Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

BỔNG

Mấy ông bạn tôi, khi đã đạt tới cái mức sáu chịch niên trên đời, thường có một niềm hồi hộp khó tả. Liệu có tránh được cái cảnh “xe tang đi trước, xe tiền đi sau” không? Diễn nôm ra là có gia nhập được vào hội quý tộc không? Cái hội ngồi mát ăn bát vàng, cứ phè ra mà mỗi đầu tháng vẫn nhận được một tấm chi phiếu rất tươm tất. Đó là bổng lộc bên đây thì có bên nhà thì không. Với xấp xỉ trên dưới ngàn đô mỗi tháng, các quý tộc người Việt chúng ta có thể, không những sống đầy đủ, mà còn đóng góp rất hậu hĩnh trong việc xây mồ mả tổ tiên khuất núi nơi quê hương. Cha hơn nữa là có những vị lại còn có thể chia đều lịch trình sáu tháng hè bên ni sáu tháng đông bên nớ. Tiền máy bay, tiền ăn uống, tiền cho mấy bồ nhí ăn theo đều nằm gọn lỏn được trong cái chi phiếu từ trên trời rớt xuống hàng tháng đó. Sáu tháng thôi! Nếu mải du dương quên đường về mà vân du quá sáu tháng thì…hốc hác. Nhà nước “bảo hộ” sẽ cúp cái rụp, tan tành xí quách hết!

Muốn có được ngôi vị… thiên tử như vậy, phải bắt được cái anh 65 năm sống trên đời, thiếu một ngày cũng bị nhà nước làm ngơ. Đó là nói về xứ Canada. Xứ Mỹ thì vất vả hơn. Họ đang tiến dần tới cái mức 67 xuân xanh mới được sờ vào đồng tiền nhà nước. Điều này làm cho các ông bạn tôi phải đổ thêm chút mồ hôi. Bởi vì đã có truyền thống từ lâu là Mỹ làm sao, ta sẽ “nhất trí” chẳng sớm thì muộn Canada của tôi cũng sẽ vác cờ chạy theo!

Vậy thì làm răng mà tồn tại được tới cái ngày huy hoàng đó đây? Hồi hộp chứ! Tương lai là một thứ chẳng dễ dàng nghía vào mà biết được. Để giúp đỡ các ông bạn tôi, các nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Y Tế Cựu Chiến Binh San Francisco vừa công bố một tài liệu quý hóa. Đó là một bài trắc nghiệm cho những người trên 50 tuổi biết mình có còn tồn tại trong 4 năm sắp tới không. Nghĩa là nếu năm nay bạn chẵn chòi 61 tuổi, bạn có quyền thấy có bao nhiêu phần trăm hy vọng là mình sẽ được sờ tới cái cheque mà chúng ta thường gọi nôm na là tiền già. Đây là một bài trắc nghiệm rất khoa học và chính xác. Độ chính xác lên tới 81% chứ không phải ít!

Để có được 12 câu trắc nghiệm quý hóa này, trưởng nhóm nghiên cứu Sei J. Lee và các cộng sự viên đã phải làm một cuộc điều tra 11.701 người trên 50 tuổi trong 4 năm, từ 1988 đến 2002. Họ thu thập những dữ kiện về giới tính, tuổi tác, bệnh tật và cách tự lập trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như có thể tự tắm rửa, trang điểm, đi đứng và ngay cả việc có cúi xuống lượm được đồng xu đánh rớt không! Tới ngày 31 tháng 12 năm 2002, ngày cuối của 4 năm nghiên cứu, họ mới lập danh sách xem ai còn ai mất.

Đây là 12 câu hỏi. Bạn đã sẵn sàng giấy bút chưa? Điều cần thiết là bạn hãy thành thật trả lời, đừng tránh né, đừng ham điểm cao vì điểm càng cao càng dễ…hui nhị tì!

Câu 1: Tuổi: 60-64 (1 điểm); 65-69 (2 điểm); 70-74 (3 điểm); 75-79 (4 điểm); 80-84 (5 điểm); trên 85 (6 điểm).
Câu 2: Giới tính: Nam (2 điểm).
Câu 3: Chỉ số khối cơ thể BMI: dưới 25 (1 điểm). Muốn tính chỉ số này dễ ợt! Bạn lấy trọng lượng của bạn (tính bằng kí) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Nếu bạn có máu lười giống tôi thì vào internet, search: Body Mass Index. Màn ảnh sẽ cho một đống website, bạn chỉ cần đánh dữ kiện của bạn vào là được…hầu hạ, chỉ số BMI của bạn hiện lên liền. Khỏe ru!
Câu 4: Nếu bạn có bệnh tiểu đường: 2 điểm.
Câu 5: Bệnh ung thư (không kể ung thư da loại nhẹ): 2 điểm.
Câu 6: Bệnh phổi mạn tính gây hạn chế hoạt động hoặc cần thở bằng máy tại nhà: 2 điểm.
Câu 7: Bệnh tim: 2 điểm.
Câu 8: Có hút thuốc lá trong tuần vừa qua: 2 điểm.
Câu 9: Khó tự tắm rửa vì có vấn đề về sức khỏe hoặc trí nhớ: 2 điểm.
Câu 10: Khó quản trị tiền bạc, thanh toán hóa đơn, theo dõi chi tiêu vì có vấn đề về sức khỏe hoặc trí nhớ: 2 điểm.
Câu 11: Khó đi bộ được vài block nhà vì có vấn đề về sức khỏe: 2 điểm.
Câu 12: Khó đẩy hoặc kéo được những vật lớn như ghế sa-lông: 1 điểm.

