Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

XẾ

Nếu bây giờ có người yêu quý bạn, bảo bạn muốn một cái xế như thế nào để họ tặng bạn, tiền bạc là chuyện nhỏ, bạn khỏi cần phải nghĩ tới, thì bạn sẽ chọn ra sao? Dĩ nhiên bạn sẽ chọn hãng xe mà bạn ưa thích và tin tưởng, kiểu xe bạn đã nhắm từ lâu, và nhất là năm ra lò của chiếc xe. Càng mới càng tốt. Xế mới nhất định phải xịn hơn xế cũ. Đó là chân lý. Biết tâm lý khách hàng chuộng mới như vậy, các hãng chế tạo xe đua nhau…vượt thời gian. Mới giữa năm 2005 mà đã cho ra lò kiểu 2006. Đó là chuyện thường tình. Nhưng cuộc đời nhiều rắc rối này không bao giờ cứ xuôi chèo mát mái như vậy. Phải có những cái trái cựa cho cuộc đời đủ rắc rối. Nhiều người lại ưa chơi xe cổ. Càng cổ càng tốt. Như vậy chân lý này có thể thay đổi được.

Tại sao người ta lại chuộng xế cổ như vậy? Chắc là vì tính thích làm le. Có cái gì mà người khác không có là ngon. Vi vút dạo phố trên một con xế độc đáo chỉ mình ta có, chẳng đã lắm ru? Cũng có thể vì tính thích của lạ. Ngồi trên một cái xế thông thường, nhàm! Cưỡi trên lưng con ngựa đã ngàn dặm thiên lý, lòng cũng thấy khác lạ chứ! Có lẽ vì vậy mà, để đánh dấu một cuộc đổi đời, tốt xấu không biết ra sao, nên người ta ưa cưỡi xế cổ trong ngày cưới. Hay là người ta muốn nhấn mạnh cho bà con thiên hạ biết cái tương phản: trên xe cổ là…tân giai nhân! Tân hay không, tới giờ ắt sẽ biết. Nhưng chẳng nên đặt nhiều hy vọng. Nhiều phần là xế cổ giai nhân…cổ!

Du khách tới một nơi xa lạ cũng như tân lang và tân giai nhân, lòng hân hoan như mở hội. Vậy nên cũng thích cưỡi xế cổ. Du khách tới Đà Lạt chắc sẽ chú ý tới một ông tài xế, tuổi cỡ ngũ tuần, mái tóc bạc trắng luôn được che bởi cái mũ phớt có cắm chiếc lông công, lái một chiếc xe Peugeot trắng, tuổi chắc cũng xấp xỉ tuổi ông. Chính chiếc xế cũ kỹ này làm ông đắt khách hơn các xe khác. Du khách, nhất là mấy ông bà du khách Tây Phương rất khoái món…cổ ngoạn này. Tôi không thích ngự xế cổ nhưng cũng leo lên xe vì chiếc lưỡi chào mời khôn khéo của ông tài xưa cũng mặc áo nhà binh của trường Võ Bị Đà Lạt. Nệm xe mềm nhẽo, cửa xe phải ra sức dập mới chịu nằm yên, tiện nghi trong xe là của nửa thế kỷ trước, rong ruổi trên đường thì nhã nhạc tưng bừng. Hình như mọi bộ phận ngóc ngách trên xe đều là các…nhạc cụ. Gặp ổ gà là du khách bầm cái chỗ để ngồi. Đường Đà Lạt lắm đèo nhiều dốc, mỗi lần xe leo dốc là ì ạch đàn sáo. Tây nó có thích thì thích, tôi chẳng thích!

Vinh “Tân Đảo” không phải là Tây, anh chỉ trở về từ Tây, thế mà anh cũng thích xe cổ. Được sinh ra trong một gia đình Việt kiều tại Pháp, anh về Hà Nội vào năm lên 5 tuổi. Chuyến về của gia đình anh năm đó được tháp tùng bởi một lô xe cũ, hai bánh và bốn bánh. Hai bánh thì có Solex, bốn bánh thì Peugeot 304, 404. Mê say xe, anh học thêm nghề sửa xe. Đi xe cũ mà không biết máy móc rất nhiều hy vọng được nằm đường. Hình như anh có khiếu về xe nên chẳng bao lâu sau, anh có thể phục chế máy móc của những chiếc xe thuộc loại xe trồng hành. Có một lần, khi đang chạy một chiếc xe Honda 67 khoét nòng 90 thì xe bị tụt hơi nằm ụ. Anh dắt xe vào một quán giải khát bên đường ngồi nghỉ. Cầm chiếc muỗng nhôm khuấy nước trong ly, anh bỗng…eureka! Anh tháo tung máy xe, cắt mẩu chuôi muỗng tán trám vào lỗ thủng piston. Máy nổ ngon lành. Anh tiếp tục rong ruổi trên đường! Cũng như anh chẳng quản khó khăn, băng đường đi tìm xe cổ.

