Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

MỘ

Mộ là địa chỉ cuối cùng của một đời người. Thường là như vậy. Nhưng bất thường thì mộ chẳng phải là nơi chốn chót mà xương cốt người được nằm yên. Sau tháng tư 1975, tôi đã chứng kiến những màn xương cốt tưởng trăm năm trong lòng đất bỗng lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Trong những ngày chộn rộn vì lệnh dời mồ mả, tôi đã tới nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi trong một ngày nắng nhạt. Quang cảnh trước mắt tôi là một hỗn độn như nghĩa địa vừa trải qua một cuộc dội bom! Bia đá nằm lăn kềnh trên mặt đất, gạch vỡ chất từng đống bên hàng rào, bê tông được phá tung nằm ngổn ngang tứ phía, những mảnh quan tài ẩm hơi đất vung vãi bên những lỗ huyệt sâu hoắm. Chỗ này tiếng khóc nỉ non, chỗ kia những phu đào huyệt giơ những tấm lưng trần óng ánh mồ hôi đang ra sức móc lên chiếc quan tài mục nát, chỗ thì những vành khăn trắng xúm xít như đang tang ma, chỗ thì hương khói mù mịt sầu thảm. Mộ rỗng như những con mắt trân trối nhìn lên trời cao.

Gần hai thế kỷ trước, mộ của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cũng phong ba như vậy. Theo “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện” thì, vào mùa đông năm 1802, mộ của hai vị anh hùng này đã bị nhà Nguyễn đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, sọ bị nhốt vào ngục thất! Nhưng cũng theo cuốn sử này thì, trước khi mất vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý nhằm ngày 15/9/1792, Hoàng Đế Quang Trung đã trối lại cho Trần Quang Diệu và triều thần như sau: “Sau khi ta mất rồi, trong một tháng lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Các ngươi phải lo phò Thái Tử sớm ra Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Nếu không thì khi quân Gia Định kéo ra, các ngươi không còn chỗ chôn đấy”. Như vậy, vị trí mộ của Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn còn là một ẩn số. Từ năm 1928, học giả người Pháp L. Cadière, chủ bút tập san “Đô Thành Hiếu Cổ”, đã bắt đầu cuộc tìm kiếm mộ của Quang Trung Đại Đế. Sau đó, Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu tiếp tục vào năm 1941, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, cụ Nguyễn Hữu Đính sau năm 1975, ông Trần Viết Điền năm 1987, ông Nguyễn Đắc Xuân cũng vẫn tìm kiếm mà mộ vẫn kín đáo nằm đâu đó. Cuộc tìm kiếm vẫn còn tiếp diễn.

Cuộc tìm kiếm ngôi mộ của Đại Tá Phạm Phú Quốc cũng ly kì không kém. Trong một cuộc oanh tạc Bắc Việt vào năm 1965, máy bay của phi công Phạm Phú Quốc bị bắn rớt trên bầu trời tỉnh Hà Tĩnh. Anh tử nạn. Lễ truy điệu được tổ chức không hài cốt, Trung Tá Phạm Phú Quốc được truy thăng Đại Tá với Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Mãi tới năm 1990, gia đình anh mới ra Hà Tĩnh tìm mộ anh. Ngôi mộ đã lẫn đâu đó không dấu vết, chỉ biết là hồi đó Tỉnh Bộ Hà Tĩnh đã chôn cất tại nghĩa trang Cồn Cồ. Năm 1997, gia đình một lần nữa nhờ UNESCO tìm kiếm mộ. Người đi tìm mộ cũng họ Phạm nhưng không bà con họ hàng gì với người chết. Đó là nguyên Đại Tá Quân Đội Cộng Sản Phạm Quế Dương, một sử gia, người đã công khai trả lại thẻ đảng để phản đối vụ ông Trần Độ bị khai trừ. Một Đại Tá đi tìm mộ của một Đại Tá bên kia chiến tuyến!

