Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

CHÍCH

Thuở nhỏ, có hai chuyện tôi hết sức bất bình: uống thuốc xổ và chích ngừa. Thuốc xổ để trừ giun sán hồi đó là một dung dịch đặc có cái mùi khó tả. Vừa tanh tanh, vừa nhờn nhợn, vừa hôi hôi, vừa ngai ngái. Nghĩa là rất khó cho nó trôi qua khỏi cuống họng. Muốn cho nó tạm tạm nuốt được, phải pha một ly nước cam bỏ thiệt nhiều đường, đổ một nửa xuống đáy cốc, cho cái dung dịch…đáng ghét vào rồi lấp lên trên bằng một lớp nước cam nữa. Nhắm mắt nhắm mũi uống xong là phải cho ngay một chiếc kẹo bạc hà vào miệng ngậm. Nếu không thuốc cứ đưa lên cổ, ói ra lúc nào không biết. Chích ngừa là một cực hình khác. Khóc hết nước mắt, mũi giãi tuôn ra ào ạt, ghét từ bà y tá ghét đi. Mới nhìn cái mũi kim bà y tá giơ lên trời phụt thử ra ít thuốc đã hết hồn hết vía. Khi mũi kim được dí sát vào da thịt thì bao nhiêu thành công lực mang ra xài hết. Vùng vẫy, đạp chân, múa tay, lại thêm cái miệng mở rộng gào hết cỡ. Nhưng rồi số phận cũng an bài. Mũi kim vẫn đâm sâu vào da thịt để lại những tiếng nấc tức tưởi của một trận chiến vừa tàn, phần thắng thuộc về phe…y tá!
Ông bạn vong niên của tôi kiên cường hơn nhiều. Năm nay ông đã ở tuổi cổ lai hy, vậy mà trong kỳ chích ngừa cúm năm nay, ông chích xong, ra khoe là chích được rồi. Bảy chục năm trên đời bộ ông vẫn…còn trinh với ống chích sao? Chứ sao! Hóa ra ông anh từ thuở nhỏ cứ mỗi lần nhìn thấy cái kim chích là run. Không phải run thường tình như người ta đâu mà bắp thịt cứ chao đảo cứng ngắc, kim nào cũng chịu thua. Vậy thì tại sao bây giờ ông lại hết…cứng? Moi đâu có biết!

Tội nghiệp ông bạn già của tôi! Nếu ông chịu khó chờ tới bây giờ mới làm…con nít thì đời ông dễ chịu biết bao. Bởi vì con nít bây giờ không phải giao du với cái trò rùng rợn của kim chích ngày xưa. Các nhà khoa học ở Ireland đã chế tạo được những kim tiêm nhỏ xíu dài từ 150 tới 300 micron. Muốn biết nó ngắn như thế nào thì cứ tưởng tượng ra mỗi micron chỉ bằng một phần ngàn của một milimetre! Loại kim chích này đủ dài để đâm vào da nhưng không chạm tới các dây thần kinh thụ cảm nên chẳng phải rên la gì cho mất mặt anh hùng. Kim được làm bằng silicon nhưng trong tương lai sẽ có loại kim có thể tự tiêu hủy trong da. Ngon hơn nữa, các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ Thuật Massachusetts của Mỹ mới đây đã chế tạo thành công loại miếng dán có vô số kim chích siêu nhỏ chứa đầy dược phẩm. Chỉ cần dán miếng dán này vào da, các đầu kim chích sẽ tác động ngay với phần cơ bên dưới da rồi thẩm thấu thuốc vào trong máu. Chẳng đau điếc gì cả!

