Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

TÂY

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
(Nguyên Sa)

Chẳng cần đợi tới đầu thập niên 1960, khi Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng mang về một không khí Tây trong thơ của họ, dân Việt chúng ta mới mơ tới trời tây. Tây hình như vẫn là những đọt nắng rất vàng, rất trong, rất mộng mơ trong mỗi chúng ta. Hầu như chúng ta đều có một ước mơ trong lòng là một ngày nào đó được đi Tây. Paris lấp lánh như một viên ngọc ngoài tầm tay với của mỗi chúng ta. Những Eiffel, Luxembourg, Seine, Notre Dame, Quartier Latin, Moulin Rouge…chưa một lần gặp gỡ mà như đã thân quen. Mười năm trước, khi lần đầu đặt chân tới Paris, tôi một mình vác bản đồ, lấy metro hăm hở sục sạo chốn kinh kỳ, không như một du khách đi khám phá một thành phố lạ, mà như một người tìm về chốn thân quen. Tháp Eiffel quen thuộc, vườn Luxembourg như còn bóng dáng chú học trò lưng đeo cặp tới trường trong truyện của Anatole France, những nghệ sĩ bán tranh trên những chiếc cầu vắt ngang dòng Seine như cũng đã từ lâu đứng đợi tôi đến, và khi hì hục leo không biết bao nhiêu bậc thang lên tới gác chuông của nhà thờ Notre Dame thì ông Quasimodo đã vắt vẻo đu trên giây chuông.

Từ giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, Nhất Linh đã Tây du. Ông cũng như đã không phải là đi, mà là về. “Buổi sáng, sau khi đã đi thăm các hàng cà-phê một cách quá ư cẩn thận, chúng tôi lượn ra bờ sông Seine mua sách và qua cầu xem các bảo tàng. Buổi trưa ăn cơm Tàu rồi, chúng tôi vào vườn Lục Xâm Bảo (mà chúng tôi gọi là vườn Tỉm Sấm Páo cho có vẻ Tàu) để ngắm “lá cây rơi từng chiếc một trên vai trắng các bức tượng” như nhà văn Anatole France đã viết. Phiền một nỗi lúc đó về mùa hạ, lá cây không rơi. Thất vọng, chúng tôi bèn tự an ủi bằng cách nhìn vai trắng xóa phấn của các bức tượng hoạt động. Tối đến, chúng tôi đi xem các bộ giò có tiếng ở các nhà hát và ở các rạp chiếu bóng” (Đi Tây). 

Buổi tối, tôi cũng đi coi giò coi cẳng các vũ nữ ở Moulin Rouge. Ngắm các nàng giơ chân giơ cẳng trong điệu French Cancan thấy hình như quen quen. Không quen sao được khi cũng chân cũng cẳng đó tôi đã bao lần thấy trên màn ảnh từ những ngày còn ở Việt Nam. Chẳng cứ ở Việt Nam, văn hóa Pháp đã được mang đi bán rao khắp thế giới. Thứ văn hóa…ngực trần là một đặc điểm của Paris. “Đến ngày nay đoàn vũ Lido, các cô Blue Bell Girls, đoàn vũ Moulin Rouge, các cô Doris Girls, vẫn tiếp tục sang Nevada trình diễn ở Ceasar’s Palace, ở Sahara Hotel để khuây khỏa phần nào nỗi buồn của những kẻ thua bạc. Chỉ khác có cái là luật lệ Nevada  nghiêm khắc, bạn có đựơc xem những show này ở Vegas cũng không được thấy đầu vú hồng như ở ngay Paris. Bên Mỹ người ta nhã nhặn bắt mang vỏ sò, ngôi sao lấp lánh ở trên ngực, áo quần bớt hở hang hơn, có thế thôi, ngoài ra cái gì cũng giống khi những đoàn vũ chính hiệu này lưu diễn sang đây.” (Đỗ Khiêm, Ký Sự Đi Tây).