Vào những năm đầu của thập niên 1960, dân thể thao Hà Nội khoái những vận động viên chơi xe mô tô I.J.350 đời 56. Tay chơi Vinh đã có một chiếc xe cổ lỗ sĩ như vậy. Anh thấy chiếc xe loại phế thải này nằm trong một bãi sắt vụn ở Thanh Xuân, chủ của nó không phải là tay chơi xe cổ nên không biết giá trị của chiếc xe. Vinh đã thỉnh được cục cưng này về với giá…sắt vụn! Anh tân trang chiếc xe, cho nó một cuộc sống mới vi vút trên những con đường thành phố trước những cặp mắt ngưỡng mộ. Chưa thỏa mãn, Vinh muốn tìm một chiếc cũ hơn. Đời 49. Anh đã từng lặn lội lên tới Bắc Kạn, mò vào bản xa để tìm gặp người lính già có chiếc xe này do được quân đội thanh lý, nhưng tuy đã đổ ra nhiều công sức, chiếc xe vẫn chưa lọt được vào tay anh!

Không có chiếc xe mong ước này, nhưng ngày nay Vinh cũng đã là chủ nhân của nhiều chiếc xe rất hiếm như xe Trường Giang đời 1938-1941 mà cả Hà Nội chỉ còn hai chiếc, xe Motobecal đời 1951, xe BMW đời 1938-1941, 750 phân khối do Đức chế tạo. Đặc biệt là anh có chiếc xe Volkswagen 1303 đời chót. Chiếc xe này anh mua được vào năm 1987 của một thương gia người Iraq với giá 5 cây vàng, ngày nay có người trả anh 12 cây vàng mà anh vẫn lắc đầu. Kiểu xe này, cả Sài gòn chỉ còn 5 chiếc.

Mê xe cổ đến mở một quán cà phê đặt tên là “Xe Cổ” chỉ có Vinh “Tân Đảo”! Quán cà phê không giống ai này nằm ở cuối phố Hàng Bún là nơi tụ tập của những tay chơi xe cổ và đồ cổ. Mộng của anh chưa dừng lại. Anh dự tính thiết kế mảnh vườn của anh thành một bảo tàng viện  xe cổ cho mọi người tới coi miễn phí các loại xe cổ do các tay sưu tập trưng bày!

Xe cũ cà là tàng đều là xe cổ cả chăng? Đâu có cá mè một lứa như vậy được! Ông Peter Zell, một chuyên gia về xe cổ hiện đang làm quản lý cho hãng xe Daimler Chrysler, đã định nghĩa xe cổ như sau: “Xe cổ là những chiếc xe mà giá trị của nó không hề mất đi theo thời gian. Nó không hề lỗi thời và là niềm đam mê bất tận nên nhiều người muốn có nó bằng bất cứ giá nào”. Như vậy thì chiếc xe Toyota Corolla đời 1992 của tôi, cũng Corolla nhưng cổ hơn đời 1989 của ông Luân Hoán hay chiếc xe vẫn thường được anh em văn nghệ xưng tụng là xe trồng hành của nhà thơ Du Tử Lê chắc không phải là xe cổ. Chẳng ai muốn làm sở hữu chủ của những…của nợ này!