Nhưng đối với phần nhạy cảm nhất trong cơ thể thì dù là một miếng dán cũng dễ…rùng mình. Các ông chồng muốn đoạn sinh để từ chức…công nhân chế tạo baby, trước khi được các bác sĩ ra tay đều phải chích thuốc tê. Chơi một anh kim chích vào…chú nhỏ là một việc chỉ nghĩ tới cũng đã…teo. Nhất là độ tuổi trung bình của các ông chồng đi đoạn sinh ở Bắc Mỹ là 35 tuổi, cái tuổi thường chưa một lần điều trị trong các bệnh viện. Phương pháp chích mới vào nơi chốn nhạy cảm này là không kim kiếc chi cả. Chỉ cần xịt một tia nước vi ti cực mạnh vào là thuốc đi vào thịt. Để cho các ông chồng…hy sinh vì nhiệm vụ biết tranh đấu cho quyền lợi của mình tại bệnh viện thì xin các ông nhớ tới tên cái phương pháp…cứu bồ này là MadaJet. Nó nhất cử tam tứ tiện: vừa tiết kiệm được thuốc vì chỉ cần xịt vào số lượng thuốc tê bằng một phần mười của số thuốc cần dùng cho kim chích là cũng ép-phê như nhau, vừa có hiệu quả nhanh hơn vì xịt như vậy thuốc sẽ trải ra đều vào thịt và trải ra trong ít giây đồng hồ thay vì ít phút như dùng kim chích, và nhất là bệnh nhân không rùng mình ngại ngùng khi phải đi…thiến!

Tất cả những thứ dùng để chích ít đe dọa kể trên không thể áp dụng với một số người mang…nỗi buồn thời đại. Đó là những người bị phì mập! Khi cần chích vào cơ của những người này, các y tá thường phải vất vả. Bởi vì khi cần thuốc đi vào cơ, các y tá thường chọn chích vào mông. Mông có ít mạch máu lớn, ít dây thần kinh và ít xương nên ít bị…đụng. Hơn nữa cái vùng…phì nhiêu này lại có vô số những mạch máu nhỏ dễ giúp tải thuốc đi khắp cơ thể. Vì vậy nên mông là mục tiêu số một khi cần chích thuốc vào cơ. Khổ nỗi mông của những người bị phì được bao bằng một lớp mỡ dầy khiến cho loại kim chích hiện dùng không “với” tới được cơ mà chỉ bơm được thuốc vào vùng mỡ vốn có ít mạch máu hơn. Vì vậy mà bệnh nhân không nhận đủ lượng thuốc cần thiết trong thời gian nhất định. Đó là chưa kể đến một nguy cơ khác là thuốc có thể đọng lại trong lớp mỡ dẫn đến nhiễm trùng hoặc sưng tấy. Nhóm nghiên cứu tại bệnh viện Adelaide &Meath ở Mỹ đề nghị phải nghiên cứu để dùng một loại kim chích dài hơn đối với các người nặng kí này. Eo ôi!
Chích đâu phải chỉ vạch mông mà lụi, nhiều loại thuốc cần phải chích thẳng vào tĩnh mạch. Đây là biện pháp thường dùng tại các cơ sở y tế nhằm đạt hiệu quả điều trị nhanh. Nhờ quá trình tuần hoàn máu, thuốc sẽ đi tới đích cái rụp. Nếu truyền thuốc bằng đường tĩnh mạch liên tục thì nồng độ thuốc trong máu được coi là ở trạng thái hằng định trong suốt thời gian tiêm truyền. Hiệu quả nhanh chóng nhưng rủi ro cũng nhiều. Phải chuẩn bị đúng thuốc, thực hiện đúng qui định kỹ thuật hòa tan thuốc, pha loãng và chuẩn bị liều dùng phù hợp. Dụng cụ dùng phải phù hợp và đảm bảo vô trùng sạch sẽ. Khi truyền thuốc, thuốc có thể thâm nhiễm ngay tại khu vực truyền gây nên bầm tím hoặc vỡ mạch máu. Dị ứng cũng là anh chàng hay gây rắc rối có thể dẫn đến tử vong. Mà dị ứng không phải chỉ là dị ứng với thuốc mà còn là dị ứng với các tá dược hoặc chất bảo quản. Thí dụ như chất metabisulfit là một chất bảo quản tạo nên sự ổn định của thuốc, nếu người không có dị ứng với chất này thì không sao, nhưng nếu bị hen suyễn thì…coi chừng. Có khi dị ứng một cách vô duyên, như có người bị dị ứng với chất nhựa của vỏ chai đựng thuốc chẳng hạn! Vì vậy, chắc ăn hơn là trước khi truyền thuốc, nên hỏi kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân và làm thử nghiệm loại thuốc sẽ dùng.