Đó là chuyện của những năm đầu thập niên 1990. Ba năm trước đây, khi thế kỷ mới vừa tròn 3 tuổi, tôi đã có dịp xem một show ở Las Vegas, cả trăm cô gái mơn mởn chẳng vỏ sò, chẳng sao siếc gì, cứ thản nhiên nhảy múa phô diễn đầu ngực với những nụ cười tươi như hoa. Paris ở Nevada y chang Paris ở Paris! Cũng như Paris trong đầu mỗi người Việt chúng ta vẫn cứ rặt…tây! Tây ngoài trời cũng như tây trong lòng. Nhà văn Phạm Phú Minh, trong ký sự Đi Tây, viết năm 1997, đã mơ màng giữa Paris và Saigon. “Buổi chiều mưa đó ở Paris, tôi che dù đi hơi lầm lũi thì thoáng thấy bên kia đường một cửa kính lớn trên có dòng chữ: Aux Ciseaux d’Art, cái này tôi đã thấy nhiều lần vào những năm xưa chỗ gần Tòa Đô Chính Sài Gòn đi về phía đường Tự Do, tôi tiếp tục đi mấy bước nữa thì quả nhiên gặp ngã tư, và tôi hoàn toàn có cảm giác đang đứng tại phố cũ hè xưa Lê Thánh Tôn với Tự Do, tôi sắp bước vào quán La Pagode để uống cà phê trong một buổi chiều mưa. Ảo ảnh, ảo giác hiện lên như trong một giấc chiêm bao. Nhưng tôi vẫn tỉnh để nhận ra rằng đúng Paris và Sài gòn là những người anh em cùng cha khác mẹ, cái cảm giác quen quen tôi nhận thấy từ ngày đầu khi mới đến bây giờ tôi đã tìm thấy nguyên do. Người Pháp đã xây cất Sài gòn với rất nhiều hình ảnh của Paris… Cảm giác giống đến rất đột ngột, bỗng dưng đang đi tại một chỗ nào đó giữa Paris, cảnh vật và sự cảm nhận của tôi chớp một cái, lập tức tất cả biến thành Sài gòn. Sự phù phép ấy diễn ra rất nhanh, có thể chỉ trong sát na, nhưng rất triệt để, tôi đã “về” lại Sài gòn chớp nhoáng như một linh hồn từ cõi âm được xẹt về thăm cõi dương, nhìn thấy mọi cảnh trí, mọi sinh hoạt quen thuộc mà mình hằng tham dự xưa kia”.

Thì ra là thế. Chúng ta đã bị nhiễm chất tây từ văn hóa tây, từ nền giáo dục tây trong suốt trăm năm bị đô hộ. Căn bệnh tây đó đến nay vẫn còn, mặc những đổi thay của thời thế, mặc những biến thiên của cuộc sống, mặc những đổi thay của con người. Dân Việt Nam ở trong nước ngày nay vẫn nhìn về Tây với ánh mắt nể phục. Cứ tây là nhất! Có điều tây ngày nay chẳng chỉ là Paris, chẳng chỉ có nước Pháp, mà là tất cả những quốc gia nằm bên trời tây, những con người mắt xanh da trắng, những lề thói ứng xử văn minh. Tây vẫn cứ…tây!

Ăn như Tây, ngủ như Tây, mặc như Tây, nói như Tây, làm như Tây…mới là sang. Như cô sinh viên năm cuối của một trường ngoại ngữ tên Lan. Báo chí nêu tên cô…đầm nước mắm này như một điển hình. Chỉ có tên không, không có tên họ, nhưng có cái biệt danh đi kèm: Lan Tây! Biệt danh này cô được bạn bè tặng cho từ lúc còn học lớp 8. Chúng ta thử theo chân cô đầm lô-canh điển hình này trong cuộc sống hàng ngày. Cô không thích học một cái gì khác ngoài tiếng Anh vì đó là chiếc cầu nối đưa cô tới chân trời tây. Mặc thì dĩ nhiên phải đồ tây rồi. Kẹt một nỗi vì không đủ tiền nên cô chỉ có thể sắm được đồ second hand mà danh từ hiện đại bên Việt Nam kêu là đồ sida! Ở nhà, dù vẫn ăn chung mâm với cha mẹ, cô vẫn…khẳng định nét tây bằng cách dùng một mình một muỗng, một đĩa. Và cô không bao giờ ăn nước mắm! Tây mà!