Nghĩa trang Cồn Cồ rộng mênh mông hơn một hec-ta mà không có một văn bản hay dấu vết gì có thể giúp việc kiếm tìm ngôi mộ của Đại Tá Phạm Phú Quốc. Cuối cùng phải mời tới nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp và nhà địa lý Đoàn Phú. Ông Đỗ Bá Hiệp ngụ tại Hà Nội đã nhận lời vào Hà Tĩnh vào ngày 17/5/1998. Nghĩa trang nằm bên một con lộ. Ông Hiệp không vào nghĩa trang mà cứ đi trên con lộ, lúc nhìn lên trời, lúc ngắm dưới đất, đoàn người đi tìm mộ gồm cả một bà chị và một người cháu của cố Đại Tá Quốc đi theo sau. Bỗng ông Hiệp rẽ vào nghĩa trang, chỉ vào một bãi đất hoang, nói là mộ của Đại Tá Quốc nằm cách mô cát bên phải 2 thước rưỡi, hố nước bên trái một bước, nhưng tới sau ngày 10/10/1998 mới được bốc. Ông còn đăm chiêu đọc số quân bắt đầu bằng số 0, rồi có số 4 và số cuối là số 65 hay 56 gì đó. Số quân của Đại Tá Quốc sau đó mới được xác định là 007455. Ngày 27/11/1998, mộ được bốc. Đào lên cả thước chỉ thấy một vũng bùn màu đen, nhưng rồi thêm mấy nhát xẻng nữa là thấy xương cốt hòa trong đất cát, quan tài đã bị mục nát. Xương cốt được cải táng trên một cánh đồng ở Hà Tĩnh bên cạnh mộ của thân phụ Đại Tá Quốc.

Trong số những ngôi mộ truân chuyên của người Việt, còn có mộ của các thuyền nhân không may bỏ mạng trên đường vượt biên trên các đảo tại Mã Lai. Nằm cô đơn trên xứ lạ, những ngôi mộ này ít được chăm sóc nên đã hư hại nhiều. Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân tại Úc đang có kế hoạch trùng tu và dựng bia mới cho các ngôi mộ này. Có hai loại mộ: mộ cá nhân và mộ tập thể. Theo ông Trần Đông, Giám Đốc tổ chức này thì bia mộ cá nhân sẽ là những trụ bằng bê tông cốt sắt, cao 3 tấc, ngang cũng khoảng 3 tấc, dài 4 tấc ghi tên họ, ngày sinh, ngày mất. Còn đối với mộ tập thể thì xây rào và cũng dựng bia ghi tên tập thể.

Bia mộ là dấu ấn của một đời người. Có những tấm bia miên man kể lể, có những tấm bia giản dị khiêm cung. Như tấm bia trên mộ của Nam Phương Hoàng Hậu chẳng hạn. Bà qua đời vì bệnh tim tại làng Chabrignac, một vùng quê thuộc miền Bắc nước Pháp vào ngày 15/9/1963, hưởng dương 49 tuổi! Tấm bia đá hai mặt, mặt trước viết chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu Chi Mộ”, mặt sau viết chữ Pháp: “Ici Repose l’ Impeatrice d’Annam Née Marie Thérèse.” Không có tiếng Việt!

Bia mộ như vậy, thường quá. Trong thời đại màn hình lép LCD hiện nay thì mộ cũng LCD như ai. Ông Henk Rozema, một kỹ sư 65 tuổi người Hòa Lan, mới sáng chế ra một kiểu bia mộ mới hoàn toàn phù hợp với thời của kỹ thuật số như ngày nay. Trên bia mộ có một màn hình. Khi có người đứng trước bia mộ, đèn điện tử sẽ ghi nhận và tự động bấm nút màn hình. Khách thăm viếng sẽ được coi…xi-nê miễn phí với nội dung là phim chiếu về cuộc đời và những lời nhắn nhủ của người nằm dưới mộ!

Thường thì mộ là một kiến trúc hầu như đồng dạng. Nhưng càng về sau, kiểu cách của mộ càng thay đổi và…biến tấu đến chóng mặt.

Theo Toan Ánh thì hình thức mộ Việt Nam có thay đổi theo địa phương. Từ miền Bắc đến Thanh Hóa, mộ có chiều dài theo hình khối chữ nhật, dốc ở bốn góc và vun cao ở đỉnh mộ. Từ Nghệ An đến Khánh Hòa mộ hình tròn và đỉnh

mộ cao. Từ Khánh Hòa vào miền Nam, mộ lại theo hình dài như ngoài Bắc.
Hình thức mộ còn thay đổi theo địa vị xã hội của người mất. Mộ đất của dân…đen thường có chiều ngang dọc từ 60 đến 80 phân. Mộ của các quan chức thường được đắp cao hơn và rộng hơn. Tốn nhiều đất hơn, kiểu cách của mộ quan quyền cũng…quan cách hơn. Như kiểu mộ liếp được xây như một ngôi nhà trúc gọi là mộ trúc cách, hoặc giống một chiếc kiệu gọi là mộ long đình. Chỉ có những người quí phái, các quan triều thần hay những người trong hoàng tộc mới được nằm trong các kiểu mộ này. Dân đen có tiền cũng chớ bày đặt bắt chước nếu không muốn bị ghép vào tội phạm thượng. Lên tới các đế vương thì mộ biến thành lăng muốn rộng bao nhiêu cũng được và muốn xây sao thì xây. Hình như chúng không còn là mộ nữa vì có khi xương cốt không nằm ở lăng mà được mang chôn…lén ở một nơi khác, sợ bị dân chúng xúc phạm!