Trong một lần về Sài Gòn mới đây, tôi thấy nhà văn Nguyễn Thụy Long cưỡi một chiếc xe không thể gọi là mới nhưng chắc cũng không phải là xe cổ. Như vậy, nhà văn nhiều truân chuyên này đã ly khai với chiếc xe Velosolex từ hồi nào chẳng biết. Chiếc xe có số tuổi trên bốn chục này đã được nhắc tới trong “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút” như sau: “Tôi hiểu ra con người tôi tàng tàng cũ kỹ chẳng làm vinh dự cho ai hết trên một chiếc xe cũ đáng tuổi bà ngoại các cháu nhỏ. Gây ngạc nhiên cho nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy con vật thời tiền sử, hỏi han đủ thứ, bắt tôi phải mất công giải thích sự vận hành của nó. Có anh Tây già đứng ở cửa khách sạn, khi thấy tôi cưỡi Vélosolex đi qua, bèn vội vàng thuê xe ôm đuổi theo, đòi mua lại chiếc xe solex của tôi giá tới 300 USD. Lại mở luôn cuộc phỏng vấn và hỏi tên tuổi tôi. Tôi hãi quá vì bị thêm một tội “liên lạc với người nước ngoài”, nên thẳng thừng từ chối. Như trước kia tôi bị công an mời lên phường hỏi ba điều bốn chuyện. Báo hại anh xe ôm chửi tôi tắt bếp: ‘Rõ thật thằng cha già này ngu, người mà chê tiền thì chó chê cứt. Thằng già khùng điên, ba trợn, ôm chi ôm hoài chiếc xe cổ lỗ sĩ này. Ông Tây mua xe, lão về bỏ vào viện bào tàng đó’ ”. Vậy thì…bà ngoại là xe cổ đứt đuôi rồi còn gì nữa! Ngặt một cái là sợ cái tội  rất lơ mơ “liên lạc với người nước ngoài” nên nhà văn của chúng ta rét không dám bỏ túi 300 đô Mỹ một cách ngon lành. Tiền vào nhà khó, đâu có dễ!

Ngày nay thì ngoài trong gì không thành vấn đề. Cứ tiền cứng là OK. Mùi thơm của tiền là mùi thơm đại chúng, mũi nước nào cũng ngửi được cả! Vậy nên người nước ngoài mới có dịp mang xe cổ vào Sài Gòn cho dân chúng coi chơi. Bảo Tàng Viện Stuttgart-Untereukheim của Đức, nơi có tới trên 300 xe cổ, vừa làm một cuộc triển lãm qua các nước Đại Hàn, Trung Quốc, Nam Dương, Tân Gia Ba, Mã Lai, Thái Lan và Việt Nam. Sức đâu mà mang đi được cả trăm xe. Họ chỉ mang theo 6 chiếc xe cổ đặc biệt. Mỗi chiếc mang một dấu ấn lịch sử riêng trong từng giai đoạn phát triển của ngành công ngiệp xe hơi. Từ chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới, chiếc Benz Patent Motor Car, ra đời vào năm 1886 chỉ có ba bánh, chiếc Mercedes 37/70 hp, năm 1907 mà người sở hữu đầu tiên là Hoàng Tử Anh Halsfeld, chiếc Mercedes-Benz 320 mà trên thế giới chỉ còn có 2 chiếc, đến chiếc Mercedes-Benz 300 mà Thủ Tướng Đức Konrad Adenauer rất yêu thích nên nó được mang tên “Mercedes Adenauer”.

Sài Gòn ta chỉ thua chút đỉnh. Hiện thành phố này còn hai chiếc Mercedes-Benz 190SL vốn thuộc quyền sở hữu của hai nhân vật tiếng tăm ngày xưa. Một là của ông Ưng Thi, chủ rạp chiếu bóng Đại Nam, một của tướng Cao Văn Viên. Loại xe thể thao này được nhập cảng vào Việt Nam từ những năm 1958-1960 và có vẻ đẹp đặc biệt lôi cuốn. Một Việt kiều Pháp, hiện là Giám đốc Công Ty Sản Xuất Lưới Technet, đã bỏ tiền ra mua cả hai chiếc với giá…sắt vụn. Theo nhà chơi xe cổ này thì trên thế giới hiện không còn bao nhiêu chiếc Mercedes-Benz 190SL này. Giá của nó khoảng từ 50 đến 100 ngàn đô Mỹ! Muốn có cái giá này, ông Phú phải bỏ khá nhiều tiền ra để…dọn lại chiếc xe. Mỗi món đồ, dù không quan trọng như chiếc nắp bình xăng chẳng hạn, cũng phải đặt mua từ chính hãng ở Đức.