Cũng tây như tây là Thúy. Mê cách phát âm tiếng Mỹ cho thật Mỹ, cô bắt bồ với một anh chàng Mỹ để học cho kỳ được cách phát âm mà cô cho là “vừa thoáng, vừa nhanh, vừa hiện đại”. Kết quả: tây quá sức là tây! Cô mở miệng ra nói bất cứ tiếng gì, Việt cũng như Mỹ, cô không bao giờ quên thêm vào cuối chữ một âm “s” rõ ràng một cách rất tây! Về mặc thì cô lại thích mặc theo…tây loại Anh. Vì cô cho rằng người Anh ăn mặc “vừa lãng mạn, vừa thanh lịch”. Kết quả: trời nắng chang chang đến chảy mỡ mà cô vẫn cứ khoác lên người những bộ đồ ấm, theo kiểu Anh! Cô có một nỗi buồn phiền là bàn chân nhỏ quá, không được giống chân tây, nên mỗi khi đi mua giầy là một nỗi khổ tâm. Bù lại, cô ăn như tây, uống như tây, trò chuyện như tây. Vì: “Đứng với họ, tôi thấy tự tin và thoải mái vô cùng!”

Anh Trần Quốc Kế thì đã ở Mỹ thật. Vốn là con nhà nghèo, anh theo học Đại Học được là do tiền chu cấp của cô bồ Lê Thúy Quỳnh. Hai người yêu nhau khi cả hai mới 20 tuổi. Rồi cũng chính gia đình của bồ lo cho anh đi Mỹ du học. Năm 2000, anh vinh quy bái tổ với tấm bằng Thạc Sĩ. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa: hai người tình mười năm nắm tay nhau về chung sống. Mười năm yêu nhau, thành hôn với nhau, sống với nhau rồi chị Quỳnh mới thấy không phải mình vừa cưới người yêu mười năm cũ mà là cưới một…ông Mỹ! Chị than thở: sau 7 năm sống ở Mỹ, anh ấy đã trở thành một người khác. Ăn cơm là phải có rượu ngoại. Mà phải ăn theo lối Mỹ. Chị vợ thích ăn cà ăn mắm, anh bực mình. Chị phải nhịn, không bao giờ dám…quốc hồn quốc túy bày ra trong bữa ăn. Chơi thì anh cũng chơi theo lối Mỹ. Khiêu vũ, quần vợt với những bạn gái đồng sự. Lại còn quàng vai bá cổ thân mật với họ trước mặt vợ. Chị phản đối thì anh chê chị nhà quê: việc này bên tây là bình thường chứ có gì đâu! Không chịu nổi ông chồng tây hơn tây, sau bốn năm chung sống, chị đành phải bai bai anh Mỹ con!

Ngược lại, anh Lê Minh Phú, Giáo viên cấp ba ở Gò Vấp, lại cưới phải một cô đầm. Dĩ nhiên là đầm lô-canh! Chị Dương Ngọc Lan. Nghề nghiệp: hướng dẫn viên du lịch các tour dành cho người ngoại quốc. Về nhà chị cứ tiếng Hồng Mao mà…sủa! Nói chuyện điện thoại với bạn bè chị cũng cứ uốn giọng như đầm. Đầm thì không nấu ăn, đó là…chân lý! Chị chỉ đi siêu thị mua những món ăn nhanh. Ăn mặc thì mát mẻ như tây. Áo hai dây đưa ngực ra, váy cũn cỡn, cười nói tự nhiên với đám tây ba lô. Ngứa mắt, anh Phú phàn nàn. Chị vấn lại: sao anh còn trẻ mà thủ cựu như vậy? Nói thế nào đi chăng nữa thì anh Phú cũng chẳng xua được chất tây của vợ. Họ trở thành hai hành tinh: một mặt trăng và một mặt trời!