Ngày nay mộ lại rẽ qua một con đường khác: đường nghệ thuật. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết sau khi mẹ ông đột ngột qua đời: “Mộ cũng là thứ kiến trúc làm nơi cư ngụ cho một người không còn sống. Thường, ở các nghĩa trang, mộ được xây theo một kiểu mẫu đồng dạng. Đó là loại nhà tập thể cho những người đã khuất. Nhìn vào thấy buồn, ngậm ngùi và sự vô nghĩa của cái chết càng vô nghĩa hơn.” Khi người nhạc sĩ nổi tiếng này nằm xuống, mộ của ông được thiết kế mang tính triết lý Đông Phương. Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là một ngôi mộ. Đó là một khu vườn nhỏ có đá, sỏi, cỏ, cây. Nấm mộ được làm bằng ba miếng đá theo dạng bậc thang uốn lượn như những nấc thăng trầm của cuộc đời. Lỗ âm dương là những viền đất nhỏ giữa các bậc thang. Một hòn đá gồ ghề tự nhiên có khuôn mặt ông nổi lên được dùng làm bia mộ. Bên dưới khuôn mặt Trịnh Công Sơn chỉ khắc họ tên, ngày tháng năm sinh và mất bằng một kiểu chữ mềm mại và tiệp màu với đá.

Mộ của nghệ sĩ Bảy Nam mang ý nghĩa tình mẫu tử. Mộ mang dáng người đàn bà ngồi nghiêng, hiện rõ chiếc eo thắt đáy lưng ong, tượng trưng cho người phụ nữ đảm đang. Phần mái đầu có tóc búi được dùng làm bia mộ khắc chân dung nghệ sĩ Bảy Nam, nghệ danh, họ và tên thật, ngày sinh và ngày mất. Giữa ngôi mộ có hình mô phỏng con cá mập tượng trưng cho biển, cho sự bao la của lòng mẹ. Trên hình tượng cá mập là một nhánh hoa hồng trắng với dòng chữ: “Tôi không khóc khi cài hoa trắng / Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười”. Ngay dưới chân đóa hồng là lỗ âm dương được che khéo bằng một bụi cây nhỏ. Bao quanh những hình tượng trên là biểu tượng của một dòng suối với đá và sỏi tượng trưng cho mạch nguồn nghệ thuật sân khấu cải lương mà nghệ sĩ Bảy Nam đã để lại cho những thế hệ con cháu sau.

Mộ của thi sĩ Bùi Giáng giống như một gian nhà chứa những vần thơ. Thơ được khắc trên các phiến đá đặt ngẫu hứng trên đầu mộ. Bên mộ của Bùi Giáng, mộ của nhà thơ Tạ Ký được đắp thêm một lớp đá cách điệu. Mộ của nhạc sĩ Lê Thương bằng đá hoa cương có khắc bản nhạc “Đêm Đông” nổi tiếng của ông.

Mồ yên mả đẹp là ước vọng của mọi người cho những người thân đã nằm xuống. Nhưng thế nào là đẹp? Rất nhiều người quan niệm đẹp là phải lớn. Nếu có tiền ở hải ngoại gửi về trùng tu mồ mả tổ tiên thì hết xảy. Mồ mả biến thành…lăng tẩm! Cứ lấy xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên là điển hình. Năm 1992 đã có gia đình bỏ ra gần 200 triệu đồng để xây một lăng mộ rộng gần 100 mét vuông. Từ đó đến nay, đã 14 năm trôi qua, kỷ lục đó luôn luôn bị phá. Kỷ lục mới nhất là một gia đình đã bỏ ra 30 ngàn đô Mỹ để xây một khu lăng mộ rộng gần 600 mét vuông. Những ngôi mộ đồ sộ này đã khiến du khách phương Tây khi đến vùng này cứ tưởng là mình đang đi thăm quần thể di tích cố đô Huế!