Sau đây là kết quả cuộc…xổ số vận mạng:
Từ 0 đến 5 điểm: bạn chỉ có 4% nguy cơ sẽ đi tàu suốt trong vòng 4 năm tới.
Từ 6 đến 9 điểm: 15% nguy cơ
Từ 10 đến 13 điểm: 42% nguy cơ.
Từ 14 điểm trở lên: 64% nguy cơ.

Bạn có hy vọng có được cái ngày…huy hoàng tiền tìm tới mình đó chăng? Sao không? Dù ở trong trường hợp bao nhiêu phần trăm đi nữa thì nếu bạn biết tu thân, nghĩa là ăn uống điều độ, không thuốc không rượu, thể dục thể thao đều đều và nhất là đừng ham hố quá thì…xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều là cái chắc! Cứ mỗi năm than thân trách phận là không biết có qua được mùa đông này không như ông bạn Luân Hoán của tôi mà cũng đã…tới đích rồi đó! Sức khỏe làng nhàng, ăn uống tùy hứng, thuốc thang cũng tùy hứng, từng có thâm niên cưỡi xe còi hụ chạy như bay vào nhà thương, một lực sĩ hạng ruồi như vậy về tới mức ăn thua, mừng lá cái cẳng!

Để biểu tỏ lòng mừng vui đó, ông bạn tôi làm chuyện lớn: viết hồi ký! Cuốn sách dày tới gần bốn trăm trang mang tên “Quá Khứ Trước Mặt” được ông bạn tôi gọi là “hồi ký rời” là tấm lòng của người thơ với những thành phố đã cưu mang mình trong suốt 65 năm bể dâu. Cuốn sách được hoàn thành vào đúng ngày sinh nhật năm…tiền già và sẽ ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 5 sắp tới.

Trong lời kể lể nơi đầu sách, nhà thơ của chúng ta đã nêu ra mục đích khi…ôn cố tri tân như sau:

Một là, để trắc nghiệm trí nhớ của mình, khi số tuổi đời đã đủ xếp vào loại già. Đây cũng là một phương pháp tập thể dục trí não tốt, chắc chắn mang lại nhiều kết quả khả quan.
Hai là, làm một món quà kỷ niệm ngày chính phủ quốc gia Canada gởi lần đầu tiên khoản tiền nuôi suốt những năm tháng sống còn lại, cho một người đã sống trên đất nước họ 20 năm và đã mang quốc tịch, làm công dân của quốc gia họ 17 năm .
Ba là, một cách tiêu thì giờ được nhận thêm của cuộc sống một cách không lãng xẹt.
Bốn là, đánh dấu cụ thể sự hiện diện của mình trong cuộc đời, để kiếp sau trở lại, tìm đến, sống tiếp, làm tiếp những gì mình chưa thực hiện được”.

Cứ đúng chỉ số là xe tiền đậu trước nhà. Chuyện đó là đương nhiên. Nhưng có những ông bà bạn tôi, tuổi đời đã đủ lục thập ngũ mà bổng lộc vẫn mù mịt phương xa. Tại sao vậy? Tại vì họ lanh quá! Những ngày thuyền vừa cặp bến trên đảo, chưa hết say sóng, các thuyền nhân này hướng đến tương lai liền. Họ khai sụt tuổi để mai đây, khi được đi định cư ở nước thứ ba, họ sẽ trẻ lại, có nhiều thời gian làm ăn kiếm tiền nuôi gia đình. Ừ thì đời đổi thay, tay trắng làm lại giữa lúc tuổi đã ngả sang bóng chiều, ăn gian nhẹ nhàng chút đỉnh cũng chẳng sao. Ngày nay, tuổi cũng bằng người ta, mà người ta nằm khểnh ra hưởng nhàn, mình vẫn cứ ôm râu đi cầy! Xác thân thì lục thập ngũ mà giấy tờ mới lục thập chẵn chòi. Nhiều ông bạn tôi tính kỹ hơn đã chơi ngay một cú ngoạn mục tự mình làm trẻ đi tới cả một thập niên! Biết đến bao giờ mới sờ được vào miếng bổng lộc thơm như múi mít!