Chơi cây kim chích thẳng vào mạch máu, đau tim lắm. Chắc ai trong chúng ta cũng đã từng giơ cánh tay ra để hiến máu hoặc lấy máu ra thử. Đó là một trò chơi may rủi. Gặp được y tá có kinh nghiệm thì chỉ cần nắn nắn mấy cái, cột dây cao su trên cánh tay là mạch máu nổi lên liền. Lụi kim một cú là…an toàn trên xa lộ. Nhưng rủi gặp y tá mới ra trường, tay nghề còn non nớt, cứ đâm chích liên miên mà đầu kim vẫn cứ chệch mục tiêu. Bệnh nhân toát mồ hôi mà y tá cũng mồ hôi nhỏ có giọt. Tay lỗ chỗ vết kim mà biết tìm đâu cái mạch máu thân yêu! Nhiều khi chẳng phải vì y tá nhưng chính bệnh nhân thuộc loại giấu mạch máu hơi kỹ. Làm đủ cách mà da thịt cứ phẳng lì. Đổi qua cánh tay khác, tình hình vẫn cứ đen tối. Mạch máu ơi, bi giờ mi ở đâu? Bến Hải hay Cà Mau? Chẳng phải Bến Hải mà cũng chẳng phải Cà Mau, nó nằm trên cổ tay hoặc mu bàn tay không chừng! Thế nên, lần sau, khôn hồn thì mách nước trước cho y tá biết cái tổ con chuồn chuồn để khỏi phải đau đớn vô ích. Nhưng có những ông bà y tá khó tính, bệnh nhân chỉ cho thì tự ái. Mi sao bằng ta được! Cứ chơi chỗ khác mà cắm cho thỏa cái quyền…tự quyết. Gặp trường hợp này chỉ còn cách cắn răng chịu lần này, lần sau cứ thấy mặt cái ông hay cái bà y tá nhiều tự ái đó thì lỉnh đi chỗ khác cho đỡ cực cái thân.

Nhưng yên chí lớn! Một kỹ sư y sinh học tại Đại Học Tennessee, ông Herbert Zeman đã chế ra được một chiếc máy tìm tĩnh mạch. Chiếc máy cứu tinh này, được gọi là thiết bị nâng cao độ tương phản của tĩnh mạch (VCE), gồm một camera sử dụng ánh sáng có bước sóng gần bước sóng hồng ngoại để ghi lại những hình ảnh thật về tĩnh mạch bệnh nhân; một computer để làm tăng độ tương phản của hình ảnh; và một máy chiếu để hiển thị hình ảnh lên vùng da phía trên tĩnh mạch ở cánh tay. Đó là đồ nghề. Khi sử dụng thì các diod phát quang ánh sáng có bước sóng gần bằng bước sóng tia hồng ngoại được bố trí xung quanh camera. Một chùm sáng có bước sóng 740 nanometre từ các diod  sẽ chiếu sáng vùng da có tĩnh mạch. Bước sóng này được máu hấp thụ mạnh, nhưng không bị hấp thụ bởi các mô xung quanh. Do đó, hình ảnh mỡ và các mô trông sáng rõ, còn hình ảnh tĩnh mạch và máu tối hơn. Thế là đã nổi lên anh tĩnh mạch, nhưng  hình ảnh này sẽ được chuyển tới computer để anh chàng tài ba này làm tăng thêm độ tương phản giữa hai vùng tĩnh mạch và các mô xung quanh. Sau đó , hình ảnh đã có độ tương phản rõ ràng này được chuyển tới máy chiếu để chiếu lên da. Sau khi định cỡ, hệ thống này đảm bảo hình ảnh một tĩnh mạch luôn luôn xuất hiện trên vùng da phía trên nó với độ chênh lệch tối đa là 0,06 milimetre  xung quanh vị trí tĩnh mạch. Vậy là anh tĩnh mạch lộ hình rõ ràng, chẳng chệch đi đâu được. Y tá có vụng về đến đâu chăng nữa cũng chỉ lụi một phát là đúng phóc!

Tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, có những tên chẳng phải là y tá y tiếc gì mà cũng thích lụi kim. Đó là bọn côn đồ mà báo chí trong nước gọi tên là “mông tặc”! Vậy là sau không tặc, hải tặc…nay lại có mông tặc. Gọi như vậy là vì bọn này chuyên môn lụi kim chích vào mông của các thiếu nữ ở ngoài đường ngay ban ngày ban mặt. Trò chơi quái ác này, theo hồ sơ của công an xã Nhựt Chánh, rộ lên từ đầu tháng 9 đến tháng 11 năm 2002, sau đó là…giải lao! Tới tháng 3 năm 2003 chúng chơi lại cho tới giữa năm 2004. Đầu năm 2005 mông tặc lại hoành hành và số nạn nhân đã có trên 50 cô. Ban đêm đàn bà con gái hầu như không dám ra đường. Ban ngày ban mặt cũng phải phòng thủ thụ động bằng cách độn bìa các tông vào bàn tọa khi có việc phải ra đường! Nhiều trường hợp mông tặc hoành hành ngay trước mắt cảnh sát hình sự mà vẫn không bị bắt. Nhà cầm quyền đã phải treo giải thưởng 10 triệu đồng cho ai tóm đuợc mông tặc. Đã hai năm trôi qua mà giải thưởng vẫn không có người lãnh. Mông tặc còn làm tới hơn: chúng đã mở rộng vùng hoạt động ra nhiều xã khác của huyện Bến Lức, huyện Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước. Phần lớn các nạn nhân không trình báo khi bị tấn công phần vì e thẹn, phần vì có tin đồn là bọn này bị bệnh AIDS nên các cô sợ nếu người khác biết được thì có thể bị cộng đồng xa lánh, bị chủ cho nghỉ việc hoặc không ai thèm lấy! Quả thực có nhiều trường hợp cây kim găm vào mông nạn nhân còn dính máu tươi do chúng vừa sử dụng xong!

Anh chàng Marc Laliberté ở Montréal bị bệnh AIDS thời kỳ cuối dùng kim chích vào việc khác. Anh dọa lụi kim vào nạn nhân để cướp 18 tiệm tạp hóa. Các nạn nhân đều phải công nhận anh là một tên cướp dễ mến! Anh chỉ khơi khơi cầm cây kim chích chứ không tỏ vẻ hung hãn. Khi đòi nạn nhân đưa hết tiền trong két, anh còn xin lỗi cẩn thận. Trong phiên xử vào cuối tháng 11/2005, anh chàng 31 tuổi này đã bị kết án 5 năm tù nhưng chắc anh không còn thời gian ngồi trong nhà lao đủ số năm bị phạt vì bác sĩ cho biết anh chỉ còn sống được từ 6 tháng đến một năm là cùng!

Kim chích ngày nay chúng ta dùng chỉ một lần là bỏ. Chẳng những bỏ kim mà còn bỏ ngay cả ống chích. Ngày xưa không được như vậy. Bác y tá thường tới nhà tôi chích thuốc có một công việc mà hồi nhỏ tôi rất thích thú. Đó là đổ cồn vào nắp cái hộp đựng ống chích để luộc kim chích trong hộp. Những lưỡi lửa xanh lè nhảy múa trong nắp hộp inox trông thật đẹp mắt. Tôi say mê ngắm như đang coi làm xiếc. Những trò khác của bác thì…khó coi lắm! Có khi kim quá mòn, bác còn mài dũa cho kim được sắc, lụi vào thịt cho ngon. Chiếc kim…vạn niên đó ngày nay các nước nghèo vẫn còn phải dùng tuy Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã khuyến cáo nhà cầm quyền các nước nên cấm dùng lại kim chích. Nhưng, theo thống kê của chính Liên Hiệp Quốc, các nước nghèo chỉ xài trung bình cho mỗi người dân 10 đô Mỹ một năm cho việc chăm sóc sức khỏe thì làm sao mà vứt kim chích đã xài rồi đi được. Vì giá mỗi cây kim chích đã là 6 xu Mỹ. Cũng theo thống kê thì mỗi năm có 21 triệu người bị lây siêu vi gan B và 2 triệu người lây nhiễm vi khuẩn HIV vì chích thuốc. Ở Roumania vì dùng lại kim và ống chích không sạch nên hầu hết các em trong một viện mồ côi bị lây nhiễm HIV khiến thế giới bàng hoàng kinh sợ.

