Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

NGỒI

Ngồi đâu sướng nhất? Ngồi sau ông quận công! Ngồi sau cái ông vốn được dè chừng là sướng nhất trên đời này là có quyền hưởng trăng thanh gió mát hoa đồng cỏ nội. Đó là chuyện xưa rồi. Ngày nay hầu như những chỗ ngồi thú vị như vậy không còn nữa. Nói hầu như  có nghĩa là cũng còn. Trên miền núi cao chẳng hạn. Nhưng cũng chẳng còn được bao lâu nữa. Bên Úc, ở New South Wales, có ngọn núi cao Kosciuszko, nơi mà những người thích chinh phục đỉnh cao thường leo lên để thử sức và thử lòng quả cảm. Ì ạch trèo lên một chiều cao chóng mặt như thế thường mất rất nhiều thời giờ. Cái bụng chịu gì nổi. Cứ núp sau anh quận công cho tiện việc nhà nước. Nhà nước dân chủ ngày nay lại không ưa những thần dân học đòi trở về thời vua quan nên cho ngưng trò… quận công!  Bắt vô chuồng phải vô chuồng / Cho trăng thanh mới được nhìn trăng thanh. Chuồng đang được xây dựng cấp tốc cho khỏi phiền cỏ cây.

Chuồng xí là danh từ ở miền Bắc hồi tôi còn nhỏ để chỉ cái chỗ ngồi ai cũng phải lui tới hầu như mỗi ngày. Căn nhà gạch to lớn tại một miền nửa quê nửa tỉnh sát Hà Nội không có chỗ cho một nơi ngồi cần thiết. Phải băng qua dãy nhà ngang, nơi có những chiếc cối xay lúa, cối giã gạo và từng chồng nong nia, phải đặt chân trên mảnh vườn khá rộng với những vườn cây ăn trái và những luống rau dài, phải tới sát bờ ao mới nhìn thấy một mái lá nho nhỏ, vách nan chỉ cao tới ngang bụng, phía trong là một cái hố lớn có những thanh gỗ bắc ngang. Không có cái riêng tư cần thiết cho một…phi vụ. Thấy có bước chân tiến tới thì phải lên tiếng cho biết là chuồng đang bận!

Cái cung cách tổ chức chỗ ngồi như vậy hình như không được cải tiến từ hơn nửa thế kỷ qua. Khi bộ đội miền Bắc vào miền Nam, họ vẫn mang cái não trạng phải phân biệt chỗ ở chỗ bài tiết. Trong “Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài”, Tạ Chí Đại Trường đã cố phân tích cái não trạng…kỳ cục này: “Sự phủ nhận mang tính cách trì níu bởi thói quen, bởi một tinh thần bảo thủ ghìm giữ họ trong sự lạc hậu, nhưng chính ở đó họ thấy thoải mái hơn, an tâm hơn… Còn ở đây, mỗi nhà gia binh đều có một cầu tiêu tự hoại, nhà trống rất nhiều, bộ đội chẳng đông bao nhiêu mà họ vẫn đào hố ngoài vườn, cắm ống sạc xuống để đi tiêu vào đấy, hưởng cái thú sau cái thú được chức quận công. Có điều giấy vứt bừa bãi, ruồi nhặng tứ tung khiến chúng tôi dọn vườn phải nôn ọe vì mùi tanh hôi.”

Không ai muốn làm cái việc thu vén những thứ cặn bã của con người. Ngày xưa, những công nhân đổ thùng vẫn bị coi là những người mạt hạng trong xã hội. Ngày nay ai cũng ngại  phục vụ người khác. Đám con tôi, lúc còn đi học, khi hè đến thường tìm việc để có thêm tiền tiêu vặt. Chỗ xin việc dễ nhất là các nhà hàng fastfood. Nhưng công việc thường bao gồm cả mục chùi nhà cầu. Phiền quá! Nên cực chẳng đã mới vào làm việc tại đây. Cực nhưng vẫn phải làm nếu không có chỗ nào khá hơn. Không phải đi làm nhưng hoàng tử Harry của nước Anh vẫn cứ phải chùi như thường. Chàng con vua cháu chúa 21 tuổi này đang theo học tại Học Viện Bộ Binh Sandhurst. Trong phần cuối của chương trình huấn luyện để trở thành một sĩ quan, các khóa sinh bắt buộc phải…xắn tay áo chùi cầu. Hoàng tử cũng chẳng được tha. Harry sẽ phải thi hành thủ tục này trước khi được nghỉ hè! Đưa cái tin…có mùi này là tờ báo News of World. Hoàng gia Anh coi bộ chưa được…văn minh lắm. Họ rất lấy làm phiền vì cái tin không lấy gì làm vẻ vang này. Và họ ra lệnh cho những người có trách nhiệm phải bít không cho báo chí dí mũi vào những chuyện như vậy!