Tây như vậy đã ăn thua chi. Đã tây thì phải tây cho tới ngọn nguồn lạch sông, đó là…triết lý của những nàng Sài gòn bây giờ. Mặc đồ hàng hiệu, nhuộm tóc nâu họa mi, cưỡi xe Dylan, đeo nhẫn hột xoàn, đủ chưa? Chưa! Như vậy mới chỉ là dân chơi nửa mùa. Dân sành điệu không cần những thứ vớ vẩn đó. Chỉ cần có một anh bồ tây chính hiệu, ôm hôn nhau ngoài đường như tây. Đó mới là dân chơi chính hiệu! Phong trào bắt bồ với tây chắc làm phiền lòng mấy anh thanh niên bản xứ. Nhưng, theo người đẹp Thanh, một nhân viên bán mỹ phẩm ở một trung tâm thương mại tại Sài gòn thì, “đàn ông Việt Nam chán chết, lúc nào cũng khắt khe, em không nên nói như vậy, em không được làm như thế. Chán! Trong khi các anh Tây vừa đẹp trai, vừa ga lăng, lại dễ tính, cứ thoải mái chẳng phải giữ ý giữ tứ gì cả. Ai hơn?” Thanh bắt bồ với một anh Mỹ. Thú vị lắm chứ. Này nhé, anh ấy chẳng bao giờ tò mò hỏi chuyện gia đình em, mặc gì anh ấy cũng khen đẹp, ngày nào cũng điện thoại hỏi thăm “tám chục bận”, đi chơi bên nhau, thiên hạ lác mắt ghen tị hết. Còn tương lai? Mặc kệ! Cứ chơi cho biết mùi Tây đã, chuyện cưới hỏi thì hậu xét!

Chuyện…biết mùi Tây này có một nạn nhân: nhà văn Nguyễn Thụy Long. Ông kể lại chuyện đau khổ riêng của ông trong “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút”. “Vợ tôi có mộng đi ra nước ngoài để mở tầm mắt nhìn thế giới, nhìn văn minh loài người không phải người Việt Nam. Vợ tôi đưa ra một đề nghị mà người chồng Việt Nam nào cũng phải thất kinh. Bắt chồng phải ly dị để làm hôn thú với ngoại kiều, chẳng biết một anh lính Mỹ, anh tây hay anh thợ điện Phi Luật Tân nào đó. Để ra đi hợp pháp. Dĩ nhiên tôi không thể chấp nhận đề nghị đó, một đề nghị tàn nhẫn, vô nhân đạo, cạn tàu ráo máng, bôi cứt vào mặt chồng. Thuở đó miền Nam này việc đi lấy Mỹ, lấy ngoại kiều là điều không tốt đẹp gì, một việc bần cùng bất đắc dĩ, việc làm vì hoàn cảnh. Gia đình tôi không đến đỗi ở trong hoàn cảnh đó. Ông Chu Tử, chủ nhiệm của tôi, người bố nuôi của vợ tôi, ông là nhà văn, tâm hồn phóng khoáng. Ông phải la vào mặt tôi:
- Anh nên nhớ rằng người ta lấy đĩ về làm vợ, không ai lấy vợ về cho đi làm đĩ. Nếu anh chiều theo ý cô ấy, tôi không biết anh là con người gì. Anh bôi cứt vào mặt anh, vào liêm sỉ của anh mà sống được à? Chuyện này không thể được!”

Chuyện những nàng Huyền Trân tự nguyện là một chuyện dài xuyên qua một cuộc đổi đời. Cũng đau lòng các anh chàng Trần Khắc Chung lắm chứ! Các anh cũng đổi đời! Lấy chồng tây coi bộ dễ hơn lấy vợ đầm. Nhưng khó thì khó, lúc cần thì thanh niên ta cũng…vọng ngoại như ai. Nguyễn Trọng Tài là một. Anh chàng thanh niên 28 tuổi này, tuy là con nhà nghèo, cha mẹ làm nghề nông, lại đông anh chị em, nhưng vẫn cương quyết đi theo…đầm. Bởi vì anh muốn có một cơ hội vùng vẫy trên những miền đất đầy tuyết trắng. Anh cố công dùi mài kinh sử và tốt nghiệp ngành Ngữ văn Anh tại trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn ở Sài gòn. Với vốn liếng ngoại ngữ đầy đủ, anh được nhận vào làm hướng dẫn viên tại một công ty lữ hành quốc tế. Anh hướng dẫn khách du lịch nhưng đồng thời anh chú ý hơn tới việc hướng dẫn đời anh. Sau những thử thách, anh cua được một cô Mỹ hơn anh 5 tuổi. Họ thành hôn và anh thỏa mộng đi Mỹ. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, anh chẳng vẫy vùng được nơi xứ lạ quê người. Chỉ vỏn vẹn sau hai tháng hương lửa, anh đã bị vợ cho…xuống cấp thành một người giúp việc không lương. Sáu tháng cúc cung tận tụy với vợ, anh mới được vợ phát cho ít tiền gửi về giúp gia đình!