Nghề chơi nào chẳng công phu. Một người dày công phu là anh Chính, một dân chơi xế cổ ở Sài Gòn, hiện là chủ nhân của chiếc Tatra T.87, được sản xuất từ năm 1936 lận! Đó là chiếc xe được nhập cảng vào Việt Nam từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến nên chắc chắn những chủ nhân trước của chúng đều là những nhân vật tiếng tăm. Vào thời đó, chỉ có những người có địa vị cao mới có thể được ngự xe hơi. Quý hơn nữa là chiếc xe này là chiếc xe độc nhất còn lại trong toàn vùng Đông Nam Á! Điều ngộ nghĩnh là nó còn mang bảng số của thời Việt Nam Cộng Hòa và khi anh Chính mang đi đăng ký thì bị từ chối vì không tìm được hồ sơ gốc! Không có bảng số mới thì không được nhung nhăng trên đường phố nên anh Chính phải chờ tới đêm khuya mang ra chạy lòng vòng quanh nhà mỗi khi lên cơn nghiền cưỡi…bà già! Anh đã phải bỏ ra 30 ngàn đô Mỹ để dinh cái xế trong tình trạng…nghĩa địa từ nhiều năm trước.
Những người bị xe hành đi kiếm những chiếc xe trồng hành tại Việt nam bây giờ không phải là ít. Chủ nhân của một trong 5 chiếc xe Volkswagen 1303 còn sót lại ở Sài Gòn ngày nay là ông Hùng. Chính miệng ông Hùng đã nói là cưng chiếc xe này hơn cưng bà xã! Cách đây trên hai năm, ông bỏ ra 40 triệu đồng để mua về…cô vợ hầu bèo nhèo một đống sắt vụn này. Chiếc xe chỉ còn động cơ và sườn xe là tốt. Tất cả các thứ khác phải thay. Không phải thay qua quít cho xong đâu. Phải toàn là thứ chính gốc. Ông đặt mua qua internet các phụ tùng từ bên Đức. Sơ sơ hết mất 50 triệu. Có những thứ mà ông phải lặn lội đi khắp ba miền đất nước mới kiếm được. Sapa, Điện Biên Phủ và các vùng hẻo lánh ngoài Trung, ông Hùng đã vì xế cổ mà mò tới. Chiếc xe được nâng niu công phu như vậy dĩ nhiên phải đẹp. Ông luôn luôn muốn khoe với mọi người chiếc xe mà ông cưng quý nên xe cổ, máy cũ mà ông lái xuyên Việt mỗi năm vài lần như không. Mỗi lần cũng phải ngốn hết khoảng 7 ngàn cây số. Bà già gân này chỉ có một thiết bị hiện đại là chiếc máy điều hòa nhiệt độ vì trời nóng quá. Còn toàn bộ đều là đồ cổ. Nước sơn đen lúc nào cũng bóng loáng, phụ tùng đều đúng đời xe, logo, biểu tượng và các cửa kính vẫn gin, ai trông thấy cũng thích. Có lần, khi đang lái xe trên phố cổ Hà Nội, ông bị công an thổi còi ách lại. Tưởng là bị phạt, nhưng không. Anh cảnh sát nhỏ nhẹ : “Cho em xem nhờ cái xe một tí. Đẹp quá! ”. Chính ông, sở hữu xế trong tay mà có khi nổi chứng, đang đêm mò xuống nhà để xe vừa lau vừa ngắm cô nàng hầu như bị thôi miên!

Tiền rừng bạc biển chơi xe cổ là chuyện thường. Không tiền mà cũng bày đặt mới…nghệ sĩ. Người nghệ sĩ nghèo mà ham là nhà viết kịch Trần Lê Nguyễn. Ham nhưng vẫn biết thân biết phận, chỉ dám rớ tới xế độp hai bánh mà thôi. Ông kịch tác gia này có một tri kỷ là nhà văn Nguyễn Thụy Long, ngồi sửa xe đạp bên lề đường mà vẫn đi mây về gió với xế cổ. Hai anh văn nghệ này ngồi đấu láo với nhau về chiếc xe đạp của Phượng Hoàng Lê Thành Các bây giờ vẫn còn trong tay một người cư ngụ ở Đà Nẵng, về cặp niềng xe đạp làm bằng gỗ, dai, dẻo, cứng, nhẹ của một tay đua nổi danh ngày xưa nay vẫn còn lưu lạc trong dân gian. Trong cuốn Giữa Đêm Trường”, nhà văn Nguyễn Thụy Long đã kể lại : Tôi làm nghề sửa xe đạp, thường hay sưu tầm đồ phụ tùng xe đạp cũ nổi danh một thời. Tôi thấy anh đi một chiếc xe đạp cũ đờ mi cuốc, có cái khung xe, cặp vành và cặp đùm quí giá quá. Tôi hỏi anh kiếm được ở đâu. Anh nói anh sưu tầm từng thứ một để ráp thành cái xe này. Anh nhắc tôi cố sưu tầm cho anh một cặp đùm hiệu Campagnelo của Ý, giò đĩa hiệu Stronglight, phải “din” từ con ốc, vít. Tôi hứa với anh mà tôi không làm được trọn vẹn, vì tôi đổi nghề như cóc nhảy”.

Cái máu mê xế cổ nó khiếp đến thế đấy!

06/2005