Chẳng phải là hoàng tử hoàng tiếc gì, ông Tạ Chí Đại Trường cứ thoải mái viết sách kể về cái phi vụ Apollo của các sĩ quan quân đội cũ bị lùa vào trại tù học tập cải tạo. “Các thùng phuy được cắt làm đôi đặt trong conex có đà gác lên trên. Lúc thùng đầy thì hai người được cắt xỏ đòn vào quai sắt làm sẵn khiêng đi đổ. Chúng tôi gọi là “đi Apollo”… Một chuyến đổ thùng được ví von nên thơ là một “phi vụ”. Nhưng chất thơ chắc không đánh bạt được mùi hôi nồng nặc, không che lấp được bầy dòi loi nhoi lúc nhúc lan ra ngoài thành thùng, rớt lộp độp dưới đất, nhưng dù sao sự đùa bỡn - tất nhiên trước và sau lúc “bay” - cũng khiến người ta mạnh dạn thi hành công tác để rồi sau vài lần sẽ thấy là tự nhiên”.

Cái công việc cùng mằng ai cũng muốn tránh này có thực sự là công việc hạng chót trong nấc thang xã hội chăng? Chưa chắc! Tổ chức “Nhà Vệ Sinh Thế Giới” ở Singapore vừa thành lập một trường Đại Học chuyên về toilet đầu tiên trên thế giới. Họ đào tạo chuyên gia chuyên trị về mọi loại toilet khác nhau. Những “cử nhân toilet” được huấn luyện để có thể quản trị toàn bộ các công đoạn từ việc thay bóng đèn, sửa ổ khóa, sửa chữa vòi nước đến lau chùi một cách có kỹ thuật. Lương của họ có thể vượt mức một ngàn đô Mỹ một tháng. Khóa đầu tiên sẽ khai giảng vào tháng 10 sắp tới. Trong tương lai trường sẽ có các ngành thiết kế và kiến trúc toilet!

Trong những ngày đầu nơi tù cải tạo, thỉnh thoảng có một xe căng tin vào bán cho chúng tôi những nhu yếu phẩm. Chúng tôi từng tổ xếp hàng đi mua. Hầu như mỗi người đều ôm trong tay cuộn giấy đi cầu quý giá. Mấy anh quản giáo dương mắt ngạc nhiên nhòm. Nhưng họ không hỏi gì. Chỉ khi nói chuyện với một hai người họ mới…théc méc về cái sự lạ lùng kia. Khi chúng tôi cho biết đó là giấy đi cầu, họ bĩu môi lên giọng. Các anh đúng là tiểu tư sản, đi cầu mà cũng phải có giấy chùi riêng! Với họ, chỉ cần giấy báo là quá đủ rồi. Không có giấy báo? Hề chi! Cứ bứt lá cũng xong. Rồi chúng tôi cũng tới thời kỳ lá lẩu. Cây rừng thiếu gì, nhưng được lá chuối non là nhất, thứ thượng hảo hạng đấy! Việc chúng tôi trở về với…thiên nhiên vang ra tới xã hội bên ngoài. Trong các món thăm nuôi mà người nhà mang tới, món gì cũng được gói giấy báo lớp trong lớp ngoài. Để phục vụ phần dưới và sau thân thể! Trong truyện ngắn Mùa Thơm của Lê Lô trên Văn Học số 226, tháng 7 & 8/ 2005, tả lại sự tình bà chị đi thăm nuôi em. “Rồi chị lôi từ cái giỏ để dưới chân lên một cái túi ny lông gói trong giấy báo. Chị mở bọc giấy báo cũ vàng, trải lên bàn, lấy từng tờ ra, vuốt thẳng, miết ngón tay trên nếp giấy rồi cẩn thận gấp lại vuông vắn như khăn mui-soa. Tôi nhìn những ngón tay nứt nẻ của chị vuốt trên nếp giấy, đè lên những tít bài in đậm khẩu hiệu, các hình lãnh tụ tươi cười, các thành quả vang dội sau kế hoạch năm năm lần thứ nhất, và tinh thần hồ hởi của cả nước đang chuẩn bị tiến vô kế hoạch năm năm lần thứ hai. Chị nói dành cái ni cất đi mà lau đít. Nghe người ta nói trong ni lau bằng lá sao sạch.”

