ta. Nó là sự sống. Không có máu thì chỉ có…xỉu! Ai cũng biết như vậy, đúng không? Không! Cũng cần phải học mới biết được. Trong lớp học về sự tuần hoàn của máu, thầy giáo giảng:

“Bây giờ các em nhìn đây, nếu tôi đứng bằng đầu thì máu, như các em đã biết, sẽ dồn xuống đầu tôi và mặt tôi sẽ đỏ bừng lên.”

Các em học sinh đều hiểu. Thầy giáo tiếp tục:

“Bây giờ cái điều mà thầy muốn biết là tại làm sao khi thầy đứng mà máu lại không dồn vào chân của thầy được?”

Cả lớp yên lặng không trả lời được. Một em rụt rè giơ tay xin nói:

“Thưa thầy, tại vì chân của thầy không trống rỗng!”

Máu trong người của chúng ta được thận lọc liên tục để luôn luôn có chất lượng tốt. Khi thận, vì lý do này hay lý do khác, lơ là hay ngưng không lọc máu được nữa, chúng ta có vấn đề. Những người bị suy thận thì các chất độc trong máu không được thải ra ngoài cơ thể khiến các độc tố trong máu tăng cao. Muốn lọc máu, bệnh nhân suy thận thường phải dựa vào thận nhân tạo. Máu được rút ra khỏi cơ thể, chạy qua thận nhân tạo để lọc sạch rồi trở lại cơ thể. Tùy theo bệnh nặng nhẹ, bệnh nhân phải vào bệnh viện lọc máu theo định kỳ. Có người mỗi tuần phải lọc máu vài lần! Bất tiện nhưng đành phải vậy. Để giảm thiểu bất tiện, y khoa ngày nay có phương pháp lọc máu bằng màng bụng. Với phương pháp này, máu sẽ được lọc bằng chính màng bụng của bệnh nhân thay vì dùng máy thận nhân tạo. Tiện hơn nữa là phương pháp này có thể thực hiện ngay tại nhà, khỏi phải vào bệnh viện. Khởi đầu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật đặt ống Catheter, một loại ống nhỏ, vào vùng bụng. Ống này sẽ được dùng để đưa dịch lọc vào ổ bụng. Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ trong ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Khi đã “hút” các chất độc, dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định. Khi đã thải hết chất bẩn, dịch lọc sạch sẽ được đưa vào ổ bụng và sẽ thải ra trong 4 tiếng sau. Lượng dịch lọc được đưa vào ổ bụng khoảng 2 lít mỗi lần, và mỗi ngày sẽ được thực hiện 4 lần. Phương pháp lọc màng bụng được áp dụng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (từ độ 3).

Ung thư máu (leukemia) lại là một nỗi khổ khác. Muốn chữa rốt ráo chứng bệnh nguy hiểm này, người ta thường dùng phương pháp cấy tủy sống khá nhiêu khê và hao tốn tiền bạc. Một nông dân nghèo từ quê lên tỉnh làm việc trong chợ bán thực phẩm ở Trung Quốc thì tiền đâu mà chữa bệnh cho con gái? Ông Fang nuôi hy vọng mong manh vào những tấm giấy số. Số ông chọn để đánh là ngày sinh nhật của con gái ông cộng với số giường của cô trong nhà thương. Thần tài là người tinh mắt. Cô bé tuổi nhỏ và chiếc giường định mệnh đã được ông ấy…thương. Ông Fang trúng 5 triệu quan, tương đương với 728 ngàn đô Mỹ! Dư tiền chữa bệnh cho con gái. Ông nghĩ liền tới những người nghèo và trích ra 20 ngàn quan để giúp họ!

Xin tí huyết! Đó là ngôn ngữ giang hồ để chỉ việc thích mũi dao hận thù vào cho máu chảy ra. Máu chảy ra khỏi thân xác thành một thứ chất nhầy nhụa ghê tởm. Tôi nhớ đại khái trong cuốn “Ca Tụng Thân Xác”, Giáo Sư Nguyễn Văn Trung có viết là khi những chất lỏng còn ở trong thân xác chúng ta, chúng mật thiết với con người ta, ta không thấy gớm guốc. Nhưng khi chúng thoát ra khỏi thân xác, chúng lập tức trở thành một thứ nhơ bẩn: mũi giãi, nước miếng, đờm, máu đều nằm trong cái loại ở trong thì được ra ngoài thì gớm này. Máu có nhiều cách thoát ra ngoài. Cách nào cũng…ứa máu!