Không học thức như Nguyễn Trọng Tài, anh người mẫu tên Khánh, 24 tuổi, cũng bắt bồ được với một cô gái Thụy Sĩ bằng tuổi. Chỉ trong vòng ba tháng, họ cho nhau bàn tay. Anh hớn hở bay về quê vợ. Và vỡ mộng. Cuộc sống vợ chồng khác màu da, bất đồng ngôn ngữ, khác nhau cả về cách suy nghĩ, tâm lý, văn hóa và phong cách sống mang lại nhiều phiền toái. Anh kéo lê những ngày buồn nản nơi xứ người.

Ăn đồ tây là “mốt” của dân ta ngày nay. Các tiệm ăn Đức, Ba Tây đã góp mặt ở Sài gòn cùng với những nhà hàng Pháp, Mỹ. Hamburger, Hotdog, gà Kentucky cũng là những món thời thượng mang hương vị tây. Đức cũng tây vậy. Nhà hàng Đức Bảo của Đức trên đường Tự Do cũ có khoảng 60 món Đức như: xúc xích, xúc xích hun khói, bắp chuối heo nướng, thịt heo tẩm bột… Nhà hàng Brazil Churrascaria trên đường Trương Định thuộc quận 3 lại chơi một chiêu khác: tiệc buffet. Với 20 món thịt nướng trong đó có món trừu nướng nổi tiếng của Ba Tây và salad các loại, nhà hàng đã thu hút nhiều thực khách thích ăn tiệc mà báo chí trong nước gọi là “loại hình bắp-phê”. Tôi nhớ những ngày về Việt nam gần 5 năm trước. Lúc đó dân Sài gòn lên cơn sốt với loại hình bắp-phê thời thượng. Ăn sang là phải xếp hàng tự lấy món ăn. Ăn như vậy mới là tây! Sang nên khi đi ăn phải mặc đẹp. Các bà thì áo đầm mốt nọ mốt kia. Các ông thì phải đóng nguyên bộ cà vạt com lê đàng hoàng. Hồi đó mời nhau đi ăn là phải ăn bắp-phê cho có không khí tây. Đi ăn xếp hàng ở bên đây chán, về Việt Nam chẳng được phanh áo đánh thịt cầy, mà cứ phải diện đồ bộ ăn xếp hàng. Chán mớ đời. Nhưng chung quanh mình người ta hồ hởi như thế mình chẳng nỡ…phá đám. Thì cứ cho mọi người hưởng không khí tây với nhau cho vui. Có một hôm, vớ tờ báo đọc, tôi thấy có một bài viết dạy người ta đi ăn bắp-phê. Và ông ký giả này đã có một lời khuyên ngộ nghĩnh: đi ăn bắp phê không cần phải mặc đồ lớn, chỉ cần thắt cà vạt là đủ!

Riêng tôi vẫn hoài nhớ tới một nơi chốn tây, rất tây là Đà Lạt. Không phải là Đà Lạt bây giờ. Mà là Đà Lạt trong trí tưởng. Đêm Noel, trời lành lạnh, sương mù giăng giăng khắp lối, chàng một bộ đồ nỉ, nàng co ro trong chiếc áo len phủ ngoài áo dài, tay trong tay dìu nhau tới một quán ăn tây nho nhỏ, chọn một chiếc bàn sát lò sưởi. Tiếng củi thông kêu tí tách cùng tiếng nhạc Noel nhè nhẹ vang vang. Chàng say ánh lửa nhảy nhót trong mắt nàng. Một chút rượu màu hổ phách, một chút cho vừa đủ hây hây đôi má vốn đã mơn mởn hồng đào. Tây hết biết. Tây hơn cả Tây. Vì thứ tây này là tây vọng tưởng!

01/2006