Gian có…chính nghĩa như vậy cũng được đi. Nhiều ông bà đã sờ được đồng tiền…nhân nghĩa lại muốn nhân đồng tiền lên nhiều hơn. Họ làm…động tác giả: ly dị! Vợ chồng  ăn ở với nhau bao nhiêu năm rồi, mặn nồng với nhau qua những ngày chiến tranh khốn khó, dắt díu nhau qua tới bên đây làm lại cuộc đời, chẳng xung khắc, chẳng lấn cấn tình cảm, tuổi đã cận kề lòng đất, ai mà bỗng chốc mang nhau ra tòa kể tội nhau để được chia lìa. Họa có điên! Mà họ điên thiệt: điên vì tiền! Chẳng là tiền bổng lộc hai vợ chồng cộng lại chẳng bằng được hai lần tiền cho mỗi người độc thân. Vậy thì tội gì không làm giấy ly dị nhau, ông sống với gia đình một đứa con, bà sống với gia đình một đứa con khác, chẳng mất gì mà tiền thêm thấy rõ. Lợi nào hơn? Lợi thì có lợi, lợi thấy rõ ngay trước mắt, nhưng lâu ngày chày tháng, có khi ly dị giả mà thành ly dị thiệt. Đồng tiền nào đổi được những giọt nước mắt ngậm ngùi!

Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo
Nghèo tiền nghèo bạc chả cho là nghèo

Nhân với nghĩa làm gì còn đất sống khi mắt đã mờ đi vì những tờ giấy xanh xanh!

Nhân với nghĩa còn bị thêm một cú chới với nữa khi có những anh chị già chơi một chiêu khác ngoạn mục hơn. Chiêu này là chiêu…xuyên lưỡng quốc. Lưỡng quốc đây là hai nước lớn: Hoa Kỳ và Canada. Họ có con định cư cả trên hai quốc gia. Với chiêu con cái bảo lãnh, họ có quốc tịch ở cả hai bên. Là công dân của cả hai nước mà cả hai nước đều có chế độ đãi ngộ người già, họ thấy thiệt thòi khi không hưởng được bổng lộc của cả hai bên. Của trên trời rơi xuống thì giơ hai tay ra mà đón nhận ở cả hai bên, thế mới là người khôn! Loại gian này là…gian hùng. Phải có trình độ mới gian được. Vậy nên những quan…tham này thường là những người có học, có địa vị ăn trên ngồi trốc khi đất nước chưa khốn khó. Chân dung họ bỗng biến dạng: một thân mà hai đầu! Một thân già, một cái miệng ăn nhưng họ có hai cái đầu. Một đầu đớp bên Mỹ, một đầu đớp bên Canada! Tự nhiên tháng tháng có hai cái cheque rủ nhau tới nhà. Sướng cách chi! Gian…quốc tế loại này thì chẳng bao giờ ngoan được cả.  Đi đêm còn có ngày gặp ma huống chi đi đêm giữa ban ngày. Thời buổi computer, chỉ một cái nhấn lên chú chuột điện tử thì chuột lộ nguyên hình chuột ngay: gian tham nào mà chẳng bị phơi ra ánh sáng. Sau đó là một màn hốc hác vì phải hoàn trả cả vốn lẫn lời. Ăn vào rồi biết sao móc ra?

Tháng tháng tiền cứ chạy tới thùng thư, nhưng nó còn chạy đến với mình được bao lâu? Đó là mối lo tâm phúc. Một ngày âm u nào đó bỗng trời bắt chơi cái trò mặc sơ mi gỗ đủ sáu tấm thì còn chi là bổng lộc! Vậy thì “tôi” sẽ còn nhúc nhích ngón tay cầm tiền được bao lâu nữa? Chỉ có trời mới trả lời được câu hỏi thiết thân này. Còn hỏi tôi, tôi chỉ có nước nói quanh!

Nếu bạn là dân Canada thì, theo một phúc trình của Organisation for Economic Cooperation and Development, tuổi thọ trung bình của bạn là 79,9 tuổi. Tuổi thọ này càng ngày càng tăng: năm  1960 là 71,3 tuổi, năm 2000 là 79,3 tuổi và năm 2002 là 79,7 tuổi. Nghĩa là bạn có cơ may ẵm được tiền già xấp xỉ 15 năm. Nếu bạn là dân Mỹ thì cơ may của bạn hụt đi một chút vì tuổi thọ trung bình của dân Mỹ chỉ có 77,2 tuổi thôi!

Lại nói quanh thêm một chút. Chúng ta thử nhìn vào những cáo phó của dân Việt mình trên các báo Việt Ngữ xuất bản ở Canada thì thấy, ngoài những người chết trẻ, những nhân vật ở độ tuổi cầm tiền bổng lộc chỉ chịu buông bổng lộc vào độ tuổi từ 75 đến 90. Nghĩa là tha thiết với bổng lộc được khoảng từ 10 đến 25 năm!