Câu chuyện xây mộ của một ông tên Hữu ở xã Vinh An cứ như chuyện thần thoại còn được nhắc nhở với cái hít hà ngưỡng mộ. Ông Hữu đã bỏ ra mấy chục triệu đồng để xây mộ xong rồi tức giận phá đi, nhấc điện thoại gọi người thân ở ngoại quốc gửi tiền về để xây lại! Lý do là có nhà khác xây mộ to và đẹp hơn! Cả một vùng biển Thừa Thiên - Huế quay cuồng vì mộ. Hàng vạn ngôi mộ được mang ra thi đua với nhau. Thi đua…hoành tráng, thi đua lớn rộng. Lớn đến nỗi tại nhiều xã có diện tích đất nghĩa trang nhiều hơn đất ở và canh tác! Như ở xã Vinh Mỹ chỉ có 157,6 hec ta đất canh tác, 47,2 hec ta đất ở trong khi đất nghĩa trang chiếm tới 285 hec ta!

Người chết lấn đất người sống, chẳng phải chỉ xảy ra ở đất nước ta. Ở thị trấn Baritiba-Mirim cũng rứa. Nghĩa trang của thị trấn này tới lúc báo động: không còn chỗ cho những người sắp nằm xuống nữa. Ông Thị Trưởng Roberto Pereira điên cái đầu. Mở rộng thêm nghĩa trang ư? Vô phương vì 98% đất của thị trấn là sông ngòi, không nhúc nhích gì được nữa. Cuối cùng ông làm một việc cổ kim chưa từng thấy: ra qui định cấm chết! Theo qui định này thì chết là một hành vi…bất hợp pháp, thân nhân của người nào dám chết sẽ bị nộp phạt hoặc thậm chí bị bỏ tù nữa!

Chết đâu có phải là chuyện đùa! Phải biết trước khi chết mình sẽ nằm ở đâu đàng hoàng rồi mới nhắm mắt chứ! Bà già Joyce trong truyện ngắn “Chuyến Xe Cuối” của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình cứ loay hoay về cái chỗ nằm sau cùng của mình. Khi bà đã già khú đế rồi mới “sống chung” với ông già Henry. Ông này dĩ nhiên trước đó đã có một đời vợ rồi. Gặp ai bà cũng chỉ có một tâm sự: bà sẽ nằm như thế nào khi nhắm mắt lìa khỏi cái cõi đời này. “Cô nghĩ coi, tui săn sóc khổ sở với ông ấy đủ điều lúc cuối đời. Thời còn trẻ, vợ ông ấy đã hưởng hết rồi còn gì. Đến bây giờ có một nấm mộ ông ta cũng làm tui tủi thân quá trời. Hồi ông còn biết đâu là đâu cơ, tôi có bàn đặt mua hai phần mộ khác cho chúng tôi nằm bên nhau. Ông ấy không chịu, cắc cớ đòi nằm ở giữa; tui với bà trước mỗi bà chôn một bên. Cô nghĩ làm sao tôi có thể làm con ma không biết ghen đây chứ!” Nằm bên hay nằm giữa thì có chi khác nhau khi thân xác đã hết động đậy? Chắc bà Joyce này chưa hề biết tới lối mộ…chung cư. Đó là một mộ huyệt được đào rất sâu, đủ cho nhiều người nằm tùy theo nhân số định nằm chung một hố. Người nào chết trước sẽ nằm ở tầng trệt, tiếp theo là tầng nhất, tầng nhì…Cứ nằm chồng đống lên nhau! Ông Henry mà được nằm theo kiểu này thì bà Joyce còn mệt vì ghen! Kiểu mộ chung cư này không có ý gây ra những trận ghen tuông dưới cõi âm mà là một cách tiết kiệm đất dành cho người chết. Nằm kiểu này có thấy ấm cúng hơn không, không biết vì chẳng ai có kinh nghiệm cả. Những người có kinh nghiệm không thấy về…báo cáo!