Từ một vị trí xa xôi hẻo lánh, chuồng được vào nhà lúc nào chẳng biết. Cũng chỉ mon men được tới rìa nhà, trong một vị trí kín đáo sau chiếc sân rửa. Dù sao cũng…ấm cúng hơn. Và tiện lợi cho các công nhân đổ thùng. Mai Kim gợi nhớ những ngày Hà Nội  trong cuốn Giòng Sông Đỏ. “Cầu tiêu vẫn là cầu tiêu thùng. Mỗi lần vào là cả một cực hình. Vừa nóng, vừa hôi lại có ruồi nhặng bay tứ tung. Cũng may là nhà ở phố Hàng Đào rất dài, cuối nhà ở ngõ Gia Ngư, nên người đi đổi thùng không phải đi qua nhà”.

Mon men vào được nhà, cái chỗ ngồi bon chen quá lắm. Nhích lên một chút, chúng nằm hiên ngang trong nhà. Nhích lên chút nữa, chúng cận kề với phòng ngủ. Từ một chỗ bị coi là dơ dáy bẩn thỉu, chúng đổi lốt thành một tiểu thư cành vàng lá ngọc. Chúng có vị trí trong đầu óc những người đi mua nhà. Mấy toilet, có một cái riêng trong master bedroom hay không? Đi coi nhà thì chúng được coi đầu tiên và là một trong những yếu tố chủ chốt trong quyết định mua hay không mua căn nhà đó!

Tiện nghi? Hắn là số một. Tiện lợi? Đó là cái mà người ta đang tiến tới. Trường Đại Học Vienna vừa nghiên cứu xong “toilet thông minh”. Bộ cái chỗ để ngồi lại có đầu óc nữa hay sao? Chứ gì nữa! Khi “khách” bước vào, nó đã biết kích thước để điều chỉnh tay vịn và độ cao thích hợp cho thân chủ. Khi khách đã nhẹ nhàng bụng dạ, nó biết là đã tới lúc tự động xả nước. Nhóm nghiên cứu gồm 10 chuyên gia dự định sẽ lấy bằng sáng chế và đi vào sản xuất. Hai loại điều khiển sẽ được sử dụng: hoặc bằng “thẻ thông minh”, hoặc bằng giọng nói!

Bên ta chẳng thua gì. Cũng nhà vệ sinh thông minh như ai! Sở Khoa Học và Công Nghệ Sài gòn, trong tháng 11/2005, đã thử thí nghiệm hai nhà vệ sinh công cộng thông minh miễn phí. Căn phòng nhỏ chỉ một thước vuông hoàn toàn tự động: tự động thu tiền, tự động đóng mở cửa, tự động đóng nắp bệ ngồi, tự động dội rửa, tự động khử vi khuẩn và mùi hôi bằng khí ozon!  Vì được thiết kế để dùng tại Sài gòn nên nhà vệ sinh công cộng này còn có một thứ tự động khác: trong phòng có một màn ảnh để người xử dụng có thể trông xe thông qua màn hình; nếu người lạ đụng vào xe thì sẽ có chiếc càng tự động kẹp bánh xe lại và hú còi báo động! Sau thời gian thử nghiệm, một số nhà vệ sinh tự động này sẽ được lắp đặt tại các địa điểm trong quận 1 và quận 3. Lúc đó thì hết miễn phí. Mỗi lần sử dụng, khách sẽ phải trả hai ngàn đồng. Giá thành khoảng sáu ngàn đô và độ bền là 20 năm!