Bóc lột máu là các anh đỉa, vắt, muỗi. Muỗi thì OK, cái vòi hút của chúng bé tí tẹo. Chỉ tổ gãi ngứa. Đỉa thì hãi hơn nhiều. Chỉ nguyên nhìn cái thân hình mềm nhũn nhờn nhợn cũng đã thấy khiếp. Cái vòi hút kê vào da thịt bơm cho thân hình phồng căng những giọt máu của nạn nhân một cách…ăn cướp trông chỉ muốn bôi vôi! Vắt hút nhẹ nhàng hơn nhưng rất khó chịu. Chúng sống ở trên rừng, nơi mà trước kia những dân tù cải tạo nghĩ mình chẳng bao giờ chui vào làm gì. Ngày nay, thân tù phải chui vào rừng đẵn tre đẵn gỗ, cái xác gầy yếu te tua mới làm mồi cho những chú vắt khó chịu. “Chúng tôi cứ người nọ nối đuôi người kia mà đi. Đâu ai có áo mưa. Cứ lấy những mảnh nylon quấn che được phần nào hay phần nấy cái thân hình còm cõi để giữ hơi ấm trong người. Ấy vậy mà những con mòng con vắt cứ nhè trong lỗ tai, trong cổ chui vào mà cắn, mà hút máu. Khổ nỗi, hai bàn tay ướt nhẹp, lạnh như nước đá, tê cóng, không còn cảm giác, không dám đút vào gãi. Trân mình mà chịu. Những con vật bé tí khốn nạn đó, lúc nha lúc nhúc, thay phiên nhau di chuyển khắp nơi, nhè những nơi hiểm hóc mà cắn, mà ngọ ngoạy. Đến khi hút máu no nê mới chịu buông tha. Nhưng hết đám này lại đến đám khác. Những nốt cắn sưng to lên bằng đồng xu, mận đỏ khắp người. Tha hồ mà gãi, nhất là về đêm.” (Nguyễn Thanh Ty, Trại Đá Bàn & A.30). Thân tù đâu chỉ đối mặt với mòng với vắt. Những tên cai tù với những đòn tra tấn man dã mới…bật máu.

chim trong tổ biết chi đời giông bão
em con cưng nào biết buổi lưu đày
em yên vui sao đoán được một ngày
run tay vuốt máu chồng nơi lao ngục!
(Nguyễn Tất Nhiên)

Con người cứ khơi khơi móc máu con người. Súng đạn, roi vọt, đao kiếm vẫn được những bàn tay con người nắm chặt để tóe máu đồng loại. Máu đổ ra ướt đẫm ruộng vườn, thấm đỏ gạo cơm. Chiến tranh có lý lẽ riêng của nó. Người ta nhìn nhau như muốn nuốt máu nhau. Thề phanh thây uống máu quân thù! (Văn Cao).Nhưng chiến tranh cũng có những trò đùa quái đản của chúng. Có những trường hợp người ta phải nuốt máu đồng đội! “Nhưng nỗi gian lao thường trực của chúng tôi chưa phải là lụt bão, bom đạn, mà là đói. Đói lả người. Đói mờ mắt… Nhiều anh em chúng tôi bị giặc bắn gục trên đường đi lấy gạo. Nhiều ruột tượng gạo mang về đến đơn vị, xổ ra, đỏ lòm những máu, nhưng không thể bỏ đi. Chúng tôi tìm đủ cách để vuốt gạo cho sạch máu. Những hạt gạo mục xốp hút máu như giấy thấm. Chúng tôi ngâm gạo xuống suối, nhờ nước rửa máu. Ngâm suốt đêm, sáng vớt gạo lên vẫn có màu hồng hồng. Chúng tôi bưng bát cơm chan máu đồng đội, nhắm mắt nhắm mũi lùa vào miệng thật nhanh và nuốt chửng… Mỗi chén cơm chúng tôi trộn một phần tư chén ớt bột, loại ớt hiểm, cho dịu bớt vị tanh của máu…”. (Phùng Quán, Người Bạn Lính Cùng Một Tiểu Đội).