Loại super là cụ hàng xóm với tôi ngày trước ở khu Côte Des Neiges, cụ bà Bùi Thị Phượng, năm nay đã 103 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh, hàng tuần vẫn lui tới với các cụ của hội tuổi vàng S.A.I.M., vẫn ngồi đánh tứ sắc hết buổi, lưng vẫn thẳng, nhìn quân bài vẫn rõ ràng, chẳng đánh lộn cây nào, vẫn sáng suốt thu và đếm tiền không sai một xu! Bổng lộc chẳng tìm được cái cửa ngõ nào mà không đến với cụ ít ra cũng còn nhiều năm nữa. Nếu cụ thiệt tình…gân, chơi ngay cái kỷ lục Guinness người sống lâu nhất thế giới trong tương lai thì tôi là người đầu tiên chẳng ngạc nhiên một chút xíu nào cả. Anh bổng lộc còn mệt với cụ!

Bạn và tôi có thể làm khó anh bổng lộc như cụ Phượng được chăng? Được quá đi chứ! Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì mọi loài động vật đều sống gấp 5 hoặc 6 lần thời gian phát triển của chúng, vậy mà loài người chúng ta lại chỉ sống được có khoảng từ 3 đến 4 lần thời gian phát triển. Điều này có nghĩa là, trong quá trình tiến hóa và phát triển xã hội, tuổi thọ của chúng ta đã mất đi gần một nửa. Vậy thì chúng ta có cách nào lấy lại được cái phần đã bị tạo hóa ăn gian đó không? Có chứ! Nó nằm trong tay chúng ta chứ đâu! Nếu chúng ta biết cách ăn uống, tập tành, duy trì những thú vui lành mạnh thì chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ của chúng ta. Mà chúng ta còn thở thì bổng lộc vẫn còn phải tìm tới với chúng ta. Chẳng chệch đi đâu được!

Vậy thì trong cuộc sống hàng ngày người cao tuổi ăn bao nhiêu là vừa? Trong sách “Vệ Sinh Yếu Quyết”, Hải Thượng Lãn Ông khuyên những người già “nên để trong no một chút đói”. Rành mạch hơn, bác sĩ người Nhật Hinohara, năm nay 92 tuổi, cư ngụ tại Tokyo, khuyên mọi người từ 60 tuổi trở lên chỉ nên ăn no bụng đến 70% thôi. Các nhà khoa học cho rằng, với một khối lượng thức ăn vừa phải như vậy, các tế bào, các mô và các hệ cơ quan chức năng không phải làm việc nhiều nên sẽ không tạo ra nhiều gốc tự do, không gây quá tải cho thân thể.

Ăn đã vậy, uống cũng cần có…kế hoạch. Nên uống đều một lượng nước vừa phải trong ngày. Thế nào là vừa phải? Bởi vì cái thân thể đã trì trệ của người cao tuổi kém nhạy cảm với nước nên không đợi tới khi thấy khát mới uống vì khi có cảm giác khát thì cơ thể đã thiếu hụt 10% lượng nước rồi!

Đời sống tinh thần cũng là một yếu tố quan trọng. Duy trì các sở thích riêng như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, gặp gỡ, đàm đạo với bạn bè, tham gia các hội đoàn thích hợp, hát karaoke, nhất là chuyên trị loại tango nhún nhảy rập ràng như “ca sĩ” Trang Châu…đều có thể kéo dài được tuổi thọ của con người.

Tích cực hơn nữa là tập thể dục. Muốn tập gì cũng OK miễn là những động tác tập thích hợp với một cơ thể đã bắt đầu biết…làm nũng! Dân Việt Nam chúng ta thì mặn với tài chi, khí công, suối nguồn tươi trẻ, quần vợt, bóng bàn … Ông bạn Trang Châu của tôi thì tuần năm ngày chơi badminton. Cũng tốt vậy. Đi bộ cũng là một loại vận động tốt. Tới nhà mấy ông bạn tôi, ông nào ông nấy cũng thủ một cái máy đi bộ trong nhà. Một ông bạn tôi là tín đồ ngoan ngoãn của…đạo treadmill. Gặp đâu ông cũng tụng ca cái máy đi bộ này. Ông đã hân hoan và hãnh diện khoe thành tích là mỗi ngày hì hục với máy trong cả tiếng đồng hồ. Đi cho tới khi áo ướt đẫm, vắt ra được cả bát mồ hôi! Gì chứ củ cà rốt…bổng lộc treo trước mặt thì một bát mồ hôi còn là ít. Cứ hùng hục đạp. Hai bát cũng đáng công!

02/2006