Cái điện thoại nằm chết cứng trong nhà đã đi theo chúng ta bằng chiếc điện thọai di động. Còn cái chỗ ngồi thì sao? Cũng phải cho nó đi theo chứ! Công ty Daycar tại Broomsgrove ở Anh vừa cho ra lò cái chỗ ngồi di động. Nó theo chúng ta trên xe hơi. Tên nó là Indipod. Đừng vội nhăn mũi chứ. Cam đoan nó không làm phiền những người chung quanh. Khi không xử dụng, nó bằng kích thước một chiếc va ly nhỏ nặng 8 kí. Đó là một loại túi hơi như bong bóng. Khi vào việc người ta chỉ việc cắm vào chỗ châm thuốc lá trên xe để bơm nó lên với kích thước rộng một thước và cao một thước hai. Lập tức nó trở thành một căn nho nhỏ kín đáo cho khách…hành sự. Bạn là đồng hành trong xe chăng? Cứ yên tâm ngồi đọc sách như thường, không việc gì phải bịt mũi. Một loại hóa chất đặc biệt sẽ “nuốt” đi cái mùi thiên nhiên. Hãng sản xuất Daycar mới đây đã thực hiện một chuyến đi thí nghiệm kéo dài 7 ngày tại Ý mà mọi người không phải ra khỏi xe. Chỉ sau khi chuyến đi kết thúc , số chất thải trên xe mới được đổ đi. Indipod sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay với giá bán là 540 đô Mỹ.

Leo lên ngồi trên xe hơi, quá trình đi lên của cái chỗ ai cũng phải lui tới chưa phải là đường cùng. Nó leo cao hơn nữa. Leo tới…bàn ăn! Vừa phải thôi chứ! Ăn là giai đọan khởi đầu còn ngồi là giai đoạn cuối, cách chi mà…đốt giai đoạn được. Vậy mà cái chỗ ngồi nó…cách mạng được đấy. Nó bắt đầu nơi đất Tầu tổ sư ăn uống. Đầu têu là anh chàng Eric Vương, một nhân viên ngân hàng. Anh chàng trẻ tuổi dám nghĩ dám làm này đã tung hê cái chỗ ngồi tiện nghi trong nhà băng để xông pha vào nơi…tanh tưởi. Ý tưởng kỳ quái của chàng Vương phát xuất từ một câu chuyện khôi hài rất phổ biến ở Nhật. Chuyện kể một con búp bê robot chỉ thích sực phàn món bã người đựng trong bánh kem có hình con ốc. Eric Vương muốn chứng minh câu chuyện tưởng như đùa này. Anh đi bán kem đựng trong bánh có dạng hình bồn cầu trên đường phố Cao Hùng, Đài Loan. Người ta xúm lại mua kem bồn cầu. Mỗi ngày anh bán được cả ngàn…bồn dù anh đã bán mắc hơn loại kem thường từ 5 đến 10 đồng mỗi cái. Bốn tháng sau, anh tiến lên một mức. Khai trương nhà hàng Marton Theme vào tháng 5/2004. Cái tên Marton được nhái theo âm Matong của tiếng Hoa có nghĩa là “nhà vệ sinh”. Tất cả tô, đĩa, chén trong nhà hàng đều được làm theo hình dáng cái bồn cầu Tây phương hoặc bệ xí chồm hổm của Nhật. Thực khách kéo tới nườm nượp để được thưởng thức…đặc sản được đựng trong những bồn cầu cẩn hoa và vỏ sò, bồn tắm nhiều màu sắc; vòi nước , kiếng soi, màn tắm trang trí như trong một tiệm bán thiết bị vệ sinh.
Từ cái thân phận bị hắt hủi ngoài góc vườn, anh toilet đã xâm nhập vào trong nhà và nằm yên ấm bên cạnh phòng ngủ, anh ấy đã bằng lòng chưa nhỉ? Tôi e rằng chưa. Anh ấy còn ngoi lên làm…văn hóa nữa! Một họa sĩ nổi tiếng tặng ông bạn thân một bức tranh ưng ý để bạn treo trong nhà. Khi họa sĩ tới chơi, ngồi ngoài phòng khách, có ý nhìn mà chẳng thấy tranh của mình đâu. Ngồi lâu, anh vào toilet mới tá hỏa khi thấy bức tranh yêu quí ngự trị trong đó. Anh tức giận, vấn ông bạn. Ông bạn điềm tĩnh trả lời. Nói thực với toa, chỉ treo ở trong đó moa mới có thời giờ ngắm tranh của toa. Moa quý tranh của toa lắm đó!