Máu được hút ra để chia sớt với đồng loại là máu vị tha. Chúng cứu được mạng sống con người. Ngày 21 tháng 8 năm 2005, em Trần Hữu Tín, ngụ tại phường Phước Long, Nha Trang, bị một chiếc xe taxi đụng đập đầu xuống đất bất tỉnh. Em được chở gấp tới bệnh viện và được cứu sống. Nhưng mạng sống của em thực sự thoát khỏi lâm nguy khi ngay trên xe chở tới bệnh viện, em đã được truyền 2 đơn vị máu, mỗi đơn vị là 250ml. Máu đó từ đâu mà có? Từ “Mạng An Toàn Máu”! Nhà em nghèo, không có tiền để mua máu, nhưng trước khi vào phòng mổ khẩn cấp, em lại được tiếp thêm 2 đơn vị máu nữa. Cũng từ “Mạng An Toàn Máu”. Mạng An Toàn Máu là gì? Đó là một thứ ngân hàng tích trữ máu cho những trường hợp khẩn cấp được hình thành bằng sự hợp tác giữa Công Giáo và Phật Giáo. Bên Phật Giáo là hội Ánh Sáng từ Linh Phong Tự ở Nha Trang, bên Công Giáo là tổ chức Help The Poor do Linh Mục Mai Khải Hoàn làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Tháng 10 vừa qua Help The Poor đã tiếp tục chi thêm 500 đô cho Mạng An Toàn Máu. Theo Linh Mục Hoàn thì thật là một điều đáng tiếc khi không thể ủng hộ nhiều hơn cho “một chương trình tuyệt vời và đầy ân phước như vậy” vì ngân khoản eo hẹp. Hội Help The Poor  rất mong có sự tiếp tay đóng góp của mọi người. Trụ sở của Hội tại 12019 Garden Grove Blvd., Garden Grove, CA-92834; điện thoại (714) 537-3701; website: www.helpthepoorvn.org

Hiến máu là một việc làm của rất nhiều người hảo tâm. Trước 1975, tại miền Nam, Hội Hồng Thập Tự vẫn thường xuyên quyên máu của những người hảo tâm. Người đến hiến máu được cám ơn bằng một bữa ăn có thịt bò và một gói vật phẩm gồm khăn tắm, xà bông, bàn chải và kem đánh răng… Ngày nay những tổ chức quyên máu hoạt động rất tích cực. Tại tỉnh bang Quebec, nơi tôi cư ngụ có tổ chức chính thức là Hema-Quebec, thường xuyên tổ chức những cuộc lạc quyên chất đỏ tại nhiều địa điểm thuận tiện cho mọi người. Mọi người là một cách nói chứ thực ra có nhiều người bị tổ chức này từ chối. Như những người mắc bệnh truyền nhiễm, những bệnh lây qua đường máu. Thủ tục trước khi hiến máu gồm trả lời một bảng câu hỏi gồm 30 câu. Nếu người muốn cho máu có làm tình với một gái điếm hoặc một người mà đương sự không rõ đời sống tình dục thì sẽ bị “treo giò” từ 6 tháng tới một năm. Nếu đương sự thuộc giới đồng tính có làm tình với người cùng giống thì bị cấm suốt đời không có cho chiếc gì cả. Chính vì điều cấm này mà Hema-Quebec vừa bị anh Adrian Lomaga, sinh viên Luật năm thứ hai của Đại học McGill, kiện vì tội “vi phạm sự bình đẳng và không phân biệt” được ghi trong bản Hiến chương Nhân quyền của Canada và Quebec! Lý do cấm đoán là vì tuy máu tặng có được thử nghiệm nhưng sự thử nghiệm này không thể hoàn toàn chính xác trăm phần trăm nên buộc lòng phải từ chối những đối tượng có nguy cơ cao. Chính Hema-Quebec cũng sẽ bị kiện về dân sự và có thể cả hình sự nữa nếu tiếp máu có bệnh cho các bệnh nhân. Anh Adrian đòi bồi thường 1500 đô vì “tổn thương tinh thần” khi bị từ khước cho máu!