Mộ là sinh phần của người chết nhưng người sống đã biến chúng thành bộ mặt của họ. Tôi cứ nghĩ tới một điều nghịch lý: chủ nhân của ngôi mộ, cái con người nằm ngay ngắn bất động dưới đó, có cần biết gì tới cái lầu thượng của chỗ ở của mình. Họ chỉ ở dưới…basement! Còn muốn hoa hòe hoa sói, muốn thêm hoa kết lá, muốn vẽ hươu vẽ vượn gì ở trên, họ có care đâu! Người sống đã dùng người chết để tô vẽ cho bộ mặt hãnh tiến, kèn cựa, giả dối của mình. Khi nào người ta biết tôn trọng người đã khuất thì mộ mới đích thực là mộ. Nhà văn Hoàng Khởi Phong, trong khi trả lời phỏng vấn của Trần Văn Thủy trong cuốn “Nếu Đi Hết Biển” đã nhắc tới những ngôi mộ của những bạn văn đã nằm xuống. “Về nơi ở của người chết, tôi thấy người Mỹ có lẽ đã có những cái nhìn độc đáo hơn nhiều dân tộc khác. Nó đáp ứng được sự bình đẳng của mọi con người trước cái chết, không có sự phân biệt giữa người giầu kẻ nghèo, người quyền uy kẻ cô thế, vì nghĩa trang trông như một thảm cỏ phẳng lì, xanh ngắt, không có những nấm mồ nguy nga, và cũng không thấy những nấm đất lèo tèo, và ngay cả bia mộ cũng nằm sát trên thảm cỏ. Nó không gợi cho ta sự nặng nề, u ám mà đem lại cho ta một cảm giác an bình. Ở đây tôi có khá nhiều thân hữu đã nằm lại như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, nhạc sĩ Phạm đình Chương, ca sĩ Ngọc Lan, nhà báo Lê Đình Điểu, kịch tác gia Vũ Hạ, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhà báo Phạm Kim Vinh, nhạc sĩ Lê Uyên Phương, danh ca Thái Hằng… và mới chỉ cách đây không đầy một tuần lễ, tôi đã đi đưa anh Long Ân, một người bạn từ thuở học trò, một tài hoa viết văn, làm thơ, làm báo, vẽ tranh đến cư ngụ tại vườn vĩnh cửu này. Và tại những vườn vĩnh cửu ở nơi khác, người Việt cũng đã nằm lại khá nhiều tên tuổi như họa sĩ Ngọc Dũng, họa sĩ Nghiêu Đề, điêu khắc gia Mai Chửng…”

Những người từng mang lại tươi mát của cuộc sống cho đời, họ nằm đó, mắt vẫn nhìn lên cuộc đời hẳn họ còn nuối tiếc. Chẳng có cái chết nào là đành đoạn. Ra đi là phải ra đi, thế thôi!

Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời
Em có ngồi mà nghe gió thu phai
Và em có thắp hương bằng mắt sáng?
(Nguyên Sa)

Mộ nằm ở nghĩa trang, chuyện đương nhiên, nhưng mộ đích thực lại nằm ở một chỗ không tốn đất, không xây cất, không bia đá. Đó là trong tận cùng đáy lòng của những người thân còn sống. Thứ mộ đó không cần hình tượng nhưng luôn luôn hiện diện, luôn luôn được trìu mến, thiết tha. Khắc trong truyện ngắn “Nẻo Quyên Ca” của nhà văn Vũ Quỳnh Hương là một người tù cải tạo vượt ngục. Người bảo anh chết rồi, người bảo anh còn sống. Người nói có gặp anh, người nói đã nhìn thấy nấm đất vùi chôn thân xác anh. Tới khi không còn thể bám víu vào những điều mơ hồ về cái chết của người chồng, người vợ đành đưa hình bóng anh vào chùa. “Cái chết của Khắc được đánh dấu trong đời tôi một cách đơn giản. Một buổi lễ phát tang. Thầy mẹ, chị em tôi có mặt đông đủ chung quanh tôi…Ý Nhi quanh quẩn bứt rứt nắm vạt áo tôi. Chị tôi quấn lên đầu mẹ con tôi vành khăn tang trắng…Quì bên cạnh tôi, Ý Nhi cử động tựa như một cái máy. Tôi thấy tội nghiệp cho con tôi. Ấn tượng về Khắc trong trí nó vốn đã mơ hồ mà ý niệm về cái chết của chàng còn mơ hồ hơn nữa. Không khí của buổi lễ, kinh kệ rầm rì và đèn nến lung linh soi trong mắt nó niềm hốt hoảng rờn rợn. Suốt từ lúc được quấn lên đầu mảnh khăn tang, Ý Nhi cứ bấu lấy tôi, nhìn tôi bằng đôi mắt thảng thốt của một con thú nhỏ…Mùi khói hương nồng bát ngát làm tôi cũng choáng váng. Tôi ngước lên nhìn ảnh Khắc. Tôi đã lựa một bức ảnh bán thân tươi cười nhất của Khắc để phóng lớn ra làm ảnh thờ. Trước mặt chàng, bát cơm trắng đầy vun bao quanh quả trứng luộc. Nén nhang chị tôi cắm rơi đầy tàn bụi đen phủ trên mặt cơm. Khắc chưa bao giờ nhìn tôi cười lâu như thế mà không bước đến bên tôi. Tôi chưa bao giờ dọn cho chàng một bữa ăn kỳ lạ như thế, chưa bao giờ tôi xới cho chàng một bát cơm vun đầy với một quả trứng luộc như thế.”

Chỉ có thế! Và chỉ cần có thế!

03/2006