Loài vật chẳng…y tá gì cũng cứ chích búa xua. Thường khi bị chích chúng ta gãi một vài cái là xong. Nếu vết chích bị sưng thì thoa thuốc một vài ngày cũng…đẹp da như thường. Nhưng bị chích mà về với ông bà ông vải luôn thì hiếm. Hiếm nhưng không phải không có. Mới đây thôi, anh thợ điện Frank Rinaldi, 36 tuổi, leo lên sửa điện ngoài đường Bourret, khu Côte des Neiges, khu có đông người Việt ở thành phố Montréal, cắt một cành cây cho hết vướng. Bất ngờ một đàn ong từ cành cây bay ra…oanh tạc. Anh bị chích chỉ có vài cú, bị phản ứng, vội tụt xuống, chui vào xe kêu sếp. Vài phút sau, một xe cứu thương tới đưa anh vào bệnh viện Jewish General Hospital mà dân Việt trong vùng thường kêu là bệnh viện Do Thái. Tới bệnh viện thì anh xuôi tay chết! Cái chết tức tưởi và lảng xẹt của anh đang được giới có thẩm quyền liên hệ điều tra.

Trong thành phố bị ong chích, hơi hiếm. Muỗi thì…phổ thông hơn. Không phải muỗi coi con người như…cá mè một lứa cả đâu. Có người…thơm ngon đối với muỗi hơn những người khác. Trung bình cứ 10 người thì có một người thuộc vào loại thực phẩm thượng hảo hạng của muỗi. Ai cũng biết chỉ có muỗi cái mới chích người. Điều này không có nghĩa là chúng chỉ tìm đàn ông mà…lăn vào. Chúng hẩu sực nhất là đối với những người mà cơ thể dư thừa một số acid như acid uric chẳng hạn. Chất này kích thích khứu giác của muỗi và giúp chúng định hướng đúng đối tượng. Khả năng “đánh hơi” của muỗi bao trùm một khoảng cách rất xa, có khi xa tới 50 cây số! Đó là kết luận của Hội Côn Trùng Học Hoa Kỳ mà phát ngôn viên là Tiến sĩ John Edman. Một chuyên viên khác cho rằng bất cứ chủng loại CO2 nào cũng thu hút muỗi. Vườn cây vào ban đêm thường tỏa ra nhiều CO2 hơn ban ngày nên nếu ra vườn vào ban đêm bạn có khả năng bị muỗi sơi tái nhiều hơn ban ngày. Người có tầm vóc to lớn thường có khuynh hướng sản xuất ra nhiều CO2 hơn người có tầm vóc nhỏ; do đó người lớn hay bị muỗi đốt hơn trẻ con. Phụ nữ mang thai có hơi thở chứa nhiều CO2 hơn nên cũng dễ là mục tiêu của muỗi hơn. Mới đây người ta lại khám phá ra là những người có nồng độ cao các chất steroids hay cholesterol trên da cũng…bắt muỗi hơn người khác. Ngoài ra sự vận động và tỏa nhiệt cũng là những yếu tố thu hút muỗi. Vì vậy, khi đi xem một cuộc trình diễn thể thao có đông người coi chẳng hạn, chúng ta nên chọn chỗ vắng vẻ mà ngồi. Nhưng nếu chúng ta cổ võ đội nhà hăng quá, nhảy nhót lung tung, lăng xăng quá lẽ , nhịp thở gấp của chúng ta sẽ tỏa ra nhiều CO2 hơn, chưa kể tới lượng acid lactic tuôn ra từ các tuyến mồ hôi, thế là…tiêu một đời hoa vì muỗi!

Cứ chích là không khá rồi, dù bằng kim hay bằng vòi của ong của muỗi. Da thịt người ta đang trơn tru bóng bẩy, chơi một lỗ hổng vào thì khá làm sao đặng! Vì vậy nói tới chích là chẳng có ai ưa. Vậy thì tại sao lại:

Lấy kim chích thịt thì đau
Lấy thịt chích thịt nhớ nhau suốt đời.

Bá láp!                                                                                               

12/2005