Đó là…máu nóng của anh sinh viên Luật! Cụ bà người Nam Phi 75 tuổi H. Campbell thì cứ…vô tư cho máu. Bà hiến máu lần thứ 300 và trở thành người phụ nữ hiến máu nhiều nhất trên thế giới. Lần đầu tiên cụ đi hiến máu là lúc mới 15 tuổi. “Hồi đó có một vụ tai nạn xe lửa và tôi nghe trên radio rằng mọi người đang cần máu. Thế là tôi quyết định đi cho máu”. Kể từ đó, cứ mỗi 56 ngày cụ lại đi hiến 500ml máu. Tổng số máu đã được rút ra khỏi người cụ Campbell trong 60 năm là 150 lít! Cụ cho biết sẽ tiếp tục chơi trò nhân đạo này cho tới khi…hui nhị tì!

Cụ Campbell là người…lý tưởng nếu sống tại Việt Nam ngày nay. Bởi vì nơi đây người ta bán máu chứ không hiến máu! Người ta bán máu để sống. Ngay các nhà văn, trong lúc túng quẫn, cũng phải chìa tay ra bán chất đỏ. Bùi Ngọc Tấn kể lại trong cuốn “Viết Về Bè Bạn” về…niềm vui này. Năm 1967, bài của hai nhà văn Mạc Lân, con cả của nhà văn Lê Văn Trương, và Lê Bầu bị cấm đăng báo. Túng thiếu, họ được nhà văn Dương Tường mách nước đi bán máu. “Tường động viên: cũng nhiều chuyện phức tạp, lôi thôi lắm chứ không đơn giản đâu. Không biết gan của ông có vấn đề gì không. Có vi trùng sốt rét không. Ở bộ đội thằng nào chẳng sốt rét. Thôi cứ đi. Được hay không thì cũng là một lần tổng kiểm tra sức khỏe. Từ bé đến giờ chúng mình đã kiểm tra sức khỏe bao giờ đâu. Nghe lời Tường dặn, Lân mua nửa cân chè Thái đến gặp phó phòng huyết học bệnh viện Việt Đức như một cái lễ ra mắt. Anh được khám, được X quang tim phổi, thử máu, thử nước tiểu không mất tiền. Không bệnh truyền nhiễm. Không viêm gan. Không có vi trùng sốt rét. Lại còn được nghe giảng về huyết học. Cho đến bây giờ anh mới biết thì ra hồng cầu ba tháng chết một lần, và cũng cứ ba tháng tủy sống lại sản sinh ra một thế hệ hồng cầu mới. Hồng cầu chết nằm trong lá lách. Đó là nghĩa địa hồng cầu. Máu thì có bốn nhóm tất cả. A, B, O, AB. Nhóm máu AB là nhóm máu ích kỷ, rất ít người có nên bệnh viện không mua, khó bán. Nhưng khi cần, người ta đến tận nhà mua và lại bán được đắt. Còn nhóm máu O được gọi là nhóm máu xã hội chủ nghĩa, tiếp được cho các nhóm máu khác. Nhóm máu của Lân thuộc nhóm B, chẳng ích kỷ cá nhân chủ nghĩa mà cũng chẳng xã hội chủ nghĩa. Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150cc. Lấy 200cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 ki lô mới được lấy 200cc. Về sau những lần cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 ki lô và bán được 250cc, 300cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy máu xong, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo xê xê còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui.”

Chúng ta nên thông cảm cho cái vui tội nghiệp này. Chẳng phải chỉ có các nhà văn Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu đi bán máu mà trong phòng chờ còn có những cái tên khác được kêu lên: Chính Yên, Phan Kế Bảo, Phương Nam… Toàn những trí thức! Họ ngượng nghịu nhìn nhau. Tôi nghĩ đến câu thơ cổ. Gặp thời thế thế thời phải thế! Thì cũng phải vui với những người vui. Chứ sao!

11/2005