Nhà văn Võ Phiến là một người có những nhận xét rất tinh tế. Ông phân vân tại sao ngày xưa trong nhà thường có một phòng đọc sách mà ngày nay, dù nhà sang trọng và rộng rãi đến thế nào chăng nữa, cái phòng văn hóa này hầu như biến mất. Ông đã diễn tả nỗi mất mát này trong câu chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. “Thành thử cái sự kiện con người xa sách, nó không phải chuyện bất thường, tạm bợ, ngẫu nhiên. Xa này là xa hẳn, là dứt khóat. Sự xa rời ấy đã ăn vào nếp sống, vào tập tục ngày nay, nó âm thầm ảnh hưởng tới quan niệm của ngành kiến trúc mới lúc nào không ai hay. Cái sự mất đi phòng sách là sự quan trọng: mất phòng là mất đền, mất đạo. Bất luận cái phòng ấy chứa đựng một nội dung phong phú hay nghèo nàn, nó tiêu biểu một nhu cầu. Không còn nó nữa là không còn một nhu cầu”. Vậy thì sách báo, chúng nằm ở đâu? Cũng chính nhà văn Võ Phiến đã điều tra ra nơi ở mới của…văn chương. “Ở Mỹ bây giờ thỉnh thoảng bên mép bồn tắm có tờ tạp chí đặt úp mặt xuống để làm dấu một trang đang đọc lỡ dở, thỉnh thoảng trên nắp thùng nước ở cầu tiêu cũng có cuốn sách bị bẻ gấp một trang đánh dấu đang đọc…” (Đàm Thọai, nxb Văn Mới)

Hóa ra là thế! Lui tới nhà bạn bè, người thân, tôi cũng đã nhiều lần thấy sách báo ẩn núp trong nhà cầu. Thấy thường quá cũng phải sinh ra thắc mắc. Tại sao cái nhà cầu lại tham lam quá đáng như vậy? Vấn một anh bạn sau khi giật nước đi ra. Nói thực với toa, moa thấy đọc sách trong lúc ngồi đồng là thú vị nhất! Vấn một anh bạn khác. Toa nghĩ thử coi, chỉ có lúc ngồi trong đó mình mới có thời giờ ngó qua sách báo, ngoài lúc đó ra, giờ đâu? Tôi ngẫm nghĩ. Chịu. Trả lời chi được khi chính mình sáng sáng cũng vớ vội tờ báo trước khi vào chỗ ngồi mà cũng chỉ đủ thời giờ liếc qua được mấy hàng tít chính. Ông anh tôi mỗi khi chạy vào nhà…kín, dù khẩn cấp thế nào đi chăng nữa, cũng phải vơ vội được một cuốn sách trước khi khép cửa. Vừa ấy vừa đọc thú vị lắm, cậu cứ thử coi thì biết!

Cái đứng hạng chót trong tứ khoái ngày nay lại bầu bạn mật thiết với văn hóa đến như vậy chăng? Văn hóa phải chăng đã xếp hàng thành…đệ ngũ khoái?

Còn cái khoái làm thơ của các thi sĩ của chúng ta phải chăng cũng bít bùng trong toilet?

Làm thơ ơi hỡi làm thơ
cầm lên bỏ xuống một tờ giấy trơn
nước đâu tắt nghẽn giữa bồn
mẹ ơi, cá mú làm răng chết chìm?
(Hoàng Xuân Sơn)

09/2005